Chương 1

Hằng năm cứ đến ngày 1-5 trùng với ngày Lễ Lao động Quốc tế, thì mẹ lại bắt Bảo Nghiên phải về ngôi nhà của dì Liên bạn mẹ ở ngoại ông thành phố cùng với mẹ, ít nhất là một lần. Thay vì những ngày lễ lớn như vậy, Bảo Nghiên sẽ được cùng bạn bè tổ chức các cuộc vui chơi dã ngoại hay du lịch tắm biển đâu đó. Cứ nghĩ đến cái cảm giác được phơi mình dưới nắng ban mai trên mặt biển nước xanh ngăn ngắt, sao mà tuyệt vời không ngôn từ nào tả xiết.

Càng nghĩ, Bảo Nghiên càng thêm bực tức, song chỉ dám rủa thầm cái ngày chết tiệt và còn lém lỉnh lén mẹ đặt cho ngôi biệt thự của dì Liên cái tên khá tàn nhẫn như để trút giận:

“Lâu đài Tai họa” chuyện này mà mẹ phát hiện được, chắc chắn cô sẽ bị một trận đòn nên thân chớ chẳng chơi.

Song ai biết nó hiện diện trên trái đất này cách vô ý thức làm chi để khiến cô phải chịu bao điều uất ức thế này, mà không dám hé môi cự cãi, bởi mẹ cô là một người vừa nghiêm khắc, lại vừa có hơi bảo thủ.

Mẹ thường hay ca tụng hết lời cái ngôi biệt thự đáng ghét đó nữa chớ, nào là cổ kính, uy nghi, nào huyền bí như trong huyền thần thoại cổ tích xa xưa còn sót lại. Vậy mà Bảo Nghiên có thấy gì ngoài sự xấu xí, cũ kỹ trông khó ưa gớm ghiếc. Mẹ còn nói dễ gì tìm được giữa chốn phồn hoa đô hội này một ngôi nhà như di tích lịch sử ấy.

Đang suy nghĩ mông lung, Bảo Nghiên như chợt nhớ ra điều gì, cô nhảy phóc xuống ghế chạy đến bên chiếc điện thoại, cô bấm bia bấm lịa.

– Alô. Vân Vi hả? Ta nè!

– Bảo Nghiên!

– Ừ! Mi đang ở đâu đó?

– Ở nhà. Có chuyện gì vậy nhỏ?

– Ta muốn hỏi mi, lễ 30-04 và 1-5 này cả nhóm định tổ chức đi đâu vậy?

– Đi biển Ninh Chữ tận ngoài Phan Rang lận, thích không? Mi đi nhé?

– Vậy hả! Đương nhiên là ta cũng thích lắm. Nhưng ta đang rầu thúi ruột đây, ta bị mẫu hậu đưa về “lãnh cung” rồi, chán chết được.

– Ta nghĩ mi có cách chuồn mà.

– Đừng xúi dại!

– Nếu có bị một trận đòn mà được du sơn ngoạn thủy cũng đáng lắm chớ.

– Ừm. Để tao ráng xem sao.

– Vậy nhé!

– Bye!

Vừa đặt máy lại chỗ cũ, Bảo Nghiên vừa càu nhàu chì chiết:

– Hết chuyện sao mà đúng ngay vào ngày 1-5, bà ngoại lại được sinh ra không biết. Thật đáng ghét!

Bất ngờ, bà Mai từ nhà dưới bước lên, chỉ nghe được loáng thoáng nên hỏi trống không:

– Cái gì đáng ghét?

Bảo Nghiên hoảng hồn nín khe, rồi ranh mãnh chối quanh khi chợt nhìn thấy quyển lịch treo trên tường:

– Dạ, đâu có gì! Là con nói cuốn lịch in ấn không không được rõ ràng, thật đáng ghét.

Bà Mai biết con gái đang chối quanh chuyện gì đó, song bà nghe không được rõ ràng là chuyện gì nên tạm thời cho qua. Im lặng một chút, bà Mai lại nói:

– Ngày mai phải đi chuyến xe sớm khoảng năm giờ, nên mẹ nghĩ con hãy chuẩn bị mọi thứ cần thiết ngay bây giờ đi là vừa.

Bảo Nghiên hơi cúi đầu giấu gương mặt bất mãn của mình, rồi nói rụt rè cách vừa than vãn vừa hăm dọa:

– Năm nay con vừa thi đại học xong mệt muốn đứt hơi, lại chẳng được nghỉ hè bao lâu thì lại phải vào học tiếp rồi, nên con muốn ở nhà nghỉ ngơi cho lại sức. Hay chuyến này mẹ đi một mình đi nghe mẹ?

Bà Mai nghiêm mặt nói cách dứt khoát:

– Không được! Lần nào về trên đó cũng vậy, hễ thấy mẹ thấp thoáng ngoài đầu ngõ là ngoại hỏi vọng ra ngay:

“Bây có dẫn con bé Nghiên về không?”. Cả dì Liên cũng vậy, mà đến đó chơi cũng như đi nghỉ mát chớ có khác gì đâu.

Rồi bao điệp khúc cũ được lặp lại dài lê thê, bất tận, chán phèo khiến Bảo Nghiên chỉ biết im lìm chịu trận. Vậy mà có được yên đâu, bà còn nói:

Năm nay dì Liên tổ chức sinh nhật tám mươi năm của ngoại còn lớn hơn mọi năm, sẵn mừng thằng con trai mới du học ở nước ngoài về, nên dì gọi điện đến hai ba lần căn dặn mãi, cho nên con không thể vắng mặt được.

Bảo Nghiên thụng mặt buồn xo. Lời mẹ nói như một lệnh truyền, coi như đi tong mấy ngày lễ lớn. Song Bảo Nghiên cũng không dám nói gì thêm, bởi từ nhỏ đến giờ cô rất kính nể mẹ, chưa lần nào cô dám trả treo hay cãi mẹ điều gì.

Tuy lời mẹ nói ra rất dịu dàng êm ái nhưng cách mẹ giáo huấn rất nghiêm khắc dứt khoát, không gì lay chuyển được.

Dì Liên lại là bạn thân của mẹ đâu thời còn học tiểu học, nay dì định cư ở ngoại ông thành phố. Mấy hôm trước dì gọi điện mời mẹ về dự lễ mừng thọ cho bà Bính là mẹ của dì mà cũng là bà ngoại nuôi của Bảo Nghiên từ bốn năm nay, khi hai gia đình tìm lại được nhau sau gần hai chục năm dài mất liên lạc do cuộc sống đổi thay mỗi người mỗi ngả. Mà giờ đây cô mới là người rầu rĩ nhất, bởi lên trên đó đâu phải một tuần là ít, do sự cầm níu của bà ngoại và dì Liên mà chính cô cũng không nỡ từ chối tấm chân tình của họ.

Thấy Bảo Nghiên mặt mày bí xị, hồn để tận đâu đâu, bà Mai nhíu mày hắng giọng làm cô giật mình chợt tỉnh:

– Nãy giờ mẹ nói gì con có nghe không mà ngồi thừ ra đó, không trả lời trả vốn gì hết vậy?

