Ba ơi, khi nghe người ta diễn tả mẹ như "nải chuối, buồng cau", như "dòng suối dịu hiền", như "bài hát thần tiên" hay như "tiếng dế đêm thâu"... , con tưởng chừng như những hình ảnh đẹp đẽ nhất của trần gian đã được tận dụng cả rồi.
Nói về mẹ, về tình mẹ mà nói như vậy thì dù nói ít nhưng cũng có thể tạm coi như đầy đủ, không cần phải nói gì thêm; vì đàng sau những hình ảnh dùng để ví mẹ đó, người ta đã có thể cảm nhận được trọn vẹn cái bao la vô tận của tình mẹ như thế nào.
Nhưng sao người ta, kể cả thầy Nhất Hạnh, người đã viết một tác phẩm bất hủ dành cho mẹ, lại không nói gì về ba hết vậy? Con biết không phải mọi người đã quên nghĩ đến ba. Trước khi nói về mẹ, không phải rằng ca dao đã nhắc đến ba đó sao?
Công cha như núi Thái sơn (rồi mới
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra ).
Thực ra, con thấy rằng khi người con có hiếu, biết thương cha thì một câu ngắn như vậy cũng đủ làm hành trang, làm vốn liếng để nhớ nghĩ đến cha suốt cuộc đời. Nhưng trong cuộc sống, có khi chỉ cần im lặng thầm hiểu, mà cũng có lúc phải bộc lộ, tỏ bày thì mới thỏa lòng được. Đó là lý do mà bây giờ con muốn nói với ba, với riêng ba mà thôi, những gì mà con chưa có dịp nói, hoặc khi con định nói thì ba cứ cười, cho rằng con còn thơ dại mà biết nói gì.
* * *
Nếu con nhớ không lầm thì ở Việt Nam người ta không có ngày dành riêng cho cha hay cho mẹ như tại các nước Tây phương. Chỉ có ngày Vu Lan mà người ta còn gọi là Ngày Báo Hiếu có thể được coi như là ngày của cha mẹ.
Nhưng xét về hình thức, con có cảm tưởng rằng ngày Vu Lan với lễ cài bông hồng có vẻ như chỉ tập trung nơi mẹ. Người ta đọc Bông Hồng Cài Áo để ca tụng mẹ. Người ta cài bông hồng, bông trắng để yêu thương hay tiếc nhớ mẹ. Không có một áng văn, một bài thơ hay một đóa hoa nào dành cho ba cả. Trong lễ cài bông hồng, khi con sung sướng đón nhận đóa hoa hồng để hãnh diện trong niềm vui còn mẹ thì ba cũng vui lây với con. Ba vui vì con hãy còn mẹ. Ba vui vì con biết quý mẹ. Điều đó đã làm cho ba hài lòng lắm rồi chứ ba không cần ai làm thơ hay chép nhạc ca tụng mình; ba cũng không đòi hỏi một đóa hồng nào dành cho ba. Hình như qua hình ảnh bông hồng cài trên áo, cả ba và con đều mặc nhiên công nhận mẹ là trên hết. Điều đó xét trên một khía cạnh khác, đã nói lên cái gì? Lúc đó con còn nhỏ nên chưa hiểu. Mà cũng vì vui sướng với cái bông hồng còn mẹ nên con thấy như vậy là đủ, không cần phải biết gì thêm. Nay đã lớn khôn, con biết rất rõ rằng, chỉ vì thương ai thì ba dâng trọn cả trái tim và khi nhận lãnh một trách nhiệm nào thì ba tận tụy gánh vác cả một đời. Cho nên... (ồ, ba đừng cười, đừng che giấu con) ai thương ai quý mẹ là ba thấy đủ rồi, ba không mong đợi người khác đề cập gì đến ba cả. Tất cả những gì cao quý, tốt đẹp trên đời ba đều nhường nhịn và muốn dành trọn vẹn cho mẹ để chỉ giữ lại cho mình nụ cười sung sướng mà thôi. Ba không muốn con phải nói ra cái điều mà ba lặng lẽ cất trong lòng đó, phải không ba?
Nhưng con phải nói, bởi nếu con không nói hôm nay, e rằng mai sau con sẽ ân hận như ba mẹ đã ân hận vì không nói được hết lời thương yêu của mình với ông nội và ông ngoại.
