Người làng Cun nhìn thấy ông cụ từ trên đỉnh đèo lất phất sương đi xuống mấy quả đồi ven sông. Ông cụ mặc bộ quần áo cánh vải nâu, chân đi dép rơm, tay chống gậy, bên vai đeo ống bương cùng với chiếc tay nải. Đến mỏm đồi sát bờ nước, ông đứng nhìn quanh những bụi sim, bụi mua, rồi rẽ cỏ lần tìm một lúc. Gần đỉnh đồi đến một chỗ quang, ông ngồi xuống bên cạnh một nấm mộ cũ lẫn trong cỏ dại, mắt đăm đăm nhìn xuống dòng sông lăn tăn, ông ngồi quên tất cả, lúc lâu sau mới đứng dậy đi vào trong xóm.

Chiều hôm ấy thì dân làng đã biết ông cụ chính là người xóm Đồi, ông bỏ làng ra đi từ hơn sáu mươi năm trước. Ngày bấy giờ trong xóm có thằng cu Dần mồ côi cả cha lẫn mẹ, ở với bà ngoại. Năm bà cụ mất, cậu bé theo người trong xóm chôn bà trên mỏm đồi sau căn nhà lá, rồi một hôm ra đi biệt tích. Vậy mà nay ông Dần vẫn còn sống mà trở về quê ngoại, sau cả một đời lưu lạc. Ít bữa sau, ông cụ đến ở nhà bác phó may Chiểu cuối phố Cun, cái phố nhỏ bờ sông có mấy cửa hàng buôn nứa, gỗ, củ nâu, cánh kiến, sa nhân, mộc nhĩ để bán về xuôi. Và chẳng bao lâu dân trong phố đều biết ông cụ có nghề vẽ truyền thần.

Bác Chiểu góa vợ đã lâu, ở vậy nuôi đứa con gái, năm ấy nó đã được mười ba tuổi. Nó câm và dở người, nhưng chăm nấu cơm và quét tước nhà cửa... Khu nhà từ mấy đời các cụ để lại được miếng vườn rộng, bác thu dọn để ông Dần ở gian nhà gỗ cuối vườn, có hàng hiên trông thẳng ra sông.

Ông già rất xuề xòa, hằng ngày ông thường ở ngoài hiên, chỉ có chiếc võng tơ đã cũ để ngả lưng, với chiếc chõng tre, cái bàn gỗ tạp để vẽ. Con bé Hồng mọi khi một mình lủi thủi, bây giờ có ông già, tự nhiên rất nhanh nó đã quấn lấy ông, nó bắc một cái kiềng bếp ở góc hiên để nấu nướng lặt vặt hầu hạ Ông cụ.

Dân phố Cun khen bác Chiểu khéo đón được ông già có nghề lạ. Ai đến xin vẽ, ông Dần mời ngồi chơi uống nước, ông ngồi lâu, chỉ nhấp nước trà, nhìn người khách, hỏi chuyện nọ chuyện kia. Rồi ông mài mực, soạn bộ bút lông hàng chục chiếc to nhỏ các cỡ. Đến lúc ông ra bàn, cầm bút thong thả đưa lên tờ giấy bản hoặc tấm vải lụa, ông đưa nét bút nào là in nét ấy, không sửa hoặc tô đi tô lại. Thay vài lần bút, một lúc đã được bức tranh, nét mặt người trong tranh thật hệt, mà hai con mắt như có thần. Những lúc vẽ, ông Dần ít cho người lạ đứng xem. Chỉ có con bé Hồng chạy ra chạy vào, đun nước, thay trà, hoặc đứng lặng một góc, ngây người nhìn.

Ông cụ vẽ tranh không đặt giá tiền công, tùy tâm người đến xin truyền thần đưa bao nhiêu ông cũng cầm, bỏ vào một cái tráp gỗ nhỏ. Có người nghèo, dắt ông bố hoặc bà mẹ già đến xin ông Dần vẽ cho bức tranh để thờ sau này, chỉ có đấu gạo, con gà, nải chuối, ông cũng vui vẻ nhận vẽ cho.

