Nghĩa là rồi cuối cùng anh tôi cũng lấy vợ. Tôi nghe tin đó trên đường vào Nam, ngang qua Phan Thiết. Tình cờ, cô nhỏ ngồi ngay bên cạnh là ngừơi thị trấn, biết anh tôi. Cô bảo anh cưới tháng trước, cưới một cô gái, ngừơi dưới tận thị xã.

- Vậy rồi sao, anh tôi chuyển về?

- Không chú vẫn ở trên vườn, nhưng cô ấy thì chuyển lên, dạy cấp hai ngoài thị trấn.

Tôi nghe buồn buồn. Anh tôi xưa nay đã có cái gì đó khác người, cái khác người khiến ta phấp phỏng lo mà không dám tin. Tốt nghiệp Ðại học Bách khoa, có chỗ làm đàng hoàng, đang được tín nhiệm, đang kiếm ra tiền, anh bỏ ngang về lập vườn trồng cà phê. Nhà tôi ở miền núi, cách tỉnh lỵ hơn trăm cây số, quanh năm mở mắt là thấy sương mù, nửa năm nắng bức, nửa năm mưa dầm. Thị trấn lèo tèo dăm nhà công sở, dân một ít chạy chợ, đa phần làm vườn. Thế mà có một cô gái bỏ phố, theo anh tôi...

Quê tối vốn ở vùng đồng, gần Thành cổ. Sau bảy hai chạy về, chẳng còn nhà cửa, vườn tược, của nả dành dụm bao lâu đi tong với chiến tranh. Phẫn chí cha đưa cả nhà đi kính tế mới, lên đất đỏ miền Tây, hì hục cuốc đất, trồng cà phê. Những năm trước tám mươi, đất vườn tôi rộng , lại đất hoang mới phá, anh em tôi bủôi đi học buổi chăm cây, tay cầm cuốc thạo hơn cầm bút. Người ta bảo cha tôi tư hữu. Ông yên chịu người ta nói, không bán đất, không chặt cây. Ðến thời buổi kinh tế thị trường, vườn cha tôi thành cái túi đẻ vàng.

Anh tôi học giỏi. Hết cấp ba, đỗ ngay đại học, may nhờ chú tôi làm cán bộ tỉnh, chạy cho mới có cái giấy gọi nhập học. Cha cười khẩy: ”Ðứa nào học, cứ học. Sau rồi cùng về vườn ta mà chia đất“.

ở nhà tôi, bất kể cha nói điều gì, từ lớn chí bé đều phải nghe theo. Thuở nhỏ, bốn anh em tôi, anh Nghĩa thứ nhất, tôi thứ nhì, sau là con Hạnh con Dung, hễ cha gọi là dạ ran, mẹ suốt ngày lầm lũi bếp núc, cha bảo gì cũng gật, chẳng dám trái. Bao nhiêu lần anh em tôi sắm sách vở đi học, cha đều bảo: ”Chúng mày đi học, biết cái chữ rồi về đây với tao, tiền đủ ăn ba đời. Bươn chải làm gì!“. Nhưng anh tôi đã làm trái ý cha, anh nuôi mộng học hành, về phố, làm người nhà nước. Rồi anh nhập trường, chỉ mang mỗi cái ba lô cóc chú tôi cho, không ngửa tay cầm của cha một đồng. Ðường ra thủ đô xa lắc. Nghe kể năm đầu anh phải đi bán phở đêm cho một nhà hàng kiếm tiền. Cha nghiêm ngặt, cấm mẹ tôi gửi tiền.

Năm năm học xa, ảnh chỉ về nhà có một lần. Tôi ngày đó đang đi học cấp ba, lêu lổng, chơi và làm thì nhiều, học chẳng bao nhiêu. Gặp anh ngoài ngõ, tôi suýt không nhận ra. Anh cao to, da trắng, tiếng cừơi ngạo nghễ như phá.

Tối đó cha mở rượu. Ba cha con ngồi trên chíêu ngoài hè, cha rót tràn ly. Tôi uống một cách thành thạo. Anh tôi hỏi:

- Nhân, em uống đến thế cơ à?

Cha cười khùng khục: Cho nó uống. Thằng này rồi nối được chí tao. Cả cái huyện này, hỉêu hết cây cà phê, trừ tao, chỉ có nó.

