Trong khu nhà của một thành phố miền nam nước Mỹ, có tiếng dương cầm rộn ràng, hỗn độn vang ra từ căn villa khá cũ. Nghe tiếng đàn, ta thấy rõ người đang chơi có tâm hồn bất bình thường. Xen kẽ vào tiếng đàn là giọng hát nghẹn ngào, căng thẳng, lẫn với những chuỗi cười lạnh gáy của người con gái ! Thỉnh thoảng, hàng xóm giựt mình vì tiếng hét nhọn sắc, nhức buốt của người con trai tiếp theo là tràng cười khê nằng nặc. Người ta thấy rằng anh con trai đó cũng chẳng bình thường cho lắm.

Sương, người con gái, bị mất việc hơi lâu. Để sống qua ngày, cô ta mài miệt chơi dương cầm, nhạc cụ nàng may mắn thực tập rất xuất sắc trước khi lâm bệnh. Hầu hết những bài nhạc cổ điển nổi tiếng đều được trình bày từ sáng tới tối. Khi bệnh nhẹ, tiếng đàn trong sáng, truyền cảm. Khi cơn bệnh trở lại, những nốt nhạc trở nên vô kiểm soát hoà với giọng phát âm không thành lời và chuỗi cười man dại. Thẩm, người con trai, tìm cách quên đi người vợ đã chết. Những ngày bị nghỉ việc, anh nghiền ngẫm tài liệu và phim ảnh nói về linh hồn sau khi thể xác chết đi. Anh thường hú hét mỗi khi trông thấy những hình ảnh hoặc đọc những câu chuyện ghê rợn. Lúc anh tỉnh táo và được ai hỏi về vấn đề này, anh say sưa giải thích :

− Khi lià khỏi thể xác, linh hồn người ta nhập vào trong môi trường không có thời gian và không gian. Ở đó, linh hồn không còn liên hệ gì với con người nữa. Đó là trường hợp linh hồn siêu thoát. Tuy nhiên, vì những nguyên nhân vô cùng phức tạp và khó hiểu, một số linh hồn không siêu thoát được. Chúng lẩn khuất chung quanh loài người. Chúng có được quyền lực rất mạnh, phi nhân tính, nhờ không bị chi phối bởi không gian và thời gian. Đó là ma quỷ. Vì không còn nhân tính và mất hẳn trí khôn, chúng thường hại người hơn là giúp người. Chúng man dại hơn thú vật vì không có giác hồn như loài vật, giống như một dã thú bị điên dại. Đôi khi, nhờ sự cầu nguyện hoặc nghi thức của các tôn giáo, một số linh hồn chưa siêu thoát không thành ma qủy. Họ phảng phất quanh ta để truyền thông với ta, hoặc chu toàn một việc gì đó - trả thù những kẻ đã sát hại họ chẳng hạn - , trước khi vĩnh viễn rời khỏi cõi trần.

Càng nghiên cứu về linh hồn, Thẩm càng đi sâu vào bệnh thần kinh cuồng loạn. Cố ý dùng những liều mạnh của thuốc trị bệnh, anh chìm đắm rất lâu trong giấc ngủ bệnh hoạn. Khi tỉnh dậy, anh thường nhìn cha mẹ và em gái bằng cặp mắt toé lửa. Cha mẹ anh hết hồn. Riêng Sương vẫn tỉnh bơ.

Trong một bữa giỗ tại nhà ông bà Sỹ, đại gia đình hội họp đông đủ. Trong bữa ăn, bà Khánh vợ một người em trai của ông Sỹ, đề cập đến việc về Việt-Nam du lịch. Bà ta bảo Sương và một cô cháu khác tên là Ngà :

− Chú thím và hai cháu sẽ về Sài-Gòn, thuê xe hơi có tài xế lái, đi khắp nước Việt-Nam.

Sương và Ngà là hai người cháu gái mà bà Khánh thương hơn hết. Chính bà cũng mắc chứng dở người và hay bị kích động thần kinh. Bà ta thương Ngà nhất. Cô bé mới hai mươi tuổi rất xinh đẹp, ngây thơ. Nghe vợ nói, ông Khánh lắc đầu :

− Mình đi với hai cháu. Tôi ở nhà làm vườn sướng hơn. Tôi không thích về Việt-Nam.

