Thủy thao thức không ngủ được. Ðêm sao mà dài thế, hình ảnh người chồng yêu quí luôn chập chờn trước mắt, lẫn vào trong giấc ngủ của chị. Ðôi khi trong giấc mơ, anh ấy cũng hiện ra, lúc thì âu yếm ve vuốt, lúc thì hờn giận vùng vằng, lại có lúc anh chì chiết làm chị phát hoảng, choàng tỉnh. Nước mắt chứa chan, chìm trong bóng đêm khiến chị luôn nhớ về cuộc chia tay ngày ấy.

Vợ chồng yêu thương nhau, có đứa con đẹp như trăng tháng tám, song cuộc sống nghèo nàn không làm cho anh vui, lúc nào anh cũng thở dài thườn thượt. Mỗi lần từ nhà ai về, nếu đó là những ngôi nhà khang trang đẹp đẽ, là anh như người quẫn trí, cáu bẳn lung tung:

- Chúng ta bao giờ mới được là con người? Sống trong một cái ổ thế này, tôi sẽ chết, tôi sẽ điên, tôi sẽ chỉ còn là thằng đàn ông vứt đi, không để lại điều gì hết... Mà tôi thì muốn nhiều lắm...

Chị thẽ thọt, rón rén đi lại trong nhà, không dám nhìn anh, chị cảm thấy chị có lỗi khi chung sống với anh mà không làm gì giúp anh được. Cả con chị cũng có lỗi nữa cũng nên. Trong con mắt chị, anh là một người rất có tài, cần được săn sóc và được sống trong môi trường đầy đủ hơn thế mà mẹ con chị đã chiếm nhiều thời giờ, sức lực của anh, để đời sống của anh, dù có hết sức cố gắng đi nữa vẫn chỉ đủ ăn, đến cái cửa sổ hỏng cũng không tiền sửa nói chi đến nghiệp lớn.

Anh là kiến trúc sư, tốt nghiệp trong nước, học cao học ở nước ngoài, rồi về, nhưng một tấc đất để xây cái nhà cho mình không có. Thiết kế các công trình cho nhà nước, anh cũng đã làm vài đề án, nhưng đề án nào cũng bị phê "không có tính khả thi". Cô đơn, thui thủi, không có người trò chuyện, chia sẻ. Việc làm thì không có thành tựu. Những tư duy sáng tạo trở nên lang thang vô mục đích. Anh trở thành người khó chịu cho tập thể và cho cả vợ con. Song bản thân tính chịu đựng và bao dung, chị không thấy buồn, chỉ thương chồng da diết.

*

* *

Giờ thì anh đã đi xa rồi, anh đến với đất nước đào tạo ra anh, ở đó anh đang nổi tiếng với các công trình do chính anh thiết kế. Người ta đánh giá cao các công trình của anh: "Khu vui chơi thiếu nhi" "Nhà ở với tâm hồn con người". Anh chú trọng đến không gian, đến tinh thần, đến thói quen văn hóa, trong từng bản thiết kế, chính vì vậy mà anh khác các kiến trúc sư địa phương. Anh đem đến cho họ sự thú vị vể những cái lạ mà vẫn hợp lý... ở giữa những người ngưỡng mộ và yêu quý mình, anh đã làm được nhiều điều đáng kể, song anh vẫn thấy mình cô đơn ghê gớm. Anh nhớ vợ con, nhận ra mình xấu xí và điên khùng khi làm những người thân bực bội và đau khổ. Nhiều lần anh muốn trở về, nhiều đêm anh gọi tên vợ anh, tên con gái anh để trái tim đỡ thổn thức, đỡ cô quạnh nặng nề. Nhưng rồi anh không dám. Anh sợ cái không khí ẩm mốc vào bốn bức tường sủi rêu lên trong mùa gió nồm. Anh sợ phải nhìn thấy vợ anh suốt ngày gập lưng xuống lau nhà, mà cái nền gạch vợ anh lau rồi anh vẫn không muốn thò chân đặt xuống...

*

* *

Chị trở mình trong đêm vắng. Cái gối ướt đẫm nước mắt, nhìn sang phía giường bên con gái đang thở đều đều; chị bật đèn, thấy con xinh đẹp và giống bố như đúc mà không khỏi thở dài, đau khổ. Ðã nhiều lần nó giục chị đánh điện cho bố, gửi ảnh về cảnh quan ngôi nhà mà mẹ vừa xây cho bố xem. Nó bảo "nhìn thấy, bố sẽ mừng lắm, bây giờ đã có cả một tầng riêng để bố dùng làm phòng thiết kế, mẹ nhỉ". Chị cũng hy vọng thế. Song, chị lại đầy mặc cảm, nhỡ đâu, ở phương xa, đời sống của anh lại cũng đang hết sức thuận lợi trong các tiện nghi sang trọng gấp nhiều lần, mà chị có cố mãi cũng không theo kịp thì sao? "Ôi đàn ông, những con người làm chủ mặt đất này, họ chỉ sống cho sự nghiệp, cho những cái còn ở phía trước, chứ họ không để tâm vào cái mà họ đang có ở cạnh bên. "Chị thở dài. "Ta không có quyền làm phiền bước đi của họ"... Nghĩ vậy, tự chị cho rằng mình cao thượng, nhưng nước mắt cứ chảy dài trên má, chị nhìn sang con.

