Chương 1 - 1.2.3

.0/Đợi nhau tàn cuộc hoa này.

« Tôi về đây đã lâu rồi

Nằm trong cô tịch, nhớ người phồn hoa. »

“Kẻ nào yêu trước thì thua trước,” Tạ Nhất nói, “Tôi sống hai mươi tám năm, cuối cùng cũng hiểu tường tận câu nói này.”

Yêu thầm tự đã vô vọng, vậy thì tuyệt vọng yêu thầm tính là gì nhỉ? Tạ Nhất nhân lúc không người, tức tối ném lon bia rỗng lên trời, “Tuyệt vọng yêu thầm, so với quân cảm tử ôm bom liều chết còn nguy hiểm và đáng sợ hơn. Con mẹ nó!”

“Cái thằng ôn Vương Thụ Dân đó, lúc cậu coi hắn như cả thế giới thì hắn ngó lơ, tới khi cậu ngoảnh mặt làm ngơ thì hắn lại ăn năn hối hận? Thiệt mẹ nó!”, một người có tình mắng.

Vương Thụ Dân đau khổ, “Tiểu Tạ, Tiểu Tạ… cuộc đời dài như thế, lẽ nào chỉ vì lỗi lầm nhỏ nhặt cậu đã phán tôi tội chết? Hãy cho nhau thêm một cơ hội nữa…”

1/Nghiệt duyên bén mày.

Bắc Tân là khu nhà tập thể cục điện Đông Hữu cấp cho công nhân, là nơi các đồng nghiệp, hoặc gia đình các đồng nghiệp cúi đầu không gặp ngước mặt liền thấy. Bởi vì phúc lợi công ty tốt, việc lại nhàn, nên từ sáng tới tối có không ít người tay cầm tờ báo vừa đọc vừa rung đùi vừa uống trà đá, dáng điệu hết sức thảnh thơi. Cũng vì vậy mà trong cư xá có không ít đàn ông đàn bà rảnh rỗi buồn chán không biết làm gì, đâm ra rất giỏi đi hóng chuyện đầu trên xóm dưới. Bao nhiêu thị phi đó đây được truyền miệng nhau nhanh hơn cả tốc độ ánh sáng.

“Hôm qua hai vợ chồng son nhà thằng Trương cãi nhau ghê gớm lắm luôn, tụi nó ném tô ném dĩa, thậm chí còn ném ra ngoài cửa sổ, thiếu chút nữa là choảng vỡ đầu cha Lý.”

“Ai cha, hôm qua ngoài quầy bán đồ ăn sáng, con vợ thằng Tiểu Ngô chỉ vì có hai đồng tiền mà cự với người ta. Hung hăng quá trời! Hại bệnh tim của tui muốn tái phát luôn! Thằng con tui suýt thì gọi 110 rồi!”

“Bỏ mộng gọi công an đi! Mấy cha công an làm gì rỗi hơi đi lo những chuyện nhỏ như con thỏ này chứ!”

“Gì mà nhỏ như con thỏ? Sao lại nhỏ như con thỏ? Tính mạng và tài sản của nhân dân bị uy hiếp như thế mà nhỏ như con thỏ à? Có biết suy nghĩ không vậy… Nhân bà nhắc tới cảnh sát tui mới nhớ, thằng con trai nhà ông Vương hồi hôm lại bị giáo viên xách trả về nhà. Sáng nay tui ra đường thì thấy trán nó u một cục. Mẹ bà, chắc lại đánh nhau với đứa nào rồi. Hứ, bà coi thằng đó, mới tí tuổi đầu đã du côn như thế, ba ngày hai chập bị thầy cô mắng vốn trả về, thế thì làm sao có tương lai nổi? Tôi thấy, mai mốt nó mà lớn cũng ăn không ngồi rồi thôi!”

Bà thím tặc lưỡi mấy tiếng, xem chừng vẫn còn chưa nói đã miệng.

“Thằng con trai nhà ông Vương” ấy, nói thiệt là không biết phải dùng lời lẽ nào mới ca ngợi đủ về cậu ta.

Vương Thụ Dân năm nay bảy tuổi, đang học lớp Hai, nổi tiếng phá phách nghịch ngợm, không chuyện quậy phá nào là thiếu mặt. Thành tích học tập với cậu ta chỉ như mây khói, mây khói mà thôi!

Với cái huyền thoại ba ngày hai chập bị nhà trường mắng vốn xách trả về nhà của Vương Thụ Dân, giáo viên chỉ biết nhận xét, “Con trai anh chị dường như sinh ra là để bôi nhọ xã hội văn hóa công bằng văn minh.”

Ba Vương Thụ Dân tên Vương Đại Xuyên, trình độ văn hóa không cao, nhờ phước ông bà nên mới được nhận vào cục Điện lực này, dáng người cao to vạm vỡ, mỗi lần đánh Vương Thụ Dân đều quỷ khóc thần sầu. Thằng nhóc những khi bị đòn thì tru tréo vô cùng thảm thiết, khiến bà con lối xóm chẳng ai được yên tĩnh.

Mẹ Vương Thụ Dân là Giả Quế Phương, là một phụ nữ đeo kính cận có danh tri thức nửa mùa, người không cao lắm, đi đứng thì hấp ta hấp tấp như thể xe tăng lao vù vù, suốt ngày chèn ép Vương Đại Xuyên, khiến Vương Thụ Dân sợ mất gan mất mật. Thậm chí tới khi ba mươi tuổi, cứ nghe ai nhắc tên Giả Quế Phương thì Vương Thụ Dân lại run lên như cày sấy.

Người ta bảo, “Roi dày dạy nên con ngay”, ấy vậy Vương Thụ Dân hết lần này tới lần khác chết lên chết xuống dưới lằn roi mây, mông cũng sưng to gần bằng chiều dày cuốn từ điển Oxford, mà vẫn không học được chút cái phải cái ngay nào.

Vợ chồng họ Vương đều là công nhân, ban ngày đi làm, ban đêm về nhà nghỉ ngơi, chẳng dư thời gian để quản giáo con cái. Cứ thế, đồng chí Vương Thụ Dân được đà “Dân chủ tự do” mà khỏe mạnh lớn lên. Bốn tuổi cu cậu đã biết nấu nước sôi ăn mì. Năm tuổi thì dùng nồi cơm điện hâm cơm nguội lại ăn. Rồi dần dà học khôn mà dùng nồi cơm điện nấu nước sôi chưng bánh chẻo, khiến người lớn được phen trố mắt hết hồn. Sáu tuổi bắt đầu đeo xâu chìa khóa nhà tòng teng trên cổ rồi đến trường. Khi ấy Giả Quế Phương gặp ai đều tự hào nói rằng, “Thằng con nhà tôi có bị vứt ra đâu cũng không bị chết đói!”

