Tôi với em ra khỏi tiệm bán mặt nạ. Khi cơn mưa đã ngưng hẳn, con đường dần đông người trở lại. Em bảo lão Jack không đi làm. Tôi lắng tìm tiếng kèn saxophone của Jack nhưng tuyệt không. Lão trú mưa ở đâu mà kỹ thế. Mọi ngày Jack vẫn kiếm tiền ở vòng khu này, tôi nghĩ đến vài chỗ lão hay đến la cà rượu chè. Tôi bỗng muốn gặp Jack. Nhớ bạn, nhiều lần Jack say rượu lão luôn nhận là tay chơi nhạc Jazz hay nhất, cả trăm năm trước cũng không ai bằng. Lúc ấy lão quậy, lão ném Louis Amstrong sư tổ vỉa hè, tổ nhạc Jazz, ra chỗ khác chơi. Tôi có kể em nghe lúc mới đến vùng French Quarter này, tôi đã gặp Jack, đứng bên thềm cao kế tiệm Café du Monde và tôi bỗng dưng thương lão. Em hỏi, càng ngày anh càng thương. Đúng vậy. Có người ta bỗng dưng thương. Em khó chịu, mắt nheo lại. Em không muốn anh thương lão nữa. Sao vậy. Thì tại em không thích. Tôi biết thỉnh thoảng em vẫn chọc tức tôi. Tôi cầm tay em qua đường, phố nhộn nhịp vui, trời chiều lại vương chút nắng ngó hắt hiu, tôi bảo tôi muốn rủ Jack đi ăn tối. Ừ, em gật. Chúng tôi đi ra phía bờ sông, giòng nước sau cơn mưa lớn, nước phóng đi man dại, mầu nước nâu đục bắn thốc lên khỏi bờ. Em nói sợ. Em rất sợ. Tôi ôm em, đi tìm Jack ở khu khác, qua ba con đường, thì thấy lão đứng trước tiệm đồ cổ trên đường Decatur. Tôi gọi Jack, lão mừng ra mặt, tay cầm kèn bỏ vào túi vải, lão ôm em, em nhăn mặt, tôi năn nỉ cười đi em, em cười đi, một nhạc sĩ có tài, em đừng khó chịu thế, em nở nụ cười, ông khỏe không. Em hỏi Jack, lão lặng người nhìn em, tôi biết lão vẫn chết lặng khi em cười, em cười đẹp nhất, lão vẫn nói thế. Trước khi tôi dẫn em về đây, tôi chẳng thân ai ngoài Jack, lão sống bằng mọi nghề ở khu này, nhưng việc chính vẫn là chơi nhạc cho một nhà hàng ăn bên khu Royale, sau Jack chán bỏ đi thổi kèn dạo, bán CD, ai cũng bảo lão điên, Jack nghe lắc đầu, tao không phải có một lỗ để chui vào. Tôi rủ Jack đi ăn phở ở khu Việt Nam, lão cười hả hê, Jack biết em ngại khi có mặt lão. Jack có nói, em còn bé quá 18 tuổi dĩ nhiên em sợ lung tung, kể cả sợ cái tuổi già của lão, còn lão ư, lão đập tay lên ngực, với tuổi gần đất xa trời lão chẳng sợ ai, ai thuê lão làm hề, làm ma cũng được, miễn là đừng thuê lão giết người... Chúng tôi đi về phía chợ, chỗ tôi để xe, cái khoảng phố này nó đã có từ lâu cái vẻ nửa Ấu, nửa Mỹ, giờ thì chấm chút Á Đông cứ đến khu Quarter Market mà xem, dân Việt Nam đứng bán tỉnh queo những nón lá thêu chữ New Orleans, French Quarter để du khách mua làm kỷ niệm, họ cứ ngỡ tổ tiên người Việt cũng đã từng khai phá, đóng góp từ xưa vào phần đất này không bằng, ngộ không chịu được. Jack cũng có lần đội nón lá, đứng thổi kèn, chẳng có thằng Tây nào hỏi nón của Tàu hay Việt, chỉ thấy chữ New Orleans