- Để tôi khiêng cho cô, được mà, tôi làm được mà.

Hiền định phụ Ông Năm mang thùng thuốc tây vừa lấy ở hãng ra, nhưng ông không cho. Hiền đành đứng xích sang một bên. Ông Năm khiêng thùng thuốc mẫu để lên xích-lô, nơi để chân. Hiền là trình dược viên. Hàng tuần vào sáng thứ bẩy nàng đến hãng lấy thuốc mẫu, sau buổi họp cuối tuần làm tổng kết công việc trong tuần, giới thiệu thuốc nơi các phòng mạch tư của bác sĩ hay các bệnh viện và tiệm thuốc tây trong khu vực Hiền chịu trách nhiệm.

Xếp ngay ngắn thùng thuốc to khá nặng, đẩy chút xíu sang một bên để Hiền còn chỗ để chân, ông Năm giữ chiếc xe cho khỏi chúi ra đằng trước rồi nói :

- Cô lên đi.

- Được không đó ông Năm hay để tôi đi xe khác ?

- Được mà, được mà, có gì đâu, cô nhẹ hều mà.

Ông Năm cưới toét miệng che vẻ bẽn lẽn vì lời khen kín đáo của mình. Hiền cũng cười rồi nhẹ nhàng vén tà áo dài bước lên xe. Luôn luôn ông Năm chịu khó thay riêng cho Hiền bao nệm xe. Bao được giặt sạch, là ủi cẩn thận. Ông hãnh diện khoe với Hiền :

- Bà xã tôi giặt sạch và ủi đàng hoàng để dành cho cô dùng đó, chừng nào đến đón cô tôi mới lấy ra xài đấy.

- Cảm ơn ông Năm, nhờ ông cám ơn bà Năm hộ nhé. Ông bà cẩn thận quá, lúc nào xe cũng được giữ sạch sẽ cho tôi.

Ông Năm hớn hở vì được khen, ông rướn mình đạp một cách nhanh nhẹn. Người ông roi rói, lưng hơi cong, da sạm nâu, tóc đã muối tiêu và thưa. Ông Năm đạp xe xích-lô tháng cho Hiền, ngoài thì giờ đạp xe ăn theo cuốc. Mỗi sáng và mỗi chiều đúng giờ hẹn, ông đến chở Hiền đi trình thuốc. Những khi Hiền ngồi đợi bác sĩ trong phòng mạch hay trong bệnh viện , thì ông Năm gác xe ở bóng mát tàn cây ven đường, ngồi bệt dưới đầt hay vỉa hè mà đợi, đôi khi ông ngồi ở ghế công viên trong bệnh viện. Hiền nói ông cứ ngồi lên xe trong lúc đợi nàng nhưng ông nhất định không chịu, chỉ muốn dành cho Hiền cái nệm trắng phau. Những ngày nắng, chẳng cần nhắc, ông đã chu đáo kéo mui xe ra. Những ngày mưa, ông lại cẩn thận che cả hai bên cánh gà và ghé xe sát vào tận cửa phòng mạch cho Hiền đỡ ướt. Hôm nào trên đường về vào lúc hơn tám giờ chiều, trời tốt gió mát, ông lại xếp mui xuống.

- Trời tốt quá hả cô? Để tôi bỏ mui ra cho mát. Trời đẹp quá không hưởng uổng lắm đó.

Ông tươi cười vừa đạp xe vừa nói chuyện lung tung, chuyện nhà cửa vợ con ông, chuyện thời tiết, chuyện chính trị nữa. Ông hãnh diện khoe con trai duy nhất của ông bà đang học khoá sĩ quan Thủ Đức, nay mai sẽ ra chuẩn úy. Hiền nghe giọng ông có lúc hơi nghẹn ngào, chắc ông đang rớm nước mắt khi nghĩ đến những hy sinh hết mình cho con trai ăn học hết trung học. Ông mừng gần xỉu khi nghe con thi đậu tú tài. Nhưng ông hơi buồn con trai đã tình nguyện vào quân đội trong khi vì là con một có thể được hoãn dịch và trong khi có thể học lên cao nữa.

- Thật là tréo cẳng ngỗng, cô xem, người ta chạy đông chạy tây để trốn quân dịch, thằng con tôi lại tình nguyện. Nó sắp tốt nghiệp sĩ quan, thật tình tôi mừng thì mừng đấy, nhưng mà lo cô ạ.

Bây giờ ông lại cầu Trời cho con ông không phải đổi đi xa, nhất là những vùng xôi đậu, chiến tranh dữ dằn. Ông chỉ có Thành là con trai, ông còn một cô con gái, chị của Thành, chưa lấy ai.