* * *
Con nói điều này ba đừng cười, đừng cho rằng con nghịch ngợm: Con thấy rằng nếu người ta làm thơ hay viết văn ca tụng ba thì cũng chỉ có những hình ảnh, những biểu tượng dù cao cả, sáng chói nhưng không khỏi nét khô khan, cứng nhắc. Mẹ là suối nguồn lai láng thì ba là ngọn núi sừng sững (lạnh lùng, bất động quá!); mẹ là mặt trăng dịu ngọt thì ba là mặt trời chói lọi (nóng nảy, khó chịu quá!); mẹ được gọi là hiền mẫu thì ba được gọi là nghiêm phụ (khô khan, khe khắt quá!)... Hình như những mỹ từ dùng để diễn tả hay ca tụng vẻ đẹp, vẻ sáng, vẻ thơ mộng, vẻ êm dịu, vẻ trong mát... không thích hợp để nói về ba.
Con nhớ có lúc đứng bên cạnh mẹ, ba cũng đã từng tự xét rằng ba quê mùa, cục mịch, xấu xí, khô khan, cộc lốc, có gì đáng để nói... phải không ba?
Nhưng thực ra, con biết, biết rất rõ rằng ba của con hiền lành, dễ chịu, và dễ thương lắm. Nếu ba có gắt gỏng với con chẳng qua cũng chỉ vì ba mới đi làm về, chưa kịp tắm rửa, bụng đói, lại mệt mỏi. Nếu vòng tay ba ôm con không được nhẹ nhàng êm dịu như vòng tay mẹ thì cũng chỉ vì với hai cánh tay đó, ba phải làm lụng quanh năm suốt tháng để nuôi vợ nuôi con. Nếu nụ hôn ba làm con khó chịu né tránh thì cũng chỉ vì ba bận lo kế sinh nhai cho cả gia đình nên không đủ thời giờ để cạo nhẵn bộ râu sợi đen sợi bạc. Nếu giọng nói của ba không được êm mát trong lành thì cũng chỉ vì sự lao tâm lao lực làm khô kiệt cơ thể và cổ họng ba, để rồi ba chỉ có thể phát ra những âm thanh chát chúa, khàn đục. Nếu ba không có nhiều thời giờ để chăm sóc hay đùa giỡn với con mỗi ngày thì cũng chỉ vì ba phải cật lực cánh sinh ngoài xã hội để nuôi nhiều miệng ăn trong gia đình. Nếu có lúc con xin tiền hay đòi quà mà ba không cho thì cũng chỉ vì tiền lương đem về ba đưa hết cho mẹ để mua gạo, ba có giữ một đồng lẻ nào cho ba đâu mà xin với xỏ...
Chỉ khi nào mẹ có việc đi vắng vào cuối tuần, phải giao con cho ba trông coi, lúc đó cái tình và cái tính của ba mới thực sự là được thể hiện. Con nhớ lúc ấy ba bế con với đôi cánh tay gân guốc, cứng ngắt! Ba cố gắng ôm con cho gọn, cho nhẹ, vậy mà vẫn không làm cho con thấy dễ chịu được. Nhưng ba đã cố gắng. Phải, con biết ba hết sức cố gắng để ôm con thật dịu dàng mà dỗ con ngủ nhưng ba đã không thành công. Giọng hát của ba cũng không trong, không nhẹ như giọng của mẹ mà mạnh quá, lớn quá, lại khàn nữa! (Làm sao con ngủ được chứ!). Ba lại chẳng biết hát những câu ca dao hay những bản nhạc êm dịu như mẹ mà lại hát những bản hùng ca, kích động, có khi vừa hát vừa dậm chân như lính diễn hành khiến con chỉ biết khóc ré lên (ngủ sao được!). Khi ba giỡn, con chẳng biết ba giỡn với con thế nào mà con cứ giật mình và khóc tức tưởi. Mẹ về thì ba mừng rỡ giao con lại cho mẹ. Con cũng mừng như được thoát khổ khi sà vào vòng tay mẹ. Nếu con biết nói thì con đã mét mẹ là ba chọc con khóc suốt thời gian mẹ vắng nhà. Nhưng con không nói chắc mẹ cũng thừa biết. Mẹ bênh con mà cằn nhằn ba, nói ba vụng về, chê ba không biết gì cả. Rồi mẹ ẵm con, dỗ nín. Ba chỉ cười chứ không buồn giận gì mà còn tiếp tục bẹo má, giỡn với con khi con đang gục đầu vào vai mẹ.