Phía bên này, mẹ Tạ, Hoàng Thái Hương, cũng ra chiều gật gù tán thành. Thường ngày con trai của chị là Tạ Nhất vẫn được gửi ở nhà họ Vương ăn cơm nhờ. Thằng bé này đừng bao giờ mong nó tự mình lấy đồ mà ăn, khờ khạo tới mức ai cũng phải vừa thương vừa trách. Nhớ đâu có lần trên đường đi học về, còn cách nhà không xa nhưng suýt thì bị người ta lừa mang đi bán. May mà có thím bán mứt gần đó biết mặt thằng nhóc mà tốt bụng ẳm về.

Vương Thụ Dân và Tạ Nhất cùng tuổi, chỉ là đứa sinh đầu năm đứa đẻ cuối năm.

Hai đứa coi như quen nhau từ lúc tóc để chỏm, nhà thì kẻ lầu trên người lầu dưới, đi học đứa thì vườn trẻ đứa lại tiểu học. Vương Thụ Dân không ưa gì Tạ Nhất, ấy nhưng nhà quen biết liền kề nên không tiện trở mặt, còn bằng không tỏ thái độ thì ngực lại khó chịu gì đâu. Tạ Nhất cứ ba ngày thì hết hai hôm đã ở nhà của Vương Thụ Dân, ăn đồ ăn của cậu ta, đọc sách nhi đồng của cậu ta, đã vậy còn giành hết mọi lời hay ý đẹp của ba mẹ cậu ta, sau đó còn mang cậu ta ra so sánh, bảo rằng cậu ta chẳng bằng một phần mười của Tạ Nhất. Trong mắt Giả Quế Phương, Tạ Nhất là mây trắng trên trời, còn Vương Thụ Dân chỉ là bùn sình dưới đất.

Vì vậy Vương Thụ Dân càng có cớ ghét Tạ Nhất.

Bình thường đàn ông thì sao? Đã là đàn ông thì phải mồm to miệng rộng, ăn thịt uống rượu. Nếu đã chẳng thể bệ vệ đường hoàng bằng Lỗ Trí Thâm chỉ khơm lưng một cái bứng được cả gốc cây lên thì ít ra cũng phải mạnh mẽ như Võ Tòng uống đôi ba vại rượu cũng vật chết được cọp! Đằng này, Tạ Nhất nhà dưới lầu thì sao nào?

Vương Thụ Dân lần đầu thẩm thấu được triệt để ba từ “tên mặt trắng” mà tiểu thuyết võ hiệp thường xài, và hoàn toàn không khách khí gán cho Tạ Nhất.

Mấy cô mấy thím đi trên đường vừa thấy Tạ Nhất thì liền nảy sinh thiên tính làm mẹ mà sáp tới xoa đầu véo má cậu ta. Thằng nhóc mặt mày thanh tú đáng yêu, gương mặt chẳng có lấy cái lỗ chân lông nào, hai con mắt vừa tròn vừa to, hàm xuân sắc như hoa đào tươi thắm, cằm thì thon mảnh, môi mọng nước, răng trắng đều. Đã vậy trong túi quần lúc nào cũng thủ sẵn cái khăn tay.

Khăn tay! Là khăn tay đó! Vương Thụ Dân vừa nhìn thấy cái khăn có thêu hoa thêu bướm đó thì lại nghĩ tới cảnh bản thân bị Giả Quế Phương vừa mắng vừa dùng khăn lau bùn trên mặt thiếu điều rớt cả da xuống.

Thử nói xem, thời buổi này, ngoại trừ tụi con gái mít ướt thì đàn ông con trai ai đời lại mang theo khăn trong người, ấy vậy mà Tạ Nhất lại có đấy. Đã thế người thằng nhóc lúc nào cũng thơm phưng phức!

Mấy đứa có tiếng quậy phá trong trường thường è Tạ Nhất ra mà trêu, hễ thấy cậu ta thì lại lớn tiếng bảo, “Bạn gái Tạ Nhất, mẹ của bạn trét bao nhiêu kem dưỡng da lên mặt bạn vậy? Bạn gái Tạ Nhất, sao hôm nay không mặc đầm mà đi học cho đẹp vậy?”

Khi đó, Vương Thụ Dân sẽ vừa ôm bụng cười vừa nhìn Tạ Nhất đỏ mặt đỏ tai cúi đầu không đáp trả, để rồi còn nhân đó mà thêm dầu vào lửa, “Má Tạ Nhất, sao má không trả lời hả? Má nhịn hoài sẽ bệnh đó! Tao nói tụi bây nghe, tụi bây là trai thì sao cứ đi chọc con gái là như nào? Coi chừng lát nữa người ta đi méc cô đó!”

Nếu như những lời trêu ghẹo ấy quá quắt, Tạ Nhất sẽ đứng khựng lại, siết chặt hai bàn tay dưới tay áo sơ mi lại, ngẩn ra một hồi, sau lại bỏ vào phòng học. Thầy cô đã dạy, học sinh ngoan thì không được đánh nhau. Nhưng bấy giờ, bọn trẻ kia lại chẳng chịu thôi, cứ nhao nhao lại bảo, “Ai cha, thằng ẻo lả coi vậy mà cũng biết trợn mắt hù bọn mình! Tạ Nhất đúng là pê đê mà!”

Bọn nhóc ngây ngô vốn chẳng hiểu hết hàm ý sâu xa của từ “pê đê” là thế nào.

Tạ Nhất mặt mày thanh tú mắt môi xinh xẻo khiến người thương mến đó là được đúc ra từ một khuôn của ba cậu ta. Mẹ cậu ta, Hoàng Thái Hương tuy vẻ ngoài bình thường nhưng lại được cái ăn nói nhỏ nhẹ, không bao giờ nổi nóng, cứ rảnh rỗi thì lại cầm sách lên đọc, bữa nay đọc Lâm Ngữ Đường, bữa mai đọc Jack London. Sách trong thư viện chị đều đọc hết, tới cả tạp chí bình thường chị cũng xem như sách hay mà coi.

Hoàng Thái Hương từ bé đã học giỏi, ở quê học hành như thế đã không dễ gì, nên sau khi tốt nghiệp xong thì được nhà máy Điện mời về làm kỹ thuật viên.

Ba Tạ Nhất, Tạ Thủ Chuyết đều nhờ vào hơi vợ. Người trong cư xá gặp Tạ Thủ Chuyết thì lại tươi cười chào hỏi, “Tiểu Tạ, chú thiệt may mắn!” nhưng khi quay đi thì lại mắng, “Ôi, cái thứ bám váy đàn bà!”

Nghe đồn, Tạ Thủ Chuyết tình cờ gặp được Hoàng Thái Hương trong tiệm làm tóc. Cái tên đó có vẻ ngoài vô cùng đẹp trai khiến các chị các cô phải lóa mắt, miệng lưỡi lại còn ngọt như đường. Hoàng Thái Hương đọc một bụng sách nhưng vẫn không miễn dịch được cái vẻ hào nhoáng phong lưu ấy của hắn ta mà mê mụ. Hai người quen biết chừng một tháng đã vội làm tiệc cưới xin. Tới khi nên vợ thành chồng rồi thì mới vỡ lẽ đời chẳng như là mơ.