- Vì nghèo quá cô Hiền ơi, ai mà thèm.

- Tại chưa phải duyên phải số đấy thôi, ông Năm ơi, cô Hiếu cũng dễ thương đấy chứ, lại giỏi nữa.

- Vâng, cháu nó cũng chịu khó lắm, mẹ nó cũng đe nẹt ghê lắm đó.

Loanh quanh đủ thứ chuyện rồi lan man đến chuyện chính trị. Ông Năm lên giọng chê vài anh dân biểu chỉ biết biểu dân làm này làm nọ thì đúng hơn, hay khen ông thượng nghị sĩ nào đó dám nói dám làm, hoặc tấm tắc khen ông tướng nào đó nổi tiếng thanh liêm, trong sạch. Cuối cùng lại vòng về chuyện sợ con trai phải đi xa, phải đi đánh Việt Cộng ở nơi đầu núi chóp ghềnh. Ông nhắc đi nhắc lại rằng ông đã chạy vào Nam tránh cộng sản, bỏ cả ruộng vườn mồ mả cha ông vào đây làm lại cuộc đời, lấy vợ người Nam, chỉ có được hai đứa con, một gái một trai, nếu con trai ông có mệnh hệ nào thì ông không còn gì nữa cả, coi mất tất cả vì tay cộng sản.

Hôm Thành tốt nghiệp sĩ quan Thủ Đức, ngày mãn khoá nhà ông Năm mở tiệc khoản đãi bà con bạn bè, nên ông Naà'e1m báo cho Hiền biết sẽ nghỉ ba ngày liền, không đưa Hiền đi làm được. Ông cười hớn hở :

- Cô thông cảm giùm tôi nghe cô Hiền, kỳ này tôi nhậu cho đã đời, mừng quá cô ơi. Tôi không phải dân nhậu nên thế nào cũng nằm mọp, dù hôm sau có muốn đưa cô đi làm cũng khó lòng lắm, cô thông cảm nghe.

- Mừng ông bà và cậu Thành nhé, nhưng mà đừng nhậu quá, hết ba ngày cũng không dậy nổi là khổ tôi lắm nghe ông Năm.

- Được, được, cô đừng lo, nói vậy chứ tôi cũng không uống được nhiều đâu, già rồi, cái bao tử nó hay làm eo lắm.

Xui cho ông Năm, cái mừng con trai ra sĩ quan chưa phai, ông Năm được Thành báo tin phải ra tận Quảng Trị.

Hôm đến đón Hiền đi làm, thấy ông như người bịnh nặng. Mặt ông tái ngắt, hai mắt chõm sâu, râu mọc lởm chởm. Hiền hết hồn hỏi :

- Ông Năm sao thế, bịnh đấy à? Sao không nghỉ đi? Hay tại nhậu quá chứ gì? Để tôi đi xe khác cho ông về nghỉ nhé?

Ông mếu máo gần khóc, mắt đỏ hoe :

- Không, không tôi đạp được mà, không phải nhậu cô ơi, thằng Thành con tôi nó phải ra tận Quảng Trị cô ơi. Nó đi hôm qua rồi. Má nó khóc làm tôi cũng chịu không nổi. Cả đêm thú thật với cô, tôi không nhắm mắt được nữa, lo quá cô ạ! Thật ra nó đã biết trước rồi, nhưng nó có hiếu, không cho vợ chồng tôi biết, sợ tụi tôi buồn ngay hôm nó mãn khoá về nhà, đợi tới hôm qua nó mới nói ra trước khi đi.

Giọng ông đổi sang hậm hực :

- Mấy ông lớn ngồi trên thật là bất công với tôi quá, tôi có một thằng con thôi, nó đã tình nguyện đi lính mà vẫn còn đầy nó ra tận đấy, xích lô như tôi tiền đâu mà chạy chọt cho con ngồi văn phòng hả cô?

Hiền không biết nói sao. Quả thật ông Năm xui xẻo. Nhưng không phải ai cũng chạy chọt như ông nghĩ trong cơn thương cảm. Hiền chỉ biết an ủi qua loa vì không biết cắt nghĩa thế nào cho ông hiểu. Vì chiến tranh càng lúc càng dữ dội thì càng cần nhân lực. Nhưng nói thế lại càng làm ông hoảng vì như vậy là khẳng định con ông ra mặt trận và đang ở nơi thập tử nhất sinh.

Cả buổi ông Năm uể oải đạp xe, ông im lìm chẳng nói chuyện nữa.

