Chương 1
Vừa được nghỉ hè, thì mẹ tôi lại được thư của dì Quyên từ miền Nam gởi đến. Cả một bức thư dài hình như chỉ đề cập đến cuộc sống thôn quê. Dì Quyên có một nông trường nhỏ và một vườn hoa rộng, cuối thư dì viết: "Nếu Tiểu Cẩn thấy chán cuộc sống ồn ào ở thành phố, muốn thay đổi môt chút không khí lành mạnh, chị khuyên nó nên đến miền Nam này với em, ở chung với bà dì cô đơn một thời gian xem sao... " Mẹ đọc xong thơ đưa cho tôi hỏi: - Sao Cẩn? Con muốn về chơi với dì Quyên không? - Để thủng thẳng tính. Tôi uể oải đáp, dù đã mơ ước được ngắm vườn hoa của dì Quyên thật lâu. Nhưng cảnh sống ở thôn quê chẳng hấp dẫn với tôi tí nào cả. Lý do chính là sự hiện diện của Thụy Bình. Nếu xa thành phố nghĩa là tôi sẽ phải xa chàng, đó là một sự buồn nản, khó chịu, đời sống nếu chỉ để ngắm hoa và hầu chuyện Dì Quyên thì có gì vui thú. Vì vậy, đề nghị của bà dì cô đơn phải lảng thật nhanh trong đầu tôi. Mẹ cũng không buồn nhắc đến. Mãi đến lúc có chuyện gay go giữa tôi và Thụy Bình. Thụy Bình là sinh viên năm thứ tư ban ngoại ngữ trường đại học chính trị. Chúng tôi đã quen nhau trong buổi dạ vũ tại nhà một người bạn, trong dịp giáng sinh. Kể từ đó tôi như mắc phải cái nợ mấy trăm năm với chàng, không trả không được. Cuộc hò hẹn nào cũng không thiếu vắng sự hờn dỗi, cãi nhau. Nguyên nhân: Chàng quá đẹp trai. Những yếu tố đó của chàng đã giữ chặt tôi, nhưng cũng làm tôi đau khổ. Chàng như một loài thú bất kham, một thứ ngựa chứng ở rừng già mà khả năng tôi chưa đủ để giữ riêng chàng cho tôi. Thái độ bông đùa bất cần với tình yêu say đắm mà tôi trọn vẹn hiến dâng, nhiều lúc làm tôi điên tiết. Vì vậy, mỗi khi xa nhau là lại nhung nhớ, nhưng lúc gặp nhau là chắc chắn lại có chuyện gây gổ. Tôi biết ngoài tôi ra, Thụy Bình còn có cả đám con gái khác vây quanh. Bình không giấu tôi chuyện đó (điều này càng làm cho tự ái tôi khó chịu). Trong khi tôi chỉ có một mình chàng, và tôi hằng ao ước chàng chỉ có một mình tôi thì Bình lại như chú bướm nhởn nhơ, hết dạo đóa hoa này lại tìm đến đóa khác. Tôi không có một lý do gì để ngăn cấm Bình qua lại với những thiếu nữ khác. Vị trí tôi không cho phép tôi làm chuyện đó. Trong lúc tôi đang bực tức thì Bình lại thân mật hơn với những cô gái kia nhiều lúc còn hơn cả với tôi. Tôi dỗi hờn quyết định không thèm để ý đến Bình nữa, nhưng mỗi lần nhìn đôi mắt đen nháy với nụ cười đùa cợt của chàng. Bao nhiêu sự cương quyết kia lại tan rã. Sự mềm yếu nhiều lúc làm tôi thấy tự giận mình. Hôm ấy, chính mắt tôi đã chứng kiến cảnh Bình kéo tay một cô gái ăn mặc hợp thời trang rời rạp hát. Thế mà Bình vẫn thản nhiên cãi nhau nhiều lúc làm tôi đau khổ nhưng chỉ có tôi khổ thôi chứ Bình thì vẫn tỉnh bơ với lối hẹn mai gặp. Bình đi rồi tôi mới thấy khổ, có lẽ tôi quá ngu ngơ, bây giờ Bình mặc tình thao túng, trong khi tôi chẳng làm gì được chàng. Một chút can đảm dứt khoát lóe trong đầu, và tôi thu xếp vội hành trang, mẹ đã ngạc nhiên khi nghe tôi nói: - Con muốn đi thăm dì Quyên! Và tôi