Qua biên giới Canada, ông lái xe vào Buffalo, thuộc địa phận tiểu bang New York, lấy xa lộ 90 về hướng đông và chạy tiếp tới Syracuse. Ông và người em vào một tiệm cà phê ở ngoại biên thành phố. Trong tiệm những người đàn ông Mỹ áo quần ơ hờ, và những chị đàn bà xộc xệch đang ngồi trước những ly cà phê cỡ lớn. Đèn néon đỏ, tím quảng cáo một hãng bia Mỹ trong vùng ở vách tường phía trong, sau lưng quầy dọn cà phê đỏ bầm, hắt lên vách tường một màu lờ lợ bịnh hoạn. Chú em ông đã qua lại vùng này nhiều lần. Ông ta bảo: - Anh thấy không, thành phố Mỹ nào cũng giống nhau: những toà nhà chọc trời, những bảng hiệu đập vào mắt người ta, xa lộ nườm nượp xe cộ ngược xuôi, hối hả, và chắc chắn không thể thiếu những khu nhà ở tồi tàn mà tội ác có thể diễn ra hàng ngày. - Tội ác thì ở đâu mà chẳng vậy? Chú không nhớ lúc mình còn kẹt ở bên nhà, khu Cầu Sơn mình ở, sau 75, mình đã chẳng chứng kiến hàng ngày bọn du đãng lộng hành đó sao? - Đó là sau 75. Trước kia, đâu có đến nỗi. Ngoài ra phải nói là du đãng xứ mình không bì được với tụi anh chị xứ này. Tụi này dữ dội và tàn bạo hơn bọn côn đồ xứ mình cả ngàn lần đó anh. Lưu manh côn đồ xứ mình chỉ là tép riu, loại cao bồi vườn so với dân anh chị nơi này. Súng đạn ở đây đối với bọn nó như trò đùa. Gia đình Anh Chị qua Canada lại ở được khu đàng hoàng như vậy là tốt số lắm đó. Ở mấy khu dân nghèo ớn vô cùng. Tụi em phải mất vài năm mới thoát được bọn mất dậy ở Phila. về đây. Không hiểu sao mà cô hồn ở đâu nhiều thế. Chúng lổn nhổn đầy đường. Xứ này cái gì nó cũng dạy được, trừ công dân giáo dục. Anh nhìn con ngựa cái bên kia thấy có 'bụí không? Đó là hình ảnh của một số khá đông thường dân nghèo ở đây. Chả cứ gì dân bình dân như mụ , mà ngay đến bọn ăn mặc lịch sự, lái xe láng coóng, nhiều đứa hễ mở miệng là chửi thề tùm lum, bẩn không chịu được. Ông nhìn qua người đàn bà Mỹ trung niên đang đưa điếu thuốc lên môi. Môi tím nhợt, và những móng tay sơn màu tím xẫm. Bà ta nói với người đàn ông ngồi bên cạnh bằng cái giọng ồ ề của một con ngựa cái tới kỳ. Ông nhớ tới những lần lái xe đi làm về bị những chị phụ nữ ào ào qua mặt, lấn đường, và sẵn sàng bóp còi mỗi khi không vừa ý. Những con đàn bà ấy là một trong những sản phẩm đặc biệt của Bắc Mỹ. Chúng khát tình và tiền- mà tình ở đây thì chúng học trong loại xxx. Dính đến hai chuyện này là chúng không chịu nhường bước. - Từ đây đến nhà chú còn khoảng bao nhiêu tiếng? - Khoảng 6 tiếng nữa, nếu mình chạy như sáng nay, cỡ 110km/giờ. - Chỗ chú ở chắc dân tình hiền lành? - Đỡ hơn là ở Philạ, vì nó là thành phố nhỏ. Nhưng mà cũng còn tùy khu vực. Em ở ngoại ô nên dễ chịu hơn. Trong thành phố cũng khá xô bồ. Tới đó rồi anh sẽ thấy. Anh còn nhớ chị Hằng không nhỉ? Chị Hằng nhà ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm ấy mà. -... - Chị Hằng đã có lần anh chở em lại nhà hôm đưa tiễn anh Hoàng- anh của chị ấy- đi vào quân trường. Phải công nhận là hồi đó chị ấy đẹp dễ sợ. Mà hình như chị ấy có lúc yêu anh, phải vậy không anh? -... - Trước khi qua Toronto thăm anh chị, em có gặp chị ấy cùng đứa con hôm đi chợ. Chị hỏi thăm anh nhiều lắm. Ông nhớ đến cô em của thằng bạn rất thân và cũng rất quậy của ông những năm hai đứa còn học trung học. Gia đình thằng bạn thuộc lớp công chức thời Pháp. Ông bố lịch thiệp, dễ chịu, có dáng dấp của một tay công tử Hà Nội xưa; và bà mẹ đẹp , thật sang. Mấy anh em nhà đó đều đẹp trai, đẹp gái. Thằng bạn ông đã biết tán gái từ những năm đệ ngũ, đệ tứ. Hồi còn học Trần Lục, thỉnh thoảng nó nhờ ông xin phép cụ tổng giám thị nghỉ học, lấy cớ là nhà mắc bận. Thật ra nó trốn học đi chơi với đào. Nó là đứa đắt đào. Chỉ phải cái tội ham chơi, lười học. Nhưng Hoàng lại thân với ông vì ông là một thằng bạn hiền, học giỏi, chuyên môn gà bài cho Hoàng. Thường thường những chiều thứ bảy nó hay chở ông vòng vòng khu chợ Tân Định. Nó cười cười mỗi lần lên giọng bảo là dời trường Chu Văn An ở đường Trần Bình Trọng về học ở Trần Lục- Tân Định mà được lời nhiều. Lời nhất là cua được vài ba em khá đẹp. Nó để vuột mất cô con gái một cụ giám thị, xinh xắn và mũm mĩm như một búp bê, vì cô này thương một thằng bạn học lớp kế bên. May mắn là nó cũng xong được cái tú tài một. Thỉnh thoảng ông vẫn lại chơi nhà Hoàng và gặp Hằng. Bà mẹ rất mực quí ông. Năm ông học thi tú tài hai thì cô bé mới lên đệ ngũ, nhưng nhan sắc của nàng đã đủ để chiều chiều rất nhiều chàng trai lượn Solex, Mobylette, hoặc Vespa ngang nhà. Ông bần thần nhớ đến cô em thằng bạn, đẹp thật đẹp ấy. Đã có lần Hoàng dạm ý ông:'' Mày có chịu con em tao không, tao ráp lại chỏ'' Nhưng ông đã nhùng nhằng không dứt khoát. Có lần chạm nhẹ phải vai Hằng ông thấy chếnh choáng. Về đến nhà ông còn thấy cặp mắt đen tròn như có đuôi đang dõi theo ông và cặp má hây hây màu hồng đào như muốn dụi vào lưng ông. Nhưng năm ấy ông đang gạo thi tú tài, và mẹ Ông không muốn ông đến nhà Hoàng thường. Những năm sau này ông ít có dịp gặp lại anh em Hoàng. Ông vẫn ngờ ngợ có gì đó không ổn sau một nhan sắc như thế. Rồi đường đời mỗi người mỗi ngả: Hoàng vào Thủ Đức. Ông ra đi dạy. Ông đã đi dạy, rồi bị động viên đi nhiều nơi trước khi trở lại Sàigòn vào năm 1969. Đã có lần ông thấy Huyền ngồi sau Vespa ôm eo ếch một thanh niên tóc tai chải chuốt, khuôn mặt đẹp như tài tử Toshiro Mifune. Anh chàng có dáng dấp của một tay chơi. Ông nhận ra ngay vẻ đẹp sắc sảo của nàng, và thân hình đã là thân hình bốc lửa của một phụ nữ gợi cảm. Ông quay sang hỏi chú em: - Chồng chị ấy người mình ? - Người Việt mình. Nhưng chị cho biết đây là người chồng