Từ ngày Thành ra Quảng Trị, ông theo dõi tin chiến sự rất sát. Ông kể nhiều tin đọc trên báo, nghe trên đài phát thanh và bàn bạc như một chính trị gia. Ông đã hồi phục tinh thần phần nào vì nhận được tin con khá đều. Tuy nhiên, Hiền vẫn nhận thấy ông có gầy đi, hom hem hơn và dáng ông già hơn.

Đến một hôm lại thấy ông tươi rói, Hiền hỏi :

- Có gì mà ông Năm tươi thế? Cậu Thành về phép hay sao?

- Chưa, nó chưa về lần nào cô ơi, cả năm rồi, tôi cũng mong quá. Nhưng mà có chuyện khác, xin nói để cô mừng cho chúng tôi, con Hiếu sắp lấy chồng. Chồng nó cũng là lính cô ạ, thằng đó là trung sĩ công binh.

- Thế à? Mừng cho ông bà và cô Hiếu nghe. Thế lấy nhau rồi hai vợ chồng có ở gần ông bà không ?

- Không cô ơi, tụi nó dắt nhau đi mất đất, lính mà cô. Nhưng mà thôi, con Hiếu có chồng là tụi tôi mừng rồi. Cũng tội nó, con nhà nghèo mà. Thôi nay thì cũng chồng cũng con.

Ông nén thở dài rồi tiếp :

- Nhà tôi như vậy con trai con rể là lính hết.

- Thì thanh niên thời này như thế cả, biết làm sao bây giờ, ông Năm.

Đám cưới Hiếu, ông Năm chỉ nghỉ có hai ngày. Hiền đùa :

- Ông không nhậu bằng hôm cậu Thành mãn khoá nên không cần nghỉ lâu hả ông Năm? Ông có vẻ thiên vị đấy nhé!

Ông cười vui.

Nhờ con gái yên bề gia thất, ông năm đỡ buồn rầu, nhưng lại càng theo rõi tin chiến sự hơn nữa vì con trai và con rể đều là nhà binh. Có lần ở phòng mạch ra Hiền thấy ông ngồi dựa lưng vào gốc me ven đường, tai áp vào cái radio nhỏ chạy pin, chắc chắn ông đang nghe tin tức chiến trường. Hiền đi chậm lại, ngần ngừ một chút, đáng lẽ ra xe ngay, nhưng rồi rẽ vào tiệm thuốc gần phòng mạch để hỏi về mức bán của thuốc mình trình bầy và xem nhà thuốc có đặt mua gì không. Hiền cố tình chần chừ để ông Năm nghe xong phần tin tức.

Đúng như Hiền đoán, vừa thấy Hiền ông Năm đã nói :

- Trời ơi, cô ơi, đánh lớn lắm ở ngoài Trung cô ạ, thằng Thành nhà tôi không biết ra sao. Còn thằng chồng con Hiếu ở Long An, tôi mới nghe, cũng không yên cô ạ. Mỹ đòi rút quân về, bỏ thí cho lính mình đánh giặc một mình. Một chống với hai, với ba, nào Nga, nào Tầu, nào cộng sản ngoài Bắc, cộng sản trong Nam. Đúng là tứ bề thọ địch. Cô bảo có thương lính mình không cơ chứ?

Ông ngao ngán lắc đầu, uể oải đứng lên. Trong khi đạp xe ông thao thao kể chuyện chiến sự. Chửi Mỹ bỏ cuộc vì không còn lợi lộc gì nữa, « vớ phải cái thứ phản thùng », chửi chính phủ có nhiều kẻ tham nhũng khiến đất nước suy yếu, « chỉ ăn trên ngồi trốc, rồi sống chết mặc dân », chửi cộng sản tham tàn, cố chiếm cho được miền Nam để xích hóa phần đất còn lại, « cái thứ trẻ không tha , già không thương », chửi lũ ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản là « lũ xanh vỏ đỏ lòng », chửi lũ cộng sản núp bóng cái gọi là Mặt trận giải phóng miền Nam, « bàn tay vấy máu nối dàì ». Cả hai miền Nam Bắc cùng tan nát bởi những người không xứng đáng. Bao nhiêu tuổi trẻ ở cả hai miền đã và đang được đem ra làm vật tế thần. Nếu cả hai miền cùng giữ biên giới, vì lỡ đã có cái hiệp định Giơ-Neo gì đó, nhất là cộng sản Bắc Việt đừng xâm lấn miền Nam, ra công xây dựng lại cho vững mạnh phần đất của mình sau khi thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, rồi một ngày nào đó, dân cả hai miền được trưng cầu dân ý một cách thực sự dân chủ, minh bạch, để chọn lựa thể chế, chính phủ, không tốn một giọt máu, có phải lý tưởng không? Sẽ tránh cảnh tương tàn anh em chém giết nhau như đang diễn ra trên cả đất nước này hay không? Dân cả hai miền không phải khổ đau, tang tóc và lo sợ hồi hộp từng ngày từng giờ hay không?

