Ông Sáu nằm im lìm trên bộ ván mun bóng nhẵn. Hai tấm ván dày cỡ tấc rưỡi, kê trên hai con ngựa gỗ, là vật gia bảo còn lại mà gia đình ông chưa đem ra chợ trời vì quá nặng. Mắt ông Sáu nhìn thẳng lên trần nhà, bất động. Mái nhà bằng tôn, toát ra hơi nóng hừng hực như thể hút trọn sức nóng của mặt trời buổi trưa tháng bảy rồi nhả xuống người ông. Bà Sáu vừa đi vô bếp lo bữa ăn trưa, để ông Sáu nằm lại một mình trên bộ ván mà đã hơn một năm ông chưa hề rời.

Con người xã hội chủ nghĩa có thể vì bác vì đảng mà khắc phục hoàn cảnh khó khăn, nhưng chứng bệnh bại liệt ở vào tuổi xấp xỉ bát tuần khó vì bất cứ thứ thuốc gì mà chịu thuyên giảm. Huống chi, thứ thuốc mà nhà nước dành cho nhân dân lại là một loại thần dược dân tộc trị bá bệnh, được chế biến từ những lá cây rễ đậu. Nhà nước đã dạy kỹ thế nào là độc lập. Độc lập là không dùng đồ ngoại hóa, kể cả thuốc men. Nhân dân cũng phải nhất trí thôi!

Một con ruồi đói, không biết từ đâu đến, lượn qua lượn lại vo ve ngay trên mặt mà ông không thể cất tay lên xua đuổi. Ông nghĩ thầm trong bụng: vận nước ụp tới, không xua đuổi được thì chẳng nói làm gì; đến như có mỗi con ruồi cỏn con mà cũng không sao đuổi nổi, thì quả là tệ! Con ruồi như biết được nhược điểm của ông nên cứ quanh quẩn, khi bên trái, lúc bên phải, khi ngọ ngoạy ngay trên chót mũi, lúc vo ve ở cạnh vành tai. Ông Sáu tức lắm, nhưng làm gì bây giờ! Muốn cất tiếng kêu bà Sáu lên đuổi giùm con ruồi nhưng đôi môi, cái lưỡi của ông không còn biết tuân theo ý nghĩ. Vả lại, ai lại kêu vợ đuổi giùm con ruồi, kỳ quá! Ông bỗng cười thầm trong bụng, cười cho cái kiếp nhân sinh hạn hữu, hạn hữu không những về thời gian mà còn hạn hữu về thể lực.

Ngày xưa... đúng rồi... ngày xưa... Ngày xưa, ông Sáu được cha rước thầy võ về chỉ dạy. Các môn quyền, côn, roi... môn nào ông cũng giỏi. Có điều, cậy vào của cải cha mẹ, cậy vào sức trẻ, ông trác táng nên đã có lần bị bệnh bại. Lần ấy, ông bệnh đúng 9 năm suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, từ 45 đến 54. Trong làng có người sầm xì rằng ông trốn tránh công tác của đoàn thể, nhưng đúng ra là ông bịnh thật. Tới ngày đình chiến, ông hết bịnh, nhưng sau ngày đổi đời năm 75, ông lại bị bịnh.

Những ngày nằm dài chờ đợi chuyến tàu đời của ông không gì hạnh phúc ngoài sự có mặt thường trực của người bạn đường mà ông biết chắc sẽ rất cô đơn sau khi ông từ giã cõi đời. Và người bạn trăm năm ấy của ông cũng không mạnh hơn ông gì lắm khi đã ở vào cái tuổi bảy mươi lăm. Đôi mắt của bà Sáu, sau những năm tháng ngày đêm cực khổ thay người chồng bệnh hoạn, làm đủ mọi thứ công việc, từ cấy cày, chợ búa, bếp núc, con cái đến gồng gánh, tản cư... suốt 9 năm kháng chiến ở thôn quê, đã mọc đầy lông quặm. Con cái mỗi đứa một nơi.