thêu dọc ngang, Jack thích cái trò buổi tối về nhà ngồi đếm tiền, rồi thẩy tung lên, ít hay nhiều thì mặt lão cũng vui như thường. Jack chỉ buồn khi mở ngăn kéo tủ, nhìn lại người tình xưa, lão gọi là cô đĩ ở khu Bourbon, tấm ảnh luôn làm lão đăm chiêu vài giây, nhưng không sao, lão sẽ cất ngay đi. Người đàn bà ấy tôi chưa gặp bao giờ, bà ta đã bỏ đây đi lâu rồi. Cái ảnh lão giữ cũ lắm, chắc cũng phải hơn ba mươi năm. Tôi có hỏi đến vì tò mò. Lão cười ha hả. Lão bảo cô đĩ bằng vàng, bằng vàng thì ai chẳng muốn, dĩ nhiên tao đâu phải két sắt, thằng ngu ơi, đừng bao giờ mày hỏi tao nữa. Tôi biết lao cười để dấu nỗi buồn, lúc ấy tôi câm... Khi ra khỏi tiệm phở, em kêu lạnh, chắc em bịnh, tôi để tay lên trán em, em đang lên cơn sốt dữ, mặt em hấp nóng, tay em run lên như cơn rét, tôi muốn bồng em ra xe, em không chịu, em sợ người ta cười, em lúc nào cũng sợ người ta cười. Tôi khác, tôi chỉ biết có em. Tôi nói thế. Em cúi mặt im lặng. Em ít nói, không nói nhiều như cô chị của em, cô ta gọi tôi là tên dụ dỗ con gái, bọn đầu đường, toàn những danh từ kinh thiên. Em nhìn tôi mắt loáng ướt như khóc, tôi bỗng dưng hối hận dẫn theo người đàn bà quá trẻ bên đời, tôi quả là liều lĩnh. Một người đàn ông, sống bằng nghề bán tranh giả, nghĩa là ngồi nhà vẽ nhái theo những bức họa nổi tiếng của Chagall, Nechita để sống thế mà tôi dám rủ em đi theo tôi, tôi ẩu thật. Tôi lái xe chầm chậm, hình như vẫn còn đầy nước ở các lối đi, đến đường St Louis tôi bảo Jack xuống, Jack gào lên là chưa đến nhà, mặc kệ cha ông Jack ơi. Tôi đóng cửa xe rồi đi mua thuốc cho em. Ban đêm em lên cơn họ Tôi trông nom em cả tuần, em mới khỏi bịnh. Hôm nay tôi bán được hai bức tranh giả một của Chagall, một của Toulouse-Lautrec vẽ xấu khiếp, thế mà vẫn có người mua, mấy họa sĩ này đội mồ, sống dậy được, chắc phải tìm tôi thanh toán. Tôi đưa hết tiền bán hàng cho em. Em bảo em không biết giữ tiền, chỉ biết xài tiền. Vậy em tiêu hết đi. em lại nói em không biết mua gì. Em nói tiếng Việt buồn cười, tôi tập mãi, em vẫn nói trơn chớt. Tôi bắt em lập lại câu, em không biết mua gì, chứ không phải im hong bít mu gì. Chị em chẳng biết dạy em. Tôi chê chị em đủ chuyện. Em nghe lặng cười hỏi, người mua là ai, đàn bà hay đàn ông. Đàn bà, tôi khoe với em, bà ta mua nhanh, lúc tôi bầy bán ở bờ sông, lối đi vào khách sạn Hilton... Hết một mùa hè, hết cả bốn mùa, em đòi trở về với chị, em nói nhớ nhà, nhớ Houston. Em khóc, tôi gật đầu bằng lòng dẫn em ra phi trường, em đi... Em thua tôi đúng tám tuổi, cả nhà em ghét tôi thiếu điều họ lấy cuốc bổ tôi chết, tôi nói với người chị là tình yêu không có tuổi tác, màu da, sang hèn gì ráo trọi, nhưng chị em cứ gầm lên mà chửi, tôi đành thua.