Ông Năm nói như diễn thuyết, say sưa, hùng hồn. Ông nói với tất cả sự chân thành, tha thiết, xuất phát từ đáy lòng. Mặc dù không thể giản dị như thế, Hiền cũng thấy ông Năm có lý ở nhiều điểm và thấy chua sót như ông về sự tương tàn và đổ nát trên quê hương. Niềm chua sót cộng thêm chua chát khi Hiền thấy một người dân nghèo hèn trong xã hội như ông Năm xích lô, mà còn ý thức được điều hay, điều tốt đẹp cho xứ sở, trong khi bọn tự nhận trí thức, đỉnh cao trí tuệ, ở cả hai miền, đều đang ra công đập phá tài sản ông cha để lại và làm hao mòn tiềm năng đất nước bằng cách chém giết, đập vùi tuổi trẻ, chỉ vì một chủ thuyết không hề phù hợp với bản chất Việt Nam của dân tộc mình. Đã bao lần Hiền chứng kiến cảnh những bà mẹ quê ôm con nheo nhóc ngồi đợi trong những hành lang dài ở các bệnh viện. Những trẻ em bị thương tích chiến tranh trở thành phế nhân trước khi giã từ tuổi thơ, những đôi mắt thơ ngây mở to sợ sệt. Cảnh những người lính trận bị thương bê bết máu, được đưa về thành phố, nằm la liệt, cắn răng chịu đựng, trong các quân y viện. Những bác sĩ, y tá, làm việc ngày đêm, áo khoác dính đầy máu và mồ hôi đẫm mặt. Chắc chắn ông Năm đã nhiều lần tự hỏi chừng nào chiến tranh chấm dứt cho con trai ông về xum họp với vợ chồng ông, cho con gái ông hết hồi hộp lo sợ cho chồng.

Thời gian qua nhanh, chiến tranh lan rộng một cách rất đáng ngại.

Ông Năm nửa vui nửa buồn cho Hiền biết con gái ông vừa ôm con về ở lại nhà ông hôm qua :

- Dưới đó lộn xộn lắm cô ạ. Chồng con Hiếu bảo nó ôm con về ở với tụi tôi. Tôi vui vì có cháu ngoại hủ hỉ lúc tuổi già, bà xã tôi cũng vui lắm, nhưng tội cho con Hiếu phải sống xa chồng nó. Hơn nữa về đây kiếm việc dễ hơn, lương lính làm sao đủ sống?

Có đứa cháu ngoại ở gần, ông Năm như trẻ lại vài tuổi. Thỉnh thoảng trên đường đưa Hiền đi làm, ông cũng mua ít quà cho cháu. Có khi Hiền thấy cắm bên hông xe cái chong chóng bằng giấy đủ mầu. Ông khoe là quà cho bé Liên. Có khi là cái trống con, có hai cái tai bằng hạt ngọc giả mầu xanh ve, khi lắc thì kêu tong tong. Đôi khi Hiền cũng nhờ ông đem về cho nó vài thứ đồ chơi hay quần áo. Ông Năm cảm ơn rối rít. Qua hôm sau ông không quên khoe rằng cháu ngoại của ông mặc rất vừa bộ đồ và nó xinh lắm.

Cuộc đới ông Năm cứ trôi trong cái vui, cái buồn, cái hồi hộp, cái lo sợ, cái mong chờ hàng ngày như mấy chục triệu dân miền Nam ngóng trông một ngày sán lạn.

Bỗng một sáng không thấy ông Năm đến đón đi làm. Hiền đoán chừng ông ốm đau. Qua sáng hôm sau cũng không thấy lại. Hiền phải đi xe khác. Buổi tối đi làm về, Hiền thấy một chú xích lô trẻ, rụt rè bấm chuông nhà nàng. Hoá ra ông Năm nhờ chú đến đưa Hiền đi tạm trong tuần này vì con rể ông vừa chết, xác được đem về quàn ở nhà ông. Hiền lặng người vì thương ông Năm. Vội vã thay áo, nhờ chú chở đến thăm gia đình ông.

