Chương 1
Không gian ngập lửa
ừ nhiều năm nay, không quân với máy móc điện tử tân kỳ, xen lẫn nguy hiểm với thích thú thần tiên, đã được dùng làm bối cảnh cho tiểu thuyết gián điệp. Tuy nhiên, vì phiền toái kỹ thuật, nhất là vì khó khăn danh từ chuyên môn, chưa nhà văn nào - ngay cả ở Tây phương - viết hẳn một truyện gián điệp không quân. Gần đây, một lối thoát được tìm ra với tiểu thuyết bằng tranh. Những Buch Danny, Dan Cooper... được in hàng trăm triệu cũng vẫn bán hết, và không riêng gì thanh thiếu niên, mà cả người lớn cũng say mê. Người Thứ Tám đánh bạo vượt qua trở ngại văn tự để cống hiến bạn đọc bộ truyên gián điệp không quân đầu tiên. Thân tặng các bạn Không quân Trên pháo đài nổi ZZ, một buổi sáng đầy nắng hè rực rỡ, ngoài khơi bờ biển Nam Việt... Pháo đài nổi ZZ là tên được đặt cho một hàng không mẫu hạm cỡ lớn, chạy bằng nguyên tử năng. Mẫu hạm nguyên tử chỉ đếm được trên đầu ngón tay khắp thế giới, nên tuy con tàu khổng lồ được sơn màu nước biển vô danh, không treo cờ, cũng không mang dấu hiệu, những người thông thạo hải quân cũng biết nó thuộc loại “Đại E” [1], nghĩa là mẫu hạm nguyên tử lớn nhất hoàn vũ, với hơn 300 thước bề dài, bốn máy phóng phi cơ [2], hai phi đạo, và hằng hà sa số phi cơ. Pháo đài ZZ là của quốc gia nào, không ai biết hết. Pháo đài ZZ từ đâu đến, không ai biết. Pháo đài ZZ tới Việt Nam bao giờ, không ai biết. Xung quanh pháo đài ZZ là cả một huyền thoại cứng như thép. Trên thực tế, chung quanh pháo đài ZZ, ngày cũng như đêm đều có một hạm đội bảo vệ túc trực, cấm tàu lạ lại gần, một màn lưới radar cực mạnh và nhiều đoàn phi cơ siêu thanh luôn canh gát vùng trời. Hạm trưởng cũng như phụ tá và thủy thủ đều là người Tây phương.Tuy nhiên, toàn thể đều phục sức như nhau và không đeo cấp bậc. Hải quân trên thế giới đều mặc đồng phục trắng, nhưng ở đây lại là màu ka-ki xanh nhạt, đội ca-lô cùng mầu. Hạm trưởng và sĩ quan cao cấp chỉ khác thủy thủ ở chỗ trên ca-lô và trên ngực có một vòng tròn đỏ, giữa đề chữ số. Hạm trưởng mang số 1, phụ tá hạm trưởng mang số 2... Pháo đài ZZ được chia thành nhiều khu vực khác nhau, mỗi khu theo một thể chế an ninh riêng. Khu vực ZA được coi là tối mật, gồm các cơ quan và máy móc đìều khiển và ca-bin của hạm trưởng. Cạnh ca-bin của hạm trưởng, có một căn phòng lớn, bên trong là hai người Á Đông còn trẻ tuổi. Khác với hạm trưởng mái tóc bạc phơ, trán và đuôi mắt đầy nếp răng ngày tháng, hai người lạ này đang ở thời kỳ sức khỏe sung mãn. Ngưới thứ nhất là Triệu Dung, phụ tá đặc biệt của ông Hoàng, Tổng giám đốc mật vụ Nam Việt. Người thứ hai là phụ nữ mặc nam trang. Nàng không tô son, đánh phấn, vẽ mắt, cặm lông nheo, mặc đồ lót tròn trịa, hoặc đi giày cao gót, toàn thân nàng được phủ kín trong bộ đồ ka-ki xanh nhạt rộng rãi tầm thường song vẫn phảng phất một nhan sắc lạ lùng. Có lẽ vì nàng quá đẹp, pháo đài ZZ lại là nơi quy tụ đàn ông lênh đênh trên biển cả, không thấy đàn bà, nên nàng phải mặc giả trai, và ở lỳ trong ca-bin, ở xa tầm mắt của thủy thủ đoàn. Sự có mặt của Triệu Dung trên con tàu kỳ dị tiết lộ phần nào những bí mật của pháo đài ZZ. Thật vây, tàu này không tới hải phận Nam Việt để tham dự các cuộc hành quân. Mà tham dự một kế hoạch hỗn hợp giữa các cơ sỡ điệp báo của một số quốc gia tham chiến. Sáng hôm ấy, buổi sáng thứ 30 hải phận Việt Nam và là buổi sáng thứ 130 lênh đênh trên đại dương mênh mong, hạm trưởng ngồi một mình trong phòng chỉ huy. Như thường lệ, trước khi bắt tay vào công việc hàng ngày, một công việc căng thẳng từng giờ, từng phút, kéo dài từ tinh sương cho đến quá nửa đêm, hạm trưởng ngắm bức ảnh mầu đặt trên bàn, ngay trước mặt. Trong ảnh là một người đàn bà trẻ măng, bên cạnh một đứa nhỏ, trạc 6, 7 tuổi. Thiếu phụ là vợ, còn đứa trẻ là con của hạm trưởng. Thiếu phụ chưa đến ba mươi, khuông mặt diễm lệ, thân thể cân đối, nụ cười quyến rũ nở trên cặp môi hình quả tim. Không ai dám ngờ nàng là vợ của hạm trưởng vì tuổi tác vô cùng chênh lệch. Nhưng sự thật là như vậy. Vì sự thật, mái tóc của hạm trưởng không bạc phơ, và trán, đuôi mắt của hạm trưởng không đầy nếp răn ngáy tháng. Tất cả chỉ là giả tạo. Trước khi xuống tàu, hạm trưởng đã qua phòng kỹ thuật đặc biệt của DIA, cơ quan điệp báo của Bộ Quốc phòng, cho các chuyên viên hóa trang già thêm hai chục tuổi. Dáng điệu mơ màng, hạm trưởng nghĩ đến ngôi nhà xinh xắn ở ngoại ô Hoa Thịnh Đốn và căn phòng ấm cúng nhìn ra hồ tắm hình bầu dục, nước trong xanh. Nếu kế hoạch hỗn hợp được hoàn thành theo dự tính, thì trong vòng ba tuần nữa, hạm trưởng sẽ được hồi hương. Hạm trưởng sẽ trút bỏ bộ quân phục màu xanh nhạt và con số 1, để trở về văn phòng quen thuộc trong Ngũ Giác Đài. Cửa ca-bin xịch mở. Phụ tá đeo số 3 của hạm trưởng bước vào. Vẻ bâng khuâng đột ngột tan biến trên mặt, hạm trưởng cất giọng sang sảng : - Có bản tin tức khí tượng chưa? Phụ tá số 3 đáp : - Thưa rồi. Thời tiết rất tốt. - Vậy, cho khai hỏa ngay. - Tuân lịnh. Phụ tá số 3 ra rồi, hạm trưởng lại mê mải với tấm hình mầu. Vì đắm mình trong kỷ niệm - những kỷ niệm đẹp như thơ trong hồ tắm đêm trăng, trên bải cỏ xanh buổi bình minh vàng nắng, trong căn phòng đôi lứa được sưởi ấm những đem đông bên