... Thế là em đi về nhà em, em bỏ tôi rồi, tôi nhớ em muốn điên, biết sao, tôi than với Jack, Jack bảo không có gì là quá đáng. Chuyện nhỏ, đàn bà họ mau quên... chỉ có tôi là khổ, em chẳng hề gọi phone cho tôi, hỏi thăm tôi một tiếng. Tôi đi quanh vùng tìm một nụ cười giống em, nhưng không thấy, tôi rủ Jack về apartment tôi ở cuối tuần, cho tôi đỡ trống trải. Jack gật, nhưng có tuần lão đến có tuần không, đêm nay Jack mò về đem theo cuốn phim ma cà rồng hút máu. Tôi xem che mặt, tôi bảo Jack tắt đi, tôi thấy tởm và lợm giọng, nhưng lão vẫn cứ ngồi xem. Jack nói bà văn sĩ Ann Rice viết truyện này giờ nổi như cồn, du khách đến đây phải tìm đến nhà bà ấy, xem nơi bà ta cư ngụ. Không ngờ trời đãi dân New Orléans đến thế. Nhờ bà văn sĩ này mà người ta mới vỡ lẽ không phải ai bị ma cà rồng hút máu là biến thành ma ngay như nó, nó cho phép mới được, nghĩa là nó cho người ấy hút lại máu nó thì mới thành mạ Nó có quyền chọn. Ừ, tôi biết. Nhưng ông hãy tắt cuốn phim đi, tôi sợ. Mày mà sợ ma, lão cười. Có ma sợ mày. Tôi lặng quay mặt vào tường và nhớ em... Hai tháng nay tôi không vẽ tranh nữa, làm cái gì giả mãi thì cũng chán, tôi đem đống tranh cũ xấu xí đi đóng khung để bán dần, tôi ước sao mình trúng số, đánh bài thắng, và tôi nhất quyết bước vào Harrahs ngày mai. Harrahs cái sòng bài lớn nhất ở vùng này, chỉ cách một con đường, nơi tôi ngồi nghe Jack thổi kèn, nhìn thiên hạ thẩy tiền vào cái thùng cho lão, tiền cắc đụng nhau kêu lên tiếng, tiền giấy thì bay mùi. Lão quả quyết lão ngửi được mùi tiền. Ngày thứ hai, tôi ăn mặc lịch sự đi đánh bài, chỉ có tiền may ra em bỏ học theo tôi, tôi sẽ giã từ nghề vẽ tranh giả, hỡi các ông Picasso, Gustav Klimt, Gauguin sống khôn thác thiêng xin phù hộ cho tôi. Khi vào trong sòng, mùi thuốc lá đổ ập vào mũi, chỗ bàn black jack tôi chọn nó nằm về hướng tây, cách rất xa bàn black jack của thằng Cuzin, tên anh họ của tôi vẫn đứng chia bài, tôi sợ thằng Cuzin này. Tôi sợ nó biết, nó sẽ đập tôi một trận giống hai năm trước, chắc tôi thác, nó là đứa con ngoan của mẹ tôi, đứa cháu chỉ biết nghe lời cô, chia bài mà không đánh bài, nó chưa quật con bài cho đứa chia bao giờ, nghĩa là nó chưa hề đánh bài ở Harrahs. Hai ngày trời, ăn thua chưa ngã ngũ thì thằng Cuzin khám phá ra tôi, nó lôi tôi vào phòng tắm, tặng cho một giòng máu từ mũi chẩy xuống, cú đấm quá mạnh. Tôi hét lên. Nó nhổ toẹt nước bọt vào mặt tôi. Tao không muốn cô tao buồn, cả năm mày không cho cô tao một đồng, mày đem tiền cho đứa giầu ăn. Cút ngay nếu tao thấy mày lảng vảng ở đây, mày sẽ biết tao đối xử với mày thế nào. Tôi chùi máu mũi, đếm lại số tiền vừa thắng bỏ vào túi quần, không biết phải thằng Cuzin giúp tôi hay không mà mấy bàn roulette tôi ăn liên miên, thằng quay