Chương 1

Khoác túi xách lên vai, Tuyết Quỳnh vừa bước ra cửa vừa nói với bà Xuân đang rửa mấy cái thau, hộp ở vòi nước nơi góc hè gần đó:

– Con đi làm đây, má ạ.

Minh Trung đứng gần đó cũng lên tiếng:

– Chào cô, cháu đi!

Ném cho Minh Trung cái nhìn bằng nửa mắt, bà Xuân lạnh tanh:

– Ờ, đi làm xong về sớm chứ đừng bày đặt chơi long nhong tới khuya à nghen.

Tuyết Quỳnh nhăn nhăn:

– Con gần như thuộc lòng câu dặn dò này của má rồi. Hết giờ làm, mệt thấy mồ, con về nhà chứ còn đi chơi ở đâu nữa.

Nói xong cô đi ra sân. Minh Trung ra trước cô một phút và đang trở đầu chiếc Wave cũ kỹ.

Cô bước hẳn ra ngoài, thuận tay khép cánh cổng sắt nhỏ lại.

Nhìn theo con gái và bạn trai của nó, bà Xuân hừ một tiếng.

Việc rửa đồ của bà cũng đã xong. Bà Xuân đi vô nhà cất úp máy món đồ dùng lên kệ trong căn bếp chật chội.

Trên nhà, ông Xuân nằm võng, nói vọng xuống:

– Tôi thấy mình cũng nên bỏ giọng gay gắt với thằng Trung đi:

Bà Xuân đi lên, gắt gỏng:

– Thiệt ... tôi không hiểu tại sao ông cứ ủng hộ thằng đó. Thợ cắt uốn tóc thời bây giờ đông như kiến. Con Tuyết Quỳnh mà lấy nó thì thêm khổ chứ có tương lai gì?

Vẫn giọng điềm đạm, ông Xuân nói tiếp:

– Hàng ngày xem tivi bà cũng thấy mà. Không ít người trở nên nổi tiếng nhờ nghề cắt uốn tóc và trang điểm. Thằng Trung là đứa chăm chỉ và khéo tay. Tôi tin tương lai nó sẽ thành công.

Bà Xuân xua tay:

– Thôi thôi đi! Đây là thời nào rồi mà ông còn ở đó mơ mộng xa vời. Cứ cầm phần chắc nó phải đi làm thợ cho người ta chừng năm bảy năm thôi cũng đủ con gái mình phải khổ rồi!

Ông Xuân cự nhẹ:

– Bà nói nghe kỳ quá! Hổng lẽ con Quỳnh ngồi nhà ở không cho chồng nuôi. Nó cũng phải đi làm chứ 1 – Ừ, thì con Quỳnh dĩ nhiên cũng đi làm. Nhưng quan điểm của tôi bao giờ người chồng cũng phải là trụ cột của gia đình, đủ khả năng bảo bọc vợ con. Như ... ông vậy đó.

Ông Xuân nén tiếng thở dài. "Như ông"! Nhưng rốt cuộc bây giờ ông trở thành gánh nặng của vợ con.

Bà Xuân phẩy tay, giọng thật tự tin:

– Mà thôi! Ông đừng lo nghĩ đến chuyện của Tuyết quỳnh làm gì. Cứ để đó tôi lo. Tôi nhất định sẽ làm cho nó được hạnh phúc!

...

Bên ngoài đường, Minh Trung cũng đang than thở với Tuyết Quỳnh về mẹ cô:

– Em thấy đó! Mẹ em không thích anh dù chỉ một phần trăm!

Tuyết Quỳnh siết nhẹ vòng tay ôm ngang hông Minh Trung, áp mặt vào lưng anh:

– Thì anh cũng biết vì má em sợ em sau này cực khổ mà. Muốn má thay đổi cái nhìn thì anh hãy cố gắng nhiều lên đi!

– Ừ, đương nhiên là anh phải cố gắng rồi. Chắc chắn sau này mẹ em sẽ có cái nhìn về anh khác hơn bây giờ.

Minh Trung đưa Tuyết Quỳnh đến cửa hiệu photo. Không như mọi ngày, cánh cửa sắt chỉ mở hé một chút.

Minh Trung nói:

– Hơi lạ! Hình như chị Lý không định mở cửa đón khách hàng thì phải.

Tuyết quỳnh xuống xe:

– Anh chờ em một chút. Để em hỏi chị Lý xem ...

Tuyết Quỳnh vào nhà. Đúng hơn đây chỉ là căn phòng rộng không quá mười mét vuông, dành chỗ cho hai máy photo, một máy vi tính và máy in. Có hai kệ gỗ để giấy và một số vật dụng.

Lý đang cắt những tờ kết quả xổ số. Tuyết Quỳnh cởi túi xách:

– Chị để đó em làm cho ... Mà sao chị không mở cửa?

– Lý sắp lại mấy tờ giấy, đáp:

– Hôm nay đóng cửa về sớm Quỳnh à. Nãy giờ chị gọi cho em, định bảo em không cần phải tới. Nhưng chị không liên lạc được với em.

Tuyết Quỳnh sực nhớ ra:

– Em quên! Từ sáng đến giờ em tắt di động. ủa mà ...

Lý giải thích:

Dưới quê cô chuyện. Cậu của chị gọi điện bảo chị đưa mẹ chị về gấp để giải quyết.

Cho nên chị phải cùng vớí mẹ về quê ngay!

Tuyết Quỳnh nghe, rất tò mò muốn biết gia đình chị chủ có chuyện gì cấp bách, nhưng cảm thấy Lý không thích nói ra nên cô không hỏi mà nói:

– Dạ, Chị có việc thì cứ đi. Cửa hàng giao cho em, em sẽ làm tốt mà.

Lý gật đầu:

– Chị rất tin vào khả năng làm việc của em. Nhưng không có chị ở đây thì cũng hơi vất vả cho em. Cho nên trước khi chị quay về em chỉ cần làm ban ngày và đóng cửa trước bốn giờ chiều. Cuối tuần khỏi mở cửa nhé!

Dạ, em sẽ nghe theo lời chị.

Vậy là được về sớm!

