Cắt cỏ sân sau sân trước xong rồi tưởng đã thoát nợ thì Yến đã đon đả chạy ra bảo: "Hôm nay anh chịu khó nhổ đám cây dại xung quanh mấy bụi kiểng đi; để trông kinh quá rồi hàng xóm họ kêu ca", tôi lại phải thi hành thêm một cái "honey do" nữa. Vừa nhổ cỏ dại tôi vừa lẩm bẩm: "Mẹ! Người không lo cứ lo cỏ với kiểng, ba cái anh hàng xóm này cứ cho thất nghiệp vài tháng xem còn cỏ với kiểng hay không".

Ðang bực mình thì một con chó trắng ở đâu tà tà lại rồi xề xuống trước sân làm một bãi. Tôi nổi xùng nhặt cục đá ném cho nó chạy đi nhưng coi bộ cầm không nổi nên cu ta lết bết vừa chạy vừa rặn trông thật tức cười. Nó chạy qua góc sân nhà bên cạnh rồi mới yên tâm đứng lại ngó. Tôi tính cầm cây dượt cho nó một trận nhưng lại thôi vì thấy con chó này không phải là ba con chó hoang vẫn thường đến phá phách xóm này. Con Dixie của tôi từ trong nhà xe vọt ra nhe răng gừ gừ nhưng thấy tôi đứng yên nó cũng án binh bất động. Nếu là ba con chó hoang hôm nọ thì nó đã nhẩy lồng lên sủa rồi.

Ba con chó hoang đó không thuộc cái làng này, mấy tuần trước chúng thường chạy nhông nhông khắp xóm, chửng giỡn và phóng uế bừa bãi. Ðã báo cho ông Hội Trưởng Hội Chủ Nhà để kêu sở kiểm thú đến bắt, nhưng khi họ đến thì nhoáng một cái chúng đã lẩn đâu mất cứ nhanh như VC. Họ đâu có mất thì giờ để mà rình rập cho mình. Còn cái ban hội tề Hội Chủ Nhà cũng thuộc cái loại ăn hại đái nát nên cũng chả có biện pháp gì cả. Chỉ khi nào có hội họp thì thằng cha hội trưởng ngồi chủ tọa ong ỏng kêu gọi phải giữ cho xóm láng sạch sẽ để nâng cao giá trị nhà cửa "của chúng ta" và sau cùng hắn ta kêu gọi mọi người phải đóng niên niễm không thì sẽ có biện pháp chế tài thế nọ thế kia. Nếu ai có đặt vấn đề chó chay nhông trong xóm sủa ồn ào thì hắn ta lên giọng oai như "ông tỉnh ông quận" nào là "chúng tôi sẽ" thế nọ "chúng ta sẽ" kêu sở kiếm thú đến vv. Mọi người cười khì nói "ông không kêu" thì thôi chứ "chúng ta" nào kêu? Vả lại chính chó của ông ta cũng là vua ị bậy qua sân nhà hàng xóm nên bị khiếu nại hoài.

Thế cho nên ba con chó hoang đã xâm nhập cả vài tuần mà chúng cứ nhởn nhơ chạy từ đầu nọ qua ngõ kia; khi thì sủa um lên lúc thì xục xạo vào cả sân sau của những nhà có nuôi chó để kiếm chác. Chúng chắc thuộc khu tổng quát (general) bên kia đồi thông nên mới đi hoang như vậy. Khu tổng quát không có quy chế nên người nào cẩn thận thì khi nuôi chó họ xin giấy phép, còn kẻ nào ẩu tả thì nuôi đại chẳng cần giấy tờ gì cả. Tôi đoán chắc vậy vì có những đêm trăng sáng tôi thường thấy lũ chó rủ nhau lên đồi thông chửng giỡn, con nọ cọ con kia, nhẩy múa tung tăng. Nhưng cũng có lúc chúng hộc lên những tràng sủa hay tru tréo nghe rợn người và nhức đầu chịu không được. Cũng có khi chúng lặng lẽ vểnh mõm lên trời ngó trăng sao, nhìn cảnh đó tôi thường có những ý nghĩ lẩn thẩn: Chó sao mà cũng biết ngắm trăng, chẳng hiểu chó có biết làm thơ không? Liệu chúng có mơ màng tới mức tưởng rằng trăng là nó hay nó là trăng? Mỗi khi thấy đàn chó lên đồi thông tôi thường kêu Yến bảo: "Tối nay đám chó hoang bên đồi lại tụ tập chẳng hiểu để ngắm trăng hay để rút tỉa kinh nghiệm sủa?". Yến lạnh lùng trả lời:

- Chó sinh ra để sủa nên nó sủa chứ cần gì kinh nghiệm.

