Dạo mới qua Mỹ theo diện HO được vài tháng, ông Chiến thất tình bà Liên. Tối tối, ông cứ ra cái quán nhậu cạnh bờ vịnh, gặm cánh gà, uống bia. Hai đứa con sợ khuya rủi ông bị trúng gió vịnh, nằm đường bất tử, muốn đi theo giữ ông thì ông mắng không cho, chúng bèn gọi những người quen xem ai có lòng với ông già của chúng nó, năn nỉ “chú, bác giúp dùm, ra quán an ủi, canh chừng ba chúng cháu”.

Cùng lúc, bà Hồng thất tình ông Tân. Bà Hồng hơn ông Chiến cũng khoảng 10 tuổi. Bà gọi ông là cậu và xưng chị. Bữa ăn sinh nhật 61 tuổi của ông Chiến, bà Liên đến sớm giúp nấu nướng, xong rồi về. Đang tiệc đông đảo mọi người thì bà lại đến tặng ông một cái khăng quàng cổ, rồi kiếu ra về ngay, dù ai cũng nằng nặc mời bà ở lại dự cho vui. Bà mặc một cái áo lụa mát mẻ màu xanh có bông lớn, mỗi bước bà đi thoang thoảng mùi dầu thơm. Bà khoảng bốn mươi ngoài, người ta nói, còn ngon lành như vậy, chắc là bà chê ông Chiến. Lại có người rành chuyện hơn nói:

-Hai thằng con không chịu, sợ bà Liên còn đẻ chửa nữa.

-Có đẻ thì rồi cũng chính phủ Mỹ nuôi, chứ ổng ăn SSI làm gì có tiền nuôi con. Cũng huề thôi!

Trong khi đó ông Tân lăng nhăng với bà Thái –ông chồng bà này còn sống. Bà Thái, bà Hồng ghen tương nhau, còn bày đặt đánh ghen, bà Hồng chửi bà Thái ngay giữa một tiệc đám cưới nào đó, dù bà Hồng là cô của bà Thái. Bà con cười châm biếm sau lưng bà Hồng, kêu già rồi mà không nên nết.

Bà Hồng cầm ly bia chúc ông Chiến:

-Hôm nay, nhân dịp sinh nhật của cậu, chị có vài lời. Chị chúc cậu dồi dào sức khỏe mà lo cho hai đứa nhỏ. Xin cậu đừng buồn!

Ông cảm động nói:

-Cám ơn chị! Ở Vn, con cái đông đảo, có cháu nội, cháu ngoại đầy nhà, tôi không phải làm gì. Như ngày mừng thọ này, tôi chỉ phải ngồi một chỗ là con cháu lo hết. Bên này thì đơn chiếc, hai đứa con trai này không biết nấu nướng, may nhờ mấy chị tới lo chuyện bếp núc, mới có được bữa tiệc nhỏ đãi bà con cô bác ngày hôm naỵ Để khỏi phụ lòng các anh chị, tôi phải vui chớ. Nào thì cầm ly lên!

Người không hiểu chuyện thì nghĩ ông Chiến để vợ và các con lớn ở lại, chỉ đưa đi được hai đứa con trai, nhà không có đàn bà để lo chuyện bếp núc, hoàn cảnh của ông ở Mỹ thật tội nghiệp. Nhưng phần lớn khách hiện diện thì đều cười trong bụng vì biết rõ là ông Chiến đang thất tình.

Ông quay sang bà Hồng, nói:

-Chị cũng vậy, chị Hồng à! Chị phải vui lên!

Ông Chiến với bà Hồng cùng đau khổ nên gần lại để an ủi lẫn nhau, rồi trở thành cặp tình nhân hồi nào chẳng ai haỵ Bây giờ, tình họ là tình già, đi đâu cũng có nhau, tiệc tùng nào cũng dự, anh em ngọt xớt, xem ra cũng hạnh phúc. Ấy là nhìn vẻ hớn hở tươi rói của bà Hồng thì người ta đoán vậy. Bà bắt đám thanh thiếu niên trong Hội Thánh kêu bà bằng chị, dù là tuổi đời của bà hơn tuổi đời của chúng cả nửa thế kỷ! Có đứa ngượng miệng, nói kêu không được, kêu gì dị Òm, bả đáng bà nội, bà ngoại của mình.

