Chương 1

Hết giờ học, cả lớp ùa ra như ong vỡ tổ, tiếng chuyện trò ồn ào như nói bù cho mấy tiếng đồng hồ "thủ khấu như bình". Chỉ riêng Tường Niệm là tách biệt hẳn với đám đông, cô ngồi yên tại chỗ, chậm rãi thu dọn đồ đạc, chờ mọi người ra hết rồi mới từ tốn đứng lên, đi về.

Hồng Nga - cô bạn ngồi kế bên – đang lấy xe, thấy Tường Niệm thì niềm nở cười hỏi:

– Sao ra trễ vậy?

Tường Niệm cười, đáp qua loa:

– Tại mình chậm chạp nên làm gì cũng sau người ta.

Nói xong, cô dắt chiếc Wave ra, gật đầu chào bạn rồi ngồi lên yên, chạy thẳng.

Hồng Nga lắc đầu:

– Người đẹp mà khó gần quá?

Bạch Tuyết từ sau chạy tới, đập vai bạn, hỏi đùa:

– Chửi lén ai đó, nói thử nghe coi!

Hồng Nga trề môi:

– Nói lén mà xong với mày hả? Lỗ tai thính hơn cáo, còn làm bộ nữa ...

Bạch Tuyết cười hì hì:

– Giỡn chút chơi chứ tao biết mày đời nào mà dám hành hạ ai. Nhát còn hơn thỏ đế nữa.

Hồng Nga xua tay:

– Nhát vậy mà đỡ bị thiên hạ réo tên mắng vốn hay đôi chối nha bạn hiền.

Bạch Tuyết cười xoà:

– Móc họng tao hả nhỏ? Lâu lâu tao mới dính một vụ thôi.

Hồng nga rùn vai:

– Một lần cũng đủ tởn tới già rồi, có đâu mà như phim truyền hình nhiều tập chiếu đi chiếu lại hoài.

Bạch Tuyết cười khì, vớt vát:

– ''Cha mẹ sinh con, trời sinh tính'' mà. Tao đâu muốn nhiều chuyện, tại cái miệng hễ gặp chuyện là ngứa ngáy bật ra như cuốn băng lấp sẵn trong máy hát vậy đó.

Hồng nga thè lưỡi:

– Chắc tao phải kiếm đường khác chạy chứ không dám đi chung với mày, rủi bữa nào lạc đạn thì oan uổng cho một kiếp hồng nhan lắm.

Bạch Tuyết sặc cười, suýt chút nữa là lạc tay lái té nhào xuống đất:

– Nổ vừa thôi! Mày dạn nói nhưng tao nhát nghe lắm. Thời buổi bây giờ người ta đánh giá ''hồng nhan bác triệu", chứ mày là “bạc cắc” mà vỗ ngực xưng tên nỗi gì?

Hồng Nga cười theo bạn rồi nêu ý kiến:

– Lớp Anh ngữ buổi tối của mình có một triệu phú sắc đẹp đó. Dường như ông trời ban phước không đều tay khi cho người này nhan sắc quá hoàn hảo, kẻ khác lại khiếm khuyết hơi nhiều.

Bạch Tuyết phẩy tay:

– Mày muốn nói Tường Niệm phải không? Chưa chắc cô nàng đã sung sướng đâu. Câu “hồng nhan bạc phận" có lẽ đúng với nó hơn. Tao có bà dì ở gần công ty của gia đình Tường Niệm nên biết chút đỉnh về hoàn cảnh của nó. Thấy vậy chứ không phải vậy đâu, nhà giàu chứ không sung sướng như thiên hạ tưởng.

Tội nghiệp nó lắm!

Hồng Nga tò mò hỏi tới:

– Nhà nó giàu lắm hả? Sao thấy cô nàng bình dân quá vậy? Mà con nhà giàu có mấy khi động móng tay, khổ cái nỗi gì chứ?

Bạch Tuyết được dịp, ngúng nguẩy:

– Thôi tao không dám nói đâu. Có người chê tao nhiều chuyện, chừng bị cắt lưỡi mà.

Hồng Nga xuê xoa:

– Nói sai thì phun được miếng nói lại có sao đâu. Tao đòi nghe thì cùng chia sẻ trách nhiệm với mày, lỡ bị nghe chửi thì lấy bông gòn nhét lỗ tai lại là xong.

Bạch Tuyết nguýt dài:

– Hết biết ''Nhu nhu vác lu mà chạy". Tao chịu thua mày rồi đó.

