Chương 1
Chín giờ sáng, bà Vêra đưa cho tôi bức điện: “Cậu ốm nặng, Hằng tới ngay.” Sau khi quan sát gương mặt tôi, bà bảo: - Tội nghiệp cho mày. Mày là 1 con bé thiếu may mắn. Nói xong, lắc mái đầu đồ sộ, bà quay đi. Mùi nước hoa rẻ tiền tạt lại, vương trong không gian, như 1 thứ nhựa loãng dính vào các bức tường vôi đã tróc lở. Tôi mặc đồ ngủ, đứng co ro nhìn tấm thân phì nhiêu của người đàn bà gác dan, đầu óc rối tung. Chính tôi, tôi cũng đang ốm. Những trận viêm phế quản liên miên vừa qua khiến 2 vai tôi còng xuống như lão già nghiện nặng. Ngực lép dẹt, không chiếc áo lót nào còn mặc vừa. Khu cư xá chỉ có vài mống đàn ông, toàn thứ đồ cổ. Vậy mà đi qua mặt tôi, họ cũng không buồn đưa mắt liếc qua. Trong số 800 rúp dành dụm được, tôi đã tiêu hết 450 tiền thuốc men và thứ ăn bồi dưỡng. Tôi dự định tiêu thêm 50 rúp nữa khoản đó, cho đủ sức đi làm. Vậy mà, đúng lúc bức điện trời đánh kia giáng xuống. - Con điên, mới bảnh mắt đã ra đứng ngoài ấy làm gì? Vào phòng ngay không cảm lại 1 trận nữa thì đời ra tương. Cô bạn cùng phòng hét to. Tôi quay vào, chui trong tấm chăn nồng sực hơi ấm. Hạnh phúc quá. Hôm nay chủ nhật, tất cả đều nghỉ việc. Cả bọn dự định làm bún kiểu Việt Nam ăn bữa trưa. Còn lúc này, tất cả rúc trong chăn nghe nhạc. Tiếng nhạc từ căn phòng nào đó từ tầng trên vẳng xuống. Vừa nghe, vừa thả lỏng tấm thân mệt mỏi, vừa gặm nhấm nỗi nhớ nhà. Khung cửa sổ căn phòng của chúng tôi mở rộng. Không ngọn cây nào vươn được tới đó. Nhưng bù lại, là trời xanh ngăn ngắt, màu xanh trong và lạnh, thăm thẳm đơn côi. - Điện gì thế Hằng? Cô bạn tôi hỏi. - Ông cậu ốm. Tôi đáp lời. - Cái ông ở Matxcơva chứ gì? - Ừ. - Nhưng mày cũng vừa ốm dậy. - ... - Chì còn được nghỉ 4 hôm nữa thôi. Hôm qua, mụ Tanhia vừa nhắc đấy - ... - Từ đây tới Matxcơva có ít đường đất đâu? Những đi về đã đủ ốm rồi. - ... - Mà mày xanh bủng ra như đàn bà hậu sản. Không chịu phấn son vào, nhìn pháp khiếp. Tôi lặng im, không đáp. Nhưng dường như, cùng lúc với tiếng nói của cô bạn, trong tôi thầm vang lên lời phản bác: - Không đi, không đi! Mặc kệ, mặc kệ. Con đường hun hút lướt qua. Những cột cây số chạy lùi. Các cánh rừng và những đồng lúa mì ngút ngát. Các tỉnh lỵ với chóp nhà thờ và những khuôn viên. Tiếng bánh xe lăn trên đường ray buồn tẻ. Cac sân ga trong ánh điện hoặc trong lớp sương mù. Đang nằm, chợt cô bạn tôi vùng lên, vẫn tay áo lê thê như thế, cô tới giá sách, chọn 1 chiếc đĩa hát. Rôù cô mở chiếc máy quay đĩa mới vừa mua, giá 120 rúp. Bỏ tấm vải phủ, bật nắp