Nếu con lớn hơn, đã biết đi biết chạy thì sẽ nhẹ nhàng cho ba hơn. Ba có thể khom người làm ngựa cho con cỡi đi khắp trong nhà. Ba có thể cùng con chơi trò bịt mắt bắt dê, cao bồi bắn súng, hay chơi cút bắt, chơi trốn tìm. Con chơi không biết mệt mỏi, không biết chán. Nhưng ba thì phải mệt mỏi và phải chán, vì ba đi làm suốt tuần, cần có giờ nghỉ ngơi và cũng vì tuổi của ba không còn là tuổi để chơi đùa những trò con nít như vậy. Nhưng thương con, chiều con, ba cứ nằm lăn nằm lóc dưới nền đất, cứ cười cứ đùa để làm vui con, để mua được nụ cười của con. Mẹ cho con biết: ba thường nói với mẹ rằng chỉ nhìn con cười là ba quên hết mệt nhọc và những buồn bực mang về từ sở làm.
Ba là như vậy đó: không phải suối nguồn, không phải trăng thanh, không phải gió mát, không phải sóng biển rì rào hay tiếng sáo diều vi vút giữa chiều êm... nhưng hiền lành, yêu dấu biết bao là ánh mắt, là nụ cười của ba!
* * *
Mẹ kể rằng, có lúc mẹ bệnh, con cũng bệnh. Ba đi làm về phải xăn tay nấu nướng, giặt giũ áo quần, chăm sóc cho mẹ, cho con. Ba nấu cơm thì nồi nhão, nồi sống. Ba rửa chén thì mẻ dĩa, bể tô. Ba ủi đồ thì áo nhăn, quần cháy... Bàn tay chai cứng sần sùi đó ba đem ra ngoài để vật lộn với cuộc sống không thua gì ai, nhưng về nhà thì cứ lụp chụp lạc chạc, hết hư vật này đến bể vật kia. Vậy đó mà ba cứ cố gắng, cứ giành mà làm để cho mẹ được dưỡng bệnh. Mẹ thở dài, mẹ than phiền, rồi mẹ lại cười với ba.
Buổi tối cơn sốt hành mẹ, hành con, ba ngồi bên giường, thức trắng đêm để canh giấc. Mẹ bảo ba đi ngủ để mai có sức đi làm mà ba không chịu. Rồi ba nắm tay mẹ mà ngủ gà ngủ gật. Mẹ biết sức ba cũng chỉ chịu đựng đến thế là cùng. Mẹ để yên cho ba ngủ gật trên tay mẹ chứ không đánh thức ba vì nếu gọi ba dậy, ba cũng sẽ không chịu đi ngủ mà sẽ quyết tâm ngồi đó sáng đêm cho đến giờ đi làm.
Nhưng cái vụng về và sự thiếu nhẫn nại nói trên của ba đâu phải là cái đáng trách. Mẹ đã không che giấu con khi nói rằng mẹ thương ba nhiều thêm cũng vì những cái buồn cười đó của ba mà thôi. Con cũng thấy vậy. Con thấy hình như khi nghĩ đến ba, con đã thương nhớ hai bàn tay lóng cóng vụng về của ba nhiều nhất. Không ai trách được và cũng không ai quên được cái vụng về của một người lúc nào cũng muốn đem hết cuộc đời mình ra để bảo vệ, che chở và giành lấy những công việc nặng nhọc trong nhà để vợ con được thảnh thơi.
Ba là như vậy đó: nơi ba không có sự tinh tế, tỉ mỉ, khéo léo, bén nhạy, tế nhị, mau mắn, nhẫn nại... nhưng ngọt ngào, tình cảm làm sao là đôi tay, là cử chỉ của ba!
* * *
Người ta nói mẹ đã gánh hết công việc nuôi con, dạy con, từ thuở mang thai cho đến khi con khôn lớn trưởng thành. Mẹ gần gũi, bồng ẵm, cho con bú, truyền hơi ấm cho con, lắng nghe và tìm hiểu những nhu cầu của con cho nên tính ý của con, mẹ biết hết, hiểu hết. Muốn biết gì về con thì người ta hỏi mẹ. Người ta có hỏi ba thì ba cũng chỉ cười mà quay qua mẹ, làm như là ba không hiểu gì về con hết vậy. Nhưng khi chẳng có con ở nhà, đã có lần ba buột miệng nói với mẹ: "Con nó thích bài hát này lắm" hay "nó khoái bánh này nhất hạng". Ba đâu cần hiểu gì nhiều về con, phải không ba? Nhưng cái gì con thích thì ba biết. Lòng thương con của ba nằm ở chỗ đó: biết con thích cái gì. Sự hiểu con của ba cũng chỉ nằm ở đó: biết con yêu cái gì. Ba sung sướng nhìn con có được cái gì con thích, con yêu. Đơn giản như vậy thôi.
