Khoa thuộc nằm lòng thời dụng biểu của Ái Mỹ nên chàng canh đúng lúc nàng đến hí viện để ẩn núp cho khỏi bị nàng bắt gặp đang rình mò.
Đêm ấy, màn đầu Ái Mỹ không có vai, nàng đến rạp rất trễ, Khoa đậu xe đằng Phạm Ngũ Lão, bên hông lữ quán Vạn Lợi, rồi đi bộ chầm chậm lại ngã tư quốc tế.
Chàng mặc y phục bằng ka-ki, đội nón cối kéo hụp xuống che khuất trán rồi vào một hiệu may xép ở ngã tư để đặt may một chiếc sơ-mi. Những kẻ có liên hệ xa hay gần tới giới cải lương đều biết rõ chàng và đều ngồi trong tiệm cà-phê nên chàng tránh chường mặt nơi đó, mặc dầu may sơ-mi ở hiệu nầy rồi không biết dùng để làm gì: chàng rất kén ăn mặc.
Đường Bùi-Viện chỉ mới được đuổi nhà đổ đất chớ chưa cán đá. Tiệm cà phê nằm đối diện với hiệu may nầy chỉ mới mở có mấy tháng, nguyên trước đó là văn phòng của một trường dạy lái xe, và cả danh từ ngã tư quốc tế cũng chỉ mới xuất hiện ít lâu nay thôi.
Ái Mỹ ngồi xích lô máy từ đằng đường Galliéni đổ vô. Khoa dời ghế để ngồi núp sau một chiếc áo may xong treo trong tủ kiếng, xoay thế nào cho trông thấy cả những gì xảy ra ngoài kia, mà không ai thấy được chàng. Ái Mỹ đi có một mình, xuống xe trước tiệm cà phê. Khoa rình độ mười lăm phút nữa mới để tiền cọc rồi ra đi. Chàng trở về chỗ xe đậu, đoạn chạy rất nhiều vòng lớn trong thành phố và trở lại ngã tư quốc tế khi nào chàng canh màn gần hạ và Ái Mỹ sắp nào buồng.
Đó là lúc mà những kẻ ái mộ vào tặng hoa cho nàng như chàng đã làm suốt thời gian chinh phục cô đào hát trẻ tuổi lừng danh ấy !
Tặng hoa là một việc rất thường, Khoa không ghen vì thế đâu. Nhưng chàng sanh nghi khi Ái Mỹ tỏ ý không muốn được chàng đưa đón, và vài tuần sau đó, thấy chàng không chịu nghe Ái Mỹ cương quyết cấm hẳn chàng lai vãng vùng ngã tư quốc tế những đêm nàng có mặt nơi ấy ! Ái Mỹ không còn cha mẹ họ hàng gì cả, sống rất tự do một mình một nhà, thì bắt tình với chàng có ai khiển trách nàng đâu mà nàng phải lén lút ? Địa vị thương gia tăm tiếng, trẻ tuổi và chưa vợ của chàng rất có thể giúp chàng yêu đương dễ dàng một cô đào có một bà má giữ con không rời, vì nhiều bà má giữ con chỉ cốt để dành nguyên con họ cho một người chớ có cam mà giữ cho các bà đâu, miễn người ấy có đủ điều kiện. Mà chàng thì quá đủ điều kiện.
Đừng nói đâu cho xa, như cô Huyền Anh ở gánh Tân Hí, đẹp có kém gì Ái Mỹ đâu mà luôn luôn được một ông cha và một bà mẹ hộ tống, thế mà chính cả cha lẫn mẹ đều toa rập để cột cô cho chàng. Sở dĩ chàng đã chọn Ái Mỹ vì Ái Mỹ có học và tâm hồn rất phong phú và phần nào cũng vì Ái Mỹ được rất đông người săn đón. Đánh ngã bao nhiêu tình địch là một thú vị vô song, nó vuốt ve con người hùng tàng ẩn trong mọi nam nhi. Được tiếng khen là đã chinh phục Ái Mỹ trong một cuộc chiến đấu cam go, có giá trị ngang hàng với được thán phục đã làm và trúng một áp-phe khó khăn và bấp bênh.
Kỳ lạ và khó hiểu lắm là chàng nhận thấy rõ rệt rằng Ái Mỹ yêu chàng chân thật. Quả nàng giỏi đóng trò trên sân khấu, nhưng ngoài đời, nàng một cô gái ngây thơ, không thể giả dối với một thanh niên khét tiếng ăn chơi như chàng.
Phải, Ái Mỹ còn ngây thơ lắm. Chàng không dè là nàng còn tân và chỉ vào cái đêm mà nàng trao thân cho chàng, chàng mới hay điều đó.
Mà chuyện ấy chỉ mới xảy ra có ba tuần lễ nay thôi.
Không thể nào mà một cô gái tân mới thất thân với một người đủ điều kiện có ba tuần lễ lại đi ngoại tình.
Vậy thì cớ sao lại có chuyện trốn chui trốn nhủi rất tủi thân mà chàng không thể chịu được ? Chàng một kẻ vung tiền qua cửa sổ, một kẻ dám mua chuộc cả đạo đức nữa, lại không được phép ngang nhiên yêu một cô đào mà đồng nghiệp rất lắm người có một đời sống tình cảm xô bồ đến làm ngỡ ngàng dư luận.
Nếu như thế thì chàng đã gian khổ và chịu tốn hao để chinh phục nàng làm gì ? Đất Sài-Gòn có ít lắm là hai trăm thiếu nữ yêu kiều bằng Ái Mỹ. Ái Mỹ hơn họ cái danh tiếng của nàng. Danh tiếng ấy giúp cho người yêu nàng hãnh diện. Nay người yêu phải lén lút thì hắn không còn lý do đeo đuổi một nhơn tình quá mắc tiền như vậy. Hắn lỗ quá, tốn kém quá sức mà không chiếm được tiếng thơm làm nhơn tình của một cô đào lừng danh.
Tuy suy luận thế chớ Khoa không tính lỗ tính lời, không muốn bỏ cuộc vì chàng yêu Ái Mỹ ghê lắm.
Và vì yêu nhiều nên chàng mới nghi hoặc và ghen tương và đi rình để xem Ái Mỹ có tình ý với ai rồi hẳn hay.
Không, không có chiếc xe lạ nào đậu quanh đó cả. Đám đất xéo hình cánh buồm do ba con đường Bảo hộ Thoại, Dixmude, Galliéni (tên cũ của Bùi Viện, Đề Thám và Trần Hưng Đạo) làm ranh giới, đám đất ấy đêm nay không được tiếp ông khách hào hoa phong nhã nào hết, trừ bốn chiếc xe khán giả đậu gần đằng phía mũi tàu mà chàng biết số vì quen với chủ nhơn.
Yêu một cô đào hát thì phải khổ công đưa đón đêm hôm, chàng được miễn dịch, nhưng lại còn khổ gấp mười nếu phải hộ và ủng: đưa đón thì cứ vứt bạ nơi đó vào lúc đầu hôm rồi đi nhảy, đi nhậu, hay về nhà nằm ngủ rồi đến vãn hát trở lại mà rước nàng.
Đằng nầy cứ độ hăm lăm phút là phải trăm-ba một bận, gặp bạn rủ đi giải khát không dám nhận lời, mỏi lưng không dám về nằm, còn khi đến gần rạp hát thì lấm lét như chó ăn vụng bột, không phải vì quyết nghe lời Ái Mỹ mà vì sợ Ái Mỹ biết chàng đi rình, nó mắng cho mà mang xấu.
Rốt cuộc, xem lại đồng hồ, biết gần vãn hát, Khoa chạy vô đầu đường Nguyễn Tấn Nghiêm mà núp. Ái Mỹ ở xóm Năng Xi, thế nào cũng theo đường Galliéni mà về, và đón đầu nàng như vậy là nàng không thoát được, Khoa ngồi trong xe, nhìn thật kỹ từng chiếc xích lô đạp, từng chiếc xích lô máy, (thuở ấy chưa có tắc-xi) lướt qua đầu đường. Chàng sốt ruột quá, nghĩ rằng có thể "thằng ấy" đến đón nàng khi nàng ra khỏi rạp, rồi hai đứa nó đi với nhau.
Một chiếc xe qua, hai chiếc xe qua, toàn là xích lô. Kìa một chiếc xe trắc-xông, bên trong tối hù và phía trước có hai người ngồi, một nam, một nữ.
Tay Khoa run lên, chàng toan mở máy để rượt theo, nhưng chìa khóa xe lại rơi xuống sàn xe trong lúc chàng bối rối run lẩy bẩy, rớ đến món nào là y như làm hỏng món nấy.
Khoa đánh đến sáu cây diêm để rọi sàn xe kiếm chìa khóa, cây thứ sáu mới chịu cháy cho.
"Chúng nó đi Chợ Lớn để ăn uống. Ăn uống xong chúng nó sẽ..." Chàng nghẹn ngào, cơn tức trồi lên, khiến chàng suýt ngộp thở như đàn bà đẻ bị máu sản hậu chận. Hai bàn tay run và bị cơn giận làm cho yếu xìu của chàng mỉa mai thay, xòe ra rồi quấn lại như để bóp cổ cả "hai đứa khốn nạn" đó.
Khi chàng kiếm được cái chìa khóa, ngồi thẳng lên thì bỗng chàng thấy không cần rượt theo nữa, Ái Mỹ mặc áo tím còn người phụ nữ trên chiếc trắc-xông lúc nãy mặc áo trắng, chàng nhớ rõ như vậy, vì chàng đã thấy màu trắng ấy trong bóng tối của thùng xe không đèn.
Khoa còn thở hổn hển thì, Ái Mỹ ngồi trên một chiếc xích lô đạp, chiếc xe thong thả đi qua trước mặt chàng, Ái Mỹ chỉ trơ trọi một mình như mới đến rạp vào đầu hôm.
Lần nầy chàng cũng suýt ngộp thở nữa, nhưng vì mừng, chàng nghe yêu bạn hết sức và cứ muốn chạy theo ẵm nàng lên xe của chàng. Nhưng chàng ráng sức dằn, để tránh bị Ái Mỹ khinh rẻ đã rình mò một cách bần tiện.
Chàng ngồi đó, đợi đến hai mươi phút nữa mới cho xe chạy. Ái Mỹ có thể tiếp bồ của nó tại nhà và đợi hai đứa đóng cửa để rù rì, chàng sẽ xông vào bắt quả tang. Đến sớm quá, sợ "thằng ấy" chưa tới kịp thì hỏng cả. Nó tới sau, thấy bị kỳ đà không vào thì còn tang chứng đâu để mà lột lặt nạ Ái Mỹ ?
Khoa đậu xe thật xa nhà Ái Mỹ, đi bộ lại và gần tới nơi, chàng nhón gót lên bước thật nhẹ trên lề cỏ như một kẻ trộm. Nhà còn đèn, tuy cửa đóng. Trước nhà và quanh đây, không có chiếc xe nào cả, nhưng biết đâu! Thằng ấy có thể đi xích lô, hoặc chưa đến không chừng.
Khoa rón rén bước đến sát cửa và lắng tai nghe ngóng. Có tiếng hôn chùn chụt vang lên nơi buồng khách, tiếng hôn phát ra do lối hôn bằng miệng của Âu Châu.
Hai đầu gối của Khoa như rã ra thình lình và chàng muốn sụm ngay trước căn nhà phản bội nầy. "Trời ơi !" Chàng kêu than thầm, "Thế mà mình dự định cưới nó làm vợ chánh thức! Thật là lũ xướng ca vô loại, lời tục nói quả không sai".
"Nhưng mà mình có quyền, lòng công phẫn của chàng kích thích cho nghị lực của chàng chồi dậy và nghĩ như thế, mình có quyền, mặc dầu chưa được ra mặt làm chồng nó. Mà dầu cho không có quyền đi nữa, cứ làm thẳng tay, rồi ra sao thì ra."
Nghĩ xong, chàng đấm cửa thình thình và hét to:
- Mở cửa, mở cửa cho mau !
Tiếng chùn chụt trong ấy dứt ngay.
- Mở cửa hay không thì nói đi !
Có tiếng chơn không chạy đùi đụi trên gạch, tiếng chìa khóa cựa mình trong lỗ khóa, rồi cửa mở tung ra...
- Anh!
Ái Mỹ đã rửa mặt để tẩy dấu vết hóa trang kỳ dị của một cô đào và giờ trông ngây thơ như một nữ sinh. Cô nữ sinh giả hiệu nầy giả dối làm bộ ngạc nhiên mà nhìn chàng, khiến Khoa muốn tát vào mặt con người đê tiện ấy. Chàng làm thinh, mặt hầm hầm chạy tuốt vào buồng.
Không có ai trong đó cả.
Mở cửa sau, chàng vặn đèn nhà bếp. Bà bếp đang nằm trong mùng, trên ghế bố của bà.
Khoa vặn đèn cầu tiêu, cầu tiêu trống trơn.
Tiu nghỉu, chàng trở lên nhà trên. Lúc đó ngang buồng ngủ, Khoa cúi xuống dòm dưới giường. Dưới ấy chỉ có bụi bặm.
"Chắc nó trốn trong tủ. Thây kệ mẹ nó. Mình ở lì đây suốt đêm nay cho nó ngộp bỏ mẹ nó."
Ái Mỹ còn đứng chết sửng nơi buồng khách, trố mắt mà nhìn Khoa, không nói được lời nào cả. Khoa sừng sộ hỏi.
- Sao em lại sợ ?
Ái Mỹ nghẹn ngào, trợn trạo nuốt sự co vặn của sớ thịt cuống họng mấy cái mới đáp được:
- Anh hành động lạ lùng quá, như là người điên, em làm sao mà khỏi sợ.
Khoa cười dài rất mai mỉa mà rằng:
- Như người điên... ha... ha. Ừ mà phải, ai lại không điên khi gặp cảnh anh. Em đã làm gì từ lúc về nhà đến giờ ?
- Em thay áo.
- Rồi làm gì nữa ?
- Rồi đi rửa mặt...
- Rồi làm gì nữa ?
- Rồi múc cháo mà bà bếp để ninh trên hỏa lò vì bà đi ngủ liền sau khi mở cửa cho em vô...
- Rồi sao nữa ?
- Rồi em ăn cháo.
- Kế đó ?
Ái Mỹ nấc lên vì bị tra tấn như kẻ có tội, nàng uất ức lắm và đến đây, nàng chịu không nổi nữa.
- Hừ... khóc... đờn bà thì cứ ngỡ nước mắt là khí giới mạnh lắm. Nhưng không ăn qua tôi được đâu. Kế đó có làm gì, nói cho mau, không thì biết tay tôi.
Ái Mỹ nức nở nói:
- Sao anh tàn nhẫn quá vậy ? Em đang ăn cháo thì nghe tiếng anh gọi cửa giựt ngược nên em vội mở cửa chớ còn làm gì nữa ?
- Đang ăn cháo ? Đâu, cháo của cô đâu ?
Không đợi Ái Mỹ chỉ, Khoa dòm mặt bàn mà từ nãy giờ chàng không để ý tới. Nơi đó một tô cháo trắng lên hơi nghi ngút và một chiếc muỗng cà phê chúi đầu trong cháo.