cái hột là bạn thân của nó mà, nó quay làm sao, tôi chơi đen thì nó ra đen, chơi đỏ thì nó ra đỏ. Tôi nói. Cám ơn mày nghe Cuzin rồi tôi bỏ cuộc chơi về nhà. Trời tối đen thế này. Nghe nói giây điện đầu phố bị đứt sao đó, nên cả khu mất điện, mắt tôi như mù, mò vào giường nằm bẹp. Mới gần 7 giờ tối chứ mấy, mũi tôi vẫn rỉ máu thú thật tôi sợ thằng Cuzin lắm, nó to hơn tôi, nó quen làm anh tôi từ thuở nhỏ, nhất là nó được quyền từ mẹ tôi giao hẳn tôi cho nó. Khi tôi bỏ học, đi lang thang vẽ vời. Có tiếng cô vũ nữ hàng xóm tên Camry ca hát ở ngoài hành lang, rồi lại chửi thề. Tiếng cô vừa nhựa, nghe mệt mỏi, tôi hé màn cửa nhìn, trời tối quá chỉ thấy cái đèn pin cô cầm trên tay lung linh, cô mặc duy nhất cái thong và nịt ngực, cũng may không lâu thì đèn sáng choang. Bà thầy bói, người bạn cô Camry dứng dưới nhà kêu ầm ĩ. Ê cái vú năm xu, mày không đi làm sao, mày béo ra rồi, Ê, tao cho mày nói lại, OK, cái mông bạc triệu, Bói rất đúng, rồi cả hai rũ ra cười, khi thấy tôi bước ra, cô cúi chào, chúng tôi hỏi thăm nhau. Đã lâu tôi không theo cô đến nơi cô nhẩy múa, thoát ỵ Từ khi tôi yêu em tôi bỏ hết bạn bè, chắc em cũng biết thế. Camry hỏi, bạn gái anh đâu. Về Houston đi học. Ừ con nít mà. Tôi lại nhắc cô đi làm. Đã đến giờ sao không đi theo bạn. tôi mệt. Tôi đã gọi xin nghỉ bữa naỵ Tôi ngập ngừng. Ngày mai tôi đi xem cô múa. Camry cười, lại múa, anh cứ nói thế, cởi truồng. Ừ cởi truồng. Tôi cúi nhìn xuống đất, luôn luôn tôi ái ngại khi bên cô, có thể tôi thương cô, tôi sợ một ngày cô già họ không cần cô nữa, ngoài Jack ra cô là người bạn tội nghiệp của tôi, tôi biết cô không có thân nhân, chỉ có một người chị mắc bệnh tâm thần, lâu lâu cô đi thăm ở dưỡng trí viện, và một điều hơi lạ với bọn vũ nữ, cô không bán dâm, đó là chuyện cô luôn tự hào với tôi, cô hơn hẳn các bà tổ của dân New Orleans, ai chả biết ngày xưa các bà đĩ và bọn trộm cướp, lưu manh bị đem từ Pháp sang đây. Rồi đẻ con, đẻ cháu. Tôi khen, cô là đứa cháu ngoan. Dĩ nhiên.... trời khuya tôi theo Camry vào nhà cô lúc nào không hay, cô cho tôi uống thuốc giảm đau, rồi pha trà cùng uống. Đêm hôm ấy tôi đã vẽ cô với rất nhiều đèn nến. Bức tranh nhỏ xíu vẽ bằng chì, sau tôi mới đem sang khung vải. Trong tranh cô đẹp dã man, để bên mấy bức tôi vẽ em, Camry quả thật rõ đẹp hơn em. Jack chê tôi đếch biết gì về nhan sắc. Làm sao tôi có thể đem Camry ra so sánh với em. Jack bảo vẻ đẹp cổ điển của em, rất hiếm gặp ở các cô gái bây giờ, kể cả các sắc dân, mày là họa sĩ mà không tường tận về dung nhan, thể nào cả đời con lận đận con ơi. Tôi lại ngồi thừ người nhớ em.Jack nói đúng. Em trắng như ngà, mắt em hơi sếch, tóc như nhung, môi em nhìn như cười. Tôi, tôi hứa sẽ không nhớ em nữa. Tôi đem tranh tôi vẽ em đi bán ngày mai. Bán cho tên triệu phú, chuyên chơi đồ cổ, có một dẫy phố ở đường St Ann, bán tranh với sự môi giới của Jack. Ba ngàn đồng hai bức, rẻ mạt, so với cái công em khổ vì tôi, tôi ôm tiền mà lòng đau. tôi chửi Jack và thề không bán những bức tôi vẽ em nữa, dù ba bức còn lại có người đòi mua.