Khi con phải đi xa, mẹ luôn miệng nhắc. Mẹ con gần gũi nhau hàng ngày hàng giờ đã quen hơi nhau, quen tiếng nhau, quen ánh mắt nhau, bây giờ xa nhau mẹ chịu không nổi, lòng mẹ đau như cắt. Còn ba, ba không nhắc gì về con hết mà chỉ lo an ủi, làm nguôi nguây mẹ, làm như thể ba không nhớ không thương gì đứa con xa nhà hết vậy. Nhưng rồi khi mẹ bận bịu nấu cơm hay may vá, ba đứng tựa cửa, khoanh tay, nhìn ra đầu ngõ, nhìn xa xa, nhìn tận cuối đường, có khi ba lại nhìn lên trời. Thấy ai đi ngang ba cũng giật mình ngỡ là con về. Mẹ có hỏi tới có phải ba nhớ con không thì ba lắc đầu nguầy nguậy. Vậy chứ ba mong ngóng ai? Ba đừng giấu con, mà ba cũng không giấu được mẹ đâu. Làm sao ba có thể quên được đứa con từng chơi bắn súng nước với ba, từng cỡi trên lưng, trên cổ ba thuở nào, phải không ba?
Ba của con là như vậy đó: ba không biết lời nào để nói về con, ba chỉ im lặng hoặc nói rất ít, và cười... nhưng đáng yêu làm sao là dáng điệu và những câu nói ngắn ngủn của ba!
* * *
Khi con còn nhỏ, ba thường bảo: "Con có hiếu, làm cho ba chuyện này!". Có khi ba hô lớn: "Đứa nào có hiếu giơ tay lên?" Bầy con trẻ nhao nhao giơ tay giành lấy việc làm ba sai bảo để có được chữ hiếu.
Dù vậy, làm sao bầy trẻ chúng con khỏi có lúc lầm lỗi với ba mẹ. Mẹ cưng con thì ba phải nghiêm khắc. Cả ba lẫn mẹ đều nghiêm khắc thì tội nghiệp cho con. Mà bắt ba lúc nào cũng phải nhận lấy phần nghiêm khắc để dạy con thì cũng tội nghiệp ba nữa. Không phải đã có lúc ba phạt đòn con mà ba ứa nước mắt đó sao! Ba phạt con để mẹ dỗ. Ba cũng thèm dỗ con lắm mà phải nhịn. Rồi cuối cùng thì ba cũng đến ôm con, hôn con, dỗ dành thì mới yên được trong lòng. Bao nhiêu lần lầm lỡ có khi tưởng như không thể được ba tha thứ, nhưng thương con, nghĩ con còn bé bỏng, ba xí xóa hết. Và chữ hiếu đó, ba vẫn cứ cho con hưởng, không bao giờ rút lại. Ba luôn tin tưởng con của ba lúc nào cũng hiếu thảo.
Vậy mà khi lớn khôn, chúng con mỗi đứa mỗi tính ý, chạy theo tình cảm riêng tư, chạy theo những gì mình thích, không làm vừa lòng ba mẹ được. Chữ hiếu khi xưa giành nhau bằng những việc nhỏ, bây giờ mạnh ai nấy giữ, mạnh ai nấy báo đền bằng khả năng và cơ hội to lớn hơn mà vẫn không sao đền đáp nổi. Nhưng ba mẹ không bao giờ nuôi con mà nghĩ đến chuyện một ngày nào đó sẽ được báo đáp. Chữ hiếu dạy cho con là để con không lỗi đạo làm người và cũng vì ba mẹ tin rằng chữ hiếu sẽ mang lại hạnh phúc lâu dài cho chính đứa con ấy. Nay đứa theo chồng, đứa theo vợ, trong đó có đứa hoàn toàn làm trái ý ba mẹ để chạy theo tiếng gọi của tình yêu. Buồn lòng, ba mẹ phải lên tiếng từ con. Nhưng có ai đi cắt miếng ruột của mình mà không thấy đau. Con là ruột là rà của ba của mẹ, dù có lấy chồng lấy vợ, thành cha thành mẹ, cũng vẫn cứ là miếng ruột của ba mẹ mà thôi.
