Chương 1
Trang đứng tựa cột bê tông hình lục lăng có ốp đá rửa màu hạnh nhân, đôi mắt bàng hoàng nhìn chéo qua khuôn mặt cửa kính. Những tia nắng sớm non nớt, gãy khúc, loa lóa lúc thực, lúc hư…Từ bao giờ, những dòng nước mắt rón rén theo hai sóng mũi, trườn lên đôi môi mím chặt chảy xuống khuôn ngực của người thiếu phụ. Và cũng không hiểu vì sao, chị không dám nhìn thẳng vào mặt thằng Linh, đứa con riêng của chị. Cũng như thế, Linh không dám nhìn mẹ. Cả hai đều thấy một nỗi đau xót; người này là nguyên nhân nỗi khổ tâm của người kia. Là người mẹ, Trang nghĩ chị không bằng một con gà mái, khi con bị lâm nạn, dám dũng cảm giang đôi cánh ra để bảo vệ, bao bọc nó. Linh lại nghĩ, dù bị oan ức thế nào đi chăng nữa, chính vì nó mà mẹ Trang sẽ gánh chịu nhiều tai tiếng trước bà con làng xóm. Nó bước lại phía hai đứa em cùng mẹ khác cha củ nó. - Anh đi cu Nhân nhé. Mai kia về anh lại bắt chim cho em. Ở nhà ngoan, chăm học, đừng đánh em, anh gởi quà về cho. Không biết nó định gởi quà gì nhưng cu Nhân lại rất tin. Nhìn qua rặng ổi nhà ông Bân, cu Nhân bỗng hỏi bâng quơ: - Anh Linh có gởi ổi về cho em không? - Có, anh sẽ gởi ổi về. Trả lời cu Nhân xong, nó lại võng dựng ngược con bé lên năm dậy, hôn tới tấp lên hai má con bé. - Anh đi Oanh nhé. Ở nhà đừng nhè, anh gửi quà về cho. Con bé khóc thét, giãy giụa trên tay thằng anh. Linh ấp em một lúc, tay vỗ vỗ vào lưng con bé, cho đến khi em gái tỉnh ngủ, nhoẻn cười. Lúc ấy cu Linh mới trao em lại ẹ. Bây giờ thì nó lấy can đảm nhìn mẹ nó, nhìn thẳng vào gương mặt như gương mặt của người lên cơn sốt tiều tụy, thiểu não. Trang vừa đưa tay ra đỡ bé Oanh, tiếng khóc bỗng đổ òa, lênh láng cả tòa nhà uy nghiêm. Nghe tiếng khóc của mẹ, thằng Linh không giữ được. Nó bật khóc ồ ồ át cả tiếng khóc của mẹ nó. Tiếng khóc như cơn dịch lây lan sang thằng Nhân rùi cái Oanh tiếng khóc của một nhà lâm nạn… Anh công an xã, có khổ người cao lớn, vai bè và khuôn mặt lầm lì, rắn đanh, bước lại phái cu Linh: - “Mời” cậu, ta đi! Giọng anh lạnh băng. Linh nấn ná lúc nữa. Nó cố nén tiếng khóc nói với mẹ một câu chia tay, nhưng không nói được. Dường như đầu óc mụ mị, dường như lưỡi nó cứng lại và xương quai hàm không xê dịch nổi. Trang ôm chặt cái Oanh đến mức chị cảm thấy hình như bây giờ đây con bé là cứu cánh của chị. Một lần nào đấy, khi nhìn vào gương mặt hai đứa con riêng chị đã nhận ra hai gương mặt khác nhau: gương mặt cu Nhân là của bố Thuật nó và gương mặt của bé Oanh giống hệt gương mặt cu Linh. Trong tiềm thức của mình, quả chị có thương cái Oanh hơn. Chị bỏ nhà, quên cả khóa cửa, đưa thằng Linh đi một đoạn. Lúc ấy hàng xóm đã đến đông nghẹt, chen lấn, xô đẩy nhau. Mỗi người nhìn đứa bé đi cạnh anh công an theo một suy nghĩ khác nhau: - Tội nghiệp thằng bé, ngoan thế… - Không ngờ, thằng bé lại hư thế. - Nó là thằng con riêng, thiếu tình cảm, thiếu sự chăm sóc, dạy bảo của người bố, còn mẹ thì lại…. Trang hiểu, lúc này im lặng là hơn cả. Ra đến con lộ đỏ, chị dúi vào tay con mấy tờ giấy bạc lúc đi chợ về hãy còn. - Thôi, con đi… Cố ngoan nhé. - Mẹ, mẹ đừng tin họ, mẹ nhé. Họ bịa chuyện bắt con đấy.. - Đi, thằng cu này láo. Tiếng anh công an xã gay gắt. Trang thấy nhói nơi lồng ngực. Chị càng cố ôm chặt đứa con gái út. Nhưng đôi mắt nhòe nước của chị lại dõi theo như hút đứa con trai, hồi hộp chờ nó quay lại, đón nhận cái bàn taqy nhỏ nhắn, xinh xắn của nó vẫy gọi. Nhưng thằng bé đã không quay lại. Đúng