Thay lời tựa

    

ếu không có một hiểu biết nào đó về quá khứ, con người sẽ khó đánh giá được hiện tại một cách công bằng.

Đối với người Việt Nam, 1954 và 1975 là những mốc điểm vô cùng quan trọng trong lịch sử cận đại.

Một cách tổng quát, năm 1954, người Pháp đã rời Việt Nam sau gần một thế kỷ cai trị. Và từ đó, thế giới đã công nhận và có những mối quan hệ với hai quốc gia Việt Nam độc lập có thể chế chính trị khác biệt, với biên giới là dòng sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17.

Cho đến năm 1975, sau 21 năm phát động và duy trì một cuộc chiến tổng thể với những hoạt động đủ các mặt, từ quân sự du kích, quân sự chính qui, cho tới chính trị, kinh tế... nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã đánh thắng nước Việt Nam Cộng Hòa, chiếm nước này và tuyên bố thống nhất cả hai lãnh thổ thành một nước cộng hòa theo chủ nghĩa xã hội.

Tuy nhiên, một hiểu biết đứng đắn về lịch sử không thể chỉ bao gồm những con số, những dữ kiện thời gian, không gian. Vì nếu không nói đến hoặc không nói lên được về những con người bình thường trong số lượng dân chúng đông đảo đã thực sự sống trong những khoảng thời gian và không gian đó, với những tâm tư, vui mừng, âu lo, mà thường khi rất đơn giản của họ, thì điều thường được gọi là lịch sử sẽ chỉ thuần túy là một kết hợp thô sơ, khô khan, rỗng tuếch của những con số, và do vậy, rất dễ vừa thiếu, vừa sai. Loại lịch sử thiếu nhân tính này lắm khi chỉ là việc ghi lại một kết hợp những tuyên bố, khẩu hiệu, chiêu bài, mang tính tuyên truyền, vì đã bị bóp méo, đổi thay để phục vụ cho những quyền lợi riêng của các cá nhân hay phe nhóm.

Riêng trong trường hợp Việt Nam, tính từ biến cố dẫn đến việc thiết lập nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, cho đến năm 2010 này, đã hơn 35 năm trôi qua, nghĩa là đã có thêm gần hai thế hệ con người sinh ra và lớn lên trong chế độ xã hội chủ nghĩa. 35 năm tuy không dài, song cũng đã đủ để khiến đại đa số người Việt Nam khó có được một cái nhìn tương đối khách quan về lịch sử của chính đất nước mình, vì khó có cơ hội biết được tâm tư của những người “khác” mình, không “xã hội chủ nghĩa” như mình. Nói đại đa số vì con số này có thể lên tới ba phần tư toàn thể dân số Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Con số ba phần tư này bao gồm hai phần tư (một nửa) là những người gốc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (rồi sau đó thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam) cùng con cái họ; và một phần tư là hai thế hệ mới, dưới tuổi 35, của những người gốc Việt Nam Cộng Hòa, đã sinh ra và lớn lên trong bối cảnh chính trị của một đất nước xã hội chủ nghĩa.

* * * * *

Duyên Anh được coi là nhà văn sáng giá của tuổi thơ. Thuở sinh thời, ông xác định ông không viết cho tuổi thơ, với nghĩa viết cho nhi đồng-thiếu nhi đọc để giải trí như loại Sách Hồng của nhà Đời Nay hay Truyền Bá của nhà Tân Dân xưa kia, mà ông viết về tuổi thơ, theo chúng tôi hiểu, là - như các tác phẩm khác nói về danh nhân, về người già, người lớn, thanh niên - để người đọc mọi lứa biết về những việc tuổi thơ nghĩ, làm, mà hiểu họ...

Quả vậy, tác phẩm Những Đứa Trẻ Thái Bình (cũng còn được tác giả đặt tên là Vẻ Buồn Tỉnh Ly) viết về một thế hệ trẻ thơ sống trong cái thời đại có thể nói là cần ghi chép nhất trong dòng lịch sử đất nước chúng ta. Những nhân vật cũng như những sự việc ông ghi kể như vô cùng trung thực.

Ông viết về mỗi đứa trẻ vào riêng từng cuốn một (Thằng Vũ, Thằng Côn, Con Thúy, thằng Khoa, Thằng Vọng), sau tập hợp lại chung làm một tác phẩm như là một thứ lịch sử dưới dạng tiểu thuyết và cho chúng tôi biết đây là tác phẩm đắc ý nhất của ông..

Dù đã được in từ lâu bên nhà và đều được in lại khá nhiều lần tại hải ngoại, nhưng vẫn dưới dạng lẻ tẻ từng cuốn, nên người đọc không hiểu được dụng ý của ông. Do đó, chúng tôi mang toàn bộ lên mạng để phổ biến một tác phẩm vừa giá trị về văn chương vừa giá trị về lịch sử để độc giả và thân hữu có một cái nhìn chính xác về một thời kỳ.

Vì là một thứ lịch sử bán chính thức của một thời đại, tác giả thuộc thế hệ sinh năm 1935. nên những độc giả cùng tuổi đọc tất thông hiểu một cách dễ dàng, nhất là những sự việc ông kể lại thì ở đâu cũng đều xảy ra tương tự.