Bà Khánh hỏi chồng :

− Sao vậy ?

Ông Khánh uống cạn ly rượu vang, khề khà trả lời :

− Ở Việt-Nam, với chế độ cộng sản, dân chúng bị đè đầu đè cổ, bệnh tật truyền nhiễm rất nhiều, lại thêm bùa ngải, ma qủy đầy rẫy, nhất là ở mạn ngược.

Bà Khánh cũng uống mấy hớp rượu nho, gân cổ :

− Cộng sản thì kệ nó. Em là đàn bà, nó chả đụng tới đâu mà sợ. Bệnh tật, bùa ngải thì có thể. Còn ma qủy ở đâu ra, hở ông ?

Các người cháu, trong đó có Sương và Thẩm, nhao nhao :

− Ma qủy thế nào ? Chú Khánh kể cho cả nhà nghe đi !

Ông Khánh chỉ ngón tay ra phiá cửa sổ tối om :

− Vùng Sơn-La, quê nội của thím Khánh các cháu, có nhiều ma cà rồng và ma xó lắm. Sau chiến tranh, lại càng nhiều hơn. Người quen của chú viết thư sang kể rõ ràng. Ma cà rồng là loại ma chỉ thích hút máu người và súc vật hoặc các đồ ăn hư thối, con vật chết sình. Mỗi lần hút máu ai, nó truyền tinh huyết của nó cho người và vật, khiến nạn nhân cũng thành ma cà rồng. Khi tới vùng đó, người ta phải cẩn thận che kín vết thương nếu có. Ma xó là loại ma giữ nhà do dân miền Thượng luyện thành. Họ nhét xác chết vào trong cây gỗ đã được khoét ruột, bịt kín, dựng ở một góc nhà. Người lạ vô tình lấy đồ hoặc ăn uống không trả tiền sòng phẳng sẽ bị ma xó hành ...

Ông Khánh rót thêm rượu vào ly, tu cạn, rồi kể tiếp. Cả nhà uống rượu, nghe kể chuyện ma, cho đến khuya mới đi ngủ.

Bà Khánh cùng Sương và Ngà vẫn giữ quyết định về Việt-Nam vào đầu tháng Mười Một ta.

Trong mấy ngày vui chơi tại Sài-Gòn, mọi sự đều tốt đẹp. Sau ngày mùng Năm ta, bà Khánh cùng hai cháu gái nhờ người nhà thuê một xe minibus có tài xế lái, để bắt đầu cuộc du lịch Nam, Trung, Bắc. Khi tới Đà-Nẵng, họ thấy mệt, nên quyết định ở đó chơi vài Ngày. Ba thím cháu tới một tiệm uốn tóc, chải tóc, làm móng tay, móng chân. Thợ làm cho Sương là một thiếu nữ với mái tóc đàn ông, cặp môi thoa son tím bầm như quả bồ-quân, hai hàm răng ám khói thuốc cáu đen vàng khè. Trong khi cắt móng chân cho Sương, cô ta vô ý làm đứt kẽ ngón chân cái của Sương, máu chảy ròng ròng. Cô ta vội lấy hai ngón tay bịt vết thương lại, nói giọng khàn khàn :

− Xin lỗi chị. Bịt như vậy cho máu ngưng chảy.

Sương nhăn mặt xuýt xoa, chỉ vào tay người thợ :

− Ngón tay của chị cũng bị đứt, máu chảy đỏ lòm kià !