Bảo Nghiên sợ mẹ phật lòng nên trả lời nhanh nhảu:

– Dạ, con đã chuẩn bị xong cả rồi.

Thấy thái độ bùng phụng của con, bà Mai nghiêm mặt:

– Mẹ không muốn con đến nhà người ta với bộ mặt chù ụ như đưa đám vậy đâu nhé. Con nên nhớ là đến để mừng thọ cho ngoại, con cư xử sao cho khéo đừng để bà ngoại và dì Liên hiểu lầm thái độ của mình, hay trách mẹ không biết dạy con.

Như biết lỗi, Bảo Nghiên lấy lại nét mặt bình thường, nũng nịu:

– Con có như vậy bao giờ, mẹ nói oan cho con rồi đó.

Bà Mai tra gạn:

– Sao sáng giờ mẹ thấy con có vẻ bất thần vậy?

Bảo Nghiên chối quanh:

– Tại con hơi nhức đầu một chút.

Bà Mai nhíu mày lo lắng:

– Vậy con đã uống thuốc chưa?

– Con thấy không sao, nên không uống thuốc.

Bà Mai gật gù như chấp nhận lời giải thích có vẻ hợp lý của cô.

Dì Liên đích thân ra tận bến xe liên tỉnh đón mẹ con cô trên chiếc du lịch màu trắng sữa. Tuy giàu có nhưng cách sống của cô rất giản dị, không chưng diện se sua như bao phụ nữ lắm bạc nhiều tiền, dù so với tuổi năm mươi lăm, nhan sắc dì Liên hãy còn mặn mà xuân sắc.

Phải nói dì Liên rất trân trọng tình bạn và yêu mến Bảo Nghiên như con gái ruột. Nếu so sánh về mặt tiền tài, danh vọng, mẹ cô chỉ là hạt cát, mà dì Liên là sa mạc mênh mông, vậy mà tình bạn của hai người không hề thay đổi.

Ngồi trong xe mà dì Liên cứ nắm mãi tay cô không muốn rời đi. Dì còn luôn miệng khen cô không ngớt, làm Bảo Nghiên ngượng ngùng muốn chết được. Dì quay qua nói với mẹ:

– Mới xa cách nhau chưa đầy một năm mà con bé lớn ngó thấy và xinh đẹp không thể tưởng tượng. Càng lớn, nó càng giống Bảo Mai của ngày xưa như hai giọt nước, song đôi mắt lại rất giống cha vừa dài lại vừa đen lay láy, lúc nào cũng như đang cười thật cuốn hút lòng người như muốn gồm thâu cả thiên hạ này vậy.

Dì còn đưa tay vuốt má cô nựng nịu rồi phán một câu xanh rờn:

– Cặp mắt này chỉ cần liếc một cái là con trai đất Sài Gòn này rụng tim hết.

Bà Mai mỉm cười đằm thắm trách mẹ:

– Liên khen quá cho nó học đòi theo thói kiêu căng hợm hĩnh là tôi bắt đền bạn đó nha.

Bà Liên cười giòn giã, nửa đùa nửa thật:

– Tôi đền thằng Điền Cương làm rể bạn là được chứ gì?

Rồi cả hai cùng bật cười vui vẻ. Hai bà mẹ cứ lời qua tiếng lại tâm sự nhỏ to trên suốt đoạn đường về nhà có vẻ tâm đắc, làm Bảo Nghiên cứ thộn mặt ngẩn tò te chẳng hiểu ất giáp gì. Mà cũng không biết cái thằng cha Điền Cương nào đó là nhân vật nào, mặt tròn méo ra sao mà dì Liên cứ nhắc tên hắn hoài trong câu chuyện càng khiến cô thắc mắc nhiều hơn.

Ngôi biệt thự khá cổ kính đã ngả màu xám xịt từ lâu, như được xây dựng từ thời Pháp thuộc nằm ẩn mình trong khu vườn rộng thêm thang trồng toàn cây ăn quả, lại rất ít người sống ở đây nên quạnh quẽ buồn tênh. Thêm mồ mã ông bà được chôn cất phía sau khoảng đất trống của ngôi biệt thự cành khiến cảnh vật thêm tĩnh mịch cô liêu mà dường như đã rất lâu dì Liên cũng không trùng tu hay sửa sang gì cả.

Tuy nhiên, không phải dì không có điều kiện sửa chữa, bởi dì là một đại tư sản có tiếng tăm giàu nhất nhì thành phố. Bảo Nghiên còn nghe mẹ nói ngôi biệt thự đó là do chính tay bà dì vẽ bản thiết kế nên ngôi nhà đó giờ như một kỷ vật thiêng liêng bất di bất dịch.

Xe vừa mới thắng lại chưa dừng hẳn trong sân, Bảo Nghiên đã mở cửa vọt xuống thật nhanh, khiến bà Mai khó chịu cau nhàu:

– Đó, Liên thấy không? Lớn xác vậy tính tình con nít không chịu được, đi đứng lất kha lất khất như con trai vậy.

Nghe bà Mai cằn nhằn, bà Liên bật cười bao dung:

– Con gái thông minh có cá tính phải nghịch ngợm liến thoắng hồn nhiên một chút như vậy mới dễ yêu chứ.

Bà Mai lắc đầu cách bất mãn:

– Bạn nói vậy khác nào vẽ đường cho hươu chạy, nó mà nghe được lại càng được nước.

– Nhưng bạn cũng đừng khắt khe với con bé quá tội nghiệp. Cứ để cho nó bộc phát một cách tự nhiên sẽ hay hơn những cử chỉ học đòi kiểu cách õng a, õng ẹo.

Bà Mai khe khẽ thở dài. Cứ cưng chiều con bé kiểu này không khéo sau này nó sẽ khó bảo hơn.

Bà ngoại ngồi trong phòng khách như đang chờ đợi ngóng trông. Thấy Bảo Nghiên vừa bước vào ngưỡng cửa, mắt bà đã sáng lên. Miệng cười móm mém hỏi lớn:

– Con bé Nghiên đến rồi phải không?

Bảo Nghiên đã bước đến trước mặt bà, cúi đầu lễ phép:

– Con chào ngoại.

bà Bính kéo cô đến gần nhìn chăm chú khá lâu, mới bật lên:

– Chà! Cháu bà càng lớn càng ngộ ra dữ. Rồi bà quay sang dì Liên và mẹ cô nói tiếp - Hai đứa có thấy vậy không hở?

Bà Liên gật đầu phụ họa:

– Không còn điểm nào để mà chê được.

Lúc này bà Mai mới xen vào:

– Má và Liên đừng khen nó quá để nó càng ỷ lại mà sinh hư. Đến lúc đó sợ mọi người lại chạy dài muốn tống khứ cho nhanh mà còn không kịp.

Bảo Nghiên đỏ mặt phụng phịu:

– Con có làm gì đến nỗi để mẹ phải chê bai con dữ như vậy không biết nữa.

Bà Mai nói tiếp cách nghiêm nghị:

– Rồi đây mọi người sẽ thấy nó trổ tài nghịch ngợm.