- Cha đừng tập hư nó vội. Sau này ra đời tự nó sẽ biết.

- Tao tập hư?

Cha uống say, đuổi anh tôi khỏi nhà, mặc cho tôi van lạy.

”Cho nó đi. Nó ắt phải biết hộc máu ra mới kiếm được nửa hào của thiên hạ“. Cha khóc.

Khuya, chờ cha ngủ say, tôi mò ra vườn. Trăng hạ tuần vắt chéo một mảnh lờ mờ. Anh tôi gục mặt gốc xoài lớn, nơi thuở xưa anh em tôi đánh võng dãy chuối buộc ngang cành nằm đọc truyện cổ tích. Sương xuống ướt đẫm vai. Anh ôm tôi vào lòng. Tôi mười bảy, đã dài chân dài tay, vậy mà cứ thấy mình nhỏ thó trong anh. Tôi nghe tim anh đập mạnh.

- Nhân ơi, anh phải đi bây giờ. Cha tỉnh, xin lỗi cha hộ anh. Lạy mẹ cho anh. Còn em, em phải vào đại học, đi khỏi đây...

Anh vỗ lưng tôi, rồi xô bật tôi ra, bước đi như chạy. Bóng anh lẫn vào nâu sẫm muôn ngàn bóng cà phê, như một cái gì ám ảnh cứ dai dẳng bám mãi lấy tôi suốt nhiều năm sau này.

Tôi học kém, kém đều các môn. Chỉ nhiều trưa lục lọi cái tủ sách đầy mạng nhện của anh tôi để lại, tôi mới biết thế nào là Sê khốp, là Tố Hữu, là Xuân Diệu, là Thế Hanh...

Tôi thi Ðại học Tổng Hợp, khoa Văn. Trượt. Cha cười khà: Mày chẳng đi khỏi đất này đâu con ạ! Cứ bươn chải đi, không khỏi, tao bảo mà.

Một năm, tôi câm lặng theo cha trồng, hái, bán và phê. Một năm, tôi chạy chiếc Minxcơ to đùng xuống phố, đổi tiền thành vàng cho cha. Một năm, hễ rỗi việc, tôi lại lén lục tủ sách của anh tôi. Tôi vỡ ra nhiều điều. Ðến kỳ, tôi lại về Huế thi. Tôi cao lớn đen nhẻm giữa một đám học trò chân tay trắng đũi. Tôi cắm đầu trên trang giấy, lì lụi viết về những gì tôi láng máng hiểu, viết đến nhừ tử bàn tay chai lì sạm đất. Tôi đỗ thủ khoa năm đó.

Cha tôi uống say, không nói nửa lời, đặt cộp cái bình rượu, vỡ đôi. Mẹ tôi len lén dọn, len lén gói ghém đồ đạc cho tôi. Mẹ đưa tôi cái nhẫn hai đồng cân. ”Ði đi con. Học hành tử tế, nên người...“

Tôi nhìn mắt mẹ, mắt mẹ đầy bóng tối, đuôi mắt hằn sâu bao nhiêu dấu chân chim.

Tôi về Huế. Huế tầm mặc dáng tự cổ xưa. Sông Hương lững thững một dòng. Mùa thu đầu mưa não lòng. Tôi yêu nàng từ buổi gặp ban đầu. Nàng xinh và kiêu kỳ. Nàng có người yêu, chàng công tử trắng như bột lún phún ria, lớp trưởng của tôi. Họ là cặp xứng đôi. Ðám con trai lớp tôi kháo nhau thế. Giọng Quảng nàng nhẹ như hơi thở. Mắt nàng lúng liếng. Nàng cười với kẻ khác.

Tôi đập vỡ đúng mười cái gương soi. Mắt tôi xếch, mày tôi rậm rì, mặt đầy mụn trứng cá. Tôi xoè bàn tay, bàn tay đầy những vết chai, những vết chai đè lên từng đốt lóng. Ðám con gái cười khúc khích sau lưng tôi. Cả nàng nữa, nàng kê chiếc cằm thanh tú lên vai anh chàng nọ, cừơi giòn. Nàng gọi tôi là ”Người rừng“.

