- Con về thăm ông bà nhớ xin lỗi ông bà hộ mẹ. Lúc này, mẹ bận quá chưa thể về thăm ông bà được. Lúc xe rời khỏi bến, tôi thấy mẹ tôi vẫn còn đứng trông theo mãi.
Con đường về nhà ông bà đá sỏi chơm chởm, những hang hốc loang lổ, ngồi trên xe mà nghe ê ẩm cả mình. Chợt tôi thấy thương mẹ tôi, suốt đời bận rộn vì con cái chưa có phút nghỉ ngơi, muốn về thăm cha mẹ lại chẳng về được nói gì đến chuyện báo hiếu cho cha mẹ. Càng thương mẹ tôi lại càng thương ông bà ngoại tôi, ở cái tuổi 80 gần đất xa trời, con cháu đầy đàn mà vẫn sống thui thủi có đôi vợ chồng già. Ông bà tôi có bốn người con, chỉ duy nhất mẹ tôi là con gái lại công tác ở xạ Ba tôi lại mất sớm nên mẹ tôi chẳng giúp gì, chăm nom gì cho ông bà.
Cậu Hai lại là thương binh nặng, chỉ sống bằng đồng lương trợ cấp thương binh hàng tháng của mình, mà vết thương cũ lại thường xuyên tái phát nên mợ Hai phải chạy lo mọi việc từ trong ra ngoài, cậu mợ lại đông con nên chẳng giúp đỡ gì cho ông bà. Còn cậu Ba có gia đình hiện đang buôn bán trên thành phố. Còn cậu út đã hy sinh ở chiến trường biên giới tây nam. Ngày được giấy báo tử, ông bà tôi chết lặng, bà ngoại ngã bệnh một trận thập tử nhất sinh, tưởng chẳng qua được, từ đó bà ngoại ít nói hẳn đi, mái tóc bạc trắng chẳng còn một sợi tóc đen. Còn ông ngoại lưng đã còm lại càng còm hẳng xuống, bước đi càng ngày càng chậm chạp, lại thêm chứng lãng tai và hay quên trước quên sau. Có nhiều lần, cậu Ba tôi xuống rước ông bà về thành phố sống với cậu mợ, nhưng ông bà không chịu, vẫn cứ sống mãi ở căn nhà tranh xiêu vẹo và mảnh vườn nhỏ nhoi mà ông bà tạo dựng bằng mồ hôi nước mắt và nuôi các con mình khôn lớn. Thương ông bà tuổi già sức yếu lại sống cô quạnh một mình nên mùa hè nào mẹ tôi cũng bảo tôi hoặc bé Thắm, em gái tôi về chơi với ông bà ngoại, không biết ông bà có còn nhớ tôi không.
Tôi đứng tần ngần trước ngôi nhà tranh của ông bà, hai túi xách trên tay nặng trĩu, mồ hôi chảy dài trên mặt, bước lên bậc thềm tôi gọi to:
- Ngoại, ngoại ơi!
Có tiếng húng hắng ho và bóng ông ngoại chống gậy đi ra. Ông nhìn tôi từ đầu đến chân một cách lạ lẩm:
- Cháu là...
- Ông quên cháu rồi ư? Cháu là thằng Khiêm con mẹ Thảo.
- Trời đất, cháu mau lớn quá ông nhận không ra! Vào đây, vào đây cháu.
Tôi theo ông vào nhà, nhìn xung quanh chẳng thấy bà đâu, tôi lên tiếng:
- Bà đâu rồi ông?
- Bà ở ngoài vườn đó. Biết cháu về thăm chắc là bà mừng lắm. Thế sao mẹ cháu không về luôn thể?
- Mẹ con dạo này bận lắm ông ạ!
- Nói thế chứ ông cũng biết, nên chả trách gì mẹ con đâu, ba con mất sớm, mẹ con một thân một mìmh nuôi mấy đứa con ăn học, con nhớ giúp đỡ mẹ nhé!
- Dạ!
- Ông nói chuyện với ai đấy?
