Phố chợ nằm giữa bốn bề đồi núi.

- Cô từ xa mới đến? - Người bán mũ len hỏi.

- Cô không phải người ở đây. - Người bán tất thun nói.

- Cô ở đâu đến vậy? - Người bán khăn quàng cổ hỏi.

Quyên cười, một chút bối rối vì phải trả lời những câu hỏi giống nhau.

- Quê Quyên ở đâu? - Phong hếch mũi nhìn Quyên.

- Phong thì phải có câu hỏi hay hơn người khác chứ!

Phong khựng lại rồi rộng miệng cười:

- Chẳng qua vì giọng nói của Quyên thôi.

Giọng nói mà khi giận thì chê khó nghe, lúc thương thì bảo ngọt ngào quá. Huế, quê nội lâu lắm rồi… Nhớ hồi còn đại học, sợ bạn bè trêu chọc nên không dám răng rứa mô tê dù giọng thì có giấu được ai đâu. Rồi những lời trêu chọc dần thay thế bằng tiếng xuýt xoa khi Quyên đãi bạn bè món bánh nậm, bánh canh bột lọc… Ai ăn ớt đỏ mặc ai, Quyên dầm nước mắm ớt xanh, mùi thơm lạ khiến người vừa nói không ăn cay được cũng phải thèm. Nhớ nhất món canh mít non nấu với tép nêm lá lốt, món ăn thường ngày của gia đình Quyên ở quê, món ăn nhà nghèo mà khi Quyên nấu bạn bè ký túc xá đòi mang đi thi nữ công gia chánh. Ngày Quyên nhận công tác ở đây, mẹ gửi cho cái áo dài màu tím. Chẳng nói nhiều, màu áo là lời dặn dò sâu xa nhất, con gái!

Đang nói, Quyên chợt khựng lại ngạc nhiên tự hỏi sao bỗng dưng kể Phong nghe chuyện của mình? Có lẽ tại mù sương. Sương mù vùng cao khiến người ta thấy cô đơn và muốn thổ lộ cùng ai đó, bất kỳ ai muốn lắng nghe. Những chuyện ngớ ngẩn như cái áo dài tím chỉ mặc một lần rồi cất sâu dưới đáy va ly, màu áo đẹp, nhưng trời không cho làn da trắng trẻo…

Nhưng cũng có lúc cô đơn ơi là cô đơn mà không thể nói nên lời. Đó là lần lãnh tiền thưởng cuối quý. Các nhóm đồng hương trong cơ quan rủ nhau nấu món của quê mình - Cháo lươn vị rau răm, bún cá cần nước, nộm hoa chuối vị cần tây, nộm cải ngồng vị gừng, canh cá lá me non… Kỳ lạ nhất là món canh cà đắng, cứ bảy phần cà là ba phần ớt, cái tỷ lệ kinh khủng này khiến đã đắng lại quá cay, vậy mà bốn đứa cùng quê Buôn Ma Thuột vừa ăn vừa thổi một cách hấp dẫn đến ai cũng đòi nếm.

Cái bàn dài trong bếp vào ngày lãnh thưởng ngồn ngộn những món ăn. Quyên ngồi lọt thỏm giữa mọi người. Phong hỏi "Ngon không?". Quyên im lặng gật đầu.

Khách sạn nằm ở lưng chừng đồi. Mùa đông khách, về đêm, tất cả những ô cửa tầng trên tầng dưới đều sáng đèn, từ chân đồi nhìn lấp lánh như toà lâu đài xa xôi trong chuyện cổ tích. Cao hơn tí nữa là khu tập thể hai dãy phòng nam nữ đối diện nhau được bao bọc bởi hàng rào hoa trạng nguyên. Rào hoa màu đỏ ấm áp này như giải thích một cách rất kể công rằng Quyên là người mới đến nên chẳng phải làm gì, còn những người trước phải dọn đất trồng trọt rồi nào là chăm sóc…

Mùa vắng khách buồn hiu hắt, nhất là ngày mưa dầm. Nhìn con nước lăn lăn triền đồi tưởng như đất trời cũng đang chảy tan ra. Những ngày này, Quyên nhớ nhà kinh khủng. Món của mùa mưa là chè khoai và bánh xèo vừa ăn vừa xuýt xoa vì cay vì nóng và vì ngon quá! Mẹ làm món nào cũng tuyệt vời. Mỗi mùa hè về nhà, chỉ sợ một điều là mập ra.

- Nhìn Quyên thẫn thờ như mất hồn. Nhớ nhà hay nhớ khách đến từ thành phố hả?

