Chương 1
Từ Sài Gòn đi Vũng Tàu người ta có thể dùng một trong hai lộ trình: hoặc dùng con lộ mới có tên là xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa hay dùng con đường cũ tức là quốc lộ số 1. Để đi về các tỉnh miền Trung, quốc lộ số 1 khởi đầu từ ngã ba cầu Bình Lợi. Từ ngả ba nầy, nếu hướng về phía cực Đông thì sẽ dẫn đến những tỉnh lỵ miền Đông như Bình Dương, Bình Long, Phước Long. Nếu đi chệch về hướng Đông Bắc một chút thì sẽ tới tỉnh lỵ Biên Hoà. Có hai chiếc cầu sắt được bắt ngang qua hai nhánh nhỏ của con sông Đồng Nai trước khi đi vào trung tâm của tỉnh lỵ nầy. Về phía Nam của đoạn cầu thứ nhứt là một thị trấn nhỏ có tên là Chợ Đồn nằm trên giao điểm của quốc lộ số 1 và một con lộ độc đạo đưa tới các quận Tân Qúi Đông, Tân Ba và Tân Uyên. Từ con lộ độc đạo nầy, một ngả rẽ ngang đi về một địa điểm dùng để cô lập những người bị phong cùi: đó là Trại cùi Bến Sắn. Quận Tân Uyên cách ngả ba Chợ Đồn khoảng 30 cây số và nằm về bên bờ hữu ngạn của một nhánh nhỏ của con sông Đồng Nai. Phía Đông của quận lỵ Tân Uyên là chiến Khu D với rừng cây dầy đặc san sát, ngút ngàn mà bộ đội của lực lượng du kích dùng làm căn cứ địa dưỡng quân, huấn luyện binh sĩ và làm bàn đạp phát xuất cho những đợt tiến quân hoặc pháo kích vào các tỉnh, quận đang ở dưới quyền kiểm soát của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, hay nhắm vào những căn cứ quân sự của Mỹ, của quân đồng minh, các địa điểm đóng quân của chính phủ. Chiến khu nầy được coi như lũy sắt thành đồng của quân du kích và bộ đội giải phóng của miền Bắc vì thế trở thành một vùng oanh kích tự do của quân đội Mỹ và đồng minh. Quân lực Mỹ có thể gọi phóng pháo cơ khổng lồ B.52 để dội bom vào khu rừng già nầy hoặc dùng đại pháo từ các căn cứ quân sự của quân đội Cộng Hòa để bắn phá vào những địa điểm tụ quân của bộ đội giải phóng. Từ ngã ba Chợ Đồn muốn tới quận lỵ Tân Uyên dân chúng thường chỉ có thể dùng xe lam ba bánh đưa đón hành khách để tới nơi hoặc từ Tân Uyên ra Biên Hoà. Đa số hành khách là đàn bà và trẻ nít mới dám bạo gan tới lui trên con đường độc đạo đầy cạm bẫy và mìn chông nầy. Con đường được coi là tương đối an toàn mỗi khi có những đoàn xe tiếp vận của quân đội Cộng Hòa di chuyển tới lui hậu cứ của trung đoàn 48 biệt lập đóng quân ở sát chợ Tân Uyên; bởi vì chỉ có những dịp như thế thì con đường mới được dò ra mìn bẫy và dọc theo hai bên đường thì có binh lính của trung đoàn 48 được phối trí nằm chận từ sáng sớm để giữ gìn an ninh cho đoàn xe tiếp vận di chuyển lên xuống trong suốt ngày hôm đó. ***** Vào một buổi xế trưa mùa hè năm 1968, một chiếc xe lam ba bánh chở đầy hành khách chạy dọc sát lề bên mặt trên con đường đi Tân Uyên song song với đoàn xe tiếp vận của quân đội. Bụi đất tốc bay mù mịt phủ kín thân chiếc xe. Hành khách trong xe bị nhồi lắc như trái banh mỗi khi chiếc xe phải gầm rú lên để trườn lướt qua những ổ gà hoặc hố bom đạn trên lộ trình di chuyển. Trên xe đa số là đàn bà, ông già, bà lão. Trong số hành khách bị dồn ép ngồi bó cứng như nêm đó người ta thấy có một thiếu nữ trạc chừng 13 