Tuy nhiên, với những độc giả chỉ sinh khoảng năm 1940 là đã không nắm vững được nhiều sự kiện, vì thời gian từ 1945 đến 1955 quá nhiều chuyện phức tạp. Do đó, chúng tôi mạn phép nói sơ qua về thời gian này:

Bên Âu Châu, vào thế kỷ 19, hai đế quốc Anh-Pháp tiến bộ về khoa học kỹ thuật, sản xuất dư thừa, có tàu chiến súng ống tối tân (với thời đó), đi xâm chiếm thuộc địa để khai thác tài nguyên, bóc lột lao động, cũng như giành giật thị trường. Nước ta, cũng như phần lớn các quốc gia khác, thua sút nên từ nửa sau thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 bị người Pháp cai trị. Họ Nguyễn Phước chỉ còn là vua bù nhìn.

Sau Đức Quốc Xã mạnh lên, gây chiến (1939), thắng Anh-Pháp tại Âu Châu. Bên Á Châu, Nhật cũng hùng cường, đồng minh với Đức, và tung hoành tại Trung Hoa (Tàu) cũng như Đông Nam Á. Pháp tại Việt Miên Lào (Đông Dương/Đông Pháp) phải khuất phục, ngày 30-8-1940 ký hiệp ước thừa nhận đặc quyền của Nhật đối với Đông Dương, để ngày 22-9 Nhật đưa quân vào, và làm tay sai cho họ.

Tại Việt Nam, các đảng phái quốc gia (Việt Nam Quốc Dân Đảng gọi tắt là Việt Quốc, Đại Việt Quốc Dân Đảng gọi tắt là Đại Việt, Đại Việt Duy Dân gọi tắt là Duy Dân,...) cũng như quốc tế (cộng sản, Việt Nam Độc Lập Đồng Minh gọi tắt là Việt Minh) thừa thời cơ, tích cực hoạt động.

Rồi Anh, Pháp, Nga, Tàu được Mỹ giúp. Đức Nhật thành yếu thế. Tại Đông Dương, Nhật đảo chính (9-3-1945), bắt nhốt Pháp lại và giao trả độc lập cho ba nước Việt, Miên Lào.

Cuối cùng Đức đầu hàng không điều kiện ngày 9-5, Nhật ngày 14-8. Nam Triều (chính phủ Việt Nam của hoàng đế Bảo Đại và nội các Trần Trọng Kim) cũng như các đảng phái quốc gia non nớt về chính trị, không giám nhận lãnh trách nhiệm, một phần cũng vì ít nhiều liên hệ với Nhật Bản, nhường chính quyền cho những người cộng sản (30-8-1945).

Đồng Minh (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Tàu) giao cho Anh và Tàu giải giới quân đội Nhật tại Việt, Miên, Lào. Anh vào (6-9) mang Pháp theo kiểm soát từ cực nam tới vĩ tuyến 16. Trung Hoa mang quân đội xuống (9-9), kiểm soát từ biên giới phía bắc tới vĩ tuyến 16; các đảng phái quốc gia ở hải ngoại theo về.

Người cộng sản đứng trước hai địch thủ: tuyệt đối là những người quốc gia và tương đối là người Pháp tái xâm lăng. Tất nhiên họ lựa chọn đường lối bắt tay với Pháp, tương đối địch thủ, và hối lộ các tướng tá tham những Tàu để tận diệt tuyệt đối địch thủ.

Sau khi giải giới quân đội Nhật Bản, quân Anh rút, giao quyền cho Pháp ngày 5-3-1946; Tàu ký hiệp ước thủ lợi với Pháp, đội quân cuối cùng xuống tàu về nước ngày 18-9. Còn lại Pháp và Cộng Sản trực diện. Họ đánh nhau ngày19-12. Và Việt Nam bước vào cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất (1946-1954).

Người cộng sản, theo đúng sách lược của Nga Xô, hô hào chống thực dân giành độc lập. Ngưới dân Việt phần yêu nước phần không rõ bản chất cộng sản cho rằng cứ đánh Pháp đã rồi sẽ tính sau. Nhưng khi Trung Cộng đuổi được Tưởng Giới Thạch ra Đài Loan, làm chủ toàn lục địa Trung Hoa cuối năm 1949, và tích cực yểm trợ Việt Cộng, thì Pháp đành chịu thua, ký Hiệp định Genève (21-7-1954) chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến 17. Chỉ một số rất ít người may mắn di cư được vào Nam (cũng như sau này, 30-4-1975, những người may mắn di tản ra được ngoại quốc, khi cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai chấm dứt).

Đó là bối cảnh mà tác giả Duyên Anh viết trong tác phẩm đắc ý của ông. Ngoài ra, đôi khi có chút sai lạc nhỏ, khi nào tới, chúng tôi sẽ xin chú thích để giúp các độc giả thế hệ trẻ nắm vững sự kiện lịch sử hơn.