Cả nhà lại phá ra cười lớn làm Bảo Nghiên sượng trân. Nhìn cô, dì Liên lại nói:

– Nhà này không có con nít, nên vắng vẻ im lìm đã từ lâu. Nay để con bé nghịch ngợm một chút cho vui cũng đâu có sao.

Bà ngoại cũng gật gù như đồng tình với dì Liên, khiến gương mặt bà Mai tỏ rõ sự bất mãn, chợt nghĩ thầm:

Ở đây lâu ngày mà được nuông chiều kiểu này chắc con bé sẽ hư mất thôi.

Năm nay dì Liên cho sửa sang lại ngôi nhà đôi chút, sơn mới toàn diện các bức tường nên trông nó khang trang và có hồn hơn đôi chút, chớ không còn cái vẻ hoang lạnh tiêu điều như trước.

Buổi sáng Bảo Nghiên hay dậy sớm tập thể dục đã quen, nên trời mới vừa tờ mờ, cô đã ra vườn đón sương mai.

Đột ngột, nghe tiếng chuông cửa reo vang khiến Bảo Nghiên bị giật mình, bởi cô đứng cách không xa. Cô bước ra phía cổng nhìn qua song sắt, thấy một gã đàn ông mặt mày kênh kiệu hất cao, tuổi tác cũng độ ngoài ba mươi, nổi bật nhất là hàm râu “cá chốt” vắt vẻo trên vành môi đen nghịt, nhìn là dị ứng ngay.

Nhìn hàm râu, cô thấy mặt gã vừa dê vừa đểu làm sao ấy, nên cô không thể có cảm tình nổi với gã rồi.

Vậy mà vừa nhìn thấy cô, gã còn đá mắt với cô một cái trước khi cất giọng trầm trầm cách như ra lệnh:

– Mở cửa giùm tôi đi cô bé!

Bảo Nghiên trợn mắt nghĩ thầm:

“Người đâu mà ngang ngược nhỉ! Bộ nhỏ này ai muốn sai khiến gì cũng được vậy sao?”.

Bảo Nghiên trề dài môi nguýt lại gã một cái bén như dao lam, trước khi hạ cho gã đo ván:

– Ông muốn gì? Ở đâu lạ hoắc lạ huơ tự nhiên đến đây bảo tôi mở cửa, ông có bị uống lộn thuốc không hở?

Gã nhướng mày nhìn cô hồi lâu rồi phán gọn:

– Mở cửa cho tôi trước đi, rồi nói!

Bảo Nghiên hất mặt, cộc lốc:

– Không! Ông nói trước đã! - Ngưng một chút, cô nói tiếp - Ông tìm ai, mà mới sáng sớm đã đến bấm chuông om xòm, có vẻ không mấy lịch sự cho lắm, còn ở đó yêu sách.

Gã nheo nheo đôi mắt nhìn cô giọng nghiêm nghị cách hăm he:

– Tôi tìm ai không liên quan đến cô. Không mở cửa cho tôi, cô sẽ hối hận không kịp đấy.

Bảo Nghiên cười khẩy:

– Xời! Còn định rung cây nhát khỉ nữa kìa. Còn lâu mới hối hận! Ông biết tui là ai trong nhà này không mà dám mở giọng hăm he?

Người thanh niên trả đũa ngay:

– Chắc là người ở mới vào làm chớ gì?

Bảo Nghiên thiếu điều muốn nhảy dựng cô nghiến răng quát nhỏ:

– Mặt tôi vầy mà ở đợ hả? Ông có tin tôi suỵt chó cắn ông không?

Nhếch môi cười nhạt, gã thách thức:

– Nếu cô làm được chuyện đó, tôi sẽ gọi cô là cô chủ.

Bảo Nghiên trợn mắt nạt đùa, cô tưởng tượng như đang bắt chẹt một chú nhóc lên ba sao á.

– Có im mồm không! Còn dám xỏ xiên nữa hở?

Chợt tiếng bà Liên gọi lớn trong sân:

– Bảo Nghiên! Con đang nói chuyện với ai ngoài đó vậy?

Bảo Nghiên trả lời nhanh nhảu:

– Dạ, không có ai ạ! Con đang giỡn con Kiên-Kiên! - Rồi cô quay qua gã đàn ông trừng mắt đe nẹt - Ông đi đi! Ở đây không ai muốn tiếp ông đâu, đứng đó một hồi chó cắn ráng chịu.

Nghe cô bé hoạnh hẹ kiểu như đang dạo nạt con nít làm anh muốn bật cười.

Song anh thản nhiên hỏi lại:

– Trời đất! Con về bao giờ, sao con không gọi điện mẹ ra sân bay đón. Mẹ còn tưởng ngày mai con mới về đến lận ...Ủa! Mà sao con không vào nhà mà còn đứng lóng ngóng ở đây?

Xong, dì Liên thay cô lật đật mở rộng cái cổng, rồi ôm chầm lấy gã cách xúc động, giọng nghẹn ngào như sắp khóc đến nơi:

– Trời ơi! Con trai mẹ thay đổi nhiều quá, suýt chút nữa mẹ đã không còn nhận ra con nữa rồi.

Giờ Bảo Nghiên mới hiểu ra, cô le lưỡi rụt đầu rồi kêu thầm trong bụng:

“Chuyện gì vậy trời? Chẳng lẽ ...” Vừa mới nghĩ được đến đây chợt dì Liên nắm chặt lấy tay cô lắc mạnh:

– Bảo Nghiên để dì giới thiệu! Đây là anh Điền Cương con trai của dì đi học ở Mỹ đã gần mười năm nay mới trở về. - Rồi quay qua gã dì nói tiếp - Còn đây là Bảo Nghiên con của dì. Mai mà qua thư mẹ đã kể cho nghe con rồi đó!

Bảo Nghiên ngơ ngác một hồi mới chợt tỉnh. Cô gật đại, một cái chào gã đàn ông mà nãy giờ cô ra oai, bắt chẹt đủ thứ chuyện. Giờ đây cái cảm giác xấu hổ đang len lõi vào cái mạch máu nóng ran từ chân tóc đến móng chân, khiến toàn thân cô đỏ bừng như say rượu. Còn gã Điền Cương thì cứ tỉnh tuồng nhìn xoáy cô chớ không nói gì, cử chỉ này còn độc đáo hơn chửi cha cô cho đỡ xấu hổ, sượng sùng, ngượng nghịu vì tự nhiên bị vướng vào hoàn cảnh trớ trêu hết chỗ nói, nhè ngay cậu chủ mà cô ra oai bắt nạt, thị uy.

Càng nghĩ, Bảo Nghiên càng lo lắng, bởi chuyện này mà đến tay mẹ thì cô có chạy đàng trời cũng không khỏi bị mẹ mắng cho một trận tơi bời hoa lá về cái tội hồ đồ, bộp chộp này đây. Lạy trời cho ông ta không phải là cái loa phát thanh để thiên hạ được thái bình.

Cô lại nghĩ có lẽ tạm thời mình sẽ được yên thân ít nấht cũng qua hết ngày mừng thọ của ngoại.

