Một tình cờ đã tụ hội họ lại trong gian phòng. Tuy ở những đẳng cấp khác nhau, họ họp thành một xã hội nhỏ ô hợp và nhiều màu vẻ. Phần nhiều đều là những nhân vật danh tiếng, đặc trưng bởi một thói tật bất hủ hay một hình thù khác thường.
Gian phòng hơi nhỏ hẹp, dồn họ lại gần nhau. Thật là một xã hội đại đồng, nơi đó thằng cu Nhè dám tới gần ông trưởng giả béo mắt híp, và cô tiểu thư đài các không hề tỏ vẻ khó chịu vì sự kề cạnh một bác Nhiêu Rượu phả hơi men xa mười thước.
Họ cùng chung một ông cha, anh chàng họa sĩ gầy nhom đeo kính cận ấy mà. Chuyên vẽ tranh vui cho một tuần báo hí hước, chàng đã tự tạo đoàn đào kép nọ, mà chàng bắt múa hay hát hỏng theo ý riêng mình, để gây vui mỗi tuần cho công chúng. Công cuộc hoài thai thường mệt nhọc, ủ ấp trong một cuộc nghiền ngẫm lâu dài xoi mói đến từng tiểu tiết: cái mũi phải ra sao, con mắt phải thế nào. Nhưng cũng có khi, thằng người hay thằng ngợm vụt hiện một cách đột nhiên dưới ngọn bút ngông phiếm của nhà họa sĩ, làm cho chính chàng ngạc nhiên trước nhất và kêu lên: "ô kìa! Mình vừa đẻ thêm một đứa!". Rồi chàng vội khai sinh cho nó, nghĩa là tự chuốc một cốc rượu ăn mừng để ngay tức thì đem đứa sơ sinh nhập ban tuồng mà chàng quản đốc.
Tên hề mới, bị vứt vào giữa cuộc nhân sinh lộn xộn và ô hợp, không tỏ vẻ gì ngơ ngác hay khó chịu. Rất ngoan ngoãn, nó uốn mình theo ý muốn của chủ, ra đóng trò ngay mà rất tự nhiên!
Ngoan ngoãn, đó là cái Luật Lớn mà cũng là cái luật duy nhất của ban tuồng kỳ dị này. Không bao giờ cưỡng lời chủ, nhắc ngay cái chân mà ông ta muốn giơ, nói lời nói ông ta đã nhắc, dù biết rằng mình sẽ lố bịch, sẽ làm trò cười cho công chúng - thứ công chúng tàn tệ lấy chế nhạo làm thú vui - cứ như thế, đoàn đào kép sống yên ổn, trong trìu mến của nhà họa sĩ mà sự giám sát buông lỏng dịu một tình cha nhân từ.
Vả lại, để bù công, họ được hưởng một tự do hoàn toàn trong lúc chủ vắng nhà. Khi anh gà sống đặt trên lò sưởi, rắn rỏi trong chất cẩm thạch màu xám, vươn cao cổ cất tiếng gáy báo hiệu, những nhân vật kỳ quái của gian phòng, biết rằng chủ nhân đã đi ra, liền tự cho phép xê dịch và cất tiếng. Bắt đầu họ duỗi chân tay, vươn vai, uốn éo, đánh đuổi cơn tê cóng gây bởi một cuộc bất động quá kéo dài. Rồi sự nhốn nháo nổi dần, họp bởi muôn tiếng lí nhí của bọn người tí hon ấy.