Người chủ tiệm mang thuốc sát trùng đến bôi vào vết thương ở kẽ ngón chân của Sương và ngón tay người thợ, rồi lấy băng quấn lại. Sáng hôm sau, ba thím cháu lại lên đường trên chiếc xe minibus. Họ ra Hà-Nội chơi một Ngày, một đêm, rồi tiếp tục đi lên mạn ngược. Một buổi xế trưa, nhóm du khách đi vào con đường rừng dẫn tới tỉnh Sơn-La, một tỉnh miền sơn cước. Trước khi đến nơi, bà Khánh bảo ông tài xế cho xe đậu cạnh một cái quán lụp xụp bên đường để nghỉ ngơi, ăn uống. Bốn người đi vào trong quán. Họ thấy trên cái bàn làm bằng tre bày nhiều bát úp xung quanh một ấm trà lớn và hai ống tre đựng đuã, thià. Một cái mẹt lớn đựng những quả gioi đỏ tím, soài vàng đậm, vải nâu hồng. Bên cạnh các đĩa xôi hoa cau, chè đậu đãi, có những miếng gà, vịt, lợn luộc thơm phức xếp thứ tự trong mấy cái lồng bàn. Trên cột nhà có treo bảng giá tiền các món ăn. Một ống tre thật to buộc chặt vào chân bàn. Trên đỉnh ống tre có cái khe giống như ống bỏ tiền.

Không thấy ai đứng bán hàng, ông tài xế cất tiếng gọi :

− Có chủ quán ở đây không ? !

Gọi hai ba lần, không thấy tiếng trả lời, ông ta bảo ba người hành khách :

− Đang đói khát, ta cứ ngồi ăn uống, chờ chủ quán về tính tiền cũng không muộn. Nếu họ không về kịp, mình cứ việc bỏ đi, không trả tiền.

Ba thím cháu nhìn nhau, cùng gật đầu đồng ý với ông tài xế. Họ ngồi xuống chiếc ghế dài làm bằng mảnh ván dày đặt lên sáu cột tre chôn xuống đất. Ông tài mở lồng bàn, cầm một điã xôi hoa cau đặt trước mặt bà Khánh. Từ đâu đó có tiếng đếm :

− Một !

Mọi người không để ý, cho rằng một người trong nhóm muốn đếm để nhớ.

Điã xôi khác được đưa cho Sương.

− Hai !

Điã nữa cho Nga.

− Ba !

Ông tài xế cũng lấy một đĩa cho mình.

− Bốn !

Mọi người cười nói, cầm đũa gắp xôi, vui vẻ ăn. Mỗi người lấy thêm một bát chè đậu. Lại có tiếng đếm.

− Một. Hai. Ba. Bốn.

Ăn xong, họ cầm ấm nước trà rót vào bát uống. Tiếng đếm vang lên.

− Một. Hai. Ba. Bốn.

Ông tài nhún vai. Bà Khánh, Sương và Ngà bắt đầu thấy rợn tóc gáy.

Ngay lúc đó, có một người ăn mặc theo lối dân sơn cước từ bụi cây đi ra. Ông ta dừng chân trước quán, nói với nhóm du khách :

− Đây là quán của bà Thom-Nom. Bà ấy thờ ma xó đấy. Ăn bao nhiêu là phải đếm tiền trả cho đủ.

Ba thím cháu xanh mặt, nhìn nhau không nói nên lời. Ông tài xế hỏi :

− Làm sao mà biết mình trả đủ ? Ma xó ở chỗ nào vậy ?

Người kia nhe hai hàm răng đen cười, cất tiếng nói mang âm điệu nhạt nhẽo :

− Có bảng giá tiền kia kià. Ông không nghe tiếng ma xó đếm để nhắc nhở à ?

Ông tài xế dịu giọng :

− Quả thật tôi có nghe thấy tiếng đếm, mà không biết của ai. Ông chỉ cho tôi xem ma xó thờ ở đâu, được không ?

Ông già sơn cước gật đầu, kéo tay ông tài xế đi vào phiá trong cái quán. Ba thím cháu vội đi theo. Căn nhà phiá trong quán hơi tối. Mùi trầm trộn với mùi đất và cỏ khô bốc lên sặc sụa. Ông già chỉ vào một góc nhà :

− Trong khúc gỗ dựng đứng kia có thần giữ của khi chủ nhà đi vắng.