Rồi ngày mừng thọ của ngoại cũng tới, năm nay dì Liên tổ chức khá linh đình, khách mời đông như kiến cỏ. Sáng đến giờ, Bảo Nghiên cũng bị quay như chong chóng nên muốn đứt hơi, chạy tới chạy lui muốn rã cặp giò nên đâu còn thời gian để ý ai quen ai lại, hay mặt dài, ngắn ra sao.

Giờ đây cô mới nghe thấm mệt, nên ngồi đại xuống chiếc ghế đôn bằng sứ cạnh lối đi. Thuận tay, cô kéo ống tay áo chặm mồ hôi rịn ra trên trán. Tính cô là vậy, muốn gì là làm ngay chớ không màu mè kiểu cách ra vẻ con nhà.

Chợt một chiếc khăn trắng tinh thơm phức chìa ra trước mặt, kèm theo giọng nói trầm ngâm làm cô giật bắn, một gương mặt đàn ông lạ hoắc hiện ra mỉm cười với cô cách thân thiện.

– Khăn nè cô bé, coi chừng làm dơ áo đó!

Bảo Nghiên nguẩy đầu chỗ khác, càu nhàu:

– Hổng cần đâu, tôi quen vậy rồi!

Anh ta nhìn cô vẻ ngạc nhiên rồi tủm tỉm:

– Sao vậy? Hay cô bé cho tôi là người lạ?

Bảo Nghiên gật nhanh thay câu trả lời. Anh ta lại nói:

– Không xa lại gì đâu cô bé, tôi là bạn rất thân của Điền Cương. Còn cô bé là gì của hắn?

Tâm lý chung của các cô mới lớn không thích ai gọi mình bằng bé, bởi các cô nghĩ gọi vậy chẳng khác nào có ý coi thường và xem cô là con nít, nên nghe anh ta một tiếng cũng cô bé, hai tiếng cũng cô bé, khiến Bảo Nghiên ghét cay ghét đắng. Đã vậy còn xưng bạn của Điền Cương làm cô không thể không trề môi, dài giọng:

– Tưởng gì, bộ bạn của anh ta là ngon lắm sao. Mà chuyện tôi không nhận chiếc khăn thì có liên quan gì đến anh ta?

Người thanh niên nhướng mắt nhìn cô thú vị. Bỗng không biết nghĩ sao, anh ta tự giới thiệu về mình:

– Tôi là Nam Kha, ba mươi tuổi, muốn kết bạn với cô bé, cho tôi biết tên nhé?

Bảo Nghiên ba gai:

– Nhưng tôi lại không muốn quen ông nên cũng không cần biết tên làm gì cho thêm rối.

Nam Kha cố nén cười thầm nghĩ:

Cô nhóc này xem ra cũng gai góc lắm đây!

Lại đang ở ngay trong nhà của thằng bạn cũng sấm sét trời gầm, vậy là kỳ phụng địch thủ gặp nhau rồi đấy. Không biết cô bé là gì Điền Cương mà trông lạ hoắc, dường như anh chưa hề gặp mặt bao giờ.

Chợt có tiếng ai đó gọi anh, Nam Kha đành gác lại mọi chuyện đứng lên chào cô nhím con gai góc, trước khi quay đi, anh còn thòng lạ một câu như thách thức:

– Rồi anh cũng sẽ biết tên cô bé thôi. Nhất định như vậy!

Bảo Nghiên chỉ im lặng nhìn theo anh ta nhủ thầm:

Công bằng mà nói, anh ta cũng khá lịch sự lại đẹp trai. Song ai biểu hắn là bạn của Điền Cương chi, để khiến cô không thể mở lòng chấp nhận.

Tiếng dì Liên lại đột ngột cất cao cách ngạc nhiên khi thấy cô ngồi đây chỉ có một mình.

– Ủa, Bảo Nghiên! Sao con lạ ngồi đây, làm nãy giờ ngoại bảo mọi người đi tìm con khắp nơi.

Hơi giật mình, cô đứng nhanh dậy, dì Liên nắm tay cô vẻ mặt khẩn trương.

– Lên phòng dì thay đồ rồi trang điểm luôn cho con.

Bảo Nghiên hơi trừ trừ khi nghe dì Liên bảo trang điểm cho cô:

– Thôi dì! Con thấy vậy cũng được rồi.

Bà Liên phản đối ngay:

– Sao được! Hôm nay quan khách đến dự rất đông, lại toàn là những người tiếng tăm thành đạt, địa vị trong xã hội mà đa số lại là bạn của Điền Cương.

Không nghe lời dì, lát nữa con sẽ thấy mình thật lạc lõng, tầm thường dưới mắt của mọi người cho coi.

Bảo Nghiên chợt nghĩ:

Bạn bè của hắn thì liên quan gì đến cô mà dì Liên lại nói cách kỳ lạ vậy. Cô thật không hiểu nổi hai bà mẹ, họ muốn gì đây mà lúc nào mẹ cô cũng thường đề cập đến anh trong câu chuyện hơi bị nhiều, toàn những câu khen tặng không tiếc lời.

Thật lâu sau, dì Liên đẩy cô đến trước tấm gương lớn kêu lên:

– Ái chà! Con nhìn mà xem, có xinh đẹp quá không đi chứ! Thôi, con thay đồ nhanh lên còn ra phụ ngoại thổi đèn nữa.

Nãy giờ cứ mãi suy nghĩ lung tung, nên dì Liên có vẽ cho cô thành quỷ dạ xoa cô cũng không hay. Nhưng dì đang khen cô nức nở khiến cô phải nhìn vào gương xem hư thực ra sao. Công nhận dì Liên có hoa tay và mắt thẫm mỹ thật, dì đã khiến một cô bé lọ lem thành cô tiểu thư đài các. Song Bảo Nghiên thấy như vầy mình lại trở nên già dặn hơn, mà cô lại thích mình trẻ nít, hồn nhiên, tự do, thoải mái chứ không muốn trở thành con búp bê được trưng bày trong tủ kính. Cô muốn mình là cô bé Bảo Nghiên bằng xương bằng thịt, là chính cô chớ không ai khác. Cô hơi ngần ngừ tìm cách hoãn binh:

– Dì xuống nhà trước đi, con vào toilet chút xíu sẽ xuống ngay.

Bà Liên mỉm cười gật đầu:

– Ừ, cũng được, nhưng nhanh nhanh lên kẻo ngoại chờ.

Bảo Nghiên dạ nhỏ vẻ rất ngoan,chờ bà Liên vừa đi khỏi, cô đã bước đến giường với chiếc khăn ướt trên tay, Bảo Nghiên lau nhanh khuôn mặt của mình rồi thở dài than vãn:

– Tại sao cô lại phải khổ sở quá như vậy không biết, cứ để tự nhiên thế này có phải khỏe hơn không. Còn bộ đầm này nữa, vướng víu chằng chịt không thể nào chịu nổi, nào ren nào dây buột búa xua, thắt lưng buộc bụng thở còn không muốn ra hơi.

Rồi Bảo Nghiên cũng nhanh chân đến bên ủ áo chọn cho mình một bộ theo sở thích. Tủ áo này là dì Liên sắm dành riêng cho cô, dì bảo để dự trù lúc nào cô lên đột ngột mà không đủ đồ mặc thì có mà dùng.