Mỗi khi tôi đưa ra một nhận xét gì thì Yến đều làm lanh sửa lưng tôi ra cái chuyện nàng cũng là một tay chữ nghĩa chứ chẳng vừa cho nên tôi chọc tức nàng:

- Mình đâu có phải là chó mà biết chúng nghĩ gì và làm gì. Chẳng lẽ chỉ có con người mới biết hội họp, chơi bời, hay bàn thảo hay sao?

Giọng Yến cứng như đá:

- Chó chỉ có tụ bẩy quần tam thành băng đẳng rồi con nọ gâu thì con kia gâu theo chứ chó không thể nào bằng con người.

Có điều lạ là khi thấy ba con chó quỷ này xuất hiện chỉ có mình con Dixie của tôi nhào ra sủa. Vì thấy chúng những ba đứa nên con Dixie luôn luôn giữ ở thế thủ, tức là chỉ đứng sân nhà mình sủa chứ không đuổi theo. Thêm một con nữa ở căn nhà cuối đường, nhưng con này nhỏ xíu bị nhốt ở trong nhà. Nó thuộc loại chó được nâng niu như con cái; thân thì nhỏ nhưng họng thì lớn. Ở trong nhà vậy mà khi thấy bóng dáng con xù và hai con đồng bọn nó nhẩy lên thành cửa sổ au ảu sủa. Nó vừa cào vào cửa xổ rồn rột rồi ong ỏng sủa giống như người ta chửi bới khi nhìn thấy một tên côn đồ mất dậy không muốn nó bén mảnh đến xóm mình. Còn con chó ở căn nhà đối diện nhà tôi thì chỉ đứng ngó. Ðứng ngó chán thì nó nằm lim rim cặp mắt ngó tiếp mặc kệ ba con chó hoang phóng uế hay tè ngay cửa nhà. Thấy cái dáng dấp "trí ngủ" sống chết mặc bay của nó tôi không khỏi bực mình xổ nho: "Tiên sư mày, chủ mày nuôi mày coi nhà mà nó đến phóng uế như vậy không chịu sủa đuổi nó đi". Mắng xong tôi ngẫm nghĩ cười một mình: "Chó chẳng lẽ không bênh chó". Con Dober của nhà bên cạnh nhà tôi thì cón tệ hơn. Mới đầu nó còn xừng xộ sủa hổ trợ với con Dixie nhưng sau đó nó lại chạy ra liếm láp ba con chó lạ rồi cứ quấn quýt với con chó vện một trong ba con đó. Lúc sau tôi mới hiểu vì con vện đó là chó cái nên cu chàng Dober này từ đó "thay đổi lập trường" câm cha nó họng lại. Thấy con Dober như vậy tôi không khỏi bật cười: "Chó mà cũng bị thần l... làm mờ trí óc huống chi người ta".

Vì vậy ba con chó hoang khi đến cửa nhà tôi chúng yên trí lớn không bị hai con chó kia tấn công mà chỉ trông chừng con Dixie của tôi. Thấy con Dixie nhỏ con vả lại chúng những ba đứa nên chúng thường đứng nghênh nhe răng khiêu khích. Dixie có lẽ cũng hiểu tình hình nên chỉ làm dữ khi có tôi còn không thì sủa lấy lệ cho bỏ ghét. Lần đầu khi thấy chúng con Dixie nhẩy lồng lên sủa. Ba con khốn cũng chẳng vừa, chúng sủa văng cả nhớt rãi. Cái con đốm sủa hăng nhất; tiếng nó lanh lảnh như tiếng xướng ngôn nhân của đài tiếng nói của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phát thanh từ Hà Nội. Tôi đứng yên coi để xem chúng sẽ giở trò gì. Con chó xù nghĩ rằng phe mình những ba họng , chắc mẩm con Dixie phải nao núng nên nó xồ lại sát con Dixie hai cái mõm dí sát vào nhau sủa toác cả họng ra ý như thách thức: "Ông đố mày dám cắn ông đấy". Dixie thấy tôi đứng coi chắc vững tinh thần nên táp một phát vào mặt con chó xù nhay ba cái rồi chạy lại đứng bên tôi sủa tiếp. Con chó xù đau quá kêu ắng một cái toan dượt theo Dixie nhưng thấy tôi cầm chổi đứng đó nên nó đành nuốt hận gừ gừ cùng hai con kia đứng giữa đường ngó rồi bỏ đi.