Cũng có khách từ xa tìm đến. Một buổi phiên chợ, dân phố Cun thấy hai người lạ mặc quần áo chàm, đầu bịt khăn chàm, quàng gươm dài sau lưng cưỡi hai con ngựa ô hỏi thăm đến nhà ông lão vẽ tranh. Bác phó Chiểu sau kể lại đấy là người nhà chúa Nùng trên Cao Bình đến mời ông Dần lên tận trên ấy vẽ cho nhà chúa. Nhưng ông Dần từ chối vì đã cao tuổi, sợ không chịu nổi nhọc mệt dọc đường. Mặc dù vậy, người nhà chúa nơi biên ải cũng biếu ông cụ một sấp lụa Tàu loại quý. Ông Dần hôm ấy mới giở cái ống bương lớn, lấy ra một bức tranh lụa vẽ phong cảnh gửi biếu lại ông chúa Nùng mà người ta nói là Đức Vua ta dưới Kẻ Chợ cũng nể.

Nhưng câu chuyện dân phố chú ý nhất là một hôm có hai bố con người Tàu đi đò dọc theo lái buôn từ Kẻ Chợ lên. Ông bố đã đầu râu tóc bạc, người con trai nói tiếng ta rất sõi. Ông Dần đón khách trên cái hiên nhà tuềnh toàng vậy mà ông già Tàu lộ vẻ trọng vọng lắm. Lần ấy bác phó Chiểu mới biết ông cụ Dần nói được tiếng quan hỏa, ông cùng người khách trò chuyện cả buổi sáng. Đến trưa, bác thợ may mời khách cùng ăn cơm, ông cụ Dần khẽ cho bác biết: Ông già Tàu này làm chức quan nhỏ ở tỉnh Phúc Kiến, bị án oan phải tội, ông bỏ trốn sang nước ta, tìm đến người đồng hương ở đất Kẻ Chợ nương náu làm ăn đã hai mươi mấy năm. Cơm nước nghỉ ngơi xong, ông Dần đem khung lụa ra ngoài hiên ngồi vẽ. Hai bố con người khách cũng ra ngồi phía sau cùng với bác phó Chiểu và cô bé câm, không ai nói một tiếng. Tất cả cùng nín lặng dõi theo bàn tay ông cụ. Bức tranh này ông Dần vẽ lâu hơn thường ngày, thay nhiều cỡ bút, dùng cả mực đen và mầu nước. Trên vuông lụa như trong mơ dần hiện lên một cánh rừng phong đỏ sẫm bên một dòng sông mờ khói sương, trên một sườn đồi lúp xúp mấy nóc nhà có một bóng người đội nón tu lờ gánh củi dưới dốc đi lên, xa phía sau trong những lớp mây ẩn hiện mờ ảo mấy bóng núi cao chạm trời. Khi ông cụ buông bút đứng dậy lấy khăn tay lau mồ hôi đầm đìa trên mặt thì ông già người Tàu đến trước bàn nhìn lặng một lúc rồi bỗng hai mắt đỏ hoe, chắp tay vái bức tranh. Ông gọi người con đến nói một hồi dài. Anh con trai đến vái ông cụ Dần và nói: "Con xin tạ Ơn cụ. Hôm nay con được nhìn thấy phong cảnh nơi quê cha đất tổ". Hai bố con cung kính đưa ông cụ một hộp nhỏ bọc giấy hồng điều. Ông Dần đưa chiếc hộp cho bác phó Chiểu, bác vâng dạ đem lên nhà trên, giở giấy bọc, hé mở nắp hộp thấy bên trong có một xếp vàng lá.