Tôi đốt chiếc nhẫn hai đồng cân của mẹ trong vòng có một tháng. Rượu và bóng nàng cứ nhập nhoè làm một. Ðêm lại, trùm trong tấm mền cũ, giữa đám bạn bữa đầu rụt rè đã thành ma mãnh ngay sau có nửa tháng, mắt thâm vì gạo bài và đánh cờ, tôi nghe lòng trào lên một nỗi ẩn ức. Tôi kéo lê gương mặt xuống cấp lên lớp, về cư xá, và chiều chiều ghé đít xuống bờ cỏ sông Hương, nghe vọng bên kia bờ lời ai đó sướt mướt: ”Dòng Hương Giang vẫn vô tình trôi lặng lẽ. Khô héo lá gan...“

Gần cuối năm thứ nhất, trong một chuyến qua Húê công tác, anh tôi ghé tìm tôi khi tôi đang chuồn giờ nằm ở nhà. Anh vẫn thế, cao lớn, phong độ, có phần vui vẻ hơn. Anh đã đi làm, một cơ quan Bộ hẳn hoi. Anh bắt tôi cắt tóc, cạo râu. Anh cười:

- Chú mày đang khốn khổ vì một cô nàng nào đó chứ gì? Chuyện nhảm, em ạ! ở đời phải biết lo cho những cái khác lớn hơn.

Tôi theo anh nửa tháng trời, và anh cho không phải là những bữa cơm thịnh soạn mà bọn sinh viên nội trú đêm nằm cũng không dám mơ hay mấy bộ quần áo mà đến kỳ sinh nhật bạn gái, tụi cùng phòng tôi lại lôi ra mặc, mà là cái phong thái đĩnh đạc, cái vẻ phớt đời đến bất cần của anh. Ngày cuối khi sắp xa tôi, anh dẫn tôi đến một ngôi nhà nằm sâu trong hẻm đường Huyền Trân. Anh giới thiệu tôi với người đàn ông gầy gò, tóc dài quá vai:

- Ðây là Hướng, bạn anh, em cứ đến đây, anh Hướng sẽ bảo em cần làm gì.

Tôi đến anh Hướng, tuần ba bủôi tối, mướt mồ hôi vì những đòn Karate, càng mướt mồ hôi hơn nữa vì những sợi dây đàn ghi ta. Tay tôi cầm cuốc mãi không đau, vậy mà bây giờ sờ đến những ngón đàn, lại đau. Sau đó thỉnh thoảng tôi nhận được những cuốn sách anh tôi gửi, sách trong nước, sách nước ngoài, cả những tài liệu anh tôi tự dịch bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Tôi ngấu nghiến đọc, lao đầu vào những ngón đòn Karate, vào những ngón tay anh Hướng múa trên dây đàn. Tôi nhập tâm lúc bài hát bên kia sông.

Tôi quên mất sự hiện hữu của nàng, dù nàng vẫn đi cùng tôi lên giảng đường, dù ngày ngày tôi vẫn thấy đôi mắt to đã tắt hết vẻ giễu cợt, chỉ còn nỗi trầm buồn.

Thắng, thằng bạn kế giường tôi bảo tôi là thằng đụt. Tôi nhún vai:

- Thì đã sao?

- Hừ, mày không biết tụi con gái của khoa điên lên vì mày à? Mà con Phi đang chết đuối đấy!

- Thế thằng công tử Hoàng, cái phao cứu nó đâu?

- Nó vứt rồi.

- Lúc nào?

- Từ cái buổi mày ôm đàn gào ”Mùa thu xứ Huế“ trên giảng đường ấy.

Tôi lại nhún vai, cái nhún vai học được của anh Hướng nốt. Tôi nhận ra điều đó và không ngạc nhiên về mình.

Công tử Hoàng, lớp trưởng bảo rằng tôi là thằng mang tư tưởng tiểu tư sản từ đỉnh đến gót chân. Lý do, tôi cứ luôn gào ”Mùa thu xứ Huế“.

- Ðó là một bài hát hay. Tôi trả lời cụt lủn trong buổi họp chi đoàn.

- Nhưng cậu phải biết đó là bài hát của những tay sinh viên năm chót bảy lăm đã hát trước khi bỏ Huế vào Sài gòn chui qua máy bay Mỹ. Ðó là sự nhục nhạ niềm tin của chúng ta.

Tôi giáng cú đấm như búa bổ vào bộ mặt mang kính cận.

