Nhà bác Ba ở dưới thung lũng thấp. Mùa nắng, Thi có thể chạy cái vù từ đầu dốc xuống tới chân dốc, nhưng mùa mưa không cẩn thận thì không những bay cái vù mà có khi còn chụp ếch nhái nữa, nước mưa làm đất nhão nhoẹt trơn trợt. Đó lại là con dốc đưa lên phố cũng như chợ quán gần nhất. Sau này vì làm ăn buôn bán, bác dọn nhà ra phố. Trời mưa, Thi hay ngồi trong nhà nhìn mưa rơi, và nhìn người Thượng xếp hàng dài đi cả đàn, đàn ông vẫn trục lúc chỉ đóng cái khố, đàn bà thì phơi bày nguyên cả ngực, mỗi lần nghe còi bấm tin tin là họ hốt hoảng chạy tuốt lên lề đường. Thi lắc đầu không hiểu, sống khổ như vậy mà cũng sợ chết?

Mưa Pleiku buồn tàn nhẫn. Sương mù dăng dăng, núi đồi ẩn hiện. Thi thở dài. Trời mưa làm đường sá dơ bẩn, lầy lội, không đi chơi được. Trời, đi chơi mà chọn xứ này giờ mới biết là khùng! Thật ra, Thi nhớ ai? Thi nhớ nơi nào? Nhớ lúc tung tăng đuổi bắt trên đồi Cù, thả bộ dọc theo bờ hồ Than Thở, hay lang thang ở dưới phố, khu chợ Hòa Bình. Buổi chiều đón hàng bò khô của chú Ba Tàu. An nhỏ thua Thi một tuổi, học hơn Thi một lớp, vì Thi đi học muộn. An gọi Thi bằng chị, và Thi cũng xưng chị với An và gọi An là An. Đối với con trai, con gái hơn một tuổi hay bằng tuổi bao giờ trông cũng khôn lanh hơn, dù không hẳn là khôn thật, ít ra điều này đúng với Thi, Thi cứ hay nói..."Để chị nói cho An nghẹ.."

Năm đó, Thi lên Pleiku để quên. Nhưng sao quên được, người ơi?

Đôi mắt to mơ mộng, tóc dài óng mượt đủ làm bước chân An ngập ngừng khi phải đi học xa. Xa Đà Lạt, An chỉ nhớ đôi mắt to, mái tóc óng ả, và câu nói thường bắt đầu “Để chị nói cho An nghe.

− Nhớ viết thư cho chị, nghe An!

Ở phi trường, cả hai bịn rịn, Thi dặn An mấy lượt, rồi nói, trong đời chị, chị chưa tiễn ai bao giờ, có lẽ chị thích đón người đến hơn.

Ở Sài Gòn, An viết thư cho chị Thi mỗi ngày. An còn cô đơn, chưa có bạn bè, thành phố rộng lớn quá, thuở đó còn nhiều hàng cây cao hai bên đường, phố xá mênh mông, An đi còn sợ lạc. Giá gì có chị Ở đây...Chưa bao giờ hai người nói họ thương nhau, có một lần trong một lá thư viết vào một tối mưa cho Thi, An viết An nhớ chị Thi. Và Thi trả lời, không có An, Đà Lạt buồn quá, Tết này An nhớ về sớm nha, chị Thi đợi. Hôm qua, đi ngang nhà An, thấy cây trứng cá mà nghĩ tới An...

Sài Gòn hay có những cơn mưa chiều lạ lùng, mưa ào ào rồi tạnh ngay. Người con gái, tóc cũng dài như tóc Thi, đứng đợi mưa tạnh dưới mái hiên nhà trọ của An. Chàng trai Đà Lạt xao xuyến, không còn nhớ "người chị" ngày xưa. Xa mặt cách lòng? Thư vắng dần rồi ngưng hẳn. Tết đó, An có về. Chuyện tình, nếu đã là chuyện tình, giờ đã như thoáng mây trôi. Họ dùng đãi bôi đối xử nhau. Thi cũng chẳng hỏi tại sao lòng An thay đổi. Câu hỏi đó bao giờ cũng khó cho người hỏi và cho người được hỏi. An trông khác đi. An hớt tóc ngắn, nắng Sài Gòn làm An đen hơn. An đã thành người lớn. An xa lạ.

Nhân dịp An về, chị Tâm, chị của An, tổ chức tiệc cuối năm. An ít nói hẳn đi, đứng dựa tường, nhìn bâng quơ. Còn Thi thấy bạn lơ là, Thi cũng vờ không để ý đến An, Thi nói đùa với những bạn bè chung quanh, bụng Thi nghĩ thầm, buồn bã thế còn về đây chi? Con gái tinh ý lắm, Thi biết ngay, với An bây giờ, Sài Gòn mới là nỗi nhớ niềm thương.