thứ ba. Không thấy chị nói gì về hai người kia. Họ có hai đứa con chung. Cuộc sống kể là ổn. Chồng làm kế toán cho một bệnh viện, vợ làm hãng dụng cụ y khoa. Em có cho chị ấy biết là tháng này anh qua chơi với gia đình em vài ngày. Chị ấy có dặn là thế nào cũng phải đưa anh lại chơi với gia đình chị ấy. Còn ông bà cụ hiện đều còn sống, ở Cali. với thằng út. * * * * * Xe chạy qua biên giới của bang New York, vào Pennsylvania. Cây bắt đầu xanh. Vào đầu tháng năm các loại cây như táo, mận, đào đã bắt đầu trổ hoa. Chỉ trong vòng tuần lễ, hoa đã chi chít trên cành. Thiên nhiên Bắc Mỹ vào thời kỳ này đẹp lạ lùng, hệt như những thiếu nữ da trắng xứ này đột nhiên rực rỡ vào tuổi dậy thì. Bao nhiêu nhựa sống tích lại vào mùa đông chợt bùng ra, vội vàng. Toàn hoa là hoa. Hoa màu trắng xen lẫn hoa màu hồng nhạt. Càng vào sâu hướng đông, xe chạy càng nhiều. Hai bên đường cảnh thật đẹp. Những đồi cây xanh, và thỉnh thoảng những làng nhỏ với những căn nhà chẳng khác lắm những căn nhà ở những thành phố mà ông chạy qua. Tới Harrisburg, xe vào 83 và xuôi nam, đến York rồi qua Reading. Cảnh đẹp nhưng xe chạy như bắt cướp. Chú em quay qua nói với ông: - Khoảng nửa tiếng nữa là về tới nhà. Đi ngang nhà chị Phú em sẽ chỉ cho anh. Chúng em cũng hay ghé thăm chị từ khi dọn về thành phố này. Bà Phú là chị họ của ông. Bà nổi tiếng là người nhiều tham vọng trong họ. Thời thiếu nữ, bà là người có nhan sắc. Bà xuất thân từ trường Sainte Marie ngoài Hà-Nội. Bà nuôi mộng ngay từ nhỏ lấy chồng quyền thế. Chồng bà trước 75 làm lớn trong quân đội. Sau 75, ông kẹt lại cùng với mấy đứa con. Bà và hai đứa lớn thoát đi được vào những ngày cuối cùng của tháng tư. Ông đã bị đi tù hơn mười năm. Những đứa con kẹt lại qua trước ông vài năm. Ông mới qua sau này. Ông và đám con kéo nhau về Texas. Có một đứa theo gia đình vợ bảo lãnh đến Montréal. Còn bà, vài năm sau khi dến Mỹ, bà cần một người đàn ông có thể giúp bà trong những chuyện vặt ở nhà cũng như trong việc di chuyển vào mùa đông gay gắt. Hiện giờ bà sống với người đàn ông ấy như hai người bạn già cần đến sự nương tựa của nhau. Ông biết những sóng gió của gia đình này qua lời kể của những đứa cháu họ. Nhưng mà, ngay từ những ngày xa xưa, mỗi lần thấy cách cư xử của ông anh rể họ đối với họ hàng cũng như lời ăn tiếng nói của bà chị họ đối với kẻ ăn, người làm; những bình phẩm, miệt thị của bà đối với những người không may phải làm những nghề mà xã hội Việt Nam xưa coi là thấp hèn, ông thấy dấy lên trong ông nỗi bất bình. Nào ai biết được ngày sau?! Xe chạy dần vào khu trung tâm thành phố. Những căn nhà xưa cũ hình như ít được chăm sóc. Những townhouse san sát nhau, cũ kỹ, buồn nản. Xe qua vài ngã tư. Góc nào cũng một tiệm tạp hoá. Đã 6 giờ chiều, nhưng trời còn nắng. Hai