Con bỏ nhà đi rồi, lại thêm cha mẹ từ bỏ khiến cho xa thêm vạn dặm, khó mong quay về. Mà ba mẹ từ con lòng ba mẹ có yên đâu! Ba mẹ quay quắt, đêm ngày nhớ thương đứa con khờ dại. Ừ, đứa con thơ dại, bây giờ đã hai mươi, ba mươi, bốn mươi tuổi... nhưng ba mẹ vẫn cứ thấy nó còn thơ dại. Những đứa ba mẹ vui vẻ cho phép ra đi thì không nói: chúng yên lòng sống bên chồng bên vợ, khi nào rảnh rỗi thì về thăm. Nhưng đứa con khờ dại thì tội nghiệp lắm, đáng thương lắm, vì nó lỡ được dạy cho chữ hiếu từ thuở còn bé nên bây giờ bỏ cha bỏ mẹ mà đi, nó cũng quay quắt đêm ngày như cha mẹ nó vậy. Ba mẹ hy sinh quen rồi, cực khổ quen rồi, ba mẹ có thể chịu đựng được. Nhưng đứa con mới lớn (hãy còn thơ dại bé bỏng trong mắt ba mẹ), làm sao có thể chịu nổi! Ba mẹ biết nó sẽ khóc thầm mỗi đêm vì nghĩ là mình bất hiếu. Ba mẹ biết nó sẽ ray rứt khôn nguôi vì đã cãi lời ba mẹ. Như vậy thì dù cho chồng cho vợ nó có là người hoàn toàn tốt đẹp đi nữa cũng không sao tạo được hạnh phúc trọn vẹn cho nó. Nghĩ vậy mà ba mẹ không yên lòng được. Mẹ thúc ba hãy tha thứ. Ba suy nghĩ. Đàn ông con trai nói một là một hai là hai, rút lời thì không phải là người lớn, rút lời thì con nó tưởng mình sai nó đúng, hay mình dại nó khôn. Phải dứt khoát. Phải cứng rắn. Miệng ba nói mạnh như vậy, nhưng rồi đêm đến, khi nằm trên giường, ba gác tay lên trán nhớ đứa con đã từng cỡi trên lưng trên cổ mình. Ba nhớ tiếng cười khanh khách hồn nhiên của nó. Ba nhớ thương từng lọn tóc, từng ngón tay, từng ngón chân nó. Ba tưởng chỉ có mẹ mới nhớ đến từng chi tiết cơ thể của con, nhưng bây giờ ba mới biết là ba cũng nhớ đến con cùng một cách y hệt như mẹ vậy. Đứa con đó dễ thương quá và hãy còn khờ dại quá! Không thể nào để cho đứa con khờ dại phải đau khổ vì nghĩ rằng ba mẹ và gia đình không còn thương nó nữa. Người ta nói đúng, "con trẻ mà thiếu tình thương thì không lớn khôn lên được". Phải cho nó thấy cái tình thương bao la không bến bờ của ba mẹ để nó có thể khôn lớn lên. Phải cho nó hưởng trọn vẹn tình thương vô hạn của cha mẹ để nó được sung sướng. Nó nghĩ cha mẹ nó dại cũng được. Nó nghĩ cha mẹ chịu thua nó cũng xong. Hãy tha thứ nó, hãy mở rộng vòng tay cho nó được trở về. Vậy là ba mẹ đi tìm con, nhắn con về. Con còn sợ còn nghi ngại chưa dám về thì ba mẹ gởi thư, gởi hình, gởi quà cho nó yên tâm. Đứa con quay về, ba mẹ Ôm hôn con, không nhắc chuyện cũ. Nhất là ba, ba ít nói, bây giờ cũng chỉ ôm và nói với con một câu thật ngắn: "Con thương của bạ" Những lời ngắn ngủi như vậy có vẻ như muốn giải tỏa mặc cảm cho con: "con đừng ray rứt đau khổ nữa, con không bất hiếu đâu; đứa con bất hiếu đâu có biết ray rứt buồn đau khi cãi lời hay xa cách cha mẹ, phải không con hiếu của bả"
Ba của con là như vậy đó: cứng rắn, nghiêm nghị, đôi khi cộc cằn nóng nảy, nhưng khi ba cần phải nói những lời thương yêu thì lời của ba làm cho con chỉ biết nghẹn ngào mà khóc. Ôi, bao dung làm sao là nghĩa cử của ba!