ngoài đầy tuyết trắng lạnh - hạm trưởng quên bẵng thời khắc. Tiếng báo cáo của phụ tá số 3 trong máy ghi âm tuôn ra oang oang làm hạm trưởng tỉnh mộng quay về với thực tế nặng chĩu hai vai : - Thưa, số 3 xin báo cáo. Trên màn radar vứa xuất hiện một không vật lạ. Diện mạo trầm ngâm của hạm trưởng trở nên nghiêm trọng khác thường. - Phi cơ hay hỏa tiễn? Giọng viên phụ tá vẫn chắc nịch : - Thưa, phi cơ. - Giờ này, có chuyến bay nào của hạm đội trong khu vực khai hỏa không? - Thưa, không. Hạm trưởng lẩm bẩm “lạ thật, lạ thật”, rồi ra lịnh : - Liên lạc vô tuyến ngay để họ đổi hướng bay. - Thưa, chúng tôi đã liên lạc rồi. Đã dùng nhiều tần số, song... - Song phi cơ lạ vẫn không trả lời? - Vâng, có lẻ vô tuyến của phi cơ lạ bị hư. Hoặc... Hạm trưởng ngắt lời : - Được rồi, chờ tôi một phút. Hạm trưởng không muốn nghe hết lời báo cáo của viên phụ tá. Vì đó là một trong những mối lo ghê gớm nhất kẻ từ ngày pháo đài ZZ từ bên kia bờ biển Thái Bình Dương ghé vào hải phận Nam Việt. Không quân đồng minh đã biết rõ đây là cấm khu. Nhưng còn địch. Từ lâu, địch mở hàng ngàn, hàng vạn cặp mắt hau háu để theo dõi hoạt động của pháo đài, nơi thí nghiệm những vũ khí tối tân và hữu hiệu nhất của thế kỷ thứ 20. Mọi vật bay trong đường kính 150 cây số đều bị hỏa tiễn được phóng lên hũy diệt. Nhưng biết đâu địch lại nghĩ khác? Biết đâu địch đang huy động toàn lực để đánh ván bài quyết định? Khi ấy, ở phòng bên, thiếu phụ cải trang cũng đang mơ màng trước một mảnh giấy vàng, và tấm hình mầu toàn thân của một người đàn ông. Đó là một thanh niên trên 30, thân hình lực sĩ, miệng cười tủm tỉm, mắt sáng như điện. Nhìn gương mặt rắn rỏi, đầy phong sương, người ta đoán thanh niên này khoảng 36-37 tuổi, nhưng nếu chỉ lưu tâm đến cái miệng và đôi mắt quyến rũ thì phải cho là xấp xỉ 30. Cháng thanh niên đẹp trai, hội đủ điều kiện để hấp dẫn nữ giới này là Tống Văn Bình, tức Z.28, điệp viên lỗi lạc nhầt dưới vòm trời Đông Nam Á. Còn thiếu nữ cải nam trang là Nguyệt Hằng. Mân mê tấm ảnh Văn Bình trong tay, nàng ngồi yên như pho tượng. Không để ý đến những tiếng động ầm ầm bên ngoài. Cách đây không lâu, với tư cách điệp viên tinh cậy của SMERCH, Nguyệt Hằng vào Nam, thi hành kế hoạch Thái Bình Dương, hạ sát Văn Bình. Song vào giây phút quyết định, chỉ phóng nhẹ atémi là kết liễu cuộc đời của Z.28 thì nàng lại ngần ngừ. Vì mũi tên đỏ trên ngực chàng đã tiết lộ cho nàng nhớ lại dĩ vãng. Chàng là bạn nhỏ thân thiết của nàng. Vì vậy, nàng không thể xuống tay. Nàng đành phản bội SMERCH, và ra đi [3]. Nàng không ngờ ông Hoàng đã giăng lưới đợi sẵn. Xe nàng vừa ra khỏi Sài-Gòn thì bị chặn lại. Người đón nàng là bà Huyền Hoa, cũng là thân thích. Bà Hoa là bạn của mẹ nàng. Sau một đêm dài thuyết phục của bà Hoa, Nguyệt Hằng vẫn phăng phăng từ chối. Dầu sao, nàng vẫn còn nặng tình với Smerch. Sáng hôm sau, nàng bảo thẳng với bà Hoa : - Thưa bác, lòng cháu đã quyết, cháu là người trong đời chỉ tôn thờ một Chúa, và nếu lầy chồng thì chỉ lấy một chồng. Ba Hoa nghiêm mặt : - Bác hiểu lòng cháu lắm. Vã lại, bác cũng không bao giờ muốn lợi dụng tình thân để bắt cháu đi ngược lại với lương tâm. Cháu trở về Hà Nội không được nữa đâu, thế nào người ta cũng đưa cháu ra tóa xử tử. Cháu chỉ còn một con đường, nếu cháu không muốn ở lại với bác, ở lại với tổ chức của ông Hoàng. Ấy là đi Nam Mỹ. Bác đã trình lên với ông Hoàng, và đã xin được cho cháu cuốn sổ thông hành ngoại giao, cháu muốn đi đâu tùy ý. Đồng thời, ông Hoàng còn tặng cháu một món tiền. Khi nào cháu thay đổi ý kiến, cháu có thể quay lại Sài-Gòn. Nhưng trước khi cháu và bác từ giã nhau, bác muốn cháu đọc một tài liệu. Tài liệu tối mật này, bà Hoa nói là rút từ thư khố của Smerch. Đó là một bản báo cáo về cái chết của thân phụ Nguyệt Hằng. Ông bị chết vì ngưới ta rắp tâm chiếm đoạt của báu nhất đời, vợ ông. Sự thật chỉ gần giống, chứ không phải hoàn toàn giống như bản báo cáo. Và bản báo cáo cũng không nằm trong thư khổ Smerch, mà là một xảo thuật của ông Hoàng. Với bất cứ giá nào, ông Hoàng cố lôi kéo Nguyệt Hằng. Nếu bản báo cáo giả tạo không được, ông sẽ phải áp dụng phương pháo cuối cùng: hăm dọa với những bức ảnh chụp được trong khi Nguyệt Hằng hạ sát Thanh Giang, nữ phái viên Smerch. Song ngón đòn tình cảm khôn ngoan của ông Hoàng đã làm cho Nguyệt Hằng dao động. Lúc ấy, ông mới ra lịnh cho Văn Bình nhập cuộc. Chàng đến thăm nàng một đêm đầy mưa gió, Sài-Gòn đang nằm trong địa bàn hoành hành của trận bão Elise từ biển Thái Bình thổi vào, maư tuôn tầm tã, từ sang đến đêm, gió lạnh hải hùng giật đổ hang trăm cành cây trụi lá. Nếu là thời xưa, người ta cho rằng ông Hoàng có phép hô phong, hoán vũ, tạo ra cảnh mưa gió để đưa Văn Bình đến sưởi ấm cho đán bà cô độc. Nhưng sự thật cũng chẳng khác thời Phong Thần là mấy. Sở Khí tượng báo cáo về hậu quả của cơn bão rớt từ mấy ngày trước, và ông Tổng giám đốc đã triệt để lợi dụng. Ông chờ cho hàn thử biểu tuột xuống 14 độ, toàn thể Sài-Gòn co ro trong chăn mền, cửa đóng im ỉm, đường sá lênh láng nước mưa, lòng người nhất là lòng người đàn bà chưa chồng, đang sống trong thảm cảnh tình yêu và nghĩa vụ trở nên băng giá hơn bao giờ hết, mới tung ra món