Nhà ông ở dưới dốc cầu Trương Minh Giảng, đối diện chợ. Quanh co trong cái hẻm phía ngoài rộng rãi nhưng càng vào sâu càng chật chội, lồi lõm và tối om. Đèn nê- Ông hắt ánh sáng xanh lè yếu ớt trên con ngõ khúc hẹp vanh vanh. Mái tôn lụp xụp thấp lè tè, gần như chạm vào nhau, cái cao cái thấp, nhô ra thụt vào như hai hàm răng khểnh. Dây điện chằng chịt đan vào nhau như mạng nhện phía trên.

Hiền níu chặt sườn xe vì xóc quá. Hiền đã đến nhà này theo sự yêu cầu của ông Năm, một lần hôm bà Năm ốm nặng, đến vào ban ngày, giữa hôm trời nắng chang chang. Mùi cống rãnh và mùi của cái lạch đen thui chẩy gần đó, tanh nồng, theo gió lùa vào ngõ hẹp. Trẻ con đứa ở trần, đứa ở truồng, chạy lông nhông khắp xóm, đứa chơi tạt ống lon la ó om xòm, đứa bé hơn đứng ưỡn bụng ỏng ra xem, mũi dãi tèm lem, ruồi bu đen cả mặt.

Lần này là lần thứ hai Hiền đến nhà ông, nhưng vào buổi tối. Radio và truyền hình mỗi nhà thi nhau vặn thật lớn. Có nhà tụ họp hơn cả chục người, ngồi ngay bệ cửa ra vào, choán một nửa bề ngang ngõ, ngóng cổ nhướng mắt xem chung một vở tuồng cải lương trên truyền hình, giọng vọng cổ ai oán, thê lương lẫn vào tiếng người bàn tán ồn ào về vở tuồng và diễn viên.

Tuy trời đã tối, nhưng gió vẫn còn nóng hầm hập, làm như cơn mưa to chỉ trực sập xuống. Mới gần đến nhà ông Năm đã thấy lố nhố nhiều người bu đầy cửa và láo nháo cả phiá trong. Tiếng bà Năm và Hiếu khóc thảm thiết. Hiếu nằm vật ra đất, khăn tang trắng vấn tóc xô lệch, người nhũn ra vì đau thương. Bé Liên lồm cồm bò bên mẹ, mếu máo hết nhìn người này lại nhìn người kia. Bà Năm cũng rũ rượi ngồi khóc trên cái phản độc nhất trong nhà. Ông Năm sớ rớ bên cạnh chiếc quan tài mộc có bát nhang đang nhả khói tỏa đầy căn nhà thấp và tối, lập lòe ánh nến. Mùi hương, mùi khói, mùi nến, mùi ẩm mốc sặc sụa đến cay mắt. trên nắp quan tài, sau bát nhang tấm ảnh của chồng cô Hiếu dựng đó, bơ vơ. Ảnh chụp đã lâu, có lẽ lúc anh vừa được làm trung sĩ, mặt còn trẻ măng và ánh mắt còn tươi.

Ông Năm thấy Hiền đến, vội vã chạy ra, gạt đám bà con, hàng xóm qua bên, ông mếu máo kể về cái chết của con rể. Anh đã anh dũng hy sinh cho tổ quốc lúc anh thi hành công tác công binh tạo tác ở gần Long An. Mìn nổ và anh chết tại chỗ.

Sau cái chết của chồng cô Hiếu, ông Năm già đi thêm một chút. Tóc ông gần như bạc hẳn và lưng còng hơn. Thỉnh thoảng Hiền đưa ông ít thuốc bổ. Ông Năm trở nên ít nói hơn xưa.

Ông Năm như điên cuồng vì lo lắng khi nghe tin đánh lớn ở Quảng Trị. Ông lại gầy xộc đi, hai mắt lõm sâu. Từ ngày ra đi, Thành chưa hề về phép, nhưng vẫn có thư từ. Đó là điều an ủi ông Năm.

Ngày đài phát thanh cho dân Saigon nghe tin chiến thắng và bài hát ca tụng chiến công Quảng Trị « Hồi sinh rồi, này mẹ, này em, qua đêm đen, tìm thấy ánh mặt trời? » cùng một lúc nhận thơ con trai, ông Năm nhẩy lên vì sung sướng. Ông mừng hơn bắt dược của, nhất là trong thơ, Thành báo tin sắp về phép, nhân dịp đơn vị được gắn huy chương.

Ông lại nghỉ ba ngày để nhậu nhẹt. Khi gặp lại, Hiền thấy ông hớn hở như chưa từng được vui như thế.