Người gái đầu tuổi mậu dần, đã trên năm mươi với một bầy con 8 đứa, có cái may mắn vui vui. Số là người cha chồng trước kia làm đốc học, một ngày cuối tuần vô bìa rừng nhử chim nhử cu sao đó bị lính Tây bắn lầm, thế là được Việt Minh nhận là người của họ đã vì tổ quốc hy sinh. Sau năm 75, nhờ thế, gia đình người con cả nầy được nằm trong diện gia đình liệt sĩ. Tuy nhiên, một chút quyền lợi của “cách mạng” cũng chẳng thấm vào đâu, nên cũng đầu tắt mặt tối hai bữa sớm chiều nơi một miền duyên hải xa xôi.

Thằng trai kế, tuổi canh thìn, sĩ quan bộ binh chế độ cũ, suốt đời lận đận, đã được “cách mạng” thảy cho một viên kẹo đồng vào năm 1982 trong một sân vận động, khi lén lút về thăm nhà từ một nơi chốn mà vợ con cũng không biết kể từ sau tháng tư bảy mươi lăm.

Kế đó là hai đứa con thứ, một trai một gái, ở tận mãi bên Mỹ bên Tây. Cũng chính nhờ vậy mà gia đình ông bà Sáu đã có thể sống lây lất đến ngày hôm nay. Hộ khẩu gia đình ông Sáu còn lại ở cái thành phố Tây Ninh nầy, ngoài hai ông bà, còn lại gồm có hai vợ chồng thằng con út với đứa con trai đầu lòng 7 tuổi, đứa con gái nuôi hai mươi hai tuổi và ba mẹ con đứa cháu nội mồ côi cha.

Ông Sáu nằm nghĩ đến từng đứa con đứa cháu, từng khung cảnh mà ông đã sống qua, từng kỷ niệm vui buồn của một đời thăng trầm chìm nổi... Những đêm theo đám ả đào, những con ngựa trong tàu ngựa sau nhà, những độ gà giữa buổi trưa hè oi ả, những ngày tản cư, rồi cái đêm cha ông bị đem ra trước sân nhà cho nhân dân đấu tố, tiếp theo là thời kỳ thịnh vượng của gia đình ông sau hiệp định Genève, trong thời Mỹ qua... tất tất quay lại trong đầu ông như một suất phim chiếu chậm. Có nhiều chi tiết mà trước đây ông chưa từng nhớ lại, thì nay, những chi tiết đó lại lũ lượt kéo về như thể một đoàn âm binh diễn hành qua khán đài ký ức của ông. Đúng, chỉ có mỗi ký ức của ông là còn nguyên vẹn. Những thứ khác của ông, không thứ nào còn nguyên vẹn cả. Cơ thể bại liệt. Nhà cửa suy sụp mất mát. Gia đình tứ tán. Xứ sở tiêu điều. Ông Sáu bỗng nhiên đâm lo. Quái, tại sao hôm nay thần trí lại tỉnh thế nầy? Ngọn nến cuối đời đang bùng cháy lên sao? Nghĩ lại, ông phì cười trong bụng. Có gì mà lo! Ông thầm nghĩ: nếu như mình vĩnh viễn nhắm mắt thì vợ con mình chắc chắn đỡ cực đỡ khổ hơn.

Con ruồi bỗng ngang nhiên đậu ngay trên sống mũi của ông. Ông cố lắc cái đầu nhưng không đủ mạnh để làm con ruồi hoảng sợ. Ông chịu trận cả hai, ba phút thì bà Sáu từ bếp bước lên. Thoáng thấy con ruồi trên mũi chồng, bà dơ tay tạt mạnh. Con ruồi bay đi. Ông Sáu nghe đỡ ngứa ngáy. Tự nhiên mấy giọt lệ trào ra từ đôi mắt mệt mỏi lờ đờ. Bà Sáu móc chiếc khăn tay trong túi áo bà ba, chậm chậm mấy giọt nước mắt của chồng. Ông Sáu ngước nhìn người vợ mà nhan sắc đã trốn biệt vào những lằn nhăn tuổi tác, người vợ suốt đời tận tụy với chồng, hy sinh với con, người vợ đã chỉ biết buồn tủi một mình khi chồng bỏ nhà bỏ cửa đi theo những cô đào hát, vậy mà khi chồng trở về, người vợ ấy lại cố giấu đi những giọt nước mắt tủi thân để săn sóc cho chồng, không trách cứ một câu. Rồi, trong giờ phút suy nhược lẻ loi vào lúc cuối đời, khi tất cả đã không còn ở bên ông, thì người duy nhất còn lại với ông lại chính là người vợ mà trước đây ông chưa từng tưng tiu chiều chuộng. Ông Sáu nghe tủi phận thêm hơn, những giọt nước mắt cứ trào ra, trào ra, nhanh hơn, nhập nhòe pha trộn với mồ hôi trên đôi má hóp. Bà Sáu cũng nghe xót phận, nước mắt bà cũng trào ra. Bà đưa tay lên má quệt dòng nước mắt xót đời. Cả hai ông bà nhìn nhau thầm lặng, rồi cả hai bất giác nghe trong lòng nỗi êm ả của người chấp nhận số phận mình mà không còn biết lo biết sợ.