Thấm thoắt đã sang thụ Mỗi buổi sáng, trong mảnh vườn mấy luống cúc tỏa nhẹ một làn hương thoang thoảng. Chiều chiều khi vầng mặt trời sắp khuất sau dãy núi ở chân mây, cả một dải đồi cọ suốt dọc bên kia sông ánh rực lên, những cây cọ lóe sáng trên chỏm, trông như hàng nghìn vạn ngọn nến thắp lên vàng chói.

Ông cụ Dần dạo này không nhận vẽ truyền thần nữa. Chỉ có một lần ông nể lời sư cụ chùa làng, lên chơi chùa và vẽ một bức cho sư cụ. Chiều hôm ấy hai ông già uống rượu với nhau và nói nhiều chuyện cũ, mới. Sư cụ đem khoe một bộ đá hiếm, có viên đá giống hình cây nấm, có viên giống vỏ sò, có viên như hình con dơi, có viên đỏ tuyền không một vết gợn một đường vân, có viên trắng như mỡ, có viên ánh biếc như cánh chim bói cá. Sư cụ đắc ý nhìn ông Dần và hỏi: "Cụ xem có phải vừa lạ, vừa kỳ, vừa quái không? Đúng như trong sách cổ đã dạy!". Ông Dần cười: "Cụ bây giờ có nhẽ hằng ngày nói chuyện với đá". Sư cụ gật gật: "Vâng. Vâng. Cũng thu nhặt dần mãi đấy ạ. Tôi ít dám cho người ngoài xem bộ đá này". Sẩm tối, ông Dần chống gậy về đến nhà, vẫn đang ngà ngà saỵ Hôm ấy ông thức khuya bên đĩa đèn dầu trám, ngồi rót rượu

uống một mình trong đêm thu tịch mịch, có lúc ông cầm mãi chén rượu, nước mắt lã chã rơi xuống.

Sau bữa rượu ấy, mấy hôm bác phó Chiểu thấy ông già như người tâm trí để ở đâu. Bữa ăn, bác ngồi hầu cơm thấy ông cụ vẫn gắp mà không biết mình ăn gì. Rồi bất ngờ buổi sáng hôm ấy, ông Dần đi dạo hồi lâu quanh vườn, khi trở vào bước lên hiên nhà, ông gọi: "Hồng ơi, con đặt cho ông ít cơm nếp". Trong lúc con bé ra giếng lúi húi vo gạo, ông cụ mài mực, và đem một tệp giấy ra bàn rồi bắt đầu vẽ. Hôm sau rồi hôm sau nữa, ông vẫn mải miết vẽ từ sớm đến chiều. Ngày tiếp ngày ông cụ vẽ không còn biết gì giờ giấc, thường đến bữa ăn, cô bé câm phải ra kéo vạt áo ông làm hiệu, ông mới nhớ. Ông cụ vẽ trên giấy bản hết tờ này đến tờ khác, có bức đậm nhạt đen trắng, có bức nhiều mầu, ông thường nằm võng rất lâu, mở mắt mà như không trông thấy gì, có lúc nhắm mắt như ngủ, rồi thình lình nhỏm dậy ra bàn cặm cụi trên tờ giấy. Mỗi buổi chiều, khi ông cụ buông bút vào nhà, những tờ tranh vẽ trong ngày vẫn bỏ trên mặt bàn, mặt chõng, có hôm tranh rơi cả xuống đất, bay cả ra vườn. Bác thợ may lại cùng đứa con gái đi nhặt từng tờ một đem lên nhà trên cất kỹ. Và tối khuya khi ông cụ đã tắt đèn đi nghỉ thì ở nhà trên hai bố con thắp mấy cây nến đem những tờ tranh ra xem. Bác Chiểu thấy ông cụ vẽ nhiều cảnh, nhiều người, nhiều nơi chốn rất khác nhau. Có núi, có biển, có sông ngòi, có rừng, có bãi, có đồng ruộng, làng xóm đình chùa, có bến sông thuyền bè, có hàng quán nơi phố chợ. Có tranh chỉ vẽ một đóa hoa cúc, một tảng đá, một bụi lau, một con chim đang rỉa cánh, có tranh vẽ một đàn ngựa thồ đang leo dốc, có tranh vẽ mấy con trâu đang đầm mình dưới hồ, có tranh vẽ một đàn chim nhạn lượn trên một mái nhà tranh bốc khói hẻo lánh. Có cả nhiều cảnh vui, buồn cười, trẻ con chơi nhảy dây, ông thầy bói ngồi bên bình vôi dưới gốc đa, bên chuồng lợn một bà vén váy hốt hoảng vì con rắn trườn qua dưới đất, mấy cô gái ở trần tắm dưới đầm sen, mấy người đàn ông đóng khố trên chiếc bè gỗ đang chống sào vượt dòng nước xoáy, hai anh đô vật, một anh nắm chiếc khố anh kia nhấc bổng lên. Mỗi lần giở một tờ tranh, bác thợ may lại xuýt xoa không biết ông cụ đã đi những đâu bao nhiêu nơi. Con bé câm ghé bên cạnh, nét mặt nhanh nhẹn khác ngày thường, có lúc bật cười, có lúc môi chúm lại, có lúc hai mắt sáng lên, long lanh trong ánh nến. Bác phó Chiểu bỗng thấp thỏm thầm nhận ra là đứa con gái bác không dở người, nó biết cả, chỉ không nói được.