hôm ấy, trên chuyến xe lửa tối rời Đài Bắc, thành phố của ánh sáng và tình yêu. Trước giờ đặt chân lên xe, tôi đã đánh một điện tín cho dì Quyên. Đoàn tàu lướt nhanh trong đêm vắng, tựa lưng vào thành ghế, ngắm những ngọn lửa lạc lõng chạy vụt về phía sau trong đường dài, tôi mênh mang với cuộc tình vừa trốn chạy. Sáu giờ sáng, đoàn tàu dừng lại nơi ga Nam Tư. Ở đây chỉ cách thành phố Nam Hùng có hai trạm ga nhỏ, xách túi hành trang xuống xe, nắng đã bắt đầu xuyên qua ngọn cây tôi ngơ ngác không biết nông trường dì Quyên nằm ở phía nào. Lòng lo lắng chẳng hiểu dì Quyên đã nhận được điện tín chưa? Trong cơn lúng túng định tìm người hỏi thì đột nhiên một chiếc xe ba bánh từ đâu dừng lại trước mặt, gã tài xế là một gã thanh niên trẻ, với giọng nói Quan Thoại rõ ràng: - Cô có phải là cô Cẩn không? - Vâng! - Bà Lý nhờ tôi ra đó cô đây. Bà Lý ở đây có lẽ là để chỉ dì Quyên. Tôi nghĩ nhưng vẫn do dự không dám bước lên xe. Gã có vẽ nóng tính: - Lên xe đi chứ! Tôi bước lên, đặt giỏ hành lý dưới chân, xe lạch cạch nổ máy hướng về phía trước, giữa nắng ban mai huy hoàng, tôi rảo mắt nhìn quanh, những cánh đồng trải dài ngút mắt, xe men theo con đường nhỏ trải đất đỏ, thỉnh thoảng mới thấy một bác nông phu hay một người đàn bà đầu đội nón lá, chân đất lúi cúi bên thửa ruộng cắm cúi làm việc chẳng buồn để ý đến sự biến đổi chung quanh, xe chạy qua, họ cũng không thèm ngước mặt nhìn lên. Mặt trời lên cao dần, tôi phải đội nón rơm rộng vành lên, đây là chiếc nón treo bán ở các tiệm bách hóa ở thủ đô, hoàn toàn khác hẳn với chiếc nón lá lụp xụp ở day quê dốt nát, tôi kênh kiệu và cảm thấy nông thôn hình như chẳng có gì đẹp. Chỉ có một bầu không khí trộn lẫn mùi phân chứ không có gì khác. Nhìn những đống phân ủ cao tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao khoa học đã tiến bộ thế này mà người làm ruộng vẫn không xử dụng phân hóa học để thay phân người với vật chi cho hôi thúi. Xe chạy hơn nửa tiếng vẫn chưa thấy đến, tôi nhìn gã lái xe, lưng gã đã ẩm mồ hôi nhưng cổ chưa rịn một chút nước, chứng tỏ việc lái xe chẳng có gì là nặng nhọc với gã. Nhiều lúc tôi muốn nói một hai câu để phá vỡ cái không khí buồn tẻ. Muốn hỏi thăm đến bao giờ mới tới nhà dì Quyên nhưng trông gã mải miết lái xe, cắm cúi đạp như ngoài việc lái xe không còn biết đến việc nào khác. Tôi mất hứng ngay. Rồi lấp lửng nghĩ đến dì Quyên. Một người đàn bà, trẻ tuổi độc thân có dư chút ít tiền của, tại sao không chọn chốn thành phổ để định cư sống chỉ ở chốn đèo heo hút gió này. Cây lá hoa cỏ có đẹp đẽ gì đâu ngắm nghía. Giả sử như thích hoa đi nữa, ở thành phố vẫn có thể bỏ tiền ra lập một vườn hoa nhỏ trước nhà như thường. Cần gì phải khổ sở ở vào chốn đèo heo hút gió này. Những sự thắc mắc của tôi không kéo dài lâu vì dì Quyên là người đàn bà kỳ quặc, không giống như bao người đàn bà khác. Mẹ bảo dì là đứa em gái duy nhất của mẹ, nhưng dì đẹp hơn mẹ, đôi khi ngắm tôi mẹ bảo "Con giống dì Quyên hơn mẹ". Không hiểu có phải vì thế khôang