Sơ lược nội dung:

N ăm 1291, Acre. Khi đô thành này bốc cháy trong cuộc tấn công dữ dội của quân Thổ Nhĩ Kỳ, con thuyền Falcon Temple đã nhổ neo, mang theo một toán hiệp sĩ và một chiếc hòm nhỏ được Đại Thủ lĩnh của dòn Đền Thánh tin cẩn giao cho họ. Kể từ đó, con thuyền biến mất không để lại một dấu vết…

Hiện tại, New York. Tại Bảo tàng Thành phố, bốn kỵ sĩ ăn mặc như những Hiệp sĩ Đền Thánh xông vào giữa buổi khai mạc triển lãm các bảo vật của Vatican và, trong một cuộc tấn công đẫm máu, chúng cướp đi chiếc máy giải mã bí ẩn thời Trung cổ…

Với đặc vụ FBI Sean Reilly và nữ khảo cổ gia Tess Chaykin, đây chỉ là màn khởi đầu của trò chơi mèo vờn chuột nguy hiểm chết người khi họ tham gia vào cuộc đua vượt qua ba châu lục, cố gắng đi trước kẻ giết người máu lạnh một bước để truy tìm ra bí ẩn đã bị chôn vùi hàng chục thế kỷ…

Những đánh giá về cuốn sách:

- “Nếu bạn thích Mật mã Da Vinci, bạn sẽ say mê Nhật kí bí mật của chúa. Nếu bạn ghét Mật mã Da Vinci, bạn sẽ vẫn say mê Nhật Kí bí mật của Chúa”

- Lire Magazine

- “Câu chuyện cổ kính, bí ẩn, được kết hợp nhuần nhị với tri thúc khoa học mới nhất trong cuốn tiểu thuyết trinh thám mang đậm phong cách điện ảnh này. Nhịp điệu gấp gáp, đối thoại sắc bén, nhân vật sống động chân thực”

– Glasgow Evening Times

- “… Ly cocktail tuyệt hảo, hoà trộn giữa chất trinh thám, sự lãng mạn cùng những nghiên cứu tôn giáo lịch sử…”

– Politiken

- “Khó tránh khỏi bị so sánh với Dan Brown, nhưng, thực sự, Khoury là nhà văn “cao tay” hơn nhiều. Trên hết, cuốn sách là cả một chuyến du lượn trên chiếc Rollercoaster căng thẳng, kích động và phấn khích”

– The Lrish Mail on Sunday

- “Các fan hâm mộ Mật mã Da Vinci của Dan Brown đang lùng kiếm một tiểu thuyết trinh thám lịch sử tuyệt vời nữa sẽ không cần phải tìm đâu xa hơn, đã có tuyệt phẩm mới xuất bản của Raymond Khoury… Cuốn tiểu thuyết ly kỳ có nhịp điệu nhanh đến chóng mặt, mỗi trang đều như sẵn sàng một bước ngoặt khiến người đọc phải nín thở sững sờ”

– Allen Barnes & Noble Editor’s Review

- “Kế tiếp Mật mã Da Vinci sẽ là gì đây? Để thoả mãn bạn với những tác phẩm trinh thám lịch sử cho tới khi cuốn tiểu thuyết kế tiếp của Dan Brown ra đời, hãy đọc Nhật kí bí mật của Chúa của Raymond Khoury!”

– Glamour Magazine.

Đôi nét về tác giả Raymond Khoury:

Raymond Khoury là người gốc Li băng, theo gia đình chuyển sang sinh sống tại New York, Hoa Kỳ, từ năm 1975. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông trở về Li băng sinh sống. Ông từng theo học ngành kiến trúc tại Đại học Hoa Kỳ ở Beirut (Li băng). Tháng Hai năm 1984, chiến sự xảy ra ở Li băng, ông lại quay trở về Mỹ. Sau một thời gian làm kiến trúc sư ở Mỹ, ông sang Pháp và giành được học bổng MBA của Học viện Quản trị Kinh doanh châu Âu. Sau khi tốt nghiệp ông sang Luân Đôn và làm trong ngành ngân hàng.