* * *
Có lẽ con đã làm cho ba không được vui vì lâu nay ba không thích nói hay nghe nói nhiều, nhất là về những điều sâu kín của tâm hồn ba hay những lời có ý xưng tụng ba.
Nhưng ba hãy cho con nói những lời sau cùng này. Vâng, con sẽõ cố gắng không nói gì nhiều. Con chỉ muốn nói rằng, con đã nhìn thấy ba, cảm nhận được tình thương và sự hy sinh của ba qua những cử chỉ, những lời nói ngỡ như ít thân tình mà thực thì đầy ắp yêu thương. Con cũng muốn nói rằng, có những điều tưởng như là chuyện riêng của ba, nhưng thực ra lại bao hàm tất cả ý nghĩa hạnh phúc của gia đình chúng ta, trong đó có hạnh phúc của mẹ, và của anh chị em chúng con nữa. Những điều ấy đáng ra không cần phải nói mà chỉ cần lặng lẽ cám ơn ba trong tận cùng đáy lòng. Nhưng mẹ nói rằng ba hiếm khi bộc lộ cảm xúc của ba nên ba cũng ít có cơ hội hiểu được những gì người khác giữ trong lòng. Cho nên con phải nói, ba ơi, rằng ba đã chọn lựa và trao tặng con một người mẹ tuyệt vời mà không ai có thể thay thế được; ngoài ra, con cũng không sao quên được rằng, qua bao cuộc đổi dời biến động của cuộc sống, tình yêu của ba dành cho mẹ con lúc nào cũng tràn đầy, thủy chung, chỉ có tăng thêm chứ không vơi cạn. Trong tương quan tình cảm gia đình, đó không phải chỉ là chuyện riêng của ba mẹ, mà còn là điều rất hệ trọng ảnh hưởng đến suốt cuộc đời chúng con. Thương mẹ, ba dâng cả cuộc đời cho mẹ. Thương con, ba hy sinh cả một đời vì con. Sự có mặt của ba như vậy, tình thương yêu của ba như vậy, còn có lời nào xứng hợp, đẹp đẽ và đầy đủ hơn để con có thể trải hết niềm hiếu kính và lòng biết ơn vô hạn của con?
Có người đề nghị khi cài hoa hồng hay hoa trắng để tưởng nhớ mẹ thì cũng nên cài thêm một cánh hoa lớn, đặc biệt, dành cho ba, vì ai cũng biết không phải chỉ riêng mẹ mới đem lại sự có mặt của con trên cuộc đời. Người ta đề nghị rất hay, nhưng con biết ba sẽ không thích điều đó. Vậy con sẽ nói với mọi người rằng không cần phải dành cho ba một cánh hoa nhân Ngày Báo Hiếu như người ta đã làm như vậy đối với mẹ.
Và nếu người ta hỏi đâu là hình ảnh, là biểu tượng người cha trong Ngày Báo Hiếu, con sẽ nói nhỏ với họ rằng, khi mẹ là hoa hồng đỏ thắm thương yêu hay là hoa trắng thanh cao tỏa hương ở một cõi lạ nào khác thì ba vẫn luôn là lá, là cành, là cuống hoa nâng đỡ bước chân mẹ.
Sự có mặt của ba trên cuộc đời không phải là để góp hương góp sắc cho vườn hoa thương yêu, mà để bảo bọc, che chở và làm phát tiết những đóa hồng xinh đẹp trong vườn hoa thương yêu ấy. Nơi nào có mẹ thì nơi đó có ba, cũng như nơi nào có hoa thì nơi đó có lá vậy. Ba ẩn đàng sau, ba nép phía dưới, lặng lẽ, mờ nhạt, nhưng là tất cả tinh hoa tiếp sức cho nguồn hạnh phúc của mẹ, mà cũng là tất cả ý nghĩa cao đẹp cho mạch sống đời con...
Trên ngực áo con hôm nay lại có một đóa hoa hồng rực rỡ, tươi thắm, nổi bật lên giữa những chiếc lá xanh đơn sơ, thầm lặng. Con thấy nụ cười bao dung và hiền hòa của ba còn mãi, đọng mãi trên ấy...
Ba ơi, ba ơi! Dù cách biệt ở một phương trời nào, ba cũng nghe những lời thương yêu vụng dại này của con, ba nhé.