Ngày....Người đàn bà của bố đẹp hơn mẹ tôi. Tình cờ, tôi đọc được email trong máy tính của bố:Hôm qua, em bảo họ chở bộ giàn trả lại cửa hàng. Anh đừng cầu kỳ thế, cái máy SONY của em vẫn chạy tốt.Mà em vốn chỉ thích nghe nhạc nhỏ thôi, những lúc về đêm. Tahomatic hay nhạc Trịnh. Cái man mác, cái réo rắt thấu lòng của giai điệu và ca từ cho em thấy cuộc đời này dẫu buồn nhưng sâu lắng, thấm thía kỳ lạ. Em không thể nào chịu nổi giọng gào khan hay mềm oặt của vài ca sĩ trẻ.... Những bông hoa của anh em vẫn để nguyên cả bó. Màu nồng nàn của hồng đỏ và đằm thắm của mimôda cho em một cảm giác hạnh phúc tột cùng. Nếu cắm chúng vào bình, sẽ chẳng khác gì những đoá hoa vẫn mua hàng ngày. Hai hôm rồi mà hoa vẫn tươi. Em định cứ để cho đến khô rồi giữ lại. Anh đừng cười em nhé, 30 rồi mà còn giống SV....Tôi khẽ rùng mình, vì một dòng điện sinh học chợt lướt nhẹ qua tim. Tháng trước, sinh nhật tôi, một người bạn trai vừa tặng 17 đoá hồng nhung đỏ thắm. Cho đến giờ tôi vẫn còn xao xác bởi hương sắc hồng khô.Không thể vì những xúc cảm dớ dẩn ấy mà làm khổ mẹ. Tôi lắc đầu tự bảo. Nhưng rồi chẳng hiểu sao, cái dịu dàng thăm thẳm của những tâm tình cùng gương mặt đẹp có hàng mi rợp và khuôn miệng rạng rỡ như trẻ thơ của người đàn bà ấy luôn hiển hiện, ngày càng đối ngược rõ rệt với những đường nét gẫy gọn và vẻ âu lo thường trực trên gương mặt sớm già của mẹ. Không chỉ là đau khổ, tôi bắt đầu cảm thấy bối rối, hoang mang.Tôi lặng lẽ thu mình, tránh xa cả ba người để loay hoay tìm một đáp số.Ngày....Bố trở về, mệt mỏi sau một chuyến công tác dài ngày. Mẹ lẳng lặng cất dọn đồ đạc, kín đáo để ý từng vết bẩn trên áo quần chưa kịp giặt, những số máy lạ trong mobile. "Chẳng làm thế nào được, khi mà bố con cố tình xa mẹ". Mẹ nghẹn giọng, ôm chồng gối đi vào phòng. Bố đã ngủ vùi trong đó suốt cả buổi chiều."Mẹ biết bố rất bận mà, hết dự án này lại dự án khác. Bố đi nhiều và mệt mỏi cũng là chuyện thường thôi".Tôi thường an ủi mẹ, dẫu trong lòng thấy buồn và u uất. "Con đừng bênh bố!" mẹ bắt đầu nặng giọng. "Con có biết gần hai năm qua mẹ sống như thế nào không? Còn ông ấy cứ quẩn quanh, dối trá. Mẹ sẽ ra sao nếu một ngày con đủ lông đủ cánh và bố sẽ bỏ mẹ mà đỉ".... Tôi ôm lấy đôi vai gầy của mẹ, áp mặt ngửi mùi dầu gội thanh nhã trên mái tóc đã rụng nhiều vì những trận sốt rét rừng nơi chiến trường Quảng Trị năm xưa. Mẹ này, mẹ kể lại chuyện bố mẹ tình cờ lạc rừng rồi "bị phải" yêu nhau đi! Mẹ cười, áng mây hạnh phúc vụt thoáng qua đáy mắt, rồi trở về nét héo hắt thường ngày:"Qúa khứ, dù có đẹp bao nhiêu cũng là cái đã qua rồi con ạ!....".Tôi luôn cố để không tin điều đó.Một tờ báo đã ố vàng năm tháng, in hình bố và mẹ trong buổi liên hoan văn nghệ của tiểu đoàn với lủng củng bát đũa, vung nồi làm dụng cụ âm nhạc. Cặp vỏ bầu khô hai người đựng nước dùng trong những ngày lạc rừng "lịch sử". Chiếc bật lửa, có khắc đôi chữ lồng tên.... Nhưng sao bố lại có vẻ nặng nề mỗi khi ngồi trước những kỷ niệm xưa? Gương mặt và ánh nhìn của bố những khi ấy mệt mỏi, rã rời như vừa qua một cơn chấn động ghê gớm.Ngày....Rồi cũng có lần tôi đối diện với người đàn bà ấy qua điện thoại.