chưởng Văn Bình. Đêm ấy, nàng ngã dễ dàng trong vòng tay cường tráng của chàng điệp viên hào hoa và nàng nhận lời hợp tác với ông Hoàng. Từ bấy đến nay, ngày tháng trôi qua, Văn Bình phải xuất ngoại công tác, Nguyệt Hằng không được gặp lại. Nhưng cảm giác say sưa của đêm mơn trớn ấy luôn luôn còn mãi trong lòng nàng. Mỗi đêm nằm một mình trong gian phòng trống trãi, nàng đều mang tấm hình của cháng ra ngắm nghía. Nàng buột miệng : - Trời ơi, lâu quá!! Triệu Dung quay lại, mỉm cười : - Cô yên tâm. Đồng hồ của tôi vẫn chạy bình thường, bằng chứng là hồi nãy 8 giờ, nhận được điện của ông Hoàng, bây giờ đã 11 giờ. Nguyệt Hằng nguýt dài : - Anh chỉ hay chế riễu em thôi... Phải là đàn bà và ở vào hoàn cảnh của em, anh mới hiểu được. - Chính thế... Cô thức cả đêm, tôi có nói gì đâu. - Hừ, em lo ngại lắm, anh ạ. Ai đời báo tin đến mà không ghi giờ. - Tôi cũng lo ngại như cô. Nhưng rồi chẳng sao đâu, lo ngại với một kẻ thục mạng như Văn Bình chỉ vô ích mà thôi. Từ xưa đến nay, hắn vẫn ẩu tả như vậy. - Anh quen với Văn Bình lâu rồi, phải không? - Phải, từ hồi bọn tôi phiêu dạt bên kia trời Âu. Hồi ấy, Văn Bình và tôi là nhân viên OSS. Không phải OSS cạo giấy và mài đũng quần, hoặc lấy tin nhạt phéo trong vùng địch, mà là nhân viên đặc vụ, chuyên nhảy dù xuống giật mìn, ám sát, phục kích, phá lao thất, nghĩa là luôn luôn cọ sát với tử thần. Bịnh liều của Văn Bình có thể được coi là số một trên thế giới. Có lần bọn tôi nghỉ xả hơi ở phía Bắc Anh quốc, đang đêm hắn phỉnh phờ nhân viên bảo vệ căn cứ không quân, lấy phi cơ bay về Luân đôn, giữa lúc bom đạn tơi bời. - Em tin chắc là Văn Bình về Luân đôn để hẹn hò với đàn bà. - Dĩ nhiên. Tật xấu ấy, đến chết, hắn cũng không chừa. Trong cơn mê đắm, hắn quên bẵng là Anh quốc đang ở thời kỳ chiến tranh, một con chim bay trên trời cũng không thoát. Chẳng qua, hắn bị một cô tóc vàng thu hồn. Suýt nữa thì hắn tan xác đêm ấy. - Bị súng cao xạ, phải không? - Không. May thay những phát đạn phòng không đầu tiên không trúng. Bộ chỉ huy đã can thiệp kịp thời để ngừng bắn. Sở dĩ hắn hụt chết là vì phi cơ quốc xã. Hắn đang lang thang trên trời thì đụng đầu với máy bay Đức. Kể ra, hắn lái phi cơ không đến nỗi kém, nhưng là lần thứ nhứt trong đời hắn điều khiển khu trục cơ một chỗ ngồi. Không hiểu vì tài giỏi hay vì gặp hên mà hắn hạ luôn 2 Messerschmitt, gồm một chiếc thám thính 161-V1 [4] và một chiếc khu trục 110 G-2 [5]. Chiến tích bất ngờ và kỳ khôi ấy làm danh tiếng hắn nởi như sóng cồn. Ai cũng kinh ngạc, cô à, mà kinh ngạc là phải, vì phi tuần địch gồm 4 nhân viên phi hành, 2 đại bác 30 li và 7 đãi liên 13 li. Bộ chỉ huy cũng chỉ trứng phạt lấy lệ, trước khi gắn mề-đai cho hắn. Nếu hôm ấy, hắn bay ra đây mà không thèm hẹn giờ thì cũng là chuyện bình hường. Cô yên tâm, mạng Văn Bình lớn lắm, hắn còn sống đến 100 tuổi là ít. Nguyệt Hằng thở dài nho nhỏ : - Em muốn yên tâm mà yên tâm không được vì sáng nay người ta bắn hỏa tiễn gắn đầu đạn tầm hồng ngoại tuyến, tìm phi cơ lạ để tiêu diệt, Văn Bình lớ dớ bay vào cấm khu thì chết. Triệu Dung cười xòa : - Về điểm ấy, cô càng có thể yên tâm hơn nữa. Vì Văn Bình hẹn chiều mới đến. - Văn Bình nổi hứng đến trong buổi sáng thì sao? - Ờ, cô giàu tưỏng tượng quá! Sự thật, Nguyệt Hằng không giàu tưởng tượng một cách mù quáng. Tình yêu tha thiết với người đàn ông ngang tàng kia đã biến óc nàng thành bộ máy điện tử lạ lùng, có thể linh cảm thấy biến chuyển bất thường. Một tiếng nói bí mật đang thét vào tai nàng là Văn Bình đang lâm nạng. Cửa ca-bin mở rộng, hạm trưởng hốt hoảng tiến vào. Như bị điện giật, Nguyệt Hằng vùng đứng dậy : - Tai họa sắp đến rồi, phài không hạm trưởng? Hạm trưởng đứng lặng giữa cửa, sửng sốt trước linh giác bén nhậy của Nguyệt Hằng. Ông đáp từ từ, mỗi tiếng của ông giáng xuống như phát cà-nông đui sết một buổi trời nắng lặng lẽ : - Phải. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa dám đoán chắc. Với tư cách hạm trưởng, tôi có bổn phận phải thông báo cho ông và cô biết. Hỏa tiễn vừa rời giàn phóng thì ăn-ten đại vĩ tuyến khám phá ra một phi cơ lạ cách pháo đài của ta trên 30 cây số. Nguyệt Hằng đưa ngón tay lên miệng : - Trời ơi!! Không để ý đến thái độ mất thần của nàng, hạm trưởng nói tiếp, giọng nghiêm trọng : - Bộ phận kiểm soát đã tìm ra vị trí của phi cơ. Nó bay trên độ cao 3.000. Tốc độ 780 cây số giờ. Triệu Dung ngắt lời : - Sao không liên lạc vô tuyến? Hạm trưởng đáp : - Tôi đã ra lệnh liên lạc tức khắc cho đài kiểm soát. Nhân viên ta báo tin ngay cho phi công biết là đang bay lạc vào cấm khu nguy đến tính mạng và bắt buộc phải quay đầu ngay. Nhưng... Nguyệt Hằng dựa vào vai Triệu Dung : - Nhưng phi công không trả lời, à ông? Hạm trưởng đáp : - Vâng. Phi công không lên tiếng. Thoạt đầu, tôi tưởng là phi cơ địch. Nhưng sau, tôi không tin. Pháo đài ZZ đã được phòng thủ vô cùng kiên cố. Tôi liên lạc với đất liền thì biết phi công là đại tá Tống Văn Bình. Đại tá định hẹn đến chiều nhưng bất thần lại lên máy bay. Lúc cất cánh lại không trình cho bộ tư lệnh đặc biệt biết. Đến khi được tin thì đã muộn... Nguyệt Hằng vùng lên : - Đã muộn... Hạm trưởng nói sao? Không còn phương nào cứu Văn Bình được ư? Lần