Lời Người Dịch

Người dịch dùng nguyên tác Nhật ngữ của nhà Kadogawa, bản bỏ túi in lại năm 1989.

Akutagawa hoàn tất Nước Dòng Sông Cái vào tháng giêng năm 1912 lúc ông hãy còn là cậu sinh viên 20 tuổi. Bài được đăng trên tạp chí thi văn Kokoro no hana (Hoa Tim). Những nhà nghiên cứu thường xem Rônen (Tuổi Già, 1914) mới là tác phẩm đầu tay của ông nên ít người để ý đoản văn này ( vốn có tính cách tùy bút hoặc trường ca nhiều hơn là truyện ngắn). Tuy nhiên, những ai sành Akutagawa đều nhận thấy trong mấy trang sau đây đã ngưng đọng tất cả cái tinh anh và tươi tắn nhất của tâm hồn ông, ở thời điểm mà yếu tố trữ tình và mỹ cảm của tuổi hoa niên chưa bị những hoài nghi và mệt mỏi trong cuộc sống làm cho phai nhạt.

Nước Dòng Sông Cái có nhiều chi tiết khiến người ta nghĩ nó là thiên tự truyện nhưng thật ra cái duyên dáng của đoản văn hàm chứa trong sự mơ hồ bàng bạc của những chi tiết ấy. Cái mơ hồ bàng bạc ở đây ta từng tìm được trong Tôi Đi Học của Thanh Tịnh, Phấn Thông Vàng của Xuân Diệu hay Chơi Giữa Mùa Trăng của Hàn Mặc Tử, đọc thuở thiếu thời.

Ngoài hai thi nhân ngoại quốc Grabriele d'Annunzio (Ý) de Hugo von Hofmansthal (Áo) mà Akutagawa nhắc đến tên, dịch giả Edwige de Chavanes trong lời chú dẫn cho bản dịch tiếng Pháp (L'eau du Fleuve, trong La vie d'un idiot et autres nouvelles, Unesco, Gallimard, Paris, 1987) đã nhận ra ảnh hưởng Kitahara Hakushu (1885-1942) qua một số chữ dùng, mượn từ tác phẩm Chuổi Ngày Thơ Ấu (Waga Oitachi) của nhà thơ.

Sông Cái ngầm chỉ khúc hạ lưu của Sumidagawa, con sông xiết bao gần gũi đối với người dân Tokyo, đã đưa cậu bé Niihara ( về sau sẽ thành Akutagawa của chúng ta) vào một dòng sông lớn hơn, dòng văn học.

Như tiên tri về số phận mình, trong đoản văn đầu tay nầy, Akutagawa đã nói đến cảm tưởng mơ hồ trực diện Thần Chết đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước, khi dòng sông của đời ông đang rong ruổi về miền Vĩnh Cữu "vô thủy vô chung" . Khi chuyển ngữ, người dịch không khỏi xúc động liên tưởng đến những dòng sông thân yêu trong đời mỗi một chúng ta, tự thời Lý Bạch (Dao liên cố viên thủy, Vạn lý tống hành chu) tác giả hai câu thơ mà một người thầy học cũ, nhà mô phạm Trần Trọng San, đã dịch:

Thương sao dòng nước quê nhà,

Tiễn đưa muôn dặm thuyền ra xứ người.