Minh Trung tự nãy giờ ở bên ngoài chờ Tuyết Quỳnh. Thấy cô đi ra, phụ Lý đẩy cửa khoá lại thì hơi ngạc nhiên.

Lý cười, bảo Minh Trung:

– Hãy còn sớm, cậu chở Tuyết Quỳnh dạo chơi một vòng được đó. Chúc hai cô cậu vui vẻ nhé.

– Dạ, cảm ơn chị ....

Lý lái xe đi trước.

Nhìn theo chị. Minh Trung hỏi Tuyết Quỳnh:

– Sao lại đóng cửa nghỉ sớm vậy em?

– Chị Lý phải về quê ngay tối nay. Hình như gia đình họ có chuyện rất quan trọng và cấp bách. Cô lẽ chị ấy đi ít nhất cũng cả tuần nên dặn em cuối tuần nghỉ. Còn thường ngày thì về sớm, trước bốn giờ chiều.

Đoạn cô chép miệng:

– Coi như mất hết một mối Fax kết quả xổ số!

Minh Trung cười:

– Người ta là chủ mà không sợ bị mất mối hàng thì em lo gì!

Tuyết Quỳnh cười theo anh:

– Thì tự nhiên nói vậy thôi!

– Bây giờ mình đi đâu hở em? Chị Lý nói cũng phải. Không lẽ còn sớm như vầy mà quay về nhà?

Hơi ngần ngừ một chút, Tuyết Quỳnh nói:

– Anh đưa em đi đâu thì em đi đó. Nhưng trước hết anh phải chở em đem giao mớ giấy photo này đã.

– Giao cho đại lý ở đầu đường bên kia phải không em?

Tuyết Quỳnh khen:

– Anh giỏi lắm! Xứng đáng được mười điểm.

Minh Trung cười, giục cô lên xe. Vừa cho xe chạy, anh vừa suy nghĩ xem khoảng thời gian vàng ngọc còn lại sẽ dùng vào việc gì.

Sau khi Tuyết Quỳnh giao số giấy photo cho đại lý vé số, Minh Trung bảo cô:

– Em lên xe đi! Anh sẽ đưa em tới tiệm làm tóc ...

Tuyết Quỳnh ngạc nhiên:

– Tới đó làm gì anh?

– Dĩ nhiên là để làm đẹp cho mái tóc của em rồi.

– Tự nhiên lại làm tóc! Anh có bị làm sao không vậy?

– Em nghĩ anh bị làm sao nào? Mới vừa rồi anh nghe em nói anh chở em đi đâu thì em đi đó mà? Bây giờ đổi ý rồi sao?

– Không phải là đổi ý. Em chỉ cảm thấy như vậy hơi kỳ kỳ làm sao ấy! ít nhất anh cũng phải giải thích cho em biết lý do chứ!

Minh Trung cười:

– Thứ nhất, anh muốn em thấy tay nghề của anh lúc này. Thứ hai là ... giữa một buổi chiều đẹp như vầy anh muốn vẻ đẹp của em càng được tôn lên thêm!

Tuyết Quỳnh nhăn nhăn:

– Bộ cứ để như vầy thì em hổng có đẹp hả?

– Tất nhiên em lúc nào cũng đẹp. Nhưng cô cơ hội và điều kiện để tôn lên thêm thì tại sao chúng mình lại bỏ qua chứ?

Minh Trung chở Tuyết Quỳnh đến cửa hiệu cắt uốn tóc nơi anh học nghề xong và bây giờ đang làm thợ ở đây.

Xế chiều cuối tuần, các bà, các chị ghé vào khá đông. Họ o bế dung nhan để đến dự những tiệc cưới, hỏi, sinh nhật ...

Anh thợ chính tên Phong hỏi ngay khi Minh Trung vừa đẩy cửa bước vào tiệm:

– Ủa! Hồi trưa cậu nói chiều chở Tuyết Quỳnh đi chơi, sao bây giờ còn quay lại?

Minh Trung nhìn vào phía trong:

– Bà chủ đâu rồi anh Phong?

– Giờ này bà chủ còn ở đây chờ cậu chắc? - phong đáp.

Minh Trưng cười hề hề:

– Vậy thì coi như anh không biết gì nhé!

Phong liếc ngang, hừ khẽ:

– Ta biết chú mày tính làm gì. Thì cứ làm đi, đừng nhiều chuyện!

Minh Trung mở rộng cửa bảo Tuyết Quỳnh:

– Vô đi em!

Tuyết Quỳnh rụt rè bước vào và nghiêng đầu chào mọi người.

Minh Trung tranh thủ kéo cô vào chiếc ghế còn trống ở phía trong, ấn ngồi xuống rồi choàng tấm khăn quanh người cô. Anh bắt đầu việc cắt tỉa, sấy, chải bới tóc cho Tuyết Quỳnh một cách nhanh nhẹn và điệu nghệ. Chỉ hơn mười phút sau, kiểu tóc mới làm Tuyết Quỳnh kiêu sa hẳn lên. Song bộ đồ cô đang mặc:

quần Jeans lửng, áo sơ mị ....có vẻ xoàng xĩnh, tạo cho người nhìn ngắm có cảm tưởng cô là tiểu thư đài các trốn ra ngoài để tìm tòi khám phá cái vui cái lạ của xã hội. Sự đối lập có về đột phá, lạ lẫm và đầy sức hút!

Tháo tấm khăn choàng, Minh Trung nhẹ xoay chiếc ghế Tuyết Quỳnh ngồi một vòng và gọi Phong:

– Anh Phong cho ý kiến đi!

Phong lại gần:

– Khá lắm! Tuyết Quỳnh bây giờ trông lạ và rất có cá tính!

Minh Trung tạo cho Tuyết Quỳnh kiểu tóc uốn lọn nhẹ nhàng buông lơi qua một bên vai. Phía trước trán được chải tém sang bên phải. Chiếc kẹp vắt có hạt sáng lóng lánh càng tôn thêm màu tóc nhung huyền óng ả.

Tuyết Quỳnh mân mê một lọn tóc ngập ngừng:

– Em thấy kiểu này ... có vẻ cầu kỳ quá!