Phong châm chọc, cái ống nghe trên tay vung vẩy rất buồn cười. Vừa trả lời qua điện thoại vừa trò chuyện với người khác mà đầu dây bên kia không biết thì chỉ có Phong mới làm được.

“Xin lỗi, tạm ngừng nhé. Có một khách đang ủ rũ, mình phải an ủi người ấy một chút. Hẹn gặp lại sau nhé" - Phong rủ rỉ vào ống nghe rồi toét miệng cười với Quyên.

- Lừa bao nhiêu cô gái rồi?

- Trời ơi, khi nào mình gọi cho họ thì mới là lừa, còn đây... chẳng lẽ lại độp một câu “Tôi không thích, cô im đi”. Dân du lịch, Quyên cũng hiểu khi gặp một người khách lằng nhằng thì mình cần phải dịu dàng hơn mà.

Một cô gái thì không thể so sánh với một khách trọ được. Quyên định nói vậy nhưng thấy tia cười trong mắt Phong lại thôi, Phong chỉ chờ Quyên thốt một lời là có cớ tuôn một tràng dài. Đôi khi Quyên thấy buồn cười chính mình, cứ nghĩ Phong là một chàng trai còn trẻ con nhưng rồi không hiểu sao cứ kể chuyện cho Phong nghe. Còn Phong thì cứ đùa nghịch tưng tửng vậy nhưng rất chịu lắng nghe Quyên nói.

Công việc thì lúc nào cũng vậy. Sáng, có mặt tại cơ quan lúc năm giờ ba mươi nếu là ca trực. Tiếp theo là mở sổ giao ca xem người trước có dặn dò gì không. Ví dụ như, khách phòng A201 yêu cầu được đánh thức vào lúc năm giờ ba mươi, ngay lập tức như bay lên phòng. Nhanh nhưng phải nhớ giầy không được khua lốp cốp, chỉ một mình khách phòng A201 muốn thức dậy vào giờ này thôi. Phần tiếp theo là mở sổ lịch nhận khách xem ngày nay có nơi nào đăng ký trọ không, phòng loại nào để chuẩn bị trước.

Hôm nay, Quyên đi làm trễ. Sếp đứng ngay cổng, cái đồng hồ trên cổ tay loé sáng trong mù sương.

Quyên lí nhí chào rồi đi như chạy qua cổng. Phòng lễ tân sạch sẽ đến không một mẩu giấy vụn. Mở sổ giao ca, lạy trời là không có khách nào cần thức giấc vào lúc năm giờ ba mươi. Đời là vậy, ba trăm sáu mươi bốn ngày đi là đúng giờ thì chẳng thấy sếp đâu, cái ngày duy nhất lỡ trễ thì… Cái gì đây? Nét chữ của Phong trong sổ giao ca nguệch ngoạc: "Không có một quý khách nào trọ đêm naỵ Giao ca 40 phòng trống hoác. Ký tên - Phong". Vắng khách là không có lương. Vắng khách là sếp nhìn lỗi nhỏ thành lỗi to, không lỗi thành có lỗi, vậy mà Phong vẫn đùa được. Quyên cắn môi nhìn ra, khuôn mặt sếp lạnh như đá. Có chuyện gì rồi.

Đúng là có chuyện. Họp ngay lập tức.

Tối qua, có một đoàn khách tròn bảy phòng. Đang ế ẩm mà được bảy phòng, tổ buồng tíu tít mời mọc. Tắm rửa xong, khách muốn có một bữa ăn ngon ngon nhưng nhà bếp chỉ có mì và trứng. Vậy là họ kéo nhau đi mất.

- Thưa…, hôm qua thấy tình hình vắng vẻ quá nên… - Tổ trưởng tổ bếp ấp úng.

- Tủ lạnh để làm gì? - Sếp giận dữ.

Mì gói và trứng! Loại mà chỉ có đàn ông ế vợ và con trai mồ côi mẹ mới gọi là món ăn, vậy mà lại là món duy nhất của nhà bếp của chúng tạ Khách bỏ đi sau khi đã nhận phòng và tắm rửa.

- Cắt tiên tiến toàn tổ - Giọng sếp lạnh lẽo.

Công việc thì lúc nào cũng vậy. Chỉ khác một chút là hôm nay trời nhiều nắng, nắng rắc vàng mênh mang. Và là ngày lãnh thưởng cuối quý.