Đẹp trai cũng chẳng thể coi như cơm mà ăn. Tạ Thủ Chuyết này chẳng hề vụng về như tên, (Từ “Chuyết” có nghĩa là vụng về) ngoại trừ không có bản lĩnh kiếm tiền ra, còn thì rượu chè bài bạc gái gú, không món nào không giỏi. Ra ra vào vào chỗ mát xa hào phóng như thể trùm đầu tư Lý Gia Thành, (một thương nhân nổi tiếng người HongKong) không bao giờ khiến ai hoài nghi trong túi hắn chỉ vỏn vẹn có một trăm đồng bạc. Kinh tế gia đình sau cùng chỉ còn mỗi mình Hoàng Thái Hương cáng đáng.

Kết lại bằng một câu thì là, Tạ Thủ Chuyết mặt thì như công tử bột còn tính tình chẳng khác gì phường lưu manh.

Chuyện này phần nào cảnh tỉnh các đọc giả nữ một điều, là con gái lúc còn trẻ nên ít đọc tiểu thuyết diễm tình lại, để bớt mơ mộng mà lầm tưởng cứ ai biết bay thì đều là thiên sứ, còn Đường Tăng cưỡi ngựa trắng lại nhầm thành Vương tử cưỡi bạch mã.

Lại nói chuyện Tạ Thủ Chuyết, mỗi khi uống say thì không nhịn được mà động tay động chân đánh vợ hành con, tới nổi Vương Đại Xuyên và Giả Quế Phương cũng phải chướng mắt, đưa hai mẹ con Hoàng Thái Hương sang nhà mình lánh nạn. Đôi ba ngày sau Tạ Thủ Chuyết tỉnh táo hơn rồi thì chạy qua bên ấy, dùng lời đường ý mật năn nỉ rước vợ về, thậm chí còn hận là chẳng thể đập đầu vô cửa nhà họ Vương thề thốt một phen. Có thể nói, bao nhiêu ngón cưa cẩm tán tỉnh từ cổ chí kim đều mang ra dùng cả.

Chính vì thế, Hoàng Thái Hương lại mềm lòng dắt con trai về nhà. Sau đó lại bị đánh, lại đi, lại dỗ, lại về. Rồi tiếp nữa lại bị đánh, lại đi, lại dỗ, lại về…

Tạ Nhất từ bé phải sống tranh cảnh cãi vả ẩu đả này, nên so với những đứa trẻ cùng lứa thì tâm sự nặng nề, nhút nhát kiệm lời, biết lẽ hiểu đạo hơn. Theo như lời Vương Đại Xuyên thì là, “Thằng bé tội quá, cứ rụt rè sợ hãi.” Còn bằng lời Vương Thụ Dân lại đổi thành rằng, “Bất tài vô dụng như đàn bà, có miệng chi bằng không có.”

Trước năm Tám tuổi, ngoại trừ việc Vương Thụ Dân suốt ngày ở trường gây chuyện rồi bị mắng vốn ra thì cậu ta và Tạ Nhất có thể coi như là hòa bình sống chung, dù rằng trong lòng Vương Thụ Dân mang thù oán sâu nặng lắm.

Sau đó, oán hận kia cũng được dịp mà bùng nổ. Ấy là vào cuốc học kỳ I năm lớp Ba.

Theo như lẽ thường, Tạ Nhất đứng hàng nhất lớp, Vương Thụ Dân đứng hàng ba mươi mốt lớp, trong khi lớp chỉ có ba mươi hai học sinh. Trò thứ ba mươi hai là một nhóc thiểu năng, mười một tuổi vẫn còn học lớp Ba. Nghe đâu lớp Một học một năm lưu ban một năm, lớp Hai học một năm lưu ban một năm, tới năm lớp Ba cũng học một năm lưu ban một năm. Sau này, may mà nhà trường không có thêm trường hợp nào lưu ban như thế nữa. Xin lỗi, lạc đề rồi!

Vương Thụ Dân làm cô Lý chủ nhiệm rầu hết sức. Đọc giả nói xem, thằng nhóc này mạnh khỏe xán lạn thông minh, so với ai cũng hoạt bát láu lĩnh hơn rất nhiều, thế nào lại học dốt tới vậy? Suốt ngày lên lớp cứ nhằm hộp bút của các bạn nữ mà bỏ thằn lằn vào, còn không nữa thì trét kẹo cao su lên ghế của giáo viên. Chẳng lẽ nhi đồng cũng có thời kì phản nghịch?

Riết rồi bà cô giáo quá lứa lỡ thì cũng không thể chịu đựng hơn được nữa, phát xong phiếu điểm cho lớp thì liền gọi Vương Thụ Dân lên phòng giáo viên mà càm ràm một phen.

Lần này thì đúng là ngôn ngữ chợ búa gì cũng không thiếu. Vương Thụ Dân nghe ca cải lương xong lết về phòng học, ỉu xìu ngồi vào bàn. Hai phía bên cạnh tức tốc có đứa sợ thiên hạ không đủ loạn mà sáp vào cạnh khóe, “Sao rồi mậy? Bà Lý rủa mày hả?”

Vương Thụ Dân gồng người lên thở chẳng buồn trả lời, chỉ ngước đầu trừng mắt liếc Tạ Nhất, trong đầu thì cứ tua đi tua lại cảnh bị cô Lý mắng xối xả, nước miếng văng thối đầu, “Em cứ xem gương Tạ Nhất mà coi!”, rồi hậm hà hậm hực tức tối. Thậm chí tới cái ghế dưới mông cũng như có đinh gây khó chịu vô cùng.

Thằng nhóc Thôi Tiểu Hạo ngồi bên là một thằng béo, đầu toàn nghĩ chuyện xấu, lại còn hay ra vẻ quân sư ta đây bày kế quậy phá. Cu cậu lườm Vương Thụ Dân một cái, bĩu môi nói, “Ui cha, tất cả cũng tại thằng Tạ Nhất học gộng tài hao mà bà Lý đó nâng niu cả.” Tuy mang là tiếng quân sư nhưng trình ngữ văn của thằng bé vẫn chưa đạt chuẩn. Có vẻ thành ngữ còn là một khái niệm quá khó khăn với nhóc.

Bất quá, kệ thành ngữ của Thôi Tiểu Hạo có rành hay không, cơn tức của Vương Thụ Dân cũng được dịp mà bốc cao, ác ma trong đầu không ngừng hò reo cổ vũ. Thôi Tiểu Hạo tiếp tục nói khích, khều khều tay Vương Thụ Dân mà rằng, “Tao nói nè A Thụ, có vẻ mày với thằng đó thân thiết quá ha?”

“Mẹ mày, mày với nó mới thân á!”

“Mỗi ngày mày với nó về nhà chung chứ đâu phải tao!”

“Tại vì nhà nó ở dưới lầu nhà tao, mẹ tao kêu tao phải về chung với nó!”

“Ai biết được, toàn là mày nói, chẳng ai làm chứng hết!”