Ông Sáu nghe khó chịu trong cổ họng. Lớp đàm từ hai lá phổi kéo lên cuống cổ làm ông khó thở. Ông khẽ lấy chút hơi tàn, tằng hắng một tiếng. Tiếng tằng hắng như có một sức lôi cuốn lạ lùng đối với lớp đàm đang bắt đầu hung dữ. Ông mở to đôi mắt như nhắn nhủ với vợ. Bà Sáu quính quíu, hai chân như nhũn ra. Cuối cùng bà cũng chạy được qua hàng xóm nhờ đi tìm mấy đứa con đứa cháu.

Khi đám con cháu hội đủ xung quanh mình, ông Sáu đã nghe hơi thở phập phồng, yếu xịu. Tuy vậy, thần trí ông lại tỉnh táo lạ thường. Ông biết mình sắp sửa ra đi vĩnh viễn, nhưng ông không sợ mà lo. Ông lo mai đây, khi ông qua đời xong, rồi đến lượt bà Sáu, không biết ai sẽ là người lo lắng cho bà. Ông lo khi cả hai vợ chồng ông không còn trên đời nầy, không biết hai đứa con ở bên Tây bên Mỹ có còn nhớ chút tình máu mủ mà gởi chút đỉnh tiền về giúp đỡ mấy đứa con còn lại trên đất nước nầy hay không? Vào cái phút cuối đời hiu quạnh nghèo nàn, ông Sáu lại đâm ra lo lắng cho mọi người. Ông không cần lo cho chính ông nữa như khi còn khỏe mạnh. Ông cố nhìn rõ bé Hiển, đứa cháu nội, con trai đầu lòng của thằng út tuổi đã ba mươi mà vẫn chả có một chút gì gọi là sự nghiệp. Thằng út tên Đạt. Năm bảy mươi lăm, Đạt mới 13 tuổi, cái tuổi lỡ buổi lỡ thời, quá nhỏ để được hưởng những gì của Quốc Gia, nhưng quá lớn để Cộng sản ngờ vực vì gia đình có dính líu đến chế độ cũ.

Bé Hiển nhìn ông nội rồi ngước mắt ngó mấy người lớn sụt sùi, cũng mếu máo theo:

-Nội đừng chết nghe Nội!

Ông Sáu nghe rõ mồn một câu nói của thằng bé, cố mở to đôi mắt ra nhìn nó mà hai mí mắt nặng trình trịch, mở không ra hết, chỉ thấy mờ mờ khuôn mặt đứa cháu trai kêu bằng nội duy nhất kề cận bên ông trong giờ phút cuối đời. Ông cố mỉm môi cười nhưng đôi môi lạnh cóng! Ông cố đưa cánh tay lên ra dấu nhưng đôi cánh tay như dính chặt với mặt tấm ván. Ông chán nản, thở ra, suy nghĩ. Chắc là không còn bao lâu nữa rồi, không biết còn đủ thời giờ để nhớ đến mọi người thân thuộc hay không!