Thủy Tiên quay sang thì thầm hỏi:

− Mày với An giận nhau?

Thi chối phắt:

− Không, có làm gì đâu mà giận với hờn?

− Sao không nói chuyện? Rồi hất mặt về phía An, Thủy Tiên nói. Nó còn định đứng dựa vách cho tới bao giờ?

Giận cá chém thớt, Thi nạt nộ Thủy Tiên:

− Tao không biết! Đừng hỏi tao!

− Tao chỉ hỏi...

Thủy Tiên giận dỗi quay lại ăn tiếp miếng gà. Biết là mình bậy khi không gây gổ với Thủy Tiên, nhưng Thi cứ tảng lờ để mặc Thủy Tiên lẫy hờn.

Chị Tâm từ bếp lên, đến gần Thi, trìu mến nhắc:

− Tết, Thi qua chị chơi.

− Vâng ạ.

Thi trả lời cho chị Tâm vui lòng. Với lại, chị Tâm có làm gì cho Thi giận đâu. Thật tình gặp An nữa rồi thấy cử chỉ hờ hững của An, Thi không muốn. Chị Tâm vô tình không biết, lúc Thi đòi về, chị gọi An. An, hãy đưa Thi về. Thi trả lời, thôi được rồi chị, em về với Thủy Tiên. Bấy giờ, An mới lên tiếng:

− Vậy cũng tiện. Nhà Thủy Tiên gần nhà Thi mà.

Trời ơi, Thi chỉ muốn đấm cho An mấy cái. Thi đâu thèm để cho An đưa về, nhưng ít nhất nói thế nào nghe cho mát lòng mát ruột chứ. Có ai bội bạc đến thế!

Trên đường về, Thi không nói với Thủy Tiên một lời nào. Vừa vào tới nhà là Thi chạy ngay lên phòng nằm khóc tấm tức. Tức quá, tức quá đi thôi. Thi cũng thấy chán xứ này quá. Mà đi đâu? Thi chợt nhớ tới bác Ba ở Pleiku.

Ăn Tết xong, An trở lại trường. Suốt thời gian ngắn ở nhà, An chẳng đến thăm Thi. An thật sự quên Thi. Thi cũng tự ái, không đến nhà An. Buồn bã, Thi học hành chẳng được. Đi Pleiku để quên người thì cũng chẳng quên người được.

Mấy tháng sau, vì áp lực của các bác, các chú, Thi vâng lời mẹ đi lấy chồng. Học được thì bác Hai tiếp tục lo cho ăn học, mẹ nói, không học được thì đi lấy chồng, mẹ đâu có khả năng nuôi con hoài. Thật ra, đâu phải bác Hai bỏ tiền túi ra cho Thi ăn học. Tiền đó là một phần huê lợi từ miếng đất của ba Thi, hồi ông còn sống, dòng họ đã để cho ông sử dụng, nay ông mất mà hai mẹ con Thi không coi ngó được, bác Hai lấy tạm canh tác. Vì đó là đất của dòng họ, nên khi Thi đi lấy chồng, quan niệm họ hàng, con gái là con người ta, vì lẽ đó, phải trả lại cho họ, rồi bác Hai lấy luôn miếng đất cho người con trai của bác. Ông bác nào cũng vậy, miệng thì cứ nói sẽ lo lắng, đùm bọc đứa cháu côi cút, nhưng rồi chính họ lại giành giựt miếng ăn của cháu.

Bảo lấy chồng thì Thi lấy chồng. Thi chẳng màng người Thi sẽ lấy là ai. Nhân, chồng Thi lớn hơn Thi nhiều, cả chục tuổi. Anh được lòng những ông bác, ông chú của Thi. Anh đi vòng quanh để được Thi. Anh không cần tán Thi. Nhiều năm sau, Thi còn giận anh, còn giận mấy ông bác, ông chú, vì lý do này. Lấy nhau rồi, anh chỉ biết chiều vợ, chứ anh không chịu hiểu vợ. Thi chẳng yêu chồng. Thi sống bên chồng như sống với người dưng. Thi cho là vì những ràng buộc mà người ta phải sống với nhau thôi. Thi cô đơn. Thi vẫn không quên An. An ở đâu, An làm gì? Vài năm trôi qua. Rồi cũng có lúc Thi nghe tin An lấy vợ. Chỉ nghe thôi, chưa hề gặp lại. Trái tim Thi đau nhói.

Rồi những đứa con của Thi với chồng Thi lần lượt ra đời. Chuyện tự nhiên của Đất Trời. Thi cũng biết lo cho con. Hình như Thi sống trong hai thế giới: thế giới hiện tại là tình thương của người mẹ dành cho các con, và thế giới ngày xưa là có Thi và An, tung tăng đùa giỡn ở những dốc đồi Đà Lạt. Bạn bè, người thân, ai cũng biết hai thế giới này của Thi. Dĩ nhiên, Thi coi tình thương yêu cho các con là trên hết. Nhưng cũng không ai được quyền phủ nhận hay đụng tới cái thế giới ảo của Thi. Khi các con khôn lớn, có đứa bênh cha, đã biết buồn giùm cho cha.