Bạn cười:

-Thôi kệ, kêu cho bả vui!

Thế là Chị Hồng, Chị Hồng! Vui quá đi!

***

Rồi thằng con trai lớn của ông Chiến, thằng Liêm cưới vợ. Lớn là ở bên này, so với thằng út. Đúng ra là một bữa tiệc nhỏ để ra mắt bà con. Lúc chụp hình để gửi về bên nhà thì cũng có bà Hồng chen vô đứng bên cạnh ông Chiến, được ông giới thiệu là ân nhân của mấy cha con ông. Bà Hồng khoái chụp hình, không cho bà đứng vô chung để chụp thì bà đâu có chịu. Đành chìu bà, và giới thiệu như thế để đánh lạc hướng thân nhân bên VN. Bà già hơn nhiều nên là người giúp đỡ là phải rồi.

Rồi thằng Liêm mua nhà. Nhưng con vợ không có giấy hôn thú của nó là con Ngân thì vẫn ăn trợ cấp. Có vậy, đẻ con để được medical coupon trả hết. Mỗi tháng ba mẹ con (cô có một đứa con riêng nữa) có 5, 6 trăm bạc, khỏe re, tội gì nhả, dù là cô ta cũng đi làm móng tay ở ngoài tiệm cả ngày. Ai muốn tố thì dễ quá, nhưng đâu ai tố làm chị Cái nhà thì thằng Liêm đứng tên, phải tin nhau, chứ thằng Liêm nó muốn giựt thì con Ngân cũng chẳng làm gì được.

Bữa đó, ông Chiến tỉnh tỉnh nói:

-Phải đàn bà thì đã làm ra tiền rồi!

Thường thì mùa hè ông theo người ta ra đồng hái dâu, hay đi theo nhóm cắt cỏ làm vườn. Bây giờ, ông kẹt tiền mà đang mùa đông không làm gì ra tiền, ông than cũng không ai cho ông mượn. Mọi người có mặt đều cười vì câu nói của ông. Đúng rồi, bây giờ thiếu gì mấy bà nhờ mấy ông, mà phải là ông đã vô ngạch SSI và có xe, để chở mấy bà đi chơi. Nhưng ông nói tiếp:

- Đàn bà, người ta mới đưa con giữ. Có thằng cháu nội đó, mà cũng không giữ được!

Ông Thân nói:

-Tại ông xỉn hoài, tụi nó không cho ông giữ, thằng nhỏ còn quá nhỏ! Chứ đàn ông đàn bà gì giữ chẳng được.

-Cái lần đó tui buồn quá, uống hết két bia, nằm quay đơ, con Ngân về thấy con nó bày dơ cả nhà, nó hoảng hồn la quá, nói có cháy nhà, tui cũng không tỉnh.

Rồi cũng có bữa ông đi thu 10 đồng tiền lão niên, bỏ vô quỹ cho đám ma của bà nào đó vừa chết. Gặp mấy người thanh niên, ông quảng cáo cái hội lão niên trợ táng này rồi hất hàm hỏi:

-Ông chơi không?

Thằng Qúy cười nói:

-Người ta còn trẻ, mà ông mời vô hội lão niên, hỏi “ông chơi không?”, hỏi gì ghê vậy?

Nói thì nói vậy, chứ ông có lòng, bà con cộng đồng đều biết thế. Ai mới qua, ông cũng giúp. Giúp nhiều nhưng có mấy người nhớ tới ông. Mà ông cũng không nhớ hết. Đình đám, hội hè, đi thu tiền, đi thăm viếng, giúp đỡ, mà không có mấy ông già SSI này thì việc có bày vẽ ra mấy cũng không xong. Đám trẻ bận rộn công ăn việc làm, gia đình, đâu ai hơi sức làm việc... chùa.

***

Tết năm đó, ông về thăm nhà. Vì chần chừ cho tới cận ngày mới mua vé máy bay nên ông bị chạc một cú thật nặng. Lúc đầu, ông có tiếc tiền nhưng sau nghĩ về ăn Tết với đại gia đình là vui rồi nên ông thôi không tiếc nữa.