Hồng nga nóng ruột hối:

– Sắp tới nhà tao rồi kìa. Kể lẹ đi, đừng câu giờ nữa!

Bạch Tuyết ỡm ờ:

– Muốn nghe cho hết chuyện thì theo tao về nhà ngủ một đêm, sáng về. Anh Hai tao nhắc mày hoài, hỏi sao từ hồi nghĩ học tới giờ ít thấy mày ghé chơi.

Hồng Nga đỏ mặt, la ré:

– Con quỷ! Chỉ nghe mày nói chứ anh nào hỏi.

Bạch tuyết thản nhiên:

– Không tin thì có quyền xác minh. Tao cho số điện thoại của ảnh để mày thoải mái liên lạc nha?

Hồng Nga lắc đầu nguầy nguậy:

– Cảm ơn lòng tốt có tính toán của mày. Tao không dại đút đầu vào đâu.

Bạch Tuyết nửa đùa nửa thật thốt lên:

– Tuỳ mày thôi tao muốn “đã thân thì càng thêm thân” mới cặp đôi mày cho anh hai, làm cao thì sau này đừng hối hận nha. Ảnh là mục tiêu săn đuổi của không ít cô nàng “mắt xanh môi đỏ”, “tóc nâu môi trâm” đó.

Chẳng hiểu nghĩ gì mà Hồng nga lặng thinh một lúc rồi nói lảng đi:

– Mày có chịu nhập đề chưa, hay kiếm chuyện đi từ Á sang Âu để trốn tránh chuyện mình không rảnh hả?

Bị nói khích, Bạch Tuyết tức mình cao giọng:

– Không dám đâu! Công ty Ngân Hoa chuyên sản xuất kinh doanh mỹ phẩm nổi tiếng từ xưa tới giờ, ai mà không biết. Ba nó là giám đốc, gia đình nó càng ngày càng giàu, chỉ riêng bản thân nó là chẳng có gì thôi.

– Mày nói vòng nói vo hoài, tao chẳng hiểu gì hết. Sao mâu thuẫn vậy? Nhà nó với nó khác nhau hả?

Bạch Tuyết gật đầu:

– Dĩ nhiên rồi! Má nó mất sớm, ba nó lấy vợ khác. '' Mấy đời bánh đúc có xương", nó khổ với bà mẹ kế lắm.

Hồng Nga thở ra:

– Hèn gì, thấy cô nàng khép kín quá, tao tưởng khinh người. Thì ra là có hoàn cảnh đáng thương như vậy. Bữa nào mình chủ động bắt chuyện làm quen mới được.

Bạch Tuyết tán thành:

– Làm điều tốt được hưởng phước mà. ''Tích đức cầu duyên" đi nhỏ. Tao ủng hộ cả hai tay hai chân luôn.

Hồng Nga chồm qua đánh bạn tới tấp hăm he:

– Muốn còn mạng về tới nhà hay bỏ xác tại đây? Nói mau!

Bạch Tuyết rối rít la lên:

– Tội em mà chị Hai. Em út có hư thì dạy nhưng “giơ cao đánh khẽ” thôi, đừng mạnh tay quá, khó nhìn mặt anh Hai lắm đó.

Hồng Nga tròn mắt, ngẩn ngơ:

– Mày nói bá láp bá xàm gì đó?

Bạch tuyết cười to, rồi ga vọt nhanh lên phía trước rồi quay lại lêu lêu:

– Muốn nghe kêu “chị hai” nữa thi năn nỉ người ta kêu lại cho mà nghe, đừng giả bộ bị điếc nữa.

Hồng nga hét với theo:

– Để tao bắt được là chết nha!

Nói vậy thôi chứ đã đến hẻm nhà cô rồi, queo vô trong mà hồng nga còn giơ nắm đấm lên doạ.

Tường Niệm chạy xe vào cổng trời tối nên sân vắng hoe, mọi người đã về phòng riêng, chỉ con bác hoà giữ cổng.

Nhìn Tường Niệm bằng ánh mắt thương xót, người giúp việc lâu năm của gia đình nói nhỏ:

– Hồi nãy bà chủ kiếm cô làm gì đó, thấy bà hâm hầm à.

Tường Niệm lo lắng:

– Ba con với bà nội có ở nhà không bác?

Bác Hoà gật rồi lại lắc thấy cô không hiểu, bác phì cười, giải thích:

– Bác quên, không nói rõ. Bà nội đang ở trên lầu, còn ông chủ thì đi ăn cơm với khách rồi.