Khi chúng đi ngang qua căn nhà có con chó bé nhưng họng to từ trong cửa sổ au ảu sủa ra. Tiếng sủa làm xao động những nhà có chó khác lên dọc đường đều có tiếng sủa râm ran. Ba con chó hoang đứng nghe coi bộ dạng có vẻ ngán ngẩm lắm nên từ từ thả ra ngõ. Nhìn dáng dấp chúng đi cho ta có cảm tưởng chúng đang ngẫm nghĩ không hiểu sao cũng là giống chó với nhau mà thấy mình nó lại sủa như tát nước vào mặt vậy? Chẳng lẽ chó cũng phân chia nhân cách hay đẳng cấp, cũng chó nhưng chó hoang thì cũng không được coi đáng mặt làm chó. Nếu vậy thì cũng đáng tức cười vì còn con gì tệ hơn chó đâu, nếu không cho nó làm chó thì nó là cái đếch gì bây giờ?

Chiều bữa sau tôi mở cửa cho Dixie ra chơi thì lại thấy con chó xù dẫn đồng bọn tới. Không hiểu sao cu ta không sủa nữa mà đứng xa xa ở ngoài đường ngắm con Dixie. Con xù đứng ngó Dixie một hồi rồi ve vẩy cái đuôi, thè lưởi ra khà khà rớt rãi lòng thòng rồi sủa lên mộ tiếng "gầu". Con Dixie vẫn nằm yên chả nhúc nhích. Tôi nghĩ bụng chắc cu ta muốn làm quen đây; còn ả Dixie lại cứ làm ra vẻ người lớn không thèm chơi với kẻ lang thang đầu đường xó chợ. Con xù nằm phục xuống nhe răng ra như cười rồi lăn một vòng giơ bốn vó lên trời, thè lưỡi ra khà khà ý như muốn rủ con Dixie: "ra đây chơi mí tớ một tí đi". Làm trò một hồi mà Dixie không để ý tới nên cu xù ta hình như cảm thấy trơ trẽn bèn bò từ từ lại gần. Con Dixie nghêch mắt lên lườm, nhe răng gừ gừ một tràng khiến con xù tiu nghỉu lặng lẽ đi trở ra đường. Ra tới chân hộp thư nó ghếch cẳng lên tè một phát rồi mới bỏ đi. Tôi nổi xùng cầm chiếc giép quăng vào nó chửi tướng lên: Ðã là chó sao mà cũng khốn nạn thế? Nó không muốn chơi với mày thì thôi chứ mày lại giở trò khốn nạn đái bậy à?. Vừa lúc đó Yến mở cửa bước ra hỏi cái gì mà anh chửi ngậu lên vậy. Tôi bực bội đáp:

- Chó mà cũng biết đái bậy. Con Dixie không muốn chơi với nó thì thôi chứ nó lại tè vào chân thùng thư rồi mình dẵm vô thì làm sao! Yến cười mỉa mai:

- Chó thì chỉ sủa bậy chứ đâu có đái bậy. Cả chủng tộc loàiợ chó bạ đâu đái đó thì là cái căn tính của chúng rồi, còn người mà đái đường thì mới gọi là đái bậy chứ. Tôi cãi:

- Chó lẽ tất nhiên là hay sủa bậy, đái bậy rồi nhưng là chó ở xứ khác hay ở Bắc Bộ Phủ chẳng hạn. Chứ ở xứ Mỹ này dù là chó cũng phải được học hỏi dậy dỗ huấn luyện kể cả việc đi đái đi ỉa đúng giờ giấc, có nơi có chốn nên không thể có việc phóng uế bừa bãi được. Lạng quạng sở kiểm thú nhốt thấy mẹ, vì vậy tôi mới nói con khốn kia đái bậy. Yến mở to mắt ngạc nhiên:

- Cha mẹ ơi! Bữa nay ông lại mang luật lệ nguyên tắc ra mà dậy chó nữa hay sao? Ngay con người ta đây mà còn có người chẳng hiểu luật lệ nguyên tắc huống chi là chó. Bởi vậy mới có người vào tù, mới có băng có đảng phạm pháp, mới có hội có hè, có đảng có phái để chửi... nhau. Ðã là chó thì còn biết gì nữa mà dậy. Bảo nó không nghe thì lấy roi quất rồi nó sẽ theo thói quen mà vâng lời chứ .

- Ðó là chó hoang, thứ chó không ai muốn nuôi, còn chó của người ta nuôi tại nhà, sau khi được dậy dỗ một thời gian mình bảo gì nó cũng hiểu và làm không sai chệch.

Yến nheo mắt nhìn tôi vừa cười vừa nói:

- Chó mà bảo gì nghe nấy thì cũng đâu có tốt anh. Nếu bảo sủa ai nó cũng sủa, bảo cắn ai nó cũng cắn thì còn hại thêm nữa chứ.

Tôi biết Yến muốn tỏ cho tôi biết nàng cũng lý luận như ai nên tôi cứ lờ cái triết lý của nàng đi và nói khơi khơi:

- Thì thế mới gọi là chó. Ai cho nó ăn thì nó quý mến, bảo gì nó cũng nghe; ai không cho nó ăn thì nó gầm gừ. Ai cho ăn thường xuyên hay nhiều hơn thì nó theo người đó. Bởi vậy ai nói chó không phản chủ là lầm. Chó vẫn phản chủ như thường. Em nhớ văn hào người Pháp thế kỷ trước, hình như là Flaubert thì phải. Khi ông ta bị nghèo lang thang ngay con chó của ông ta mà ngoắc nó đi theo nó cũng lắc đầu lặng lẽ bỏ đi. Yến lườm tôi:

- Cái đó là anh nói quá đáng. Chó không bao giờ phản chủ cả, chỉ có con người mới phản chủ. Anh không thấy nhan nhản ở đời hay sao?

Tôi sực nhớ ra câu tục ngữ của nhân gian liền mang ra phản kích Yến:

- Chẳng trăng với sao gì cả. Em có biết tại sao người ta thường nói: "Lòng dạ chó má" hay không? Thua chưa?

Tưởng bị bất ngờ nàng sẽ hết cãi không dè nàng đã lanh lẹ đáp lại rất chí lý kiểu càng cua:

- Người ta nói vậy là vì chó nó ăn.... phẩn nên người ta nghĩ rằng lòng dạ nó bẩn nhưng cái hồn nó đã chắc gì bẩn.

Cuộc tranh luận triết lý về chó đáng lẽ sẽ tiếp diễn dài hơn nhưng bị cắt ngang vì tiếng sủa của con Dober nhà bên cạnh. Tôi lấy làm lạ nói với Yến: "Con khốn đó mấy bữa trước thấy bọn này đâu có sủa. Nó còn chạy ra nhập bọn và ve vãn con vện cái đo nữa. Bữa nay chắc không sơ mũi gì nên cu ta lại giận hờn rồi". Yến không lưu tâm chỉ cười nhạt: - Anh chỉ được cái suy đoán mông lung. Chó thì nó chửng giỡn với nhau chứ có gì mà sơ với múi...

Yến ngưng nói vì thấy con Dober chạy lại với ba con chó hoang; nó cứ bám sát con vện cái ngửi mũi ngửi đuôi nhưng con vện cứ xoay lòng vòng khiến cu ta không gỡ gạc gì được. Có lẽ thấy ngứa mắt nên con xù nổi ghen nhe răng ra gừ gừ thật lớn. Con đốm cũng nhe cái lợi đỏ choét như sẵn sàng tấn công. Con Dober thấy vậy bèn lặng lẽ trở về sân nhà đứng ngó ra coi bộ ấm ức tràn đầy. Tôi ngó Yến cười nói:

- Ðó em thấy không? Bữa trước nó với con Dixie nhà mình khi thấy bọn này thì sủa hăng lắm. Sau nó "trở cờ" vì con vện đó, nay thì lại gầm gử sủa. Chó sao mà cũng vì lợi nhỏ đổi thù thành bạn, đổi bạn ra thù như ngừii ta vậy nhỉ?