Bảo Nghiên biết dì Liên rất yêu mến mình, song lúc này thì cô không thể nào chịu nổi sự gò bó trong những bộ quần thời thượng đó nữa rồi, nên mặc kệ tất cả dì Liên có giận cô cũng đành chịu.

Bấy giờ đứng trước gương mới là cô bé Bảo Nghiên thật sự, nghịch ngợm một chút, trẻ con một chút, ngang tàng một chút, song thật dễ thương lắm chớ bộ, với chiếc đầm xòe tới gối, đơn giản một màu trắng tinh khôi nhưng trẻ trung sôi động.

Chầm chậm bước xuống lầu, cô nhìn dáo dác. Tiếng cười nói rộn ràng khắp nơi vọng lại, khiến không khí tưng bừng náo nhiệt nên dường như đâu ai thèm để ý đến cô.

Quả thật như lời dì Liên không sai, ai cũng lòe loẹt phấn son, áo quần diêm dúa, màu sắc cầu kỳ lóa mắt, như những cánh bướm chập chờn bay lượn khắp nơi, khiến cô thấy chóng mặt.

Chợt cô nhún vai cho qua. Cô mặc kệ tất cả, tự tin bước xuống lầu tìm đến chỗ ngoại.

Bảo Nghiên hơi khựng lại, vì trên chiếc ghế chạm trổ cầu kỳ bằng gỗ đỏ kiểu dáng rất xưa, bà ngoại thường ngày giờ biến thành bà lão uy nghiêm lịch duyệt trong chiếc ái dài nhung màu vỏ trái măng cụt được kết kim sa lấp lánh. Chung quanh bà đã tề tựu đông đủ mọi người, kể cả cái gã Điền Cương đáng ghét.

Bà Liên như thấy cô trước mắt, bà ngoắc tay cho cô đến gần, âu yếm mắng nho nhỏ như chỉ để một mình cô nghe:

– Lý do ở lại là đây phải không?

Chợt bà ngưng lại nhìn bộ đầm trên người cô rồi đến khuôn mặt cô cách chăm chú, nghĩ thầm:

Ăn mặc như vầy dường như con bé dễ yêu hơn.

Rồi không nói gì bà kéo tay cô đến bên ngoại, nói:

– Nãy giờ ngoại hỏi thăm con hoài đó.

Bảo Nghiên hơi cúi đầu vẻ ngoan ngoãn:

– Ngoại ơi! Con đến rồi nè!

Bà Bính đưa tay kéo cô đến bên cạnh:

– Lại đây cháu! - Rồi bà quay lại kéo tay gã Điền Cương, nói tiếp - Còn đây là Điền Cương cũng là cháu ngoại cưng của ta. Bà muốn hai đứa làm quen.

Bốn mắt chỉ giao nhau chứ không nói gì, vậy mà tại sao tự nhiên Bảo Nghiên lại nghe khó chịu, bởi ánh mắt nhìn hơi nheo lại của anh ta cách khinh khỉnh giễu cợt khiến Bảo Nghiên phải mím môi quay chỗ khác.

Điền Cương lên tiếng, giọng hơi đùa:

– Chào Bảo Nghiên. Trước sau gì chúng ta cũng là người một nhà rồi, đúng không?

Thế là trước mặt mọi người, Bảo Nghiên đành bấm bụng gật đầu vẻ đồng tình và còn phải mỉm cười với hắn một cái gọi là xã giao cho phải phép.

Vậy mà có được yên đâu, anh ta chợt đưa bàn tay hộ pháp của mình ra trước mặt cô, giọng gia chủ:

– Bắt tay với anh một cái làm quen coi nào!

Tiến thoái lưỡng nan, Bảo Nghiên đành miễn cưỡng đặt bàn tay nhỏ xíu của mình vào bàn tay như gấu của hắn, vừa đưa mắt sang mẹ. Thấy bà đang nhìn mình nghiêm nghị, Bảo Nghiên hoảng hồn im thin thít để chịu đựng cái siết tay ngày càng chặt của Điền Cương.

Khá lâu sau, anh ta cũng không chịu buông tay cô. Bảo Nghiên len lén rít giọng nhỏ xíu chỉ vừa đủ mình Điền Cương nghe.

– Ông có chịu buông tay ra không thì bảo!

Chẳng những không nới lỏng tay mà Điền Cương siết chặt hơn cách thách thức, khiến Bảo Nghiên chỉ biết nghiến răng rủa thầm bằng những ngôn từ nào xấu xa ghê gớm nhất, song cũng chỉ một mình cô nghe bởi cô đâu dám la lớn lên cho mọi người cùng nghe và nếu bà ngoại không lên tiếng thì có lẽ cô còn chưa chị bỏ qua.

– Chúng ta ra nhập tiệc cùng khách thôi!

Lựa lúc anh ta sơ hở, Bảo Nghiên vùng mạnh một cái. Thoát được Điền Cương, cô bỏ đi một mạch, thở phào nhẹ nhõm.

Song người xưa có câu:

“Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” thật quả không sai, Nam Kha như đã chờ sẵn cô ở đó tự bao giờ, nên vừa nhìn thấy cô, anh đã thốt lên cách mừng rỡ:

– Cô bé đây rồi! Nãy giờ tôi đi tìm em.

Bảo Nghiên trợn mắt ngạc nhiên:

– Chi vậy?

Nam Kha tỉnh tỉnh:

– Đương nhiên là để nói chuyện rồi! Làm khó tôi chi vậy Bảo Nghiên?

Bảo Nghiên giật mình kêu lên:

– Ai nói cho anh biết tên tôi?

Nam Kha tủm tỉm:

– Chuyện này không thể tiết lộ được. Giờ ta làm bạn được chưa?

Bảo Nghiên chợt nhìn thấy Điền Cương đang đi về phía hai người. Thật nhanh, cô quay lưng đi thẳng trước ánh mắt ngỡ ngàng khó hiểu của Nam Kha ...

Ở đây Bảo Nghiên không có lấy một người bạn, nên tuy buổi tiệc khá tưng bừng náo nhiệt vậy mà Bảo Nghiên thấy mình cô đơn lạc lõng giữa bao người.

Buồn buồn, cô thả bước lên sân thượng ngắm sao trời.

Đứng trên cao nhìn xuống khu vườn trong tranh tối tranh sáng, Bảo Nghiên bỗng nghe lòng nao nao khi chợt nhớ đến các bạn. Có lẽ giờ này chúng nó đang nô đùa trên mặt biển về đêm, hay rủ rê đi ăn uống vui vẻ bên nhau ở một nơi nào đó dọc bờ biển hổng chừng. Vậy mà cô thì chỉ một mình, cô độc đứng đây như tượng gỗ buồn chết được.

Bỗng cô nhìn thấy dưới khu vườn ánh sáng chập chờn khi mờ khi tỏ ai như Điền Cương đang cặp kè với một cô gái đi về phía chiếc xích đu, hai người cùng ngồi xuống rồi ôm hôn nhau thắm thiết. Nghe xấu hổ, Bảo Nghiên nhắm khít đôi mắt lại mà vẫn còn cái cảm giác nóng bừng cứ rân rân lan dần khắp châu thân không thể dứt ...