Tường Niệm suy nghĩ một chút rồi thốt lên:

– Để con lên gặp bà nội trước cho chắc ăn.

Bác hoà đồng tình:

– Đúng đó! Có gì bà còn đỡ đạn cho con được.

Rón rén đi lên lên phòng bà nội ở tầng trên cùng. Mấy năm sau này bà ở hẳn trên lầu, rất ít khi tham gia những buổi tiệc tùng, lễ lạc đông người, chỉ xem sách kinh, đọc báo làm vui.

Một số kẻ ác miệng nói rằng:

“hồi xưa làm ác nên bây giờ sám hối” dù thế nào đi nữa thì bà cũng là người thân hiếm hoi của Tường Niệm trên đời, tuy nghiêm khắc nhưng còn tình thương chứ không ''khác máu tanh lòng” bắt nẹt như mẹ con bà ngân hoa.

Ông thượng - cha cô tuy thương con nhưng ít gần gũi, phần vì giữa cha và con gái khó có sự thân thiết, phần vì lúc nào ông cũng bận rộn công việc, tiệc tùng ...Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là bởi sự canh giữ sát sao của bà Ngân Hoa, hầu như chẳng khi nào bà để hai cha con có dịp ở riêng với nhau. Có sự trợ thủ đắc lực của ngân hà - cô con gái kế - bà giữ rịt ông cho mẹ con mình, không để nhỏ chút tình thương rơi vãi nào cho đứa con mồ côi mẹ đầy tội nghiệp nọ.

"Nếu còn mẹ, chắc giờ này mình cũng gót đỏ như son chứ đâu lủi thủi như cô tấm thời nay như vậy”. Vừa tự nhủ, Tường Niệm vừa nhè nhẹ gõ cửa phòng bà nội.

Bà Cung đã ngoài tuổi bảy mươi nhưng vẫn hồng hào khoẻ mạnh do ăn uống đồ bổ tập dưỡng sinh đều đặn. Thời trẻ bà là người quyết đoán, khôn ngoan và nắm giữ quyền binh trong gia đình do chồng mất sớm, phải nuôi dạy hai đứa con trai nên người, do đó mà người con dâu vẫn kính nể, không dám lấn lướt tuy thuộc loại “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Nhờ có bà bênh vực nên Tường Niệm còn sống được trong ngôi nhà dư tiền của mà thiếu tình thương này.

Nhìn đứa cháu gái côi cút, mắt bà cũng dịu xuống, hỏi giọng nhẹ nhàng:

– Có chuyện gì mà con kiếm nội giờ này?

Ngồi xuống giường, vừa bóp tay cho bà nội, Tường Niệm vừa nói:

– Hồi tối má kiếm con chi vậy nội?

Bà Cung tỏ ý ngạc nhiên:

– Nội ăn cơm trên phòng, không xuống dưới nhà nên không biết. Nó lại còn kiếm chuyện la mắng gì con nữa hả?

Tường Niệm lắc đầu:

– Từ sáng tới giờ, con đâu phạm lỗi lầm gì để bị la đâu.

Ba Cung im lặng, nét mặt lộ rõ sự buồn bã.

Tường Niệm bóp tay, bóp chân cho bà xong rồi đứng lên:

– Con xuống cho nội nghỉ nha. Mai con không đi học, ăn cơm xong thì con lên bóp dầu tiếp cho nội đỡ nhức mỏi.

Bà Cung gật đầu, nhìn cháu đi ra với vẻ xót xa, ân hận.

Tường Niệm về phòng ngủ với nỗi lo lắng không yên. Cô biết mình như cái gai trong mắt mẹ kế, tuy bà Tào Thị hiện đại này thừa khôn ngoan không để lộ ra ngoài.

Là con nhà kinh doanh có dòng, bà Ngân Hoa luôn cư xử khéo léo trong ngoài, nhưng kiểu “mật ngọt chết ruồi" này Tường Niệm đã nếm nhiều lắm rồi trong suốt hai chục năm trời ở với bà vì thế lúc nào bộ phận ra đa trong đầu cô cũng phát tín hiệu ''cẩn thận, cẩn thận và cẩn thận”.

Chập chờn hoài rồi cô cũng thiếp đi với giấc ngủ nặng nề.

Sáng hôm sau, ngồi bên bàn ăn, Tâm Minh - em trai khác mẹ của Tường Niệm nhận xét:

– Tối qua chị Hai "chát chít” dữ lắm hay sao mà mắt thâm quầng vậy?