Có vẻ như ông Năm đã nguôi ngoai phần nào về cái chết của con rể. Ông lại vui vẻ khoe bé Liên thông minh và lém lỉnh. Chẳng mấy chốc đã sắp đi lớp mẫu giáo. Ông Năm tiếp lời :

- Con Hiếu nhà tôi cũng được trời thương đền bù cho nó cô ạ! Nhờ chút tiền tử tuất, rồi vợ chồng tôi phụ thêm, nó mua được cái xe bán nước mía, khỏi phải đi gánh nước mướn nữa. Bây giờ nó bầy bán ở ngay trước cửa chợ Trương Minh Giảng gần nhà, sắp lên dốc cầu đó cô. Hôm nào đi làm qua, nếu không chê, mời cô ghé qua uống ly nước.

Những năm, những tháng kế tiếp nhau qua đi. Những khó khăn trong cuộc sống càng lúc càng nhiều hơn và trầm trọng hơn. Ông Năm nổi giận đùng đùng khi thấy sự hiện diện của cộng sản trong Camp Davis ở Tân Sơn Nhất. Ông phản đối mạnh mẽ những cuộc nói chuyện ba bên, bốn bên này nọ. Ông chỉ muốn « Đánh thốc ra Bắc một lần quyết tử cho xong. Bàn thảo với những đứa chuyên viên lật lọng chỉ thiệt mà thôi ». Khi thì ông bi quan, có lúc lại thấy rất lạc quan. Khi có dịp đi qua vùng quân sự phía Tân Sơn Nhất, ông không ngớt nhớn nhác nhìn về phía ông cho rằng có mặt Việt cộng trong đó, mặc dù phía ngoài đường không có gì lạ ngoài những người lính xưa nay vẫn gác ở đấy.

Khi trên đài phát thanh, nha chiến tranh tâm lý cho hát bài Hội Nghị Diên Hồng « Toàn dân nghe chăng ? Sơn hà nguy biến. Hận thù đằng đằng. Biên thùy rung chuyển... » thì mọi người hiểu chiến tranh đã đến lúc rất ác liệt.

Dân miền Nam như sống trên lò lửa. Không khí chiến tranh hừng hực. Hết nghe tin chiến thắng chỗ này lại nghe tin tổn thất chỗ kia. Tin hoán chuyển, thay đổi tướng lãnh, ông này giỏi hơn, ông kia quá dở v.v...Vật giá leo thang từng ngày. Ông Năm không ngớt bàn tán. Thiên hạ rủ nhau ùn ùn đi mua tích trữ tất cả những gì tích trữ được, kể cả dầu hôi, thùng gaz, thậm chí đến cả những vật dụng thường ngày.

Khi truyền hình cho thấy hình ảnh dân miền Trung ào ạt di tản vào miền Nam thì ông Năm không bàn tán nữa mà hoảng sợ trông thấy. Ông trông tin con trai. Ông như sống trong lò lửa.

Ban Mê Thuột mất vào tay cộng sản. Lần lượt các tỉnh cao nguyên rồi các tỉnh miền ven biển. Từng đoàn dài cả chục cây số, người gồng kẻ gánh, khuân vác, ôm đội, dắt nhau chạy, chen chúc giữa những xe vận tải nhà binh và xe tư nhân đủ loại. Từng rừng người bu đen bãi biển, đeo lấy những thuyền hàng hải và cả các chiến hạm. Ở Saigon, một số dân có tiền, có địa vị, đã lấy máy bay đi ngoại quốc. Ngưới ta nói chuyện ra đi bằng mọi phương tiện, trong khi những quân nhân súng đạn gắn đầy mình, trấn giữ khắp nơi. Tiếng bom đạn nghe rát rạt. Hãng của Hiền cũng ở trong hoàn cảnh chung nên cũng khi mở khi đóng cửa. Công việc vì thế cũng khi có khi không, nên Hiền cũng thưa gặp ông Năm. Mỗi lần gặp, Hiền thấy ông già xọm đi phát thương hại.

Cả miền Nam sôi sục. Người ta đồn ông tổng thống đã ra đi đem theo rất nhiều vàng. Người ta kể với nhau về những tướng này đã bay đi ngoại quốc cùng vợ cả lẫn vợ bé, ông tướng kia ngược lại còn cảm tử trấn giữ vùng đất còn lại. Người ta cũng bàn tán, phỏng đoán ai sẽ lên thay thế ông vừa ra đi, cần ai vào lúc thập tử nhất sinh này, ai có thể cứu vãn tình trạng thảm khốc này và ai là kẻ vô tích sự.

Đúng lúc Saigon sắp rơi vào tay cộng sản thì chú xích lô trẻ hớt hải đạp xe tới tìm Hiền.