Tôi thức trắng hai đêm liền viết không xong bản tự kiểm điểm. Tôi lại nốc rượu và gào ”Mùa thu xứ Huế“. Tôi nhắm mắt mà gào. Ðột nhiên mở mắt. Nàng đang đứng trước cửa phòng. Mắt nàng bừng bừng như trong cơn sốt, áo nàng mỏng dính và trong suốt. Mười thằng con trai trong phòng tôi cùng lúc dán mắt vào cái hình thể tròn lẳn hằn rõ sau lần áo của nàng.

Tôi đâm bổ đến nhà anh Hướng. Lần đầu tiên sau ngày đập đủ mười cái gương tôi lại soi gương. Cũng lần đầu tiên tôi biết mình đẹp trai, cái vẻ đẹp hoang dã đang là mô đen thời thượng.

Tôi và nàng lên tầu, xuống Lăng Cô, lên Bạch Mã. Tôi ngộp thở ngắm nàng trong suốt trên thảm cỏ xanh, giữa gió và trời, giữa cây rì rầm của suối. Và tôi cay đắng biết nàng không còn trinh, không còn trinh từ lâu rồi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy bị thương tổn đến thế. Nhiều đêm sau, tôi tự hiểu âu cũng là lẽ thường.

Thằng bạn đưa tôi lá thư đóng dấu bưu điện cách đó nửa tháng đã nhàu nát. Thư em Dung tôi. Chữ em tròn tựa trẻ nít: ”Anh Nghĩa về ở nhà rồi anh ạ! Anh Nghĩa mong anh...“.

Tôi về. Anh tôi đã mua mảnh vườn cúôi thị trấn, sống một mình. Anh mới ngoài ba mươi mà sao trông già nua quá. Tôi bùi ngùi không dám hỏi, lòng tứa máu khi nhìn những trang sách đốt vương vãi trên bãi.

Tôi ngủ chung với anh mấy đêm. Anh trở mình luôn không nói. Tôi chộp lấy bàn tay anh.

- Sao anh không nói điều gì đó với em?

Anh cười, cái cười thoảng nhẹ, không thành tiếng ”Lòng người sông bể. Buồn làm gì hả em?“.

Lần thứ hai tôi lại mang cái cảm giác tựa như khi nàng không còn trinh.

Tốt nghiệp ra trường, cầm tập hồ sơ đi xin việc, tôi mới thấm cái nỗi đời rằng, con người ta đứng được trên đất chưa chắc nhờ đôi chân vững. Cái dòng máu kiêu hãnh chính cha tôi chứ không ai khác truyền mớm cho anh em tôi từ thuở hoài thai không cho phép tôi cầm tiền của cha. Tôi không thể cưới nàng khi tôi chỉ có hai bàn tay trắng và những vết chai sần chưa tan. Tôi tìm đến anh. Tóc anh dài như tóc anh Hướng khi xưa. Dáng anh cao lớn còng xuống vun những gốc xoài, gốc cà phê non. Tôi quay trở ra không kịp chào anh. Người ta kháo nhau rằng anh bị lừa mất đứng một công trình khoa học tầm cỡ quốc tế.

Tôi nói với cha: ”Cha cho con mượn hai cây. Con sẽ làm đủ trả cha“.

- Mày làm gì hơn ngoài trồng cà phê.

- Con làm gì tuỳ con. Nhưng con sẽ trả đủ cha.

- Thôi được. Nhưng mày chỉ cần có hai cây?

- Hai cây! Tôi nói cứng.

Mẹ nhìn tôi, hoảng sợ. Tôi an ủi bà: Mẹ tin con đi. Kiếm đủ tiền con sẽ về tỉnh xin việc làm ngay thôi mà.

Bà thì thầm:

- Mẹ còn một số vốn. Con cầm lấy mà chạy việc.

- Vấn đề không phải ở đó mẹ à!

Tôi cầm số vàng cha đưa, hùn với thằng bạn cũ, đi buôn trầm qua biên giới. Những ngày tháng chui nhủi rừng rú, trèo đèo lội suối, ngủ chung với dân buôn ném tôi về sự từng trải tận cùng. Tôi ném cây đàn xuống suối và quên ”Mùa thu xứ Huế“ từ bao giờ.