đầu tiên, Triệu Dung thấy hạm trưởng, con người lăn lộn nhiều năm với biển cả và nguy hiểm, thở dài não ruột. Rồi ông nói : - Tôi e là không. Trừ phi là Thượng đế... Cả ba người đột nhiên nín lặng. Họ tưởng như lạc vaò hư vô, tứ bề câm nín âm thanh. Trong khi ấy, sóng biển vẫn đua nhau vỗ vào vỏ thép của hàng không mẫu hạm nguyên tử, nhân viên trên pháo đài nổi ZZ hoạt động rội rịp như đàn ong khổng lồ vỡ tổ. * * * * * Khi ấy trên không trung bao la xanh ngắc một màu, Văn Bình cũng có cảm giác như lạc vào hư vô. Chàng có cảm giác này một phần vì chiếc Crusader II bay hết tốc lực [6], nhanh như tên bắn, biến 13 tấn sắt nhẹ bỏng như lông hồng. Nhưng phần khác - và là phần chính - Văn Bình đang nôn nao sau những phút thần tiên ở Đà Nẵng. Trong 6 tháng ròng rã, chàng tạm trở thành nhân viên phi hành dân sự, tuần hai lần, lái máy bay chở hành khách trên đường Sai-Gòn - Hồng Kông. Mục đích của ông Hoàng là dùng Văn Bình núp sau chiêu bài hoa tiêu thương mãi để theo dõi một tổ chức gián điệp RU đặt tổng hành dinh tại Cảng Thơm, và phái nhân viên tới Nam Việt bằng cửa trước. Công việc chưa đi tới đâu, thì đột nhiên Văn Bình được triệu hồi. Rời được công ty hàng không, chàng cảm thấy như thoát được trại giam. Vì trong 6 tháng trời ròng rã, chàng phải sống như người máy, không dám bừa bãi, dù chỉ là bừa bãi trong một phút, trong một giây đòng hồ ngắn ngũi. Cuộc sống của chàng, ngoại trừ những đêm không ngủ, lần mò theo vết điệp viên địch, được chạy đều đặn như đồng hồ điện tử. Sau 50 giờ bay, phi cơ được mở máy để kiểm soát. Sau 200 giờ bay, động cơ được khám xét từng ly, từng tí. Và sau 3.000 giờ thì một cái đinh ốc nhỏ xíu cũng được coi lại. Sự kiểm soát phi cơ khi được diễn ra tỉ mỉ và đúng nguyên tắc đến nỗi Văn Bình phát điên. Mỗi khi trèo lên máy bay, chàng lại nhứt đầu, mắt chàng chỉ thấy màu vàng và màu lục hỗn độn. Vì màu vàng và màu lục là màu của những tấm phiếu kiểm soát [7]. Đối với chàng, màu vàng lại là màu chứa đụng nhiều kỷ niệm nhứt đầu. Màu vàng của Nguyệt Hằng... Văn Bình không biết nàng ở đâu. Ông Hoàng thường có thói quen lôi chàng ra khỏi những căn phòng ấm cúng, không cho chàng ở hoài với một ngươì đàn bà duy nhất. Vì vậy, chàng phải xa Nguyệt Hằng. Cho đến ngày ông Hoàng gọi chàng về. Lòng chàng vui rộn như mở hội. Theo dự tính, cháng sẽ gặp Nguyệt Hằng trên pháo đài ZZ. Văn Bình nhảy lên con chim sắt với ý định ra khơi cấp tốc. Nhưng định mạng trớ trêu đã khiến chàng hoãn lại chuyến bay, hoãn để rồi không hoãn nữa. Ở Đà Nẵng, chàng đã gặp một thiếu nữ tuyệt đẹp. Trong môt quán rượu, gần phi trường, nàng cười nụ với chàng, chàng cười nụ lại. Sự việc chỉ bắt đầu bằng nụ cừơi và cái nhìn giản dị, thầm lặng và ngắn ngủi. Chỉ có thế thôi, hai người không nói với nhau điều gì hết. Nếu muốn, cũng không có điều kiện, vì nàng đang ngồi với mẹ. Nhưng ra khỏi quán, nàng lại cười với chàng lần nữa. Biết ý, chàng đi theo. Nhà nàng ở cuối một con đường vắng. Chàng đợi bên ngoài, hút được nửa điếu Salem thì nàng vội vã bước ra. Thế rồi hai người đi song song bên nhau. Tối hôm ấy là tối thơ mộng của Văn Bình. Trái đào hơ hớ ăn, sống ngàn năm của bà Tây Vương Mẫu bỗng dưng trên chín từng mây rơi gọn vào tay chàng, vào lúc chàng không dám ngờ tới. Nàng yêu chàng, trao thân cho chàng, như thể là tình nhân từ nhiều năm trước. Chàng hỏi tên thì nàng đáp : - Đừng biết tên nhau làm gì, anh ạ. Bằng chứng là em không hỏi tên anh. Em cũng không hỏi anh từ đâu tới, anh làm nghề gì và anh có vợ chưa nữa. Anh không biết tên em tất sẽ nhớ em nhiều hơn. Mai đây, một mình trèo lên phi cơ giữa trời cao, biển rộng, anh sẽ tới ngày hôm nay tại Đà Nẵng, anh ôm trong lòng một đứa con gái lạ lùng. Và đó là sự an ủi tuyệt diệu của em. Văn Bình giật mình : - Hừ, tại sao em biết anh là phi công? Nàng đột nhiên sa sầm nét mặt : - Thật ra, em không biết anh là phi công, vì lẽ giản dị là em gặp anh lần đầu trong đời. Nhưng anh ơi, dầu mới quen anh, em vẫn có cảm tưởng là gắn bó với anh từ kiếp trước. Thấy anh trong tiệm giải khát, em như bị nam châm thu hút vào anh không thể dứt ra được. Em đoán anh là phi công vì anh đẹp trai khác thường. - Em lầm rồi. Có thể thanh niên đẹp trai làm nghề phi công, song không thể có toàn thể phi công đẹp trai. - Anh lầm thì đúng hơn. Con gái chúng em đã bàn luận với nhau về vấn đề này. Phi công toàn là thanh niên khôi ngô, người nào cũng vậy. Nếu mặt họ không đẹp thì họ đẹp ở cái miệng và nhất là ở đôi mắt. Anh thử nhìn họ mà xem, người nào cũng có đôi mắt sâu và cái nhìn rộng mênh mong như thu gọn trời đất bao la gọn vào trong. Họ quen sống với vũ trụ bát ngát nên tánh tình họ phóng khoáng, tình yêu của họ cũng phóng khoáng lạ lùng. Từ thuở cặp kê đến giờ, em hằng mơ ước được làm vợ phi công hoặc ít ra được nằm ngả trong vòng tay mã thượng của phi công song em chưa đạt được ý nguyện... Mẹ em bắt em lấy chồng. Lấy một anh chàng nhà giàu, tay chân trắng trẻo và mềm nhũn như tay chân đàn bà, cả đời co ro trong bốn bức tường. Gia đình em rất nghiêm khắc, em không thể thoát ly, vã lại nếu có điều kiện thoát ly, em cũng không làm như vậy. Đêm qua, em đốt hương câù Trời Phật run rủi cho em gặp một