Vương Thụ Dân nổi đóa, “Mày nói coi, phải chứng minh thế nào?”

Thôi Tiểu Hạo đùi run run, mắt láo liên, bụng nảy ý xấu, đoạn nhanh chóng ghé vào tai Vương Thụ Dân nhỏ to một trận.

Vương Thụ Dân xem ra còn chút lương tâm, ngại ngần mà nói, “Thế thì ác quá…”

Thôi Tiểu Hạo liền khinh bỉ, “Mày thế này khác gì bao che nó, thích chơi với nó lắm hả, xía, thích chơi với gái lắm hả, hứ!”

Chút lý trí cuối cùng bị gió thổi bay, Vương Thụ Dân bèn hứng chí đáp, “Làm thì làm! Bệnh gì cữ! Tao nói mày biết Thôi Tiểu Hạo, tao mà làm vậy rồi thì từ này về sau mày phải làm đàn em của tao!”

“Phải nhanh nhảu thế chứ!” Thôi Tiểu Hạo dựng ngón cái lên khen, “Khuẩn tử nhất ngôn, tử mã nan truy!”

2/Ân oán.

Với chỉ số thông minh của Thôi Tiểu Hạo, nói thật cũng không nghĩ được kế sách gì hay.

Hôm nay là ngày cuối cùng của học kỳ, sau giờ tan học, chỉ có mình Tạ Nhất làm trực nhật, học sinh khác đã ra về hết. Mấy đứa ưa quậy phá lấp ló ngoài cửa, đứa này đẩy đứa kia. Cuối cùng Thôi Tiểu Hạo bèn đánh vào đầu Vương Thụ Dân một cái, “Mày muốn làm đại ca thì mày đi đi!”

Vương Thụ Dân bỏ tay áo sơ mi xuống, bước vào phòng học, nom có vẻ rất chính nhân quân tử, ấy nhưng bây giờ lại làm cái chuyện lưu manh này, nên chợt thấy hổ thẹn đỏ mặt một tí.

Đúng lúc này, Tạ Nhật ngoảnh đầu lại nhìn, khiến Vương Thụ Dân mặt mày nhăn nhó lại như thể đang táo bón. Đoạn Tạ Nhất lại cúi đầu chăm chú làm vệ sinh, không quan tâm tới tên hàng xóm phiền phức kia.

Khi Tạ Nhất cúi mặt, vừa lúc để Vương Thụ Dân thấy được một nửa gương mặt thanh tú, mày dài cằm nhọn, mi thanh mục tú. Đúng thật là một cậu bé xinh xắn dễ thương, báo hại Vương Thụ Dân chột dạ mà ngoảnh đầu lại ngó đám đồng bọn đang nấp ngoài cửa của mình, nháy mắt ra hiệu: Hay là bỏ đi tụi bây, nhìn nó như con gái ấy, tao không nỡ làm vậy.

Thôi Tiểu Hạo trợn mắt lườm Vương Thụ Dân một cái, trề môi nói: Tao biết ngay mày là thứ vô dụng mà!

Vương Thụ Dân dưới ánh nhìn đầy khinh bỉ của đám bạn thì liền nổi máu anh hùng, cắn môi một cái, tự nhủ với lòng: Ai bảo mày bình thường làm như con gái mà cách xa quần chúng, hôm nay tao sẽ cho mày thấy sức mạnh quần chúng là như nào!

Đoạn, cu cậu hắng giọng một cái, thản nhiên hất cằm mà gọi, “Này, Tạ Nhất.”

Tạ Nhất lần nữa ngước đầu nhìn lên, đôi mắt tròn vo trong suốt lại sáng ngời, như thể nhìn thấu được vạn vật.

Vương Thụ Dân vòng tay ra sau lưng, quặp hai ngón tay lại, nói, “Cô Lý tìm mày, nói mày lên phòng giáo viên gặp cổ.”

Tạ Nhất gật đầu một cái. Thằng bé này vẻ ngoài ngoan ngoãn, nội tâm cũng thật thà. Tuy Vương Thụ Dân bình thường có hơi quậy phá nhưng lại không ưa nói dối, nên Tạ Nhất liền bỏ giẻ lau xuống, đi tới phòng giáo viên.

Tạ Nhất vừa đi, Thôi Tiểu Hạo liền xộc vào phòng, chỉ huy đám nhóc làm loạn. Bọn nhỏ giỏi gì không giỏi chứ còn quậy phá thì không ai dạy cũng làm rất tốt. Trong nháy mắt chúng đã làm loạn cả phòng học lên, đẩy ngã những bàn ghế đã được xếp ngay ngắn, ném bỏ những vật dụng học tập ngổn ngang xuống đất. Vương Thụ Dân dựng ngón cái lên khen chúng, “Mấy anh em nhỏ tiếng thôi, làm nhanh nhanh lên!”

Tạ Nhất đi rửa tay xong thì đến phòng giáo viên, nhưng tới nơi thì lại đứng ngây ra. Cửa phòng đã khóa kín. Tạ Nhất do dự đứng đợi một hồi. Bây giờ đã là ngày cuối cùng của học kỳ, ai cũng ra về hết, gió Tây bắc lùa vào hàng hiên, thổi con mắt đau rát, người cũng lạnh buốt.

Tạ Nhất vươn cánh tay nhỏ nhắn ra sờ lên mặt cửa, đứng đợi thêm năm phút nữa, nhưng vì gió thổi lạnh quá không chịu nổi, quyết quay về phòng học hỏi lại Vương Thụ Dân coi sao.

Thế nhưng khi Tạ Nhất trở lại, phòng đã không có ai. Tạ Nhất ngơ ngác nhìn phòng học vừa được dọn dẹp ngay ngắn nay lại như vừa trải qua thế chiến thứ ba thì thấy ức ơi là ức. Trên bảng đen vẽ một con chó xấu xí, bên cạnh còn có hàng chữ cũng xấu chẳng kém, “Đây là Tạ Nhất!” Rồi còn thêm cả một cái mặt quỷ.

Trường học hoàn toàn yên tĩnh, phòng học gió lùa lạnh ngắt, Tạ Nhất đứng ngây ra một hồi thì cúi người nhặt giẻ lau dưới đất lên lau bảng, cẩn thận lau cho sạch từng li từng tí cái bảng lớn, sau đó sắp xếp lại bàn ghế một lần nữa.

Đợi khi làm xong hết thảy thì trời cũng tối sẩm, Tạ Nhất trở lại bàn học muốn lấy cặp sách về nhà, nhưng lại chẳng thấy đâu. Trên ghế của cậu bị viết đầy phấn, “Cặp vở của mày bị bọn tao ném xuống ao xen đằng sau trường, tự đi mà lấy dề!”