Bà Ngân Hoa cất giọng rầy rà:

– Nói bậy hoài nha Minh! Chị hai mày đâu phải thứ mất nết mà theo đuổi mấy trò đó. Nhà có cha, có mẹ đầy đủ mà.

“Ý tại ngôn ngoại", lời bà là thế nhưng ai nghe qua cũng hiểu sang nghĩa khác.

Ngân Hà cười khúc khích, lúc lắc mớ tóc “vàng úa nắng hè”, chõ miệng tham gia cho phe mình thêm trọng lượng:

– Suốt ngày ngồi vọc máy vi tính, làm gì đâu ai biết được.

Chỉ có Ngân Hương thật thà lên tiếng bênh vực người chị khác mẹ:

– Không phải đâu! Chị Hai đâu thích quen trên mạng mà chát với chít!

Lườm con gái bằng ánh mắt khó chịu nhưng giọng bà Ngân Hoa vẫn ngọt lịm như đường cát:

– Má chỉ sợ con ham vui rồi bỏ ăn bỏ ngủ có hại cho sức khoẻ chứ không cấm gì con hết nha Tường Niệm.

Ngân Hà vừa gặm khúc giò heo,vừa châm chọc tiếp:

– Chưa kể mấy vụ bị tụi bất lương lừa đảo tình tiền qua mạng nữa. Chị không online là may phước cho chị đó. Không thôi, nhìn cái mặt khờ khờ đó là thiên hạ tha hồ vẽ vời cho chết luôn.

Bà Cung cắt ngang cuộc dàn trận bên bàn ăn bằng câu nhận xét:

– Mẹ con bay nói chuyện hay lắm, sao không mở phòng tư vấn kiếm tiền?

Nghề này bây giờ ăn khách đó.

Biết mẹ chồng không hài lòng cách “ỷ đông hiếp yếu” của mẹ con mình nên bà Ngân Hoa lập tức chuyển đề tài:

– Con đổi điện thoại hay sao mà tối qua không liên lạc được vậy, Tường Niệm?

"Chết rồi”! Sực nhớ sự đểnh đoảng của mình, cô gái trả lời với vẻ biết lỗi:

– Con sạc pin rồi bỏ quên điện thoại ở nhà. Má kiếm con chi vậy?

Bà Ngân Hoa cười nửa miệng:

– Có việc cần mới kiếm chứ, không lẽ để nói chuyện chơi cho tốn tiền cước?

Rõ ràng là cô nói gì cũng bị bà ta lôi vào tròng “vạch lá tìm sâu” cho bằng được!

Tường Niệm ngán ngẩm thốt lên:

– Con đang chờ nghe. Xin má cứ dạy.

Ông Thượng vẫn giữ thái độ bàng quan từ đầu, đến giờ mới lên tiếng:

– Chiều hôm qua ba tiếp khách Nhật, tính kêu con theo phiên dịch nhưng không được đành nhờ ông Trung nói qua ngôn ngữ thứ ba là tiếng Anh vậy.

Tường Niệm ân hận cất lời xin Iỗi:

– Ba đừng giận con.

Ông Thượng xua tay:

– Chuyện lỡ rồi thì thôi, con đâu cố ý mà ba giận.

Bà Ngân Hoa đảo mắt khắp bàn nhìn mấy đứa con ruột rồi cao giọng:

– Tụi con nhớ nha! Từ giờ trở đi, đừng đứa nào viện cớ bỏ quên điện thoại ở nhà để tránh sự kiểm soát của gia đình nha. Má phát hiện ra thì đừng trách!

Ngân Hà nhìn mẹ cười đồng loã rồi õng ẹo lên tiếng:

– Chắc con chuyển qua học tiếng hàn hay tiếng Nhật để con phụ ba hoặc dễ kiếm ông chồng nước ngoài chứ nhai hoài mớ bánh trái, cắm hoa đâu được ích lợi gì.

Bà Ngân Hoa mắng con:

– Phụ nữ mà kém nữ công gia chánh thì người ta sẽ đánh giá thấp gia đình, cho rằng người mẹ hư, không biết dạy con đó, biết chưa?

Ngân Hà cười rúc rích:

– ''Mũi dại lái chịu đòn” phải không mẹ? Không có lái thì mũi biết tính sao đây?

Những câu cạnh khoé qua lại được hai mẹ con tung hứng nhịp nhàng xoá vào tai Tường Niệm làm cô đắng họng, bữa ăn sáng trở nên mất ngon. Dù đã tự nhủ là không thèm quan tâm đến sự khiêu khích của hạng người ấy, nhưng sự ti tiện của những kẻ sống chung dưới một mái nhà vẫn khiến cô đau nhói lòng.