Sổ lịch nhận khách chạy dài những dòng chữ - Khách cựu chiến binh Hà Nội đặt 7 phòng. Đoàn du lịch xuyên Việt từ thành phố Hồ Chí Minh đặt 10 phòng. Nhiếp ảnh từ Hoà Bình 4 phòng. Các lái xe quen dặn, tổng cộng 8 phòng. Khách Thuỵ Sĩ du lịch xanh 5 phòng (mở ngoặc đơn là phòng có hoa tươi). Cán bộ huyện tập huấn dài ngày 6 phòng. Khách từ Huế 2 phòng.

Nhà bếp hăng hái đi chợ. Quyên gọi với theo "Nhớ mua dùm hoa". Các nhóm đồng hương kéo nhéo: "Nhớ mua dùm mấy con lươn nhé, rau răm nữa". "Cải ngồng và nhiều gừng nghe". "Cà đắng và ớt"… Quyên cười, may là đông khách nên không có thời gian mà buồn. Khách của các lái xe là Việt hay Tây? Tây thường yêu cầu có hoa. Tổng số khách đặt là 42 phòng, nếu không nơi nào báo huỷ thì thiếu 2 phòng. Quyên di ngón tay dọc trang giấy, nếu phải từ chối thì lời từ chối rơi vào đoàn khách 2 phòng là hợp lý nhất. Ngón tay Quyên khựng lại - Khách từ Huế - Chỉ ba từ ngắn ngủi, không số điện thoại để tiện liên lạc khi cần, không địa chỉ. Phong là vậy, sổ giao ca khi thì dài dòng không đâu, khi cụt lủn.

Công việc thì lúc nào cũng vậy. Giao ca buổi trưa và tiếp theo là Phong trực. Tiếng gọi vui vẻ vang trong bếp: "Quyên ơi, xong xuống đây, nghe". Quyên hình dung trên cái bàn thường ngày chỉ rau luộc và đậu kho, hôm nay đầy những món ăn ba miền.

Phong sẽ từ chối đoàn 2 phòng, rất hợp lý. Những người khách từ Huế sẽ đi tìm một chỗ trọ khác. Và rồi vài ngày lưu trú ngắn ngủi sẽ qua nhanh. Không ai biết ai, không ai nhớ ai…, những người khách đến rồi đi.

Vậy. Từ trước đến giờ là vậy.

Nhưng hôm nay là một ngày đặc biệt! Quyên cắn môi. Nếu mình trực…

Ý nghĩ thoáng qua rồi trở nên rõ ràng. Thật ra thì luôn luôn có một cách giải quyết nào đó. Phong trực thì Quyên cũng nhờ được, nhưng Quyên muốn tự mình… trong ngày đặc biệt này.

Quyên mỉm cười nhấc điện thoại lên. Giọng Phong bên kia vui vẻ:

- Gọi mình đến nhanh để ăn kẻo nguội hả?

- Quyên đây.

- … Tưởng ai ở tổ bếp.

- Chiều nay, để mình trực luôn cho.

- Muốn nhận hai phần tiền thưởng luôn à?

- Vẫn chấm công Phong chiều nay.

- Chuyện gì vậy?

Áo dài đỏ như môi cười con gái, áo màu vàng như buổi bình minh, áo hồng như một thoáng thẹn thùng, và áo tím…

- Chiều nay, Quyên xinh quá là xinh.

- Lạ hẳn ra.

Quyên liếc mình trong gương, đánh phấn hơi trắng quá? Mất tự nhiên? Rồi nhìn nụ cười hài lòng của sếp, Quyên tin những lời khen là thật. Tà áo xanh của sếp như một áng mây. Lời thì thào "Lẽ ra sếp là trưởng phòng lễ tân mới phải", thật là phạm thượng và cũng thật là êm tai.

Ai cũng cười tươi tắn. Quyên cười tươi nhất. Bản sơ đồ đã đánh dấu chéo hai ô, dấu hiệu đã có chủ, hai phòng đẹp nhất. Ai? Có là người quen không? Quyên hít một hơi dài, lạ hay quen thì chiều nay Quyên cũng sẽ mời ăn cơm với cá trê kho tộ và canh mít non tôm tươi lá lốt, dặn nhà bếp rồi. Cơm hàng cháo chợ mà gặp món quê nhà thì chắc là vui lắm.

Và mình cũng được vui.

Những chiếc xe lăn bánh qua cổng, Quyên duyên dáng cúi chào. Xe nào từ Huế? Chưa… Cái điện thoại đổ chuông không đúng lúc tí nào, Quyên đang đưa khách lên tầng hai thì reo inh ỏi. Quyên vội chạy xuống, đầu bên kia nũng nịu "Anh Phong đó à?".