Không biết là ông có mấy cái nhà ở bên VN. Ông có nhiều bà quá, và đó cũng là lý do bà lớn giận đã không theo ông qua Mỹ, ở lại với đám cháu nội, ngoại vui hơn. Có hai bà là “chính thức”, gọi chính thức vì họ biết nhau, nhận chị, nhận em. Đó là Bà Lớn, bà Hai. Ông có hai giòng con: giòng bà lớn, giòng bà nhỏ. Đám con hai giòng này biết mặt nhau, nhờ những bữa giỗ quải. Những bà khác thì chỉ có ông biết. Và bao nhiêu đứa con khác nữa thì chưa chắc ngay cả ông cũng biết!

Vừa về đến nơi thấy mất cây mai trước nhà, ông đoán là thằng con trưởng đã bán mất, cho người đốn luôn cả gốc. Tụi đi buôn mang về bán lại cho bọn làm bonsai, cây kiểng. Ông sùng quá quạt bà vợ muốn tắt bếp tội không cản ngăn thằng con. Cái nhà này vẫn là cái nhà của ông. Bộ họ tưởng ông đi Mỹ rồi không về nữa hay sao mà ở nhà muốn làm gì thì làm? Tết nhứt mà trước sân nhà không có mai vàng nở thì sao ra Tết được!

Kỳ về này, ông đi thăm một bà ở Xóm Rắn. Thật ra thì ông đi thăm đứa con, vì ông có nghe bà đã mất mấy năm rồi, lúc nghe tin thì ông đang ở bên Mỹ. Ông đến thăm chỉ có đứa con gái lúc này đã 15 tuổi là ở nhà. Hỏi nó thì nó nói nó đang ở với bà ngoại, bà đi làm rẫy chưa về. Nó hỏi bác là ai? Ông nói, về nói với bà ngoại có bác Ba Chiến ở Mỹ về thăm, bác ở Xóm Đường Rầy, là bà ngoại biết.

Bà ngoại nó nghe chuyện, tối đó, hối đứa cháu gái chở bà đến thăm ông. Nó đạp xe đạp chở bà ngoại đi. Rồi nó đứng đợi ở ngoài. Bà ngoại vô nhà. Ông Chiến rút trong túi mấy tờ trăm đưa cho bà ngoại của nó nói có người quen ở Mỹ nhờ ông giao tiền cho bà. Bà vợ lớn cứ nghĩ là một người thân người quen của ai đó bạn ông. Bà tiếp đãi niềm nở, kêu con cháu mang nước trà ra mời. Bà ngoại nói có con cháu đưa đến, đang đứng đợi ở ngoài đường. Ông biết đã biết đó là đứa con gái của ông, nên ông ra vui vẻ kêu nó vào nhà chơi. Nó giống ông như đúc. Lúc má nó đi lấy chồng, làm bé cho ông Sáu Chanh ở ngoài chợ Hương Thu, thì nó mới có mấy tuổi đầu. Từ đó, ông không thấy mặt nó. Mà mẹ nó cũng không kể gì cho nó nghe về ông, định chờ cho nó lớn một chút thì bà mới kể. Rồi bà chết bất ngờ quá, vì đạp phải mìn. Tiễn bà ngoại của đứa con ra tới ngoài sân, ổng hỏi nhỏ đứa con gái, ngoại làm mỗi tháng được bao nhiêu, cần bao nhiêu thì đủ sống? Đứa con gái nói, khoảng 20 đô là đủ. Ông nói, kêu ngoại đừng làm rẫy nữa khổ cực, để người ta làm đi, được bao nhiêu thì được, còn mỗi năm bác gửi về cho ngoại 5 trăm đô để ngoại cháu con sống thoải mái. Đứa con gái dạ dạ.

Mùng Một Tết, ông áo quần chỉnh tề, vest và cà vạt, ngồi trên ghế cao để đám con, cháu chúc mừng ông dồi dào sức khỏe, sống lâu trăm tuổi. Cái màn này có quay phim, rước thợ xịn từ dưới thành phố lên, để sau này ông coi lại kỹ lưỡng mà chấm điểm. Đứa nào nói hay, nói có ý nghĩa, vòng tay, cuối đầu đàng hoàng thì được thưởng nhiều. Cao nhất là một lượng, rồi nửa lượng, rồi mấy chỉ...

-Tụi bay cho tao để nợ đấy, qua Mỹ lãnh tiền rồi mới gửi về cho tụi bay được!