Ông Thượng rời bàn ăn trước tiên. Chẳng biết là ông không nhận ra sự khích bác ban này của vợ con mình đối với đứa con riêng vì vô tâm, hay cho rằng đó là chuyện vặt vãnh mà nét mặt vẫn thản nhiên, chỉ cất tiếng bảo Tường Niệm:

– Con xong chưa, sẵn xe ba chở đi làm luôn cho tiện.

Tường Niệm lễ phép trả lời:

– Công việc của con ít khi về đúng giờ, sợ ba không chờ được. Con tự đi thì tiện hơn.

Tâm Minh nhai ngồm ngoàm cho hết miếng bít-tết to tướng, lật đật xen vào:

– Ba cho con đi ké với. Chiếc “Mẹc” mới cáu này lượn một vòng trước cổng trường rồi thả con xuống, thế nào mấy em gái chảnh choẹ cũng lé mắt hết cho mà coi.

Ông Thượng trừng mắt:

– Mới nứt mắt không lo học hành mà chỉ lo ăn chơi. Cái tội không đậu đại học mà phải đóng tiền học trường dân lập lẽ ra ba bắt đi xe bus cho biết thân chứ không cho xách chiếc Dylan chạy vòng vòng tán gái đâu.

Tâm Minh xụ mặt nhưng biết thân không dám đòi hỏi tiếp.

Thế nhưng bà Ngân Hoa lại không chịu bỏ qua. Chồng vừa dứt lời la mắng thằng con trai cưng xong là bà đứng phắt lên, lu loa:

– Người ta con đàn cháu đống, mất đứa nọ còn đứa kia chứ nhà mình hiếm hoi, cả dọc con gái mới có được thằng con trai nối dõi. Anh bắt nó học nhiều quá, nó chịu không nổi, đổ bệnh thì sao? Có người nhồi nhét nhiều thứ quá bị tâm thần phải nằm Chợ Quán suốt đời kia.

Ông Thượng thấy cả gia đình “tam đại đồng đường” đang căng thẳng dồn mắt tập trung theo dõi cuộc tranh cãi của hai vợ chồng thì nén giận, nói vắn tắt cho qua chuyện:

– Tự cổ chí kim chưa ai chết vì học đâu. Đừng bắc thang cho nó treo!

Bà Ngân Hoa vẫn lẫy lừng:

– ''Con vua vua dấu, con chấu chấu yêu”, mang nặng đẻ đau em phải xót chứ sao?

Ông Thượng bước nhanh ra ngoài để giấu cơn giận đang lộ rõ trên mặt.

Bà Cung lên tiếng khuyên con dâu - lúc này đang sưng sỉa vì tức tối:

– Con cái thì ai cũng thương, nhưng mỗi người thể hiện cách khác nhau. Con nhịn một chút cho yên cửa yên nhà đi Hoa.

Người con dâu cười lạt:

– Con chu đáo bổn phận làm vợ, làm mẹ lắm chứ có bỏ bê, vứt con lăn lóc đi tìm niềm vui riêng cho mình đâu mà anh Thượng nặng nhẹ với con?

Sắc mặt bà Cung xanh xám, nhìn con dâu trừng trừng rồi níu lưng ghế đứng dậy, đi thẳng lên lầu.

Tường Niệm lo lắng, rất muốn chạy theo bà nội để chăm sóc cho bà nhưng bắt gặp tia mắt dữ dằn của bà mẹ kế thì chùn lại.

Do dự một lúc, cô cất tiếng thưa bà nho nhỏ rồi dắt xe đi làm.

Bầu trời u ám chuyển mưa như tâm trạng của cô hiện tại.

Cửa hàng bán mỹ phẩm của công ty Ngân Hoa nằm trên trục lộ đông đúc, nhộn nhịp người qua lại của thành phố nên lúc nào cũng có người ra người vào nhìn ngắm mua hàng. Bởi thế mà bốn người bán, chia thành hai ca mà vẫn ít khi được ngơi tay.

Tường Niệm có mặt lúc tám giờ kém mười - trước lúc mở cửa mười phút - mà đã có người đứng chờ rồi, chứng tỏ việc kinh doanh của công ty rất thuận lợi, uy tín của Ngân Hoa trên thương trường rất cao.