Phong phẩy tay:

– Chẳng cầu kỳ gì cả! Rất hợp với Quỳnh. Đẹp lắm! Bây giờ hai cô cậu đi chơi, nếu không có ai khen thì quay lại đây tôi đền cho.

Tuyết Quỳnh bật cười.

Cũng nhanh như như lúc đến, Minh Trung kéo Tuyết Quỳnh ra ngoài.

Quỳnh chỉ có vài tiếng đồng. Anh phải tranh thủ khoảng thời gian này.

– Đi nào!

– Chúng mình đi đâu? - Cô hỏi.

Anh đáp:

– Thì cứ chạy lòng vòng đã. Anh muốn khoe người yêu mà.

Ngồi lên phía sau, vòng tay ôm anh, Tuyết Quỳnh cười khúc khích:

– Chứ không phải anh muốn khoe với thiên hạ tác phẩm anh vừa mới thực hiện xong à?

Minh Trung hỏi lại:

– Nhưng em cũng phải công nhận là nó đẹp chứ bộ?

– Ừ, anh thì giỏi nhất rồi!

Tuy thích lời khen ngọt ngào của Tuyết Quỳnh nhưng Minh Trung khẽ lắc đầu:

– Không đâu! Anh còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Có lẽ độ vài tuần sau anh Sẽ theo học khoá trang điểm. Anh Phong hứa với anh rồi, ảnh giới thiệu cho anh một thầy nổi tiếng!

Tuyết Quỳnh nói ngay:

– Thời gian học, trang điểm trên người mẫu thì em không tính. Nhưng sau khi học xong thì người để anh trang điểm đầu tiên phải là em à nghen!

– Ừ, chắc chắn là vậy rồi. – Minh Trung hào hứng nói thêm - Nếu có điều kiện, anh sẽ học chụp ảnh nghệ thuật nữa!

Tuyết Quỳnh kêu lên:

– Tham lam vừa thôi chứ anh! "Nhất nghệ tinh" thì mới “nhất thân vinh”.

– Đồng ý? Như vậy không phải là tham lam đâu em à. Học tất cả các món đó thì mới dễ dàng quản lý một trung tâm dịch vụ ảnh cưới chứ!

– Anh nói sao? Dịch vụ ảnh cưới à? _ Tuyết Quỳnh băn khoăn.

Minh Trung nhấp thắng, mắt quan sát bên đường. Anh sẽ chia sẻ cùng Tuyết Quỳnh ước mơ của mình.

– Mình ghé vô quán kia một lúc nghe em?

– Quyền quyết định là của anh mà!

Minh Trung cho xe leo lên vỉa hè và dừng lại trước một quán giải khát rộng rãi thanh lịch. Ở đây, không chỉ các loại nước giải khát mà còn có kem - món khoái khẩu của Tuyết Quỳnh. Nhất là món kem sôcôla!

Biết vậy nên vừa chọn chỗ ngồi xong, Minh Trung nói:

– Để anh gọi kem cho em!

Một ly kem sôcôla với màu nâu hấp dẫn chạy đường xoắn ốo bên trong màu thuỷ tinh trong suốt, Nếu là người không khoái kem có lẽ cũng khó có thể làm ngơ ...

Minh Trung gọi cho mình ly cà phê sữa đá.

Có hai ba đôi trai gái vào quán và ...mấy anh chàng kia khi ngang qua đều liếc nhìn Tuyết Quỳnh.

Minh Trung chép miệng:

– Chà! Anh định khoe em nhưng bây giờ thấy có vẻ nguy hiểm quá. Thiên hạ chú ý đến em nhiều quá!

Mắt Tuyết Quỳnh lúng liếng:

– Anh cũng sợ mất em hả?

– Đương nhiên, có người yêu đẹp như vầy mà không sợ mất mới là lạ chứ!

– Nếu sợ mất thì anh hãy cố gắng giữ em nghen.

– Ừ, thì nãy giờ những dự định anh nói với em cũng là một cách để anh giữ em đó.

Anh nhất định sẽ thành công. Đến khi ấy thì má em chắc chắn phải nhìn anh bằng cái nhìn khác hơn bây giờ.

Tuyết Quỳnh nhỏ nhẹ:

– Cũng vì thương em, lo cho em nên má mới có thái độ như vậy. Anh đừng nghĩ là má em ghét anh.

Minh Trung thở hắt:

– Chưa bao giờ má em dành cho anh một giọng nói ấm áp và cái nhìn thiện cảm. Nói thiệt với em, nếu như bác trai cũng lạnh lùng như vậy thì anh chẳng còn lòng dạ và sự tự tin nào mà yêu em nữa.

Tuyết Quỳnh vuốt ve anh:

– Em hiểu mà. Thì bù lại em có ba em hậu thuẫn và tình yêu của em đây nè. Minh Trung nắm tay Tuyết Quỳnh. Bàn tay mềm mại, những ngón tay thon dài, móng không tô sơn trau chuốt nhưng vẫn xinh đẹp.

Tuyết Quỳnh để yên, tận hưởng sự ấm áp từ phía anh lan qua. Tương lai Minh Trung sẽ thành công và nổi tiếng. Khả năng chắc chắn là như vậỵ. Nhưng còn cô ... Bất giác cô khẽ thở dài.

Tinh ý, Minh Trung nhìn thấy nét mặt chợt kém vui của cô.

Anh hỏi:

– Em sao vậy? Tự nhiên sao cô vẻ băn khoăn lo nghĩ vậy?

Tuyết Quỳnh lắc đầu:

Đâu có lo nghĩ gì đâu!

Ánh mắt Minh Trung săm soi:

– Bày đặt giấu anh há. Trước đây hai đứa mình đã thoả thuận với nhau là có chuyện gì, có băn khoăn gì cũng đều cùng nhau chia sẻ mà.

Tuyết Quỳnh buồn buồn:

– Tương lai của anh coi vậy chớ mà sẽ sáng sủa hơn em ...