Nói đoạn, ông già sơn cước chắp tay vái lạy bốn cái dài ba cái ngắn một cách kính cẩn. Bốn người khách Kinh trố mắt nhìn khúc gỗ sơn đỏ. Đỉnh khúc gỗ có nắp gắn chặt bằng nhựa nâu đen. Họ cúi đầu vài cái, rồi kéo nhau ra trước quán. Bà Khánh vội mở ví, nhìn bảng giá tiền, đếm đúng số tiền phải trả, nhét vào ống tre. Từ trong nhà như có tiếng thì thào. Trước khi trèo lên xe, ông tài xế hỏi nhỏ ông già sơn cước :

− Trong khúc gỗ có gì vậy ?

− Có xác người con gái đồng trinh, chết bất đắc kỳ tử, được tẩm thuốc, luyện phép nhiều ngày đêm, trước khi đặt vào khúc gỗ đục rỗng, gắn nắp, dựng đứng sau bàn thờ.

− Nếu ai ăn uống mà không trả tiền thì sao ?

− Người đó lên cơn đau bụng sau khi đi khỏi quán một trăm thước. Nếu không biết mà trở lại quán trả tiền, kẻ ăn quỵt sẽ méo mồm, điếc tai, hoặc nổ con ngươi.

Nhóm du khách cám ơn, chào ông già sơn cước, phóng xe đi. Gần xế chiều, họ tới tỉnh Sơn-La. Tỉnh này nhỏ, nhà cửa cũ kỹ, cây cối um tùm, trông như một cái làng ở dưới đồng bằng. Bà Khánh hỏi thăm dân chúng để tìm họ hàng. Người ta chỉ đến chủ một căn nhà ngói lụp xụp ở cuối tỉnh, cho biết đó là người duy nhất thuộc dòng họ của bà Khánh. Đến nơi, mọi người gặp một thiếu phụ tuổi trạc ba mươi. Bà ta ở một mình. Nhóm người cúi đầu bước qua cái cửa thấp, vào căn phòng nhỏ, nền đất. Khung cửa sổ chấn song gỗ gãy mất một gióng mang vào phòng ánh sáng yếu ớt của hoàng hôn đang bao trùm. Thiếu phụ mời mọi người ngồi xuống mấy chiếc ghế đẩu quanh cái bàn gỗ mộc đen sì. Lúc bấy giờ, nhóm khách mới nhìn rõ mặt chủ nhân. Bà ta để tóc loà xoà quanh khuôn mặt vêu vao có làn da nhợt nhạt như người bị ngã nước kinh niên. Đôi mắt bà ta quầng thâm, sâu hoắm. Lòng đen nhỏ giữa lòng trắng ướt át có nhiều tia máu đỏ. Bà ta nhe hàm răng nhọn vàng khè, để lộ cái lưỡi đỏ quạch, cất giọng the thé :

− Cả nhà chết hết rồi, còn mỗi mình tôi. Người ta gọi tôi là Cọ. Nhà nghèo lắm. Các người có thể ngủ đêm tại đây. Bên trong có cái nhà dài. Đủ giường chiếu cho mọi người. Tối nay tôi không khoẻ, không ra ngoài được. Các người ra phố Núi mà ăn.

Bà Khánh thở dài, nói giọng an ủi :

− Cô Cọ yên tâm. Chúng tôi đi ăn, rồi mua cơm, thịt, cá, rau mang về cho cô ăn nhé.

Cô Cọ trợn mắt, xua tay :

− Không ăn gì hết ! Mặc tôi. Các người ăn xong, về đây ngủ. Đừng để ý đến tôi !

Cô ta vừa nói vừa nhìn xuống ngón chân bị thương băng bó của Sương. Vệt máu đỏ thấm qua lần băng trắng. Cặp mắt cô Cọ sáng lên khác thường. Cô ngửng lên, quay nhìn chỗ khác. Đêm hôm đó, trăng rằm chiếu ánh lạnh lẽo xuống căn nhà thấp, dài, trông như nấm mồ lớn. Bốn du khách ngủ li bì sau một ngày vất vả. Trên chiếc chõng bên cạnh cửa sổ thấp thoáng ánh trăng, cô Cọ nằm thẳng cẳng. Cặp mắt cô sáng rực trong bóng tối. Chiếc đầu có mái tóc rũ rượi từ từ ngóc lên. Thân hình cô ta vẫn bất động trên chõng. Mặt cô ta bay lên ngang với thành cửa sổ. Dưới ánh trăng, mũi cô Cọ nhăn nhó, mồm cô chảu dài ra để hở một lỗ tròn đen sì. Đầu cô Cọ bay đến giữa cửa sổ. Ánh trăng vằng vặc cho thấy cái cổ đứt gọn mang theo chùm ruột nhầy nhụa lòng thòng. Cái đầu đó chui qua khung cửa sổ bay vào đêm tối.