Gần một tháng trời như vậy, mỗi buổi sáng con bé Hồng vẫn đun nước pha trà cho ông cụ rồi ngồi nín lặng ở bậc cửa. Hai ông cháu bây giờ đã thuộc tính nhau. Con bé cứ ngồi đợi, khi nó thấy ông cụ đến kéo chiếc ghế đẩu trước bàn vẽ, nó cũng đứng lên, khẽ đến phía sau. Ông Dần cũng đã quen như vậy, ngồi vẽ, ông biết có đôi mắt đứa bé lặng im nhìn theo từng nét bút của ông.

Bữa ấy buổi sáng trời hiu hiu nhiều mây. Ông Dần nằm không nhúc nhắc trên chiếc võng, tay chân như đâu mất. Hình như tất cả thân thể ông nhẹ bỗng. Ông nằm nhắm mắt không nghĩ gì rõ nữa. Hình như ông vừa lịm đi lâu lắm, hình như ông vừa chợp ngủ. Ông choàng mở mắt và thấy đứa bé câm đang bưng chiếc khay trà đứng ở bên võng. Ông Dần ngồi dậy, rót nước trà, tay run rẩy cầm chiếc chén, ông nhắp một ngụm thơm nóng. Con bé vẫn đứng hai tay bưng chiếc khay, miệng như khẽ mấp máy và ông Dần thấy hai mắt đứa bé nhìn ông, đôi mắt đen chưa gợn một chút bụi của cuộc đời đang nhìn ông với niềm thương không lời nào nói được. Trời ơi! Ông Dần đứng dậy, bước tới chiếc chõng tre và bảo: "Cháu lại đây! Ngồi đây! Hôm nay cháu mài mực cho ông".

Bên chiếc chõng, ông già và đứa bé hí hoáy với hàng chục chiếc đĩa bát nhỏ đựng các thỏi mực, thỏi son, các loại bột nhiều mầu sắc, các miếng vỏ cây, rễ cây, củ khô mà chỉ có ông già biết. Con bé câm hai mắt sáng vui sướng làm theo lời ông cụ chỉ dẫn, đã bao nhiêu ngày nó nhìn và thuộc cách ông cụ mài mực pha mầu rồi.