- Hừ, có thể nào tin được chưa ? Một cô đào chánh của một đại ban, lương tháng mấy chục vạn mà hát xong lại về nhà húp cháo trắng như đào hát bội mạt rệp ngày xưa ? Lại ăn cháo không, chẳng có đồ ăn chớ !
Ái Mỹ tấm tức tấm tửi giải thích.
- Em ăn cháo với đường cát bỏ trong ấy.
- Đâu cô ngồi lại, ăn như lúc tôi gọi cửa xem.
Ái Mỹ riu ríu vâng lời bạn, ngồi xuống ghế và múc cháo bằng muỗng mà húp. Vì cháo nóng, nên nàng húp soạn soạt khiến Khoa nghe rồi giựt mình: chính cái thứ tiếng húp soạn soạt nầy mà khi nãy chàng nghe như là có kẻ hôn chùn chụt trong nầy.
Bỗng hiểu rằng mình lầm, Khoa mắc cỡ quá và hối hận quá. Chàng bước tới trước mặt Ái Mỹ rồi ngồi phệt xuống gạch, ngước mặt lên nhìn bạn mà thỏ thẻ nói:
- Ái Mỹ ơi, tha lỗi cho anh. Anh đã uống quá chén nên làm bậy bạ và nói xằng.
Ái Mỹ buông muỗng xoa tóc bạn rồi nói:
- Em cũng định bụng là anh say rượu.
Khoa hôn lên gối bạn. Ái Mỹ cười giòn mà rằng:
- Anh nên đóng cửa kẻo có ai đi ngang qua đây họ trông thấy cảnh nầy họ cười chết.
- Em cứ sợ người ta cười. Hèn chi mà em cấm anh...
Tuy nói thế, chàng vẫn đứng lên đi đóng cửa, cánh cửa mà không phải Ái Mỹ quên đóng, nàng cố ý để như vậy vì nghi là Khoa lên cơn điên, bỏ ngõ cửa để thoát thân, nếu chàng làm dữ quá.
Khoa trở lại bộ sa-lông, ngồi làm thinh xem bạn ăn cháo. Bỗng chàng sực tỉnh, hoảng hốt ngăn:
- Em đừng ăn, ta đi Chợ Lớn ăn cái gì chớ.
- Thôi anh à. Em thức khuya mệt lắm, ăn cháo trắng khỏe hơn.
- Tùy em.
Chàng lại làm thinh mà nhìn bạn một hồi nữa rồi nói:
- Anh cứ muốn được làm tô cháo hoặc cái muỗng để được bàn tay đẹp của em cầm lấy.
- Nịnh vô ích. Anh đã được em rồi còn nhọc công làm gì ? Em có phải đầm đâu mà đòi hỏi thứ đó.
- Thật đó chớ. Còn cái miệng của em, trời, nói thì có duyên, cười thì tươi, khóc lại đẹp, mà ăn thì...tuyệt trần.
Ái Mỹ đã ăn hết tô cháo. Nàng vừa lau miệng bằng khăn mù-xoa vừa nói:
- Em không dè đêm nay anh đến nên không sắp sửa món ăn khuya. Anh ăn đỡ cháo được không, em đi múc.
- Thôi khỏi. Ta đi nghỉ là hơn.
Trong khi Ái Mỹ buông mùng, Khoa thay y phục, vừa nằm cạnh nhau là anh nhơn tình ghen hụt nầy trở lại ngay vấn đề đã làm chàng ta ấm ách:
- Anh xấu trai lắm, hay bần hàn lắm hay sao mà em sợ ra mặt với anh dữ vậy ?
Ái Mỹ vả nhẹ vào má bạn rồi nói:
- Anh đẹp trai số dách, lại giàu như một ông hoàng.
- Nói xin lỗi, trong giới của em, phụ nữ yêu đương bừa bãi, sao em lại muốn tỏ ra ta đây nết hạnh như con nhà ?... Mà em muốn thế cũng được. Anh đã hứa cưới em thì ta là đôi bạn hứa hôn với nhau, nào ai nói ra nói vào gì được mà em cứ bị mặc cảm hoài, làm anh tức lắm.
- Không phải vậy.
- Chớ tại làm sao ?
- Khó nói lắm, đừng hỏi nữa em giận bây giờ.
- Anh sẽ thức sáng đêm để hỏi em chỉ một câu đó thôi.
- Hổng thèm: em khóc cho mà coi !
- Anh đã đến nước cần dứt khoát, chớ anh không thể chịu thiệt thòi, chịu tủi thân mãi. Nếu em nhứt định khư khư giữ bí mật của lòng em thì anh xin hủy bỏ lời hứa kết hôn với em.
- Anh nói thật hay hăm dọa em ?
- Anh đã nhứt định rồi.
Ái Mỹ nín lặng rồi giây lâu Khoa nghe nàng nấc lên nho nhỏ. Biết bạn uất ức quá nên cố nén tiếng khóc, Khoa rất thương, day qua ôm bạn mà hôn:
- Anh yêu em với tất cả tấm lòng anh, nhưng anh không thể chịu cảnh trốn chui trốn nhủi, em nên hiểu quan điểm của anh.
Bấy giờ Ái Mỹ mới òa lên mà khóc rất lâu trong tay bạn, rồi tức tưởi nói:
- Anh hưởng em được rồi, bây giờ anh không cần nữa em biết mà ! Em lo sợ sự việc xảy ra như vậy, nhưng không dè mà quá sớm thế nầy, hiến thân cho anh chỉ mới có mấy tuần lễ thôi...
- Em nói lẫy làm gì. Anh còn yêu em hay không, tự em biết lấy. Em nên hiểu anh thì hơn.
Khoa năn nỉ, ỉ ôi, dỗ ngọt Ái Mỹ gần tới sáng, nàng mới chịu cởi mở. Nàng hỏi:
- Anh xem em diễn trên sân khấu, anh có nhận thấy cái gì lạ nơi em không, cái gì khác hẳn mọi cô đào khác ?
Khoa suy nghĩ một lát rồi đáp:
- Có, em không bao giờ nhìn khán giả hết.
- Anh thấy rất đúng.
- Bậy lắm. Anh không ghen đâu, em cứ nhìn đi chớ.
- Em không sợ anh ghen. Em đã có thái độ đó từ trước khi quen biết với anh kia chớ.
- Nhưng sao lạ vậy. Theo chỗ anh biết thì đào kép khác lại cố ý nhìn khán giả.
- Phải, phần đông nếu không nói là hầu hết đồng nghiệp của em đã làm như vậy. Mỗi đêm họ nhìn thẳng vào vài khán giả trong nhiều thời gian ngắn, làm như là các khán giả ấy có gì đặc biệt lắm khiến họ phải chú ý.
Thế là các cô cậu thích chí đã được lọt vào mắt nghệ sĩ sân khấu, và ủng hộ các kịch sĩ ấy ghê lắm.
- Họ nghĩ đúng, sao em lại dại mà...
- Em đã học một quyển sách Tây, thấy Tây họ nói hữu lý nên em quyết bắt chước họ.
- Họ nói thế nào ?
- Họ cấm hẳn diễn viên nhìn khán giả. Họ vẫn biết mánh lới như ta, nhưng họ quả quyết rằng không mong có tham vọng nhìn mọi người, và số người được nhìn, tương đối rất ít. Bao nhiêu người khác sẽ có cảm giác bị bỏ rơi, và kết quả lại hại vô cùng.
- Quả thật vậy hay không ?
- Đúng y như vậy. Em đã thực hành cái tiểu ri đó và em tin rằng thái độ đó là một yếu tố quan trọng trong những bước thành công của em.
- Nhưng không nhìn khán giả thì nhìn cái gì bây giờ.
- Rất dễ nhìn xuống mà khỏi phải nhìn thẳng vào ai cả.
- Nhưng những điều em nói nãy giờ có dính líu gì với cảnh núp lén của ta đâu.
- Ấy, em nói chưa hết. Sách ấy còn dạy điều nầy nữa, nói ra chắc anh mỉm cười chế giễu vì nó mới lạ quá.
- Thì cứ nói nghe thử coi.
- Sách bảo rằng khán giả họ mê đào và ghen.
- Ghen ?
- Ừ họ ghen ghê lắm. Họ cứ muốn cho các cô đào trong trắng thân thể và tấm lòng để họ được nuôi nấng ảo vọng ngày kia họ được các cô yêu, hoặc để ấp ủ tình yêu thầm lặng của họ. Cô nào mà yêu đương thì sẽ biết tay họ. Họ thất vọng rồi lại giận, họ ghen và sự trả thù của họ kinh khiếp lắm: họ sẽ không hoan nghinh cô nữa, mặc dầu cô ta có tài, có sắc.
- Trời ơi, thật là kỳ lạ hết sức. Anh cứ ngỡ chỉ có một bọn vài thằng như anh mới có tâm trạng ấy thôi chớ.
- Không, sách ấy nói rằng toàn thể khán giả phái nam đều như vậy hết, từ anh cụt chơn đến anh nói ngọng đều nuôi cái mộng được đào yêu, những cô đào danh tiếng cố nhiên, và đều ghen tất cả.
- Nhưng đó là chuyện bên Tây, và cái biết của em rất hại cho em và cho anh.
- Phải, chuyện bên Tây. Nhưng ta đã bị Âu hóa về nhiều mặt, kể cả mặt cảm nghĩ.
- Anh không tin.
- Thì em đã nói rằng anh không tin. Nhưng có bằng cớ: con Anh Đào diễn còn hay hơn trước, hay bằng hai năm ngoái, thế mà nó bị tẩy chay.
- Em nói sai. Nó bị tẩy chay vì nó... lấy bậy, anh xin lỗi em đã phải dùng hai tiếng thô bỉ đó. Nó lấy một ông già, mê hoặc ông ta, phá gia cang của ông ta, rồi bị đánh ghen, bị xởn tóc tùm lum, xấu hổ cho cả giới của em, nên bị các ông ký giả kịch trường lên án, rồi thì ngôi sao nó phải lu là tự nhiên.
- Anh nhắc em mới nhớ đến mấy ông ký giả kịch trường vừa xuất hiện vài năm nay. Các ông đáng được giới của em dựng tượng, vì chính nhờ các ông mà đời sống công nhân sân khấu mới được cải thiện, tụi em mới được sống có nhân phẩm như bây giờ. Nhưng vài ông lại đi rỏi địa hạt tranh đấu cho công nhân và nghệ thuật làm nhà luân lý.
- Nghệ thuật và đạo đức phải đi đôi chớ.
- Cũng được. Còn con người nghệ thuật ?
- Cũng thế. Nghệ thuật và con người nghệ thuật đều phải đạo đức.
- Tất cả nhân loại đều phải đạo đức, chớ sao lại chỉ bắt có giới nghệ sĩ là phải đạo đức thôi ?
- Ừ, ai cũng phải đạo đức tuốt hết.
- Đồng ý, nhưng tại sao một ông thông ngôn yêu bừa bãi, không bị các ông ký giả làm rùm mà họ chỉ lên án nặng khi đào kép bừa bãi ? Ấy, họ làm nhà luân lý mà chỉ làm riêng đối với đào kép mà thôi. Nhưng phần đông dân chúng dễ dãi hơn chỉ gắt gao về mặt đó với vài giới thôi, như là giới mô phạm, giới y sĩ, và các nhà cầm vận mạng quốc gia trong tay.
- Thế thì tại sao dân chúng lại tẩy chay Anh Đào ?
- Họ quan niệm dễ dãi đối với đào kép, không bắt đào kép phải đạo đức như bắt các nhà mô phạm, nhưng họ cứ tẩy chay con Anh Đào là vì họ ghen. Vâng họ ghen nhưng không chịu nhận rằng ghen, bèn mượn cái cớ đạo đức mà họ bắt buộc, để mà trừng phạt hầu trả thù.
- Em nói bậy.
- Em nói đúng, hay sách ấy nói đúng, em tin theo sách. Khán giả họ bỏ ra tiền để đòi hỏi cái gì ? Họ đòi diễn cho thật hay, ca cho thật mùi và dung nhan cho thật đẹp. Vãn hát, họ quên mất mình, và sực nhớ đến mình khi họ trở lại rạp hát lần nữa, thế thì tại sao con Anh Đào vẫn đẹp, vẫn ca mùi, vẫn diễn giỏi mà lại bị tẩy chay.
- Thật ra, không ai mà tẩy chay nó.
- Phải, em dùng tiếng không đúng. Nó chỉ bị họ không hoan nghinh nữa thôi, họ không vỗ tay tán thưởng nó mỗi lần nó vô vọng cổ, mỗi lần nó làm lẳng, và đêm nó thủ vai chánh thì rạp không côm-lê như năm ngoái. Em kém nó một bực về tài về sắc, thế mà em lên cái vù qua mặt nó như không.
- Cho là như vậy đi nữa, trường hợp cô ta cũng khác xa. Em được anh cưới đàng hoàng, chớ ta có yêu nhau ngoài vòng lễ giáo đâu. Chính núp lén như em muốn, mới là khiến thiên hạ có cớ mà chê cười.
- Em chỉ núp lén cho đến ngày anh cưới em thôi. Nhưng anh cưới lại còn chết em nữa. Bậy bạ thì họ ghen mà lấy chồng đàng hoàng, họ cũng ghen tuốt, vì đằng nào họ cũng mất cô đào độc thân, trơ trọi và mơ yêu. Cô đào lấy chồng đàng hoàng họ còn mất chắc hơn nữa.
- Nói như em, các nữ kịch sĩ, các nữ minh tinh màn bạc đều phải ở vậy trọn đời à ?
- Không ai mà ở vậy trọn đời được. Có điều là có mèo chuột hay lấy chồng gì ngôi sao cũng lu mờ cả.
- Nhưng em vẫn nhận để anh cưới chớ ?
- Cố nhiên. Nhưng không làm rình rang. Anh sẽ cưới em trong vòng thân mật như nhiều cô đào bên Âu Châu hay đòi vào các nhà thờ làng xa hẻo lánh để làm lễ cưới.
Khoa thất vọng lắm. Chàng có sức khỏe, có bóng sắc, có tiền của, chỉ thiếu có mỗi một điều là danh vọng thôi. Chàng mơ được thơm lây tiếng vợ, chàng lại thích được hãnh diện với anh em. Cưới một cô đào danh tiếng mà không hề mang tai tiếng sẽ được thán phục y như là cưới một cô nữ bác sĩ, nữ trạng sư. Hơn thế, chàng sẽ được tín nhiệm hơn, được uy thế hơn trong giới làm ăn, và sản nghiệp của chàng sẽ nhờ đó mà nở thêm. Tức lắm, chàng hỏi:
- Thành ra yêu nhau trong bóng tối, mà cưới nhau cũng không dám ra chỗ sáng lắm.
- Không phải vậy đâu. Nhưng nên tránh bị quảng cáo rùm beng.
- Em quyết định như vậy à ?
- Em đã nhứt quyết.
- Nếu anh không nhận điều kiện của em ?
- Thì em xin giữ tình trạng hiện giờ, nếu anh không giận mà bỏ em luôn.