hoặc 14 tuổi: đó là Phượng Uyên. Từ sáng sớm hôm đó Phượng Uyên đã ra tỉnh lỵ để xem kết quả kỳ thi vào lớp đệ thất trường trung học công lập Biên Hòa. Em mặc một bộ đồ bà ba màu hồng lợt đơn giản, với mái tóc đen cắt ngắn gọn. Nét hiền hòa mộc mạc của một thiếu nữ miền Nam hiện rõ trên gương mặt trái soan cùng với đôi mắt đen nhánh của em. Phượng Uyên nhìn quanh và tươi cười với tất cả mọi người trong xe. Em có vẻ vui mừng hớn hở và yêu đời một cách kỳ lạ. Em quay sang một người hành khách ngồi bên cạnh bắt chuyện. Giọng nói của em phấn khởi và kích thích: --" Thưa thiếm, hôm nay cháu vừa mới thi đậu vô lớp đệ thất trường trung học phổ thông công lập của tỉnh mình đó thiếm! " Người đàn bà ngồi gần, nhìn Phượng Uyên có vẻ khâm phục và ngạc nhiên : --" Thiệt hả? Sau cháu giỏi vậy? Con của thiếm cũng đi thi vô trường đó nhưng nó bị trượt vỏ chuối, không đủ điểm đậu, dù là đậu vớt cũng không có để có thể nằm trên danh sách đậu dự khuyết! Nó dở quá sức! Năm nay nó 14, 15 tuổi đầu rồi, thi tới thi lui hai ba bận, năm nào cũng thi mà cứ ạch đụi bị rớt hoài, thật chán nản vô cùng!" Người đàn bà thở dài, nín lặng hồi lâu rồi nói tiếp: --" Còn cháu năm nay bao nhiêu tuổi mà giỏi quá vậy? Coi cháu nhỏ xíu óc tiêu hè, vậy mà làm nữ sinh trung học rồi! . . ." Phượng Uyên mỉm cười thích chí: --" Thiếm coi nè, đây là bảng danh sách của những thí sinh trúng tuyển chính thức vào lớp đệ thất năm naỵ Nguyễn Phượng Uyên ở hàng thứ 6 là cháu đó! Thiếm có thấy không?" Người đàn bà cầm lấy bảng kết quả quan sát một hồi rồi phất phẩy tờ giấy trước mặt mọi người ngồi trong xe, miệng phân bua: --" Bà con coi nè, nhỏ xíu như vầy mà đã đậu vô trung học rồi mà còn đậu hạng cao nữa mới là giỏi! Con cái nhà ai mà có phước quá trời quá đất! Con của tui mà được như vầy thì dẫu nó có muốn ăn gan rồng, trứng phụng thì tui cũng phải chạy đi kiếm cho ra để nó được vừa ý! . . ." Tầt cả mọi người ngồi trên xe đều trầm trồ tỏ ý khen ngợi cô con gái bé nhỏ tài ba trong khi chiếc xe đã lướt qua cổng kiểm soát dẫn vào trung tâm quận lỵ và chẳng bao lâu đã ngừng lại trước đầu chợ Tân Uyên. Chợ Tân Uyên là một căn nhà lồng rộng lớn, mái lợp tôn, chiếm một diện tích vào khoảng 600 mét vuông. Một đầu chợ nằm sát bờ hữu ngạn sông Đồng Nai còn đầu chợ kia chạy dài ra gần sát con lộ độc đạo dẫn về ngả ba Chợ Đồn. Hai bên chợ là 2 dãy nhà của dân chúng lẫn lộn với những căn phố buôn bán của khu chợ. Trước đầu chợ, ở phía bên kia con lộ là những thửa ruộng khô thiếu nước, lau sậy mọc đầy chen lẫn những mái nhà tranh vách đất chạy suốt dọc từ cổng kiểm soát ra vào quận lỵ cho tới quá phạm vi của hậu cứ bộ chỉ huy trung đoàn 48 biệt lập của quân đội Cộng Hòa. Hậu cứ bộ chỉ huy trung đoàn 48 là một khu thành lũy rộng lớn, kiên cố được bao bọc bằng một vòng đai ụ đất cao dầy trên mặt cặm đầy chong tre vạt nhọn cùng với dây kẽm gai giăng mắc chi chít. Cách bờ đất vòng đai khoảng 20 mét là bãi mìn Klê-mo (claymore) dùng để chống chiến thuật biển người của bộ đội giải phóng và quân du kích. Dọc quanh và trên bờ đất là những vọng gát canh được