Tôi gặp hắn trong một tour du lịch. Tôi là phiên dịch tập sự nghĩa là mới sinh viên ngoại ngữ năm thứ hai. Phiên dịch chính là anh Khắc, ông anh họ thường cho tôi đi theo để... cho oai! Một công đôi việc, tôi được tập tành trò chuyện với khách nước ngoài, anh Khắc có được người mặt mũi sáng sủa để sai vặt. Mỗi khi anh Khắc nhờ tôi giặt dùm quần áo để trả ơn anh đã cho tôi đi theo tôi thường cong môi: "Mấy ai có được người sai vặt xinh xắn thế này không?". Anh Khắc tuồn một tràng nào là nhờ anh tôi biết đó biết đây không tốn một xu nào, lại được nếm đủ mùi vị cây trái khắp nơi cũng không tốn một xu nào, đến chụp hình cũng chẳng tốn. Cái máy tự động của anh cứ rửa một cuốn phim là hơn một nửa có cái mặt của tôi. Một lần anh gật gù: - Huyền mà sống ở Sa Pa thì mau giàu lắm. Cứ một lần chụp hình ai là khách phải trả khoảng một đô-la.

- Thật không? - Tôi cười hì hì.

- Định lên Sa Pa lập nghiệp hay sao mà vui vẻ vậy?

- Ở một mùa hè có kiếm đủ tiền trang trải năm học không? Anh Khắc phì cười:

- Đồ thực dụng. Cái chuyện du khách phải trả tiền mới cho chụp hình đang bị người ta phàn nàn.

- Cụ thể là ai phàn nàn?

- Chính du khách!

-...

- Dù ban đầu chính họ đã đề nghị được trả tiền. Khi ấy các cô gái Mông còn rụt rè lắm, thấy người lạ là xấu hổ lẩn tránh. Năn nỉ ỉ ôi mãi họ mới cho chụp, lại còn che bớt mặt đi nữa kìa.

- Con gái Mông hay lắm à?

- Cứ nịnh nọt anh đi rồi có ngày được biết. Nghe nói đến chợ tình chưa?

- Có. Nghe nhiều. Kẻ khen người chê càng khiến em tò mò.

Hắn có mặt trong chuyến đi Sa Pa mùa xuân năm ấy. Khách du lịch nước ngoài không thích có người lạ đi chung xe nên anh Khắc dặn tôi ai hỏi thì trả lời rằng hắn là phiên dịch, và tôi tuột xuống trở thành người phục vụ. Mỗi khách nhận mỗi phần ăn đựng trong túi nilon riêng. Ăn xong, họ nhét giấy vụn, vỏ chuối, cùi dưa leo, vỏ chai nước... Tóm lại là tất cả rác rưởi vào lại trong túi rồi nhìn quanh tìm chỗ vứt. Không có một thùng rác nào trên đường cả. Họ đưa túi rác cho tôi! Lần lượt từng người một.

Còn vô số chuyện khác mà người phục vụ phải làm, nếu không có hắn hẳn đã có nhân viên phục vụ chính hiệu đi theo đoàn. Khách có tám người, tài xế nữa là chín, xe mười hai chỗ ngồi, còn thêm ai được nữa. Thấy tôi lườm lườm nhìn hắn, anh Khắc nói nhỏ:

- Con cưng của sếp anh, vui vẻ nhé! - Rồi anh nháy mắt - Biết đâu lại là duyên thì nhờ Huyền mà đời anh lên hương.

Bực mình mà không thể không bật cười. Anh Khắc là vậy luôn khôi hài được trong mọi tình huống. Có lẽ nhờ vậy mà lịch làm việc của anh luôn kín mít thời gian?

Tôi cũng phải tập tính khôi hài, bắt đầu từ việc mỉm cười nhẹ nhàng khi hắn đưa cái túi rác. Khách đã đành, hắn cũng bắt tôi ôm cái túi này ư? Tôi đưa cả hai tay ra nhận như cái túi là một báu vật vậy. Rồi quay hỏi anh Khắc bằng mắt "Được không?". Anh Khắc gật gù.

Đến một đoạn đường vắng vẻ, tôi định tống cái túi rác qua cửa xe, anh Khắc vội vàng chặn lại:

- Đừng!

- Du khách sẽ đánh giá chúng ta không biết bảo vệ môi trường, ý thức kém.

- Em phải giữ từng cái túi này đến bao giờ?

- Đến nơi nào có thùng rác.