ra, chị hiểu, người ta đã không cho nó quay lại, người ta muốn cắt đứt. Trang đứng im lìm như một cây gỗ mục, lúc nào cũng muốn đổ gục xuống. Chị gượng đứng như thế cho đến khi bóng thằng con riêng chỉ còn như một que gầy khuất sau bóng của chú công an to lớn vai vè ấy, chị mới quay lại trở vào. Trang nghiêm túc nghĩ rằng, giá hôm nay có Thuật – người chồng sau của chị - ở nhà, chắc chắn anh ấy sẽ bảo lãnh được cho thằng cu Linh. Với cương vị một bí thư huyện ủy, ai người ta lại không nể vì anh ấy. Nhưng anh ấy lại đi công tác xa. Trước kho nhận lời lấy anh, chị mạnh dạn nói: - Em rất sợ cảnh con riêng, con chung. Thuật nhìn chị nói: - Con em là con anh. Anh không phải như người khác… - Anh hứa là không bao giờ anh đánh nó chứ? - Anh hứa….Em tin anh đi. Anh đã giữ đúng lời anh hứa. Chưa một lần chị thấy anh đánh nó. Duy chỉ có điều, nhiều lúc bất chợt chị gặp ở anh một cái nhìn lành lạnh đối với thằng bé. Lúc ấy chị nghĩ, chắc cu Linh vừa làm điều gì khuất tất. Và chị an ủi chính chị. Nó còn bé làm sao tránh khỏi những sai sót. Trẻ con mấy đứa làm vừa lòng người lớn. Có lần chị hỏi con: - Con vừa làm gì mà bố không vui thế? Thằng Linh ngơ ngác, trả lời: - Con có làm gì đâu ạ…. Nãy giờ con học mà. Bố vào xem vở chúng con. - Chắc là con học kém, hay không chăm, bố bắt gặp lời phê của cô hoặc điểm thấp trong vở con phải không? - Thằng Nhân thì có. Cu Nhân toàn điểm 3-4, có khi cả gậy nữa mẹ a`…Bố rầy thằng Nhân, bố có rầy con đâu. Chị lại nghĩ mình nhầm. Chắc anh ấy giận cu Nhân. Đúng là thằng bé ham chơi hơn chịu học. Dạy bảo, kèm cặp thế nào, nó vẫn cứ thế, không tiếp thu nổi. Lớp một “đúp”. Lên lớp hai lại học kém. Có lần anh đã gắt với chị: - Sao em ở nhà không kèm cặp, dạy bảo con học hành? - Có đấy chứ. Nhưng đầu óc thằng bé thế nào ấy… Nó chỉ được cái mải chơi. Anh xem thằng Linh, em có bày vẽ tiếng nào đâu, nó vẫn đứng đầu lớp. - Thằng Linh! Lúc nào nói đến thằng Nhân em cũng đưa thằng con riêng của em ra làm gương… - Anh lại con riêng, con chung! Anh quên mất lời hứa của anh rồi…. Thuật im lặng. Nhưng tối hôm ấy khi vào nằm với vợ, anh thành thật xin lỗi. Chị cảm động, tha lỗi cho anh và ngoan ngoãn chiều chuộng anh như một người vợ biết điều. Cho đến giờ, chị vẫn nghĩ, anh ấy không đến nỗi nào. Ấy thế mà chị vẫn nghe tiếng chì tiếng bấc rằng anh là một kẻ nham hiểm thâm trầm, một tên ác “mát tính”… Đời quả thật “ăn dễ ở khó”. Ở sao cho vừa lòng được bàn dân thiên hạ. Làm bí thư huyện ủy cũng là một kiểu làm dâu trăm họ. Sống cho vừa lòng trên mà không mếch lòng dưới, khó lắm. Nhiều lần, chị thấy anh về khuya, trăn trở đi ra rồi lại quay vào, nét mặt khác thường, lúc rạng lên đầy thỏa mãn, lúc tối sầm, đen như áng mây chì. Những lúc ấy chị thoáng nhận ra ở anh một đôi mắt… Không phải của anh thường nhật, cái nét mộc mạc, thật thà không còn nữa, nó y hệt đôi mắt của anh một lần nào đấy, nhìn xói vào thằng cu Linh. Vốn nhẫn nhục, chịu đựng, chị sợ những điều dữ và vì vậy, chị mang cảm giác tê dại. Người run lên, chị không dám mở mắt ra. Chị hiểu, những lúc ấy, anh đang trải qua cơn ác mộng nào đấy với chính bạn bè, chính đồng chí của anh. Một lần chị mạnh dạn, tâm sự: - Hay anh xin nghỉ đi… Quan nhất thời, dân vạn đại. Anh nhìn chị, đôi mắt trách móc: - Làm cách mạng, sao em lại nói là làm quan? - Chữ thì có khác, nhưng nội dung vẫn thế thôi. - Em vẫn chưa thay đổi được cái quan điểm tiểu tư sản bấp bênh dao động của em… Làm