Đứa ham chơi, phá của nhưng có tài ăn nói, biết mua chuộc để được lòng ông, được ông chấm điểm cao. Đứa biết lo cho mẹ, cho gia đình mà vụng về ăn nói thì lại bị Ông chấm điểm thấp. Cũng cái vụ chúc Tết này mà anh em quay qua giận hờn nhau.

Sẵn dịp ông về, thằng con trưởng nói với ông đi cưới vợ cho anh ta, thì ông nói tao với má mày đã đi cưới vợ cho mày hai lần rồi-cả hai cô vợ đều đẻ con, đều chết sớm, con tổng cộng là 8 đứa-, lần này không đi cưới nữa, mày qua nhà gái hỏi họ chịu thì tao tới thăm, rồi ra giêng mày lấy xe gắn máy chở con đó về. Cô này, lỡ thời 35 tuổi, giáo viên trong làng, chỉ có ông anh là con bà lớn, chứ cha mẹ không còn. Lúc ông ra nói thì người anh trả lời con trai bác với tui là chỗ quen biết, để tui hỏi con em tui chịu thì được. Khi cô gái chịu rồi, ông hỏi cô ta, có xứng đáng làm bà chị trưởng không, có xứng đáng là bà mẹ ghẻ không, bà kế mẫu không, về coi ngó nhà cửa rồi mỗi năm tôi gửi cho vài trăm để cúng giỗ.

***

Ông qua Mỹ thì tiếp tục nhận thêm mấy đứa con rơi nữa. Chúng gửi thơ xin tiền, vì bây giờ là lúc nhận cha con được rồi, ông ở Mỹ, ông có phương tiện giúp đỡ, chứ còn đợi cho tới khi nào nữa. Dù có không phải là cha, cứ kêu đại để được viện trợ thì tội gì không kêu, không nhanh chân đi tìm cha mà xin nhận làm con.

Ông kêu đứa nhỏ đọc thự Ông cũng chẳng dấu diếm chuyện con rơi con rớt với ai nữa.

Thằng con trai út hỏi:

-Thư ai vậy ba?

Ông không trả lời nó mà nói:

-Tiến, mày đọc thử coi mấy con số không, tao có nhìn lộn không? Đứa xin tiền cất nhà, đứa xin tiền làm ăn. Đứa xin tiền lấy vợ cho con! Tụi nó không biết là tao già cả không làm gì ra tiền không.

Thằng con lầm bầm:

-Ai kêu, ai xin, ba cũng gửi cho chi! (Ý như là bây giờ thì ông phải ráng chịu chứ than vãn cái gì!)

Ông cao giọng:

-Ừ! Chắc lỗi tại tao. Như cái thằng anh Hai của mày, chẳng chịu làm ăn gì, cứ tiền tiền. Bên ấy, nó sướng còn hơn tao, đi câu còn có đệ tử theo móc mồi cho câu!

Nói tới đây, ông chợt thấy say sẩm mặt mày, nhức đầu và miệng thì muốn ói. Thằng con út vội kêu 911 rồi Medic One tới đưa ông vào nhà thương St. Clairẹ Tìm ra là ông bị bể một mạch máu, máu chảy ra làm sưng một phần não. Xưa nay, máu ông đã cao. Nơi này không có đủ phương tiện nên bác sĩ ở đó lại cho trực thăng đưa ông lên Harbor View Hospital trên Seattlẹ Bác sĩ giải phẫu ngay, cứu ông được. Ông quả là may mắn. Ông nằm trong ICU một tuần, rồi sau đó thì ra phòng ngoài, nhưng vẫn có y tá theo dõi 24/24 vì trí nhớ ông còn kém và người ông đi đứng chưa thăng bằng, mà ông cứ tự đi bathroom một mình, ngã lên ngã xuống, dù bác sĩ có dặn ông cần gì thì bấm nút cho y tá vô giúp ông.

Khách khứa đồng hương đến thăm ông thật đông, vì ông sống thật có lòng với họ. Ông cứ tưởng là không ai sẽ nhớ ông. Nhưng quả là họ có nhớ công của ông thủa ông mới qua cho tới bây giờ đối với cộng đồng Việt ở đây.

Rồi ông khỏe dần dần. Trí nhớ của ông trở lại. Bác sĩ khuyên từ nay, ông không được suy nghĩ nhiều. Nhưng mà làm sao ông không suy nghĩ nhiều được chứ!