– Rồi! Lại nghĩ ngợi chuyện việc làm rồi hả? Anh nói với em hoài. Bây giờ em cứ lo cho tốt công việc em làm đi. Không cần khẩn trương lo lắng gì cả. Một khi thời cơ đến thì nó sẽ đến. Mà ... có khi sau này em chỉ cần ở nhà, giúp anh những việc lặt vặt là được rồi cưng ạ.

Tuyết Quỳnh cười. Minh Trung nói nghe đơn giản ghê! Anh là con trai duy nhất trong gia đình. Ba má Tuyết Quỳnh cũng chỉ có một mình cô là chỗ dựa sau này. Mà ba của cô lại đang bệnh nặng. Cái viễn cảnh Mỉnh Trung vừa mở ra có vẻ không mấy thuyết phục, không thể làm cô phấn chấn được.

Nhưng thôi! Dù sao hai người cũng đang đi chơi. Tuyết Quỳnh không muốn làm Minh Trung mất vui vì nỗi lo của mình.

Cô nói cho qua:

– Em biết rồi. Sau này anh là bóng tùng quân cho cát đằng em nép vào mà!

Minh Trung trao cô cái nhìn thật nồng nàn. Giá bây giờ đang ở một nơi vắng vẻ hơn và đã qua cái buổi hoàng hôn để anh được ôm ghì cô vào lòng và đặt lên môi cô nụ hôn nồng cháy.

Anh chỉ có thể siết nhẹ tay cô và bàn tay kia đưa lẹ lên búng vào chóp mũi xinh xắn của cô.

Không kịp né tránh, Tuyết Quỳnh lãnh trọn. Cô nhăn mặt khẽ càu nhàu:

– Anh này! Người ta nhìn kìa!

– Mặc kệ họ! Cứ để cho họ nhìn và tha hồ mà ganh tỵ đi.

Tuyết Quỳnh rút tay ra khỏi tay Minh Trung:

– Được rồi! Bây giờ phải để cho em ăn hết ly kem này chứ. Nó sắp chảy ra rồi kìa.

Minh Trung cười. Nãy giờ anh cũng bỏ quên ly cà phê sữa đá của mình. Đá tan tạo nên màu nước đục mờ ở phần trên ...

Rời quán, Minh Trung lại chở Tuyết Quỳnh chạy chầm chậm trên những con đường quen thuộc.

Sực nhớ hôm nay cuối tuần, Minh Trung cho xe rẽ qua đường 3-2.

Tuyết Quỳnh đập nhẹ vai anh:

– Sao lại qua đây?

– Mình gởi xe rồi đi chợ đêm Kỳ Hoà chơi một lát!

– Đi chợ hả? Coi chừng bị trễ đó anh à! Tuyết Quỳnh kêu lên.

– Không sao đâu! Mình đi dạo chừng ba mươi phút rồi anh đưa em về. Chứ đã đến đây mà quay về sao?

Đúng là chỉ còn một đoạn đường ngắn. Nếu quay về thì thật là buồn cười.

Thế là gởi xe và hai người hoà vào đám du khách đông đúc, đi xem hết những sạp hàng mà phần lớn là bày trên đệm nylon vun đống, chủng loại bình dân, giá cả cũng bình dân. Minh Trung bảo để mua cho Tuyết Quỳnh một bộ đồ nhưng cô cản lại. Tuy chẳng giàu có dư dả gì nhưng áo quần của cô khá nhiều.

– Vậy thì anh mua cho em một đôi giày. Xem kìa, nhiều kiểu đẹp quá!

– Trời đất! Tuyết Quỳnh lại la lên - Anh không nghe người ta nói hả. Tặng người yêu giày thì người yêu sẽ chạy mất đó!

– Xì! Em thì chỉ giỏi nghe thiên hạ nói tầm phào. Với anh, những món quà chỉ nói lên một điều duy nhất. Đó là sự quan tâm chăm sóc của người yêu dành cho người yêu mà thôi. Vậy đi nhé! Để anh lựa cho em! Bảo đảm con mắt thẩm mỹ của anh không đến nỗi tệ đâu.

Tuyết Quỳnh không từ khước nữa. Đúng là thật sung sướng khi nhận được sự chăm sóc của người yêu.

Nhịp võng đong đưa nhè nhẹ, ông Xuân nheo mắt nhìn ra ngoài con hẻm ... Có hai người đàn ông đang đi vào, tay xách túi giấy căng phồng.

Ai vậy nhỉ? Hai chàng trai trẻ thì đúng hơn. Có vẻ như họ đang đi thẳng vô nhà Ông Xuân.

Ông Xuân ngồi dậy, nhìn chăm chú hơn. Chợt cảm thấy người con trai đi đằng trước có vẻ quen quen.

Chắc chắn là không lạ nhưng ông không thể nào nhớ ra.

Bên ngoài cánh cổng nhỏ, chàng trai mặc quần sậm màu, áo sơ mi trắng dài tay cài măng- sết hẳn hoi. Anh nhìn vào nhà, thấy ông Xuân thì reo lên mừng rỡ:

– Thầy! Con chào thầy ạ.

Ông Xuân đứng lên đi ra cửa.

– Anh là ...

Chàng trai tươi cười:

– Cổng chỉ khép hờ phải không thầy? Để cho con vô nhà đã. Lâu quá mà! Con biết thầy không thể nhớ ra con được ngay đâu.

“Thầy”! Cậu ta gọi ông bằng thầy tức cậu ta là học trò cũ của ông. Mà học trò cũ của ông thì có đến hàng trăm! Cũng không ít các cô cậu đã thành đạt, sung túc. Tất nhiên nhất thời ông không thể nào nhớ được là ai!

– Ờ ờ.. mời em vô nhà.

Chàng trai tự thò tay kéo chốt cổng, xách túi đồ bước vào trước anh chàng đi cùng bước theo sau. Anh ta xách giỏ trái cây và một túi giấy in màu đẹp, nghiêng đầu chào ông Xuân, thái độ lễ phép một cách lịch sự hơn là mừng ra như anh chàng kia.

Anh chàng thanh niên định cởi giày để ngoài cửa nhưng ông Xuân phẩy tay, bảo cứ thế mang vào nhà.