che bọc bằng những bao cát cứng đầy, kiên cố. Trong lòng của bờ thành đất là những ụ súng đại liên nòng 30 li dài ngoằn hướng về phía ngoài vuông rào của thành lũy qua những lổ châu mai tối hẹp. Nhà của Phượng Uyên là một trong những căn phố nằm sát cạnh bờ đất phòng thủ của hậu cứ trung đoàn. Từ bến xe Lam ở đầu chợ, Phượng Uyên chạy như bay về nhà rồi mở cổng rào ùa nhanh vào bên trong, tay gõ đập liên hồi thành cửa, miệng gọi lớn: --" Ba ơi, mẹ Ơi . . .Mở cửa cho con mau lên . . .Con đậu rồi đây nè! Con được vô lớp đệ thất rồi! . . ." Qúa nôn nóng và kích thích, Phượng Uyên vừa gọi vừa đưa tay xô mạnh cánh cửa: cánh cửa không khóa, bật mở rộng. Từ phía nhà sau, ba mẹ của Uyên đang ăn dỡ bữa. Họ quăng đũa đứng bật dậy, mắt họ sáng rực long lanh, mặt họ mừng rỡ vui tươi khi nhìn thấy đứa con gái đang đứng ngoài ngạch cửa phía trước phe phẩy tờ danh sách của những thí sinh trúng tuyển. Giọng nói của Phượng Uyên tiếp nối trong khi đôi vợ chồng trung niên đó vẫn còn há hóc vì ngạc nhiên. Phượng Uyên líu lo: --" Đây nè, thấy không . . .Tên con nè, Nguyễn Phượng Uyên đậu hạng 6 đó! Phục con chưa? . . " Đứa con gái sắp tiếp tục bày tỏ thêm những lời hoan hỉ thì bất thần một tiếng nổ long trời lở đất phát ra từ trên mái nhà và liền ngay sau đó có tiếng đồ đạt vỡ rơi loảng choảng cùng với những kèo, cột, gạch, ngói ngả nghiên đổ sụp chồng chất khắp nơi. Rồi có tiếng rên la gào thét ơi ới cách chỗ Phượng Uyên chừng năm, mười mét . . .Trong cảnh hỗn man trời sập, Phượng Uyên cảm thấy mình bị cuốn xoắn trôi vào một vực thẳm đỏ ối trong một vùng hoang vắng tử địa! . . .Phượng Uyên thét lên kinh hoàng và ngất đi trong cơn mê loạn. * Làng Cô Nhi Long Thành Từ tỉnh lỵ Biên Hòa nếu tiếp tục di chuyển theo hướng chính Bắc trên quốc lộ số 1 thì người ta sẽ đi về hai phía: một phía về các vùng cao nguyên Trung phần còn một phía nữa thì đưa tới những tỉnh cực Nam nằm sát cạnh bờ biển Đông của miền Trung cằn cỗi. Khi ra khỏi tỉnh lỵ Biên Hòa và tới một ngả rẽ trên quốc lộ số 1 thì người ta lại bắt đầu đi tới một thị trấn miền biển nổi tiếng của miền Việt Nam: đó là thị trấn Vũng Tàu mà người dân miền Nam quen gọi là Ô Cấp, tiếng gọi ngắn gọn của một cái tên mà thực dân đã đặt cho thị trấn nầy: " Cape-Saint Jacques". Nằm giữa Biên Hòa và Vũng Tàu là quận Long Thành, một địa danh nổi tiếng với những loại trái cây thơm ngon của miền Nam như sầu riêng, chôm chôm trốc hột, nhãn nhỏ hột . .v.v . .Long Thành cũng là trạm nghỉ chân xả hơi của du khách trên đường ra Vũng Tàu; họ dừng lại ở đây để ăn cơm trưa với những món thịt rừng khoái khẩu. Quận lỵ nhỏ bé nầy còn có một địa điểm rất đặc biệt và dù rằng không phải là một danh lam thắng cảnh nhưng cũng thu hút được rất nhiều du khách nhứt là những du khách theo đạo Phật: đó là Làng Cô Nhi Long Thành. Làng cô nhi nầy là một doanh trại rộng lớn gồm có 5 dãy nhà tôn dài, vách gạch quét vôi, nền tráng xi măng. Mỗi dãy có thể chứa khoảng một trăm trẻ nhỏ. Các em thuộc đủ mọi lứa tuổi, từ những em bé mới sinh được một vài tuần còn đỏ hoe xám xịt đến các em đã biết nói, biết