máy, cô đặt chiếc đĩa hát và cho máy chạy. Tiếng kim chạy xè xè qua những vòng rãnh câm, Cô bạn lại nhảy lên giường, trùm chăn. Lúc ấy, tiếng hát bỗng cất lên, đột ngột: Ở tận sông Hồng em có biết? Quê hương anh cũng có dòng sông Anh mãi gọi với lòng tha thiết Vàm Cỏ Đông! Ơi Vàm Cỏ... Giọng hát bay chói vói trong không gian. Xanh và lạnh. Trời đang nắng rỡ ngoài kia, nhưng cái lạnh ly hương thấm vào da thịt. Bài ca, như sợi chỉ bạc mong manh, lạc lõng giữa khung trời. Nó khiến tôi có cảm giác bị xô đẩy tới tận cùng trái đất. Rồi nó lại kéo tôi về với 1 triền sông quen, bờ cát nóng bỏng ánh trời, cánh buồm tả tơi chòng chành trên sóng nước, tiếng kêu khắc khoải của lũ chim di trú bay. Trời ơi, mái nhà đã sụp lở của mẹ tôi. Một bên mái ghép bởi tấm tôn và mảnh giấy tẩm nhựa đường. Ngày mưa, tiếng mưa gõ trên mái tôn rổn rảng. Trưa hè, mùa nhựa đường khét lẹt bốc lên khiến ta muốn buồn nôn. Những rãng nước bẩn chảy từ nhà nọ sang nhà kia, dưới các phiến gạch xi măng ghép. Lũ trẻ trong ngõ thường khuấy dòng nước đen nhơ bẩn đó lên chơi. Chúng thả xuống cống những con thuyền gập bằng giấy trắng. Ngay bên rãnh nước, bụi nhài tỏa hương ngây ngất. Con đường phố quen, những bụi cỏ leo cớm nắng dưới chân tường, nơi lúc nào cũng khai nồng nặc vì dòng nước tiểu của đám người say bia vô sỉ rót xuống. - Hằng ơi! nghĩ gì thế? - Không - Nhớ nhà quá mày. Đau quặn ruột. - ... Cô bạn tôi cất tiếng rên rỉ. Nó quấn chăn lăn giẫy ầm ầm trên giường, rồi đột ngột bật kêu to: - Ối giời ơi, thế này thì chết mẹ nó đi cho xong. Tôi im lặng, không đáp. Vì chính tôi cũng đã khóc tự lúc nào chẳng rõ. Nước mắt nóng và mặn khiến tôi nghẹn họng. Trong làn sóng nước mắt, gương mặt u uất của mẹ tôi hiện lên. Mắt bà rất đen, lút dưới 2 hố sâu, chiếu ra những tia sáng buồn. Trong cái nhìn của bà găm giữ nỗi thống khổ và sức chịu đựng không thể đo đếm. Hồi trước, mỗi lần gia đình chúng tôi gặp tai biến, là 1 lần mẹ nhắc nhở: - Làm người cốt nhất là không được thối chí. Chỉ 1 phút xuôi tay, mọi sự sẽ đổ nát. Gừng già gừng rụng, gừng cay, anh hùng càng cực càng dày nghĩa nhân. Mẹ đã sống theo châm ngôn ấy suốt đời. Mẹ muốn tôi cũng sống được như mẹ. Vậy mà tôi đã làm gì cơ chứ? Ông cậu ruột, người em duy nhất của mẹ bị ốm, điện cầu cứu tôi, và tôi đã định làm ngơ. Ở phòng gác dan, bà Vêra đang đan 1 tấm khăn len bằng rất nhiều thứ ken tháo từ các tấm áo cũ ra. Tấm khăn ấy có thể choàng kín cả tấm lưng đồ sộ của bà viø nó xấp xỉ 1 tấm khăn trải bàn. Đôi tay nhỏ, trắng trẻo, trẻ hơn mặt