mà dì tỏ ra rất thân với đám chị em tôi. Dì Quyên nhỏ hơn mẹ tôi hai tuổi, khoảng bốn mươi lăm, nhưng dáng dấp vẫn còn trẻ hơn số tuổi kia nhiều. Đời sống hôn nhân của dì như không được suông sẻ lắm. Lúc từ Hoa Lục dọn sang Đài Loan, dì đã trên ba mươi, cái tuổi bắt đầu của kiếp hoa tàn, mới nhận lấy một ông già hơn sáu mươi tuổi. Nhiều người bảo dì tôi vì tiền chứ không phải vì tình yêu. Năm năm trước, người chồng già qua đời và dì Quyên hưởng trọn vẹn gia sản để lại, chôn chồng xong xuôi, dì bán hết sản nghiệp, ôm số tiền to xuôi Nam và chọn vùng đất này làm nơi ẩn dật, ngoài miếng đất trồng hoa ra nghe nói gì có một nông trường nhỏ. Sự liên lạc giữa chúng tôi từ đó cơ hồ như bị cắt đứt. Mỗi năm chỉ có một lần, ngày tết mới thấy dì trở lại Đài Bắc với những số tiền lì xì thật nhiều cho lũ trẻ con. Xe ngừng trước một cái sân rộng trải đất đỏ, nhưng tòa nhà ngói đỏ thấp ẩn hiện xa xa. Gã lái xe nhảy xuống đường nói: - Tới rồi! Tới rồi, như vậy đây là nhà dì Quyên. Tôi đảo mắt nhìn quanh, mép bên kia sân là môt chuồng trâu. Hai con trau lớn và một chú nghé đang bình thản gặm cỏ. Những đàn gà con chíu chít bên chân mẹ gần như ở đâu cũng có. Mùi phân trâu và gà hăng hắc. Tôi quay đầu lại phía sau chỉ thấy đống ra. chất cao lưng trời. Chó đánh được mùi người lạ sủa ran. Một con chó vàng lớn xông về phía tôi, khiến tôi hoảng hốt lùi về phía sau. Tiếng chó sủa hình như đã làm quấy động người trong nhà. Tôi thấy dì Quyên bước ra: - Ô! Cẩn mới đến đấy à? Dì mừng rỡ và quay sang hét chú chó hung dữ. Tôi bước tới định ôm dì, nhưng con chó vàng đã nhe răng gầm gừ khiến tôi chùn chân. Dì Quyên phải hét: - Đức ơi, xích con Willy lại coi. Gã lái xe đưa tôi về vội bước tới. Thì ra hắn tên là Đức. Cánh tay hắn thật khoẻ cuồn cuộn bắt thịt, hắn nắm lấy dây xích chó lôi vào nhà. Dì Quyên xiết chặt tôi trong tay hỏi: - Ba mẹ có khỏe mạnh không? - Dạ khỏe. Tôi đáp và theo chân dì vào trong, ngôi nhà có bề ngoài trông sần sùi kỳ cục, nhưng bên trong lại bày trí trang nhã, tường quét vôi trắng, song cửa màu xanh nhạt có rèm thưa, đây có lẽ là phòng ngủ của dì, một chiếc giường nhỏ, một tủ áo đơn giản, và một bàn đọc sách với cái ghế, chỉ có thế thôi. Tôi đặt xách du lịch xuống, cởi nón chưa kịp làm gì thì dì Quyên kéo tay tôi về phía người nói: - Lại đây cho dì ngắm xem, ồ! Con có vẻ gầy hơn xưa nhiều đấy nhé. Mặt tôi nóng lên thật ra sự bỏ ăn bỏ uống, sau này là lỗi ở Thụy Bình cả. Tôi cười gượng che dấu: - Trời nóng quá, mỗi năm đến mùa hè con đều sụt ký thế. - Vậy à! Vậy thì không có gì đáng lo. Dì Quyên vui vẻ - Ở đây hết mùa hè này là bảo đảm con sẽ mập ngay. Trời đất, dì Quyên muốn tôi ở đây cả một mùa hè. Thật ra ngay từ giờ phút này, tôi đã thấy hối hận về hành động dại dột của mình. Chắc chắn hôm nay Thụy Bình sẽ đến tìm tôi. Biết tôi bỏ đi chàng sẽ nghĩ sao? Hay là trong cơn bực chàng lại đến với một đứa con gái khác? Tính Bình vậy đó. Tim tôi bức rức và bắt đầu cảm thấy mình ngu dại. Ước chi có cách, tôi đã