đi, biết chạy hoặc những em lớn tuổi hơn đã biết làm việc để sản xuất mưu sinh hay phụ giúp chăm sóc những em bé nhỏ khác. Hơn một ngàn trẻ nhỏ bơ vơ, không cha không mẹ, vô gia đình, thiếu vắng tình thương đang sống lây lất chen chúc nhau trong những dãy nhà tôn nóng bức âm u của trại từ thiện nầy. Đa số các em đều được cắt tóc sát da đầu, chỉ còn được chừa lại một chỏm tóc nhỏ để che phủ bờ trán xanh xao gồ xương. Những bộ quần áo nâu các em khoác trên những tấm thần gầy gò khiến cho các em đều trở thành những chú tiểu sa di ở những ngôi chùa nơi thâm sơn cùng cốc. Các em được nuôi nấng dạy dỗ miễn phí nhưng chỉ được ăn uống có chừng mực gần như là chỉ ăn cầm hơi để mà sống! Ở đây không có sơn hào hải vị mà chỉ có cơm gạo lức đỏ với tương chao và rau lang luộc, ngày một bữa. Thỉnh thoảng có khách hành hương tới thăm viếng thương tình bố thí cho vài cân bánh kẹo thì các em mới được chấm mút để qua cơn thiếu thốn thèm khát. Các em phải sống trong nề nếp kỷ luật của trại đặt ra và phải tập tành làm việc chứ không được ăn không ngồi rồi nhởn nha nhởn nhợ Những em cứng đầu cứng cổ sẽ bị cô lập và nhịn đói. Những trẻ làm biếng không chịu làm việc để sản xuất sẽ không được dự phần vào những quà cáp do khách thập phương cúng tặng. Tương, chao, đậu hũ, bột mì căn, sữa đậu nành, đó là những mặt hàng sản xuất do các tăng ni cùng với các em cô nhi làm ra để hằng ngày đem bán ở các chợ hoặc mang đi bỏ mối bán sỉ cho những tiệm tạp phộ Đó là nguồn lợi tức chính thức để nuôi dưỡng cho cả trại. Chính phủ Sài Gòn cũng có trợ cấp nhỏ giọt, khi có khi không vì họ nghi ngờ rằng trại cô nhi nầy là chỗ ẩn náu, dung túng cho bộ đội du kích địa phương của tổ chức MTGPMN. Họ còn cho rằng các nam tu sĩ ở trại nầy là những thành phần trá hình của đối phương nằm vùng để phục kích đánh phá các vùng lân cận của Sài Gòn. Trại có một bệnh xá nằm trong dãy nhà tôn thứ nhứt, ở về phía trái của cổng vào trại. Từ con đường cái, một con đường đất đỏ được xây đắp nối theo, chạy lấn vào tới phía cổng trại. Hai bên bờ của con đường đất đỏ nầy là những lũy tre rừng và cây lồ ô-- giống như cây mây nhưng rỗng ruột-- dày đặc. Phía sau vòng rào của trại là những đợt rừng cây cao su ngút ngàn chạy dài mút mắt. Ở cuối dãy của bệnh xá, sát gần cửa sổ nhìn ra bìa rừng cao su là một chiếc sạp tre trải chiếu cói và Phượng Uyên hiện đang ngồi trên chiếc sạp đó, lưng dựa vào bờ tường, chân phải thả thòng xuống nền xi măng còn chân trái bị bó bột dầy cộm nằm ì duỗi thẳng bất động trên sạp cùng với đôi mắt ưu tư sầu muộn! Gương mặt của em tái xanh. Tóc em chưa dài lắm và được thắt gọn thành đôi bím thả lửng lơ hai bên bờ vai. Đã hơn 6 tháng qua rồi. Thời gian trôi thật chậm đối với Phượng Uyên. Cơn ác mộng vẫn còn đang lẩn quẩn trong đầu óc non dại của em tưởng chừng như nó mới xảy ra ngày hôm qua, hôm kia. Khi tỉnh lại trong phòng hồi sinh của bệnh viện Chợ Rẫy, toàn thân Phượng Uyên tê rần, chân trái đau buốt thấu xương và cứng đơ trong lớp băng bột trắng xóa. Ăn uống và trị dưỡng được hai tuần lễ tại bệnh viện thì Phượng Uyên bắt đầu