- "A lô, cho tôi hỏi đây có phải nhà anh Hoàng?". Một sắc giọng trẻ trung, trong êm đầy sức lay động, lan toả. Tôi bỗng như nghẹt thở....- "Phải ạ, cô cần gặp bố cháu thì gọi đến văn phòng hoặc vào máy di động". Tôi đáp, cảm thấy giọng mình hơi run sau giây lâu im lặng.- Cô gọi suốt mấy hôm nay mà không được, hình như bố cháu đi công tác, điện thoại "ngoài vùng". Nhân viên ở công ty cũng không nói rõ.... Sau phút đắn đo, cô ta tiếp tục, cố tỏ vẻ tự nhiên:Cháu có thấy bố gọi điện về nhà không?- Nhưng cô là ai, cần hỏi bố cháu có việc gì? Bắt đầu trấn tĩnh trở lại, tôi cười khiêu khích.- À, CÔ CHỈ MUỐN BIẾT BỐ CHÁU ĐI ĐÂU, BAO GIỜ về để cô gặp có chút việc.... Sự lúng túng làm khàn đi âm sắc trong trẻo của giọng nói.- Đừng nên quá quan tâm đến bố cháu như vậy, không tốt đâu! Cô phải biết là ông ấy quan trọng thế nào đối với mẹ con cháu chứ? Tôi gắt gỏng, đầy uất ức.- Nhưng cô.... giọng đầu dây bên kia nghẹn lại. Máy buông rơi để lại những tiếng "tút tút" rã rời.Tôi tức tối lao vào phòng bố, bật máy tính. Email đề ngày hôm qua:Em không thể nào chịu nổi cảm giác không biết anh đi đâu, đến bao giờ về? Anh tệ quá, vội gì thì cũng gọi cho em lấy một phút chứ! Em cảm giác mình như người bị bịt mắt, bịt tai. Giữa chúng ta không có một đường dây thông tin nào cả, thật đáng sợ! Em đang cố kìm chế để không gọi điện đến nhà....Người đàn bà kia không có con. Chồng em đang chạy toà để làm thủ tục đòi lại con bé. Em lo quá, nhưng nhất định không bao giờ em chịu rời xa nó. Cuộc đời này đã không thể có anh, lại mất nốt con thì chắc là không sống nổi. Mỗi đêm thức giấc, đối diện ngọn đèn, em cứ lịm người đi trong nỗi cô độc lặng thầm vây bủa. Nhưng rồi gương mặt ngây thơ đang say ngủ của con làm em dần hồi lại, dằn lòng tiếp tục nằm xuống để sang một ngày mai....Ngày...."Bố nhất định phải nói chuyện với con". Tôi bảo. Bố nhìn đồng hồ, rồi lại nhìn tôi. Vẻ căng thẳng, nét đau khổ, giận hờn trên gương mặt tôi lúc ấy khiến ông không thể né tránh, chối từ. Chúng tôi đang ở trong phòng làm việc của bố. Tôi liếc nhìn vào màn hình máy tính, bắt gặp chương trình email hôm trước chưa kịp thoát.Bố cố giữ vẻ cứng cỏi, điềm tĩnh thường ngày:- Bố biết con đã nói chuyện qua điện thoại với cô ấy....- Lại đọc trộm cả email và có lần nhìn thấy bố cùng người ta trong một cuộc triển lãm....Im lặng. Những sợi tóc bố đen ánh dưới ngọn đèn bàn. Tóc mẹ thì khô mỏng và nhạt màu hơn.