Tạ Nhất nhếch miệng, bỗng nhiên thấy ngực tưng tức. Cậu khóa cửa phòng học, đi ra cái ao sen đằng sau trường. Người ta bảo hoa sen gần bùn mà chẳng tanh hôi mùi bùn, thế nhưng cái ao sen này của trường bùn đen và bẩn không chịu nổi, bề mặt còn đóng một lớp băng mỏng. Tạ Nhất đưa mắt ngó cái cặp sách màu xanh lam đang nằm giữa ao dính đầy bùn của mình, bên trong có sách vở mới dành cho học kỳ sau, lại còn cả hộp bút máy. Cặp sách là cách đây không lâu vào sinh nhật cậu, mẹ đã mua cho cậu cái mới, bây giờ thì trơ trọi nằm giữa bãi sình lầy.

Cũng giống như cậu, cô đơn đứng bên rìa ao nằm giữa sân trường rộng lớn, gió rét cứ thốc từng cơn lên gương mặt nhỏ bé đến phát đau. Tạ Nhất người run run đứng đó, viền mắt nóng lên. Đoạn cậu giơ tay quệt nước mắt rồi cúi đầu.

Cứ như cả thế giới đã vứt bỏ cậu, không ai tới giúp đỡ.

Lát sau, Tạ Nhất dùng ống tay áo lau mặt, xắn quần lên đầu gối rồi thò chân bước vào trong ao. Mặt ao vừa đóng một tầng băng mỏng, trời thì lại tối, Tạ Nhất không cẩn thận trượt chân, rơi tõm xuống cái vũng bùn lạnh buốt. Cậu giơ tay lên, nước sình đen thùi chảy từ đầu ngón tay xuống cẳng tay. Nước ao lạnh lẽo làm hai hàm răng bất giác đánh lập cập vào nhau.

Sát na đó, Tạ Nhất nghĩ, nếu cậu chết đuối rồi đông cứng giữa cái ao bùn này thì ngày mai chưa chắc có người phát hiện thấy.

Không ai thích chơi với cậu, cả Vương Thụ Dân cũng chẳng ưa cậu.

Song Tạ Nhất không chết, ao sen rất cạn, Tạ Nhất bé nhỏ đứng lên, nước ao cũng chỉ qua đầu gối một tí. Cậu gian nan cố đứng vững giữa đám bùn, nhích từng bước vào giữa ao, lấy lại cặp sách, sau đó thì khó khăn lội sình quay trở vào bờ.

Những người đi đường đều nhịn không được hiếu kì mà liếc mắt nhìn thằng bé người dính đầy bùn, môi lạnh tím tái, bước đi run run giữa trời. Thế nhưng bấy giờ đang là lúc chiều muộn, ai cũng lo lắng về nhà, không hơi sức đâu dừng lại hỏi han.

Tạ Nhất thơ thẩn đi về nhà. Cậu hoàn toàn không thể ngờ, hóa ra thế gian cũng sẽ có lúc lạnh lẽo tới mức này.

*

Vương Thụ Dân chỉ huy đám nhóc làm chuyện xấu xong thì liền tiền hô hậu ủng về nhà, đắc ý tới nỗi cứ hất mặt lên trời, bọn nhỏ đi theo sau lưng cứ hô hào khen cậu thiệt anh hùng khí phách. Thôi Tiểu Hào cũng hết sức vui sướng dựng ngón tay cái lên nịnh nọt mãi, “Lão đại, sau này anh chính là đại ca của tụi em, anh cứ thoải mái quân phát bất vị thân nghen!” Ồ, cuối cùng thì cũng nói đúng được một câu thành ngữ.

“Vậy còn cái hình con chó tao vẽ chi? Chắc chắn khiến thằng pê đê đó tức chết!”

“Cặp nó thì là tao quăng đó!”

“Mày quăng gần xịt, hại tao phải lụm lại ném ra giữa ao.”

“Mày làm như mày hay lắm vậy, cái ao đó lún như thế, tao ném vậy là được rồi!”

“Tao nói…”

Vương Thụ Dân vung tay lên phán, “Cãi cái gì?” Rồi học võ lâm minh chủ trong phim chưởng mà ôm quyền nói, “Tất cả các huynh đệ đều có công, sau này…” Sau này cái gì thì cậu ta nghĩ không ra, mãi một lúc mới nói thêm, “Sau này đi theo anh, anh có ăn thì các chú cũng có ăn, anh đảm bảo mấy chú sẽ được ăn no uống say!”

Đám nhóc phấn khích ôm nhau nhảy tưng tưng lên, hoàn toàn không biết với trình độ văn hóa lẫn thường thức của chúng thì không rõ thực hư của từ “Lão Đại”, hay hiểu rằng “Lão Đại” là muốn chỉ những kẻ kết bè kết cánh lập đồng minh kéo lên núi xưng vương sau đó cưỡng ép dân nữ về làm áp trại phu nhân.

Bọn chúng cứ nghĩ mấy việc cỏn con chúng làm là oai hùng hiên ngang lắm. Nên nói sao nhỉ? À, chúng tự cho mình là anh tài vì dân trừ hại, bài trừ phần tử coi khinh quần chúng rồi bị quần chúng dùng lực lượng bài trừ lại.

Vương Thụ Dân cứ như tướng quân một cõi ngông nghênh hống hách. Ấy nhưng bất chợt lại nhớ tới chuyện vừa rồi lúc nói dối, trông thấy đôi mắt to tròn trong sáng của cậu nhóc kia, ngực tự dưng lại thấy khó chịu, chẳng hiểu vì sao. Song cảm giác áy náy đó không duy trì được lâu, nhanh chóng bị bọn đàn em kia làm cho vui sướng tới chẳng nghĩ được gì. Sau này cậu chính là lão đại của tụi nhóc, chỉ mới nghĩ thế thôi thì cậu thấy như chân đang lướt êm êm trên mây vậy.

Bất quá, cái vẻ anh hùng hào kiệt đó lại biến mất hoàn toàn dưới lằn dây nịt của Vương Đại Xuyên. Vương Đại Xuyên vừa trông thấy phiếu báo điểm của con trai thì suýt chút nữa lên tăng xông mà ngất, đoạn lại không nhịn được, rút dây nịt ra mà “đơn đả độc đấu”, khiến Vương Thụ Dân sợ tái mặt, nhảy tưng tửng lên né đòn, còn kêu ông gọi bà, khóc lóc thảm thiết vô cùng.

Đợi mẹ cậu ta là Giả Quế Phương về nhà, màn “đơn đả độc đấu” liền biến thành “song kiếm hợp bích”. Giả Quế Phương la mắng không ngừng, quất roi liên tục vào mông thằng con trời đánh. Vương Thụ Dân quỳ gối trên tấm phảng, mếu máo nghe mẹ mắng té tát vào mặt, rồi ước gì mình chưa từng được sinh ra trên đời.

Vương Thụ Dân chẳng dám tin, người bữa nay cứu mình qua cơn hấp hối lại chính là Tạ Nhất… hay chính xác hơn là tiếng “Chết rồi! Chết rồi! cùng tràng ò í e của xe cứu thương.