Vừa quay vội vào trong, Bảo Nghiên vừa lầm bầm rủa xả. Đồ dê xồm lăng nhăng chết tiệt!

Rồi buổi tiệc cũng tàn và cũng không ai còn nhớ đến Bảo Nghiên, nên cô được yên thân chui vào phòng đánh một giấc dài cho đến sáng.

Bảo Nghiên thức dậy lúc mọi người còn yên giấc, cô rón rén xuống lầu đi thẳng ra vườn tập vài động tác thể dục buổi sáng cho khỏe hẳn theo thói quen.

Bỗng một vật gì đó rơi đúng vào người, khiến cô giật mình tìm dáo dác. Không thấy được gì, cô chợt nghĩ có lẽ cây khô hay trái non trên cành rụng xuống vô tình trúng nhầm mình.

Thế là mất cả hứng thú, Bảo Nghiên thả người xuống chiếc xích đu gần đó đong đưa đôi chân thư giãn. Vô tình cô nhìn thấy viên giấy được ai đó vo tròn đang nằm ngay dưới đất. Giờ cô mới vỡ lẽ và biết chắc là mình bị ai đó trêu ghẹo, mà trong nhà này thì còn ai ngoài cái gã đáng ghét Điền Cương chứ. Bởi chẳng lẽ dì Liên hay bà ngoại đi chọc ghẹo cô.

Cũng không để cô chờ lâu, tiếng xào xạc đạp trên lá khô càng lúc một lớn dần, biết chắc là Điền Cương, Bảo Nghiên xụ mặt càu nhàu:

– Đã không ưa mà cứ theo bám hoài!

Điền Cương bước đến đứng ngay trước mặt cô, hai tay thọc trong hai túi quần, nghiêng đầu tỉnh tỉnh:

– Sao vậy, không tập thể dục nữa à?

Không thèm trả lời, Bảo Nghiên nguýt anh ta bén ngó. Im lìm một lúc, Điền Cương nói:

– Có người gởi lời hỏi thăm cô đó.

Đang bực tức, Bảo Nghiên mắng đùa:

– Ai mà vô duyên vậy, tôi có bệnh hoạn gì mà bày đặt hỏi thăm.

Điền Cương nhếch môi lơ lửng:

– Nó không vô duyên như cô nghĩ đâu. Song chắc nó bị chạm một dây nào đó trong não nên mới dây vào cô.

Biết anh ta xỏ xiên mình, Bảo Nghiên cũng đốp lại giọng gây gổ:

– Sáng sớm ông ra đây ngăn cản không cho tôi tập thể dục để nói những chuyện vớ vẩn, điên khùng này đây, có phải không?

Điền Cương tỉnh rụi:

– Đúng là người ngay hay bị mắc cạn, làm ơn giùm còn bị mắng. Nếu biết trước tôi đã im luôn.

Sẵn tức tối, Bảo Nghiên gây gổ:

– Tôi đã chọc ghẹo gì ông, mà ông theo tôi kiếm chuyện hoài vậy?

– Tôi đã làm gì cô đâu?

– Đừng vờ ngây thơ, mắc gì ông chọi tôi.

– Cô có tận mắt thấy tôi chọi không?

Bảo Nghiên đuối lý cắn chặt môi. Vậy mà anh ta còn nghiêng đầu nhìn vào mặt cô cách trêu chọc, rồi đưa tay xe xe mấy cọng râu trên mép như muốn chọc cô tức thêm. Chịu hết nổi, Bảo Nghiên đứng bật lên định đi vào nhà, bỗng nhiên Điền Cương chụp tay cô kéo mạnh một cái làm cô té ngồi xuống muốn bể “bàn tọa”. Bị đau khiến cô cáu hét lớn:

– Ông làm giống gì kỳ cục vậy, muốn gì mà sáng sớm ông đã kiếm chuyện gây gổ với tôi?

Điền Cương nghiêm nghị:

– Tôi chỉ muốn nói chuyện với cô một chút.

Bảo Nghiên nghiêm ngược:

– Ông muốn nhưng tôi thì không.

Điền Cương chỉ đứng im nhìn cô gái không nói. Lúc này ông ta nhìn cô thật dữ khiến cô quay chỗ khác.

Thật lâu sau, Điền Cương mới nói:

– Ngoại và mẹ tôi đã từng ca ngợi cô không tiếc lời, còn muốn tôi làm bạn với cô nữa. Nhưng vừa mới gặp cô, tôi đã thất vọng ngay ... - Anh ta chợt ngưng lại một chút mới nói tiếp cách khinh khỉnh - Ngặt một nỗi, tôi lại không muốn làm cả hai phật lòng vì đó là những người tôi yêu quý nhất, kể cả dì Mai.

Nói đến đây, anh liếc qua thấy cô trề dài môi. Song anh bỏ qua cử chỉ mà anh cho là trẻ con mới làm vậy, nói tiếp:

– Nên tôi muốn tìm hiểu đôi chút về cô, chớ tôi cũng chẳng hứng thú gì mà đeo theo làm quen một đứa con nít lại vừa bướng bỉnh cứng đầu như vầy làm gì cho thêm rối rắm.

Bảo Nghiên ngẩng phắt lên nhìn anh thật sắc, môi cong lên trả đũa:

– Tại ông nói trước nên tôi mới nói. Thật ra, lần đầu tiên gặp ông, tôi đã chẳng cảm tình rồi, đừng nói chi chuyện làm quen hay là bạn. Còn ông chê tôi con nít cũng phải thôi, vì trong mắt tôi, ông cũng đã già “chát” còn gì.

Không còn kềm được, Điền Cương bật cười khùng khục trong cổ họng, khá lâu sau anh mới dừng lại được, nói tỉnh:

– Cho nên dù cô có nói năng hơi phạm thượng một chút, tôi cũng không chấp nhặt đâu.

Bị chê là con nít, Bảo Nghiên tức giận ghê lắm, song cũng không làm gì được. Lát sau, Điền Cương lại nói:

– Nghe nói vài tuần nữa cô lên đây ở dài hạn để học hành gì đó. Đúng không? Cho nên mẹ tôi đã đặt sửa chữa lại căn phòng tầng lầu trên cho cô. Còn lắp đặt thêm vài loại máy móc thiết bị hiện đại để cô sử dụng được thoải mái nữa kìa.

Bảo Nghiên giật mình kinh ngạc bởi cô đâu nghe mẹ nói gì về chuyện này, nên vô tình bật hỏi:

– Sao ông biết?

Điền Cương cười nửa miệng:

– Chuyện cỏn con vậy mà không biết, thì Điền Cương này còn hiện diện trên trái đất này để làm gì nhỉ?

Bảo Nghiên trề môi phán:

– Tự phụ!

Giọng Điền Cương cất cao ngạo nghễ:

– Còn nhiều điều rất hay về tôi mà cô bé chưa biết đâu, nhóc ạ.

Bảo Nghiên nghiến răng trả đũa:

– Biết làm gì chuyện người dưng cho mệt xác, tôi nghĩ chắc cũng chẳng có gì hay ho.