bên đường những gã thanh nhiên nhờ nhờ vừa đi, vừa nhún nhảy, tóc tai như người tiền sử. Có gã ngồi bệt bên góc tiệm, tay cầm chai có bọc giấy dầu bên ngoài. Ông đoán chừng là rượu. Đây đó những cô gái áo thun hở rún, vai trần đi bên cạnh những tên đàn ông lừ đừ. - Đó! Nhà chị Phú đó anh. Căn nhà bên cạnh căn có để bảng bán đó anh. Thong thả rồi anh em mình sẽ lại thăm chị. Chị ấy gặp anh chắc mừng lắm. * * * * * Ông xuống xe trước căn nhà của vợ chồng bà Hằng. Nhà nằm trong khu trung lưu của dân thành phố. Một căn nhà vừa phải, kiến trúc không có gì đặc biệt, nhưng vườn quanh nhà thật lớn, có dễ bằng sáu, bảy lần những vườn nhà bên. Ông còn đang mải ngắm vườn thì có tiếng người mừng rỡ trước cửa nhà: - Anh Châu! chị và các cháu đâu? Sao không đưa chị và các cháu qua chơi? Trông anh cũng chẳng khác xưa bao nhiêu. Hôm trước nghe chú Trúc đi Canada thăm gia đình anh, em có gởi lời hỏi thăm, mong có dịp gặp lại anh ở đây. Thật em không ngờ. Mới đấy mà đã 30 năm rồi. Anh có thấy em tàn tạ đi nhiều không? - Nhà tôi còn phải ôm mấy thằng cháu ngoại. Còn các cháu khác bận đi làm, lúc này chưa lấy hè được. Có lẽ phải vài ba năm nữa đi chơi đâu mới đi chung được cô ạ. Ông tránh trả lời câu hỏi của bà Hằng về dung nhan của bà. Mọi người bước vào nhà. Phòng khách khá rộng. Đồ đạc loại sang nhưng bừa bộn. Bà Hằng nói chữa: - Mời anh và cô chú Trúc ngồi chơi. May là ngày cuối tuần còn thở được một tí. Xấu hổ quá, nhưng xin anh và cô chú miễn chấp cho; nhà bừa bộn, đủ thứ tích từ ngày này qua ngày khác mà không sao dọn dẹp được. Một cháu mới tách ra ở riêng từ vài tháng nay, còn cháu gái cuối tuần đi chơi với bồ. - Ông xã đâu? - Ông ấy tuần này phải làm thêm vào cuối tuần, có lẽ trễ lắm mới về tới nhà. - Cuối tuần mà cũng đi làm sao? - Vâng, từ mấy tháng nay cứ hai tuần anh ấy lại phải làm thêm giờ một lần. Ông nhìn bà Hằng và bỗng nhiên thấy ái ngại: những nếp nhăn hằn rõ trên trán, trên da mặt. Những cục thịt hai bên gò má lộ rõ. Và hai khoé môi trệ xuống. Đôi mắt bà không còn cái nhanh nhẹn, tinh nghịch, mời mọc như dạo nào. Cái mệt mỏi đã đọng vào trong hai túi nằm dưới mắt, và cái nọng dưới cằm. - Cô vẫn đi làm? - Vâng, phải đi làm chứ anh, nếu không lấy gì sống hả anh. Lại còn con bé, năm tới nếu nó xuống Washington học, mình cũng lại phải góp chút ít cho nó. Ngày mai em còn được nghỉ và ông xã cũng có nhà, mời anh và anh chị Trúc đi buffet với tụi em. Anh thấy đấy, nhà cửa , bếp núc bề bộn như thế này, và thời giờ ai cũng eo hẹp. - Cám ơn cô nhiều. Gặp nhau thế này là mừng lắm rồi, khỏi bày vẽ chi cho mệt. Vả lại, ngày mai tôi có hẹn qua nhà bà chị họ Ở cách đây khoảng mười lăm phút. Chú Trúc đây đã hẹn với bà ấy từ chiều hôm qua. Ngày kia tôi chạy qua New Haven thăm một người bạn, rồi