tỉnh trí nhưng Uyên không thể nào nhớ nỗi chuyện gì đã xảy ra cho bản thân em và ba mẹ của em. Đầu tuần lễ thứ 3 tại bệnh viện thì một vị ni cô ăn mặc nâu sồng được đưa vào thăm viếng Phượng Uyên và biến cố tàn khốc ngày hôm đó, ngày Phượng Uyên thi đậu vào lớp đệ thất trường trung học công lập, đã được vị ni cô kể lại cho em nghe: ba của em chết liền tại chỗ; mẹ của em thì trút hơi thở cuối cùng trên đường chở tới bệnh viện còn Phượng Uyên thì chân trái bị gảy, thân thể, mặt mũi thì đầy thương tích vì mảnh bom đạn rơi vào nhà, không phải bom đạn của bộ đội du kích nhưng éo le thay lại là bom đạn do máy bay của quân đội đồng minh giải tỏa nhầm lẫn vào khu chợ Tân Uyên! Đây không phải là lần đầu tiên có tai nạn xảy ra như vậy nhưng sự thể đó thỉnh thoảng vẫn xảy ra vì trên thượng nguồn thuộc hữu ngạn của con sông Đồng Nai, cách chợ Tân Uyên khoảng chừng 10 cây số là một vùng dành riêng cho máy bay của Mỹ và đồng minh hướng tới đó để trút bỏ gánh nặng bom đạn dư thừa sau khi đi oanh kích các vùng tụ quân của bộ đội giải phóng trong chiến khu D, trước khi bay trở về căn cứ không quân Biên Hòa. Trước khi chết, mẹ của Phượng Uyên đã trao cho người ni cô đi theo xe cứu thương một bao thơ dầy, dán kín để trao lại cho con gái nếu nó may mắn còn sống sót. Nghĩ tới ba, nhớ tới mẹ, mắt Phượng Uyên lệ nhỏ tuôn trào, miệng khô mặn đắng! Đôi môi Phượng Uyên bị nghiền cứng đến rướm máu. Em cầm chiếc phong bì dầy cộm, mắt nhìn trừng trừng vào nó tưởng chừng như mình đang siết nghẹt cổ họng kẻ sát nhân đã giết chết những người thân thương của em. Mấy tiếng đồng hồ sau khi người ni cô đã ra về, Phượng Uyên mới trở lại trạng thái tỉnh tuồng. Em lạnh lùng xé bao thơ: trong bao thơ có 3 tấm hình và một lá thư dài. Tấm hình thứ nhứt là hình của ba mẹ bồng Phượng Uyên, phía sau có ghi chú " Bé Uyên được 6 tháng" ; tấm hình thứ nhì là một người đàn bà trẻ đẹp sắc sảo cũng đang bồng một bé gái với dòng chữ ghi chú "Kỷ niệm ngày đầy tháng con gái cưng của mẹ" và phía góc dưới còn có một dòng chữ khác " Bé Uyên được một tháng khi về Tân Uyên với ba mẹ" ; tấm hình thứ ba cũng là hình của người đàn bà đó đứng cạnh một người đàn ông mặc quân phục với một dòng chữ ghi nghiêng nghiêng " Kỷ niệm ngày anh ra đơn vị chiến đấu". Phương Uyên nhận diện được ngay ba mẹ đang bồng Phượng Uyên trong tấm hình thứ nhứt. " Còn người đàn bà đẹp sắc sảo nầy là ai mà cũng bồng một đứa nhỏ giống hệt như mình ?" . Phượng Uyên nhíu mày suy nghĩ và tự đặt câu hỏi nhưng rồi nhún vai chịu thua, không thể hiểu nổi nội dung và ý nghĩa của những tấm hình đó. " Còn ông sĩ quan nầy nữa! Ông ta là ai mà lại lẫn lộn trong xấp hình xưa cũ nầy?" Lòng tràn đầy băn khoăn thắc mắc, tay Phượng Uyên run rẩy lần mở lá thự Nét chữ quen thuộc thân thương của ba giống như những con kiến than đang bò quanh tròng mắt của Phượng Uyên khiến cho em cảm thấy xốn xang thương cảm và rồi chỉ trong phút chốc nước mắt em lại lã chã tuôn trào thấm ướt lá thư, làm nhoè nhẹt những giòng chữ trên trang giấy vàng úa. Lá thư viết: " Phượng Uyên yêu dấu của ba, mẹ, " Lá thư