Căn nhà vắng lặng. Có tiếng thở đều đều của bốn người khách ngủ say ở nhà trong. Bên phòng ngoài, thân hình cụt đầu của cô Cọ vẫn nằm yên. Tiếng gà gáy lần thứ nhất vừa dứt, đầu cô Cọ từ đâu bay qua khung cửa sổ vào phòng ngoài. Cặp mắt cô sáng quắc, chiếc mũi nhăn nhíu hơn, cái mồm chảu ra thêm. Cô có vẻ đói khát vì không tìm được mồi. Cái đầu bay là là mặt đất, vào trong căn nhà dài. Tới chỗ Sương nằm, cái đầu ngừng bay. Nhưng trên giường không có Sương. Cô gái mới bị cơn bệnh paranoĩa hành không ngủ được, nên đã ra mở cửa sau đứng nhìn cây cối um tùm trong bóng đêm.

Mắt cô Cọ chiếu ánh sáng xanh lè vào mặt bà Khánh. Bà này nằm nghiêng, để lộ trên má bên phải cái mụn trứng cá nặn non, máu rỉ ra. Miệng cô Cọ liền bập nhẹ vào cái mụn rỉ máu của bà Khánh. Tiếng hút chùn chụt, khe khẽ. Được một lúc, bà Khánh ú ớ, quay qua quay lại. Bỗng bà ngồi dậy, sờ tay lên cái mụn trên má bà. Cái đầu cô Cọ bay vụt ra nhà ngoài. Bà Khánh đưa tay lên mũi ngửi. Bà khẽ kêu trong bóng tối :

− Ui chao !

Bà Khánh nằm xuống ngủ tiếp. Ở phòng ngoài, lỗ hổng giữa hai vai cô Cọ hút nhanh chùm ruột của cô vào bụng. Cái đầu dính liền lại với thân thể cô ta. Lồng ngực cứng đơ phập phồng trở lại. Cô Cọ mỉm cười thoả mãn trong luồng sáng phản chiếu của ánh trăng. Cô thè cái lưỡi dài và nhọn liếm mấy giọt máu vương hai bên mép, rồi nhắm mắt lại.

Sáng hôm sau, nhóm du khách từ giã cô Cọ, lên xe. Trên đường về, họ nghỉ đêm tại một khách sạn ở Huế. Như những lần trước, ông tài xế ngủ trên xe, còn ba thím cháu ngủ chung một phòng cho rẻ. Ngà ngủ với bà Khánh trên chiếc giường đôi. Sương ngủ trên divan cạnh balcon nhìn xuống đường. Đèn trong phòng tắt hết. Ánh đèn ngoài phố hắt vào, đủ cho thấy mọi vật trong phòng. Nửa đêm, chờ hai cháu gái ngủ say, bà Khánh giở mền, ngồi dậy. Trong bộ đồ lót màu da người, bà từ từ biến hình : Miệng chảu dài ra, hai lỗ mũi huyếch lên thật rộng, cặp đùi dài thon và hai đầu gối co sát bụng, đôi cẳng gầy đưa hai bàn chân lên gần mặt, hai ngón chân cái đút vào hai lỗ mũi. Hai bàn tay giơ ngang vai ; các ngón tay có móng sắc cong lại. Mái tóc dài phủ quanh đầu. Con ma bay lên cao, đầu hơi chúc xuống. Mắt nó phát ra ánh sáng xanh như lân tinh, chiếu xuống khuôn mặt xinh đẹp của Ngà, lướt trên khắp thân thể thon thả chỉ mặc có chiếc quần lót và cặp nịt vú mong manh. Trên làn da mịn màng của Ngà, không có một vết thương nào. Cổ Ngà đeo dây chuyền có đồng tiền đúc hình ông Bụt. Ngà vẫn ngủ li bì.