Yến tỏ vẻ khó chịu:

- Anh chỉ ví von tầm bậy không hà. Chó thì nó mới vậy chứ người ta ai lại như vậy?... Yến lại ngưng nói nhìn con xù và hai đồng bọn chạy qua sân nhà đối diện nhẩy nhót liếm láp nhau rồi con thì hếch cẳng tè, con thì xề xuống ị ý như muốn trêu ngươi con Dober trông thật ngứa mắt. Yến toan đuổi chúng đi nhưng tôi cản lại bảo để xem chúng giở trò gì. Con Dober coi bộ chịu hết nổi liền nhào ra đường sủa văng cả rớt rãi khiến chúng giựt mình co rúm cả lại. Sau một phút lấy lại bình tĩnh chúng giàn hàng ngang nghênh chiến. Dober tuy có một mình nhưng chắc đang cơn phẫn nộ nên nó sủa inh tai điếc óc, con Dixie cũng góp tiếng râm ran... Yến toan cầm chổi đuổi chúng thì tôi cản lại bảo:

- Ðể anh vào lấy tí đồ ăn liệng cho chúng để chúng khỏi sủa.

Yến cản lại:

- Ðừng. Cho chúng ăn thì chúng sẽ đến quấy rầy hoài. Ðập cho chúng một trận là bố bảo không dám bén mảng tới đây.

Tôi cù nhầy:

- Cho nó ăn thì chúng mới có thiện cảm (friendly) với mình thì mình nói chúng mới nghe chứ.

Yến trợn mắt ngó tôi:

- Chó hoang làm sao mà thay đổi được chúng. Không cóm cách gì thay đổi chúng chỉ có gậy.

Nói rồi Yến cầm chổi đi đuổi lũ chó khiến tôi phải đi theo. Lũ chó hoang coi vậy mà nhát tổ mẹ. Thấy Yến cầm chổi với tôi đi tới chúng kêu ứ ứ rồi líu ríu chạy tông tông ra cuối đường. Các con chó nhà khác trong ngõ lúc đó cũng nhào ra vệ đường hay sát hàng rào sân cùng nhau tấu khúc nhạc chó vang rân như biểu dương một sự hậu thuẫn. Tôi chửi đổng:

- Tiên sư chúng bay, lúc nãy thì không ra mà xé xác chúng đi, bây giờ thấy người cầm chổi chắc ăn rồi mới nhào ra ăn có.

Yến bất mãn:

- Tôi không hiểu anh có ác cảm vời loài người hay loài chó mà lúc nào anh cũng ví von tùm lum vậy? Nó có biết gì đâu mà ăn với có. Anh luôn luôn nói không được chính xác. Chó chỉ có tật ăn vụng thôi chứ đâu biết ăn có. Người ta mới biết ăn đủ kiểu kẻ cả ăn bẩn nữa anh biết không.

Tôi bướng:

- Em nói sai chứ anh không có nói sai. Con người không có ai ngu mà đi ăn bẩn. Cái gì bỏ vô miệng được thì mới ăn.

Yến nghiêm nghị:

- Này! Ðừng có giở giọng gàn ra với tôi. Thế anh không biết câu "ăn xôi chùa thì ngọng miệng", hoặc họ đấm mõm rồi thì đâu dám há họng ra. Ðó cũng là ăn bẩn chứ còn gì nữa.

Tôi cắc cớ:

- Thế khi người ta bị đồng đô la dán vô mõm hả họng ra không được thì gọi là ăn gì?