Trên đường rút quân, Thành bị thương nặng, được chở vào quân y viện Saigon và trút hơi thở. Xác cũng được đem về nhà.

Mặc dù gần như không còn đi làm nữa vì hãng hầu như đóng cửa và vì các phòng mạch cũng đa số đóng cửa. Các bác sĩ cũng có người bỏ đi nên Hiền không đi trình thuốc được nữa và vì vậy không đi xe ông Năm nữa, nhưng ông Năm vẫn cho người báo tin cho Hiền, vì ông biết lúc nào Hiền cũng coi ông như người trong gia đình, đã chia xẻ với ông bao nhiêu vui buồn trong bao nhiêu năm qua. Dù điên đầu vì bao nhiêu chuyện quan trọng, bừa bộn, phải giải quyết, Hiền cũng chạy đến nhà ông Năm lần nữa.

Hiền không nhận ra ông Năm nữa. Vì đã khóc quá nhiều, mắt ông đỏ sọc, xưng húp và hình như có ánh hung dữ. Có lẽ ngoài nỗi buồn còn chen lẫn nỗi thống hận cuộc đời. Mặt ông hốc hác, xám như tro tàn. Ông ngồi bất động như bức tượng đen đủi, nhem nhuốc, xốc xếch, đầu bù tóc rối. Khi Hiền bước vào nhà, ông chỉ liếc nhìn chứ không nhúc nhích. Hai hàng nước mắt từ từ trào ra. Ông cứ ngơ ngẩn như mất hồn và bất động như thế. Chỉ có bà Năm và Hiếu khi thấy Hiền đến thì òa khóc to thêm và nhào ra ôm lấy chiếc quan tài cũng có hai cây nến trắng đang cháy. Mùi nhang tràn ngập căn phòng nhỏ.

Trên nắp quan tài hai mắt Thành như đang trìu mến theo dõi người thân than khóc mình. Trên ve áo trong hình, có hai hoa mai rực sáng.

Khá lâu sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Hiền gặp lại ông Năm ở trước chợ tân Định. Tóc ông bây giờ bạc phơ và thưa hẳn. Ông uể oải đạp chiếc xe không người gần chợ kiếm khách. Nhìn mãi Hiền mới nhận ra ông. Ông cũng không nhận ra Hiền ngay nên giọng ông ngạc nhiên lắm :

- Trời ơi, cô Hiền. Trời ơi! Tôi không nhận ra cô đó nghe. Nếu cô không cười với bà bán hàng thì tôi khó lòng nhìn ra.

Hiền cười buồn bã, chỉ vào bộ áo bà ba trên chiếc quần đen, nửa đùa nửa thật :

- Hoá trang như thế này làm sao ông nhận ra tôi.

Ông bùi ngùi tâm sự :

- Thay đổi hết rồi cô ạ! Hết tất cả, cả cô, cả tôi. Nói thật vì tôi quý cô xưa nay, mới đây thôi cô còn đẹp thế mà bây giờ trông như bà già, thật là cái đời khốn nạn.

Vẻ nghiêm trọng, ông không còn bẽn lẽn khi nói đến dung mạo của Hiền. Dù đang nẫu cả ruột gan, Hiền cũng phải bật cười vì câu than của ông Năm. Mặc dù chẳng có gì đáng cười, trái lại ông đã nói lên sự thật não lòng. Ông chợt nhỏ giọng thì thầm :

- Tôi tưởng cô đi rồi chứ? Sao cô không đi? Nhiều lần tôi tính đi ngang nhà cô xem cô đi hay chưa, nhưng tôi lại sợ gây chú ý với bọn công an phường nhà cô, nên đành thôi. Sống làm sao được với lũ này hở cô? Đến xích lô như tôi, nếu đi được tôi cũng đi, huống hồ người như cô? Cả nước ở tù, cải tạo gì? Giết người từ từ thì có. Chúng nó khôn hơn tụi Miên nhiều. Chúng nó gian ác lắm. Làm sao sống được? Ngày xưa thì nó đấu tố. Bây giờ thì nó nhờ rừng thiêng nước độc giết người. Sống làm sao được?

Ông Năm vừa nói vừa lắc đầu. Chợt mắt ông xa xôi :

- Thú thật với cô, thằng Thành nhà tôi chết như vậy lại hóa ra may cho nó cô ạ! Ít ra cũng còn có đám tang. Tôi cứ nghĩ mãi, nếu không, nó cũng rục xương nơi rừng sâu núi thẳm rồi cô ơi! Chẳng chết cũng thân tàn ma dại. Chúng nó dã man thật, dã man thật!