Bà Khánh bay sang chỗ Sương nằm. Cô gái ngủ mê, tung mền sang một bên. Cô mặc cái áo ngắn mỏng và chiếc quần đùi rộng rãi. Làn da trắng xanh của Sương cũng không có tì vết gì cả. Ngón chân cái bị thương đã được quấn băng rất kỹ. Cổ Sương cũng đeo dây chuyền có đồng tiền in chữ thập ngoặc. Miệng của bà Khánh ngoác ra, hà hơi lên mặt Sương ba lần. Bà Khánh quay người bay giữa hai cánh cửa sổ hé mở, lượn xuống dưới hông nhà tờ mờ tối, ra đàng sau bếp. Ở đó có vại nước gạo lớn bằng sành đựng đầy nước trắng đục lấp lánh ánh trăng. Cái mõm dài rúc sâu vào vại nước gạo, hút sùng sục. Vài phút sau, cái mõm rút ra khỏi vại nước gạo. Tóc ướt bám khắp thân hình co quắp. Trong vại chỉ còn nước trong. Bao nhiêu cặn bã đã được con ma hút hết. Nó bay lên cao, chui vào khe cửa sổ trên lầu.

Nhóm du khách trở về Sài-Gòn trong ánh nắng chan hoà. Tới nhà một người bà con, bà Khánh tính tiền trả ông tài xế. Mấy người trong nhà nhìn ba thím cháu, đều nói :

− Hai cháu Sương và Ngà không mấy thay đổi, còn cô Khánh trông khác quá.

Bà Khánh vào buồng tắm, đóng chặt cửa lại. Cởi hết quần áo, rũ tóc, soi gương, bà ta thấy bóng một thân hình căng nở đầy nhựa sống, dưới làn da trắng bóng có tia máu hồng như của gái tây phương ở xứ rượu nho. Mặt bà trẻ lại và xinh đẹp hơn trước. Hơi thở và người bà ta bốc mùi lá răm. Tinh huyết ma cà rồng của cô Cọ nhập vào chứng dở hơi của bà Khánh làm bà ta thành một loại ma cà rồng vô cùng tai quái, có sức quyến rũ và sai khiến mãnh liệt đối với người và súc vật quá gần gũi với bà ta.

Ngà và Sương vẫn ăn uống bình thường. Bà Khánh ăn rất ít. Tối đến, bà ta đòi ngủ riêng một phòng ngay cửa ra vào. Ngà và Sương ngủ trong phòng khác. Đúng nửa đêm, bà Khánh mặc bộ áo ngủ mỏng dính, chân đi dép thấp, khẽ mở cửa, đi ra phố. Trên đại lộ dẫn sang Chợ-Lớn, khách bộ hành thưa thớt. Một chiếc xe hơi bóng loáng ghé bên lề gần chỗ bà Khánh đứng chờ qua đường. Thanh niên ngồi bên phải thò đầu qua cửa sổ xe, hỏi ỡm ờ :

− Người đẹp đi đâu đêm hôm khuya khoắt thế kia ? Trên xe còn chỗ. Lên đây, bọn này chở giùm.

Bà Khánh nhăn mũi cười duyên, mắt liếc tình. Dưới ánh điện đường chiếu ngang dọc, thân hình khêu gợi của người thiếu phụ lồ lộ trong bộ áo ngủ mỏng dính. Gã thanh niên trong xe ngây ngất. Anh ta xuống mở cửa xe, cúi đầu, giơ tay :

− Mời người đẹp lên xe.