... Tôi buồn vì hối hận. Thằng Cuzin kéo tôi về nhà nó, khi thấy máu mũi tôi cứ rỉ ra mãi. Khu nó ở có đủ mọi hạng người, vũ nữ, nhạc sĩ, triết gia, thầy bói, thỉnh thoảng bọn đàn bà buồn tình ra lan can, người đi dưới đường được bọn họ mở vú cho nhìn. Nhìn thôi, đừng có mò lên, nó đẩy xuống cho chết. Ngày em ở với tôi, mấy lần tôi dẫn em về khu này em thấy họ làm thế em sợ lắm, sau rồi em quen, lâu không thấy họ tốc váy, mở vú, em hỏi tại sao. Ai biết tại sao. tôi khó trả lời em. Có khi ngày hội hè lớn như ngày Carnival Mardi Gras, các nữ du khách khắp nơi đổ về, cũng lên trên lan can này khoe vú, khoe đùi, vui không thể kể. Thằng Cuzin tôi giầu nên mới có tiền ở ngay khu này. Tôi bắt đền nó cái mũi, nó chở tôi đi bác sĩ, chụp hình, khám tổng quát. Tôi nằm nhà ăn vạ một tháng. Nó thẩy cho tôi số tiền, bảo tôi cút về Houston,với số tiền nó cho đủ tôi mở tiệm khung hình, bán tranh và trông nom mẹ tôi, hai năm nữa nó sẽ cũng về. Tôi cười khẩy, vất tiền của nó xuống đất rồi bỏ đi. Cái mũi đã hết đau... Cả một năm em đi biệt, chẳng thư từ, tôi gọi phone cho em cũng không trả lời, chắc em đã hối hận khi sống bên tôi. Mỗi buổi sáng thứ sáu tôi dậy sớm đi ra Café du Monde cùng uống cà phê ăn bánh beignet với Jack, ước gì tôi gởi bánh này đến cho em, em rất thích bánh ở tiệm này, tôi thở dài nhìn quanh quẩn, còn sớm thiên hạ chưa đổ ra phố thế mà bên kia đường thằng oắt con lai đen Gibson thổi kèn ầm ĩ, cái nón đựng tiền chận bằng cục gạch, chẳng rõ vì đâu mấy cô gái ở trên lầu không chõ miệng xuống chửi rủa nó như trước. Jack bảo ngày lễ, ngày đức mẹ lên trời, mấy cô ấy kiêng chửi người. Tôi bật cười. Đàn bà họ biết nể thần thánh. Đẹp thaỵ Khi bọn hề lục đục kéo về ven sông, đóng kịch câm xin tiền, tôi hỏi Jack hôm nay hắn sẽ thổi kèn ở đâu, thằng cu tí kia đã đứng ngay chỗ ngon nhất rồi, ừ, tao phải đi về phía chợ,tao thắng mọi người, chứ chịu thua thằng oắt này, thằng Gibson bé thế, mà cầm cái kèn to gần bằng nửa người, ai nhìn mà không thương. Mấy con đầm xì, giang hồ nữ hiệp, gặp nó là phải động lòng, ngày nào cũng có tiền đem về cho mẹ, mẹ nó ngày trước đánh phèng cho tụi Royal Street Boys, chỗ nào hội họp, ăn uống là xông vào ca hát, có tiền lắm rồi bỗng dưng tụi nó rã đám, bọn đen mắc bệnh lười, truyền nghề cho con cháu xong là về hưu non. Jack than, hôm nay tao thở thấy khó, tao muốn ở nhà chiều tính... Tôi bê vài bức vẽ của Renoir, cái