bà 10 tuổi, luồn lách mũi kim 1 cách khéo léo. Không ai đoán được 1 người vóc dáng thô tháp, mông vại, lưng gấu gù gù như bà lại có thể đan nổi chiếc khăn đẹp thế. Bà đang chăm chú đan nốt những dòng cuối cùng. Thấy tôi, bà ngẩng mặt lên nhìn, cặp kính lão tụt xuống chóp mũi: - Mày nhất quyết đi Matxcơva? - Cháu phải đi, bà Vêra ạ. - Tao trông mày xanh lắm. - Vâng, nhưng ông ấy là cậu ruột cháu. Bà Vêra cúi xuống: - Chờ tao 1 lát. Tôi đứng chờ, hơi sốt ruột vì sợ trễ tàu. Nhưng nể bà nên không dám giục. Bà Vêra kiên trì chiết nốt dòng cuối, rồi vuốt ve tấm khăn 1 cách trìu mến, bà bảo tôi: - Mày thấy đẹp không? - Rất đẹp. - Toàn len cũ giặt lại đấy. Bà nói, giọng đầu tự hào. Xong xuôi, bà ghi tên tôi vào cuốn sổ trực to tướng. Chỉ đợi có thế, tôi vội vã chào: - Cháu đi đây. Nhưng bà gác dan đã thò cánh tay hộ pháp qua cửa nắm tay tôi: - Chờ đã. Tao cho mày mượn tấm khăn len này. Đêm nay sẽ phải dùng tới nó đấy, chuột nhắt ạ. Tôi cúi chào, cảm ơn người gác dan nặng 92 kilô, tốt bụng nhưng cũng nghiệt ngã và hay nổi nóng 1 cách bất ngờ, như hầu hết những người đàn bà góa bụa sau chiến tranh ở nước Nga. Tôi đi ôtôbuýt ra ga. May mắn sao, tôi đã tới kịp chuyến tàu tốc hành duy nhất trong ngày. Tàu khởi hành lúc 5 giờ chiều. Khoảng khắc ấy, tất cả các ngôi nhà trong thành phố, những rặng cây bên vỉa hè, và các mảnh rừng nhỏ nằm xiêu xiêu nơi ngoại ô đều đẹp lên rực rỡ vì tẩm nhiễm làn ánh sáng nhấp nhoáng của vàng tan loãng. Váy các cô gái bay tung, mỏng hơn, gọi mời hơn trong thứ ánh sáng ấy. Tôi ngắm các cô không chán mắt, với tâm trạng đã trở lại thơ thới. Khi vào cửa ga, tôi bỗng chạm phải 1 người đàn bà tóc hoe vàng, quấn thành từng lọn trên mái đầu tròn trĩnh. Bà ta khẽ nhăn đôi mày lại, không nói gì. Tôi lí nhí cất tiếng xin lỗi, nhưng có lẽ giọng tôi quá nhỏ, hoặc người đàn bà quýphái đó không muốn nghe, nên bà ta đã đi lướt qua rất nhanh. Tấm áo nhung đỏ và chiếc váy nhung đen bó sát tấm thân óng ả. Cặp mắt kiêu hãnh nhìn thẳng. Mùi phấn bay như 1 loài hoa... Rồi tôi thấy mình trong gương: Một con bé da xanh tái, nét mặt ngơ ngác và âu lo, vai lép dẹt, mặc bộ đồ nâu lợt, dáng vẻ thiếu tự tin, cân nặng 42 kilô. - Đừng cả nghĩ... Đừng mặc cảm... Mình là 1 con bé đa sự, vớ vẩn... Tôi tự lẩm bẩm mắng mình. nhưng dẫu sao, cảm giác tủi hổ vẫn bám trên 2 gò má nóng rực của tôi, như lớp son dính. Tôi bỗng thấy oán ghét ông cậu tôi. Lên tàu, chui vào góc toa của mình, tôi nhắm mắt lại. Và như 1 cuốn phim sử thuật, cuộc sống quá vãng lần mở ra...