và những tấm hình nầy cuối cùng rồi cũng đã tới tay con. Ba mẹ đã hứa với người ta là chỉ khi nào con đầy đủ trí khôn rồi thì ba mẹ mới giao trả cho con những tấm hình đó. Ba mẹ biết trước rằng khi xem những tấm hình nầy con sẽ bị hoang mang, thắc mắc. Thì đây, để ba mẹ kể cho con nghe: hình của ba mẹ thì chắc con đã nhận diện được ngay phải không? Còn hình của người đàn bà xinh đẹp kia và người đàn ông mang lon sĩ quan Cộng Hòa đứng chụp chung với người đẹp đó, họ là ai? Tại sao ba mẹ lại trao gởi cho con những tấm hình nầy? Ba mẹ muốn nhắn gởi gì cho con qua những tấm hình đó? Trả lời ngay để con khỏi nôn nóng thắc mắc: người đàn bà xinh tươi đẹp đẽ đó chính là người đã mang nặng đẻ đau, là mẹ ruột của con và đứa bé đang bồng trên tay chính là con, là bé Phượng Uyên vừa tròn một tháng tuổi. Còn người đàn ông sĩ quan mang cấp bậc chuẩn úy là ba ruột của con đứng chụp chung với mẹ con trước ngày ba con ra đi đáo nhậm đơn vị mới. Con sẽ sẽ tự hỏi: " tại sao lại có chuyện kỳ lạ như thế? Hai người nầy là ba mẹ của con, mà ba mẹ đây cũng là ba mẹ của con? Hồi trước ba mẹ đó ở đâu mà lại để cho ba mẹ nầy gánh vác? " " Con gái thương của ba mẹ, " Chuyện rắc rối nầy đáng lẽ ra ba mẹ phải giữ lời hứa không được kể lại cho con nghe. Tuy nhiên ba mẹ tin rằng khi những tấm hình và lá thư nầy tới tay con thì con đã trưởng thành, đủ minh mẫn để nhận thức rõ rệt cội nguồn thực sự của con. Câu chuyện nầy ba mẹ chỉ kể tóm lược như sau: " Mẹ ruột của con tên là Trần Kim Phượng, con gái duy nhứt của một gia đình giàu có quyền uy ở Sài Gòn còn ba ruột của con là một sinh viên nghèo rớt mồng tơi tên là Nguyễn Ngọc Uyên. Hai người nầy thương yêu nhau nhưng ông bà ngoại của con cấm đoán và tìm đủ cách để chia cắt vì vấn đề môn đăng hộ đối! Cuối cùng ba mẹ của con đành phải tự quyết định tương lai cuộc đời của họ bằng cách âm thầm đưa nhau ra quận làm hôn thú để trở thành vợ chồng một cách chính thức và hợp pháp. " Danh có chánh, nhưng ngôn không có thuận vì vậy không có đưa dâu, không có đám cưới rình rang, không có tiệc tùng đãi khách, thật là buồn! Nhưng bù đắp lại thì họ đã được tròn câu thề ước. " Sau đó, ba con phải vào trường võ bị sĩ quan Thủ Đức. Tốt nghiệp với cấp bậc chuẩn úy trừ bị, ba con được bổ sung ra một đơn vị chiến đấu ở vùng hai chiến thuật trong khi mẹ con cấn thai con vừa tròn 2 tháng. " Năm tháng sau đó thì có tin ba con tử trận và vì bị chấn động quá sức, mẹ con đã sinh non, thiếu ngày thiếu tháng và đứa bé gái sinh non đó là con, là cô bé Phượng Uyên của ba mẹ bây giờ đó. " Lúc ấy, ba mẹ Ở sát cạnh với nhà ba mẹ ruột của con trong một ngõ hẻm tại khu chợ Vườn Chuối, Sài Gòn. Hai gia đình trở nên thân thuộc khắn khít. Khi con vừa được 6 tuần thì mẹ của con bồng con qua, khóc, rồi gởi cho ba mẹ, nhờ ba mẹ coi sóc dùm vài ngày vì mẹ con phải ra Đà Nẵng sắp xếp việc làm ăn sinh sống. Rồi, kể từ ngày đó thì bặt vô âm tín, không còn nhận được tin tức gì của mẹ con nữa! " Những tấm hình ba mẹ ruột của con là những vật quý báu duy nhất mà mẹ con để lại cho ba mẹ trong ngày ra đi tìm đường