- Như anh giận ?
- Thì em đành chịu vậy chớ biết sao ?
- Trời ơi, chỉ vì quan niệm sai lầm của em mà em dám hy sinh cả đời em à ? Em nên nhớ rằng em đã hiến thân cho anh.
- Em tin là em không lầm.
Khoa có cảm giác rằng Ái Mỹ không yêu chàng mà chỉ làm một cuộc hôn nhân theo lý trí thôi: lấy một người chồng có tư cách, có tài sản vững. Khi người ta yêu, ngai vàng kia mà người ta còn dám bỏ, huống hồ gì sự được hoan nghinh nhứt thời.
Ái Mỹ hoàn toàn hành động theo lý trí: nàng đã chọn chàng trong hằng chục thanh niên, trong đó có cả người ký giả kịch trường đẹp trai và cũng rất tư cách, lại nhiều công với nàng, đặt biệt hiệu cho nàng và lăng-xê nàng bằng nhiều bài báo "dao to búa lớn". Người ta xầm xì rất có lý và có căn cứ rằng nàng đã yêu người ký giả ấy, nhưng rốt cuộc hắn bị ra rìa vì hắn không giàu như chàng. Chọn chồng giàu xong, nàng không dám ỷ lại hẳn vào tài sản của chồng, mà lo củng cố tương lai của nàng bằng cách o bế dư luận.
"Nếu nó không được hoan nghinh nữa thì đã sao chưa ? Nó sẽ là bà triệu phú thì sao, cứ cân nhẹ tình yêu hơn là danh tiếng của nó ?"
Khoa quên mất tự ái, tham vọng riêng của mỗi cá nhân nên đáp không được câu hỏi mà chàng tự đặt ra. Chàng yêu Ái Mỹ quá nên dầu có tủi thân, có tức tối bao nhiêu, chàng cũng không lùi được.

° ° °

Hai tháng sau, họ cưới nhau trong vòng thân mật đúng y theo quyết định của Ái Mỹ. Giới cải lương không hay biết có hôn lễ, ngỡ họ yêu nhau thì ăn ở với nhau như thế có khác chi là bao nhiêu cặp vợ chồng khác trong giới đâu, nên chẳng ai nói ra nói vào gì cả. Giới ký giả kịch trường cũng biết câu chuyện ấy do giới cải lương ban ra một cách bình tĩnh và cũng đồng ý nghĩ với giới cải lương, không loan tin đám cưới mà cũng không chỉ trích vì không phải là chuyện "xì-căn-đan".
Trong con mắt đa số khán giả. Ái Mỹ vẫn cứ là một trinh nữ sáng chói về tác phong đạo đức xác và hồn chưa có chủ, mặc sức cho người ta mơ.
Nàng tránh tất cả các cuộc phỏng vấn của báo chí đá động đến vấn đề tâm tình, hôn nhơn, để khỏi phải nói thật và nhứt là khỏi phải nói láo. Đó là một lối nói láo bằng im lặng, không đính chánh ngộ nhận của phần đông bằng một cuộc tiết lộ hiện trạng tình cảm, hiện trạng gia đạo của mình.
Ái Mỹ vẫn đi dạo mát, đi giải trí, đi ăn uống với chồng và giao thiệp với giới thương mãi của chồng, thâu hẹp trong vài ba mươi gia đình mà hết hơn mười gia đình là người ngoại quốc rồi, nhưng tuyệt nhiên ngăn chồng đưa đón ở các rạp hát.
Đành rằng không chuyện kín nào mà giữ mãi được cả nhưng ít lắm là năm năm nữa toàn thể khán giả của nàng mới biết rõ về đời tư của nàng. Chừng đó nàng đã mỏi chân trên đài danh vọng rồi, sẽ không thiết đến các trận hoan nghinh cuồng nhiệt nữa.
Người nghệ sĩ sân khấu nào cũng hãnh diện một cách chánh đáng khi được hoan nghinh. Nhưng nơi Ái Mỹ sự hãnh diện ấy là một cái bịnh, một tâm bịnh rất nặng. Nàng nhiều tự ái quá và ham danh quá, lúc chỉ được đóng vai "thế nữ" thôi, nàng thèm danh đến muốn điên luôn, và khi bắt đầu được cho giữ các vai phụ, nàng mất ăn mất ngủ vì cố tranh tài để vươn lên. Lên đến nơi, nàng lại xuống cân vì sợ không giữ được lâu cái đỉnh cao sang chót vót đã chiếm được.
Tất cả những cái ấy đều chánh đáng ngợi khen nhưng tâm trạng sợ mất chỗ và quyết không nhường chỗ trở thành nghiệt ngã quá sức cho đến đỗi biến ra ích kỷ và ganh tị rất khổ cho nàng.
Ái Mỹ chỉ còn biết có danh vọng chớ không thiết đến điều gì khác nữa trên đời nầy.
Trẻ đẹp và nghệ sĩ, tức là phong phú tình cảm, Ái Mỹ tất nhiên phải cần yêu đương nhiều hơn một thiếu nữ nào khác mà thiếu một trong ba điểm đó. Nhưng nàng cố dẹp khát vọng yêu đương lại để lấy chồng, mà lấy chồng theo lý trí để vừa khỏi nghĩ quấy là xằng vì sinh lực quá dồi dào mà lại vừa củng cố trong tương lai được.
Theo thần thoại Hy Lạp, hoa thủy tiên là hồn của mỹ nam tử Narcisse. Anh chàng nầy đẹp trai ghê hồn, soi bóng mình trên mặt hồ rồi mê sắc đẹp của chính mình nên không còn yêu cô gái nào được nữa cả. Chàng tự ái, tức là tự yêu mình cho đến ngày kia nhảy xuống hồ để bắt bóng chàng rồi chết đuối dưới ấy, hóa thành hoa thủy tiên.
Ái Mỹ không tự yêu mình đến thế, nhưng lại yêu danh vọng của nàng quá sức, và do một quan niệm đúng hay sai chưa ai biết rõ, nàng cũng chẳng dám yêu ai như anh chàng Narcisse muôn xưa, bởi vì yêu, khác hẳn lấy chồng, khi yêu, ta say mê mà quên giữ gìn, người yêu của ta cũng thế, và mối tình giữa hai người thế nào cũng bị tiết lộ chớ không thể kín đáo như trong một cuộc hôn nhân mà anh chồng vì quá yêu nên nhận cả cái điều kiện thiệt thòi là giấu mình để người ta ngỡ ngàng nàng còn son trẻ mãi.
Tự biết mình không phải chinh phục Ái Mỹ được bằng tình cảm, mà bằng thứ khác, Khoa lo sợ nên không muốn để vợ tiếp tục hoạt động văn nghệ.
Mà ai khác cũng thế, dầu họ chiếm được hẳn lòng của một nữ kịch sĩ đi nữa. Óc sở hữu của con người rất mạnh, và không thể nào họ dung thứ được kẻ thứ nhì vuốt ve, mơn trớn, liếc mắt đưa tình với người mà họ xem là của riêng.
Cuộc tranh đấu của ái Mỹ lần nầy gay go hơn lúc đòi hỏi hôn nhân kín đáo. Khoa đã là người có quyền đối với nàng, hắn lại được ưu thế của kẻ hưởng xong, không còn cần lắm.
Ái Mỹ thường đóng đào lẳng, nhưng ngoài đời không lẳng, và nàng lại cố giữ nết na cẩn thận, nhờ thế mà nàng lại thắng, và Khoa đành nhẫn nại chịu số phận và Ái Mỹ cứ tiếp tục hưởng hạnh phúc riêng của nàng: sự thành công trong ngành nghệ thuật mà nàng theo đuổi, và sự thưởng công bằng tinh thần của bao nhiêu người hâm mộ nàng.
Hình như hạnh phúc không cần phải gồm đủ mọi mặt. Có kẻ chỉ ôm tiền là được sung sướng lắm rồi, kẻ khác dám hủy cả sản nghiệp và danh dự để được trái tim một cô gái. Ái Mỹ có tham vọng độc nhứt: được khán giả hoan nghinh. Nếu phải diễn không lương, nàng cũng cứ diễn, miễn hí viện vang dậy tiếng hoan hô nhiệt liệt mỗi bận hạ màn sau một xen xuất sắc của nàng.
Nàng không say mê nghệ thuật vì nghệ thuật mà mắc phải một chứng bịnh mà các nhà phân tâm học gọi là chứng cuồng hiếu đại; ưa nổi danh và nổi danh xong, không chịu được cảnh xuống chân. Cứ theo cái bịnh đó thì không cần làm văn nghệ, nở như đá banh nổi tiếng hay được bầu làm hoa hậu, nàng cũng mãn nguyện lắm rồi.
Sau hôn nhơn, Ái Mỹ hơi buồn, ngậm ngùi nhớ tiếc ưu thế được săn đón trước đó "vương tôn, công tử" thương gia, ký giả, văn nghệ sĩ tất cả bao nhiêu người trai trẻ thanh lịch hay giàu có ấy chỉ còn vui vẻ chào nàng như chào một người đẹp nào, rồi họ thờ ơ đi qua không lưu luyến với người mà trước kia họ hy vọng bắt tình hay cưới làm vợ.
Được cái là đại đa số quần chúng vẫn không hay cuộc thay đổi tình trạng trong đời nàng. Họ cứ chiêm ngưỡng trinh nữ tài hoa, vì nhan sắc, vì tài nghệ của nàng, mà cũng vì y như điểm tâm lý mà Ái Mỹ đã học được đâu dó, mà cũng vì chút ảo tưởng mong manh cô đào son trẻ ấy có thể là của họ. Nàng chưa có chồng, mà không hề nghe nói nàng lăng nhăng với ai cả. Ấp yêu hình bóng một cô đào trong trắng, hy vọng hão huyền của họ, nghe thật hơn, rất có thể biến thành sự thật hơn là nếu nàng đã trao tặng trái tim cho ai rồi.
Biến thành đờn bà. Ái Mỹ càng đẹp hơn lên trong những tháng đầu mà thân thể của người con gái ấy nẩy nở toàn diện và cô đào trẻ đẹp được hoan nghinh hơn cả.
Hạnh phúc của nàng không tì, không vết, nhưng không phải là không đau đớn.
Lấy một người vợ nổi danh, Khoa bị mặc cảm nhỏ nhoi. Chàng có cảm giác rõ rệt rằng chàng chỉ là một bóng mờ bên cạnh vợ, "không có ký lô nào cả", như lời tục thường nói.
Báo chí viết bài và đăng ảnh nữ kịch sĩ Ái Mỹ, chánh quyền và các nhóm, các hội mời nữ kịch sĩ Ái Mỹ uống trà, ăn tiệc mà quên mất "mông-xừ Ái Mỹ".
"Mông-xừ Ái Mỹ" là cái tên chế nhạo mà người trong giới của chàng đặt ra để đùa chàng. Cả trong giới nầy nữa, uy tín của con người của chàng tuy có lên thật, nhưng uy tín của chàng hơi bị lung lay. Người ta thán phục chàng là một tay hào hoa phong nhã, nhưng tay thương gia bị sụt oai thế vì người ta thấy nơi chàng một kẻ ăn chơi hơn là một tay doanh thương.
Khoa ghen với tăm tiếng của vợ và cái ghen nầy hành hạ chàng dữ hơn là nếu phải ghen với một tình địch. Chàng có thể hạ một tình địch được nhờ phương tiện đầy đủ của một tay giàu có nhưng chàng hoàn toàn bất lực đối với danh vọng của vợ và trước ái mộ vô tội của quần chúng.
Cái ghen không làm gì được ai ấy, được đổ trút cả lên đầu Ái Mỹ mà chàng thường kiếm chuyện gây sự một cách bất công. Tuy nhiên, nhờ Ái Mỹ không yêu nên nàng không đau khổ, và cũng nhờ chàng chuộc tội một cách đế vương sau mỗi bận hành hạ tinh thần vợ: đó là những món quà đắt giá mà chàng "quen thói bốc rời", mua tặng vợ như thời chinh phục nàng.
Ái Mỹ lương rất cao nên không cần tiền của anh chồng triệu phú của nàng. Về đời sống vật chất, nàng không thiếu một thứ gì cả, nhưng rất lắm hôm, Ái Mỹ ngẩn ngơ tự hỏi nàng có hạnh phúc hay không. Tuy nhiên, nàng khỏi phải băn khoăn lâu. Suy luận trước khi lấy chồng, vẫn còn đúng với hoài bão của nàng bây giờ: nàng cần giữ nguyên vẹn cảm tình của toàn thể số khán giả ngưỡng mộ nàng, mà muốn được thế, nàng không được phép yêu; một người con gái đến thì, vẫn thèm yêu mà muốn tránh yêu thì chỉ có một cách là lấy chồng cho khỏi ba lăng nhăng về mặt tình cảm.
Nàng đã chọn một thanh niên đủ điều kiện vật chất, thành thật yêu nàng và quyết việc trăm năm với nàng, tức là chọn đúng rồi thì còn ân hận làm gì. Ở đời không thể cả tham, muốn bao biện cả hai thứ khó dung hòa với nhau là tình yêu của chính nàng và lòng mến thương của khán giả. Nàng đã chọn một, và cái mà nàng chọn, nàng nghe nó quan trọng hơn giữ vững danh tiếng, giữ vững sự ái mộ các công chúng riêng biệt của nàng.
Ái Mỹ quay về hạnh phúc ích kỷ là hạnh phúc nhận thơ khán giả phái nam, thơ khen tặng tài nghệ và thơ tán tỉnh, nhiều bức người viết thơ trắng trợn nói thẳng ra là yêu nàng ghê hồn, và mong được nàng nhìn một cái vào mỗi đêm hát nào đó, chỉ rõ hàng ghế họ ngồi và màu sắc y phục của họ cho nàng dễ tìm.
Tình yêu thầm lặng của những kẻ vô hình sao cho bằng tình yêu cụ thể của chồng nàng. Nàng không xúc động vì những bức thơ lâm ly thống thiết ấy, nhưng đó là bằng cớ chắc chắn là họ vẫn cứ chìm đắm trong ảo tưởng của họ và nàng quả có lý mà nuôi dưỡng ảo tưởng ấy để được hoan nghinh mãi mãi. Nàng nghe rằng, bây giờ cỡ mà nàng diễn kém đi, sự ngưỡng mộ của họ vẫn chẳng sụt chút nào.
Ái Mỹ toại nguyện trong vuốt ve ấy cho đến tháng thứ mười, sau cuộc hôn nhơn với Khoa thì một biến cố xảy đến khiến nàng rụng rời.
Đêm ấy, âu yếm vợ, Khoa nói:
- Qua ba ngày rồi.
- Gì mà ba ngày ? Ái Mỹ hỏi.
- Em không có kinh kỳ đã ba ngày rồi.
Ái Mỹ ngạc nhiên hết sức. Sức khỏe của nàng dồi dào và đường kinh rất đúng, nên chi nàng không chú ý đến sinh lý ấy bao nhiêu. Nàng lấy làm lạ tại sao Khoa biết được một chi tiết như vậy.
- Vậy à ? Nhưng sao anh lại biết ?