*

Hoàng Thái Hương không ở nhà, đúng lúc Tạ Thủ Chuyết vừa thua bài từ ngoài về, lại còn say lúy túy, nhìn đâu cũng chẳng vừa mắt. Tạ Nhất cả người lạnh ngắt lại còn dính đầy bùn đen, run run bước vào cửa, chiếc cặp màu xanh nhìn chẳng ra hình dạng lúc đầu. Tạ Thủ Chuyết nóng nảy, mắt say lờ đờ, không biết đang cầm trong tay cái gì, lấy nguyên cái ghế đẩu mà nện vào người Tạ Nhất.

“Thằng mất dạy, tao kiếp trước ăn ở không tốt nên mới đẻ ra thằng con phá của như mày, mày tưởng tao giàu lắm hả? Cho mày chừa tật dám ném cặp xuống bùn này! Cho mày chừa tật dám ném cặp xuống bùn này! Thằng phá của, y hệt như con mẹ của mày! Phá của hả! Phá của hả!”

Đợi Hoàng Thái Hương về nhà, thì đã thấy Tạ Nhất nằm co ro xụi lo dưới đất. Tạ Thủ Chuyết sau khi hăng máu đánh con xong, cộng thêm nghe thấy tiếng vợ la hét thì cũng tỉnh ra đôi chút, hoảng sợ đánh rớt cái ghế xuống, hai con mắt trợn to hằn đầy tơ máu, tay chân luống cuống chẳng biết làm sao.

Hoàng Thái Hương ôm lấy Tạ Nhất, vội vã gọi 120. Người phụ nữ trước giờ tri thức lễ nghĩa, ăn nói nhỏ nhẹ, dưới tình huống này thì không còn nhẫn nhịn được nữa, chỉ thẳng vào mặt Tạ Thủ Chuyết mà mắng, “Tạ Thủ Chuyết, anh không phải là người! Anh không phải là người! Anh… cầm thú cũng chẳng bằng, con tôi mà có mệnh hệ gì, anh đừng mong được chết tử tế!”

Tiếng còi xe cứu thương hét inh ỏi, bà con lầu trên lầu dưới đổ xô ra xem náo nhiệt. Vương Đại Xuyên và Giả Quế Phương cũng không quan tâm tới thằng con nhà mình nữa, vội vội vàng vàng chạy đi giúp đỡ. Vương Thụ Dân len lén bước ra hành lang nhìn xuống dưới lầu, nhìn Tạ Nhất áo quần vốn sạch sẽ giờ thì dính đầy bùn, mặt mày xanh tái như quỷ được người ta cáng đi, thì lần đầu mới hiểu được hoảng sợ là gì.

Người xưa nói, phúc vô song chí, họa vô đơn chí. Kẻ nào phát mình ra câu này chắc chắn là miệng quạ đen. Phi, phi, phi. Chuyện tốt chẳng linh xấu lại thiêng.

*

Tạ Nhất bị đưa vào phòng cấp cứu, khó khăn lắm mới cứu sống được, phải nằm viện suốt kỳ nghỉ đông. Hoàng Thái Hương vừa đi làm vừa lu bù chuyện nuôi bệnh, người càng lúc càng gầy sộp đi. Mỗi ngày trời chưa sáng thì đã nấu cơm mang tới bệnh viện cho con trai, tới trưa thì tự thằng bé lấy cơm trong gà mên ăn, đến tối thì đưa cơm chập nữa…

Giả Quế Phương những khi rảnh rỗi lại chạy tới bệnh viện hỗ trợ một tay, khi về thì thở dài với Vương Đại Xuyên, bảo rằng người có làm bằng thép thì cũng chịu không nổi ngần ấy dày vò.

Sau đó, chuyện không may lần nữa ập xuống đầu.

Tối đó nhà máy có việc nên tan ca trễ, Hoàng Thái Hương lo con trai chờ trong bệnh viện lâu quá đói bụng nên gấp gáp chạy đi, giữa đường thì bị xe tải tông…

Số chị cực khổ không được người trên phò hộ nên mệnh chẳng thọ lâu dài.

Vì vậy, Hoàng Thái Hương liền biến thành tấm ảnh trắng đen treo trên tường.

Vương Thụ Dân nhìn tấm hình thì nghĩ bụng chắc đó là giả rồi. Cậu chưa bao giờ thấy dì Hoàng lại cười tươi đến thế, hai gò má cũng đầy đặn căng tròn, tóc tai cũng gọn gàng xin đẹp. Rồi bỗng nhiên cậu thấy muốn khóc, vì bất giác ý thức được… những chuyện này hồ như là có liên quan tới mình. Nếu cậu không lừa Tạ Nhất, thì Tạ Nhất sẽ không tin; nếu cậu đừng ném cặp sách của Tạ Nhất xuống ao sen, thì Tạ Nhất không mang một thân sình về nhà, vậy thì chú Tạ cũng không đánh Tạ Nhất; nếu Tạ Nhất không bị đưa đi bệnh viện, thì dì Hoàng sẽ không chết; nếu… Trên đời vốn dĩ chẳng có nhiều cái “nếu” như thế cậu bé ạ!

Bởi thế, khi Tạ Nhất xuất viện, thế giới liền đổi khác rồi.

3/Cải thìa.*

Chuyện xảy ra khi bé, với người sống trên đời, thật ra có bao nhiêu ảnh hưởng? Những nhà tâm lý học hẳn có nghiên cứu sâu sắc về chuyện này.

Còn đối với những kẻ thường dân như chúng ta mà nói, có lẽ sớm đã trả chữ trả nghĩa hết lại cho thầy cô, không còn nhớ cô giáo xinh đẹp nắn nót viết từng chữ cái lên trên bảng đen, quên mất hồi tiểu học học buổi sáng hay buổi chiều, cũng nhớ không nổi năm nào thì bắt đầu học môn tự nhiên.

Thế nhưng, vĩnh viễn quên không được người đã từng khi dễ mình, quên không được miếng bã kẹo cao su bị trây trên ghế, rồi tiếng cười nhạo báng ác ý, quên không được mùa đông năm ấy, tại ao sen đầy bùn mặt nước đóng băng, vết sình lau mãi không sạch.

Cũng quên không được cảm giác bất lực khi mà bị cả thế giới quay lưng bỏ mặc.

Đó là mùa đông lạnh thấu da thấu thịt. Dù mai này lớn lên, Tạ Nhất đã tới thành phố miền Nam ấm áp, nhưng vẫn quên không được cái giá rét buốt tim buốt gan, gió bấc lốc từng cơn dữ dội như muốn thổi vỡ những ô kính thủy tinh, còn bầu trời thì một màu xám xịt, như thể mãi mãi chẳng tươi sáng lên nổi.

Khi ấy, người ta vẫn không biết rằng, có một loại bệnh chẳng phát trên máu thịt xương da mà nảy nở ở đáy tâm hồn. Vì vậy, con nít sau cơn đại nạn thì liền trở nên khác lạ.

*

Tạ Nhất ra viện, Giả Quế Phương đều mỗi ngày rước thằng bé mồ côi mẹ cha lại không thương này về nhà mình, đối đãi như con ruột. Vương Đại Xuyên mỗi lần nhìn Tạ Nhất cũng phải kìm lòng chẳng đặng mà than thở mấy tiếng, mặt mày bặm trợn quen thuộc cũng nhu hòa đi ít nhiều.