Đặt mấy túi giấy và giỏ trái cây lên chiếc bàn salon nhỏ giữa nhà, cậu học trò cũ khoanh tay:

– Thưa thầy, con là Công Hào. Học trò cũ của thầy suốt năm lớp mười đến lớp mười hai ...

– A à ... Thầy nhớ ra rồi. Làm sao quên được chứ. Năm nào em cũng đến thăm thầy mà. Chỉ có hai năm nay là ... Nghe nói em du học?

– Dạ, như vậy là thầy đã nhớ ra rồi. Đúng là hơn hai năm nay con du học nên không đến thăm thầy và cô được.

– Em học xong chưa? em về nước hồi nào. Còn cậu này là ...

Công Hào giới thiệu:

– Cậu ấy là Hiếu Danh, em họ của con. Cậu ấy rảnh nên chở con tới thăm thầy.

– À! Hai em ngồi đi. Để thầy lấy nước uống nghe.

Công Hào vội giữ tay ông:

– Dạ được rồi, thầy ơi! Thầy cứ để chúng con tự nhiên. Chúng con mới uống nước ngoài quán lúc nãy. Thầy ngồi đi. Sức khoẻ của thầy hồi này này ra sao ạ? Con thấy thầy ốm hơn hai năm trước nhiều đó.

Chủ và khách, thầy và trò cùng ngồi xuống mấy chiếc ghế salon.

Công Hào lại nói:

– Hôm nay con đến thăm thầy và cô, có chút quà biếu thầy và cô dùng cho vui. Con mong thầy đừng từ chối.

Ông Xuân chép miệng:

– Em bày vẽ quá! Dĩ nhiên em đã cất công mang tới tận đây thì thầy làm sao từ chối được. Có điều ... mai mốt em đến chơi thôi là được rồi, đừng có bày mua sắm này nọ cho tốn kém.

Hiếu Danh dạn dĩ nói:

– Xin bác đừng áy náy gì cả. Hơn hai năm qua anh Hào du học hầu như không tốn kém nhiều vì nhờ lãnh được nhiều học bổng. Bác có thể tự hào về cậu học trò này. Hồi học phổ thông ảnh học giỏi. Lên đại học, tiếp tục giỏi rồi đi du học tiếp tục nổi bật so với nhiều sinh viên khác.

Công Hào xốn xang:

– Thôi đi! Có ai mượn cậu khoe khoang giùm anh đâu hả?

Hiếu Danh cãi:

– Không phải khoe khoang theo kiểu “ba nổ” mà em dựa trên thực tế chứ bộ! Bác biết không? - Hiếu Danh nhìn ông Xuân - Mới về nước nhưng anh Hào đã tìm được việc làm rồi đó bác. Đúng hơn là ảnh chưa kịp chạy tìm việc thì người ta đã chủ động đề nghị mời đến làm việc. Như vậy là nhất rồi, đúng không bác?

Ông Xuân cười hề hà:

– Không riêng một mình Công Hào mà tôi luôn mong tất cả học trò từng học của tôi đều thành đạt và hạnh phúc. Hạnh phúc của các em cũng là hạnh phúc của tôi.

Hai tay Công Hào xoắn vào nhau. Anh khẽ gật đầu xúc động:

– Dạ, con hiểu tấm lòng của thầy và con luôn cố gắng để không phụ sự tin yêu kỳ vọng của thầy.

Hiếu Danh hỏi ông Xuân:

– Thưa bác, cháu nghe nói nhà còn có bác gái và ...

– À phải! - Ông Xuân đáp – Nhà chúng tôi có ba người. Bà ấy đi chợ cũng sắp về.

Còn Tuyết Quỳnh thì đi công việc gì đó với Minh Trung.

Đôi mày Hiếu Danh thoáng nhíu lại, không ai nhận ra. Hiếu Danh tò mò, muốn biết cái tên Minh Trung đó là ai. Cũng như rất muốn biết mặt cô gái có cái tên Tuyết Quỳnh xinh xắn. Công Hào không chịu nói rõ nhưng Hiếu Danh tin chắc Tuyết Quỳnh phải là cô gái rất xinh đẹp và quyến rũ. Hôm nay Hiếu Danh theo chân Công Hào đến chỗ này mục đích chính là để gặp mặt Tuyết Quỳnh. Cho nên không thấy Tuyết Quỳnh ở nhà, Hiếu Danh rất sốt ruột. Và anh ta cố dằn sự nôn nóng bằng những cáu nói với ông Xuân.

Công Hào chợt nhìn ra đầu hẻm:

– Hình như cô về ... Đúng là cô rồi! Nhìn thấy con chắc là cô sẽ ngạc nhiên lắm đây.

Công Hào đi ra hiên nhà chào đón bà Xuân.

– Đúng là bà ngạc nhiên, không nhớ ra anh ngay. Nhưng khi nhớ ra rồi thì bà vô cùng mừng rỡ.

Bà cất giỏ đồ, lăng xăng làm nước uống. Bà đang tâm trạng vui mừng đến là hớn hở.

Lâu lắm rồi nhà này mới có khách, mà khách lại là học trò công thành danh toại của ông Xuân, không vui sao được. Càng vui hơn là đi cùng với Công Hào còn có Hiếu Danh. Trí nhớ của bà có khi còn tốt hơn cả ông Xuân. Bà biết Công Hào sống từ nhỏ tới lớn ở nhà ông chú ruột. Đó là cha Hiếu Danh. Ông chú này có một công ty gì đó, bà Xuân không rành lắm nhưng có một điều bà dám chắc, đó là gia đình họ rất giàu có. Biết đâu đây là cơ hội tốt cho gia đình bà. Vậy thì tại sao bà lại không tranh thủ chứ!

Chỉ có thêm một người phụ nữ thôi mà không khí sôi nổi hẳn lên. Bà Xuân nhắc hết chuyện này đến chuyện kia. Nghe bà nói, Hiếu Danh vừa khâm phục bộ nhớ của bà, vừa hiểu thêm bà là người rất ưa thích được người khác thể hiện tình cảm quý mến một cách thiết thực hay nói đúng hơn là ... thực tế! Bà hầu như không quên một món quà nào mà lũ học trò cũ của chồng mang đến tặng nhân ngày tết Nguyên đán, tết thầy ...