Thằng cha đồ tể rủa: "Mẹ đếch! Làm ông mỏi rũ cả tay". Hắn vung tay vứt mạnh con dao bầu ra xa, đoạn ngồi xổm xuống đất, nghĩa là xuống nền trắng vuông giấy, tự cho phép nghỉ, vòng tay khoành ôm hai đầu gối gập. Thỉnh thoảng hắn ưỡn ngửa người co tay ngang vai rồi duỗi thẳng đánh rắc cho giãn gân cốt. Nhà họa sĩ bỏ lỡ dở bức tranh, đầy đọa hắn đứng cả một ngày tròn, lưng cúi, cầm lăm lăm con dao một cách vô duyên bởi dưới dao không có gì cả, dù là một cái thớt. Hắn đã gò người đứng mãi trong dáng điệu bất tiện ấy, lo lắng tự hỏi không biết người ta sẽ bắt mình múa hát gì đây. ừ, dù hắn có phải làm một cử động buồn cười, nói một câu ngớ ngẩn, thì cũng cho hắn nói, hắn làm đi, chứ lại nỡ giam cầm hắn mãi trong một sự thấp thỏm sao mà quái ác!
Nhà họa sĩ có cái tật lông bông tai hại ấy: không bao giờ vẽ luôn nét bút một bức tranh, dù là một bức hí họa nhỏ đơn sợ Chàng nhảy từ bức này sang bức khác, quệt lên đây một nếp nhăn áo, điểm vào kia bộ râu trệ Chàng đùa với việc làm.
Lão hàng thịt không phải là nạn nhân duy nhất chịu sự hành hạ của cái thói xấu ấy. Từ khi chàng cầm bút, đã biết bao nhiêu người cụt tay, mất mũi, chột mắt. Một bác thợ nề đã co chân thước thợ tựa ông tướng tuồng, vẫn không tìm thấy cái bực thang dựa bước; ông trọc phú kia đang ngồi hàng hai ngày trên chiếc ghế tưởng tượng, người gập, chân co như sắp nhảy, băn khoăn tự hỏi vì một phép ma quái nào mình chưa ngã bổ chửng phơi cái bụng béo bầy nhầy.
Trong một góc, thằng cu Nhè đứng sụt sà sụt sịt. Hai dòng nước mũi dài quá cằm cứ giãn dài ra mãi gần tới rốn. Nó vội nhắm mắt hít mạnh; hai dòng mũi từ từ rút lên để lại thòng dần xuống. Bà chủ hiệu cao lâu bên cạnh lấy làm khó chịu gắt:
- Thì mày vắt quách ra đất kia!
Nhưng nó không chịu. Nhà họa sĩ sẽ nói thế nào nếu hai dòng mũi cừ khôi - bảo bối của nó mà công chúng đã quen thấy như quen thấy hai tai trên mặt người - vụt biến mất?
Gian phòng mỗi lúc thêm nhốn nháo. Một cuộc săn đuổi bắt đầu, giữa một tốp công tử bột và hai cô tiểu thư thướt tha ưỡn ẹo. Rửng mỡ, chú Chệt béo phị trong bức tranh bên cạnh cũng lạch bạch chạy theo bọn thợ săn. Bị khung bức tranh giữ lại - bởi mỗi nhân vật chỉ có quyền hoạt động trong phạm vi vuông giấy của mình - chú tức tối húc bụng vào thành giấy, đôi mắt tuyệt vọng dõi theo hai cô gái ngon lành.
Nhiêu Rượu, mũi cà chua đỏ hỏn, tỏ vẻ lãnh đạm hoàn toàn, với tất cả sự nhốn nháo quanh mình. Hắn ngồi từ bi tự tại đếm những chai rượu trên quầy hàng, lẩm bẩm: "à, cái gì cũng có đôi cả, cả đến con mực nướng trên đĩa, ừ, mà cả cái đĩa nữa". Đoạn kiên nhẫn, hắn bắt đầu đếm lại, không biết lần thứ mấy mươi.
Xa xa, một ông già ho sù sụ, nhìn loanh quanh mãi không dám nhổ đờm trên nền giấy trắng tinh. Một con cá ngắc ngoải giãy đành đạch; nhà họa sĩ vẫn chưa chịu sinh phúc quệt lên bức tranh vài nét dập dờn tạo cái làn nước cần thiết cho sự sống của nó.