bức The Swing ò e con ma đánh đu này tôi vẽ một tuần là xong và bức vẽ của Jules Chapon, vẽ theo kiểu lập thể vị lai, màu sắc loạn xạ, thú thật tôi đưa vài chiêu là đủ, tất cả bỏ lên xe. Bây giờ tôi đã thuê được một góc bầy tranh ở thương xá và được một bà đến làm việc cuối tuần, cũng đỡ mệt cho tôi, và tôi quyết bán hết những bức tranh thì sẽ đi tìm em... Vài lần tôi đi xem Camry nhẩy, có điệu cũng lạ, cô cột giây, rồi phóng xuống như phim tàu, người trắng bóc, trang điểm lộng lẫy, kỳ lạ như người của thế giới khác, cô là bà hoàng của hộp đêm này, nhưng cô vẫn không vui vì cô lỡ yêu một đứa, tôi biết rõ nó, nhung tôi không thể bảo cô ngừng, đó là tên anh họ của tôi, thằng Cuzin, tên chia bài, quay vụ như múa ở Harrahs, nó có nghĩ đến cô đâu, nó coi cô như rác, nó chỉ mê đàn bà đi dạy học, nó khôn bằng trời, nó thừa biết đàn bà đi dạy học là đàn bà sẽ làm đổi đời nó, là úp nó lại như úp con ruồi, nhưng nó vẫn mê, ai cứ xưng là cô giáo, thì đến bàn nó chia bài mà đánh, nó sẽ tìm cách cho ăn, tôi hiểu nó như đếm, nó hơn tôi một tuổi mà trông già đời, già tất cả chỉ vì yêu cô giáo. Người nó yêu là cô giáo dạy triết ở ngay sát vách nhà nó, mụ ghét cả chúa, cả phật, mụ ghen với trời, mụ sống phóng đãng mà không ai hay, tôi phục triết gia, kẻ giả hình, thằng Cuzin dâng cho cô giáo hết thẩy (tội nghiệp) là điểm thất bại của người anh bà con. Tôi thích nhìn Cuzin vặn vẹo triết lý không tin vào thượng đế, nhục mạ bản thân, y hệt cô giáo, cô giáo làm hỏng nửa đời nó, chắc nó chưa nhận ra. Cám ơn cô giáo... Mùa đông đến rồi, Camry nói như than, New Orleans lạnh quá trời, sao năm nay kỳ vậy. Jack bịnh liệt giường vào ngày trở rét, họ hàng tống Jack vào viện dưỡng lão, sáu mươi ba tuổi, đang không tay run lật bật, chẳng thể cầm nổi cây kèn, lão không muốn sống nữa, Jack nhờ tôi năn nỉ bác sĩ chích cho mũi thuốc sớm đi chầu chúa, nhưng không bác sĩ nào chịu cả... Camry vẫn đi thăm Jack đều, còn tôi thì không, tôi không muốn nhìn lão khóc, mà khốn nạn lão chỉ khóc khi có mặt tôi. Tôi sùng lên hỏi, thì Jack bảo chỉ có mày là hiểu tiếng saxophone của tao, giờ tao không thể thổi kèn cho mày nghe được, tao tức, thôi tức làm gì, tôi an ủi Jack nhưng chạy trốn lão, tôi sợ, dù tôi đã giải thích là tôi không hiểu hết nhạc Jazz kể cả tiếng kèn của lão, nhưng Jack cứ quả quyết là tôi hiểu hơn ai hết. Mẹ kiếp. Nhan sắc tôi còn chưa hiểu rõ, làm sao tôi hiểu nhạc. Camry, tôi muốn cô đừng nhắc tên tôi cho lão nghe, Camry, cô có hiểu không, đừng rủ tôi đi thăm Jack, đã đến ngày tôi đi tìm em, tôi phải bỏ thành phố này, thành phố cho tôi đầy những cuộc vui ở kiếp người, nhưng cô đơn quá.