- "Bố không muốn thanh minh hay bao biện gì". Bố bắt đầu sau tiếng thở dài kìm nén. Con cũng đã lớn rồi, nhưng để có thể hiểu sâu sắc mọi điều thì còn phải sống thêm nhiều nữa. Bố mẹ từng có những năm tháng cùng nhau chia sẻ đạn bom, sự sống và cái chết. Điều ấy đẹp đẽ, thiêng liêng và cao quý vô cùng. Nhưng tình yêu không hẳn là như thế, con có hiểu không?". Nét mặt bố bỗng trở nên âm thầm, khắc khổ vì những nếp nhăn mờ dường như chợt sâu hơn. Giọng nói cũng trầm hẳn. "Cô ấy tên Hoài, là con gái một người bạn lớn tuổi của bố, từng sống với nhau nhiều năm ở Mátxcơva. Dạo đó, đang học dở thì bác ấy bị bệnh đột ngột qua đời. Tài sản duy nhất còn lại là một chiếc đồng hồ Poljot dành dụm từ những đồng học bổng eo hẹp. Bác nhờ bố khi nào về nước tìm đến chuyển hộ cho vợ con mình ở nhà đang túng thiếu, và tha thiết mong mỏi rằng nếu có điều kiện hãy quan tâm giúp đỡ thêm cho họ. Khi trở về, bố có ý tìm kiếm, nhưng nghe bạn bè nói rằng mẹ con cô ấy đã chuyển về sống ở một tỉnh khác. Rồi thì bận bịu, gặp nhiều khó khăn, cứ lấn bấn mãi chẳng có khi nào rứt ra được. Lời hứa với người bạn thân chưa có dịp thực hiện....Cách đây ba năm, bố tình cờ gặp được Hoài trong một hội thảo khoa học, với vai trò trợ lý cho một đối tác ở phía cạnh tranh với công ty của bố, đã ly dị chồng và có một đứa con gái nhỏ.... Phút đón nhận bó hoa từ tay Hoài. Ký ức của cả chục năm trước chợt hiện về, với những kỷ niệm mộc mạc đầm ấm cùng người bạn thân nơi đất khách quê người.... Bố vội ôm choàng lấy Hoài trong một niềm xúc động, yêu thương lẫn ân hận khôn cùng. Lúc đó Hoài chưa hiểu gì cả, trước đám đông, cô ấy bối rối ngượng ngùng gỡ ra, chỉ còn lại bàn tay nhỏ nhắn, ấm áp trong tay bố nhất định không rời. Và lần đầu tiên trong đời, ở cái tuổi đã ngoài 40, bố nhận thấy trái tim mình đang vội vã những nhịp đập bất thường. Có lẽ, đó chính là định mệnh....Tôi nhếch môi, cười nhạt. Nghe nước mắt mặn chầm chậm vào từ khoé miệng. Bố nhìn tôi bằng cặp mắt sẫm màu, khổ sở:"Đừng thế, con. Bố sẽ chẳng bao giờ bỏ hai mẹ con đâu"..... - "Và bố cũng không bỏ cô ta chứ? Bố sẽ suốt đời sống hai lòng thế được sao?".Ngày....Trong email của bố:Anh biết có xin lỗi em cũng sẽ không bao giờ tha thứ. Anh yêu em thế nào, chắc em hiểu. Anh chẳng phải là kẻ hèn nhát, cũng không cao thượng gì. Nhưng nỗi đau khổ và sự phản ứng của con gái làm anh không thể cầm lòng.... Em vẫn còn trẻ, còn có thể làm lại mọi điều. Người phải chịu đựng hơn cả có lẽ chính là anh. Hãy cho anh một thời gian để tĩnh lặng và suy nghĩ....Ngày....- Bố gọi điện cho tôi từ Thượng Hải:Bố đang cố gắng thu xếp để về nhà vào đúng Noel. Con và mẹ sẽ có quà và cả nhà mình cùng ăn tối. Con có thể mời một, hai người bạn trai, bạn gái thân cùng đi với chúng ta.Bố tiếp, giọng trêu chọc.