Gian phòng bỗng im bặt. Ai vừa cất tiếng hát ồm ồm. A, thằng Ngợm. Hắn bị tất cả phòng ghét bỏ. Hắn cũng không xứng cái tên ngợm nữa. Chàng họa sĩ trong một cơn say hoặc nghịch ngộ, đã theo vết những nhà cubisles1 tạo ra hắn bằng hai cái đĩa, ba ống sữa bò, ít bóng đèn điện. Từng ấy thứ, kèm vài vật dụng linh tinh nữa, vẽ chồng chất lên nhau trong một sự hỗn độn không thể tả, làm thành một hình kỳ quái, mà chàng họa sĩ tìm mãi ý nghĩa. Chàng lên kính, ghé mũi nhìn, rồi sau cùng kêu lên: "Thằng người! ừ, mà thằng người hẳn đi chứ!". Bỗng nhiên được liệt vào hàng nhân loại, hắn lên mặt ra phết, không hề tự biết mình. Khi họa sĩ vắng nhà, hắn khuỳnh hai cánh tay lắc lê và đanh vít chống nạnh đỏng đà đỏng đảnh đi đi lại lại như con đĩ, cái miệng làm bằng ống sữa bò cất tiếng hát ông ổng không thương được.
Mọi người bịt tai, bĩu mồm khinh bỉ.
Duy bác Lý nhà ta không để ý đến hắn. Bác còn bị một con ruồi ám ảnh. Chàng họa sĩ thực là độc địa, không bao giờ quên điểm cho bác hai cục dử to tướng phía trên chiếc mũi sư tử. Thế là đàn ruồi hăm hở bay đến bậu, ray rứt mãi, cho đến khi cục dử khô mới bỏ đi.
Bác Lý cố xua con ruồi quái ác. Nó bay lên, vu vu vẽ vòng trèn trên hai mắt hấp háy của bác như để trêu chọc. Bác tức mình giơ tay phất ngang một cái thực mạnh. Con vật bay vụt đi; cái mũi sư tử của bác, mà chàng họa sĩ chỉ đính lỏng lẻo, bật văng rơi lông lốc trên giấy. Bác Lý hoảng hốt chạy tìm quanh mãi. Tội nghiệp, đôi mắt kèm nhèm có thấy gì nữa đâu.
Mọi người xung quanh cười ầm.
Giữa sự vui vẻ chung, nổi lên một tiếng nhỏ thanh thanh dịu dàng:
- Ồ, ta không nên độc ác như thế. Bác Lý đáng thương hơn là đáng cười vậy.
Mọi người quay nhìn kẻ vừa nói. Hàn Bụng giễu y:
- Bác Đồ của tôi ơi! Vẫn chưa hết cái thói gàn ư?
Bác Đồ Gàn giữ một im lặng khinh bỉ và kiêu hãnh. Bác tĩnh tọa trên phản mộc, hai tay thủ dưới áo. Y phục tề chỉnh, dáng điệu nghiêm trang. Lạc loài giữa cái xã hội nhố nhăng, bác đã bị tặng nhiều danh hiệu kỳ quặc. Bắt đầu người ta gọi "Bác Đồ", rồi "Đồ Cổ", "Đồ Gàn", "Đồ Bát sách" dẫn trạnh sang "Đồ Bát quái". Tất cả những chế giễu ấy để bác lạnh lùng. Thâm cảm đạo Thánh hiền, bác giữ lòng trầm tĩnh, đi đường ngay, nói lời thẳng, lo tới sự tề chỉnh trong dáng điệu ngang với sự trong sạch của tâm hồn.
Thấy bác Lý vẫn loay hoay tìm mũi, bác mách:
- Nó ở đằng kia, nơi góc phía trái bác ấy.
Con ruồi sau một lát bay vòng vèo trong không khí, đến đỗ ngay trên đầu gối bác Đồ Gàn. Bác mắng:
- Xa ta ngay, hỡi con vật dơ bẩn!
Nó bò dần lên nách bác, rúc đầu hút vào chỗ nét áo dăn dúm làm nhòe một đám mực chưa khô hẳn. Bác Đồ bèn than rằng:
- Ta để cho con vật hạ tiện bò trên mình, sao chẳng khỏi lây nhơ nhớp vậy ôi!