Đó là niềm vui của cô khi thấy công việc chung tốt đẹp, nhưng cạnh đó cũng có nỗi buồn riêng mà cô chưa bao giờ dám mở miệng tâm sự với ai, bởi nó hoàn toàn đi ngược lại lợi ích chung của công ty và người nhà của cô:

''Ngân Hoá' càng giàu có thì cô càng bị rẻ rúng, hắt hủi bởi tập đoàn họ Lâm- mẹ kế cô.

Dưới mắt họ thì cô chỉ là kẻ ăn bám, sống nhờ vào nhà họ Lâm, dù cha cô đã bỏ ra bao công sức để đưa công ty từ một cơ sở có qui mô nhỏ vươn lên thành công ty lớn, có hàng xuất khẩu đi khắp thế giới như thế này.

Học xong đại học, Tường Niệm định ra ngoài làm, vì tấm bằng kỹ sư hoá của cô khá có giá trị trong thời buổi kinh tế thị trường này để khỏi va chạm gì đến quyền lợi của họ Lâm, mà cũng cho cha cô dễ xử, nhưng ông không đồng ý.

Bàn đi tính lại mãi, cuối cùng chọn giải pháp dung hoà là Tường Niệm sẽ không tham gia vào ban quản trị hoặc bên sản xuất, pha chế mà ra quản lý cửa hàng bán mỹ phẩm.

Vậy cũng tốt! Không nắm giữ quyền lực mà chỉ ăn lương như nhân viên bình thường với công sức của mình bỏ ra, lại làm cha với bà nội vui lòng thì có tạm xếp xó tấm bằng đại học, cất chuyên môn vào tủ thì Tường Niệm cũng chấp nhận.

Nhưng ''cây muốn lặng mà gió chẳng dừng'', cô đã nhẫn nhịn hết mức rồi mà bà Ngân Hoa với Ngân Hà cứ luôn kiếm chuyện châm chích, mỉa mai. May mà ''cây đắng sanh trái ngọt”, Ngân Hương hiền lành, biết điều, Tâm Minh tuy có ham chơi, xấc xược một chút vì là con cưng nhưng không đến nỗi khó ưa. Nếu Ngân Hương với Tâm Minh cũng theo gương họ thì chắc cô phải bỏ nhà ra đi tìm đường sống từ lầu rồi.

Bán hàng cho khách xong, Mai Trinh - thu ngân - nhìn Tường Niệm chăm chăm rồi tò mò hỏi:

– Chị mất ngủ hay sao mà mắt quầng thâm vậy?

Xoa xoa lên mắt, Tường Niệm gượng cười:

– Tối coi phim ma sợ không dám ngủ.

Mai Trinh lắc đầu tỏ ý không tin:

– Chị dạn thấy mồ, ma có nào hù được chị.

Tường Niệm cười ngất:

– Ma sống đó!

Mai Trinh nhích đến gần, hào hức hỏi:

– Có thật không? Anh nào tốt phước lọt mắt xanh của chị vậy?

Đánh nhẹ vào vai cô nàng, Tường Niệm nheo mắt:

Đừng khôn quá nha! Truy tìm thông tin của tôi rồi kể cho mọi người nghe phải không?

Mai Trinh giãy nảy:

– Đời nào em làm chuyện hèn hạ vậy. Chị kể thì em nghe, còn không thì thôi.

Mấy cô bán hàng thấy hai người chụm đầu to nhỏ thì sấn lại gần, lăng xăng hỏi:

– Có chuyện gì vui vậy? Cho tụi này nghe với.

Trong đám có Thu Tuệ là cháu họ bà Ngân Hoa đưa vào theo dõi tình hình để báo cáo lại với bà nên Tường Niệm rất cảnh giác. Cô đứng lên, bảo mọi người:

– Mai Trinh chê tôi xuống cấp giống bà già, coi chừng ế.

Thấy Thu Tuệ liếc qua liếc lại, Mai Trinh hội ý, gật đầu xác nhận:

– Nói vậy cho chỉ để ý chỉnh trang nhan sắc lại. Bán mỹ phẩm mà không chưng diện thì ai chịu mua.

Thu Tuệ cười hí hí:

– Đúng đó! ''Người đẹp vì lụá' mà hay tại chị thấy mình đẹp sẵn rồi nên không cần son phấn?

Bích Dung ngứa miệng, kê lại:

– ''Tốt gỗ hơn tốt nước sơn'' chứ. Ông bà xưa có dạy rồi.

Nước da đỏ rần lên sau lớp phấn dày cộm, Thu Tuệ chống đỡ một cách yếu ớt:

– Nói chơi thôi mà, làm gì dữ vậy.