Raymond Khoury bắt đầu chính thức đến với nghiệp viết lách từ năm 1996, khi ông bắt tay viết kịch bản phim chuyển thể từ tiểu thuyết The Maid of Buttermere của Melvyn Bragg. Khoury cũng viết kịch bản cho show truyền hình Spooks của BBC.

Cuốn tiểu thuyết đầu tay Nhật ký bí mật của Chúa (The Last Templar) được hình thành dựa trên kịch bản cùng tên Nhật ký bí mật của Chúa. Tiểu thuyết này được phát hành đầu tiên ở Anh năm 2005, rồi nhanh chóng trở thành New York Times bestseller suốt 11 tuần liên tiếp và bestseller trên thị trường thế giới. Hiện nó đã được dịch sang 38 thứ tiếng và xuất bản tại hơn 40 quốc gia.

Huyền thoại này về Chúa Kitô

đã phụng sự chúng ta rất đắc lực.

- Giáo Hoàng Leo X, thế kỷ mười sáu

Giới thiệu

…Vance thở dài. “Tôi biết, đổ tất cả những cuộc xung đột trong lịch sử của chúng ta cho chính trị và lòng tham của con người là điều rất dễ dàng,” hắn nói, “và lẽ dĩ nhiên chúng cũng có vai trò trong đó thật… nhưng sâu xa mà nói, tôn giáo luôn luôn là thứ nhiên liệu giữ cho lò lửa không khoan dung và thù hận bùng cháy. Và điều này kìm hãm không cho chúng ta vươn đến những điều tốt đẹp hơn, nhưng chủ yếu là, ngăn không cho chúng ta chấp nhận và đối mặt với sự thật về bản thân con người chúng ta, ngăn không cho chúng ta nắm lấy mọi điều mà khoa học đã và vẫn tiếp tục dạy cho chúng ta, ngăn không cho chúng ta dấn thân tự chịu trách nhiệm về những hành động của bản thân. Hàng ngàn năm trước, con người thời bộ lạc sơ khai luôn sợ hãi, họ cần đến tôn giáo để cố hiểu được những bí ẩn của cuộc sống và cái chết, để chấp nhận và đối mặt với sự thất thường của bệnh tật, thời tiết, những vụ mùa bấp bênh và thiên tai. Chúng ta không cần cái đó nữa. Chúng ta có thể đặt một chiếc xe điều khiển từ xa lên sao Hỏa. Chúng ta có thể tạo ra sự sống trong ống nghiệm. Và chúng ta còn làm được nhiều điều kỳ diệu hơn thế nữa. Đã đến lúc chúng ta thoát ra khỏi những thứ mê tín dị đoan cổ hủ và đối diện với con người thực sự của chúng, và chấp nhận rằng chúng ta đã trở thành cái mà con người của thời cách đây vài trăm năm từng xem là Thượng đế. Chúng ta cần nắm lấy những gì có thể và không nên trông cậy vào cái sức mạnh bí ẩn nào đó từ trên trời rơi xuống để xếp đặt mọi chuyện đâu vào đó cho chúng ta.”

“Cái quan điểm mà anh nhắc tới quả là hết sức thiển cận, phải vậy không?” Reilly giận dữ vặc lại, “Còn tất cả những điều tốt đẹp mà tôn giáo làm được thì sao? Những quy tắc đạo đức, các khuôn khổ luân thường đạo lý mà tôn giáo xây dựng lên thì sao? Nguồn an ủi mà tôn giáo mang lại, đó là chưa nói đến những công việc từ thiện như phân phát thức ăn cho người nghèo và chăm lo cho người kém may mắn. Lòng tin vào Chúa là tất cả những gì mà rất nhiều người ngoài kia có, và hàng triệu người dựa vào tôn giáo để có được sức mạnh, giúp họ vượt qua những ngày tháng khó khăn. Nhưng anh không nhìn thấy bất kỳ điều gì trong những điều tốt đẹp đó, đúng vậy không nào? Anh chỉ bị ám ảnh bởi một sự kiện bi kịch, cái sự kiện đã hủy hoại cuộc sống của chính anh, cái sự kiện đã bóp méo quan điểm của anh về thế giới và tất cả những gì tốt đẹp trong đó.”