Lại thêm nhiều năm trôi qua, tóc Thi đã bạc, muối nhiều hơn tiêu. Lúc này, Thi đã ngoài 60 tuổi, đã là một người đàn bà có nhiều tuổi. Thi buồn bã nhủ thầm, đàn bà ở tuổi này còn gì nữa, chỉ toàn là bệnh tật thôi. An thì như thế nào? Thi vẫn nhớ An lúc An đi học ở Sài Gòn về. Thi già, nhưng trong trí nhớ của Thi thì An không già, vẫn là anh học trò trên dưới 20, một thanh niên trẻ trung, khỏe mạnh. Từ dạo đó, Thi chưa hề gặp lại An thì làm sao Thi biết An đã già như thế nào. Nhưng Thi nghĩ dù thế nào thì ông lão ngoài 60 thì chắc là không thảm thương như mình rồi!

Bây giờ, các con bà Thi đã lập gia đình. Bà Thi đã có cháu. Bà Thi đã làm bà nội, bà ngoại. Bà Thi vẫn không sao quên được người xưa, dù bà cũng biết nhớ thương là chuyện hão huyền. Tin tức về An cũng ít dần từ ngày gia đình bà qua sống bên Mỹ, vì gia đình An không phải gốc người Đà Lạt, chứ người Đà Lạt qua đây cũng đông, thỉnh thoảng họ tổ chức một ngày để nhớ về Đà Lạt, và để con cháu Đà Lạt có dịp gặp lại nhau, thì thế nào bà cũng được nghe nói về An. Vì sợ tai tiếng gia đình, vì các con, vì không muốn phiêu lưu mạo hiểm ra ngoài cuộc sống quen thuộc, nhàm tẻ. Bà Thi vẫn sống với chồng là ông Nhân. Mới đầu ông Nhân còn ghen. Nhưng sau biết là mình đi ghen với một người không thật của vợ, ông Nhân chỉ thấy buồn thôi. Tâm hồn vợ vẫn thu chặt trong cái vỏ sò cứng ngắc. Mà ông thì không có khả năng đập vỡ cái vỏ sò đó. Nhiều khi chung chăn chung gối mà ông với bà như hai người xa lạ!

Bà đọc sách báo ở đâu đó có khuyên những người sống như bà:

− Gặp lại người xưa một lần đi rồi sẽ...vỡ mộng, sẽ chữa được bệnh yêu tưởng ngay.

Nhưng bà sơ....vỡ mộng. Bà không dám tìm kiếm người xưa. Bà cũng biết tìm kiếm để làm gì.

Cao máu, nhiều mỡ, có một ngày bà Nhân ngã bất tỉnh trong buồng tắm. Ông Nhân phát giác ra. Còn ai nữa, vì nhà dạo này vắng vẻ lắm, chỉ còn có ông với bà thôi. Ông hốt hoảng kêu số 911. Tụi Medic One đến, chở bà vào nhà thương. Bác sĩ cho biết bà bị stroke. Cũng may là nhẹ. Tỉnh dậy, thấy khuôn mặt hốc hác lo lắng của ông, bà cảm động. Vợ chồng sống với nhau lâu năm không tình cũng nghĩa. Xưa nay bà hờ hững với ông. Bà không vun xén cho mái ấm của mình mà cứ nghĩ chuyện ảo. Nếu Trời Phật cho bà sống thêm 10, 15 năm nữa, bà hứa lòng bà sẽ đền bù cho ông những mất mát trong mấy chục năm qua. Nhờ một cơn bệnh nặng, bà mới biết quí chồng! Nghĩ lại, thấy ông cũng già quá rồi. Vậy mà ông đã âm thầm chịu đựng sống với bà ngần ấy năm.

Ông âu yếm nói với bà:

− Mình an tâm! Bác sĩ nói mình sẽ khỏe lại mau lắm!

Bà muốn nói một câu xin lỗi, nhưng bà không nói được. Bà lại nghĩ, sớm muộn mình cũng phải xin lỗi ông. Nước mắt bà trào ra. Bà cảm động quá, bà chỉ nói được mấy tiếng, cám ơn mình.

Mấy hôm sau, bà được cho về nhà. Những cây phong lá đã ngả qua màu vàng, gió chiều lành lạnh thổi về. Ông Nhân từ từ đẩy xe lăn đưa vợ từ trong bệnh viện ra xe hơi. Bãi đậu xe vắng tanh, không người, chỉ có cặp vợ chồng già người Á Đông là họ. Tình yêu thương nghĩa vợ chồng, ở cuối chặng đời, họ mới tìm thấy được.