Yến chẳng chịu thua:

- Cái đó cũng gọi là ăn bẩn, ăn xôi chỉ bị ngọng, còn ăn kiểu đó thì bị tắc họng. Lần nào lý luận với Yến tôi cũng có vẻ thua vì có lẽ nàng là đàn bà mà lại là vợ tôi nên tôi phải chịu thua. Tôi yên lặng suy nghĩ về nàng nói: "Có gì mà không thể thay đổi được? Nếu mà không cái gì có thể thay đổi được thì nhân gian đâu có loạn. Ðâu có cảnh đâm chém hận thù.

Hai ngày sau không thấy lũ chó này trở lại, tôi tưởng chúng đã sợ không dám bén mảng tới nữa. Nhưng buổi chiều kế sau đó con chó xù lại dẫn con đốmto họng và con vện hung hăng lò mò đến xóm. Có lẽ chúng còn ức con Dixie của tôi nên chúng hay dừng lại trước cửa nhà tôi. Tôi chạy vào trong bếp lấy ít cơm, mấy miếng thịt kho và một vài trái ớt tính cho lũ chó này một bài học. Yến thấy vậy chặn lại hỏi: "Anh làm cái trò gì vậy?". Tôi nói cho Yến nghe ý định của tôi rằng tôi dụ cho chúng ăn rồi xát ớt vào mũi chúng, tọng trái ớt vào họng chúng, còn con chó xù tôi sẽ bắt hai con kiến lửa bỏ vào tài nó như vậy chúng sẽ nhẩy cẫng lên. Nhìn cái cảnh con thì bị kiến đốt trong tai, con thì bị cay lòi con mắt ra rớt rãi lòng thòng, rên rỉ lăn lộn trông sẽ vui mắt vô cùng. Từ nay bố bảo lũ chó này sẽ không còn đến xóm này quấy rầy nữa. Sau khi nghe tôi kể Yến dậm chân cảnh cáo:

- Anh không được làm bậy bạ như vậy. Bọn Hội Bảo Vệ Súc Vật mà biết là đi tù chứ chẳng giỡn đâu. Khùng gì đâu đấy. Ở nước này thì phải theo luật nước này chứ đừng nghĩ rằng đây là ngã Sáu ngã Bẩy của anh ở bên nhà rồi muốn làm gì thì làm.

Tôi bực bội nói:

- Không có hội nào bảo vệ chó hoang đến phá làng phá xóm hết. Có ngon thì đến đây mà bảo với vệ.

Yến giằng đồ ăn lại và cầm chổi ra sân, vừa đi vừa la tôi: "Anh là người mà anh chơi đòn bẩn với cả chó mà anh không biết xấu hổ, chúng là chó mà chấp nhặt làm gì. Riết rồi anh đâm khùng quẩn đến nơi rồi...". Nàng cầm chổi hung hăng đuổi lũ chó, khiến chúng ngơ ngác chẳng hiểu mẹ gì cứ tông tông hốt hoảng co giò dông tuốt. Yến múa chổi ra tới cổng làng mới trở về quăng cho tôi một cái lườm muốn bốc lửa rồi đi vào nhà. Tôi bực mình nói trỏng:

- Mẹ! Ngay con người đây mà thiếu gì kẻ còn tệ hơn chó huống chi chó. Không cho chúng một bài học thì chúng cứ quấy rầy hoài...

Thế rồi không biết là sở kiểm thú đã hốt chúng hay là chúng sợ Yến mà không thấy chúng trở lại. Lạ hơn nữa tiếng sủa trên đồi thông cũng hết và những đêm trăng không thấy chúng tụ tập ngó trăng để mơ màng thơ thẩn. Tôi lại đâm ra nhớ chúng mới lạ chứ. Khi tôi thù chúng thì tôi muốn diệt chúng hay làm cho chúng đau khổ; nay chúng không còn nữa thì tôi lại nhớ vì không còn đối tượng để căm thù? Nếu vậy thì thật tệ. Chính tôi mà còn chả hiểu được tôi thì làm sao tôi hiểu được thiên hạ...

Tiếng Yến làm tôi giật nẩy mình:

- Có một chút cây dại mà cả gần tiếng đồng hồ không nhổ được tí nào. Từ nẫy giờ anh làm gì ở ngoài này? Chồng con gì mà nhờ một chút cũng không xong!

Tôi trở về thực tại ấp úng:

- Thì anh đang nhổ đây thôi.... day dí cái gì?

Tài liệu theo:doanket.web1000.com