Dân Nam

Kính tặng cha tôi, ông Vũ Mộng Hùng, nông dân, sinh ra và lớn khôn ở làng Tường An, huyện Vũ Tiên.

Kính tặng Mẹ tôi, bà Nguyễn thị Đạt, nông dân, sinh ra và lớn khôn ở làng Thanh Triều, huyện Hưng Nhân.

Cả Vũ Tiên và Hưng Nhân đều thuộc tỉnh Thái Bình.

Cha nông dân, mẹ nông dân, đẻ con nông dân. Rất tự hào về Trần Thủ Độ chài

lưới, về Lê Lợi hào trưởng, về Nguyễn Huệ áo nâu...

Vũ Mộng Long

Kính tặng Thái Bình, quê hương tôi.

Kính tặng Tường An, làng tôi.

Kính tặng thị xã Thái Bình, nơi tôi gửi nhiều kỷ niệm tuổi nhỏ.

Kính tặng người Thái Bình, cùng quê tôi.

Duyên Anh

***

http://vnthuquan.net/user/Ct.Ly/duyen%20anh.jpg

Duyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long, những bút hiệu khác là Thương Sinh, Mõ Báo, Thập Nguyên, Vạn Tóc Mai, Lệnh Hồ Xung, Thái Anh, Nã Cẩu, Bếp Nhỏ, Bếp Phụ và Độc Ngữ. Ông sinh ngày 16 tháng 8 năm 1935 tại làng Tường An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ông học tiểu học và trung học ở Thái Bình và Hà Nội.

Năm 1954, ông di cư vào Nam và từng làm đủ nghề: bán thuốc sơn đông mãi võ, theo đoàn cải lương lưu diễn, quảng cáo cho gánh xiếc rong, giữ xe đạp hội chợ, dạy kèm, dạy đàn ghi ta, dạy sáo.

Năm 1960, được sự nâng đỡ tận tình của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh bắt đầu sự nghiệp văn chương và nổi tiếng ngay với tác phẩm đầu tay Hoa Thiên Lý. Tiếp theo đó là một loạt Thằng Côn, Thằng Vũ, Con Thúy.... viết về những kỷ niệm ấu thơ tại miền quê Bắc Việt, giọng văn tha thiết, nhẹ nhàng và tình cảm.

Sau đó ông trở thành một ký giả, chủ bút, chủ báo, giám đốc nhà xuất bản. Duyên Anh đã cộng tác với hầu hết những tờ báo lớn ở miền Nam trước năm 1975 như: Xây Dựng, Sống, Chính Luận, Công Luận, Con Ong, Tuổi Ngọc...

Có một dạo, Duyên Anh thường viết về giới giang hồ, bụi đời trong xã hội trước năm 1975. Trong tác phẩm của Duyên Anh ca ngợi lối sống phóng khoáng, bất cần đời của giới trẻ bị bế tắc trong cuộc sống. Tuy nhiên vẫn thấm đậm một tính cách nghĩa khí và các nhân vật của Duyên Anh đều sẵn sàng chết vì tình nghĩa và chữ tín của mình. Ngoài ra, ông cũng viết nhiều truyện ngắn và truyện dài cho thiếu nhi.

Sau sự kiện 30 tháng 4, 1975, cùng với Doãn Quốc Sĩ, Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Phan Nhật Nam, Thanh Tâm Tuyền, Duyên Anh bị liệt danh là một trong 10 nghệ sĩ nêu danh là "Những Tên Biệt Kích của Chủ Nghĩa Thực Dân Mới Trên Mặt Trận Văn Hóa - Tư Tưởng" và tác phẩm bị cấm lưu hành.[1]

Ngày 8 tháng 4 năm 1976, Duyên Anh bị bắt đi tù cải tạo trong Chiến dịch bắt văn nghệ sĩ miền Nam (tháng 4, 1976). Sau khi ra khỏi trại cải tạo vào tháng 11 năm 1981 ông vượt biên đến Malaysia. Tháng 10 năm 1983 Duyên Anh sang định cư tại Pháp. Một số tác phẩm ông viết ở Hải ngoại được dịch ra tiếng nước ngoài và dựng thành phim, như Đồi FanTa, Một Người Nga ở Sài Gòn. Thời gian này, ông cũng có viết thơ và soạn nhạc.[2]

Năm 1985, ông bắt đầu cộng tác với tờ Ngày Nay và trở thành một trong những cây bút trụ cột của báo này.

Ngày 6 tháng 2 năm 1997, Duyên Anh mất vì bệnh xơ gan tại Paris, Pháp.

Đánh giá

Gần như có hai con người đối lập trong ông. Một Duyên Anh nhà văn có lối viết nhẹ nhàng, trong sáng, mơ mộng, đầy ấp tình người. Và một Duyên Anh nhà báo ngỗ ngáo, tai tiếng, lắm kẻ thù với những bài viết sống sượng và cay độc[3] . Ông được đánh giá là một nhà văn, nhà báo có chỗ đứng cao trong văn học nghệ thuật Việt Nam, sức sáng tạo dồi dào: 34 năm cầm bút với 101 tác phẩm.