Sau một lúc huyên thuyên sôi nổi, bà Xuân chợt thở dài:

– Nói thiệt là cô mừng cho em lắm Công Hào ạ. Em đã khôn ngoan chọn ngành y.

Chứ nếu ngành giáo như thầy em đây thì chỉ khổ với khổ thôi!

Ông Xuân “hừ” khẽ một tiếng:

– Nói như bà ... Nếu không có ai theo ngành giáo thì đám nhỏ sẽ học của ai hả?

– Ừ thì ... làm thầy giáo cũng có năm bảy đường. Thiên hạ làm thầy đều sướng cả. Chỉ có ông, đau bệnh triền miên. Tiền lương bao nhiêu để hết vô thuốc men mà vẫn không đủ!

Hiếu Danh rụt rè hỏi:

– Xin lỗi bác gái, cháu hơi tò mò một chút Nhưng hiện giờ gia đình ta sống như thế nào ạ? Bác trai thì có một khoản lương hưu. Còn bác gái và cô Tuyết Quỳnh có kinh doanh gì không ạ?

Bà Xuân thở dài sườn sượt:

– Có kinh doanh gì đâu cậu! Tối ngày tôi lo cơm nước và trông nom ông ấy. Coi vậy đó chứ mà ông ấy trở bệnh, mệt mệt lúc nào không hay đâu. Tuyết Quỳnh ra trường gần năm nay nhưng chưa xin được việc làm ổn định. Tạm thời nó phụ một tiệm Photo, tiền lương chẳng được là bao!

Ông Xuân ngồi nghe vợ nói mà như bị kim châm. Ai lại than thở trước mặt học trò cũ lâu ngày mới gặp lại và một chàng thanh niên mới một lần tiếp xúc như vậy?

Nhưng bà Xuân không dừng lại ở đó, bà tiếp tục thở dài kể lể:

– Bệnh đau của ông ấy cô còn lo chưa xong thì lại thêm chuyện nhà cửa ... Cô ăn chẳng ngón ngủ chẳng yên. Rầu muốn chết được!

Công Hào ngạc nhiên:

– Cô bảo chuyện nhà cửa sao ạ?

Hiếu Danh ngắm nhìn quanh, chép miệng ra chiều ái ngại:

– Dạ, bác lo cũng phải. Cháu thấy nhà ta cũng hơi cũ kỹ. Nếu sửa lại thì là cả một vấn đề!

Bà Xuân nói:

– Không! Nếu là chuyện sửa nhà thì bác đâu phải lo lắng như vậy. Cháu biết không, cả nhà chúng tôi bây giờ lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa vậy.

Ông Xuân xen vào ngắt lời bà:

– Thôi đi bà, mấy năm trời Công Hào mới đến nhà chơi, sao bà cứ mãi than thở chuyện gia đình mình vậy? Kỳ quá đi! Bà quên là nhà bị giải toả nhưng sẽ nhận được tiền đền bù à?

Bà Xuân cao giọng:

– Trời ơi! Tiền đền bù thì được bao nhiêu. Mỗi thước vuông đất bây giờ lên tới hàng chục triệu đồng trở lên. Ông nói mình sẽ mua được mấy thước hả? Chắc chưa đủ cho ông kê cái võng này đâu.

Ông Xuâ tựa vào lưng salon. Tự nhiên thấy mệt, khó thở ...

Công Hào xoa dịu bầy không khí căng thẳng giữa hai vợ chồng thầy giáo cũ:

– Thưa cô, con hiểu sự lo lắng của cô. Nhưng con tin rồi sẽ có hướng giải quyết ổn thoả. Bây giờ điều quan trọng hơn hết là sức khoẻ của thầy. Xin cô đừng làm thầy bị kích động.

Âm thanh động cơ Honda lan dần từ ngoài đầu hẻm vào gần nhà rồi tắt ngấm ngay trước thềm, sát bên ngoài cánh cổng nhỏ.

Mọi người nhìn ra. Ông Xuân tươi cười:

– A, Tuyết Quỳnh và Minh Trung về tới rồi kìa!

Hiếu Danh nhìn chăm chú vào cô gái vừa vịn eo Minh Trung vừa bước xuống xe. Vóc dáng thì là một người mẫu thời trang.

Xem nào! .... cô đưa tay tháo chiếc khẩu trang trên mặt.

...Tim Hiếu Danh chợt đập loạn xạ. Chúa ơi! Một sắc đẹp quá ư hoàn hảo! Không thể chê ở điểm nào được!

Bà Xuân mau mắn bươn ra cửa gọi con gái:

– Con mau vô nhà đi Tuyết Quỳnh. Hôm nay nhà mình có khách quý đây nè.

Tuyết Quỳnh nhìn vào nhà. Minh Trung nói với cô:

– Nhà em có khách ... Anh về luôn đây.

Chỉ có khoảng cách cái hiên nhà chật hẹp nên bà Xuân nghe rõ. Bà ngọt ngào bảo Minh Trung:

– Không sao đâu Minh Trung à. Cháu vô ngồi nói chuyện với các cậu ấy một lúc cho vui.

Minh Trung ngần ngừ, mắt liếc nhanh vào nhà ... Hai người thanh niên ăn mặc tươm tất và có vẻ sang trọng. Có lẽ họ là học trò cũ đến thăm ông Xuân. Mà cũng có thể là người được mấy bà mai mối giới thiệu theo yêu cầu của bà Xuân. Minh Trung biết lâu nay bà Xuân vẫn luôn tìm cơ hội để gả Tuyết Quỳnh cho một nơi dư dả, sang giàu.

Tuyết Quỳnh nói thêm vào:

– Má em đã nói vậy thì thôi, anh hãy vào ngồi một lát đi!

Một chút miễn cưỡng pha lẫn tò mò, Minh Trung vào nhà theo Tuyết Quỳnh.

Công Hào đứng lên, môi cười tủm tỉm:

– Chào em. Tuyết Quỳnh! Em còn nhớ tôi là ai không nào?

Bên cạnh anh, Hiếu Danh cũng tranh thủ làm quen:

– Chào em, anh là Hiếu Danh. Anh này là anh họ của anh!