- Vì anh có theo dõi.
- Bằng cách nào ?
- Anh biên sổ.
- Lạ quá, anh biên sổ làm gì ?
- Anh muốn con, ghi để mà đoán biết đặng mừng trước.
Ái Mỹ thừ người ra rất lâu, nhưng trong đêm tối Khoa không thấy được vẻ bối rối, lo sợ của nàng. Hai tiếng "muốn con" làm cho nàng chợt nhớ đến việc có thể có ấy: bặt kinh kỳ là một dấu hiệu có thể của sự thọ thai.
- Nhưng trồi sụt là sự thường.
- Cố nhiên, thế nên anh chỉ nhận xét thôi mà chưa dám vội mừng.
Ái Mỹ cố ý nói như vậy để được nghe chồng xác nhận rằng hắn không chắc lắm về sự thọ thai của vợ hắn.
Một sự kiện duy nhất ấy, thế mà người vui mừng, kẻ lại sợ hãi. Càng nghĩ xa vào vấn đề thai nghén, sanh nở, Ái Mỹ càng hoảng hốt lên. Sức khỏe của nàng sẽ suy, nhan sắc của nàng sẽ lụn, thân thể của nàng sẽ méo mó khi nàng hoài thai và hạ sanh một đứa con. Nàng biết chắc rằng những phương pháp y khoa tối tân và những phương pháp thể dục có nghiên cứu kỹ, chỉ làm giảm bớt bao nhiêu suy bại mà ngày xưa một sản phụ phải chịu chớ không thể trả lại cho đời một thiếu phụ toàn son khi thiếu phụ ấy làm mẹ xong.
Cứ hình dung ra một đôi má hóp, không đến đỗi lõm sâu nhưng hết đầy đặn nữa, một cái nây rổng dáng điệu tương đối nặng nề, Ái Mỹ thoáng thấy trước vẻ thất vọng trên gương mặt của những khán giả trung thành nhứt của nàng về sau nầy. Nàng lắng tai nghe thử những tiếng vỗ tay thưa thớt xem ra thế nào và cảm thấy rằng rạp hát sẽ lạnh vô cùng.
Bản năng và hãnh diện làm mẹ của người đàn bà bị chứng cuồng hiếu đại đánh bạt đi như nó đã đánh bạt mộng yêu đương của người con gái lúc trước.
Thấy vợ cứ làm thinh, Khoa hỏi:
- Em nghĩ thế nào ? Có nên vội mừng hay không ? Chỉ có em là trả lời được thôi, vì có lẽ em đã nghe khác lạ trong người.
- Em chưa nghe gì cả.
Rồi Khoa xây dựng nhiều dự định về tương lai.
- Em thích con trai đầu lòng hay con gái đầu lòng ?
- Em không biết...
- Họ nói sanh con gái đầu lòng, làm ăn được. Nhưng anh lại thích con trai hơn.
- Vậy à ?
Thấy vợ nguội lạnh quá, chỉ ừ hử cho có chừng, Khoa ngạc nhiên hỏi:
- Hình như em không hoan nghinh nó lắm.
- Ai ?
- Đứa bé con ta chớ ai.
Ái Mỹ cười ngất rồi nói:
- Anh làm em cứ ngỡ là ai đó. Chưa chắc có hay không mà hoan nghinh sao được.
- Anh thì anh tin rằng chắc chắn nó sẽ đến. Để ánh dọn buồng riêng cho nó, đóng giường trẻ con, tủ trẻ con, tất cả đều nhờ nhà trang trí chuyên môn phụ trách.
- Ừ.
- Nên đặt nó tên Bảng hay tên Cử ? Hay tên Giáp tên Thi ?
- Đặt nó là gì tùy anh chớ ! Vả lại chưa biết gái hay trai kia mà.
- Nếu là trai thì ta đặt tên Bảng, Khoa Bảng, còn gái thì đặt tên Lệ, cho liền với tên em: Mỹ Lệ.
Khoa nói tới đây rồi mừng quá, tưởng như đứa bé đã ra chào đời rồi; chàng cưng nó quá, muốn nựng nịu nó, nhưng chỉ hôn được bụng vợ thôi "Nó ở trong nầy!"
Ái Mỹ nghe buồn buồn, cười ngất rồi họ bước sang chuyện khác sau cơn vui ấy.
Ái Mỹ vẫn không vào hẳn trong câu chuyện được với chồng. Nàng bận lo ra vì cái tương lai mà Khoa đã gợi ra hình ảnh, tốt đẹp đối với hắn, nhưng dễ sợ đối với nàng.
"Trồi sụt là thường" nàng lẩm nhẩm lời ấy cho an lòng mình, nhưng lại tự cải chính ngay: "Nhưng với mình thì không thường. Mình vẫn đều đặn từ lâu, và dạo nầy mình không đau ốm, không có đổi lối sống, lối ăn ở, thì sụt là..."
Trong thời gian cái thai được cấu tạo thì đồng thời cũng được cấu tạo ám ảnh của Ái Mỹ. Bốn ngày... năm ngày... sáu ngày... Người thiếu phụ được lấy chồng chính thức nầy lại lo lắng, như là một cô gái thơ trót dại với ai mà người ấy không thể cưới nàng. Nàng sợ phải làm gái mẹ mà xấu hổ tông môn.
Bảy ngày... tám ngày... chín ngày. Nàng đợi "nó" từng giây từng phút, nửa đêm thức giấc, nàng lắng nghe xem nó có đến thình lình trong lúc nàng ngủ say hay không và mỗi sáng nàng mỗi thất vọng mà không thấy "nó".
"Nó" đây không phải đứa con mà người đàn ông trông đợi, mà là cái kỳ kinh nguyệt đi vắng một cách đáng giận.
Mặc dầu Khoa không nói thêm gì nữa về vụ đó nhưng Ái Mỹ tinh ý, biết chắc rằng chồng nàng theo dõi nàng hằng bữa bằng những cử chỉ thăm dò kín đáo. Mỗi bận chàng mừng rỡ vì không thấy gì lạ thì Ái Mỹ đâm cáu kiếm chuyện gây sự với chồng. Nhưng rồi thấy rằng mình vô lý hết sức, nàng cố bình thản như thường.
Khoa càng chăm sóc vợ hơn lên, lắm lúc Ái Mỹ hối hận mà cảm nghe rằng mình không xứng đáng tình yêu của chồng, không xứng đáng làm mẹ, nếu nàng sẽ làm mẹ.
Mười ngày... mười một ngày... mười hai ngày...
Ái Mỹ nghe rằng trong đời nàng, chắc sẽ không còn lo sợ nào to hơn, và nếu một buổi mai tốt đẹp kia, nàng thức dậy với "nó" thì nỗi mừng của nàng sẽ lớn lao như là nỗi mừng của nhà nghèo trúng số độc đắc.
Lương tâm của người thiếu phụ có học, có thiện căn, có giáo dục nầy bị dày vò hơn bao giờ cả. Bản năng làm người phải khiến nàng thấy đứa con là cái gì thiêng liêng, kết tinh của tình yêu, chớ không phải là một tai nạn mà con người cố tránh. Đành rằng lúc nam nữ gần gũi nhau về xác thịt, họ không nghĩ đến sứ mạng cao quí là sáng tạo một sinh vật để tiếp tục nòi giống, nhưng khi sinh vật ấy đã được sáng tạo, thì tình thương phải nẩy nở trong lòng họ, chớ họ không xem đó là rủi ro, là tình cờ sinh lý nữa. Ngụy cảm rằng đứa con là một hiện tượng ngoài ý muốn, ngụy cảm ấy thú vật quá, và sẽ làm ngửa nghiêng giống nòi trong một nhân loại thiếu tình thương.
Nhưng mà nỗi sợ xấu xí sợ chóng già, lớn mạnh quá nên nó làm hoen ố tình cảm của Ái Mỹ đi. Nàng biết tình mẹ là thiêng liêng, nhưng lại sợ có con, và xấu hổ với mình mà sợ một cách trái đạo như thế.
Mười hai ngày... mười ba ngày... mười bốn ngày...
Bứt rứt quá, không thể đợi xem nữa được, Ái Mỹ tìm một bác sĩ có nhận thử thỏ để nhờ ông nầy thử cho. Vị bác sĩ nầy hơi ngạc nhiên khi thấy thân chủ của ông còn trẻ quá. Thường thì những bà hiếm hoi muộn màng mới bồn chồn xin thử như thế thôi, còn những cô trẻ đẹp thì... hừ...
Ái Mỹ đoán biết ý nghĩ thầm kín về nàng của ông bác sĩ, nàng mắc cỡ và phân trần:
- Thưa ông, nhà tôi cần biết vì anh ấy ham con lắm.
Vị lương y già lắm, kinh nghiệm về tâm lý con người cười và nói:
- Bà chịu phiền đợi mười hôm nữa. Cứ bằng vào ngày bà mất kinh, thì bữa nay chưa thử được đâu.
Ái Mỹ lại phải đợi chờ, một ngày dài bằng cả năm. Mười hôm nữa cộng với bảy hôm đợi kết quả là hơn nửa tháng phải chịu cảnh căng thẳng thần kinh rồi.
Những khán giả trung thành nào có xem nàng điển xuất trong những ngày nầy đều nhận thấy cô đào mến chuộng của họ hơi kém phong độ hơn ngày thường, bực bội, nóng nảy rõ rệt.
Một... hai... ba hôm... mười hôm... nửa tháng. Và kết quả mong đợi trong sợ sệt là quả thiếu phụ nầy đã cấn thai. Dây thần kinh căng thẳng từ lâu, bỗng dùn lại thình lình và Ái Mỹ rã rời, uể oải như vừa ra khỏi một cơn sốt nặng, Khoa nhìn vợ, mỉm cười nói:
- Dấu hiệu đã rõ rệt, không còn ngờ gì nữa.
Khoa không kinh nghiệm nên nhận xét sai vậy thôi, chớ người đàn bà mới bị cấn thai không bị kích thích mà cũng chẳng uể oải. Hay là ý chàng muốn nói rằng Ái Mỹ thay đổi và bất thường ?
Ái Mỹ sụt hẳn cân và mất ăn mất ngủ; đó là triệu chứng thường của thai nghén, nhưng triệu chứng nơi nàng lại bị gia tăng vì âu sầu.
Nàng tiếp đón kết quả của cuộc thử thỏ như ngày xưa, hồi chưa tìm ra thuốc trụ sinh, một con bịnh nghe thầy thuốc bảo rằng hắn ho lao. Ái Mỹ chết điếng mấy mươi giây đồng hồ rồi lảo đảo bước ra khỏi phòng khám bịnh.
Khoa không làm sao hiểu được tình trạng khẩn bách của nàng cả. Một người vợ, không như một nữ kịch sĩ, sanh nở một đôi lần, người vợ vẫn còn đẹp đối với chồng; vả lại, còn tình còn nghĩa nữa, sắc đẹp chỉ quan trọng có chừng mực thôi. Nhưng khán giả, con mắt của họ khác và đòi hỏi gắt gao hơn.
Ái Mỹ đơn độc chịu cái nguy nan mà ai cũng cho là may mắn, bắt đầu là chồng nàng, nếu hắn nghe được "tin mừng" ấy. Nàng đơn độc chịu và đơn độc cựa quậy để đánh tháo hầu tự giải vây. Nàng nhớ có nghe vài bạn gái "đồn đãi" rằng một bác sĩ kia chuyên môn trị những chứng kinh kỳ trồi sụt và bị con bịnh gạt gẫm, vừa cấn thai, họ đến khai là trồi và được tiêm thuốc cho kinh kỳ trở lại.
Có học, Ái Mỹ không tin rằng một vị bác sĩ lại bị gạt như thế được, và lối trị bệnh bừa bãi của bà ấy là một hành vi cho thuốc đọa thai. Tuy nhiên nàng đoán rằng vị y sĩ ấy có thể làm bộ bị gạt để thi hành, hành vi ấy mà khỏi phạm pháp. Vì thế mà nàng tìm đến vị nữ bác sĩ mà họ bảo là cứu tinh của rất nhiều chị em lọt vào nước bí.
- Thưa bà, Ái Mỹ giả đò ngây thơ kể bịnh, tôi bị trồi, nên đau bụng khó chịu quá, xin bà trị cho.
- Cô trồi mấy ngày ?
- Dạ, một tuần lễ.
Ái Mỹ nói láo theo kế hoạch, vì nếu nói một tháng thì bà ta sẽ sinh nghi.
- Được để xem. Tôi quan sát một thời gian rồi mới dám cho thuốc.
- Nhưng thừa bà, tôi đau đớn lắm. Mỗi tháng trước khi có kinh kỳ, tôi đau như vầy hai ngày thì còn chịu được. Nay nó trồi, phải chịu đau lâu quá tôi đuối sức rồi, xin bà giúp cho nó đều đặn trở lại ngay...
- Ngỡ gì chớ đau bụng thì rất dễ, có nhiều thuốc để cô uống mà chịu đựng. Đừng nói chi thuốc lạ cô uống một viên aspirin, cũng êm được mấy tiếng Đồng hồ.
Ái Mỹ năn nỉ:
- Có gì đâu mà bà phải quan sát. Tôi trồi, bà cho thuốc đều kinh, chỉ đơn giản có thế thôi.
- Nhưng ngộ cô cấn thai thì sao ?
Nữ bác sĩ cười giòn lên, không biết có thẳng thắn hay không, nhưng Ái Mỹ nghe như bà ta nói: "Không ai gạt tôi được đâu mà mong".
Nàng nghe rõ rằng quả không thể gạt một nhà chuyên môn được, mà nhà ấy cũng không khi nào làm lơ cho ta gạt. Bí quá, Ái Mỹ toan nói thật, chỉ nói thật sự kiện thọ thai thôi mà không tiết lộ lý do thật của ý muốn không con. Nhưng nàng xấu hổ quá không làm sao trình bày được đề nghị của nàng; là đờn bà với nhau, bà ấy có thể dễ thông cảm với nàng mà cũng có thể dễ khinh rẻ nàng hơn là một vị y sĩ khác giống: bà ta là mẹ và sẽ ghê tởm một phụ nữ không nhận sứ mạng thiêng liêng của mình.
Trong vòng tuần lễ ấy, Ái Mỹ đi thăm đến bốn vị bác sĩ nam, Nàng đã dám đề nghị, nhưng ông nào cũng chê cười rồi khuyên dứt nàng nên tìm giải pháp khác. Một vị bác sĩ cao niên trong bốn ông thầy thuốc ấy đã cự nàng kịch liệt, thiếu điều mắng xối xả vào mặt nàng. Ông ta ỷ mình tuổi cao, xem con bịnh như con cháu, và thân mật la mắng chớ không vị nể như các ông còn trẻ.
Ái Mỹ không buồn tìm thầy chạy thuốc nữa. Nàng nghiền ngẫm riêng kế hoạch phải thi hành để cứu vãn tình thế phần nào hay phần nấy.