anh cán bộ cách mạng là làm đầy tớ của dân. Em phải quán triệt cái tinh thần cách mạng cao cả ấy, cái lập trường giai cấp kiên định ấy… Nếu không, có ngày em sẽ sa vào tư tưởng của bọn tư bản phản cách mạng. - Người ta nói đầy tớ của mình đi ô tô láng coong, mặt ngẩng lên trời, còn ông chủ, bà chủ thì cúi mặt xuống bùn… - Ai nói như thế? Ai nói như thế! Đấy chỉ có thể là lời lẽ của bọn phản cách mạng… Rất tiếc, rất tiếc, chúng ta đã không triệt để…Rất tiếc, chúng ta đã không thưc hiện đầy đủ cái công cụ chuyên chính vô sản của nhà nước cách mạng. Rất tiếc, rất tiếc! Trang im lặng. Vốn ưa nhín nhịn, chị bối rối nhìn chồng trong những trạng thái day dứt. Tính anh kín đáo, không hiểu sao hôm nay lại đi tranh luận với vợ những điều vớ vẩn. Quan trọng là những điều anh làm. Quyền lực ở trong tay anh. Anh có thể làm tất cả những gì anh muốn. Anh không có nhiều lý luận. Và vì vậy anh rất ghét tranh luận, rất thành kiến với những tay trí thức cứ thao thao bất tận. Toàn những thứ trừu tượng, toàn những điều uyên bác ở đâu đâu ấy, còn cái quan trong là lập trường giai cấp thì họ không có. Anh luôn tự hào về cái thành phần cố nông của mình. Anh ghi rất rõ ràng trong lý lịch: “Thành phần giai cấp: cố nông. Nghề nghiệp người bố: đánh dậm. Nghề nghiệp người mẹ: đi ở. Bản thân: được bà cô họ cho ăn họ đến lớp nhì… (1) Tham gia cách mạng ngày…”. Nhờ các thành phần cơ bản ấy, anh đã đi từ một chiến sĩ tự vệ lên chính trị viên đại đội, đội trưởng cải cách ruộng đất, thường vụ huyện ủy, thường vụ tỉnh ủy kiêm bí thư huyện ủy quê hương anh. Còn Công – người chồng trước của Trang – từ một chính trị viên phó đại đội qua cải cách ruộng đất, “rụng” xuống thảm hại… Hồi ấy, họ: Phương - ở bên kia hòn cù lao sông Hồng Công và Thuật cùng một làng. Họ đi học một trường, mốt lớp. Nhưng rất tiếc, Phương và Công mỗi năm một lớp, ngược lại Thuất thường cứ tụt lại dần.. Năm cuối cùng họ trọ học nhà Trang. Cuối năm ấy Thuật đành phải trở về quê, làm ruộng cho bà cô. Bà cô rất buồn vì đã cố hết sức cho cháu, nhưng kết quả mang lại không như bà mong muốn. Bà chua chát nhận ra một điều: Cái đứa nó đã tối dạ thì có thắp đèn vào trong đầu nó, nó vẫn tối. Cả cái dòng họ nhà bà chưa có người nào đỗ đạt ra gì. Âu cũng là số Trời! Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Phương và Công cũng vừa học xong đệ tứ (2). Họ trở về làng, cùng Thuật tham gia cách mạng. Trước khi giã từ làng quê thân thuộc cạnh dòng sông quanh năm nước đỏ phù sa ấy, Công đã cưới Trang làm vợ. Phương vui vẻ lo toan mọi việc cho bạn. Ngược lại, người buồn nhất là Thuật. Thuật chính thức đặt vấn đề với bà cô cậy mối lái lên hỏi Trang. Nhưng chị đã từ chối. Thuật đau đớn và ghi vào trong sổ cuộc đời mối hận không bao giờ quên. Nhưng được cái anh biết giấu tâm trạng mình và chờ đợi. Anh yêu Trang cuồng nhiệt ngay từ phút đầu tiên gặp mặt. Hình ảnh người con gái Hà Nội ấy luôn chập chờn hư ảo trong tâm trí anh. Mỗi lần xa cô, anh thẫn thờ, mong đợi, cầu cho sự gặp lại, để làm gì, anh không hiểu, bởi anh chưa dám ngỏ một lời nào với cô, và anh cũng chưa bao giờ dám có ý định tự mình bộc lộ tình yêu. Nhưng thiếu cô anh cảm thấy cô đơn, và nỗi trống trải hành hạ anh như một sự tra tấm. Anh hoàn toàn không ngờ, mình lại bị đuổi ra khỏi trường vì trình độ quá kém. Qua kỳ sát hạch anh không làm được một bài nào trọn vẹn, mặc dù Công và cả Phương nữa đã cố nhồi nhét cho anh những kiến thức cơ bản.