Có tiếng hỏi, tôi quay người lại thấy bà ngoại đang ôm bó củi bước vào.
- Bà có biết ai đây hôn?
ông chỉ tôi hỏi bà. Bà nhìn tôi hồi lâu, hình như bà đang lục lọi trong trí nhớ xem tôi là ai.
- Ngoại không nhớ con hả ngoại?
- Thằng bé Khiêm. Cha mày! Nhìn thấy mày cười là tao nhớ ngay đến nụ cười của ba mày. Tội nghiệp, nó hiền lành vậy mà vắn số - Bà thở dài hối tiếc - Cả cậu út mày nữa.
- Bà con lại sắp kể lể nữa rồi đó cháu – ông quay sang bà – Cháu nó mới về lại nói toàn chuyện buồn. Thôi, nghỉ mệt một chút rồi đi tắm, ăn cơm với ông bà.
Từ nhà tắm bước ra, tôi chẳng thấy ông bà đâu, nhìn trên bàn thấy đã dọn sẵn mâm cơm, tôi giở ra xem thò tay bốc một miếng thịt bỏ vào miệng rồi đậy mâm lại bước ra phía sau vườn. Tôi nhìn thấy ông bà đang cúi xuống làm cỏ, bắt sâu. Tôi bước lại gần chỗ ông bà. Nghe tiếng chân, bà ngẩng đầu lên thấy tôi:
- Cháu ăn cơm trước đi rồi nằm nghỉ, ra đây làm gì nắng lắm.
- Không sao đâu ngoại, lúc nhỏ con cởi trần trùng trục chạy rong chơi suốt ngày có làm sao đâu.
- Cha mày, vẫn lém lỉnh và nghịch ngợm như xưa!
- Năm nay, cháu bao nhiêu tuổi rồi Khiêm? – ông chợt hỏi tôi.
- Dạ hai mươi.
- Bằng tuổi cháu bây giờ ngày trước ông đã cưới bà đấy – Bà góp chuyện.
- Cái bà này, à cháu còn nhớ thằng Tí không?
- Đột ngột ngột ông hỏi tôi.
- Dạ nhớ chứ. Cháu định chuyến này về quê rủ nó đi câu cá, bắt cá lia thia về đá chơi. Nó bây giờ ra sao rồi ông?
- Nó lấy vợ rồi cháu à, cưới con bé Ly ấy.
- Trời đất! vậy hả ngoại? – Tôi kêu lên vì thực sự tôi không ngờ ngày xưa thằng Tí và con bé Ly cứ gặp mặt là cãi nhau, bây giờ lại thành chồng vợ, không biết giờ tụi nó có còn cãi lộn với nhau không?
- Sao ông bà không lên ở với cậu mợ Bả – Tôi nói sang chuyện khác.
- Có đấy chứ cháu. Mấy lần cậu Ba con về đây nằng nặc bảo ông bà lên ở chung với vợ chồng nó. Thấy nó cứ nài nỉ mãi nên ông bà cũng lên chơi một lần, nếu được ở luôn. Ai dè lên đó được mấy ngày, ông bà thấy buồn quá, chẳng ai trò chuyện, nhà ai nấy sống, còn vợ chồng thằng Ba thì đi từ sáng đến tối mịt mới về. Còn thằng Dũng con Lệ thì bạn bè suốt, mà mấy đứa bạn của nó đứa nào mặt mày cũng dữ dằn, quần áo xốc xếch, đầu tóc thì y như là ở trong tù mới ra. Không chịu được cảnh sống ở thành phố, ông bà nhất quyết đòi về. Ở đây, bà con lối xóm thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ nhau, xem nhau như ruột thịt chứ còn ở thành phố con người sống với nhau nhạt nhẽo quá cháu ạ. Bà ngoại nói một hơi dài vẻ không vui. Tôi thấy thế liếng thoắng:
- Cháu cũng rất muốn sống ở đây, bao giờ có nghề nghiệp ổn định cháu về đây sống với ông bà.