Thế nhưng hai vợ chồng vốn là người thô kệch, không thể làm gì khác hơn là trừng mắt nhìn thằng bé suốt ngày buồn bã tâm sự nặng nề. Gương mặt non nớt gầy gò hẳn đi, thậm chí nhìn không có sinh khí.

Điều khiến Vương Thụ Dân thấy khốn khó hơn cả chính là Tạ Nhất không hé răng nửa lời với ai về chuyện xấu xí đã xảy ra trong trường nhiều ngày trước. Song Vương Thụ Dân lại biết, Tạ Nhất chuyện gì cũng đều nhớ cả… Mặc kệ Vương Thụ Dân lấy tiền tiêu vặt mua kẹo mạch nha nhét vào tay Tạ Nhất, hay mặt dày mày dạn kéo Tạ Nhất ngồi xuống cùng làm bài tập, Tạ Nhất cũng không có biểu lộ gì, thậm chí là một cái liếc mắt hay bĩu môi.

Vương Thụ Dân mơ mơ hồ hồ cảm giác thấy, từ nay về sau trong thế giới của Tạ Nhất không còn người tên Vương Thụ Dân nữa. Một sinh vật sống, biết đi đứng hít thở là cậu ta đây, với Tạ Nhất cũng chỉ như cục đá hay cái xì hơi, chẳng có chút tác động hoặc ảnh hưởng gì.

Cậu ta bắt đầu thấy khó chịu vô cùng. Ban đầu là cậu không ưa gì Tạ Nhất, chỉ hận sao chẳng thể cách xa cái thằng ẻo lả như con gái này nhiều hơn một chút, để hình tượng của bản thân không bị hạ thấp. Thế rồi, khi Tạ Nhất thực sự xa lánh lại khó chịu, ngực như bị cái gì đè nặng, lại còn thấy mất mát nữa.

Có rất nhiều người có tiềm chất thích bị chà đạp, ví như đồng chí Vương Thụ Dân đây, từ bé đã hiển lộ cái sự thiên phú đó. Hồi trước là Tạ Nhất cẩn thận e dè xem cậu ta như anh lớn, cậu ta lại dửng dưng, xem người ta như đá ngáng đường. Bây giờ tới phiên người ta coi cậu ta như không khí, cậu ta lại trở chứng muốn làm thân.

*

Ngày đầu khai giảng học kỳ hai lớp Ba, Vương Thụ Dân cố gắng dậy sớm mua điểm tâm rồi đứng chờ trước cửa nhà Tạ Nhất. Lúc Tạ Nhất mở cửa thì trông thấy một con khỉ đứng run run trong gió. Tháng hai gió còn rất lạnh, lùa vào hành lang rét tận xương. Vương Thụ Dân hai má ửng hồng, nhe răng ra cười ngu, rồi do dự một chút mới nắm lấy tay Tạ Nhất, “Trễ rồi, mau đi thôi.”

Ấy nhưng tay Vương Thụ Dân chỉ chụp được không khí. Tạ Nhất rụt về phía sau, cúi đầu như cũ, tránh né bàn tay Vương Thụ Dân. Nụ cười trên mặt Vương Thụ Dân sượng cứng lại, mất tự nhiên mà rút tay về gãi đầu, sau đó đi theo sau lưng Tạ Nhất mà lải nhải, “Tui nghe nói hôm nay có sao đỏ đứng trực, đằng ấy có mang khăn quàng theo không?”

Bị ngó lơ.

“Ách… Cậu làm bài xong hết chưa? Bài tập nghỉ đông tui còn làm thiếu hai bài, cho tui mượn cặp bi đi?”

Tiếp tục bị ngó lơ.

Vương Thụ Dân cắn răng, đường đường là ông hoàng con như cậu ta đời nào phải tủi thân như vậy chứ, nên bèn nổi giận, bước xồng xộc lên phía trước, túm lấy bả vai Tạ Nhất, ỷ vào chuyện mình cao hơn mà siết lấy thằng bé. Tạ Nhất bị Vương Thụ Dân bất ngờ túm lấy nên hụt chân lảo đảo một chút, đoạn lại ngước mắt lên, không nhìn Vương Thụ Dân, chỉ xẹt qua rồi thôi. Rõ ràng là chẳng xem Vương Thụ Dân ra kí lô nào. Đôi mắt to tròn trong sáng xinh đẹp đó, bất giác khiến Vương Thụ Dân như đông cứng người lại.

Bấy giờ ông hoàng con liền tay chân lóng ngóng, chẳng biết làm sao.

Tạ Nhất nhích người ra, xốc cặp sách lên, bước về phía trước. Bóng lưng nho nhỏ trong gió lạnh như lung lay sắp đổ. Vương Thụ Dân nhác thấy phía mép cặp còn vài ba vết bùn rửa không sạch, thốt nhiên lại thấy khó chịu, mím môi một cái, cúi đầu bước theo sau Tạ Nhất một khoảng ngắn, chân đá đá mấy viên đá nhỏ dưới đất.

Ven đường hàng quán đã được bày ra, người ta rộn ràng ghé lại mua bán. Tâm trạng Vương Thụ Dân thì lại như cái cống thoát nước bị nghẹn lại.

*

Khi Tạ Nhất đẩy cửa bước vào phòng học, tiếng nói cười sang sảng như thể tiếng rao ngoài chợ ngưng bặt hẳn. Đối với đám nhỏ tám chín tuổi mà nói, chuyện chết chóc là một khái niệm hết sức xa xôi, thậm chí còn là việc khơi gợi trí tò mò của chúng. Chính vì vậy mà chúng đưa đôi mắt hiếu kỳ lên ngó chằm chằm vào Tạ Nhất, rồi quay đi rì rầm bàn tán.

Những ánh mắt đó bất giác khiến Tạ Nhất thấy lạnh cả người, thoáng sợ hãi. Cậu đứng sững ra trước cửa một lúc mới cúi đầu giấu non nửa gương mặt sau chiếc khăn quàng cổ, vờ như không hiểu bọn chúng đang nghĩ gì. Thương hại? Hiếu kỳ? Hoặc là gì đó khác? Bàn tay dưới ống tay áo run run. Sát na ấy, Tạ Nhất chỉ muốn quay lưng bỏ chạy khỏi phòng học hỗn tạp đầy mùi người lạ này, thế nhưng cậu lại không hề dừng chân.

Bỗng dưng, người Tạ Nhất bị đụng trúng, Thôi Tiểu Hạo mập mạp cùng một đám nhóc chạy xộc vào phòng, cố tình đụng trúng Tạ Nhất, khiến vai thằng bé đánh lên tường, đau điếng người.

Thôi Tiểu Hạo quay đầu lại, đôi mắt nhỏ xíu trốn dưới mớ thịt béo múp nhìn Tạ Nhất đầy khinh miệt, rồi cay nghiệt nói, “Con chào má Tạ!”