- Du khách nhìn chúng ta và đánh giá. Lúc này, dù muốn dù không, mình cũng là đại diện của đất nước... về một mặt nào đó. - Giọng anh không khôi hài tí nào.

Tôi thở hắt ra:

- Nếu quả thật họ thông qua anh em mình để đánh giá thì chắc họ đang nghĩ rằng đàn ông Việt Nam không lịch sự tí nào. Ai lại bắt phái nữ phải...

- Hướng dẫn du lịch không thể vừa thuyết minh, vừa bận rộn với những cái túi. Phân công lao động xã hội hợp lý.

Tôi tắt, không nói gì được nữa. Muốn co chân lên ghế, thay đổi tư thế ngồi cho đỡ mỏi nhưng chợt nhớ ra mình đang đại diện cho phái nữ của đất nước nên lại thôi. Trời lạnh giá, ngồi thẳng lưng trên ghế với cái áo hai lớp cổ dựng đứng lên, nhìn màn sương chiều bàng bạc qua rừng cọ Phú Thọ, tôi tự hỏi liệu xe có đến kịp chợ tình khuya nay? Đường dốc ngoằn ngoèo thăm thẳm thế kia và mịt mù khói bốc ra từ chân mây... Cái ngủ đến lơ mơ cho đến khi xe chồm lên lắc mạnh một cái, giật mình mở mắt tôi thấy đầu mình đang ở trên vai hắn, vai áo bông mùa đông to xù êm như một cái gối.

- Bạn ngủ ngon quá!

Rồi hắn rút trong túi ra một cái khăn len:

- Bạn chưa có kinh nghiệm về vùng cao thì phải?

Ghê chưa. Một cái khăn quanh cổ lại còn một cái trong túi. Công tử bột! Nhưng tôi phải cảm ơn hắn và quấn cái khăn vào cổ.

- Anh đến Sa Pa nhiều lần rồi à?

Hắn gật đầu:

- Năm ngoái lẽ ra tôi đã xây một khách sạn ở đó...

Xây khách sạn? Hắn? Chỉ hơn tôi vài ba tuổi là cùng. Chợt nhớ ra hắn là con sếp, tôi thôi trố mắt. Hắn nhìn ra cửa xe:

-... Nhưng không tìm được người tin cậy để giao việc quản lý nên thôi. Thời buổi này việc gì động đến tiền là người ta...

Tôi thấy khó chịu, rất khó chịu mà không giải thích được vì sao.

- Người ta cũng có người này người nọ chứ! - Tôi nặng giọng.

- Tôi chỉ thấy "người này" , chưa được thấy "người nọ" bao giờ - Giọng hắn lững lờ.

"Có lẽ vì anh chỉ tiếp xúc với những người giống anh thôi" - Tôi định phang một câu nhưng bắt gặp ánh mắt anh Khắc, tôi cố ghìm lại, vội dịu giọng mà lòng tức anh ách:

- Có rất nhiều "người nọ", mà anh chưa gặp đó thôi.

- Cũng mong gặp được, dù chỉ một người. Bạn sẽ giới thiệu cho tôi một người như vậy chứ?

Chẳng lẽ ngay lập tức cởi cái khăn ra mà trả lại. Được rồi, tôi sẽ chỉ cho hắn thấy tiền của hắn chẳng là cái quái gì cả. Anh Khắc nhìn vẻ mặt càu cạu của tôi, chuyển đề tài:

- Chuyến này em lên Sa Pa cũng chụp ảnh à?

- Vâng - Hắn gật - Báo tổ chức cuộc thi ảnh chủ đề bản sắc dân tộc. Em định đốt vài cuốn phim, may ra được giải nào chăng.

- Giải thưởng được bao nhiêu tiền? - Tôi bộp chộp hỏi.

- Vấn đề không phải ở đó? - Hắn cười.

Kiểu cười này, nếu không có anh Khắc, hẳn tôi đã độp cho một câu đích đáng. Giờ thì tôi biết rõ mình ghét hắn, và có lý do để ghét.

*

* *

Đáng buồn là hắn có lý!

Chuyến đi Sa Pa lần ấy và thêm vài chuyến khác nữa hắn đều có mặt, đang săn ảnh mà. Cứ hắn xòe tiền ra là mọi việc xoay nhanh như bôi dầu mỡ dù trước đó tưởng chừng như không nhúc nhích được dù chỉ một lỵ Có lần xe hư trên đường, thợ bắt phải đợi đến mai vì đã có ba bốn xe khác nằm chờ và điều quan trọng là không có phụ tùng thay thế? Muốn mua phải đến chợ cách đó sáu mươi cây số, vừa đi vừa về và nhiệt tình làm suốt đêm cũng phải đến sáng mai.