Những dấu hiệu thông thường của thai nghén đã phát lộ: gầy sút và ớn cơm. Khoa vừa vui mừng, vừa lo sợ. Chàng đưa vợ đi bác sĩ để khám bịnh và xin dưỡng thai. Ông bác sĩ nầy sau khi khám, không chịu cho thuốc gì cả, bảo rằng cứ để vậy là tốt hơn hết, và nếu qua tháng thứ nhì mà "bà ấy" vẫn còn ăn ngủ không được thì hẳn hay. Ông ta thêm:
- Tôi tin rằng một người sức khỏe đầy đủ như thế nầy, sẽ chóng trở lại bình thường, sẽ ăn nhiều hơn trước khi cấn thai, béo tốt ra, và không cần dưỡng thai bằng thuốc men nào cả. Thiên nhiên sẽ làm việc, giỏi giắn và khéo léo hơn bất kỳ y sĩ nào và đứa bé sẽ tốt cho mà coi.
Khoa không cưng vợ cưng con nhờ kỷ luật của thầy thuốc được, thì chàng gỡ gạc bằng cách khác vậy. Chàng nài nỉ Ái Mỹ giải nghệ.
- Ông ấy bảo rằng không cần thuốc, nhưng dầu sao em cũng cần nghỉ ngơi. Em nghỉ hát đi là vừa, sau khi lâm bồn, em sẽ có bổn phận, bổn phận làm mẹ mà sự săn sóc con cái không ai thay thế cho bằng ta.
- Anh muốn bảo khéo bỏ nghề luôn ?
- Ở đời có những điều khó lòng mà dung hòa với nhau được. Em làm nghệ sĩ sân khấu ? Tốt lắm. Nhưng em cũng làm mẹ. Trong hai thứ ấy em chỉ được chọn một thôi, chớ không thể cả tham.
- Nói như anh thì nghệ sĩ sân khấu không được sống một đời bình thường. Họ là loài người riêng biệt phải ở ngoài lề xã hội hay sao ?
- Không, anh không hề muốn nói như vậy. Nhưng nếu em tiếp tục hành nghề thì em sẽ săn sóc con cái không kỹ lưỡng: ngày tập tuồng mới, học vở, đêm diễn tuồng cũ, dậy trưa, về khuya, không ngó ngàng gì đến con vì thiếu thì giờ, tôi chán nó hoặc dốt hoặc lười, bỏ con bù lăn bù lóc.
- Vậy chớ nữ công chức, họ...
- Nữ công chức coi thế mà có thì giờ hơn em vì đêm họ có làm gì đâu. Họ có thì giờ kiểm soát công việc của một ngày qua và sắp đặt công việc của ngày tới. Con họ ốm đau, mà trẻ thường sốt ban đêm, họ trông nom được.
- Nhưng thôi, đó là chuyện xa. Việc gần là vụ em nghỉ dưỡng thai đây. Em tưởng anh không cần phải nhắc nhở, chắc rồi em cũng sẽ phải nghỉ. Không lẽ triển lãm cái bụng trên sân khấu cho người ta xem hay sao.

° ° °

Qua một tháng rưỡi, Ái Mỹ đã ra khỏi tình trạng ốm nghén. Nàng ăn được, ngủ được, má đầy lên và hồng hào ra, tươi tốt còn hơn con gái, còn hơn cả lúc mới thành đờn bà.
Đây là thời kỳ mà Ái Mỹ chụp ảnh thường nhứt, một tuần ba bốn lần. Nàng biết chắc rằng trong đời nàng, không bao giờ nàng đẹp bằng lúc nầy. Trước đây, nàng kém bây giờ, mà sau nầy lại càng kém hơn. Và đây là thời kỳ mà Ái Mỹ sung sướng nhứt trên đời nàng: Nhan sắc nàng tới đây mới thật là lên đến tuyệt đỉnh và sự hoan nghinh của khán giả cũng lên đến tuyệt đỉnh.
Những tình địch của Khoa, nói đúng ra, những kẻ "rấp ranh bắn sẻ" ngày trước mà đã nhượng bộ cho Khoa vì họ thấy nàng không xứng một cuộc tranh giành ráo riết, bây giờ hối tiếc và có nhiều kẻ trở lại săn đón nàng mà họ ngỡ là đã chán Khoa hay bị Khoa chán. Họ đâu có dè rằng Khoa đã thôi ăn chơi, trở lại để chỉ thương yêu một người độc nhất, còn Ái Mỹ thì chỉ lấy Khoa theo lý trí thôi thì không có vấn đề chán nhau.
Những săn đón ấy vuốt ve tự ái của Ái Mỹ nhưng nàng vẫn không đám dừng chơn lại để hưởng gió mát trên đường đi của nàng. Ái Mỹ không đạo đức cũng chẳng sợ bị dư luận mắng là trắc nết, mà trước sau vẫn không dám yêu chỉ vì cái lẽ mà nàng đã tin: tránh bị khán giả ghen tương và tẩy chay bằng cái cớ nàng kém đạo đức không xứng đáng làm một nghệ sĩ nữa.
Sáng thứ năm ấy, theo lời căn dặn của nàng, Ái Mỹ được con nhỏ ở đánh thức hồi tám giờ rưỡi. Thường thì nàng chỉ dậy vào khoảng kém mười giờ thôi, nhưng hôm đó nàng muốn đi xem một phim ca nhạc nên phải hy sinh giấc ngủ. Các nghệ sĩ phần đông chỉ được xem chiếu bóng thường trực thôi. Xuất đêm rộng rãi, thú vị hơn, họ lại kẹt thì giờ.
Ái Mỹ ăn sáng, điểm trang xong thì cũng gần mười giờ. Nàng mặc áo vào, soi gương lại lần chót thì thừ người ra. Lần đầu tiên, nàng thấy bụng nàng bắt đầu đội áo.
Không, nó chưa đội cao lắm đâu, tinh ý lắm mới thấy được, và những người mới thấy nàng lần đầu, không thể để ý đến chi tiết nhỏ nhặt đó vì nàng chưa đến đổi giống một người mập hoặc một người rỗng bụng vì sinh nở.
Nhưng cái dáng thon thon mảnh mai như ngày nào quả không còn nữa rồi. Bụng xẹp là yếu tố quan trọng của cái dáng đó, và khi bụng ấy đã đầy lên, và còn đầy nữa thì vĩnh biệt sắc đẹp vậy. Đã đến lúc phải nịt bụng rồi đây. Nếu diễn "tuồng Tàu", "tuồng Nhựt" gì gì đó thì không sao, nhờ chiếc áo xúng xính che giấu cho. Chỉ như cần phải xuất hiện trong chiếc áo dài ta thì thân thể nàng sẽ kém mỹ thuật rõ rệt.
Ái Mỹ đứng chết sửng giây lát rồi lặng nhìn chính mình thêm một hồi nữa, do dự không muốn đi chút nào. Nhưng chợt nghĩ khán giả chiếu bóng thường thì không phải là khán giả của nàng, các xuất thường trực cũng ít người nơi cửa rạp, nàng bèn đổi ý.
Đêm đó nữ diễn viên Ái Mỹ tái hiện trên sân khấu, mảnh mai như lúc còn là trinh nữ. Đó là ấn tượng của người nhà nghề trong gánh hát mà nàng diễn giúp, chớ còn khán giả thì không hay biết có sự đổi thay nầy. Khán giả hôm qua đã hơi ngạc nhiên mà nhận rằng bụng nàng no, nhưng hôm nay, họ là tốp người khác rồi, chỉ biết nàng mấy năm trước, mấy tháng trước thôi.
Không ai nói gì, nhưng Ái Mỹ đoán biết ngay cảm giác của họ, qua những cái nhìn của họ. Nàng có ảo tưởng rằng tình trạng thai nghén của nàng sẽ không ảnh hưởng chút nào đến nghề nghiệp của nàng cả.
Ảo tưởng ấy giúp Ái Mỹ yêu đời trở lại. Nàng nuôi nấng nó được mấy hôm thì đâu lại vào đấy: bụng nàng lại đội áo như hôm nào. Sức chịu đựng của vải nịt chỉ có hạn thôi. Cái thai nới ra thì số vải bị giãn lần.
Ái Mỹ lại phải thay băng nịt, y cỡ như cái đầu. Nhưng bụng lại lớn hơn thì sự đè ép càng mạnh và sự khó chịu càng tăng.
Một đêm kia, do tình cờ, Khoa chứng kiến được cảnh vợ đang nịt bụng. Chàng nóng ruột vì con nên giựt băng nịt mà vứt đi rồi xẵng giọng trách Ái Mỹ:
- Tuy nó không biết đau, chớ nó vẫn bị ép và bị hại về sức khỏe. Em không biết thương con à ?
- Em đã hỏi bác sĩ. Ông ấy bảo là không sao.
- Không sao ? Hừ, không sao!
Khoa muốn nói nữa, nhưng sợ nặng lời quá, mích lòng vợ nên chỉ lẩm bẩm bấy nhiêu đó thôi. Những lời chàng không thốt, Ái Mỹ vẫn nghe được, vì lời nói đó nói lên một ý nghĩ mà nàng đã nghĩ qua rồi:
- Tuy nịt bụng không hại bao nhiêu cho sức khỏe của đứa bé, lòng mẹ thương con vẫn không nỡ đè ép bào thai như thế.
Như nghe được lời ấy, nàng xấu hổ lắm. Nàng cũng có ý nghĩ qua điều đó, có thương xót cái bào thai đôi lúc, nhưng vẫn không biến đổi sự tự nhiên.
- Nhưng anh đừng lo. Cuối tháng nầy em nghỉ luôn. Chỉ còn hai tuần lễ nữa thôi.
- Chắc hay không ?
- Cố nhiên là chắc.
Khoa vui vẻ trở lại và không phản đối khi vợ chàng lượm lại sợi băng nịt mà chàng đã ném mạnh trên giường khi nãy.
Bào thai đã đến lúc không thể che giấu nữa được. Ái Mỹ đã nhẫn nại chịu tình cảnh đó và chuẩn bị rời sân khấu theo một chương trình nghiên cứu kỹ lưỡng, khi nàng ngỏ ý định cho bà bầu nghe, bà mỉm cười nói:
- Tôi biết, nhưng...
- Bà biết điều gì ?
- Tôi biết rằng bà có nghén, nhưng từ thuở giờ ai cũng để đến hơn năm tháng mới nghỉ, thì...
Ái Mỹ vội đính chánh:
- Không, bà lầm. Tôi có việc phải đi xa.
Bà bầu biết chắc rằng mình không lầm nên ngạc nhiên lắm. Tuy thế, bà không cãi chỉ hỏi:
- Nhưng rồi bà sẽ trở về chớ ?
- Cố nhiên.
- Độ bao lâu bà về ?
- Chừng hơn nửa năm.
Bà bầu thở dài mà rằng:
- Cũng khá lâu!
Các bà bầu gánh đều cũng ở trong một tâm trạng kỳ cục như vợ chồng Khoa.
Khoa thì thấy rằng một người đờn bà không thể vừa làm mẹ, vừa làm đào; nghĩa là một cô đào nếu cứ muốn còn là đào nữa thì tốt hơn là đừng đẻ, Ái Mỹ thì nghĩ rằng một cô đào danh tiếng, đẻ thì mất tiếng ngay. Còn các bà bầu thì rất sợ một cô đào ăn khách nghỉ dưỡng thai và sanh nở. Rờ-sết sụt chắc chắn trong mấy tháng mà các cô minh tinh ấy không được người đầy đủ khả năng thay thế. Tóm lại một cô đào, nhứt là một cô đào được hoan nghinh không thể sống một đời của người thường, trong con mắt của họ.
Cả hai im lặng một hồi rồi bà bầu lại thở dài mà nói thêm:
- Con Ngọc Gấm tạm thay cho bà được. Nó diễn xuất sắc không kém bà, chỉ phiền nó không được đẹp. Thuở tôi còn con gái, đi theo hát như cô bây giờ, khán giả vẫn chuộng đào đẹp, nhưng họ để tài của đào ở trên sắc, không như bây giờ, kém khả năng một chút mà đẹp thì cứ được hoan nghinh, còn kém đẹp mà diễn hay thì rất khó ngoi đầu lên.
- Bà tin rằng người xưa hơn người nay à ?
- Không, tôi không tin như vậy. Sở thích sai lầm ngày nay chỉ là sở thích của một giai đoạn mà cậu soạn giả Mười Cận gọi là giai đoạn giá trị tinh thần đảo lộn. Rồi thì đâu sẽ vào đó và tài sẽ được cân bằng với sắc, nếu không nặng hơn, chớ không lép về sắc như bây giờ.
Hôm tháng rồi, tôi có đi xem gánh hát Tây của ông Claude Bourrin 1 diễn vở Anh em Karamazow. Bà Claude Bourrin đầu tóc bạc phơ, thế mà thủ vai một thiếu nữ trẻ đẹp mà không buồn hóa trang, bà ấy vẫn được khán giả người Pháp hoan nghinh nhiệt liệt. Họ chỉ kể tài diễn xuất của diễn viên mà không kể đến con người của y.
- Người ta khác, mình khác.
- Không, ngày xưa mình cũng thế. Có lẽ chiến tranh đã xáo trộn khiếu thưởng thức của một thế hệ người mà thôi. Bà đi, ông cũng đi chớ ?
- Không, nhà tôi không giao công việc cho ai được.
- Người trong giới sẽ tò mò, báo chí sẽ tìm biết. Vậy tôi phải trả lời với họ thế nào ?
Bà bầu rất thông minh, đoán hiểu được cái gì nên mới hỏi rõ một điều không cần thiết. Nếu Ái Mỹ cố giấu sự thật thì bà cứ nói phăng là không biết, ai đoán gì mặc họ. Nhưng bà biết rằng Ái Mỹ không thích họ đoán gì cả, chỉ muốn họ tạm quên nàng thôi.
- Xin thú thật với bà là tôi đau khớp xương, cần sang Pháp cầu thầy. Cho họ biết như vậy, không hại cho tăm tiếng của tôi chớ ?
- Cố nhiên. Nhưng cỡ bà nói đi học thêm về nghề đóng kịch thì hay biết mấy ! Chừng bà về dễ lăng-xê bà trở lại lắm.
Cả hai cười xòa và Ái Mỹ đồng ý về tinh thần của thông cáo miệng đó.

° ° °

Cuối tháng hai âm lịch, thình lình cô đào hạng C Ngọc Gấm được lăng xê rùm beng một cách đột ngột. Tất cả những vai trước kia do Ái Mỹ giữ đều giao lại cho nữ diễn viên nhiều tài mà kém sắc nầy, vì bà bầu không tìm được ai hơn cô ta.
Sự rút lui của Ái Mỹ được giấu kín đến phút chót, do lời yêu cầu của cô và bà bầu bị cật vấn dữ. Ai cũng hãnh diện mà thạo tin hơn người khác, vụ nầy khiến cho những giới thân cận nhứt của gánh hát cũng bí nên họ tức tối, định trả thù, xuyên tạc lung tung. Bà bầu sợ bất lợi về sau nên xí gạt họ là vì một chứng bịnh ngặt đột phát nên Ái Mỹ phải cấp tốc xuất ngoại cầu thầy.
