Thuở xưa, có một vị sư già nuôi một đồng tử, nhưng không dạy phép tắc qui củ gì cả. Một hôm có một vị tăng hành cước đến, thấy tình trạng đó bèn dạy cho đồng tử những nghi lễ thông thường của một chú tiểu sơ cơ. Chiều đến, khi vị sư già trở về đồng tử liền ra chào hỏi. Vị sư lấy làm lạ bèn gạ hỏi nguyên do. Xong, sư gọi vị khách tăng đến, bảo: - Thượng tọa đi hành cước là thực hành cái tâm gì? Tôi nuôi thằng bé này đã hơn ba năm rồi, may mắn là nó có thể thương xót nó. Ai bảo thượng tọa làm hư hoại nó? Thôi mời thượng tọa đem hành lý đi chỗ khác. Khách tăng đành phải ra đi giữa lúc trời đang đổ mưa. Thiền sư Pháp Nhãn bình rằng: Người xưa hiển lộ cái gia phong của nhà mình ra rất là quái lạ, hãy nói ý tại chỗ nào? Một khi đã có động tác thì chẳng phải là bổn lai diện mục. Thánh đã chẳng thể được thì làm gì có phàm? An nhiên mặc cho nó động tĩnh vô tâm, thánh hay phàm, năng hay sở, trí hay ngu, phiền não hay bồ đề đều là đạo như như bất động. Lời BànEm thân mến! Chúng ta có thể bắt chước rập khuôn theo Thánh Hiền, Tiên, Phật, Bồ Tát... về các khoảng oai nghi: đi đứng, nằm ngồi, ăn mặc, nói năng, cúi ngước, ho hen, tằng hắng... nhưng không thể bắt chước các ngài về khoản giác ngộ và thái độ tự tại trước bát phong. Không thể bắt chước, nhưng không phải chúng ta vô phần. Có điều hâm mộ và bắt chước đôi khi cũng có nghĩa là tự khinh khả năng của chính mình. Có lẽ vì thế mà vị sư này không chịu dạy dỗ đồng tử về những oai nghi phép tắc chăng? Trích: Vô Minh Từ Đâu Ra của Như Thủy, WP: Trí Đạt