từ đó về lại Toronto. - Thế thì để em sửa soạn bánh mì quết tôm để anh và cô chú Trúc dùng chơi. Em đã làm sẵn để trong tủ lạnh, chỉ đem ra nướng là xong. Ông nhìn bà Hằng: - Chừng nào cô chú nghỉ hưu? - Tụi em còn cả chín, mười năm nữa mới về hưu được. Nếu có về hưu non cũng phải đến 60, nghiã là còn phải cày tiếp 5 năm nữa. Đuối lắm rồi nhưng vẫn phải lết. Em chỉ mong là lúc về hưu non còn đủ sức để dưỡng già. Ông chồng em mới bị stroke hồi cuối năm ngoái. - Thế thì nói chú ấy nghỉ đi. Trên 50 rồi, kiếm việc chi làm part-time cho đỡ cực xác. - Cũng muốn lắm đó anh, nhưng không ngưng được. Nhà chưa trả xong, và xe không có không được anh ạ. Mà nào em còn muốn bay nhảy gì đâu? Hai lần đổ vỡ ở VN, qua đây mấy năm đầu, em cũng có gặp một vài người trước kia biết em, khi còn ở VN, và cũng đeo đuổi em, nhưng rồi cũng chỉ là bèo bọt. Xứ này khó ai có thể nuôi nổi ai, trừ khi họ là dân ngon lành sẵn từ vài thế hệ. Dân mình qua đây, càng vua chúa, quan quyền, càng thê thảm. Em cũng đã thử một vài nghề, nhưng không thích ứng được. Nay thì em chấp nhận làm ở hãng làm dụng cụ y khoa này, lương lậu sống được, benefits khá, nhưng càng ngày nó càng hành mình về thời gian, về sức lực. Từ mấy năm nay, em làm gần như không có ngày nghỉ, trừ mỗi năm lấy hè vài tuần. Nhưng nghỉ hè mà chẳng khác chạy giặc, cũng vội vội, vàng vàng. Hình như mỗi người mang sẵn cái nghiệp trong người đó anh. Thời còn trẻ, anh biết đấy, bao nhiêu người theo em, và em chẳng phải động tới móng tay. Bố mẹ cưng chiều rất mực. Đến Bắc Mỹ này thê thảm quá! Nhưng may là sớm thoát được bọn cộng sản. Em có nghe những người qua sau kể lại về những cay đắng, khổ sở khi họ còn kẹt lại sau 75 và những nỗi thống khổ ngút trời trên đường vượt biển. -... Bà Hằng nói một hơi như muốn giãi bày những uẩn ức từ nhiều năm: - Ngày xưa, lúc anh hay lại nhà chơi với anh Hoàng, mẹ em cứ nói là anh học hành đàng hoàng, tính tình hiền lành, tương lai rồi ra sẽ khá. Nhưng năm anh thi xong phần hai, rồi anh Hoàng đi lính, anh không lại nhà chơi thường nữa. Năm đệ nhị em yêu một người trong số những người theo em vào dạo ấy. Hắn ở hải quân, đẹp trai,nhưng sau em mới biết hắn mèo chuột quá. Em liền bỏ hắn, chấp nhận lời cầu hôn của con một gia đình làm xuất nhập cảng lớn. Tụi em có một đứa con. Cháu mất vì sưng phổi. Sau vì tính tình xung khắc, cuối cùng chúng em chia tay. Hai năm sau, em lấy chồng lần thứ hai. Anh ấy làm cho một ngân hàng lớn của Mỹ ở Sàigòn vào lúc đó, nhưng rồi cuộc hôn nhân cũng thất bại. Anh ấy ghen quá, và gia đình anh chị em anh ấy lại quá khắt khe. Rồi 1975 ào tới. Gia đình em tứ tán cả. Anh Hoàng em mất tích vào những ngày cuối tháng ba ở vùng BMT. Bố Mẹ em kẹt lại VN. Em nhờ một con bạn có thằng chồng Mỹ giúp thoát được vào