- Quên đi! Tôi trề môi qua điện thoại. Bố không nhớ chúng ta đã thống nhất với nhau là "bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy" à? Hai bố con cùng phá lên cười đắc chí.Tôi dọn nhà cùng mẹ. Hoa cúc vàng rực rỡ làm bớt đi cái giá lạnh của mùa đông. Tối nay mẹ mặc áo dài tím than, cổ đeo dây bạch kim mặt đá saphia màu trắng, tóc vấn cao trông rất quý phái. Nước da cũng bớt phần xanh xao từ mấy tháng nay và gương mặt đã bắt đầu thanh thản. Còn tôi cố gắng nhẹ nhàng, mềm mại hơn trong chiếc đầm mới màu tro của hoa hồng.Chuông điện thoại đổ hồi. - "Nghe máy đi con, chắc bố về đấy!" mẹ giục. Tôi nhấc ống nghe, náo nức:- "Bố à?". Im lặng giây lát. Rồi giọng người đàn bà ấy, khắc khoải, khản trầm như không thực:"Con gái cô vừa bị tai nạn, chắc khó qua khỏi, cô muốn gặp bố cháu, ở viện....". Tôi làm rớt ống nghe trên sàn nhà.Tôi lao ra khỏi cổng, chẳng cần biết mẹ đang giậm chân hoảng hốt gọi theo. Phố xá đã lên đèn trong gió lạnh.Tôi đứng co ro bên cột đèn đầu phố đợi xe của bố, lòng hoang mang:Nói hay không nói? Chiếc đầm màu tro của hoa hồng mong manh làm hai hàm răng đánh lập cập, đôi lúc bập cả vào môi.Chiếc Camry đỗ xịch trước mặt lúc nào không hay. Cửa mở, bố kéo vội tôi vào xe, ôm choàng lấy như muốn sưởi ấm trong vòng tay mạnh mẽ của mình. Máy điều hoà ấm áp và giọng ca nồng nàn của Celine Dion trong đĩa làm tôi bớt run rẩy. Xe chạy êm ru về phía nhà, bố đang hồ hởi hỏi điều gì đó tôi không nghe rõ.- "Xuống bấm chuông gọi mẹ đi con". Bố giục. Tôi bàng hoàng nhận ra xe đã dừng trước cổng nhà. Bố.... Tôi quay sang, nghẹn ngào. "Gì thế, con gái?". Bố cười dịu dàng. "Con muốn đến viện".... Tôi cương quyết, lòng bình tĩnh trở lại để nói với ông về cú điện thoại khẩn thiết của người đang chờ ông. Bố nhìn tôi, sững sờ, không nói gì, lẳng lặng ra hiệu cho người tài xế quay xe.Ngọn đèn nêông toa? sáng nhợt nhạt trong căn phòng cấp cứu. Trên chiếc giường nệm trắng toát, thiếu phụ trẻ đang nằm không rõ thức hay tỉnh, chỉ thấy hơi thở yếu ớt làm rung động khẽ khàng ngực áo màu lam. Ông nhẹ nhàng đỡ cô ngồi lên, dựa vào khuôn ngực rộng rãi của mình. Trông cô bé nhỏ và xanh xao như một đứa trẻ. Đôi mắt to với hàng mi rợp. Cặp môi đẹp không màu.- "Người ta vừa đưa nó đi rồi, anh ạ! Đêm nay chắc trong ấy lạnh lắm, em sợ con em sẽ thành băng mất. Em muốn đi theo để sưởi ấm cho nó mà không được....".Im lặng. Bố siết chặt cô ấy trong vòng tay vững chắc của mình, nhắm mắt. Hai giọt nước nặng nề lăn xuống má.Tôi thẫn thờ quay gót. Hành lang bệnh viện hun hút dài và lạnh gió. Những gương mặt bệnh nhân cùng áo quần trắng toát như những bóng ma vô hồn đi lướt qua bên.Tôi không trở về nhà mà cứ dọc theo vỉa hè đếm bước vô định....