... Cơn bão rít lên quay cuồng trên giòng sông kia, con nước đã lên bờ, thành phố có bão, mấy căn nhà ven sông đã bị thổi bay, French Quarter vắng khách, đêm lạnh run người, cả phố xá ảm đạm, đêm bão táp ấy Jack nhẩy lầu tự vận, lão chết trong túi áo có ảnh của cô đĩ bằng vàng khu Bourbon. Không ai rõ nhờ vào đâu lão đi lên được tận lầu cao mà nhẩy xuống khi chân đi không vững, Chúa tôi. Camry kêu lên hoảng hốt, tôi ôm cô run rẩy, tôi thật sự mất người bạn già, mất một người bạn chân tình. Jack. nước mắt tôi rơi xuống người Jack, xác bạn được quàn trong quan tài của tôi mua, được phủ đầy hình bạn đứng thổi saxophone, cả tấm ảnh người tình của bạn tôi cũng bỏ vào, cả cái kèn, tôi đã làm đúng theo những lời tôi hứa với bạn, nếu bạn đi trước tôi... Tôi chờ hết cơn bão, tôi chờ làm xong mộ bia cho Jack, giòng chữ tôi ghi trên bia đá, người nhạc sĩ saxophone, chơi nhạc Jazz hay nhất của mọi thời đại. Tôi ghi điêu, quả thật, tôi từng thú, tôi chưa hiểu hết những giòng nhạc mà Jack chơi ở cõi đời này... Đêm trước ngày dọn khỏi New Orleans, tôi nằm bên cạnh Camry, nghe lại CD của Jack, tiếng kèn xoáy trong lòng tôi thống thiết, giòng nhạc nức nở như độc dược kia quả nó được tẩm trong tim tôi đã lâu lắm rồi,nó làm nhức nhối một quãng đời tôi, vậy mà tôi mới biết, mới nhận ra... Năm giờ sáng, tôi bước đi khỏi nhà Camry, lái xe vòng vòng, rồi lại đi thả bộ quanh quẩn, cơn bão đã thổi sạch sẽ cả rồi. Không còn gì. Cả Jack cũng chẳng theo tôi xuống phố để uống cà phệ. trời chưa sáng hẳn, một thằng đứng đường ở khu phố Bourbon chạy theo xin tiền, tôi dừng lại nhìn nó, tôi muốn nhìn mọi vẻ ở vùng này trước khi từ biệt.. Tên ma cô tay cầm tiền, không hỏi vì sao tôi cho một cách lãng xẹt... Tôi lên xe phóng chạy, bánh xe chồm lên về hướng xa lộ, giờ này mọi người quen còn ngủ, Camry, anh Cuzin, cô giáo , bà thầy bói, tôi nhớ từng người, tất cả xin tạm biệt... Tôi đã đến Houston, tôi bước vào nhà tìm mẹ, mẹ mừng rỡ, tôi xin lỗi mẹ, mẹ nói không sao. Con trai phải giang hồ một chút, phải chỉ một chút thôi... vài ngày tôi tìm ra trường em học, tôi cứ đứng chờ em, cho đến khi, có một điều hơi lạ, khi em thấy tôi chỉ lặng nhìn, ánh mắt đã khác xưa nhiều lắm, tóc em bay như gió, váy em ôm sát mầu đen, cái mầu em ghét nhất, tôi đi theo sau, đi theo hết một vòng sân, em mỉm cười, tôi hỏi, em cũng chỉ cười và như lời Jack bảo, khi em cười tất cả mọi chuyện đều được bỏ quạ Nhưng, em khóc thì sao, Jack ông chưa nhìn thấy em khóc bao giờ lúc em gục lên vai tôi thổn thức, lúc em dừng lại bên tôi, chúng tôi ôm nhau im lặng, gió vẫn thổi tóc em quất lên mặt tôi thân thiết, em vẫn khóc, nước mắt đã ướt một vai áo, đừng bỏ anhm câu van xin bật ra thảng thốt nhanh như nỗi chết, em có hiểu, nỗi chết đập nhẹ một tiếng nhỏ nhoi giữa cơn bão tố, rồi tĩnh lặng ai ngờ.