Toà Đại Sứ Mỹ vào ngày 28.04. Đến Mỹ, em đã vất vả nhiều những năm đầu. Có lúc em nghĩ đến tự tử. Chẳng gì em cũng đã từng là người được nhiều người theo đuổi. Em chưa hề phải làm việc cực khổ. Và những người em lấy làm chồng cũng là những người chẳng kém cạnh gì ở xứ mình. Nhưng mà, đặt chân đến Mỹ, mọi chuyện hầu như đảo lộn. Mà em, em không thể bán mình đi được! Dẫu sao, em cũng con nhà! Lúc em xuống tinh thần đến cùng cực thì gặp ông chồng em đây. Hiền lành, nhẫn nại, nhưng phải cái hơi gàn. Lúc ấy, anh ấy đã làm cho bệnh viện gần nhà hiện nay. Sau khi em được cứu thoát, anh ấy hỏi lấy em. Em lấy anh ấy cho xong. Vậy mà cũng đã sống được với nhau từ 1980 tới giờ đó anh. Bây giờ thì em an phận với cuộc sống hiện tại. Con cái chúng nó lớn rồi chúng nó có cuộc đời của chúng nó. Nhưng nhiều lúc buồn lắm anh ạ! Hình như em vẫn chưa được sống cuộc đời thật của mình. Ông ngỏ lời an ủi: - Đừng buồn chi nhiều cho mệt người cô ạ. Cô có nhà, có cửa thế này là hơn nhiều người lắm rồi. Ông xã lại nghề nghiệp đàng hoàng. Và các cháu cũng đã lớn rồi. Giờ chỉ lo giữ gìn sức khoẻ để lúc hưu còn có thể hưởng chút tuổi già. Cô đừng tưởng là chúng tôi sung sướng. Qua đến đây, lớp người như chúng tôi kể như đã 'xong' rồi; khó lòng lội ngược dòng được. Được cái may là các cháu cũng đã lớn, đã tự lo thân được phần nào, nên mình cũng cảm thấy ít bứt rứt, lo lắng hơn những năm trước, nhất là khi còn kẹt ở Việt Nam. Chắc cô cũng biết là tôi sống khá đơn giản, gần như không có nhu cầu, nhờ vậy mà cũng ít bị dòng thác vật chất xứ này cuốn đi. - Cám ơn anh. Mấy năm gần đây em cũng nghĩ như anh. Chạy đua cho bằng người ở xứ này thì có ngày đứt hơi mà chết. Trước khi làm kế toán cho bệnh viện, ông chồng em đã làm bảo hiểm, rồi bán nhà, nhưng kham không nổi. Vậy mà năm ngoái cũng bị một trận stroke, tưởng là xong rồi! Tụi em cũng muốn bán cái nhà đi, nhưng còn tiếc rẻ. Mà ở thì chỉ ngủ có vài tiếng đồng hồ mỗi tối. Dọn dẹp nhà cửa cũng không còn thời gian nữa!!! - Cô không xin làm bớt thời gian đi được à? - Mình có tuổi rồi. Nếu xin bớt giờ thì thế nào tụi nó cũng kiếm chuyện đuổi mình đi để kiếm người khác. Nói thật với anh, mấy năm đầu khi mới qua phải thuê apt. Ở gần bọn nhọ, em muốn hoá khùng. Tối ngày chúng mở nhạc, chúng đi đứng rần rần, chúng la, chúng hét. Những đứa chơi thuốc phiện thì còn tàn tệ gấp bội! Ở đây dân ăn welfare chiếm khoảng 30 phần trăm dân số thôi, mà anh thấy đấy, ra khỏi khu vực này một chút là đã đủ thấy mệt. Trên Phila. Chúng nó lổn nhổn đầy đường. Thành thử cực thì cực, tụi em vẫn rán đi cầy. Nhưng đến lúc này thì quả thật là nhiều ngày thấy đuối sức thật sự. Mình giống như con trâu già lết trên ruộng nước vậy. Ông cắn một miếng bánh. Vị bùi của tôm chiên bơ không làm tan nỗi ngậm