Chiến dịch lăng-xê Ngọc Gấm dữ dội quá nên nhận chìm được sự triệt thối đáng chú ý của Ái Mỹ và nhịp sống quay cuồng khiến bao nhiêu người bận chạy gạo quên mất cô đào khả ái đi.
Khoa thuộc vào giới khác, thói quen và tác phong khác người của giới vợ chàng, nên bạn hữu cùng nghề của Ái Mỹ ít tới lui với nàng từ khi nàng lấy chồng. Thế nên, mặc dầu còn ở Sài Gòn, Ái Mỹ cũng có vẻ đã đi xa.
Tuy nhiên, nàng vẫn phải trốn, tối ngày lút thút trên lầu, thảng hoặc có ló mặt nơi cửa sổ để hóng gió, rủi ro thấy khách đến là nàng phải vội thụt vào ngay để tránh mặt.
Khách ấy toàn là bạn hữu và người làm ăn với Khoa không liên hệ đến giới cải lương chút nào. Nhưng Ái Mỹ biết rằng không có gì một người biết mà hai người không biết rồi ba người một chục một trăm người sẽ biết và báo chí và giới của nàng dĩ nhiên cũng sẽ biết. Nàng cho chồng biết là không tiếp khách được, tùy Khoa muốn bịa thêm gì mặc chàng. Không phải là Ái Mỹ tự mãn với lối trốn ấy đâu, nàng nghĩ chưa ra chước gì đó thôi.
Về đêm, nàng buồn muốn chết đi được lận. Nhớ đèn, nhớ nhạc, nhớ sân khấu, nhớ sơn thủy, nhớ đồng nghiệp, nhớ vai, nhớ khán giả. Nàng nài nỉ cho chồng đổi xe mới để thỉnh thoảng hai người chạy qua trước rạp Nguyễn Văn Hảo cho đỡ thèm mà không bị người quen nhận ra, thấy xe lạ, họ không để ý đến người trong xe.
Những lần qua thăm chốn cũ như thế. Ái Mỹ rất muốn ghé lại một chút. Nếu ghé được thì đỡ ghiền biết bao ! Sức mạnh vô hình nó xô nàng vào đó, đôi phen suýt nàng thắng sự dè dặt của nàng và cố chống chọi lắm, Ái Mỹ mới không thua trận.
Hôm ấy, trao chiếc quần tây của chồng cho con nhỏ ở mang xuống dưới nhà để giặt, Ái Mỹ nghe giấy lào xào trong một cái túi. Sợ mất giấy tờ của chồng, Ái Mỹ thò tay vào đó để cứu vãn một tài liệu quan trọng hay không, nàng chưa được rõ.
Thì ra đó là một bức thư, chữ đề bì thư rất xấu và quê mùa, Ái Mỹ đoán là của một người bà con dưới làng, nhưng chợt thấy con dấu bưu điện, nàng đâm ra tò mò muốn đọc bức thư bỏ quên đó. Khoa quê ở Long An, nhưng bì thư lại mang con dấu bưu điện Long Thành (Biên Hòa). Thơ như tầy:
Thưa ông chủ,
Từ ngày giặc giã, tui hổng có đi đâu hết, cứ giữ sở cho ông riết. Nay Tây có đóng đồn gần đó hai bên cũng hổng ai phá phách gì. Ông chủ về được. Mời ông chủ về. Tui túng tiền lắm mà hông ai trả lương hết.
Bái bút. Nguyễn Văn Sáu ký.
Thì ra đó là người coi sở cho Khoa. Nhưng sở gì kia, Ái Mỹ tự hỏi. Trong những năm chiến tranh, Khoa đầu cơ làm giàu lẹ quá nên có lắm bất động sản đáng giá mà chàng quên tuốt: ruộng vườn, nhà phố, vì hoa lợi của những thứ nầy không thấm vào đâu với lợi tức buôn bán. Thành thử nàng không hề nghe chồng nói đến cái đồn điền ở Long Thành.
Nhơn bức thư không quan trọng tình cờ đọc được nầy lại bắt Ái Mỹ suy nghĩ nhiều lắm. Nàng đợi Khoa và mãi cho đến tới giờ ăn hắn mới về. Ái Mỹ đã sắp đặt xong kế hoạch, nhưng đợi cho tới bữa cơm mới trình bày ý định:
- Anh đừng có bảo là em tò mò. Cái thư của người coi đồn điền dưới Long Thành, anh làm rớt trên giường, em chỉ vô tình mà đọc nó thôi.
Khoa cười hề hề:
- Em có quyền đọc tất cả thư từ của anh.
- À, sở gì đó vậy anh ?
- Sở trà.
Ái Mỹ hơi thất vọng vì nàng biết trà nhỏ cây, sở trà chắc phải nắng nhiều, không thể là một nơi nghỉ ngơi được. Tuy nhiên nàng vẫn hỏi, mặc dầu chương trình của nàng đã đổ vỡ rồi.
- Được mấy mẫu anh ?
- Hai ba mươi mẫu.
- Có nhà trại chớ ?
- Cố nhiên.
- Sao lại cố nhiên ?
- Vì đó là nơi anh nghỉ mát hồi mấy năm trước.
- Anh khéo chọn một chỗ nghỉ mát nắng chang chang.
- Đâu có, lúc khai hoang, anh có chừa lại độ hai mẫu rừng, giữa đồn điền, cất nhà trong đó. Một con suối chảy ngang qua đồn điền, chảy ngang mảnh rừng còn lại, trước thềm nhà mát.
Ái Mỹ reo lên:
- Vậy thì hay quá, sao anh không nói ?
- Ai mà có nhớ đâu để nói cho em biết anh có cái đồn điền nhỏ ấy.
- Cứ theo lời thư của người coi đồn điền thì ta về đó được.
- Ừ.
- Anh định chừng nào đi ?
- Anh chỉ mới sai người mang tiền xuống cho y. Mấy năm nay loạn lạc, anh nghỉ mát nơi khác quen rồi, quên mất nó. Giờ để xem.
- Còn xem gì nữa, chúa nhựt nầy ta đi về đó. Em chỉ thích một nơi như vậy, không ưa núi, không ưa biển.
- Tùy ý em.
Ái Mỹ đã soạn hết hai chiếc rương da lớn mà Khoa không hay. Có thể nói là hầu hết y phục mát và đồ cần dùng riêng của nàng đều được thồn vào đó với vài chiếc áo dài cũ. Sáng chúa nhựt, nàng sai người nhà để rương trong thùng xe, chỉ để được có một chiếc thôi, chiếc thứ nhì phải đặt trên băng sau, nhưng Khoa vẫn không chú ý đến.
Cuộc hành trình nầy vui vẻ quá. Đây là lần đầu, sau hai năm giặc giã, mà Khoa ra khỏi thành phố. Hai năm nay, chàng nghỉ mát ở Đà Lạt và đi về toàn bằng phi cơ, chưa thấy đồng quê lần nào cả.
Đồn điền ở trên quận lỵ Long Thành, cách chợ độ bốn cây số và họ về đến nơi hồi mười giờ sáng. Khoa chừa lại ven đường một lớp rừng chồi dày lối năm thước, che mắt kẻ qua đường, họ không ngờ được là trong ấy đất được khai khẩn, trồng trọt, nếu họ không chú ý đến cái cửa ngõ bằng tre và con đường vào có trải đá.
Đồn điền ngắn ngoài mặt đường, nhưng ăn vào trong rất sâu, và xe quẹo vào, chạy một đỗi rất xa, Ái Mỹ mới thấy dạng khu rừng mà Khoa đã nói đến. Khu rừng nhỏ nầy giống một hòn đảo giữa biển trà Huế lúp xúp, và sau hòn đảo ấy lại là trà và sau đó nữa, xa lắm, là rừng.
Bên trái của đồn điền là một sở chanh của người khác, và bên phải là ruộng gò, với một xóm nhà đông được hai mươi mái tranh.
Từ trong khối xanh của khu rừng, một người đàn ông cởi trần chạy ra khi nghe tiếng còi xe của Khoa. Xe chạy tới, hắn cũng chạy tới và hai đàng gặp nhau cách ven rừng độ năm mươi thước.
Hắn cúi chào, cười và nói:
- Ông xuống ?
- Có gì lạ không anh Sáu ?
- Dạ cũng không có gì.
Khoa cho xe chạy thật chậm để hắn rượt theo cho kịp và một lần nữa, xe lại vào cổng, một cái cổng không cánh cửa, xắn ngon lành vào khu rừng trước mặt họ. Ngôi nhà mát đã trông thấy đằng kia vì rừng được "rong" chỉ dưỡng các cây to thôi nên bên trong thưa lắm.
Đó là một cái nhà sàn bằng gỗ sơn đen, trên lợp ngói móc. Từng dưới rất thấp, một người đàn ông cao lớn đứng xổng lưng sẽ đụng đầu vào sàn ván. Khoa cho xe chun vào từng dưới ấy mà công dụng chắc chỉ là nhà xe thôi.
Anh Sáu có vợ và cả một tiểu đội con cái, chúng nó túa ra để mừng ông chủ.
- Có thêm được đứa nào hôn anh Sáu ? Khoa hỏi.
- Dạ, chỉ có tám đứa cũ thôi.
Tất cả đều rách, kể cả đứa con gái lớn trạc 15, 16 tuổi. Từ hai năm nay chàng không có trả lương cho anh nầy, trà bán cũng chẳng bao nhiêu trong thời loạn, chắc anh ta khổ lắm.
- Chắc trên nhà bụi nhiều lắm hả anh Sáu ?
- Dạ, hôm trước có người đem tiền về, tôi đoán ông sẽ xuống nên đã dọn quét sạch sẽ mỗi ngày.
- Tốt lắm.
Khoa cho lũ trẻ mỗi đứa vài đồng bạc rồi hai vợ chồng đứng nhìn cảnh ở đây.
Sân nhà giốc xuống, đất cát pha rêu phủ, trông khỏe mắt vô cùng, sân bò xuống một con suối rộng độ bốn thước chỉ sâu chừng năm sáu thước thôi, nước trong veo và dưới đáy trắng xóa sạn và cát.
Nếp nhà tranh của anh Sáu gác-dan cất bên kia suối đối diện với nhà mát nầy, và Ái Mỹ thoáng thấy vợ anh vo cơm cạnh lu nước bên hông nhà.
Khoa bảo người coi trại mang đồ đạc lên nhà và hai vợ chồng lên trước trên ấy. Nhà trông xuống suối, gồm hai buồng thật lớn, một làm buồng tiếp khách, một làm buồng ngủ, cả hai buồng đều có hàng hiên chung, rất rộng để ngồi nhìn cảnh trước nhà.
Người con trai vác rương lên và bấy giờ Khoa mới chợt thấy công trình chuẩn bị của vợ chàng. Chàng chưng hửng hỏi đùa:
- Bộ em tính ở luôn đây sao ?
Ái Mỹ cười mà rằng:
- Anh nói đúng, em định ở đây luôn.
- Em nói thật hay nói giỡn ?
- Thôi đi, trong bụng anh mừng lắm, em biết, đừng có làm bộ mà !
- Mỹ à, em có điên hay không mà nói lạ vậy ?
- Vợ có thai thì chồng ưa tự do, không phải thế hay sao ?
Khoa cười xoà, xít lại hôn vợ một cái lên đầu và nói:
- Anh thì không. Có gì khiến em nghi ngờ anh mà làm lẫy ?
- Em không lẫy. Em mệt lắm trong không khí trên ấy, nên muốn ở đây một thời gian.
- Ngỡ gì. Nhưng sao em không nói lại lén lút mà chuẩn bị ?
- Sợ anh ngăn cản.
Anh Sáu vác lên chiếc rương thứ nhì và Ái Mỹ dặn:
- Anh kiếm mua cho vợ chồng tôi một cặp gà giò. Chiều nay chúng tôi ăn cháo gà với lại gà xé phai. Còn bữa cơm trưa lát nữa chị Sáu dọn dùm thịt quay bánh hỏi nầy.
Vừa nói nàng vừa mở chiếc rương da thứ nhì ấy và Khoa thấy trên mọi thứ nằm một gói giấy thật to. Ái Mỹ cười và nói với chồng:
- Mười lớp giấy đó. Nếu không, mỡ thịt quay chảy ra lấm đồ đạc hết. À, anh Sáu ơi!
- Dạ.
- Nhà có rau sống không.
- Dạ lu bù.
- Chị Sáu biết làm nước mắm ớt chớ ?
- Dạ biết.
- Vậy tôi khỏi dặn gì nhiều, chắc chị ấy biết phải làm gì.
Người gác-dan đi rồi, Ái Mỹ lôi ra khỏi chiếc rương thứ nhì ấy cả một hiệu ba-da, nào rê-sô thắp bằng dầu hôi, nào bình thủy, ấm chén, sữa đặc ô-van-tin, hầm bà lằng đủ cả mọi xa xĩ phẩm của dân các thành phố.
Khoa hỏi:
- Hết ngày nay, em sẽ ăn gì ?
- Em muốn hưởng thú sơn dã thì chị ấy cho ăn gì em cũng thích hết. Vả lại đi chợ Long Thành có bao xa. Trước chiến tranh, thuở mới tập làm thế nữ, em đã có theo gánh hát qua đây hai lần. Đồ ăn cũng khá đủ.
- Nhưng biết chị ấy có nấu được hay không ? Để anh gọi chị bếp xuống nhé ?
- Lạy anh, tha cho.
- Hay là anh sai tài xế mỗi tuần chở đồ ăn xuống ba lần.
- Cấm hẳn. Chỉ một mình anh được lai vảng tới đây thôi. Bạn thiết của anh, em cũng cấm anh mời đến. Còn anh, nếu bận lắm thì bao lâu đến cũng được, em không dám ép.
Hai vợ chồng thay đồ mát rồi nằm đó mà lắng nghe tiếng rừng lần đầu tiên lọt vào tai Ái Mỹ, Khoa dạy cho vợ phân biệt tiếng kêu của mỗi loại chim, chim hít-cô kêu thế nào, chim vu-cốt kêu làm sao, chim vịt khác chim cưỡng, chích chòe khác chim sâu.
Lật đật một hồi, anh gác-dan lên gõ cửa mời ông chủ bà chủ ra ăn. Ái Mỹ sực nhớ đã quên dặn nên hối triệt hạ bữa ăn xuống nhà của chính anh ta. Quyết ở đây lâu ngày, Ái Mỹ mua cảm tình của họ bằng cách ăn ở thân mật như vậy.
Đó là một ngày vui trong đời của Khoa. Hồi tiền chiến chàng đã đưa nhơn tình về đây, nhưng không yêu họ nhiều lắm như Ái Mỹ ngày nay. Đây là sự thực hiện giấc mơ lâu năm của chàng: đưa người yêu về nơi ẩn trú và cả hai được cô lập khỏi những phiền toái của một đời sống bận rộn ở thành phố.
Ái Mỹ cũng vui lắm, nhưng niềm vui của nàng không được trọn vẹn. Nàng cũng đã mơ một khung cảnh như vầy, sống những ngày thần tiên bên cạnh người yêu. Giờ mộng đã thành sự thật, nhưng bên cạnh nàng, chỉ là người chồng mà nàng ưng lấy theo lý trí, chớ không phải người tình lý tưởng.