Điền Cương nói tỉnh rụi:

– Đừng vội vàng hấp tấp nhìn người qua khe cửa mà sau này phải khóc rống lên vì hối hận.

Bảo Nghiên khịt mũi:

– Hối hận vì không sớm cầu cạnh làm thân với ông chớ gì?

Điền Cương lấp lửng:

– Cũng có thể lắm chớ! Trên đời này chuyện gì mà không thể xảy ra ... - Ngừng lại một chút, anh nói tiếp – Cũng như hiện giờ tôi với cô đâu có ưa gì nhau. Đúng không? Nhưng biết đâu sau này cô lại yêu tôi đến mụ mị cả con tim, thì quả là khổ thân cho tôi quá.

Bảo Nghiên quắc mắt nạt đùa:

– Ông ví dụ cà chớn vừa thôi nghen! Mặt tôi vầy mà đi yêu ông già hả. Mơ đi!

Điền Cương vẫn tỉnh tuồng đùa cợt:

– Chắc không?

Bảo Nghiên nguẩy đầu cách tức giận. Một lúc sau, bỗng Điền Cương đề nghị:

– Cô có dám đánh cược với tôi không?

Bảo Nghiên chưng hửng:

– Đánh cuộc chuyện gì?

– Là chắc chắn sau này cô sẽ yêu tôi trối chết.

Bảo Nghiên muốn nhảy dựng lên:

– Đồ vô duyên, mất nết, chuyện vậy mà cũng nói ra được! Nhưng mà ông cũng ráng chờ đi, chừng nào ông ngáp ngáp trên giường sắp sửa đoàn tụ ông bà, hổng chừng lúc đó tôi cũng không tiếc gì mà không ban bố cho ông một ân huệ sau cùng.

Điền Cương bật cười rung cả bờ vai, vừa bước đi vừa nói:

– Chờ đi cô nhóc! Tôi sẽ khiến cô yêu tôi mù mịt, mà còn phải khổ sở vì tôi nữa đấy.

Bảo Nghiên tức giận hét lên:

– Tôi có thù oán gì với ông vậy chớ hả?

Trên bộ ghế salon được đặt giữa phòng khách có đầy đủ tất cả mọi người.

Bà ngoại cất giọng hiền hòa chậm rãi:

– Sao hả, đã gần một tuần nay, hai đứa có trở nên thân thiết với nhau không?

Điền Cương nhún vai vờ than thở:

– Cô bé hơi khó tính không chịu làm thân với con, nên con đành bó tay thôi nội à.

Bảo Nghiên tức anh ách cũng không dám hé môi. Sau lưng mọi người, anh ta mọc nanh thành sói, vậy mà giờ đây lại vờ vịt hiền lành như chú thỏ con. Đã vậy mà mẹ còn nhìn cô với ánh mắt nghiêm nghị vẻ phật lòng nữa chớ. Bà ngoại cất tiếng cười bao dung nói tiếp:

– Ngoại nghĩ nguyên nhân không chỉ ở con bé, bởi con gái mới lớn lại sống trong gia đình nề nếp ai mà không e lệ, nghẹn ngùng trước một đứa con trai như con chớ. Trong khi con là người đàn ông đúng nghĩa thì phải biết ga lăng, tế nhị, nếu không thuyết phục được con bé là tại con quá dở còn trách ai được.

Mang tiếng du học nước ngoài về mà tệ vậy à?

Điền Cương dấu nụ cười nheo mắt với Bảo Nghiên cách trêu chọc, miệng tiếp tục than vãn:

– Đành rằng con đi đây đó nhiều nơi, nhưng là đi học hỏi kiến thức, mở mang trí óc kinh nghiệm làm ăn kinh tế, chớ đâu có ăn chơi lêu lổng, bồ bịch lăng nhăng mà kinh nghiệm về chuyện đó hả ngoại. Phen này chắc ngoại phải truyền lại cho con ít bí quyết mới thành công được.

Bà Tính tưởng thật giật nảy mình khiến mọi người được một phen cười rộ.

Bà mắng yêu:

– Tổ cha thằng bây! Ngoại già từng tuổi này rồi, ba cái chuyện yêu đương cũng đã lùi xa vào dĩ vãng. Hơn nữa, thời đó làm gì có chuyện quen biết hay yêu đương trước khi cưới xin đâu mà có bí quyết, bí đường, cái thằng hết chỗ ghẹo ngoại rồi hả con?

Nói vậy chớ ánh mắt bà nhìn thằng cháu trai cách cảm thông trìu mến, rồi lại hỏi:

– Ngoại có thể giúp gì được cho con đâu?

Điền Cương ranh mãnh kề tai bà. Không biết hắn nói gì mà Bảo Nghiên thấy bà ngoại gật đầu lia lịa.

Giờ thì mẹ mới lên tiếng rầy cô, tuy nghe rất nhẹ nhàng nhưng ánh mắt nhìn cô rất ư là nghiêm khắc:

– Anh Điền Cương có lòng muốn làm bạn với con, sao con không nhận hả Bảo Nghiên? Con làm vậy không sợ ngoại và dì Liên buồn sao?

Bảo Nghiên cúi đầu tránh ánh nhìn khó đăm đăm của mẹ, song môi mím chặt rủa thầm Điền Cương không có tàu xe nào chở hết. Không hiểu tại sao mẹ lại quý mến anh ta được, một cũng anh Điền Cương, hai cũng anh Điền Cương, trong mẹ cô đâu phải người hờ hợt không biết nhìn người.

Tiếng dì Liên lại cất lên can gián:

– Bảo Mai cũng đừng ép con bé quá tội nghiệp. Cứ để nó tự nhiên thoải mái đi, đến một lúc nào đó, nếu nó cảm nhận được Điền Cương là một người đàn ông chân chính đúng nghĩa, thì chúng nó sẽ tự khắc đến với nhau thôi.

Bảo Nghiên giấu cái trề môi dài cả thước nghĩ thầm:

Điền Cương mà là một người đàn ông tốt thật sự như lời dì Liên nói thì chắc heo nái cũng biết leo cây.

Bà Mai lại phàn nàn:

– Liên cứ dễ dãi với nó như vậy, rồi tới đây mình gởi nó lên đây ở trọ, bạn sẽ không chịu nổi tính nết bốc đồng của nó đâu.

Bảo Nghiên giật mình, bởi giờ nghe mẹ nhắc đến chuyện này, cô mới sực nhớ. Cô lại rất sợ phải gặp mặt gã Điền Cương một ngày, bởi cô ghét gã thấu xương thì tránh đi đâu cho khỏi gặp khi ở chung nhà. Nhưng làm cách nào để mẹ thay đổi ý định thì cô chưa thể nghĩ ra. Chán thật, sao số cô lại khổ thế này!

Tiếng bà Liên lại cất lên:

– Mai tính chừng nào đưa con bé lên trên này?

– Khoảng hai tuần nữa.

Bà Liên có vẻ rất vui:

– Vậy bao giờ bạn trở về?

– Ngày mai, mình đưa con bé cùng về để chuẩn bị các thứ. Rồi hai tuần sau, mình lại đưa nó trở lên.