phi công đẹp trai và hào hoa. Và em đã gặp anh. Em không muốn tâm hồn em, thân thể em được một kẻ tầm thường làm chủ. Anh tha lỗi cho em... Văn Bình vuốt sợi tóc lòa xòa trên vần trán rộng và mịn màng của nàng, giọng âu yếm : - Đúng ra, anh mới là người phải xin lỗi. Ít ra là phải xin lỗi chồng tương lai của em. Nàng xì một tiếng rồi đáp : - QGO... Anh không được gợi tới đời tư của em. Nếu anh tái phạm, anh sẽ không được ngồi thêm với em phút nào nữa [8]. Nghe nàng dùng danh tư chuyên môn, Văn Bình phì cười : - Roger [9]. Nàng ngồi sát vào người chàng, rồi nói như trong cơn mơ phi hành : - Em lạnh lắm. GCA của anh đâu [10]? Văn Bình đã hiểu nàng muốn gì. Chàng vòng tay sau gáy nàng, nâng mặy nàng ngửa lên, rồi cuối xuống hôn thật lâu trên đôi môi mộng ướt, đôi môi chứa chan sự sống mới được hé nở để hôn đàn ông lần đầu. Nàng run lên như bắn. Tê mê, Văn Bình ghì chặc lấy nàng. Chung quanh, Đà Nẵng về đêm chìm trong cảnh yên lặng bâng khuâng. Đột nhiên, hỏa pháo trên phi cơ thả xuống chiếu sáng một góc căn cứ, màu xang biêng biếc sương. Văn Bình có cảm giác như lạc vào Thiên Thai giữa những đám sương ngũ sắc. Chàng xiết nàng quá mạnh mà không để ý. Nàng nhẹ nhàng gỡ tay chàng ra rồi thỏ thẻ : - Khiếp, QAN của anh mạnh kinh khủng [11]. Suýt nữa là em chết ngạt. Vùng sáng rực rỡ của hỏa châu lan đến chỗ hai người ngồi. Văn Bình thoáng nhận ra người bạn gái kỳ lạ với thân hình cao lớn, nẩy nở đúng theo tiêu chuẩn quốc tế, nàng mặt áo thun hở nách và minijupe thì đẹp tuyệt. Song nàng lại phục sức tầm thường, áo dài bằng hàng nội hóa cổ hình trái tim, để lộ ra mảnh da ngực nõn nà. Một giọt lệ đột nhiên rơi trên má nàng. Văn Bình xiết chặc bàn tay búp măng : - Tại sao buồn? Em hối hận ư? Giọng nàng buồn man mác : - Phàm người ta phạm tội ác, lương tâm cắn rứt mới hối hận. Còn em, lương tâm em luôn luôn thanh tỏa. Nhiều lần, em đã nói thẳng với chồng chưa cưới của em rằng em không yêu. Hắn đáp là không yêu trong hiện tại thì sẽ yêu trong tương lai. Em liền nói dứt khoát rằng từ ngày em về với hắn cho tới ngày em thở hơi cuối cùng, em sẽ chẳng bao giờ yêu hắn. Nhưng hắn không cần. Hắn không cần, anh ạ. Hắn chỉ cần được em làm vợ, thế thôi. Còn em đã yêu ai, em sắp yêu ai, hắn không cần biết, không muốn biết và không dám biết. - Em đã yêu ai chưa? - Chưa. Em mới 18 tuổi. Đúng ra, phải ba tháng nữa mới chẳn 18 tuổi. Tuổi em là tuổi đầy thơ và mộng. Bè bạn cùng tuổi đang nhí nhảnh cắp sách đến trường. Vì hoàn cảnh gia đình, em không được sống cuộc đời vô tư lự như họ. - Vì hoàn cảnh gìa đình? - Vâng. Cha em mất sớm, bọn em mồ côi từ hồi còn nhỏ xíu. Mẹ em tần tảo nuôi con, nhưng anh tính coi, sinh hoạt mỗi ngày một đắt đỏ, rủi ro lại kéo hàng loạt đến nhà em. Mẹ em mang công mắc nợ, tiền lời cứ chồng chất lên tiền vốn. Rốt cuộc mẹ em không thể nào trả được. Rồt cuộc, em phải trở thành Thúy Kiều... - Bán mình để chuộc nợ... - Cũng gần như thế. Mẹ em thương em lắm, nhưng không còn đường lối nào khác... Rồi nàng sụt sùi : - Giá anh ruột em còn sống... Văn Bình cảm thấy cõi lòng tê tái. Dường như ai vừa đánh mạnh vào gáy chàng. Chàng lặng người một giây, ngước mắt nhìn nàng trong khoảnh khắc, tranh tối, tranh sáng. Nàng nói thì thầm như kể chuyện cổ tích : - Giá anh ruột em còn sống thì đâu đến nông nỗi này. Anh ấy là phi công, anh ạ. Ngang tàng lắm, hào hoa lắm. Anh ấy là đại-úy Không quân. Ngày nào cũng bay. Không bay thì không chịu được. Phi cơ đối với anh ấy thân thiết như vợ. Và còn thân thiết hơn vợ nữa. Vì vợ có thể mang lại hạnh phúc nhưng không có thể mang lại những cảm giá thần tiên, cảm giác không ngôn ngữ nào tả được, cảm giác chỉ có trong lòng mỗi khi bay lên tầng cao, thoát khỏi ràng buộc tầm thường của đời sống loài người. Vả lại, vợ con có thể phản chồng, chông có thể phản vợ. Phi cơ thì không bao giờ phản phi công và ngược lại. Máy bay hỏng thì phi công chết và phi công chết thì máy bay cũng chết. - Ồ, em nói thi vị ghê! - Thật đấy, nghề lái máy bay không phải là nghề vong mạng như một số người xuẩn động lầm tưởng. Theo em, đó là nghề khoa học và cũng là nghề nghệ sĩ nhất. Phi công đều là thi sĩ. Không phải làm thơ mới là thi sĩ. Anh ruột em thường bảo em như vậy. Em còn nhớ rõ lắm, đêm ấy cũng lặng gió và nhiều hỏa châu chiếu sáng Đà Nẵng như đêm nay, anh ấy lái về hướng tây, rồi không về nữa. Anh ruột em đã dạy ngôn ngữ hàng không cho em. Nhiều lần nghe chúng em trò chuyện, mẹ em đứng đực như mán xuống chợ vậy. Lắm bữa, chúng em còn trêu mẹ em bằng cách không nói mà làm dấu hiệu. Dấu hiệu giữa phi công và nhân viên kiểm soát trên hàng không mẫu hạm ấy mà... Văn Bình đứng dậy, nâng bàn tay phải lên ngang cổ, một ngón xơ ra. Đang nức nở, thiếu nữ vụt cười : - Hừ, đó là dấu hiệu “tắt máy”. Anh không muốn em gợi lại dĩ vãng đau buồn chứ gì? Thì thôi, em không nói nữa... Nhưng anh ơi, hồi còn sống, anh ruột em cũng thường ra hiệu “tắt máy” mỗi khi em thao thao bất tuyệt. Cười đó, khóc đó, miệng nàng vừa mở ra tươi tắn vội méo sệch, hai giòng nước mắt lại tuôn rơi lã chã. Văn Bình an ủi : - Anh đã bảo mà. Em nhắc lại quá khứ làm gì nữa. Trong đời, ít ai không có quá khứ đau buồn. Chúng mình nên nghĩ đến