Bà Khánh khúc khích cười, leo lên xe ngồi ghế đàng sau với một gã thanh niên thứ ba. Gã lái xe rồ máy cho xe chạy vụt đi. Bà Khánh nhìn vào cổ của thanh niên ngồi bên cạnh. Mắt bà sáng lên khi thấy một vết cắt dao cạo khá dài ở cổ anh ta. Bà choàng tay ôm anh ta, ghé miệng mút chỗ cổ bị thương. Gã thanh niên được người đẹp mơn trớn khoái quá nên để mặc. Được một lúc, gã cảm thấy cổ và đầu tê đi. Sau đó một khắc đồng hồ, gã con trai rên lên hừ hừ. Thanh niên ngồi ghế trên quay lại nhìn. Chợt anh ta hét lên một tiếng khi thấy khuôn mặt nhăn nhúm có đôi lỗ mũi rộng óng ánh đỏ, cặp mắt toả hai luồng sáng xanh và cái mõm dài đang hút máu ở cổ bạn gã. Hai mép của cái mõm đó có máu chảy ròng ròng.

Gã lái xe vội ghé xe vào lề đường, dưới tàn cây tối tăm. Quay nhìn đàng sau, gã hết hồn khi thấy cái đầu ghê gớm đang lắc lư, cặp mắt long lanh như hai ngọn đèn xanh lét, cái mũi huyếch lên một cách kỳ quái cho thấy hai lỗ mũi rộng trên cái mõm dài ngoác ra với hai hàm răng đẫm máu ! Một sức mạnh vô hình làm ba chàng bắt bò lạc không tung cửa xe chạy đi được. Cả ba đều ngoan ngoãn ngửa mặt để con ma nhe răng cắn cổ cho máu chảy ra. Con ma gắn chặt mõm vào từng vết thương bê bết máu, hút chùn chụt. Mắt của ba gã thanh niên bắt đầu phát tia sáng xanh, ba cái mũi cũng huếch lên rung rung như mũi chuột chù. Một lúc lâu, cả ba gã con trai đa tình ngả đầu lên thành ghế, nhắm mắt ngủ như chết. Bà Khánh xuống xe, trở về chỗ ở lúc còn tối đất, sau khi hút máu ba người đàn ông đi chơi đêm khác, truyền tinh huyết ma cà rồng cho họ.

Buổi sáng ngày ba thím cháu ra phi trường Tân-Sơn-Nhất đáp máy bay về Mỹ, họ hàng của bà Khánh tới tiễn đưa khá đông. Trong số có Khai là người yêu cũ của Ngà. Khi bố mẹ Ngà được ông Khánh bảo lãnh, Ngà theo gia đình bỏ rơi Khai. Hai người yêu cũ giã biệt nhau rất bịn rịn. Khai tặng Ngà một lọ nước hoa nói là gửi mua tận Hồng-Kông. Trên máy bay, sau khi ăn cơm, Ngà lấy lọ nước hoa của Khai ra bôi cho hết mùi thức ăn còn vương trên tóc tai nàng. Được một lát, Ngà cảm thấy thương nhớ Khai vô cùng. Về đến Bắc Mỹ, ba thím cháu được ông Sỹ và Thẩm lái xe ra phi trường đón. Bà Khánh và Ngà ngủ lại nhà ông bà Sỹ để hôm sau về nhà sớm. Đêm hôm đó, bà Khánh không tìm được người để hút máu. Bà cho đầu bay sang chuồng chó của nhà bên cạnh, hút đỡ máu ở lỗ tai bị thương của con chó pittbull. Về đến nhà được vài Ngày, bà Khánh nói dối chồng :

− Ở Việt-Nam, em đi làm móng chân, bị đứt ngón chân cái. Người thợ làm móng chân sờ tay vào vết thương của em. Về đây, em thấy trong người khó chịu nên đã đi thử máu. Cho đến khi có kết quả, em phải ngủ riêng một buồng, để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, nếu chẳng may em mắc chứng nan y.