- Cha mày, định lấy lòng ngoại đó hả? Ở đây chơi hai ba hôm rồi kêu là buồn đòi về cho coi.
Bà ngoại nhìn tôi cười móm mém. Tôi cúi xuống nhặt cỏ lòng chợt nghĩ mông lung: tôi nhớ cây dừa xiêm ở cuối góc vườn nho nhỏ, cứ mỗi buổi trưa tôi và thằng Tí thường lén ngoại trèo hái trái bổ ra uống. Có lần, ông ngoại phát hiện được cầm cây roi rượt cả hai đứa chạy vòng vòng, miệng la om xòm, vì sợ hai đứa trèo cây chẳng may bị té. Tôi nhớ cái ao sen phía sau nhà, mổi buổi chiều tôi cùng thằng Tí, thằng Tèo ngồi câu cá rộ Tiếng reo hò vang khi đứa nào vừa câu được một con cá tọ Cả đám tre gai phía trước sân nhà thằng Tí nữa, nhớ có lần thằng Tèo chui rúc vào bụi tre trốn tôi và thằng Tí, không ngờ tre gai làm rách áo nó một vệt dài, nó khóc mếu máo vì sợ về nhà mẹ nó đánh đòn. Tôi nhớ cả buổi đầu tiên ông ngoại cỏng tôi đến trường trên con đường làng bùn sình, trơn trợt. Đến lớp, tôi - thằng bé đen nhẻm, ốm yếu - rụt rè nép sát vào lưng ông, đưa mắt ngơ ngác lạ lẫm nhìn cô giáo, nghe giọng ông khàn khàn:
- Cô cho tôi gởi cháu nó đi học. Tội nghiệp, cha nó vừa chết, mẹ lại đi công tác xa, trăm sự nhờ cô dạy bảo cháu nó.
Bây giờ, mọi chuyện đều trở thành dĩ vãng, thế sao lòng tôi vẫn còn nhớ? Có phải chăng tuổi thơ tôi đã gắn chặt với nơi này, nơi mà trong tôi luôn ngập tràn hình bóng của ông bà ngoại và cũng là nơi ba tôi đã yên nghỉ.
Buổi tối, tôi chui vào mùng vì chẳng biết đi đâu, ở thôn quê về đêm thật yên tĩnh, khác xa sự Ồn ào nhộn nhịp của phố chợ. Tôi nằm lắng tai nghe tiếng những con ếch nhái, côn trùng đang cùng nhau hòa rỉ rả bài ca muôn thuở của mình, tôi nhắm mắt lại cố dỗ giấc ngủ. Có tiếng húng hắng ho nho nhỏ của ông ngoại từ phía ngoài, tiếng bà ngoại thì thầm:
- Sáng mai, tôi đi bán bầy gà lấy tiền cho ông đi bác sĩ, chứ ông cứ ho hoài để lâu không được.
- Thôi khỏi. Còn mấy thang thuốc nam tôi hốt của thầy Bảy chắc uống từ từ cũng hết ho thôi. Còn bầy gà cứ để đó, bán đi rồi con cháu về mình lấy gì cho nó ăn? Tôi nằm im lặng lắng nghe lời ông bà nói với nhau mà cảm thấy lòng mình xót xa, thương cho ông bà quá. Tuổi già như đèn treo trước gió chẳng biết lúc nào tắt, vậy mà không hề nghĩ chi đến mình, cứ lo lắng, bận rộn vì con cháu. Bây giờ, tôi càng hiểu hơn câu ca dao mà mẹ tôi ngày xưa vẫn thường ru tôi ngủ: “Cha mẹ già như trái chín cây, gió lay cha me rụng con phải mồ côi”. Càng hiểu và thương cho nỗi cô đơn, vắng vẻ của ông bà tôi lúc tuổi về chiều, hiểu cái tình nghĩa vợ chồng gắn bó sớm hôm kề cận có nhau của ông bà. Tôi cầu mong sao cho ông bà tôi vẫn sống, vẫn khỏe mạnh, sống suốt đời với con cháu của mình.