hiện tại là hơn. Vì mai đây, đúng hơn lát nữa đây, hai đứa minh sẽ phân ly, mỗi người một ngả, anh lên không gian, không biết sống chết lúc nào, còn em sẽ lên xe hoa, về nhà chồng. - Nhưng, ít ra, anh còn được làm thơ trên mây xanh, hoàn toàn tự do. Còn em vào nhà tù, tuột xuống địa ngục. Cả hai người đều nín lặng. Ánh sáng hỏa châu nhạt dần rồi hòa lẫn vào màn đêm mù mịt. Đột ngột, Văn Bình nắm tay nàng : - Mẹ em nợ người ta bao nhiêu? Nàng gỡ tay chàng ra, bộ điệu sửng sốt : - Anh hỏi làm gì? - Ồ, anh có tính tò mò. Không quân gồm toàn thanh niên tò mò, em biết chứ? - Đồng ý. Nhưng không quân cũng gồm toàn thanh niên kiết xác, trong túi không bao giờ có một đồng xu. Dầu anh muốn giúp đỡ em, anh cũng bất lực, hoàn toàn bất lực. Nghề của nah khó tham nhũng lắm. Trừ phi là anh đòi ông Trời trả tiền hối lộ. - Anh hỏi thật đấy. Nàng thở dài sườn sượt : - Vì anh khẩn khoảng, em cũng xin nói. Nếu anh là thiếu tá, anh phải nhịn ăn trong 5 năm. Không quân các anh nhịn đói tài lắm, song tài đến đâu cũng không nhịn nổi 5 năm, nghĩa là gần hai ngàn ngày... Em xin đa tạ lòng tốt của anh. Văn Bình hỏi, giọng nghiêm nghị : - Nghĩa là gia đình em nợ người ta năm triệu đồng? - Thưa anh, vâng. Còn căn nhà duy nhất, mẹ em cũng phải bán để lấ tiền trả nợ. Nhưng anh ơi, bán tất cả cũng chưa được nửa triệu. Giọng nàng đột nhiên mơ màng : - Hừ, ông Trời bất công thật. Cha, mẹ toàn làm điều đức mà con gặp toàn việc rủi. Giá em trúng số độc đắc... Tuần nào, em cũng mua cá cặp. Trúng một hơi sáu triệu, em sẽ giải quyết được hết. Thế mới biết, tiền không cần mà là cần thật. Nầy anh, anh thử nhìn tóc em xem. Văn Bình không thấy gì khác thường trên mái tóc ngắn của nàng. Nếu có, thì chỉ khác thường ở chỗ cắt ngắn Khác thường, vì người đẹp muôn thuở miền Trung luôn luôn nuôi tóc dài, xõa xuống ngang vai. Tuy nhiên, khuôn mặt và thân hình của nàng lại thích hợp với tóc ngắn hơn tóc dài. Mớ tóc ngắn không uốn ôm gọn lấy cái mặt đều đặn, mũi nhỏ vươn lên như đầm, hàm răng trắng muốt sau làn môi nửa dầy, nửa mỏng. Nhờ mó tóc ngắn, bờ vai nàng đã thuôn càng thuôn thêm, khiến toàn vẹn kho báu ở ngực và eo có đủ điều kiện phô bày. Với 18 tuổi, ít thiếu nữ có được bề cao thân hình, bề gọn của eo và bề rộng của ngực cân đối và gợi cảm như nàng. Không, Văn Bình đã quan sát kỹ, nàng không có điểm nào khác thường trên mái tóc. Chàng mỉm cười : - Tóc em óng ả ghê. Em cắt như thế này đẹp hơn. Nàng òa lên khóc : - Anh thành thật không? Em sợ anh chỉ muốn an ủi em thôi. Em phải cắt tóc ngắn vì... Văn Bình bịt miệng nàng lại. Chàng không thể nghe nàng nói hết. Vì chàng muốn những phút bên người đẹp ngẫu nhiên phải tràn đầy mơ mộng, xa hẳn thực tế phũ phàng, vô cùng phũ phàng... Song cuộc đời nguy hiểm nhưng vương giả như chàng, từng nắm trong tay hàng trăm ngàn triệu, chàng hầu như mất hẳn ý niệm về đồng tiền khó khăn. Chàng không dám tin rằng sự thúc giục của đời sống đã bắt nhiều người trong số có những người đàn bá tuyệt đẹp như cô gái Đà Nẵng phải hy sinh một phần sắc đẹp cần thiết. Rồi Văn Bình kéo tay nàng : - Chúng mình đi về đi. Hai người lặng lẻ quấn lấy nhau trong bóng đêm. Thời gian trôi qua vùn vụt, chốc lát, hai người đã tới con đường hẻm vào nhà nàng. Nàng đứng lại, ngả đầu vào vai chàng : - Vĩnh biệt anh. Văn Bình bịt miệng nàng : - Anh muốn đến thăm mẹ em. Nàng há hốc miệng : - Không được. Mẹ em đánh chết. Ngày mai, đã là lễ cưới rồi.Thôi, nếu anh còn yêu em, thật tình yêu em, anh nên bỏ đi là hơn. Tuy nói vậy, nàng cũng không ngăn cản khi chàng gõ cửa và thản nhiên bước vào. Bằng một lời nói và cử chỉ, nàng không muốn Văn Bình về nhà, song thâm tâm nàng, bề sâu của linh hồn quằn quại của nàng lại muốn sự hiện diện của người đàn ông mã thượng. Cho đến trọn đời, Văn Bình cũng không quên được thái độ sửng sốt của gia đình nàng. Nhất là thái độ sửng sốt khi thấy chàng đi thẳng vào vấn đề. Không ngồi xuống ghế, chàng nói : - Thưa cụ, nếu cụ tha lỗi cho sự đường đột, tôi xin tự giới thiệu. Tôi là bạn thân của anh cả. Trước kia, chúng tôi vẫn bay chung với nhau. Nghe nói cụ mắc nợ, tôi có bổn phận phải đến giúp cụ một tay. Phiền cụ báo cho người ta biết rằng nội ngày mai, cụ sẽ thanh toán đủ số tiền năm triệu. Mặt bà cụ tái nhợt : - Nội ngày mai có năm triệu... Ông là bạn thân của con tôi... Trời ơi, tôi không thể nào hiểu nổi. Tôi điên mất rồi... Bà cụ đứng sững nhìn Văn Bình rồi khuỵu chân xuống ghế. 15 phút sau, bà mới hồi tỉnh. Nhưng Văn Bình đã đi rồi. Chàng gọi vô tuyến siêu tần số cho Lê Diệp. Tiền thưởng của chàng ở Sở còn hơn ba triệu. Chàng tin Lê Diệp sẽ giúp chàng. Sau một phút ngạc nhiên, Lê Diệp nhận lời. Biết tính bạn, Lê Diệp không hỏi chi tiết. Vả lại, nếu hỏi, Văn Bình cũng không bao giờ tiết lộ. Rồi Văn Bình lên phi cơ. Lẽ ra, chàng cất cánh vào buổi chiều, không hiểu sao, chàng quên bẵng. Dầu nhớ, chàng cũng không muốn lưu lại Đà Nẵng thêm phút nào nữa. Dứt được trong lúc này, chàng cảm thấy đẹp đẽ hơn là ở lại. Chàng đã đa mang quá nhiều, không được quyền đa mang thêm. Vả lại, nàng mới 18 tuổi... ... Không trung bao la, xanh ngát một mầu. Ít khi trời đẹp như sáng hôm nay. Đồi với người quen sống trên mặt đất, thì