Đến lượt ông nhớ đến Hồng, đứa cháu gái nội mồ côi cha. Hồng theo vợ chồng ông từ lúc ba mẹ nó xa nhau, khi Hồng mới hơn hai tuổi, cho đến ngày đổi đời, ông bà đem nó theo lên Tây Ninh rồi gả chồng cho nó. Ấy thế mới đó mà Hồng đã ba lần dang dở. Lần đầu, chồng Hồng, Nhơn, là một thanh niên xuất sắc theo tiêu chuẩn của Đảng. Nhơn phấn đấu tốt, học tập tốt nên được kết nạp vào “Đoàn” và là đối tượng Đảng. Thế nhưng đúng lúc đảng ta cần mang quân sang giúp người anh em Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Campuchia, thì Nhơn lại được chọn. Lúc ấy Hồng đang mang thai 6 tháng. Hơn 3 tháng sau, Hồng sanh đứa trai đầu lòng trong khi Nhơn vắng mặt. Cho đến khi thằng bé lên hai, Nhơn vẫn chưa về, để rồi, một hôm, bí thư Đoàn đã đến báo cho Hồng cái tin, rằng, tên tuổi Nhơn, chồng nàng, đã vĩnh viễn đi vào lịch sử của những chiến sĩ mà tổ quốc nhân dân ngàn đời ghi nhớ, kèm theo một tấm bằng liệt sĩ. Mấy năm sau, không thể một mình vừa bồng con vừa sắp hàng mua gạo nên Hồng tái giá. Lần nầy, Hồng lấy Hân, một sĩ quan ngụy được cách mạng khoan hồng sau 7 năm cải tạo. Những đồng chí cũ của Nhơn đã phản đối Hồng chuyện nầy vì không muốn đứa con của một liệt sĩ gọi một tên ngụy bằng cha. Hồng phì cười, trả lời:

-Thì tôi kêu nó đừng gọi ổng bằng cha là xong chớ gì!

Đối với Hồng, cuộc sống thực tế là trên hết. Ngụy thì đã sao! Chồng cũ của nàng có là ngụy đâu mà sao nàng lại khốn khổ thế nầy! Nhưng thật vậy, số Hồng là số khổ. Hai năm sau đó, người chồng mới của nàng, vì bị sốt rét cấp tính quá lâu trong thời gian đi tù cải tạo, nên đã bỏ Hồng lại với một đứa con mà khi qua đời, Hân vẫn chưa biết là trai hay gái... Một năm sau ngày Hân chết, Hồng “bước thêm bước nữa” với Ngàn, một gã trai thua Hồng sáu tuổi. Cả gia đình Ngàn đi Mỹ từ năm bảy mươi lăm. Do đó cứ mấy tháng một lần, gia đình gởi tiền hay quà về và Ngàn cứ thế mà chơi bời phóng đãng. Tuy nhiên, Hồng cũng được hưởng chút ơn mưa móc của nhà chồng mà nàng chưa hề gặp mặt. Cho đến khi, do một tai nạn xe cộ, ba mẹ Ngàn qua đời bên Mỹ, thì Ngàn không còn nhận tiền bạc từ Mỹ gởi về nữa. Khổ nỗi là đã quen nếp sống không chừng không mực nên Ngàn trở nên bực bội, chán nản rồi đâm ra gây gổ, đánh đập Hồng. Hồng cũng hiểu là thời thế khốn cùng dễ gây cho người đàn ông nhiều phiền muộn, nhưng bộ người đàn bà lại không biết phiền muộn hay sao? Rồi thì... anh đường anh, tôi đường tôi, và hai đứa con thơ dại lại theo Hồng về ở với ông bà. Ông Sáu cho số kiếp của Hồng là do cái nghiệp của ba nó để lại, bởi, hồi còn sống, ba Hồng vợ lớn vợ bé tùm lum.

Nhớ đến cái nghiệp, ông chợt nhớ đến chính bản thân mình. Cũng là nghiệp chướng chớ sao! Ông không than trách hối hận gì mà chỉ nghe buồn cho số kiếp con người, còn đó mất đó, mong manh như sương như khói. Hồi xưa, lúc còn sung mãn, ai nói rằng đời người mong manh sương khói, ông làm sao tin được. Bây giờ thì ông không những tin mà còn thấm nữa. Tiếng bà Sáu khóc thút thít làm ông đứt mạch tư tưởng. Ông cố ngước nhìn người vợ không se sua son phấn lượt là, nhưng không còn thấy gì được nữa, dù vẫn nghe được tiếng nói xung quanh. Tiếng Nguyệt, vợ Đạt, vọng trong tai ông Sáu:

-Anh Đạt vẫn chưa về kịp. Nghe đâu ban quản giáo ngày mai mới cho ảnh về.