Hai tháng sau tôi trả đủ cha số vốn vay. Mỗi lần về phố sau cuộc đi, thằng bạn gạ cho tôi những con sẻ kháu khỉnh. Tôi chối từ. Tôi muốn chung thuỷ cùng nàng. Nó cười hô hố khi nghe tôi bảo thế. Tôi đấm nó gãy chiếc răng cửa. Nó lau máu nhểu trên môi, nhếch giọng: ”Rồi mày sẽ thấy lời tao linh diệu“.

Khi có đủ mười cây vàng, nàng nhào đến nhà tôi. Nàng van tôi hãy đưa nàng đi. Tôi bảo nàng đợi tôi thêm một thời gian.

- Ðể làm gì?

- Ðể lo cho anh và em

Nàng quay trở vào Nam. Tháng sau tôi hay tin nàng lấy chồng. Tôi sụp đổ, mắt vằn tia máu. Thằng bạn lại cười hô hố. Lần này tôi không đánh nó. Tôi bỏ đi.

Tôi tiếp tục lăn lộn giữa đám dân buôn lậu, ngủ giữa quần xịp, coóc sê, phấn rôm, dép Thái, giữa trầm, vàng, bao nhiêu thứ. Nàng đã yên bề gia thất. Mẹ giục tôi cưới vợ. Tôi cưới ngay con gái gã trưởng phòng đã đòi tôi năm chỉ vàng ngày tôi đi xin việc. Tôi cụng ly với ông bố vợ và đưa vợ ngược hướng Tây, ném vào rừng cà phê của cha tôi. Cô nuôi hy vọng một ngày đẹp trời nào đó, tôi sẽ đem cô trở về, như một bà hoàng. ừ thì cứ để cô ta hy vọng. Tôi đang sống cái gọi là cuộc đời tôi.

Tôi đã nhiều tiền. Vợ tôi cũng chẳng còn trinh như nàng. Tôi thì từ lâu đã chẳng còn chung thủy với nàng hay với vợ. Rồi khi đang phất, tôi bị công an vây hàng, phải bỏ của chạy lấy người. Của cải bị tịch thu. Tôi thành tay trắng, trắng như cái thuở ngửa tay vay của cha hai cây vàng.

Cha tôi cười: ”Tiếc làm gì!“

Vợ tôi khóc sưng cả mắt.

Tôi lạnh lùng nhìn thằng con vừa chào đời, đỏ hỏn.

Bao nhiêu đêm chong mắt nhìn trăng núi toả mờ, phất phơ đâu đó là gió trời, là những ảo mộng xa xưa nào đã cố tình quên. Tự thẳm sâu có tiếng gào gọi hồng hoang. Tôi cầm bút nghiến ngấu viết về những gì vừa trải qua tức thì. Bao nhiêu, bao nhiêu cảnh nháo nhào hỗn độn mà thầm lặng của đám buôn, bao nhiêu nước mắt, mồ hôi để đổi lấy đồng tiền, bao nhiêu những cuộc đời, bao nhiêu những số phận... Tôi nổi tiếng ngay từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên và nhận được lời mời cộng tác của một tờ báo lớn. Tôi ra đi không nghĩ ngợi. Tôi chẳng chờ đợi gì ngày mai, nhưng cũng không gì nốt hôm nay.

Tôi trở ngược tàu ngay tại Phan Thiết, quay ra Bắc, về nhà. Tôi bước vào ngôi nhà tĩnh mịch của anh, lòng bối rối. Một phụ nữ quay mặt lại phía cửa sổ trông ra sườn núi đầy mây trắng. Mái tóc cặp cao để lộ cái cổ trắng trên đôi vai mảnh bởi cổ áo quá rộng, phía bờ vai hằn rõ một nốt ruồi son to. Chẳng lẽ là con chim nhỏ của tôi? Tôi quay lưng định bước đi, nhưng phía sau đã có tiếng gọi khẽ:

- Anh Nhân!

- Em, là em- Ngực tôi buốt đau.

- Anh vừa về?- Giọng em bình thản. Chắc là em biết trước điều này- Anh ngồi xuống đi!

Tôi ngồi xuống, đúng hơn là tôi đã ngã xuống ghế. Mắt em vẫn nâu như ngày xưa đó, và những nốt tàn nhang trên khuôn mặt em vẫn gợi một chút gì thương cảm. Tôi hình dung rõ em, sau đêm trắng cùng tôi, những nốt tàn nhang đậm hơn lên, và da em buổi sáng sớm thường xanh xao.