trời đẹp có nghĩa là mây trong vắt không chút gợn, nắng lóe vàng nhưng không đổ bồ hôi. Người phi công lại quan niệm trời đẹp khác hẳn. Trời đẹp dưới mắt họ không hẳn chỉ là mây trong vắt và nắng loé vàng. Mà là một cái gì lạ lùng. Không mắt nào nhìn thấy, không tay nào nghe thấy. Dường như khi ấy một tiếng nói kỳ dị trên không vọng xuống, kêu đoàn chim sắt bay lên. Trên độ cao, Văn Bình cảm thấy lâng lâng. Mấy phút trước, chàng đang ở sân bay quân sự Đà Nẵng, liên lạc bằng giọng thân mật với đài kiểm soát. Trước mắt chàng, trên thảm bê-tông dài chàng còn nhận ra những lớp cao su của hàng ngàng, hàng vạn phi cơ nặng nề đáp xuống. Mỗi lần ngồi trong phòng phi hành, Văn Bình lại ngất ngây như người say rượu tân hôn. Vì phi đạo bê-tông vô tri giác đối với chàng lại là một kho tàng kỷ niệm nên thơ. Trong thời gian hoạt động ở Âu châu, chàng không quên được cô gái trẻ măng như giai nhân chàng mới gặp phục vụ trong đài kiểm soát của một trường bay quân sự gần Luân Đôn. Lần đầu hạ cánh, chàng không để ý, nhưng dần dần, chàng phải để ý. Vì lần nào chàng trở về, xin đáp xuống, cô gái ngây thơ cũng ra lịnh cho chàng xử dụng phi đạo 06/28. Hơn một lần phi đạo này bị bận, nàng vẫn bắt chàng đợi trên không trung, xong xuôi mới cho xuống. [12] Mãi sau, Văn Bình mới khám phá ra bí mật. Nàng âm thầm yêu điệp viên Z.28 từ lâu. Còn 06 là số hiệu của nàng trong tình báo Anh. Nhưng đến khi tìm ra sự thật thì nàng đã lấy chồng. Nhúng vai, Văn Bình nhấn ga xăng. Chất xăng nhẹ bỗng và thơm ngát vọt vào động cơ phản lực to lớn. Áp lực và nhiệt độ gia tăng vùn vụt, động cơ máy bay rú lên. Chàng xả thắng, con chim sắt khổng lồ bắt đầu được thả khỏi chuồng, từ từ lăn bánh trên phi đạo, trước khi chàng mở máy hậu, tiếng ầm ầm vang dội [13], rồi 13 tấn thép và nhom thèm khát không gian bao la, thèm khát phiêu lưu vô tận, phóng ra phía trước. Văn Bình kéo vần lái nhè nhẹ vào người. Chiếc Crusader thân yêu rướn mình lên không trung. Trong phòng lái kín mít, Văn Bình không nghe rõ tiếng động kinh khủng. Song chàng biết là toàn thể căn cứ Đà Nẵng đang bàng hoàng trong tiếng nổ phi cơ bay lên. Một cảm giác xưa phàm tràn ngập lòng chàng. Tốc độ đã lên tới 800 cây số giờ. Khí trời bên ngoài lạnh buốt xương, song phòng phi hành vẫn thoải mái vì được điều hòa. Xung quanh toàn mây là mây. Mây như tiến sát phi cơ, chỉ luồn tay ra ngoài là nắm được, nhưng kỳ thật còn ở rất xa. Văn Bình nâng miếng kiếng dầy che mắt để nhìn ra ngoài. Nhưng ánh sáng rực rỡ túa vào, khiến chàng vội xập xuống. Phi cơ tiếp tục gia tăng tốc độ. Tuy nhiên, chàng vẫn còn ấn tượng là phi cơ không chuyển động, và chàng đang bập bềnh trong không gian mênh mong. Đột ngột, chàng nổi gai ốc. Một biến cố vừa xảy ra trên phi cơ: máy vô tuyến đã câm lặng. Câm lặng 15 phút sau khi chàng rời bờ biển mà không biết. Máy vô tuyến là dây liên lạc tối hệ giữa phi cơ và hàng không mẫu hạm ZZ. Văn Bình không biết rằng trong cơn mơ về quá khứ thần tiên, chiếc Crusader đã lạc đường bay. Mồ hôi ướt đầm trán chàng. Từ Đà Nẵng tới pháo đài nổi, chàng phải bay trên độ cao UIR [14] dành riêng cho phi cơ quân sự. Và trên độ cao UIR này, chàng không được phép rời khỏi hành lang 3 đỏ [15]. Vì ra khỏi là chết. Trời đang sáng quắc bỗng tối sầm lại. Rồi sáng quắc trở lại. Sáng quắc như vầng Thái dương hàng triệu độ chiếu thẳng vào mặt. Văn Bình nhìn thẳng vào đám mây đàng trước. Chàng không thể nào lầm được. Trước mắt chàng là mộ hỏa tiễn. Một hỏa tiễn phụt lửa da cam đang phóng vào phi cơ với sức nhanh kinh hồn. Hơn ai hết, Văn Bình biết đây không phải là loại hỏa tiễn tầm thường mà phi công Mỹ thường gặp trên vòm trời Bắc Việt. Mà là một loại đặc biệt, đặc biệt hơn cả những loại đặc biệt từ trước đến nay. Ông Hoàng tiết lộ với chàng rằng pháo đài nổi ZZ đang thí nghiệm một loại hỏa tiễn tân tiến ICM [16]. Loại hỏa tiễn này còn tân tiến hơn hỏa tiễn Poseidon [17] trong khuông khổ một biến thể của chương trình Orca [18]. Hỏa tiễn ICM này sẽ là võ khí nhẹ, vô cùng hữu hiệu, khi cần có thể gắn đầu đạn nguyên tử và đặc điểm đáng lưu ý là rẻ tiền, thích hợp với hầu bao những quốc gia nghèo như Việt Nam, nên ông Hoàng đã phái Triệu Dung ra pháo đài ZZ. Ông Hoàng định sản xuất hỏa tiễn ICM đề bắn hạ phi cơ địch hoặc trả đũa thẳng vào đất địch, trong trường hợp chiến tranh tương lai. Điều này Văn Bình không biết. Dầu sao, ông cũng không thể ngờ nạn nhân đầu tiên của hỏa tiễn ICM lại là người mà ông yêu mến nhất, điệp viên Văn Bình, Z.28. Văn Bình lẩm bẩm trong cuống họng khô đắng : - Ông Hoàng, ông Hoàng! Hỏa tiễn khổng lồ vẫn lao vun vút giữa không gian rực nắng, sửa soạn reo rắc thần chết. Và trong giây phút gần thần Chết này, Văn Bình quên cả trời nắng, mà chỉ thấy lạnh, một hơi lạnh ghê gớm, từ xương tủy ra lục phủ ngũ tạng trào ra, hòa với khí lạnh bên ngoài. Chàng có cảm giác là kính chắn phòng phi hành đã vỡ nát mặc cho khí lạnh bên ngoài ập vào, biến chàng thành nước đá. Toàn thân chàng run cầm cập. Rồi như nhiều lần đã qua, mỗi khi nguy nan cực độ, Văn Bình lại nghĩ đến ông Hoàng. - Ông Hoàng, ông Hoàng! Chú thích [1] Đại E., là tiếng lóng để chỉ hàng không mẫu hạm Enterprise, trọng tải 