Ông Năm cứ lẩm bẩm câu « sống làm sao được »« dã man thật ». Mặt ông thẫn thờ, buồn hiu hắt. Hiền thấy hình như ông khóc, mắt ông đỏ lên, nhưng có lẽ ông cố nhịn nên không thấy nước mắt chẩy ra trên khuôn mặt sạm nắng hom hem và nhăn nheo. Ông vẫn thì thầm :

- Cô xem, có cay đắng hay không? Phải treo ảnh lão già phải gió đó trong nhà, còn ảnh thằng Thành mặc đồ trung úy, trên bàn thờ nó, tôi phải thay tấm khác.

Ông đổi giọng giận dữ :

- Cô coi, cả đời tôi ăn hiền ở lành, chẳng hại ai bao giờ. Có được thằng con trai tuy chẳng bằng ai, nhưng cũng làm nở mày nở mặt thứ xích lô như tôi. Nó vắn số làm vợ chồng tôi buồn muốn chết được. Thế mà đến cả hàng xóm cũ cũng có để chúng tôi yên đâu. Có đứa thối mồm cũng tâu rỗi sao đó với công an phường khóm, thứ 30 tháng 4, xanh vỏ đỏ lòng, ấy mà. Trước đây nó ganh tị mà mình nào có hay. Aáy là nó có ăn cơm của mình đấy. Những lúc nhậu nhẹt có quên chúng nó đâu. Đến khi cháy nhà mới ra mặt chuột cô ạ! Công an đến hỏi tôi đủ điều về thằng Thành. Nào tôi có biết ất giáp gì đâu. Aáy là nó đã chết rồi đấy cô. Tôi buồn quá, giá mà chết được chắc chắn sướng hơn. Đến tuổi này tôi cũng chẳng thiết gì nữa cả. Bà xã tôi bây giờ như người mất vía, thật tộâi bà ấy quá.

Hiền hỏi thăm đến Hiếu thì ông nói :

- Nhờ Trời, hai mẹ con nó vẫn còn xe nước mía, sống qua ngày. Bọn tôi mới khổ. Già rồi, lại ít ai đi xích lô, cô thấy đấy. Chán lắm cô ơi!

Rồi chợt ông hạ giọng :

- Sao cô không đi? Thiên hạ vượt biên quá trời. Ở tù cũng khá, nhưng vẫn có người thoát. Chỉ có điều thời buổi này, thật chẳng biết tin ai, nó lấy tiền rồi nó đi tố giác hay là tổ chức ma, có đi cô cũng phải cẩn thận đấy. Nhưng mà tôi nghĩ, người tốt như cô, thể nào Trời cũng che chở cho. Đi đi cô ạ! Cô còn nhớ ông bác sĩ gì ở đường Nguyễn Thiện Thuật ấy, bà vợ có cái nhà thuốc tây bên cạnh ấy, đi rồi. Nhiều khi đạp xe qua những phố cũ, nhìn cảnh cũ mà người đã vắng, tôi nhớ những năm đạp xe cho cô quá.

Ông Năm nhìn vào tận mắt Hiền nhắn nhủ, hối thúc. Ngay lúc đó Hiền có cảm giác như đây là lần cuối cùng ông trò chuyện với mình. Hiền cũng hạ giọng :

- Tôi cũng muốn đi lắm ông Năm ạ! Nhưng không dễ như ông biết đấy.

Mắt ông Năm lại chợt xa vắng. Hiền bùi ngùi vỗ vỗ trên mu bàn tay ông đang để trên yên xe. Bàn tay ông Năm nhăn nheo, già nua, sạm nắng. Nàng tưởng như sờ vào vỏ cây thông ngàn năm, sần sùi, chai cứng, nhẫn nại thách đố thời gian.

Hiền từ giã ông Năm, lên xe đạp đi. Nàng có cảm tưởng ông Năm đang nhìn theo sau lưng nàng.

Quả thật đó là lần cuối cùng Hiền gặp và nói chuyện với ông Năm. Sau đó ít lâu, gia đình Hiền vượt biên, sau hơn bốn năm sống dưới chế độ cộng sản ở miền Nam. Thời gian đủ để nhận diện một chế độ.

Giờ đây, có những lần xem truyền hình nói về Việt Nam, nhìn cảnh Saigon, xe gắn máy đủ loại, xe đạp và xích lô, tấp nập, Hiền nhớ tới ông Năm và tự hỏi bây giờ ông ra sao? Còn sống hay đã là người thiên cổ? Ôi cây thông ngàn năm thẳng cứng!

Hết