Tuyết Quỳnh bối rối. Nụ cười rạng rỡ kia thì quen lắm. Nhưng khuôn mặt hồng hào trắng trẻo như con gái này thì ... Ai vậy nhỉ?

– Anh là ...

Bà Xuân nói luôn:

– Anh Công Hào đó con! Mấy năm trước anh ấy rất thường xuyên đến nhà mình đó mà.

– A, nhớ rồi! - Tuyết Quỳnh reo lên - Đúng là hồi đó anh Hào thường xuyên đến nhà mình chơi. Nhưng rồi nghe nói anh đi du học. Bây giờ ... anh tròn trịa trắng trẻo như vầy làm sao Quỳnh nhớ liền được.

Công Hào cười ngượng nghịu. Đúng là so với mấy năm trước thì bây giờ anh phát tướng hơn nhiều. Lên hơn bảy ký lô mà!

Hào nhìn sang Minh Trung:

– Chào anh, nghe thầy cô nói anh là bạn trai của Tuyết Quỳnh?

– Dạ, chào anh!

Hai người bắt tay nhau.

Tuyết Quỳnh đi lấy thêm ghế cho Minh Trung ngồi.

Theo đề nghị của Công Hào, giỏ trái cây anh đem đến được khui ra và Tuyết Quỳnh đem này ra dĩa nào là táo, nho, quýt, dưa hoàng kim ...

Ba chàng trai đã làm quen nhau. Câu chuyện cởi mở tự nhiên.

Hiếu Danh hết kín đáo ngắm nhìn Tuyết Quỳnh lại hỏi chuyện Minh Trung:

– Anh Trung hiện đang làm việc ở công ty nào vậy? - Hiếu Danh hỏi.

Minh Trung thật thà đáp:

– Tôi không làm việc cho công ty nào cả. Tôi học nghề cắt tóc, đã ra nghề và đang làm công cho tiệm.

Ngồi ở chiếc võng của ông Xuân, bà Xuân đáp lời, giọng mang đầy hơi hướm châm chọc:

– Minh Trung là người mang nhiều tham vọng. Tham vọng sau này sẽ trở thành nghệ nhân, thành nhà tạo mẫu nổi tiếng ra cả nước ngoài nữa đó.

Công Hào gật gù:

– Đầy là tham vọng chính đáng và rất có khả năng thực hiện, cô ạ.

Minh Trung nói:

– Thật ra nếu bảo là tham vọng thì hơi quá. Tôi chỉ mong sau này công việc của mình ổn định lâu dài và tôi có thể làm cho mọi người thêm xinh đẹp hơn.

Hiếu Danh thầm tặc lưỡi. Thật tiếc cho Tuyết Quỳnh nếu nàng lấy Minh Trung. Một tay thợ cắt tóc đang làm công cho tiệm thì đến bao giờ mới giàu lên được? Gia cảnh của ông bà Xuân thì ...

Câu chuyện lại quay về đề tài căn bệnh của ông Xuân.

Công Hào nói với hai ông bà:

– Xin thầy cô yên tâm. Con sẽ về tìm hiểu xem không chừng có một tổ chức từ thiện nào đó tài trợ cho thầy trị bệnh.

Ông Xuân thở dài:

– Làm gì có tổ chức từ thiện tài trợ cho mình mấy chục ngàn đô hở em. Hy vọng đó xa vời lắm. Thầy nghĩ ... Cứ như vầy, uống thuốc cầm chừng tới đâu hay tới đó. Nếu như bây giờ có bạc ngàn đô la thì số tiền đô để làm những việc khác nó thiết thực hơn.

Công Hào nhẹ nhàng:

– Xin thầy đừng bi quan như vậy. Con nói rồi. Chắc chắn sẽ có hướng giải quyết mà.

Hiếu Danh tiếp lời Công Hào:

– Dạ phải đó bác ạ. Cho dù là thời đại văn minh nhưng vẫn còn có khi phép lạ xảy ra.

Bác phải có niềm tin chứ ạ.

Vừa nói, Hiếu Danh vừa kín đáo nhìn Tuyết Quỳnh ngồi ở chiếc ghế đẩu nhựa gần cửa vào nhà sau. Cô hơi cúi đầu, mặt buồn rười rượi.

Công Hào đứng lên. Anh ngỏ ý được mời gia đình ông Xuân một bữa cơm, coi như mừng anh du học trở về. Tuy nhiên ông Xuân từ chối. Lẽ ra ông phải mời cơm cậu học trò đang là khách của mình. Để cậu ta mời lại mình coi sao được.

Tuyết Quỳnh cũng theo ý của cha nhưng mẹ cô thì chừng như rất muốn nhận lời.

Không hiểu sao Hiếu Danh lại mau chóng đoán được tâm lý của bà Xuân. Anh nhìn bà nài nỉ:

– Bác gái thuyết phục bác trai giúp tụi cháu với. Anh Hào nói vậy có gì sai đâu. Là học trò, nhớ công ơn và báo đáp thầy giáo là chuyện tất nhiên bác gái. Chứ để thầy mời trò mới kỳ à.

– Cháu và Công Hào nói rất phải. Chỉ tại ông ấy ngại mà nói vậy thôi. Ông à! Mấy năm trời mới gặp lại, Công Hào có thành ý sao ông nỡ từ chối tức là ông không mừng cho sự thành đạt của em ấy rồi. Ông nên nhận lời đi ông à.

Trước khi ông Xuân chép miệng bảo ''sợ phiền cho Công Hào" thì Hiếu Danh nhanh nhẩu:

– Bác đừng ngại, thật ra anh Hào đã chuẩn bị từ trước rồi. Cũng không mệt nhọc lắm đâu. Xe của tụi cháu đậu ngay đầu hẻm nhà mình nè bác.

Công Hào mời Minh Trung:

– Anh đi cùng cho vui nhé. Nếu không có anh chắc chắn Tuyết Quỳnh sẽ buồn đó.

Minh Trung miễn cưỡng nhận lời.

Ông bà Xuân ngồi xe hơi với Công Hào và Hiếu Danh. Tuyết Quỳnh và Minh Trung đi xe Honda.