Người thợ nói chắc chắn như đinh đóng cột. Hắn cười cười kéo người thợ về một góc, tay kia cho vào túi. Tôi có cảm giác cái áo dày cộm của hắn độn toàn những tờ giấy bạc mầu xanh. Một tiếng đồng hồ sau, chiếc xe bon bon chạy dưới trời gió. Có trời mới biết phụ tùng lấy ở xe nào ra!

Một giò lan treo lủng lẳng nhà ven đường hắn dừng lại hỏi muạ Cô gái trẻ măng bối rối trả lời, đây là giò lan của bố, không nghe nói bán, xin thông cảm. Hắn đặt một tờ giấy bạc trên bộ cửa, rồi thêm một tờ nữa, và một tờ nữa... cô gái ngập ngừng: "Hay là mai anh quay lại, hôm nay bố vắng nhà" . Hắn tiếp tục xếp những tờ giấy bạc chồng lên nhau. Và giò lan thuộc về hắn, không đợi người bố về.

Anh Khắc nói với tôi: "Thôi, chuyến nào có hắn thì em ở nhà vậy". Tôi lắc đầu: "Lịch học hành kín mít, sắp xếp để đi được một chuyến đâu phải dễ. Việc gì vì hắn mà tôi bỏ qua cơ hội trau dồi". Nói với anh Khắc vậy mà lòng tôi cồn cào ấm ức. Phải làm một điều gì đó, một điều gì đó... Một điều gì đó để tôi quên đi nỗi căm ghét hắn. Cái cảm giác căm ghét này khiến tôi trở nên bực bội và cau có.

Phải tự tạo ra tình huống vậy. Có một người bạn tên Thu An học cùng cấp III thi rớt đại học giờ ở nhà phụ gia đình bán chim cá cây cảnh, thỉnh thoảng tôi vẫn ghé và hai đứa bạn bạn bè bè như xưa. Tôi dặn Thu An thế này, thế này... dù giá nào cũng nhất quyết từ chối.

Vào một buổi sáng chủ nhật đẹp trời tôi rủ hắn đi chơi. Hắn có vẻ ngạc nhiên lắm. Tỷ tỷ lần tôi từ chối lời mời của hắn dù biết hắn có riêng một tủ sách đủ các tác giả cổ kim đông tây và các loại từ điển mà sinh viên ngoại ngữ chỉ thấy trong mợ Đừng hòng mua được tôi...

Dạo quanh phố xá, huyên thuyên đủ chuyện trên đường, ngang hàng chim hoa cá cảnh tôi như tình cờ reo lên:

- Con chim dễ thương quá!

Con nhồng đen tuyền dẩu cái mỏ vàng rực:

- Kính chào quý khách. Qúy khách nghe nhạc cổ điển không ạ?

Và chẳng đợi khách đồng ý hay không, con nhồng véo von: "Em có ba và em có má. Em yêu em như búp trên cành... ". Không thể không bật cười.

- Con chim ngộ nghĩnh quá! - Tôi nói, biết lời của mình tác động đến hắn như thế nào.

Như thường lệ, hắn rút tiền ra. Tôi quay sang chậu cá cảnh ra vẻ không chú ý đến cuộc ngã giá. Loáng thoáng giọng nhỏ nhẹ của Thu An: "Rất tiếc con chim biết nói này đã có người đặt mua, vài ngày nữa họ đến lấy. Tôi đã hứa... ". Tôi tiếp tục ngắm nghía những chậu kiểng cho đến khi giọng hắn vang lên hài lòng và hồ hởi:

- Mình về thôi!

Cái lồng đong đưa trên tay hắn. Tôi sững sờ nhìn Thu An. Thu An tránh ánh mắt của tôi, đỏ mặt cúi xuống. Xấp tiền dày cộm nằm trên quầy.

*

* *

Ra trường nhận công tác ở công ty du lịch. Những du khách, những chuyến đi... và năm tháng...

Tôi gặp lại hắn, tình cờ, trong một chuyến đi. Hắn đưa một đoàn khách từ Sài Gòn ra Hà Nội. Tôi đón đoàn tại Sân bay Nội Bài rồi cùng lên Tây Bắc, vùng "du lịch xanh" đang hấp dẫn khách nước ngoài. Hắn rộng miệng cười:

- Chào cố nhân. Mình đã có một babỵ Còn bạn?