Tôi định cầm lấy tay em khi em rót nước mời tôi. Lại cái phản xạ ngu ngốc theo quy luật tình cảm hay một thứ gì khác không biết nữa. Em lắc đầu. Em tiết kiệm lời nói, như từ xưa đến nay em không hề nói với tôi một lời gì cả. Tôi nhớ khi em chối từ tôi, em cũng chỉ lắc đầu quầy quậy như thế.

Tôi gặp em trong cuộc vui do mấy tay nhà báo địa phương tổ chức. ”Cây bút trẻ đầy triển vọng của tỉnh nhà“. Thằng bạn làm báo giới thiệu, kèm theo một câu rỉ tai: ”Con nhỏ này, mày có thể xài nó như một thứ đồ trang sức“. Tôi nhếch môi. Lại cô nhí đắm say ảo tưởng tài năng giữa một giếng khơi đầy lời tâng bốc. Tôi không lạ gì các cô. Những cuộc chơi lãng mạn đã nhàm chán từ lâu. Nhưng cũng chẳng sao, nếu không nói là hoài của. Tôi tự an ủi mình thế.

Trong căn phòng nhỏ tay bạn cho mượn hôm ấy, tôi chạm nhẹ vào khoé miệng em lạnh tanh. Hàm răng nhỏ của em cắn chặt. Vậy ra trên đời này vẫn còn một người đàn bà không ham muốn tôi. Tôi bảo em vô cảm. ”vâng hình như thế“. Em trả lời, cũng chẳng biểu lộ một cái gì. Tôi ngạo nghễ cười vào mặt em. Ðằng sau cái vẻ ngoan ngoãn, sau những cái lắc đầu sau bộ áo đức hạnh là thế này đấy. Tôi nguyền rủa tôi, tôi nguyền rủa em, tôi nguyền rủa tất thảy những ngừơi đàn bà đã qua đời tôi, trái tim ngưng đặc máu. Tôi chiếm đoạt em chán chường và hung hãn như chưa bao giờ được như thế.

Và tôi ngạc nhiên, tôi không đau lòng, chỉ ngạc nhiên thôi, bởi vì em là ngừơi đàn bà còn trinh tiết đầu tiên tôi gặp sau ngần ấy năm làm đàn ông. Cái trò chơi nhàm chán với tôi thành thứ bùa hộ mệnh linh thiêng của em. Ðiều ấy làm tôi hãi sợ. Tôi xua em đi. Rồi tôi cũng quên mau chóng nhưng từng quên rất nhiều.

Sau đó thảng hoặc tôi có gặp em. Bao giờ em cũng mỉm cười chào tôi, đôi mắt nâu sáng ánh lên những ánh sáng mới mẻ. Tôi lại nhếch môi. Ðấy thôi, em cũng vứt toẹt nó lại đằng sau, hơn gì tôi, hơn gì những người khác.

Bây giờ em hiện diện trong nhà tôi. Em kéo về cả tuổi thơ tôi, em kéo về hết thảy mọi điều đã qua... Bây giờ tôi hiểu mình bất lực.

Anh tôi về cùng một thằng nhỏ chừng bốn năm tủôi bồng trên tay. Thằng nhỏ rất giống anh tôi. Giống anh tôi và giống tôi. Thằng nhỏ có gương mặt của chúng- tôi.

Em ý tứ dắt đứa bé ra vườn. Từ ngoài ấy vẳng vào tiếng cười trong trẻo của em, tiếng bi bô của thằng bé.

Còn lại tôi và anh

- Con chú đấy! Nó lên bốn rồi.

Tôi mở tròn mắt, kinh ngạc.

- Tất cả những gì chú gây ra cho cô ấy cũng không làm cô ấy khác đi. Có thể trái tim ấy nhiều máu hơn tôi và chú và có lẽ từng nghe trái tim ấy bình thản đập mà anh nghiệm ra rằng, còn nhiều bóng mát trên đường đời.

Tôi ngước nhìn anh. Gương mặt anh toả rạng một niềm thanh thản. Tôi chợt vỡ ra, với anh, cuộc đời ở trong sự bình thản này.

Ngoài kia em và con trai em say sưa đùa nghịch dưới những gốc cà phê chấp chới nắng. Ðất vẫn đỏ cái màu đỏ trù phú. Trên đó, tôi thấy cây cối chưa hề lụi tàn.

Hết