bay về Đài Bắc ngay. - Ngồi xe hỏa mệt lắm, phải không? - Không. Tôi giật mình nhìn dì Quyên đáp. Dì mặc bộ áo bằng vải thô xanh, cổ đứng, tóc bới có cài trâm, lưng thắc gọn đúng điệu nhà nông, nhưng sự đơn sơ không che mất vẻ dịu dàng dễ mến của dì. - Nếu con không mệt, cứ sang phòng dì dành cho con xem được không? Nửa khuya nửa hôm nhận được điện tín làm hết hồn, dì cứ ngỡ chuyện gì xảy ra chứ? Đâu ngờ con đến. Phòng chuẩn bị trong hoàn cảnh hấp tấp như vậy thiếu gì con cứ nói. Dì bảo Đức nó xuống Cao Hùng mua về cho. Cách căn phòng dì Quyên một gian là phòng tôi. Phía trước là một chiếc sân nhỏ, vật nổi bật nhất trong phòng là chiếc bàn sách có hình hoa bằng ống tre. Những đóa hoa hồng xinh làm cả phòng thơm ngát, hoa còn bám sương chứng tỏ mới hái ban sáng, tôi thích thú bước tới bàn, sung sướng: - Ồ! Hoa đẹp quá! Dì Quyên cười rộng rãi: - Hoa trong vườn mà, con muốn bao nhiêu chả có. Tôi ngắm chiếc bình cắm, thật ra đó chỉ là ống tre, trên có khắc hai chữ "Kinh tiết" bay bướm. Dì Quyên có vẻ không để ý đến sự tò mò của tôi nói: - Bình hoa này của Đức nó làm đấy! Đức, anh chàng vừa đen lại vừa thô? Thế mà làm được những việc tỉ mỉ thế này? Tôi ngạc nhiên nhưng không nói gì hết. Gian phòng này bài trí không khác phòng dì Quyên bao nhiêu, chiếc bàn trang điểm có kính to có lẽ vừa từ phòng dì Quyên dời sang, giường được phủ drap trắng. Tôi ngồi xuống giường, nhưng âm thanh êm ái kêu lên, thì ra dưới drap là một tấm nệm cỏ dầy. Dì Quyên sợ tôi không quen nói: - Nằm nệm cỏ mắc hơn nệm gòn con ạ! - Vâng! Thưa dì. Tôi tán đồng, dì có vẻ thích thú. - Vậy rửa mặt đi, rửa xong ngủ một giấc dậy dùng cơm là vừa, cơm rồi chiều dì sẽ đưa con đi xem vườn hoa. Nói xong dì lại lớn tiếng gọi ra nhà sau: - Hoa ơi! Hoa. Tôi chưa biết dì gọi ai thì đã thấy một đứa con gái khoảng mười lăm mười sáu tuổi chạy vào. Dì Quyên bảo nó mang nước cho tôi rửa mặt. Phải nói rằng bị người hầu hạ như thế tôi rất khó chịu, tôi muốn tự làm một mình, dì Quyên lắc đầu nói: - Ở đây chưa có nước máy, chỉ có nước giếng, con không lấy được đâu, để nó làm, ở không cũng vậy thôi. Sau đó tôi mới biết Hoa được dì Quyên mua với giá năm ngàn đồng. Lúc đầu ông cha ghẻ của có định đưa cô nàng vào bán cho động mãi dâm ở Cao Hùng. Dì Quyên phải ra cao giá mới cứu được Hoa khỏi rơi vào chốn lầu xanh. Tôi ngạc nhiên, không hiểu tại sao trên đời này có chuyện vô lý như vậy. Nhân vị con người bỏ đâu? Quyền sống của họ nữa chứ. Rửa mặt xong, tôi mới thấy mỏi, ngồi trên xe hỏa cứ nghĩ mãi chuyện mình với Thụy Bình không làm sao chợp mắt. Sau hai ba cái ngáp, tôi thấy buồn ngủ. Dì Quyên hỏi dùng điểm tâm chưa, tôi đáp ăn hai ổ bánh mì trên xe rồi. Bây giờ bụng vẫn còn cứng, dì vỗ vai tôi rồi bỏ ra. Bây giờ mới có quyền khép cửa ngả lưng xuống giường. Giường thật êm, mùi nệm cỏ thơm nhẹ. Tôi nhắm mắt, hình ảnh Thụy Bình lại hiện ra óc. Chàng đến nhà tìm chẳng thấy tôi sẽ làm gì? Có buồn bã bỏ đi, có chờ nhưng bức rức không? Cơn mệt mỏi đè nặng lên mắt...