Vẻ mặt của Vance trở nên xa vắng và ma quái. “Tất cả những gì tôi nhìn thấy là nỗi đau đớn và sự chịu đựng không cần thiết mà nó gây ra, không phải chỉ với cá nhân tôi, mà với hàng triệu con người trong bao thế kỷ qua.” Sau một lúc, ánh mắt đăm đăm của Vance lại dừng lại ở Reilly, và giọng hắn đanh lại. “Đạo Cơ đốc đã phục vụ một mục tiêu vĩ đạo khi bắt đầu hình thành. Nó đã cho con người niềm hy vọng, đã mang lại hệ thống hỗ trợ xã hội, đã giúp hạ bệ sự bạo ngược chuyên chế. Nó cũng đáp ứng những nhu cầu của cộng đồng. Nhưng ngày nay cái tôn giáo đó phục vụ cho những nhu cầu nào, ngoài việc ngăn cản nghiên cứu y học và biện minh cho các cuộc chiến tranh? Chúng ta cười nhạo khi nhìn vào những thứ Thượng đế ngớ ngẩn mà người Inca hoặc người Ai Cập thờ phụng. Liệu chúng ta có khá hơn chút nào không? Một ngàn năm nữa, người ta sẽ nghĩ gì khi nhìn lại chúng ta? Phải chăng chúng ta cũng sẽ là đối tượng của sự nhạo báng ấy? Chúng ta vẫn đang nhảy múa theo giai điệu được tạo ra bởi những người nghĩ rằng sấm chớp là dấu hiệu giận dữ của Thượng đế. Và điều đó,” giọng Vance sôi lên, “tất cả mọi thứ đó cần phải thay đổi”.

***

Hãy nhìn vào sự lo âu xung quanh anh, nỗi giận dữ, lòng tham, sự mục nát tiêm nhiễm cả thế giới, từ trên xuống dưới. Hãy nhìn vào cái khoảng trống luân lý, sự khao khát tâm linh, sự thiếu vắng những chuẩn mực. Càng ngày thế giới càng trở nên yếm thế, thụ động và đáng thất vọng hơn. Con người trở nên thờ ơ, thiếu lòng trắc ẩn, và ích kỷ hơn bao giờ hết. Chúng ta cướp bóc và giết chóc lẫn nhau ở một quy mô chưa từng có. Những vụ nhũng lạm tập thể lên đến hàng tỷ đôla. Những cuộc chiến được phát động chẳng cần lý do nào, hàng triệu sinh mạng bị tàn sát trong những cuộc diệt chủng. Khoa học có thể cho phép chúng ta thoát khỏi các loại bệnh tật như bệnh đậu mùa, nhưng khoa học cũng buộc chúng ta trả giá nhiều hơn bằng cách hủy hoại hành tinh của chúng ta và biến chúng ta thành những sinh vật nóng nảy, cô đơn và hung bạo. Những người may mắn trong chúng ta có thể sống thọ hơn, nhưng phải chăng cuộc sống của chúng ta được thỏa mãn hay an bình hơn? Phải chăng thế giới thực sự văn minh hơn so với hai ngàn năm trước?

***

Tess nhìn chăm vào mắt Reilly. Cả hai đều cảm thấy sôi sục trong lòng, nhưng họ vẫn cố tỏ ra bình thản. “Vâng. Và em cũng biết là em vẫn muốn con gái mình được lớn lên trong một thế giới mà mọi người không bị lừa gạt bởi bất kỳ trò dối trá nào trong lịch sử, cái thế giới mà người ta tự do tin tưởng vào bất kỳ điều gì họ chọn để tin, căn cứ vào sự thật chứ không phải vào…”

Đó là những dòng đối thoại được trích dẫn từ cuốn sách này và cũng là chủ đề của cuốn sách, một chủ đề bao giờ cũng rất thời sự và nóng bỏng. Lồng vào chủ đề này là một câu chuyện tình có hậu và một câu chuyện hình sự với sự có mặt của FBI, CIA, Tòa Thánh Vatican… và của một vị giáo sư đại học đã trở thành Hiệp sĩ Thế kỷ hai mốt.