- Sắp.

- Đáng tiếc cho ngành du lịch và có thể là một tổn thất. Các đấng đàn ông không thích vợ đi tour đâu.

Có thể xem đó là một lời khen? Tôi cười, nhớ lại chuyện xưa và nhận ra tất cả đã là kỷ niệm.

Đoàn lên Sa Pa vào lúc chín giờ tối. Nửa đêm mới có chợ tình nhưng du khách vẫn không chịu nằm yên trong khách sạn. Hồi đi với anh Khắc, quán xá nơi này còn đơn sơ lắm nhưng bây giờ đã có quán xây kiên cố và cửa kính. Nhưng sưởi thì vẫn rất dân dã. Mỗi bàn một xô than hồng rực, hơ tay xong áp vào má thơm thơm mùi khói.

Quả là tôi và hắn không có duyên với Sa Pạ Lần đi cùng anh Khắc, chợ tình không họp được vì rét mướt quá, dân các bản xa trên núi không về được. Đêm nay cũng vậy, khá nhiều khách du lịch lang thang trong sương đêm chờ một phiên chợ đã bị hoãn từ trước một ngày. "Hôm qua lũ về - Cô gái đong đưa váy xòe, tay đưa cao chùm túi thổ cẩm líu lo kể - nghẽn hết đường đi, làm sao mà xuống núi được". Lũ giữa mùa xuân? - Chẳng biết cô gái nói thật hay không, một phiên dịch cáu kỉnh hỏi lại (hẳn anh đã quá quen với những phiên chợ tình và đang bị giá buốt hành hạ): - Tại sao những cô gái Mông bất ngờ hiện ra sau vòng cua gấp khúc, có phải những vòng cua gấp khúc nối tiếp nhau đã tạo nên những nhịp đong đưa của chiếc váy sặc sỡ có rất nhiều nếp gấp? Và những nhành ban chấp chới hoa trắng vươn lên từ thung lũng...

Để rồi đến Sơn La, cái lạnh như từ thịt da tỏa ra, ai cũng nặng thêm vài ba cân với mũ áo khăn len dày cộm trên người.

Hắn nhìn tôi:

- Tây Bắc không phải là tour dành cho hướng dẫn viên nữ.

Vẫn cái kiểu trịch thượng ấy. Định độp lại một câu nhưng chợt nhớ anh Khắc... Phải, du khách lúc này chỉ thấy hắn và tôi, dù muốn dù không hắn và tôi cũng đang đại diện cho đất nước về một mặt nào đó...

- Tôi đang có mặt tại đây đó thôi! - Tôi trả lời nhẹ nhàng. Thốt lên xong, nhìn vẻ mặt hắn, ngay lập túc tôi nhận ra câu trả lời nhẹ nhàng của mình châm biếm thế nào. Và tôi chợt nhớ lại nỗi căm ghét trẻ con ngày trước.

Lạy trời, chúng ta là đại diện của... xin đừng ăn miếng trả miếng vào lúc này. Hãy mỉm cười lên, hãy để du khách khen rằng hướng dẫn viên Việt Nam, nhất là tour Tây Bắc, là dễ thương nhất thế giới. Mặc hắn lừ lừ nhìn tôi. Xin đừng tuôn lời nặng nề ra đây. Trong những du khách nói tiếng Anh này hình như có người biết nói tiếng Việt hay ít nhất là nghe và hiểu được. Mỗi lần tôi nói chuyện, cảm thấy ông ta nhìn mình đầy ngụ ý. Đó là người đàn ông cao lớn tóc mầu râu bắp, chiếc máy ảnh trên tay thường chớp lên vào lúc bất ngờ nhất. Như đêm Sa Pa chợ tình không họp, ai cũng buồn bực trở về khách sạn, vậy mà không biết bằng cách nào ông ta chụp được bức ảnh cô gái đang níu tay khách hàng nài nỉ mua cho cái túi thổ cẩm, người trì người kéo giữa dày đặc bóng đêm và sương mù.

Ngay lúc này, trong khi ai nấy nhanh chóng đi về phòng chất đồ đạc để kịp dạo quanh phố chiều vì ngày mai là đi về các bản làng xa tận trong rừng, ông ta cũng tỏ vẻ định đi về phòng nhưng bước chân rất chậm, mắt hướng về phía hắn và tôi. Có tấm ảnh nào ghi lại cảnh lừ mắt vừa rồi không?