Bữa cơm thân mật được Công Hào đặt tại một nhà hàng sang trọng, trong phòng ăn riêng có máy lạnh và âm nhạc nhẹ nhàng. Qua lớp cửa kính trong suốt có thể tha hồ ngắm nhìn con đường người xe hối hả ngược xuôi.

Những món ăn đặc sản được chế biến cầu kỳ bày đầy trên bàn cùng với những ly rượu khai vị vàng sóng sánh khiến bà Xuân có cảm giác như mơ. Mà thật thì bà cũng chẳng nhớ lần cuối cùng mình đi ăn tiệc ở một nhà hàng sang trọng thế này cách cách nay đã bao lâu.

Chẳng hiểu vô tình hay hữu ý mà bà Xuân lại ngồi kế bên Hiếu Danh. Danh luôn tay gắp thức ăn cho bà, nhắc bà ăn tự nhiên.

Cứ cái cách ăn mặc phóng khoáng, nói năng bặt thiệp vui vẻ và lái xe hơi điêu luyện thì Hiếu Danh cũng chẳng phải một thanh niên tầm thường. Bà Xuân hỏi thăm Hiếu Danh:

– Nãy giờ nói hết chuyện này đến chuyện kia mà bác quên hỏi, Công Hào học ngành y, còn cháu học ngành gì. Bây giờ đang làm việc ở đâu vậy Hiếu Danh?

Hiếu Danh khiêm tốn đáp:

– Dạ .... cháu thì không tài giỏi như anh Hào nên chỉ học kinh tế rồi ở nhà phụ giúp cho ba mẹ cháu công việc kinh doanh thôi bác ạ.

– Ba mẹ cháu kinh doanh gì vậy?

– Dạ, kinh doanh một vài mặt hàng gia dụng bình thường ấy mà.

Bà Xuân không tin như vậy. Chắc là Hiếu Danh không muốn khoe khoang đó thôi. Bà còn nhớ mang máng là Công Hào sống nhờ gia đình người chú mà ông chú này rất giàu.

Hình như có công ty gì gì đó ... Nhưng thôi, bước đầu mà tò mò quá cũng kỳ!

Bà Xuân không hỏi thêm nữa mà chỉ ngắm nhìn Hiếu Danh. Tự nhiên bà thầm nghĩ:

''Giá mà mình có được đứa con rể giống như cậu Hiếu Danh này thì hay quá!''.

Nhìn sang Minh Trung, bà xuân không thể không nhếch môi biểu lộ một sự bất mãn.

Từ ngoại hình đến phong cách, rồi thân thế và nghề nghiệp, tất cả ở Minh Trung đều thua xa Công Hào và Hiếu Danh. Trở thành ông chủ, trở thành nhà tạo mẫu ư? Viển vông quá!

Bữa cơm thân mật kéo dài hơn nửa tiếng đồng hồ. Cũng như lúc đến, Hiếu Danh và Công Hào đưa ông bà Xuân về tận nhà.

Bà Xuân rất vui, nhắc đi nhắc lại hai ba lần rằng nếu có thời gian thì Hiếu Danh và Công Hào hãy ghé nhà chơi.

Hiếu Danh không hứa chắc, còn Công Hào thì nói sẽ tìm cách giúp ông Xuân có điều kiện trị căn bệnh tim:

Minh Trung chở Tuyết Quỳnh về sau đó vài phút. Hai người gặp Công Hào và Hiếu Danh vừa ra tới đầu hẻm:

– A, hai người về tới rồi à? - Hiếu Danh cười rất tươi - Hy vọng là anh Trung và Tuyết Quỳnh đã ăn rất ngon miệng?

Minh Trung bắt bàn tay Hiếu Danh chìa ra:

– Bữa ăn rất ngon. Xin được cảm ơn anh và anh Công Hào!

Công Hào vỗ vai Minh Trung:

– Tôi vốn là học trò ruột của thầy mà. Chúng ta coi như người thân trong nhà. Anh đừng nên khách sáo!

Hiếu Danh nói mà cái nhìn ghé qua Tuyết Quỳnh:

– Nếu có cảm ơn thì người nói phải là Tuyết Quỳnh mới đúng chứ! - Rồi Danh vụt cười_ Tôi chỉ đùa thôi. Hai người đừng để bụng nghe. À, Minh Trung này! Tôi thật ái ngại cho anh. Là bạn trai của Tuyết Quỳnh ... trong hoàn cảnh như vầy, anh sẽ phải vất vả nhiều lắm đây.

Minh Trung lắc đầu:

– Tôi có giúp được gì cho có ấy đâu mà vất vả?

Công Hào động viên:

– Cố gắng lên nhé bạn! Anh nếu không là chỗ dựa kinh tế thì cũng là chỗ dựa tinh thần của Tuyết Quỳnh đó. Bây giờ chúng tôi phải đi rồi. Hẹn gặp lại hai bạn sau nhé.

Hai người lên xe, Hiếu Danh cầm lái.

Xe chạy, Công Hào im lặng.

Chốc chốc, Hiếu Danh nhìn sang anh họ. Danh cảm thấy Công Hào đang đăm chiêu suy nghĩ.

– Anh đang suy nghĩ gì vậy? - Hiếu Danh phá tan sự im lặng.

Công Hào đáp cho qua:

– À, anh có nghĩ gì đâu. Chỉ là thấy hơi lo cho thầy Xuân thôi.

– Lo nhiều ấy chứ! - Hiếu Danh nói - Gia đình họ đang phải đối đầu với khá nhiều khó khăn.

Công Hào khẽ thở dài phiền muộn:

– Anh cũng thấy bức xúc. Nhưng mà lực bất tòng tâm. Không có cách nào giúp thầy được!

Hiếu Danh điểm nụ cười:

– Em nghĩ nếu suy nghĩ thêm một chút thì chúng ta có thể giúp họ.

Công Hào quay sang nhìn em họ chăm chăm:

– Ý em là sao?

Hiếu Danh nhún vai:

– Sao trăng gì? Em nói vậy nhưng mà chưa nghĩ ra cái gì hết.