Bác đưa năm ngón tay móng dài phe phẩy nhè nhẹ trước ngực. Con ruồi bay lên, rồi lại đỗ ngay xuống, nó vẽ những đường ngoằn ngoèo bằng vòi và chân ướt trên tà áo trắng tinh.
Bác Đồ Gàn không ngăn được một tiếng kêu ngạc nhiên đau đớn. Hàn Bụng ngả người trên ghế mà cười; hắn cười rúc một tràng dài những tiếng nhỏ trong họng, làm rung rung cái bụng phệ và cả vuông giấy.
Bác Đồ sẽ nói thế nào đây khi chàng họa sĩ về? Than ôi, sự trong trắng, mối kiêu hãnh cuối cùng của bác giữa cái đời ô trọc này, đã bị một vết hoen ố. Bác tưởng như hồn bác cũng bị vấy bẩn. Lòng người hàn sĩ sao mà buồn, mà buồn rười rượi.
Nhưng mà không, bác không thể để ai chê trách được mình. Người ta đã giễu cợt bác nhiều; bác không hề đếm xỉa. Đời đã thế, âu đành "độc thiện kỳ thân", ai thế nào mặc họ, ta hãy tự lo lấy mình, nhắm mắt bưng tai thu tròn mình lại, cầu cái tốt cái hay cho riêng mình là đủ. Nhưng bác không thể nào chịu để người ta nghi ngờ sự thanh khiết của mình. Bác sẽ vi phạm cái Luật Lớn của ban tuồng. Bác sẽ nói. Bác sẽ kể căn do những vết hoen trên áo mình. Rồi sau đó, chàng họa sĩ muốn làm gì thì làm; lòng trút được điều thắc mắc, bác sẽ vui lòng cam chịu hình phạt tuy không xứng đáng.
Con ruồi lại rúc nách bên kia. Bác Đồ Gàn lại đưa tay phẩy phẩy. Nó tức mình bay lên đậu ngay vào miệng bác. Bác Đồ kinh hoảng nghe lạnh trên môi. Đồng thời mùi mực nhàn nhạt xông lên mũi. Bác định quát đuổi con vật dơ bẩn, nhưng hai hàm bỗng cứng như bị cùm. Than ôi, cái miệng đã bị mực gắn chặt, hãm bác trong một câm lặng nghìn đời. Một nỗi thất vọng mênh mang xâm chiếm lòng bác.
Có tiếng răng rắc của quả đấm xoay trong cửa. Chàng họa sĩ bước vào. Bọn người tí hon cuống quýt trở lại chỗ, bỗng nhiên cóng đờ. Đám công tử cố nén thở tuy mệt đến đứt hơi. Chú Chệt lạch bạch trở về sau quầy hàng, ngồi vắt chân chữ ngũ hút điếu ống vẻ tự mãn. Thằng cu Nhè hít một lần cuối cho hai dòng nước mũi dài vừa ngang cằm. Hàn Bụng xốc lại bụng bầy nhầy để ngồi gọn trên ghế xích đụ Tên đồ tể chạy đi nhặt dao rồi trở về đứng gò lưng như thằng chịu tội. Bác Lý sờ mũi một lần cuối để chắc rằng nó đã dính chặt vào mặt.
Duy bác Đồ Gàn vẫn ngồi im lặng. Trông bác thực đáng thương: miệng nhòe nhòe mực, áo vẽ rằn rị Chàng họa sĩ sẽ nói sao đây? Có lẽ chàng sẽ nổi giận, sẽ chọc thủng bức tranh, sẽ cấu xé, vò nát, vứt vào sọt bẩn. Ôi, bác Đồ Gàn sẵn sàng đành chịu tất cả sấm sét của chủ nhân. Bác ngồi im lặng, cố lấy vẻ trầm tĩnh, cố làm ra can đảm. Nhưng trong khi ấy thì lòng bác nổi cơn giông tố, gây bởi sự công phẫn của nỗi oan tầy đình và câm lặng, nghìn đời cũng không còn mong giãi tỏ.