Ông Dần vào nhà tìm một khung lụa to, đem ra đặt kín mặt chiếc bàn. Ông chưa biết mình sẽ vẽ gì, chỉ cần có cái khoảng trống mịn trước mặt, nhìn vào đấy, ông như đến trước khoảng không vô tận đang đợi ông. Trong đầu lâng lâng thanh thản, ông thấy như đang ở nơi nào rất xa, trên cao phóng tầm mắt nhìn trùng trùng điệp điệp những dải đồi, những lớp núi mãi không hết. Ông nhìn mãi, có lúc đã cầm lấy cây bút lông xoay xoay trong tay một hồi lại bỏ xuống. Cả ngày như vậy, khung lụa vẫn trắng nguyên.

Hôm sau ông Dần vẫn chưa vẽ gì. Gần đến bữa trưa, ông bảo con bé: "Hôm nay cháu cho ông bát nước cơm". Hai ông cháu ngồi ăn dưới đất ngay cạnh bếp. Ông cụ bưng bát nước cơm nóng uống từng ngụm, thốt lên: "Thơm quá! Ngon quá! Không gì bằng được hạt gạo Giời cho, cháu ạ!". Ông ăn một bát cơm với muối vừng rồi ra võng nằm nghỉ. Buổi chiều, ngồi trước khung lụa, đôi mắt nhăn nheo của ông như xa đi trong một nỗi buồn thương lặng lẽ. Con bé ngồi phía sau sợ hãi không dám thở mạnh. Tới lúc nó thấy ông cầm bút chấm vào một bát nước mầu rồi vẽ lên bức lụa một đường mảnh như một làn sóng. Ông cụ bỏ bút đứng dậy, đến dắt tay con bé, dịu dàng vuốt tóc nó "Thôi, ông cháu ta nghỉ thôi".

Nét sóng ấy buổi sáng hôm sau đã thành một mỏm đồi thoai thoải, sườn đồi trơ trụi đất sỏi, đây đó rải rác mấy tảng đá. Một vệt đường mòn lượn từ trên đồi xuống đến một bãi cỏ. Nền trời bên trên mỏm đồi âm u, những vùng mây lớn cuộn lên xô đẩy nhau, trông mênh mông dữ dội. Con bé Hồng đứng cạnh ông già từ lúc nào, hai mắt nó náo động nhìn những đám mây bay cuồn cuộn. Ông già quay sang, gật đầu nói rất khẽ "Trên này gió lắm... "

Buổi chiều, ông Dần miệt mài vẽ tiếp. Trên mỏm đồi, đầu vệt đường mòn, hiện dần lên một cây mai già, thân cây đen sắt lại, những cành cây vươn lên gân guốc, trần trụi. Những cành cây tỏa ra nhiều nhánh thanh mảnh dần. Ông già thở một hơi dài, dừng lại thay bút, mặt ông đỏ hồng lên, những cành cây gầy dần lốm đốm những điểm hoa trắng giữa những chồi lá biếc non, tất cả như đang rung lên trong gió. Đứa bé câm đứng mở to mắt, hai bàn tay nó xòe ra, như muốn nhúc nhắc múa. Nó im lặng cười một mình, chạy ra bếp, xắm nắm đun nước để pha một ấm trà mới. Khi nó bưng khay đến bên ông cụ thì trên bức tranh gần bên cây mai đang hiện lên một cô gái. Cô mặc áo cánh bông, trên đầu đội chiếc thúng, cô bước đi trên vệt đường từ mỏm đồi xuống. Ông Dần vẫn luôn thay bút, bàn tay ông đưa rất nhẹ và mặt cô gái rõ dần mũi, miệng, đôi nét lông mày rồi đến hai con mắt đen. Con bé Hồng tròn mắt, nó nhận ra cô gái đúng là nó nhưng lại lớn hơn, đã chừng mười bảy, mười tám tuổi. Đôi mắt cô gái trong tranh như đang lạ lùng vì những gì cô đang nhìn thấy. Ông Dần cầm bút quay lại nhìn đứa bé câm, ông mỉm cười lấy ngọn bút chỉ vào nó rồi chỉ vào cô gái trong tranh và đỡ lấy cái khaỵ Con bé Hồng hai mắt như có ngấn nước chạy quanh.