Tường Niệm ngao ngán bỏ ra cửa nhìn xe cộ chạy qua chạy lại trước mặt.

Ở nhà bị công kích, tới chỗ làm bị chĩa mũi dùi. Kiếp trước cô mắc nợ nhà họ Lâm hay sao mà kiếp này lãnh đủ vậy không biết? Nếu mẹ cô con sống thì cô đâu gặp cảnh này.

Nghĩ đến người mẹ đã qua đời khi cô còn ẵm ngửa, những giọt nước mắt tủi thân lăn dài trên mặt Tường Niệm.

Chiếc Mercedes bóng lộn của Ông Thượng dừng xịch trước cửa hàng, mọi người nhốn nháo:

– Sếp vi hành kìa!

Mai Trinh nói nhỏ bên tai Tường Niệm:

– Em hy vọng không có sếp bà với sếp cô đi theo, không thôi chị em mình bị quần mệt xỉu luôn.

Tường Niệm chỉ khẽ gật đầu công nhận rồi nhanh ra đón cha. Ông không thích mấy kẻ lề mề chậm chạp, vẫn thường xuyên phê phán là "trâu chậm uống nước đục” và tuyên bố:

– Ai thích đủng đỉnh thì về quê cắm sào câu cá như Khương Tử Nha chờ thời hợp hơn.

Bởi vậy, người trong công ty thấy dáng ông ở đâu là phải xăng xái kiếm chuyện này chuyện kia làm chứ không dám ngồi chơi.

Ông Thượng nhìn mấy kệ hàng sáng loáng chất đầy sản phẩm của công ty bằng ánh mắt hài lòng, vẫy tay gọi chàng trai mới bước khỏi xe hơi đến cạnh, hào hứng khoe:

Mỹ phẩm của mình bán chạy lắm. Chú đang đầu tư thêm máy móc để công nghệ hiện đại hơn, phần còn lại là của cháu đấy nhé. Phải làm sao để tung ra thị trường nhiều mặt hàng mới hơn nữa. Thị trường mỹ phẩm trong nước còn bỏ ngõ nhiều lắm, thấy hàng ngoại tuôn vào ồ ạt mà xót ruột.

Nở nụ cười thật tươi khoe hàm răng sáng đẹp, chàng trai cam đoan:

– Được chú đặt niềm tin, con sẽ cố hết sức mình phục vụ cho công ty ngày càng lớn mạnh hơn.

Thấy mấy cô gái lấp ló nhìn với ánh mắt hiếu kỳ trước sự xuất hiện của người thanh niên lạ mà không dám hỏi, ông Thượng bước hẳn vào trong cửa hàng vui vẻ giới thiệu:

– Đây là Thái Dương - trưởng phòng pha chế mỹ phẩm - mới vào làm cho công ty. Công việc của cậu ấy có liên quan trực tiếp đến nơi này vì phải tìm hiểu xem thị hiếu của người tiêu dùng ra sao. Mong các bạn hợp tác thuận lợi nhé.

Tất cả dạ ran.

Quay sang con gái, ông Thượng dặn dò:

– Tối nay về ăn cơm sớm nha con. Ba mời cậu Dương dùng bữa với nhà mình đó.

Thấy Thái Dương nhìn mình bằng ánh mắt dò hỏi, Tường Niệm hơi ngượng, đáp nhanh:

– Con nhớ rồi.

Chuyến viếng thăm của sếp đã kết thúc, xe đã chạy từ lâu nhưng sự bàn tán của các cô nhân viên thì còn kéo dài không dứt xoay quanh chàng kỹ sư đẹp trai.

Vẫn như mọi khi, Tường Niệm tách khỏi đám đông, ngồi vào máy kiểm tra doanh thu và số lượng hàng bán, hàng tồn để lên kế hoạch báo về kho nhập đợt hàng mới.

Mai Trinh ngồi cạnh cô, rù rì hỏi:

– Chị học ngành hoá mà không làm khâu pha chế, lại ra đây bán hàng, sao phí phạm tài năng quá vậy?

Tường Niệm nói lảng đi:

– Bán hàng thoải mái, ít trách nhiệm hơn.

Miệng nói vậy nhưng lòng chán chường ra sao thì chỉ mình cô hiểu thôi.

Mai Trinh an ủi:

– "Bụt chùa nhà không thiêng". Chị làm ở đây với tụi em cho vui, ngồi suốt ngày trong phòng thí nghiệm không thấy mặt ai, chán chết.