Sau giấc ngủ trưa, họ tắm suối, rồi theo đám con của người gác-dan chúng nó bắn chim trong khu rừng nhỏ nầy bằng giàn thun, chúng gài bẫy các loại chim bắt cá ở ven suối. Rồi họ vào xóm bên kia để làm quen với người trong xóm.
Tối lại, ngồi ở hàng hiên hóng mát với chồng, nhìn ngọn đèn dầu leo lét ở chòi người gác-dan bên kia suối, Ái Mỹ mới chợt thấy tất cả cái hoang vu của vùng nầy. Nàng nói:
- Để anh biểu mấy đứa con anh ấy lên đây ngủ hết nơi buồng tiếp khách, cho em đỡ sợ.
- Ừ, nhưng để anh đi rồi hẵng hay. Chúng nó làm ồn anh chịu không được. Anh Sáu, anh ấy có một bầy chó săn, chó ta, nhưng giỏi lắm...
- Sao em không thấy ?
- Sợ làm kinh động em vì chúng nó dữ lắm, nên ảnh nhốt hết. Anh có dặn ảnh tối mai thả ra. Ngày mai, em nên làm quen với chúng nó.

° ° °

Sáng hôm sau, Ái Mỹ tự tay nấu nước bằng rê-sô để pha cà phê cho chồng và nàng. Khoa đã sẵn sàng để trở về thủ đô sau bữa ăn sáng ấy. Chàng nhìn vợ và ái ngại hỏi:
- Em định ở đây bao lâu ?
- Chắc lâu lắm.
- Anh nhớ chết.
- Thôi đi ông, trên ấy thiếu gì gái đẹp, em chỉ sợ rồi ông quên luôn vợ nhà thôi.
- Lại cũng cứ luận điệu ấy.
- Có nhớ thì xuống đây.
- Nhưng anh không thể xuống mỗi hôm, mà mỗi hôm đều nhớ.
- Em mệt lắm, cần sự yên tịnh, anh nên ráng với em.
- Cố nhiên.
Chàng bịn rịn rất lâu mới chịu lên xe, lên xong lại đòi Ái Mỹ lên theo để đưa chàng ra tới lộ. Tới nơi lại bịn rịn một lúc nữa.
Mặc dầu chính nàng muốn ở, Ái Mỹ cũng buồn khi xe giựt chạy và nàng trông theo người bạn trăm năm mãi cho đến lúc xe khuất dạng mới lững thững bước vào vườn trà.
Đây là lần đầu tiên mà nàng sống với cô tịch và xe chạy xong, nàng nghe rõ sự cắt đứt đời nàng lìa ra khỏi đời sống văn minh và quay cuồng và sự đứt lìa ấy làm nàng hoảng sợ giây lát, rồi sau đó nỗi buồn mênh mông dâng lên đầy lòng nàng.
Vườn trà ngập nắng và cả nhà anh Sáu gác-dan đều ra đó, anh thì săn sóc vườn, còn lũ trẻ thì chơi gì không rõ.
- Anh Sáu ơi, anh nhốt chó ở đâu ?
- Dạ, trong chòi sau nhà tôi.
- Té ra lại còn một cái chòi nhỏ nữa sau chòi của anh ?
Anh cho tôi làm quen với chúng nó nhé.
- Dạ, lát nữa cô biểu vợ tôi nó lấy cơm nguội rồi tự tay cô cho ăn.
Ái Mỹ không nói gì nữa, bươn bả đi xuống suối để băng qua đó, tới nhà chòi hầu vuốt ve những tên hộ vệ mà nàng rất cần trong lúc sống biệt tịch nơi hoang vắng nầy.

° ° °

Khoa về Sài Gòn có ba hôm thì trở xuống ngay. Chàng nhớ Ái Mỹ quá, không sao nằm nhà được. Lần nầy gặp vợ, Khoa đặt rõ vấn đề:
- Em nè, em định ở đây một thời gian là bao lâu ?
- Em muốn sanh ở đây.
- Trời, sao em lại tính xằng như vậy ? Ở đây làm sao tìm được bác sĩ ?
- Không cần bác sĩ lắm. Một người nữ hộ sinh lành nghề là đủ rồi.
- Nhưng cũng không làm sao mà tìm được nữ hộ sinh chịu đi xa quá như thế nầy. Vả lại em chuyển bụng lúc nào, nào ai hay để đưa nữ hộ sinh xuống. Sanh đẻ xong, ai mà săn sóc em.
- Anh nên tìm một nữ hộ sinh vừa về hưu, nghĩa là không già lắm, chưa quên nghề. Họ sẽ đến trước vài tháng và sau đó khi em sanh rồi, họ ở lại vài tháng săn sóc em và con.
- Rủi gặp trường hợp sanh khó thì làm sao ?
- Họ đủ khả năng để biết trước. Nếu rủi ro như vậy thì đưa em về Sài Gòn.
- Tại sao em lại tính chuyện kỳ quặc như thế ?
- Tại em muốn như vậy.
Ái Mỹ quyết định không giải thích lôi thôi gì nữa cả, và Khoa biết tánh vợ, không dám nài nỉ hỏi thêm.
Ái Mỹ trốn đi để đẻ. Nếu nói thật thì Khoa sẽ nổi giận vì làm như vậy, có khác nào con gái nhà lành lỡ lầm mà chửa hoang đâu.
Sau khi nghỉ hát, nàng thấy như vậy chưa đủ. Phải xóa tất cả mọi dấu vết, nàng mới yên lòng. Rời sân khấu trong tình trạng son rỗi, nàng sẽ trở lại sân khấu trong tình trạng son rỗi.
Khoa chỉ biết thở dài. Chàng cưng vợ và ham con lắm, và nếu Ái Mỹ tìm được chỗ tốt để dưỡng thai thì còn gì quí hơn. Chẳng hạn như nếu nàng đi Đà Lạt. Nơi ấy có bác sĩ lại có nữ hộ sinh, có đường điện tín, điện thoại về Sài Gòn, rủi ro có gì năm phút sau là chàng hay tin tức. Cái xó nầy tuy cũng rất tốt để dưỡng tinh thần, nhưng nó hẻo lánh quá, nghe như là xa xôi ngàn dặm, bất tiện không biết bao nhiêu.
Khoa không ở lâu được vì bận việc làm ăn, nên chiều xuống, sáng hôm sau chàng lên, để rồi chiều thứ bảy xuống nữa.
Cứ mỗi tuần, chàng đi thăm vợ hai lần, và lần nào cũng tiếp tế cho Ái Mỹ đủ thứ thực phẩm tươi và đóng hộp. Những hôm chủ nhựt, ở lại suốt ngày, Khoa rất ngạc nhiên mà thấy vợ hai lần đưa chàng tới một nếp nhà kia ở bìa xóm nhà tranh xơ xác.
Đó là nhà của một đôi vợ chồng nông dân mà anh chồng đã xoay qua sống về các lâm sản phụ, anh ta lên rừng bứt mây về bán lậu. Đất ở đây khô cằn quá, trừ phi lập cơ sở như vườn chanh bên cạnh sở trà nầy, bỏ thật nhiều vốn để thuê người tưới cây cho đến khi cây lớn, còn thì không trồng trọt gì được cả. Có mấy miếng ruộng gò mà họ nói là chỉ để lấy lệ thôi chớ nắng nó cháy cả lúa trước khi lúa cao hơn năm tấc.
Cau, trầu, cây ăn trái chút ít cũng chẳng mọc được. Toàn thể dân xóm nầy đi làm phu cạo mủ cho các sở cao su gần đó, trừ gia đình của anh Lửa đây thôi.
Anh Lửa bé người, nhưng chị vợ lại cao lớn vạm vỡ. Khoa thấy chị ta cũng có nghén như vợ chàng, nhưng già ngày tháng hơn cũng nên. Đó là đứa con thứ của chị ta, còn đứa đầu lòng là một thằng bé lên năm, khá mạnh khỏe đối với một vùng mà ai cũng mắc phải chứng rét rừng, và đối với một gia đình thiếu thốn đủ thứ vì nghèo khó.
Dường như là Ái Mỹ thích gia đình nầy lắm, nên hay biếu họ những thức ăn mà lẽ ra, nếu nàng tốt bụng, thì chỉ một mình gia đình anh gác-dan là được hưởng thôi, Khoa lấy làm kỳ lắm. Chị Lửa ăn nói xẳng lè như dùi đục chấm mắm, chồng chị cũng thế, gương mặt họ cũng chẳng có gì dễ thương, nhưng không hiểu sao Ái Mỹ lại quyến luyến gia đình đó hơn cả gia đình anh Sáu bên nhà.
Thời gian trôi mau quá sức, chưa chi mà thai của Ái Mỹ đã hơn sáu tháng rồi. Chiều thứ bảy ấy, Khoa xuống sở trà với một người đờn bà ngoài năm mươi.
- Nhà tôi, thưa bà - Chàng giới thiệu khi ngừng xe lại giữa vườn trà vì Ái Mỹ đã ra tới đó để đón chàng - Em à, đây là bà nữ hộ sinh.
Ái Mỹ không dè mà chồng tìm được người sớm như thế, hơi ngạc nhiên giây lát rồi cũng tiếp khách lịch thiệp như chính nàng đang mong đợi bà ấy dữ lắm.
Bà đỡ gây cho nữ trang chủ một ấn tượng tốt đẹp. Bà ta cao niên, tức nhiều kinh nghiệm về nghề nghiệp, nhứt là về cuộc đời không hay tò mò vặt chuyện gia đạo của nàng. Cao niên nhưng không quê, không ăn trầu, không để móng tay dài, tức là hiểu biết tân sinh hoạt, rất có thể đủ khả năng.
Về sau, Khoa cho biết thêm nhiều chi tiết về bà ấy nàng càng tín nhiệm nơi bà ta hơn.
Nguyên là Khoa đi thăm vợ một người quen nằm chửa bịnh tại nhà thương Đồn Đất. Nhơn thấy người nuôi bịnh thành thạo nghề, hỏi thăm kỹ mới hay rằng đó là một nữ hộ sinh mới về hưu vì túng bẩn mà không thể xin được lưu dụng nên phải đi làm như vậy.
Thật đúng y cái người đủ điều kiện do Ái Mỹ gợi ý. Khoa mừng quá, và cái bà quen đã khỏi bịnh nên chàng đề nghị ngay với bà đỡ nầy về giúp cho chàng trong bốn tháng, ba tháng trước khi sanh và một tháng sau ngày nàng lâm bồn.
Vì không tiếp khách, lại ăn cơm dưới nhà người gác-dan nên Ái Mỹ cho anh Sáu dọn buồng ngoài để bà đỡ ở. Từ đây nàng thêm được một người bạn. Người nầy không biết nàng là nghệ sĩ mà nàng cũng giấu luôn. Ái Mỹ kể lể:
- Anh ấy làm ăn rộn rịp mà thần kinh tôi thì yếu lắm, nên tôi cần trốn ra đây. Sợ về Sài Gòn sanh đẻ không kịp nên mới nhờ bà ở luôn bên cạnh, nếu lỡ sanh sớm ở đây, cũng có người lo cho.
Bà đỡ không tò mò, Ái Mỹ dè dặt và khôn ngoan, thành thử bà nầy chỉ biết nàng là vợ một thương gia giàu có và không ngờ chuyện gì khác nữa cả.
Khoa lơi xuống lần lần vì chàng yên tâm được với sự hiện diện của bà đỡ bên cạnh vợ, và vì nghe bà ta khám thai bảo rằng mọi việc đều tốt.
Hai người, một già một trẻ, trẻ dưỡng thai, già dưỡng lão trong cảnh ăn không ngồi rồi như thế từ ngày nầy đến ngày khác.
Khi Ái Mỹ được bảy tháng thì chị Lửa đã tới ngày khai hoa. Chính bà đỡ riêng của nàng đã tiếp sanh cho chị nầy theo lời yêu cầu của nàng. Ái Mỹ nhờ bà đỡ săn sóc chị ấy y như là săn sóc một sản phụ trả tiền, và nàng rất chú trọng về sức khỏe riêng của người mẹ.
Trong những lúc nhàn rỗi. Ái Mỹ thường hỏi thăm người nữ hộ sinh già về khoa nuôi trẻ:
- Cháu nhớ thấy sách bảo rằng sữa mẹ tốt hơn sữa bò có phải không bà ?
- Đúng như vậy.
- Cháu muốn cho con bú lắm, nhưng trong người yếu, không biết phải giải quyết cách nào.
Đó là luận điệu cổ điển và giả dối của những thiếu phụ giàu có mà bà đỡ nghe đã nhàm tai. Họ sợ sút sức khỏe rồi nhan sắc cũng vì đó mà sút luôn, họ sợ lép bộ ngực, họ phải dính liền với con, rồi không đi đây đi đó được chớ thật ra bà, cô nào cũng hồng hào nhờ tẩm bổ, và riêng Ái Mỹ cũng tràn trề sức khỏe và sinh lực.
Dư biết thế và biết họ muốn gì, bà đỡ vẫn không thèm dẫn đường cho họ đi, vì lương tâm bà không cho phép thế. Nên chi, rốt cuộc chính Ái Mỹ phải đưa ý kiến ra:
- Tôi nghĩ, nếu tôi không cho bú được, mà sữa bò lại không hoàn toàn thì mượn vú có được hay không bà ?
- Cũng tùy.
- Tùy gì ?
- Tùy sức khỏe của người vú.
- Nếu người ấy mạnh khỏe ?
- Thì được. Nhưng phải bắt họ ăn ở cho thật vệ sinh. Mấy chị nuôi vú thường nghèo dốt, không biết và không có thì giờ theo vệ sinh. Họ đang làm lụng mồ hôi dầm dề, thế mà họ vạch vú cho con mình bú tự nhiên như là núm vú của họ sạch lắm. Áo họ mặc năm bảy ngày chưa thay, nó cọ vào vú họ thì bà biết vú có tinh khiết hay không.
- Bà xem chị Lửa chị ấy có đủ sức khỏe hay không.
Câu hỏi nầy chợt làm cho bà nữ hộ sinh già hiểu lý do vì sao mà Ái Mỹ ân cần nhắc nhở bà chăm sóc sức khỏe của chị ấy khi chị ấy sinh nở. Và nếu có mặt Khoa, chàng sẽ thấy ngay kế hoạch của Ái Mỹ. Nàng thích gia đình nghèo khó nầy chỉ để gây cảm tình hầu chị Lửa tận tâm giúp nàng về sau thôi.
- Được, chị ấy thì được. Bà đỡ mỉm cười đáp.
- Họ lại nói trẻ con sẽ giống người vú về tánh tình bởi sữa là kết tinh của tánh tình đó.
- Họ nói lề, không đúng đâu mà bà lo.
Thế là đã giải quyết xong việc cho bú, khởi điểm của một kế hoạch dài hơi mà Ái Mỹ còn giữ bí mật.
Những lần Khoa xuống thăm vợ, chàng thường lo lắng hỏi bà nữ hộ sinh về sự khó dễ khi Ái Mỹ sinh nở. Bà nầy bảo đảm là mọi việc sẽ trơn tru, mẹ sẽ tròn; con sẽ vuông như trăm ngàn trường hợp khác.