85.000 tấn, chạy bằng 8 điện trì nguyên tử, hạ thủy sau năm 1961, chở 100 phi cơ và trực thăng, 100 phi công, 4.600 sĩ quan và thủy thủ. [2] Catapulte.Phi đạo trên mẫu hạm nên phải dùng máy phóng để đẩy phi cơ lên. [3] Xin đọc Nữ Thần Ám Sát, đã xuất bản, thuật lại cưộc đời éo le của Nguyệt Hằng. [4] 161 V-1, được chế tạo năm 1938, gồm 2 nhân viên phi hành, 1 đại liên, tốc độ trên 600 cs/giờ. [5] 110 G-2, được chế tạo năm 1936,cũng gồm 2 nhân viên phi hành, 2 đại bác 30 li và 6 đại liên 13 li, tốc độ 600 cs/giờ. [6] Đó là phi cơ siêu thanh phản lực Chance Vought FSU-2N Crusader II, khu trục cơ, nặng 13 tấn, 1 nhân viên phi hành, tốc lực 1.600 cây số giờ. [7] Có 3 phiếu vàng và 3 phiếu lục, ghi chú sự kiểm soát. Phiếu vàng J01, kiểm soát động cơ, phiếu vàng J02 áp lực dưỡng khí, phiếu vàng J03, thắng và bánh đáp xuống. Các phiếu lục được dùng để ghi chú sự kiểm soát bên ngoài, bên trong phi cơ. [8] QGO. Danh từ chuyên môn phi hành, có nghĩa là cấm (phi cơ) cất cánh và đậu xuống. [9] Roger. Danh từ quốc tế, có nghĩa là Okay, nghe rồi, được. [10] GCA. Radar d’approche, máy radar kiểm soát phi cơ gần đến phi trường. Hiện có nhiều thể thức kiểm soát: đài kiểm soát, kiểm soát bằng mắt, ở độ cao 300 thước, và trong đường bán kính 10 cây số quanh phi trường. Còn radar d’approche thì kiểm soát trong phòng kín trước màn radar. Danh từ GCA mà thiếu nữ dùng ở đây là muốn Văn Bình hôn. [11] QAN là tốc độ của gió. Ý nói chàng hôn nàng như vũ bão. [12] UIR tức là Upper Information Region, một vùng trời ở độ cao từ 6.000 tới 12.000 mét. Vùng bên dưới được dùng cho phi cơ thương mãi. Hành lang không vận bắt đầu từ độ cao 1.500 mét, mỗi hành lang dài 418 cây số và cao 4 cây số. [13] Các hành lang thường được đặt tên khác nhau như đỏ 1, xanh 2, vàng 3 vân vân. Chẳng hạn hành lan Lục 1 là con đường Shannon đến Francfort, muốn quẹo sang Strasbourg thì phải dùng hàng lang Đỏ 7 vân vân. Nhân tiện, tác giả xin giải thích về phương pháp phân chia hàng lang trên không trung như sau: hành lang có thể dài, ngắn khác nhau, và không nhất thiết phải thẳng. Có thể ví nó như một cái hộp, mặt dưới ở độ cao 1.500 mét, mặt trên ở độ cao 6.000 mét, bề rộng 18 cây số. Gần mặt đầt, hành lang mang hình trục tròn, giống như một đồng tiền khổng lồ, dầy 300 mét, bán kính 10 cây sồ, sát với mặt đất, mà phi trường là trung tâm. Bên trên trục tròn (nghĩa là từ 300 mét tới 1.500 mét) thì hình thù đổi khác, mỗi phi trường một kiểu, gần như một tấm đan (dalle) dầy hơn 1.000 mét, góc cạnh không đều nhau. Vùng “trục tròn” thuộc quyền của đài kiểm soát phi trường, vùng từ 300 mét đến 1.500 mét thuộc bộ phận kiểm soát phi cận (contrôle d’approche), còn vùng ở trên 1.500 mét (hành lang không vận) thì thuộc cơ sỡ kiểm soát địa phương. Phi công muốn cất cánh hoặc đáp xuốngphải lần lượt tuân theo mệnh lệnh của 3 cơ sở kiểm soát này trên 3 làn sóng điện khác nhau. [14] ICM là Improved Capability Missile, hỏa tiễn đặc biệt của Hoa Kỳ. Loại này còn ở trong thời kỷ tìm tòi, mãi đến sau năm 1970, vấn đề sản xuất qui mô mới được tiến hành. [15] Phi đạo cho máy bay cất cánh hoặc hạ cánh được quan niệm như là một vòng tròn 360 độ. Phi trường được chia thành nhiều phi đạo mang tên khác nhau. Tuy nhiên, việc đặt tên được theo một lề lối quốc tế nhất định, gồm bằng con số và chữ. Con số là “độ” của vòng tròn, còn chữ thì chỉ có 2, là L và R, nghĩa là Left (trái) và Right (phải). Chẳng hạn: phi đạo 06/28, tức là phi đạo 60 độ đông bắc - 280 độ tây nam (để khỏi rườm rà, người ta bỏ con dê rô phía sau. 06 là 60 độ. 28 là 280 độ). Trong trường hợp còn có một phi đạo song song với phi đạo 06/28, ngươòi ta thêm vào chữ L hoặc R. Chẳng hạn phi đạo 06/28R. Vì đây là một vấn đề thuần túy chuyên môn nên rất khó hiểu. Tác giả trân trọng cáo lỗi vì thiếu chỗ, không thể nào minh dẫn thêm nữa. Bạn đọc tò mò có thể vẽ một hình tròn, ở đỉnh trên là hướng bắc, đỉnh dưới là hướng nam, bên phải là đông, bên trái là tây, chia vòng tròn làm 4 miếng bằng nhau bằng đường kính bắc nam, đông tây. [16] Tức là Post-combustion. [17] Poseidon, tên của Thủy Thần Địa Chấn, theo thần thoại Hy Lạp, là một biến thể tân tiến của hỏa tiễn gắn trong tiềm thủy đỉnh, Polaris. Tổng thống Johnson cho biết là kề hoạch nghiên cứu đã hoàn tất năm 1965. Công cuộc chế tạo đợt đầu sẽ tốn 900 triệu đô-la. Poseidon mạnh gấp đôi Polaris A-3., mang một đầu đạn nguyên tử cũng lớn gấp đôi và đặc biệt là tụ động tìm mục phiêu mà rớt xuống. Với tốc độ nhanh, và các dụng cụ điện tử, nó được coi là một võ khí tuyệt đối, vì khi được phóng ra, đối phương trở tay không kịp. [18] Orca là một chương trình sản xuất hỏa tiễn do công ty General Dynamics đệ trình cách đây vài ba năm và được không quân Mỹ lưu ý. Chương trình này trù liệu sản xuất một loại hỏa tiễn nặng hơn hỏa tiễn Polaris nhiều lần, bỏ trong thùng thép gắn chặt và thả ra ngoài hải phận cuốc tế, đối dien đất địch. Khi nào lâm chiến, chỉ cần bấm nút từ xa cho nổ. Với loại hỏa tiễn Orca, vấn đề sản xuất được rẻ, khỏi cần chiến hạm hoặc tièm thủy đỉnh mà chỉ cần tàu đánh cá cỡ nhỏ để bấm nút điều khiển. Đối phương lại không thể biết thùng thép chìm ớ đâu để khám phá nữa.