Không biết có phải vì nó mà chị cứ yêu anh mãi hay không. Trong suốt mười năm xa chồng, trải qua bao cuộc tiếp xúc và cộng tác với những người đàn ông khác, chị không hề xao xuyến một gương mặt nào. Là người đàn bà có duyên, ở độ tuổi như trái cây đang chín, rất dịu dàng và khá thông minh, chị được nhiều người đàn ông đem lòng yêu mến. Song một lòng, chị chỉ nghĩ đến anh. Chị mong một ngày nào đó anh sẽ trở về. Mà cái ngày ấy sao mãi không nhìn thấy. Con đường thời gian hình như cứ vươn dài ra không có điểm dừng. Tóc vẫn xanh mướt và chảy dài sau lưng, nhưng trái tim người đàn bà đương thì, lại cứ héo dần.

... Chị nhìn căn phòng ấm áp, đẹp đẽ mà hai mẹ con đang ở, chị hình dung về cơ ngơi của mình, một biệt thự sang trọng. Kết quả của một quá trình lao động cật lực. Song ngôi nhà không có đàn ông thì dù đẹp đến mấy cũng không hạnh phúc.... Chị buồn bã nghĩ vậy. Thở dài, tiếng thở sâu thẳm, như cuộc đời bất hạnh mà chị đang mang trải.

Bỗng chuông điện thoại reo. Hồi hộp quá phải chăng là anh ấy gọi. Cầu mong là như thế, "Anh có biết không, cả em và con đều mong anh về. Bây giờ không còn như ngày trước, nhà ta đã có chỗ cho anh sống cho ra con người rồi anh ạ".

- Em đấy à? Anh cũng đoán là em không ngủ - có nhận ra anh không? - Nếu không... thì anh xin lỗi.

Giọng nói đứt quãng đầy vẻ hồi hộp.

Một thoáng thất vọng vì không phải giọng nói thân quen của chồng. Nhưng liền sau đó chị thấy hiện ra một gương mặt rất đỗi thân quen khác.

- Nếu anh làm phiền em! - Giọng nói gần như thất vọng.

Chị lặng đi, nước mắt trào ra như suối. Ðúng rồi, người bạn cùng lớp thuở nào. Người đã từng vui với chị với những người cùng trang lứa những trò vui thơ ngây. Những trang thơ học trò và những ngày hái nấm trong rừng, những ngày đi học sơ tán khỏi vùng chiến tranh bắn phá. Người làm thơ hay nhất lớp, người đã mua hoa hồng xanh cho chị cả một thời thiếu nữ. Và ngày ngày lúc nào cũng ở bên nhau. Nhút nhát và ít nói, nhưng thơ thì mạnh mẽ... Ðã quá xa, quá xa những kỷ niệm, nhưng mới gặp lại nhau trong thời gian vừa qua, nồng nàn say đắm qua cái nhìn, vẫn không dám nói một câu. Thế mà hôm nay ...

- Anh vẫn yêu em như thuở nào, mà không cất nổi lên lời. Chỉ vì không nói mà anh luôn bước hụt. Còn bây giờ, khi biết rõ hoàn cảnh của em, anh thấy cần cố gắng thêm một lần nữa - Em có yêu anh không? Nếu việc cũ của em không còn ý nghĩa trong em nữa, và anh không phải là kẻ làm phiền... Em ơi, thời gian không chờ đợi, chúng ta đều đã... không còn trê nữa... Lại sắp thêm một mùa xuân.

Chị khóc nức nở nên không rành mạnh được điều gì với anh.

- Em cảm ơn anh rất nhiều. Em sẽ...

*

* *

Chiều nay ba mươi tết, cái buổi chiều mà bất cứ một ai cô đơn đều thấm thía đến tận đáy tâm hồn. Gia đình là nguồn cội - chị như người thất thần. Bánh chưng không gói, nhà không quét. Con gái chị thiểu não nhìn mẹ, nó thấy mẹ nó buồn, mà nhà thì không có hoa. "Mẹ ơi không thể cứ như thế này mãi, thôi con đi mua hoa đây, bánh chưng không có còn được chứ hoa thì không thể thiếu". Chị gượng cười: " ừ! thì con đi!". Nó đi rồi, chị thẫn thờ buồn bã. Bỗng nhiên, từ đâu hình ảnh người bạn thơ từ trong ký ức hiện ra: "Tại sao ta phải chối từ, tại sao ta lại làm ngơ, hạnh phúc chẳng đang trong tầm tay đó sao?"

Chị quay vào để gọi điện thoại, bàn tay run rẩy ấn phím số, đầu giây bên kia chưa đổ chuông, thì chồng chị đẩy cửa bước vào. Ðặt chiếc va ly xuống sàn, anh chạy lại ôm chị, tự nhiên như ngày chưa xa cách.

- Hãy tha thứ cho anh! Em là người đàn bà mà có đi khắp thế gian anh cũng không gặp được... Thời gian và không gian đã giúp cho anh nhận ra điều đó... Hãy tha thứ cho anh...

Thế là ống nghe điện thoại lỏng ra trong tay chị... Ðầu dây bên kia ngơ ngác...

- Anh vào đi! Con và em lúc nào cũng rất nhớ anh

*

* *

Từ đấy trong ngôi nhà đẹp đẽ, có tiếng đàn ông và tiếng trẻ thơ. Một ngôi nhà hạnh phúc như mọi ngôi nhà mà con người thường mơ ước. Nhưng có một điều mà chồng chị và tất cả mọi người đều không biết được đó là hàng tuần, trên chiếc bàn quý bao giờ cũng có một bình hoa hồng xanh.