Đoàn người kéo vào phòng lễ tân, túi xách lỉnh kỉnh, cả những gói lá chuối bọc nilon, nhìn là biết khách từ huyện lên.

- Sở Nông nghiệp đã đặt cho chúng tôi 6 phòng, ở đây, phải không ạ? - Người có dáng đĩnh đạc nhất hỏi.

- Dạ… hết sức xin lỗi, khách sạn chỉ còn 4 phòng. Xin anh thông cảm ở ghép được không?

- Cơ quan chi tiền chả tội gì ở ghép - Tiếng người phía sau nói.

- Dạ, đang mùa du lịch nên đông khách, nhưng đoàn này đi đoàn kia đến, họ không lưu trú dài ngày. Hy vọng là chỉ phải ở ghép một hoặc hai đêm thôi.

Người có dáng đĩnh đạc nhất quay lại bàn bạc rồi nhìn Quyên:

- Nhưng chúng tôi có được ghi hoá đơn 6 phòng không?

- … Dạ, được.

Quyên phân vân một giây rồi trả lời nhanh.

Tà áo dài xanh thoáng qua cửa, ánh mắt sếp luôn là một câu hỏi. Quyên trả lời bằng một nụ cười, nghĩa là mọi việc tốt đẹp cả, không có gì đáng để sếp bận tâm.

Chiếc U- Oát bụi bặm phong trần lướt qua cổng rồi xịch lại. Trên xe là một người đàn ông tóc màu đồng, một phụ nữ tóc vàng và hai đứa bé mắt xanh biếc. Tài xế là người Việt, ông mỉm cười chào Quyên, giọng Sài Gòn xởi lởi:

- Cô cho xin chìa khoá 2 phòng.

Quyên sững sờ:

- Khách từ Huế?

- Dạ. Hôm qua, tôi gọi điện từ khách sạn Sông Hương.

Cuối năm, bốn bề đồi núi xanh mướt lộc non, phố chợ rộn ràng bánh mứt, hạt dưa… Quyên mua về gói mứt gừng cho những cơn ho khúc khắc của mình. Phong nói Phong cũng ho nhưng không chữa bằng gừng được.

- Vậy bằng gì?

- Về thăm nhà là bệnh gì cũng lành.

Quyên cười, mắt cay.

Phong chìa trước mặt Quyên lá đơn xin nghỉ phép còn trống chỗ họ và tên:

- Sếp giải quyết cho mỗi phòng một người. Phong hay Quyên đây?

Phép Tết, ai cũng giành nhau đi, ai cũng trình bày lý do rất chính đáng, cả khóc nữa… Quyên không khóc nhưng nỗi buồn thì không giấu được ai, càng không giấu được đôi mắt ranh mãnh của Phong. Quyên mới vào làm chưa đủ một năm, Phong đi phép là hợp lý nhất.

Phát khóc lên được khi quanh mình người ta lăng xăng mua quà về quệ Lại còn trưởng phòng kế toán cứ "Quyên ơi, mặc thử cái áo này dùm, em gái của chị dáng người giống như Quyên"…

- Hả? Phong hay Quyên đây?

Câu hỏi trêu chọc lúc này là độc ác. Quyên quay mặt nhìn tấm lịch hoa mai treo tường, thấy ghét Phong vô cùng.

Phong lấy hai bàn tay xoay đầu Quyên lại. Quyên mở to mắt ngỡ ngàng - Trên lá đơn là tên của Quyên.

- Phong nhường cho Quyên à?

- Ừ…

- Đúng hơn, không phải là nhường. Đây là lời xin lỗi - Giọng Phong dịu dàng bất ngờ.

- Xin lỗi?

- Hôm nọ, Quyên tưởng Phong không đoán ra sao? Tự nhiên đòi trực dùm, rồi áo dài tím, rồi cá trê kho và canh mít, rồi khóc một mình…

Mặt Quyên đỏ bừng.

- Lẽ ra Phong phải ghi sổ giao ca chi tiết hơn - Phong cuộn tròn lá đơn đặt vào tay Quyên.

- Chúc năm mới mọi điều như ý.

Quyên bối rối.

- Chúc Phong cũng vậy.

- Thật không? - Vẻ dịu dàng biến mất, mắt Phong ánh nét tinh quái quen thuộc - Mình chỉ mong một điều thôi…

Tiếng chuông điện thoại reo vang. “Cho gặp anh Phong”. Quyên đưa ống nghe cho Phong. Phong bịt mũi lại đáp: “Phong về quê ăn tết rồi”. Quyên lắc đầu định nói một câu nhưng sợ Phong có cớ tuôn một tràng nên thôi./.

Hết