Bà ngoại nghe vậy cũng rất vui xen lời:

– Vậy cũng được! Tới chừng đó ngoại bảo thằng Điền Cương ra bến xe đón hai mẹ con cháu. Vậy là sắp tới đây nhà này sẽ không còn buồn tẻ nữa rồi và chúng nó cũng còn có cơ hội để thân mật gần gũi nhau hơn.

Bảo Nghiên thắc mắc hoài không hiểu bà ngoại cứ muốn cô và Điền Cương thân nhau làm gì, trong khi ngược lại cô ghét cay ghét đắng hắn không bút mực nào tả nổi.

Lúc này mọi người đang vui vẻ trong lòng thì Bảo Nghiên lại rầu thúi ruột.

Còn Điền Cương, không biết hắn đang nghĩ gì mà im lìm như pho tượng. Tuy nhiên ánh nhìn của anh ta lúc nào cũng như châm chít với nụ cười nhếch môi vẻ coi thường. khinh khỉnh.

Rồi hai tuần lễ cũng qua mau. Với Bảo Nghiên lúc này thời gian qua nhanh như tên bắn, cái ngày cô lo rầu sợ sệt cũng đến. Sáng nay, mẹ cô lại khăn gói lên đường, mà ra đi lần này cô nghe bịn rịn như không muốn rời chân và không biết bao giờ cô mới được quay trở lại thăm nhà. Vì từ nhỏ đến giờ cô cứ dính mãi bên mẹ chớ đâu có khi nào đi đâu xa nhà lâu như vầy đâu, thử hỏi sao cô không buồn lo cho được.

Càng nghĩ, Bảo Nghiên lại nghe tủi thân ghê gớm, nước mắt chợt trào ra lặng lẽ. Cô ra đi chỉ có mấy nhỏ bạn thân đưa tiễn, tụi nó hứa sẽ gặp lại nhau ở thành phố. Lời chắc như đinh đóng cột, vậy mà không hiểu sao cô vẫn nghe lạc lõng bơ vơ làm sao ấy, như vừa mới đánh mất một báu vật vô giá, một cảm giác ngậm ngùi buốt rát nơi tim.

Xe chạy được một đỗi, chợt thấy con gái khóc ngon lành, bà Mai ngạc nhiên hỏi:

– Sao con lại khóc? Chỉ là đi học thôi mà! Hơn nữa, gia đình dì Liên với chúng ta đâu có xa lạ gì. Mẹ hứa lên thăm con mỗi tháng một lần, được chưa?

Lúc này như không kiềm được nữa, Bảo Nghiên ngã hẳn vào lòng mẹ, vừa khóc rưng rức vừa bệu bạo:

– Nhưng đến một tháng dài như vậy không gặp mặt, con nhớ mẹ ghê lắm ...

Vỗ nhè nhẹ lên đầu cô, bà vừa an ủi:

– Đừng nhõng nhẻo quá như vậy, tập làm người lớn cho quen đi chứ! Rồi lúc đó con sẽ thấy mọi chuyện không có gì ghê gớm như con nghĩ đâu.

Bảo Nghiên đã thôi khóc nhưng lắc đầu nguầy nguậy, nói cách ngập ngừng:

– Nhưng ... mẹ không biết đâu, ở nhà dì Liên ... con thấy lo ghê lắm.

Bà Mai lấy hơi làm lạ:

– Con lo chuyện gì?

Bảo Nghiên cắn nhẹ môi. Chẳng lẽ nói thẳng với mẹ là cô sợ và ghét hắn, trong khi mẹ lại rất quý trọng hắn, giống như một fan hâm mộ thần tượng của mình. Nghĩ vậy nên Bảo Nghiên chối quanh:

– Con sợ ma, vì nhà dì Liên rộng lớn lại ít người.

Bà Mai cố nén cười mắng át:

– Đừng có nói bậy, làm gì có ma cỏ ở đó! Dì Liên mà nghe được, dì sẽ buồn.

Lớn rồi mà còn tin ba chuyện nhảm nhí đó. Hãy tập làm người lớn một chút đi.

Nhất là với anh Điền Cương, nên cư xử cho dịu dàng nhỏ nhẹ cho ra con nhà gia giáo, nghe chưa?

Bảo Nghiên chùng lại. Gương mặt bất mãn, tại sao cô phải nhún nhường cầu cạnh anh ta, trong khi cô đường đường cũng là một Bảo Nghiên ngang tàn bướng bỉnh chẳng sợ chi ai. Nhưng phản đối mẹ lúc này cầm bằng bị giũa te tua là cái chắc, cô bèn gật đại cho qua rồi tới đâu tính tới đó.

Mãi suy nghĩ lan man rồi xe cũng đã đến nơi. Vừa xuống xe, cô đã thấy hắn từ đàng xa đi lại cách tươi vui hồ hởi:

– Dì Mai! Con đến rước hai người nè.

Mẹ cô tươi ngay nét mặt:

– Dì thật áy náy khi đã làm phiền tới con.

Hắn dẻo miệng nói:

– Dì đừng khách sáo quá, đều là người một nhà cả mà.

Nghe giọng điệu giả dối của hắn, Bảo Nghiên ghét cay ghét đắng phải quay mặt chỗ khác để khỏi phải nhìn thấy cảnh gay mắt lúc này.

Vậy mà hắn còn quay qua cô, xởi lởi:

– Đưa hành lý đây tôi xách cho!

Bảo Nghiên giật mạnh tay quay lưng đi một mạch, nên cô đâu nhìn thấy cái nhíu mày khó chịu của mẹ. Song nếu cô có thấy chắc cô cũng bất chấp. Điền Cương phớt lờ thản nhiên nói:

– Mình về nhà đi dì!

Bà Mai quay qua anh cách áy náy:

– Con bé tính tình còn con nít quá, mong cháu đừng để bụng. Dì cũng rầy la hoài mà vẫn chứng nào tật nấy. - Ngưng một chút bà nói thêm - Lên trên này lạ chỗ lạ người, mà con bé tính khí lại gàn gàn như vậy, nó khiến dì lo lắng hết sức. Thôi thì trăm sự cũng nhờ cháu chừng đỗi giùm em nó, hoặc nó có sai sót điều gì mang cháu bỏ qua cho.

Điền Cương mỉm cười cách bao dung:

– Dì cứ yên tâm, cháu sẽ cố gắng trông nom cô bé giùm dì!

Nghe Điền Cương nói vậy, bà Mai cảm thấy yên lòng. Đã mười mấy năm rồi, bà mới có dịp gặp lại thằng bé. Giờ đây nó đã trở thành người đàn ông thật thụ, chớ không còn là đứa trẻ của ngày nào lấc cấc phá phách một lần đến nhà bà chơi. Nó giống hệt anh Viễn Bằng chồng của Hồng Liên thời trai trẻ, cũng cái dáng phong trần ngang tàng nhưng cương nghị, nét đàn ông cứng cỏi tạo cho người đối diện cảm giác yên tâm tin tưởng khi muốn phó thác một điều gì.

Nhưng con gái bà xem ra còn dại khờ, non nớt quá, dường như nó có vẻ không ưa Điền Cương nữa đằng khác. Nghĩ đến đây, bà chợt thở hắt ra khá mạnh.