Tường Niệm cười gượng:

– Chị làm cho gia đình thì ở khâu nào cũng được.

Có khách mua hàng, hai cô ngưng cuộc trò chuyện nhưng dư âm cay đắng của nó còn đọng lại trong lòng Tường Niệm đến lúc về nhà.

Bàn ăn có đông đủ mọi người trong gia đình. Thái Dương được ưu tiên ngồi cạnh chủ nhà mà cũng là giám đốc công ty.

Bà Ngân Hoa niềm nở đúng tư cách của vị chủ nhân mến khách. Người ngoài có dịp tiếp xúc với người phụ nữ này đều có ấn tượng rất đẹp về phong cách xã giao lịch sự và tài ăn nói ngọt ngào - xứng đăng với cương vị của bà vợ một ông giám đốc giàu sang, thành đạt - chứ mấy ai hiểu bề trong đầy nham hiểm ''bụng bồ dao găm'' của bà, trừ Tường Niệm.

Ngân Hà, Ngân Hương đều có mặt, chỉ vắng Tâm Minh vì bận đi chơi với bạn, nhưng ông Thượng không quan tâm cho lắm.

Trong bữa ăn, bà Ngân Hoa khéo léo gợi chuyện hỏi han gia cảnh của Thái Dương:

– Cháu sống ở thành phố với gia đình hay ở tỉnh?

Thái Dương lễ phép trả lời:

– Ba má cháu ở thành phố, có đất dưới quê nhưng ít khi về lắm, vì mấy anh chị em cháu đều làm việc trên Sài Gòn.

Bà Ngân Hoa lại hỏi:

– Anh chị em cháu đông không? Làm việc nhà nước hay tư nhân?

Ông Thượng xen vào:

– Anh Hai của Thái Dương là thư ký hội đồng kiểm tra chất lượng hoá mỹ phẩm đó. Nhờ quen biết với nhau nên Thái Dương mới vào làm cho mình, không thì mấy chỗ khác đã ''vớt" rồi. ''Tuổi trẻ tài caó', ai cũng săn đón.

Vợ chồng sống bên nhau mấy chục năm nên vừa nghe qua thì đã hiểu ý, bà Ngân Hoa xởi lởi gắp thức ăn vào chén Thái Dương, khen nức nở:

– Công ty Ngân Hoa có cháu giúp sức thì phát triển nhanh với tốc độ tên lửa cho mà coi. Hy vọng cháu coi cô chú như người nhà, hết lòng vì sự nghiệp chung nha Thái Dương.

Tường Niệm cúi mặt xuống chén cơm để giấu nụ cười. Chiêu lấy lòng của bà mẹ kế cô tuy cũ nhưng lúc nào lôi ra sử dụng cũng hiệu nghiệm, vì mấy con mồi tự đem thân đến đây đều dưới cơ người đàn bà sắc sảo, ngọt ngào này hết.

Dù không có cảm tình tốt đẹp với bà nhưng Tường Niệm vẫn phải công nhận câu:

''Sau lưng người đàn ông thành đạt bao giờ cũng có bóng dáng của một người phụ nữ” là đúng cho cha cô với bà Ngân Hoa.

Sự sản đồ sộ của Ông Thượng hiện tại có sự góp sức không nhỏ của bà, chưa kể đến cái ơn cha ruột của bà đã “chọn mặt gởi vàng” giao cả con gái lẫn tài sản lại cho ông khuếch trương.

Cũng như mọi lần, nghĩ ngợi lan man một hồi thì Tường Niệm lại nhớ đến mẹ ruột của mình. Sao bà lại khéo chọn cách từ giã cõi đời để thành toàn sự nghiệp cho chồng mình đến thế?

“Chỉ tội cho đứa con thơ sớm mất mẹ này thôi.

Tường Niệm cố ngăn không cho hai dòng lệ lăn dài xuống má. Hít mạnh một hơi để lấy bình tĩnh, cô ngẩng đầu lên và tình cờ phát hiện ra Thái Dương đang nhìn mình.

Hai luồng mắt giao nhau, anh chàng kỹ sư ngượng ngùng ngó sang hướng khác nhưng bấy nhiêu đó cũng đủ khiến Tường Niệm băn khoăn xao xuyến.

Đây là lần thứ hai trong ngày cô mất tự chủ vì tia nhìn khác lạ một chàng trai, thầm kêu lên:

“Đừng nhìn em như thế Cháy lòng em còn gì?”.

(Lê Thị Kim)