ngùi ở đâu ùn ùn lùa tới. Lũ chúng ta! Lũ chúng ta!! Có phải tất cả chúng ta sinh ra đã lầm chốn, lầm thời?! * * * * * Nhà bà Phú là một căn townhouse nhỏ nằm ở khu nhiều di dân Puerto Rico và da màu. Phòng khách tối, trang hoàng sặc sỡ. Ông có cảm tưởng ngồi trong một am đồng bóng. Cái hình ảnh của một mệnh phụ uy quyền vào những năm 1970 đã nhoà hẳn. Bà nhìn ông: - Chú kẹt lại Việt Nam mười mấy năm mà cũng chẳng đổi khác bao nhiêu. Chú có bị đi học tập lâu không? - Già đi nhiều đó chị. Em cũng có bị đi học tập nhưng là sĩ quan cấp úy giải ngũ nên chỉ bị ít ngày. - Trong gia đình mấy anh, em tôi biết, gia đình cô chú vậy mà đỡ hơn cả. Qua đây trễ, mà lại ổn định hơn nhiều gia đình qua trước. - Cám ơn chị. Bề ngoài thì vậy, còn bề trong cũng khó nói lắm chị Ơi. - Gì thì gì tôi biết chắc chắn là gia đình cô chú khá hơn tôi nhiều lắm rồi. Tôi chẳng còn gì cả. Chồng con chẳng ra gì. Bà Phú bỗng nhiên bật khóc tức tưởi: - Cái dòng cha, con nhà nó khốn nạn quá. Lúc ở ngoài Trung, hắn hết theo con này ,lại đeo con khác. Tôi đã biết từ ngày xưa rồi, nhưng bao nhiêu lần, chứng nào vẫn tật ấy. Kẹt lại Việt Nam cũng vì mấy con điếm thối đó. Qua đây những năm đầu, nếu chú gặp tôi chú không nhận ra đâu. Phần nào chồng, con còn kẹt lại Việt nam, phần nào con qua đến đây, không biết thương mẹ tuổi đã lớn, chỉ mong sống gần con, mà thằng con lớn thì cũng không khác gì cha nó, nay theo con này, mai theo con khác. Nghĩ tới là muốn phát điên chú ạ. Đến lúc nó êm êm được một chút, chịu lấy vợ thì nó bỏ mẹ nó một thân một mình ở lại vùng này. Nó theo gia đình vợ nó qua Texas làm ăn. Tôi nói cách nào nó cũng không nghe chú ạ. Hình như tôi sống là để trả nợ cha con nhà nó. Đứa con gái lấy chồng rồi cũng qua tiểu bang khác. Tôi một thân một mình, nếu không tin vào Đấng Bề Trên thì chắc tôi đã chẳng còn sống đến ngày nay. Đuối quá, tôi phải kêu thêm người về chia bớt một phòng ở căn nhà này đây, vừa nhờ người ta đỡ đần cho mình trong công việc nhà, vừa giúp đưa đi làm, chợ búa. Tôi đã chịu cực, chịu khổ đi làm, đi học, gom góp tiền bạc gởi về Việt Nam nuôi đám con còn kẹt lại cũng như nuôi hắn, vậy mà qua tới đây, lũ con và cả hắn nữa cũng vong ơn, bội nghiã, tàn nhẫn bỏ lại tôi bơ vơ một mình. Bây giờ thì tôi chỉ còn trông cậy vào cái ông chia phòng với tôi. Ông này học hành không bằng hắn, xưa chỉ là dân buôn thường nhưng được cái chịu khó, sai bảo được... Ông nhớ đến gã anh rể họ đã có một thời mửa ra khói ở một vài tỉnh miền Trung. Gã anh họ này làm lớn nhưng tị nạnh từng chút với anh em, họ hàng nhà vợ. Hình như ông ta không muốn bất cứ ai bên họ nhà vợ học hành hay có chức tước gì khá hơn ông ta được. Ngày ông ta rời phi trường Tân Sơn Nhất đoàn tụ theo diện H.O. Ông còn thấy cô nhân tình mới của ông