Chòm tóc mái của Tạ Nhất rũ xuống, không ai thấy rõ mặt cậu. Tạ Nhất thấy như trong đầu mình có một kíp nổ, đang tích tắc kêu thành tiếng. Thôi Tiểu Hạo cao giọng hả hê hát, “Cải xanh hoa vàng thắm… Con hai tuổi, mất mẹ rồi… Úi!!!”

Chẳng ai biết Vương Thụ Dân là từ đâu xông ra, Thôi Tiểu Hạo hát chẳng tròn câu liền bị Vương Thụ Dân đấm một cái. Cu cậu trừng đôi mắt lên như một con cọp con, tháo cặp xách của mình xuống, ném vào người Thôi Tiểu Hạo, rồi đẩy thằng nhóc té ngửa ra đất. Sách vở để trên bàn của bé gái ngồi gần đó bị bàn tay to béo của Thôi Tiểu Hạo quơ rớt. Vương Thụ Dân cưỡi trên người Thôi Tiểu Hạo, bồi thêm một cái tát, quát to, “Dám hát bậy hả mậy! Tao cho mày hát nè!”

Thôi Tiểu Hạo vùng vẫy, nhưng tiếc là do quá béo nên chẳng nhúc nhích nổi, cứ nắm hai bàn tay của Vương Thụ Dân mà khóc toáng lên. Đoạn cô bạn lớp trưởng có hai bím tóc to ơi là to liền nhào tới hô hào, “Hai bạn làm gì hả? Không được đánh nhau! Tui méc cô bây giờ!”

Đáng tiếc, giọng nói lanh lảnh như họa mi của cô bé chẳng bì được với tiếng tru như lợn bị thiến của Thôi Tiểu Hạo, đã vậy đám nhóc còn bu quanh mà hò reo inh ỏi, “Đánh đi! Đánh đi! Đánh mạnh vào!”

Bấy giờ, đừng nói là chợ, có là trại chó điên cũng không náo nhiệt bằng cái lớp này.

Chuyện ầm ĩ rất nhanh tới tai thầy giám thị. Một người đàn ông mập mạp tuổi trung niên đá cửa vào, mặt mày cau có nhăn nhó khó coi hơn cả con tê giác chiếu trên Ti Vi. Trên cái đầu tròn vo bóng lưỡng là một chủm tóc ít ỏi dựng thẳng, nhìn vui mắt vô cùng. Lão đỏ mặt tía tai quát vào mặt Vương Thụ Dân, “Các em đang làm gì hả? Dám đánh nhau à? Có tin tôi gọi giáo viên chủ nhiệm của các em không!?”

Thầy giám thị nhanh chóng xộc tới kéo Vương Thụ Dân ra. Vương Thụ Dân đỏ mắt chẳng phân biệt được địch ta, há mồn nhắm ngay tay thầy giám thị mà cạp. Ấy nhưng thầy giám thị tuy vóc người to béo lại được cái mau lẹ, tức tốc rút tay về như một tay cao thủ lão làng, khiến Vương Thụ Dân chỉ cắn được không khí.

Thầy giám thị trừng mắt lên quát, “Phản rồi, phản rồi, nó dám cắn cả tôi này!!?” Một tay thầy giám thị xách cổ áo Vương Thụ Dân, một tay dựng Thôi Tiểu Hạo đang quơ quào dưới đất dậy.

Cô Lý chủ nhiệm vội vội vàng vàng tông cửa mà vào, vừa nhìn tình hình thì mồ hôi rơi lộp bộp, “Có chuyện gì? Có chuyện gì? Vương Thụ Dân? Thôi Tiểu Hạo? Lại là hai em nữa à?”

Thầy giám thị quả nhiên không hổ danh tê giác già, dạy dỗ bảo bang học trò thì cứ như nước nguồn chảy xuống vô cùng lưu loát rành rẽ, khiến cô Lý chỉ biết gật gù như giả cối, thỉnh thoảng còn hùa theo khen phải, sau cùng thì lôi hai ông tướng lên phòng giáo viên làm kiểm điểm. Trước khi rời khỏi lớp, cô Lý đẩy đẩy gọng kính, trừng mắt lườm đám học trò đang phấn khích túm tụm lại coi trò vui, triển khai ngón võ sư tử rống, “Nhìn cái gì? Sao không đi coi bài? Lát nữa tôi sẽ cho làm kiểm tra, ai dưới trung bình thì ăn năm mươi roi!”

Mọi người nhất loạt tản đi.

Tạ Nhất đứng lẫn trong đám người đang tán đi, quay về chỗ ngồi của mình, lấy sách vở nhăn nhúm ra, dùng bày tay be bé cố vuốt cho phẳng, thế nhưng khi mở sách ra lại chẳng nhìn thấy được chữ nào.

Bút máy cầm trên tay không tự chủ được mà hí hoáy viết vào chỗ trống ngoài lề sách, hàng loạt những chữ “Chết đi”.

Sao các người không chết hết đi?

Câu này cứ vang lên không ngừng trong đầu Tạ Nhất, choáng hết những suy nghĩ khác. Cậu siết chặt cây bút máy, những đốt ngón tay tái đi, môi cũng mím chặt lại.

Ngòi bút ghim chặt xuống trang giấy làm thủng một lỗ. Cô bé gái ngồi cùng bàn chăm chỉ xem bài, không quan tâm tới người bạn bên cạch.

Sao các người không chết hết đi…/

*là một bài đồng dao thiếu nhi, nói về đứa bé mồ côi mẹ, ba lấy mẹ kế sinh em trai rồi không được yêu thương nữa.

Lời bài hát dịch nhu nhu thì là như này:

Cải xanh, hoa vàng thắm

con hai tuổi, mẹ mất rồi,

mẹ yêu ơi, mẹ yêu ơi!

Theo cha, thôi cũng đành,

chỉ sợ cha lấy mẹ ghẻ thôi.

mẹ yêu ơi, mẹ yêu ơi!

Mẹ ghẻ tới, con ba tuổi đầy

có thêm em bé, con ra rìa.

mẹ yêu ơi, mẹ yêu ơi!

Em trai ăn mì, con húp nước thừa

lòng buồn tủi, mắt khóc nhòe

mẹ yêu ơi, mẹ yêu ơi!

Con nhớ mẹ, không người biết,

con nhớ mẹ, trong mộng tìm,

mẹ yêu ơi, mẹ yêu ơi!

Hoa đào nở, hoa hạnh rơi,

nhớ mẹ xưa, trận gió lùa,

mẹ yêu ơi, mẹ yêu ơi!

Xin lỗi chẳng biết có liên quan hay không nhưng tự dưng bạn lại nghĩ tới đoạn này trong bài hát yêu thích:

“à ơi… hoa bay lên trời, cây chi ở lại,

à ơi… hoa cải lên trời,

rau răm ở lại chịu lời đắng cay

à ơi… hoa cải bay đi, rau răm thôi đành…”