Cả ngày hôm sau, ông già vẽ bãi cỏ rộng dưới chân đồi. Ông thay bút luôn, chấm mầu đưa nét rất nhỏ, những ngọn cỏ xanh nõn cứ mọc lên dần trước mắt, tỏa một vùng sáng dịu. Có lúc ông dừng lại nói chuyện với đứa bé. "Cháu ạ, lá cây ngọn cỏ nó cũng sinh nở, sống chết, nó cũng có hồn của nó. Giá mà giời cho ông sống được đến trăm tuổi thì may ra ông vẽ được hồn chúng nó đấy". Con bé câm hớn hở nhìn những chấm nhỏ tim tím hồng hồng. Ông già lại quay sang: "Hoa nghệ rừng đấy". Những đốm tím hồng vẫn dần lan rộng mãi. Ông già cười nói: "Cháu xem có ông hoàng bà chúa nào được mặc đẹp như một bông hoa dại này không!". Cả một vùng bãi cỏ xanh non lúc này ánh hồng lên, mỗi đốm hoa ngọn cỏ như mủm mỉm nói: Bây giờ là mùa xuân rồi.

Bức tranh đã hình thành, mấy ngày sau, ông Dần chỉ nằm võng, thỉnh thoảng mới ra bàn lấy bút điểm thêm hoặc xoa đi một hai nét. Bữa ấy, ông lấy chai rượu, ngồi rót uống một mình, thấy con bé Hồng đang ngồi nhóm bếp, ông gọi: "Hồng lại đây". Đứa bé rụt rè bước đến. Ông già cười: "Hôm nay cháu lại cho ông ăn cơm nếp nhé. Cháu ngồi đây. Cháu có thích bức tranh này không? Ông cho cháu đấy. Cháu rồi như cô gái trong tranh này, đừng sợ gì cả". Ông già ôm đầu đứa bé gái, đôi mắt ông nheo lại phảng phất những ý nghĩ xa xôi.

Mùa thu đã đến những ngày cuối cùng. Đêm ấy nổi gió mùa, cả một dải ven sông ào ào không ngớt cho đến sáng. Trời đột ngột trở lạnh.

Ông Dần nặng nhọc ra ngoài hiên. Cũng như mọi ngày đứa bé câm đã ngồi bên bếp, đợi ông ra để đun nước pha ấm trà buổi sớm. Ông Dần ra nằm võng, hai mắt ông nhìn nhòa đi dần. Ông thấy trên mỏm đồi xa xa, cây mai già tỏa một vùng hoa trắng rung động trong gió. Đôi mắt đen nhìn ngỡ ngàng. Ông bay đến bãi cỏ, ông bước lướt trên mặt cỏ xanh non đẹp quá, chung quanh ông những đốm hoa óng ánh, những đốm sáng hồng vẫn bay khắp bốn bề, ông ngồi xuống sờ lên những núm cỏ, ông muốn nói gì mà không nói được, ông cũng không muốn nói gì nữa, cả người ông nhẹ bỗng, ông bay lướt đi, chân không còn chạm đất, tất cả mờ dần mờ mãi...

Đứa bé câm bưng chiếc khay đến, thấy ông cụ hai mắt nhắm nghiền, đầu ngật ra ngoài võng, không còn động đậy. Con bé mở to mắt kinh hoàng, miệng nó mấp máy, cả người nó run bắn, cái khay rơi xuống đất, nó thét lên một tiếng dài. Bác phó Chiểu từ trên nhà hớt hải chạy xuống, thấy đứa con gái đang ngồi sững bên chiếc võng, bỗng nó bật gào lên: Ông ơi! Ông ơi!

Hết