ta, tuổi chỉ bằng đứa con lớn đi kè kè bên cạnh. Hắn chẳng phải là nòi tình, mà là cái giống gì ấy, ông vẫn nói đùa với mấy người trong họ. Và như vậy, đã một thời, có những đứa con hoang của dân tộc đã trèo lên tới chóp đỉnh của quyền lực ở một miền. Nhưng,hình như tất cả những đứa con ấy, cũng như những đứa con khốn khổ khác của dân tộc bất hạnh này, khi lưu vong ra ngoài, đã tan ra, tan ra như những bụi tuyết giữa không gian hoang lạnh mênh mông vô cùng của Bắc Mỹ!! Ông còn đang lan man với cái ý nghĩ không mấy lạc quan thì tiếng bà Phú lôi ông trở lại : - Mấy năm nay tôi cứ phải uống thuốc an thần. Tuần nào cũng đi bác sĩ. Lúc này mọi chuyện phó thác cho Chúa. Chúa quan phòng vô cùng. Âu cũng là cái số mình phải chịu như vậy. Bề Trên định sao mình nhận chịu làm vậy. Mình càng dẫy dụa bao nhiêu thì giây trói buộc nó càng xiết mình bấy nhiêu. Bây giờ thì tôi thấy thanh thản lại rồi. Mình cũng chẳng còn bao nhiêu lâu nữa. Chú biết không? Năm nay tôi đã 72 rồi. Thời gian trôi nhanh quá! Tôi dọn mình hàng ngày!! Phải, thời gian trôi nhanh quá! Mới ngày nào, ông còn thỉnh thoảng thấy cô bé Hằng xinh đẹp, em của thằng bạn ham vui, mà chỉ vừa vào độ tuổi mới lớn đã làm không biết bao nhiêu thanh niên phải rạo rực. Mới ngày nào đây thôi ông còn thấy bà Phú khoan thai giữa đám tùy tùng. Cũng mới ngày nào đây thôi ông còn gặp biết bao người đẹp, những người mà mộng đầu đời chẳng phải chỉ là một mái gia đình nho nhỏ. Ông còn nhớ mới vài ba tuần trước ông bất ngờ gặp lại một bạn thân cũ ở Ottawa khi ông đến thành phố này thăm thằng con đang theo học tại đây. Ông đã học chung với người bạn này từ thuở tiểu học ở một thành phố nhỏ ngoài Bắc vào những năm đầu thập niên 50. Bạn đưa ông về nhà. Bạn ông thuộc loại cao, trắng, đi đứng chững chạc theo kiểu con nhà quyền quí xưa. Và cô vợ có những nét yêu kiều của Lady Di. Hai vợ chồng làm địa ốc thành công. Nhà đẹp, xe đẹp, người đẹp, ông đã nói đùa bạn ông như vậy. Vậy mà có ai ngờ thằng bạn ông đã phải mổ tim hở ngực. Hắn banh áo tự nhiên cho ông coi vết mổ chạy dài từ phiá dưới xương quai xanh xuống đến bụng. Hắn cười cười chỉ vào cô vợ, nói như thể cô vợ là nguyên nhân chính của vết thương chí tử nơi tim hắn. Và ông đã không thể nào quên được vẻ nhẫn nại có phần chịu đưng của người vợ bạn trước thái độ như có phần trách móc của chồng mình. Ông biết là người đàn bà ấy rất mực thương chồng, nhưng qua tiếng thở dài mà đôi lúc ông bắt gặp trong câu chuyện với hai vợ chồng, và cả ánh mắt mà theo ông có sức lôi cuốn, cám dỗ nhiều người của người phụ nữ ấy, trong thoáng giây như sững lại, ông thấy như cả một lớp những hồng nhan xưa đã cột vận mệnh của mình vào với vận mệnh của những thân thế chìm nổi, trên một đất nước đầy những trò chính trị phù phiếm.