Ông Sáu lại nhớ đến hoàn cảnh đáng thương của đứa con trai út của mình. Thật ra cực chẳng đã ông bà mới nhờ chính quyền địa phương đưa Đạt đi lao động cải tạo để cai thuốc. Ai mà chẳng thương con, nhưng trong hoàn cảnh của hai vợ chồng ông, làm sao một mình bà Sáu tay yếu chân mềm có thể khống chế Đạt một khi nó lên cơn. Có lần Đạt xô mẹ té ngửa để cạy tủ lấy tiền khi bị cơn ghiền hành hạ. Bây giờ nghĩ lại, ông nghe tủi thẹn cho dòng họ Ông đến đời ông thì tiêu tán, đến nỗi cha mẹ phải nhờ người bắt con mình bỏ tù bỏ tội. Dĩ nhiên, hoàn cảnh của ông trong thời “hậu cách mạng” nầy không phải là cá biệt, nhưng vì đâu nên nỗi!

Tiếng con Hồng khóc rống lên làm ông Sáu giựt mình. Ông cố hít một hơi thở dài nhưng không còn được nữa. Có một cái gì nghẽn trong cổ họng. Ông khò khè, nghe cơn mệt ụp tới, mặc dù vẫn hiểu biết mọi chuyện xung quanh. Hồng khóc lớn:

-Nội ơi, sao Nội bỏ tụi con đi vậy Nội?

Bà Tư hàng xóm dùng tay lay vai Hồng:

- Đừng khóc lớn, để ông Nội mày đi cho êm! Nín đi! Đứa nào lôi con Hồng ra chỗ khác coi!

Ông Sáu chợt nghe như buồn như giận trong lòng. Ông nghĩ: lạ không, mình chưa chết mà sao nó lại khóc! Mình còn phải nhớ đến con Hiền nữa mà! Phải, Hiền là đứa con gái mà ông bà nhận nuôi từ khi nó mới có 6 tháng. Đứa con nuôi nầy quả có duyên phận với ông bà. Là con nuôi nhưng Hiền lại hiếu thảo nhất đối với ông bà Sáu, nên nhất nhất mọi việc trong nhà, ông bà đều tin cậy mà giao Hiền cai quản, kể cả tiền bạc của hai đứa con từ ngoại quốc gởi về. Ông thầm lo, không biết mai đây, vợ chồng ông về với ông bà, liệu thằng Đạt, con Hồng, con Nguyệt có hiếp đáp Hiền không đây? Ôi cách mạng làm gia đình ông dang dở quá!

+ + +

Suy nghĩ miên man, ông Sáu không hay rằng, xung quanh, mọi người đang nức nở. Bà Sáu, Hiền, Nguyệt, rồi chính bà Tư hàng xóm cũng khóc sụt sùi. Cái đầu của ông Sáu tê dần, tê dần rồi từ từ lạnh cứng. Hệ suy nghĩ yếu đi và ngưng hẳn lại. Ông chỉ còn cảm nhận những nhịp đập yếu ớt của trái tim già cằn cỗi. Ông Sáu cảm nhận rất rõ cái giây phút cuối cùng của cuộc đời nhiều thăng trầm của mình. Cuộc đời ấy của ông, đang tự thu dần, nhỏ lại trong trái tim thoi thóp mong manh. Trong tận cùng trái tim ấy, đâu có ai biết rằng ông Sáu đã cất giấu một nỗi ưu tư thời thế đến khắc khoải, một niềm hy vọng triền miên: hy vọng về một ngày đổi đời lần nữa. Niềm hy vọng ấy rồi sẽ không nơi ẩn trú. Đột nhiên ông Sáu nghe trái tim thắt lại, nhói lên một cái, đau buốt, và từ từ ngưng đập. Vĩnh viễn ngưng đập.

Bên ngoài, cái loa gắn trên ngọn trụ đèn trước phòng thông tin phường đang ra rả khoe từ thắng lợi nầy đến thắng lợi khác của đảng và nhân dân trong nước với những con số bách phân vô nghĩa, rồi chuyển sang bài hát ” như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng... ” đã làm át đi những tiếng khóc nức nở trong căn nhà nhỏ tồi tàn.

Hết