*

* *

Phố núi nhỏ xíu. Chúng tôi rời khách sạn khi chiều đã muộn, dạo quanh đến hai vòng phố mà trời vẫn chưa hết chiều. Lịch tối nay là đến mười giờ mới đi tắm suối nước nóng cách thị xã bảy km. Tôi làm đầy thời gian của khách bằng cách vào quán ăn dân tộc. Một điều lạ là những người khách đến từ xứ sở của thức ăn nhanh lại rất thích thú và sẵn lòng ngồi nhìn kiểu nấu nước của lửa than bập bùng khói. Họ có thể ngồi hàng giờ để quan sát cách nấu món ăn họ muốn biết.

Trong khi mọi người tò mò nhìn người đầu bếp cho nếp vào ống lam, nút lại rồi nướng trên lửa, khi chín, lột quanh như lột vỏ chuối, thích thú nhìn từng cuộn nem rán vàng dần trong chảo dầu sôi thơm lừng... thì người đàn ông tóc mầu râu bắp chỉ nhìn cô gái phục vụ bàn. Tôi ngạc nhiên, cô không đẹp nếu không muốn nói là hơi thộ Con gái vùng cao thường hơi thô.

Rồi tôi nhận ra điều ông ta chú ý là cái vòng bạc trên cổ cô gái. Dưới ánh đèn từ trên trần xòa xuống và ánh lửa nhảy nhót hắt ra từ bếp, khi bước chuyển động của cô tình cờ đến giao điểm của các tia sáng, cái vòng lại lóe lên lấp lánh.

- Tôi muốn mua cái vòng ấy! - Ông ta nói với hắn bằng tiếng Anh.

Khách đôi khi có những ý thích lạ đời như vậy. Tôi thấy nhẹ người khi ông ta nói với hắn chứ không phải với tôi. Tôi tránh cuộc mặc cả bất ngờ bằng cách chúi mắt về phía bếp lửa thơm thơm mùi thịt nướng với hạt tiêu rừng. Nhưng rồi hắn gọi tôi:

- Huyền!

Tôi ngước mắt lên. Hắn nhún vai:

- Loại này bán đầy ngoài chợ nhưng ông ta đã trả giá đến năm mươi đô-la vẫn không bán. Cô ấy nói đây là vòng hứa hôn.

- Nói với ông ấy mai sẽ có.

- Tôi nói rồi. Nhưng ông ta muốn cái vòng này.

Một người ngông chăng? Hay là chuộng đồ cổ?

- Tôi biết làm gì đây? - Tôi nói. Và từ chỗ ngồi của mình, ông ta đưa tay về phía tôi. Rõ ràng ông ta hiểu tiếng Việt dù nói với tôi bằng tiếng Anh:

- Cô là phụ nữ, cô ấy sẽ nghe lời cô!

Tất cả mọi người đều nhìn về cô gái, cả những bàn khác. Cô đứng yên, vẻ mặt rụt rè trước cuộc mua bán xem ra kỳ cục này.

Chắc chắn cô không muốn bán? Hay chờ giá cao hơn?

- Hãy trả giá cao hơn! - Người đàn ông tóc mầu râu bắp nói như ra lệnh.

Tim tôi bỗng nhiên thắt lại. Tấm ảnh ông ta chụp ở Sa Pa hiện ra. Và Thu An "... Tao biết mày giận tao, khinh tao... Huyền... Từ lâu tao mơ được có một cái quán riêng của mình. Số tiền đó đủ cho tao bắt đầu... ". Rồi giọng hổ thẹn trở nên phẫn nộ: "... Tại mày. Hắn quyết mua bằng được con chim cũng vì mày. Nếu tao không bán, hắn cũng vẫn cứ... ".

Năm tháng đi qua, bình tâm nhìn lại, tôi không giận Thu An nữa. Chính tôi đã đẩy bạn mình vào một thử thách không cân sức, đẩy bạn mình đến chỗ phản bội lời hứa.

Cô gái này, nếu quả thật là vòng hôn ước, cô cũng đang bị đẩy vào một cuộc không cân sức. Từ bản làng xa xôi trên núi cao khô cằn sỏi đá, gùi măng củi xuống chợ, đi bộ từ sáng sớm đến chiều tối, mùa đông căm căm giá rét cho đến mùa gió nắng bức bối, mỗi ngày kiếm được bao nhiêu đồng, quy ra có được một đô-la không? Và những ngày mưa lũ kéo về... Người chủ dưới xuôi lên đây học những món ăn của dân tộc cô rồi mở quán, cô được thuê chạy bàn với bao nhiêu tiền mỗi ngày?