Ông Khánh đành theo lời vợ. Bà Khánh ở riêng một buồng trên lầu, khoá trái cửa lại. Linh tính làm ông Khánh để ý vợ kỹ càng hơn lúc thường. Ông thấy rõ sự thay đổi về diện mạo, hơi hướng, cách ăn uống của vợ. Ngay đêm hai vợ chồng nằm riêng buồng, ông rón rén đi lên lầu nhìn qua lỗ hổng của phòng bà Khánh xem vợ làm gì. Đúng nửa đêm, ông thấy bà Khánh nhúc nhích trên giường. Nhờ ánh sáng ngọn đèn ngủ, ông Khánh thấy vợ biến hình, bay vụt qua cửa sổ mở sẵn, biến vào trong đêm tối. Ông Khánh biết ngay vợ ông đã thành ma cà rồng. Ông bình tĩnh xuống nhà. Ông bà Khánh vốn đi đạo Công giáo. Nhưng bà Khánh bỏ lễ Nhà Thờ từ khi sang định cư ở Mỹ. Ông Khánh đã du lịch hành hương ở Lourdes bên Pháp. Khi về, ông mang theo một chai nylon lớn đựng nước suối Đức Mẹ. Giờ đây, ông Khánh quỳ trước bàn thờ, cầu nguyện khẩn xin Đức Mẹ chữa cho vợ ông khỏi bệnh bằng nước suối Lộ-Đức.

Trong bữa cơm trưa Ngày hôm sau, ông Khánh lén đổ một ít nước suối Đức Mẹ vào chai nước lọc để trên bàn ăn. Hai vợ chồng ăn cơm, uống nước lọc. Bữa cơm tối, họ cũng uống nước lọc có pha nước suối Đức Mẹ. Sau khi ăn cơm, bà Khánh đi tắm rửa. Xong, bà ra phòng khách, ngồi bên cạnh ông Khánh đang xem báo. Bà dịu dàng nói :

− Kết quả thử máu của em rất tốt. Từ đêm nay, em lại ngủ chung phòng với mình.

Ông Khánh nhìn vợ vẻ mặt mừng rỡ. Ông ngước mắt lên bàn thờ, thầm cám ơn Chuá và Đức Bà Maria đã cứu vợ ông khỏi bệnh ma cà rồng. Bà Khánh hết bệnh dở hơi, trở lại hình dáng cũ, nhưng bà không ăn được thịt cá nữa. Từ hôm đó, bà Khánh trở lại Nhà Thờ dự lễ. Ít lâu sau, ông Khánh nhận được điện thoại của ông Sỹ. Tiếng ông Sỹ khàn khàn :

− Con Sương thấy trong người khác lạ. Đi khám bác sĩ, cháu được họ gửi tới bệnh viện. Ở đó, người ta bảo rằng con bé sắp trở thành đàn ông. Họ hẹn cháu trở lại thử nghiệm, để giải phẫu bộ phận sinh dục.

Ông Khánh bèn kêu điện thoại cho em gái là bà Bùi để hỏi thăm về Ngà. Bà Bùi trả lời anh bằng giọng chán nản :

− Con Ngà không thay đổi gì về thể xác cả, anh ạ. Chỉ có tội là con bé suốt ngày khóc lóc đòi trở lại Việt-Nam. Không cho nó đi, nó nằm một chỗ không chịu ăn gì cả.

Dưới vòm trời xanh ngắt, căn nhà của ông bà Sỹ mang bộ mặt khác. Tiếng đàn trong sáng, giọng hát êm dịu, chuỗi cười ròn rã thỉnh thoảng vang lên. Trong garage, ông Sỹ quanh quẩn bên chiếc xe hơi mới mua nhờ tiền của các con góp lại biếu. Bà Sỹ với mái tóc nhuộm đen, vẻ mặt bình thản, đứng hóng mát trước cửa nhà. Một người mặc áo thung, quần jeans, tóc cắt ngắn từ trong nhà bước ra. Người đó có khuôn mặt rất quen thuộc. Đó là cô Sương, bây giờ là cậu Sinh. Thẩm đứng trong cửa sổ, mắt nhìn em gái trở thành con trai, miệng lẩm bẩm :

− Về Việt-Nam không biết gặp phải ma quỷ gì, mà một người hết dám ăn thịt cá, một người thành con trai, một người tuyệt thực ! Thế này mà léng phéng về thăm quê hương đi chơi tùm lum, mình dám trở thành đàn bà lắm ạ !