- Nhưng xin bà cũng đánh dây thép cho tôi khi nào vợ tôi bắt đầu chuyển bụng.
- Tôi chỉ mong được ông lo lắng tới như vậy thôi. Tôi sẽ đỡ trách nhiệm phần nào.
Ngày qua, ngày qua rồi ngày qua, và Ái Mỹ khai hoa đúng tháng. Vì là con so nên hơi chậm và Khoa về kịp lúc. Mọi việc đều trơn tru đúng y như lời bà đỡ.
Đó là một đứa con gái, Khoa hơi thất vọng nhưng an ủi mình bằng cái câu gạt gẫm cổ điển của các cụ "Sanh con gái đầu lòng dễ làm ăn".
Bà đỡ phì cười, và người cha còn trẻ nầy cũng bật cười mà chợt nhận ra rằng mình ngớ ngẩn. Chỉ có Ái Mỹ là không cười. Nàng đang mệt. Nàng lại chưa muốn làm mẹ.

° ° °

Khoa ở lại với hăm bốn tiếng đồng hồ rồi gởi gắm vợ con cho bà đỡ, trở lên Sài Gòn lo công việc. Ba hôm sau, chàng lại xuống. Lần nầy chàng ngạc nhiên lắm. Giờ nhà mượn hai người giúp việc thường trực, vợ anh Sáu gác-dan và chị Lửa. Đó là sự dĩ nhiên. Cần có người để giặt giũ cho người sản phụ, cần người đút cơm đút nước lúc nàng còn phải nằm.
Nhưng lạ là chị Sáu vẫn mặc đen như trước, bộ y phục trổ trắng, trông rất dơ dáy của chị, còn chị Lửa thì trái lại mặc toàn trắng, một bộ y phục mới may, đã giặt và ủi thật thẳng, như y phục của người khá giả của các thành phố.
Khoa lấy làm lạ nhưng không hỏi. Chàng thấy vợ hơi kỳ kỳ, thích tôi tớ sạch sẽ là chí lý nhưng lại chỉ cho một người sạch thôi. Bé Hương bị bó trong tã, tròn và cứng như đòn bánh tét, ngủ li bì không biết đến thế giới bên ngoài; vì nó không biểu lộ sự có mặt của nó nên Khoa cũng quên mất đứa con gái đầu lòng mà chàng trông đợi. Chàng săn sóc đến vợ nhiều hơn. Bỗng nó khóc thét lên. Bà đỡ xem đồng hồ tay rồi nói:
- Cô nương đã đói bụng rồi đây.
Đoạn bà thay tã mà nó đã đái ướt. Xong đâu đấy, bà trao nó cho chị Lửa. Chỉ hôm nay, Khoa mới nhớ đến việc bú mớm của con. Chàng nhìn quanh mà không thấy chai bí boong chàng mua về từ hai tháng trước. Chàng toan hỏi thì bỗng thấy chị Lửa vạch vú ra đút nóm vào miệng con chàng. Chàng kêu lên một tiếng kinh ngạc, rồi trố mắt há miệng mà nhìn, chưa hỏi được gì thêm, Ái Mỹ giải thích:
- Sữa bò kém sữa người nhiều lắm, chắc anh biết. Nhưng em đang mệt, nhờ chị ấy làm vú.
- Nhưng mà...
- Bà đây đã xem xét, bảo rằng được.
Khoa băn khoăn dữ lắm, nhưng vẫn không hỏi gì trước mặt chị vú bất ngờ nầy. Nhìn hai cái vú thật bự như hai trái bưởi của chị Lửa, cái nào cũng căng sữa no tròn, ở cái vú không cho bú, sữa chảy ra dầm dề, Khoa an lòng được đôi phần mà nghĩ rằng sức khỏe dồi dào của chị nầy, chắc cũng giúp con chàng mạnh khỏe được. Giây lát sau, bé Hương no, ngủ thiếp trở lại, chị Lửa đặt nó trở vào nôi rồi đi ra, Khoa mới hỏi:
- Thưa bà, bà liệu chị ấy đủ đảm bảo chớ ?
- Hai vợ chồng đó không uống rượu. Nông dân thường lành mạnh về cơ thể, vả lại tôi có điều tra kỹ về ông bà cha mẹ chị ấy và về buổi thiếu thờị của chị ta. Chị ta không hề mắc bịnh đáng ngại.
Nhớ ra thì, theo lời mẹ chàng kể, thuở bé chàng cũng bú chị vú vì mẹ chàng bịnh hoạn, thành ra Khoa chẳng băn khoăn nữa.
Bà đỡ săn sóc mẹ con Ái Mỹ tận tình và đúng khoa học, nên không có gì trục trặc xảy ra cả. Và khi "bà chủ" được một tháng thì bà nầy xin đi. Vợ chồng Khoa cầm thế nào, bà nữ hộ sinh già cũng không chịu ở lại cả vì bà đã hết phận sự, không lý do mà tiếp tục lãnh lương, bà khó chịu lắm. Người nhơn chứng ấy tuyệt nhiên không hề biết Ái Mỹ là ai, vì bà ta không có xem cải lương lần nào. Trên đời nầy, trừ Khoa ra, không một ai ngờ rằng cô đào Ái Mỹ đã một con.
Thiếu phụ một con nầy sinh lực dồi dào nên hai tháng rưỡi sau ngày sinh nở, nàng hoàn toàn hồng hào như chưa hề làm mẹ bao giờ. Ngày bà đỡ đi, nếu hóa trang cho khéo, Ái Mỹ vẫn có vẻ son trẻ, tuy nhiên người tinh mắt có thể đoán biết nàng vừa ở cử. Sau tháng thứ nhì, nàng vẫn còn hơi gầy và chưa nhanh nhẹn lắm.
Gió đồng, những bữa ăn sằn dã, và thể dục đã giúp sản phụ lấy lại phong độ cũ trọn vẹn. Hơn thế, nàng còn đẹp hơn trước khi có thai nữa là khác. Một kỳ sinh nở biến Ái Mỹ hoàn toàn, đờn bà hẳn hơn khi đã lấy chồng mà chưa có con. Và nơi đờn bà bao giờ sắc đẹp cũng lên cao đúng mức hơn là nơi con gái dung nhan còn ở trong thời kỳ nẩy nở chưa toàn diện.
Đã bao lần rồi, Khoa rước vợ về Sài Gòn, nhưng Ái Mỹ đều từ chối, hẹn mai hẹn mốt mãi cho đến lúc tái chiếm được phong độ cũ nầy, nàng mới chịu nghe chồng.
Thứ bảy ấy, họ chuẩn bị đâu đó xong cả để ngày mai lên đường. Nhưng giữa bữa cơm tối ăn dưới ánh đèn dầu hơi lù mù ở nhà anh Lửa, thình lình Ái Mỹ nói với chồng:
- Nguy quá anh à, có một điều mà em quên nghĩ đến nay thấy lại thì mới hay là nan giải.
- Gì đó ?
Khoa bình thản hỏi vợ. Chàng rất giàu và đã giải quyết được bằng tiền nhiều bài toán bể óc, nên không lo sợ rắc rối nào cả.
- Về bé Hương.
- Bé Hương làm sao ?
- Nó quen hơi chị vú quá rồi, không chịu bú em, cũng không thèm bú sữa bò.
- Ngỡ gì. Vậy thì mượn chỉ lên trên ấy tiếp tục cho nó bú.
Đoạn quay qua chị vú, chàng nói:
- Chị nhé, theo giúp vợ chồng tôi nghen chị ?
- Thưa ông chủ, thật cũng không tiện lắm. Nhưng cũng tùy anh nầy.
"Anh nầy" tức là anh Lửa, đang ngồi trên chõng tre. Nhưng anh ta cứ làm thinh không nói gì cả. Ái Mỹ kể lể:
- Em đã nghĩ đến giải pháp của anh, nên đã hối hai vợ chồng anh ấy. Anh ấy nhứt quyết không chịu để vợ đi.
Khoa dỗ người nông dân đã biến thành tiều phu vì sinh kế ấy:
- Chỉ cứ đem theo con Thẹp (con Thẹp là đứa con gái mới sanh của hai vợ chồng anh Lửa, lớn hơn bé Hương hai tháng rưỡi). Lên trển chỉ khỏi phải làm gì hết, cứ tới giờ thì cho bé Hương bú, còn thì đã có người riêng để giữ bé Hương. Mỗi tháng tôi sẽ trả chỉ năm trăm để gởi về cho anh. Ăn ở, bánh hàng, quần áo của chỉ tôi bao hết.
Anh Lửa lắc đầu nói:
- Thưa ông chủ, tụi tôi chỉ có vợ chồng nương lẫn nhau, không bà con họ hàng với ai, thì vợ tôi đi xa, tôi làm sao?
- Con anh lớn rồi, anh gởi hàng xóm lúc anh phải lên rừng. Thôi, mỗi tháng bảy trăm nhé ?
- Thưa ông chủ, tôi không phải làm khó để đòi thêm tiền. Bao nhiêu, tôi cũng không dám nhận.
Chưa chắc người tiều phu nghèo khó nầy lại không ham mối lợi đáng kể đó, và biết đâu Ái Mỹ đã chẳng sắp đặt trước cho anh ta từ chối theo kế hoạch của nàng. Bắt vợ ở lại, có thể anh ta vẫn được lợi nhờ thọ lãnh tiền riêng của Ái Mỹ cho, nếu anh ta nghe theo mưu kế của nàng. Khoa làm thinh, rất khó chịu vì thất bại trước một vấn đề không đáng kể như vậy.
- Anh nè.
- Sao em ?
- Em nghĩ, ta chỉ còn có một cách là gởi bé Hương luôn ở đây cho chị ấy nuôi đến ngày dứt sữa.
Khoa buông đũa xuống, nhìn vợ trừng trừng y như cái ngày mà chàng mới thấy chị Lửa cho con chàng bú lần đầu. Chàng ham con quá để có thể chịu một sự bỏ bê như vậy mà chàng nghe lạnh lẽo như bỏ nó vào viện mồ côi, không hề nghĩ đến ý đó bao giờ và lời của vợ chàng nổ lên như tiếng sét chát chúa bên tai chàng, Ái Mỹ thở dài và thêm:
- Chẳng qua là chuyện bất đắc dĩ thôi anh ạ !
Nàng đã chơn thật mà nói ra câu đó. Mặc dầu chưa thích làm mẹ, tình mẫu tử cũng phát sinh ra từ lúc thấy mặt con, và quả thật nàng đã bất đắc dĩ mà nghĩ ra giải pháp giao con cho chị vú ở một nơi xa xôi như vậy để cứu vãn tình trạng son trẻ của nàng rất cần để nuôi nấng cho lâu dài sự được hoan nghinh hầu thỏa mãn chứng cuồng hiếu đại, một tâm bịnh nan y nơi nàng.
Thấy chồng làm thinh, nàng đưa ra thêm lý lẽ để ảnh hưởng đến suy luận của chàng:
- Em nghĩ, để con ở đây rồi ta đi thăm con mỗi tuần, dầu sao vẫn lợi hơn là đem con về trên ấy. Anh thử tưởng tượng cảnh nó không chịu bú trong ba bốn hôm thì thấy tai hại đến bực nào. Trong ba bốn hôm ấy nó có thể bịnh hoạn, bởi kém sức rồi thì nhiều hậu quả tai hại khác có thể tiếp liền theo, nào ai biết được.
Khoa chỉ thở dài. Vợ chàng lý luận rất hữu lý không còn giải quyết vụ nầy bằng cách nào khác hơn được.
Chiều chúa nhựt hôm sau, hai vợ chồng thay phiên nhau mà nựng con một hồi, rồi căn dặn chị Lửa đủ điều, đoạn lên xe cùng nhau về Sài Gòn, thành phố náo nhiệt mà Ái Mỹ đã lìa khỏi từ bảy tháng nay.
Ngay đêm ấy, vợ chồng đi ăn ở ngoài. Không kể nỗi vui mừng được trở lại thủ đô nhiều màu sắc và tiếng động, Ái Mỹ nghe như mình vừa được tái sanh. Nàng là con cua lột vỏ, con rắn lột da, mỹ miều y như ngày nào và đi ngoài phố, được thiên hạ day lại nhìn, nàng hãnh diện lắm và nghe yêu đời như hồi còn con gái. Thai nghén và sinh nở như là một cơn ác mộng. Nàng qua được giấc mơ dữ dội ấy, thức dậy thì rất mừng mà thấy mình không việc gì cả.
Hai vợ chồng đi ăn cơm Tây ở hiệu "Cối xay cũ" tại đầu cầu Bông, một hiệu cơm Tây nhỏ xíu nhưng rất danh tiếng vì nấu cơm ngon. Tất cả Sài Gòn sành ăn đều thường lui tới nơi đó.
Ái Mỹ đề nghị quyết cái hiệu ăn nầy chỉ cốt được người ta thấy. Người ta đây là bạn hữu của Khoa. Quả thật thế, họ vừa bước vào là từ ba bốn bàn, bàn nào cũng có người đưa tay lên. Họ đến từng bàn để chào bạn.
- Chị vừa về hồi nào đó ?
- Sao đi lặng lẽ mà về cũng êm rơ vậy ?
- Trời, trông chị còn trẻ đẹp hơn năm ngoái nhiều ! Chắc chị chịu khí hậu ôn đới !
- Chị học thêm được gì chị ?
Không ai biết gì cả. Khoa đã làm đúng y theo chỉ thị của nàng trong giới của hắn. Bà Khoa, cô Khoa vẫn là thiếu nữ, rồi thiếu phụ mà nhiều kẻ trong bọn đã mơ ước một thời và giờ đây mộng cũ của họ vẫn chưa tan vỡ hẳn.
Ái Mỹ nghiên cứu rất kỹ bước trở lại của nàng. Giới cải lương vẫn không hay biết gì, nhưng mà một phóng viên kia lại hay tin. Đó là phóng viên của một tờ nhựt báo mới sắp ra số một. Số ra mắt của báo nầy cố nhiên là cần vài tin đặc biệt, sốt dẻo mà không báo nào có cả. Ái Mỹ đã sắp đặt thế nào cho người phóng viên ấy biết tin nàng xuất ngoại vừa hồi hương và y đã đến đúng theo lời nàng dự đoán.
Cái tin sốt dẻo nầy làm cho giới cải lương chưng hửng chỉ có bà bầu là mỉm cười. Bà biết Ái Mỹ trốn đi đẻ, và rất bằng lòng được một tờ báo lăng-xê tin trở về của nàng mà bà khỏi tốn đồng xu nào cả.
Chính bà đã đích thân đi thăm Ái Mỹ trước mà bà biết lần nầy còn giúp tiền vào túi bà hơn bao giờ cả.
Ái Mỹ, đứa con cưng của sân khấu, trở lại sân khấu cho khán giả chiêm ngưỡng, cho một số đờn ông con trai mơ yêu.

--------------------------------
1Một Kịch bĩ danh tiếng của Pháp, cầm đầu l ban kịch tài tử và thường trực ở Sài Gòn cho đến năm 1968