- Onehundred dollars!

- Thưa ông, với số tiền ấy, ông sẽ có số vòng gấp mười lần như vậy vào sáng mai...

- Xin vui lòng dịch theo lời tôi!

Giọng ông ta mềm mỏng, nhẹ nhàng, lịch sự nhưng đầy quyền lực. Rõ ràng chiếc vòng phải thuộc về ông ta, không thể nào khác.

- Ông ấy sẽ trả cô một trăm đô-la... - Tôi nói với cô gái, cố giữ giọng mình bình thản. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu cô gật đầu và chỉ xót xa, một chút xót xa thôi.

Cô im lặng. Những ngón tay thô mân mê chiếc vòng. Sau lưng cô, ánh lửa chập chờn hắt những quầng sáng vàng rực.

- Một trăm mười đô-la?

Những ngón tay thô bồn chồn trên chiếc vòng.

- Một trăm hai mươi đô-la?

Những ngón tay thô xao xuyến.

- Một trăm ba mươi đô-la?

Những ngón tay thô chững lại. Tim tôi đập mạnh. Tôi nhận ra mình đang mong cô gái từ chối. Mồ hôi ướt tóc cô rồi kìa, vì bếp lửa?...

- Thưa ông. - Tôi nói thật nhanh, cô gái gật đầu mất thôi - Thưa ông, quà tặng tình yêu là vô giá. Cô ấy không bán đâu, dù bao nhiêu đi nữa.

ánh mắt ông ta nhìn tôi là lạ. Rồi ông ta mỉm cười, vẫn rất lịch sự nhẹ nhàng:

- Nếu cô thuyết phục được cô ấy, bất cứ giá nào. Cô sẽ được số tiền bằng như vậy. Cái vòng đẹp quá.

Không phải vì cái vòng. Chắc chắn không phải vì cái vòng. Ống cơm lam bốc cháy trên bếp. Người đầu bếp vẫn mải nhìn về phía này. Mùi khét lẹt. "Cô sẽ được số tiền bằng như vậy". Người đàn ông này đã đọc thấu lòng tôi và đang đẩy tôi vào cuộc, ý định điên rồ vụt đến trong tôi. Cả hai, tôi và cô sẽ cùng... hoặc cùng...

- Với một trăm năm mươi đô-la, cô sẽ mua một cái vòng khác đẹp hơn, lại còn thừa rất nhiều tiền để mở một quầy hàng bán chỉ thêu, gương lược... Cô sẽ nhàn hạ hơn... - Tôi nói với giọng ngọt ngào nhất và thấy cổ họng mình khô khốc.

ánh mắt hắn đăm đăm nhìn tôi.

-... Hoặc cô sẽ mua một cái giống hệt cái vòng này, người yêu của cô không biết đâu mà. Và cô có tiền mua tặng anh ấy một món quà... nhiều món quà... Hai trăm đô-la?

Những ngón tay thô rời chiếc vòng, từ từ thõng xuống.

Thôi rồi, chúng tôi, cô và tôi... thôi rồi. Bên trong chiếc áo len dày cộm, toàn thân tôi đẫm mồ hôi.

- Hai trăm đô-la, cô đủ sức có một căn nhà vững chãi gấp nhiều lần những ngôi nhà chênh vênh sườn núi và tha hồ mua sắm đệm chăn, nồi niêu xoong chảo... Bắt đầu cuộc sống lứa đôi mà không gánh nặng nợ nần.

- Hai trăm mười...

- Không bán đâu mà!

Cô gái mấp máy môi và quay người bỏ chạy. Khung cửa rất hẹp, ngoắt một cái, cô đã biến mất khỏi tầm mắt.

*

* *

Việc cuối cùng của tour là tiễn khách ra sân bay, chúc thượng lộ bình an và vẫy tay chào. Người đàn ông tóc mầu râu bắp đi sau cùng với chiếc máy chụp hình choàng qua vai. Gần đến phòng cách ly, chợt ông quay lại:

- Tôi muốn hỏi cô một câu?

Tiếng Việt rất sõi. Dù đã đoán trước, tôi vẫn ngạc nhiên.

- Hôm ấy, cô không muốn cô gái ấy bán chiếc vòng, phải không?

-...

- Nhưng tại sao cô lại thuyết phục một cách ngọt ngào đến thế?

Một người khách với cái valy to đùng hối hả cắt ngang giữa ông và tôi, lùi một bước, tôi tránh được câu trả lời khó nói.