sống. Rồi khi con được 6 tháng, ba mẹ phải dời về làm ăn sinh sống ở quận Tân Uyên sau khi để địa chỉ mới của ba mẹ, đưa cho người chủ phố trao lại nếu mẹ con có quay về chốn cũ. " Kể từ ngày đó, ở Tân Uyên, cứ mỗi 3 tháng, ba mẹ nhận được một bưu phiếu của một người không tên gởi tiền tới với lời ghi chú ngắn gọn: trợ cấp cho cháu Nguyễn Phượng Uyên. " Ba mẹ không có con, lại quá nghèo nên mới đành trở về Tân Uyên là nơi chôn nhau cắt rún của ba con, trở lại nghề làm ruộng. Dù rằng con không phải là con đẻ, nhưng ba mẹ thương con như máu mủ chảy trong huyết quản của mình. Thương con quá đỗi cho nên có nhiều lúc ba mẹ muốn thủ tiêu, hủy diệt đi những bằng chứng về tông tích, gốc gác của con để được giữ con bên cạnh suốt đời nhưng rồi lại nghĩ tới hoàn cảnh thảm thương của ba mẹ ruột của con cho nên ba mẹ không thể nào thực hiện nổi ý đồ chia cắt tình mẫu tử thiêng liêng." Lá thư dài còn hơn trang giấy nhưng mắt của Phượng Uyên không còn nhìn thấy được gì nữa! Toàn thân Phượng Uyên run lẩy bẩy, tay chân như bi rũ liệt. Em cảm thấy như có một tảng đá nghìn cân đang đè bẹp thân xác khiến cho em bị đứt hơi thở từng cơn và trong phút chốc em đã rơi vào mê loạn, miệng nói lầm bầm những câu vô nghĩa như người điên đang lên cơn bệnh nặng. Ở lại nhà thương thêm một tháng nữa thì người ni cô trở lại đón Phượng Uyên xuất viện và đưa em về trại cô nhi Long Thành. ****** Sáng nay Phượng Uyên ngồi nhìn xuống triền đồi tràn ngập cây cao su, lòng cảm thấy mơ mơ màng màng như kẻ mất hồn. Hồn phách của ba mẹ như còn lẩn quất đâu đây như chưa muốn rời xa đứa con yêu dấu. Từ phía xa xăm, nơi dãy rừng cao su ngút ngàn kia, bóng dáng của ba mẹ như ẩn như hiện, như đưa tay mừng đón đứa con gái thân thương của mình. Mặt hai người sáng rỡ, mắt hai người long lanh như ngày mừng đón đứa con gái thi đậu vào lớp đệ thất. Rồi như có một nguồn lực vô hình nào đó thúc giục, Phượng Uyên bất thần thòng cả đôi chân xuống nền xi măng và đứng thẳng người lên để chạy về phía cửa sổ nhưng rồi chợt như tia chớp, Phượng Uyên cảm thấy mình bị rơi tuột vào một vực hố đầy lửa đỏ nóng rực. Khi đã tỉnh thần, Phượng Uyên mới biết được là mình đang té nằm sóng soài trên nền xi măng khô cứng và người ni cô đang lay quay dìu đỡ em về phía chiếc sạp với giọng nói đầy lo âu: --" Chuyện gì vậy? Tại sao bị té xuống nền xi măng nặng nề như thế? Em có sao không? " Phượng Uyên gượng cười, cố nén cơn đau: --" Dạ thưa em không sao hết . . .Chỉ hơi ê ẩm bên phía chân bị băng bột thôi! Xin ni cô tha lỗi vì em đã làm cho ni cô phải lo âu . . ." Giọng người ni cô ôn tồn và hiền hòa: --" Tạ Ơn đức Phật đã phù hộ cho em, chứ nếu không thì dễ gì em được toàn vẹn với một cái té nặng nề như thế! Cẩn thận, ráng gìn giữ lấy thân, ở đây không có ai theo dõi em từng giây để cứu giúp em trong những trường hợp như vầy! . . .Em có biết hôm nay là ngày gì không?" Phượng Uyên ngơ ngác nhìn người ni cô: --" Dạ thưa em không biết . . ." Hôm nay em phải trở lại nhà thương để tái khám và cắt băng bột cũng như để được hướng dẫn cách tập đi đứng cho em mau trở lại tình trạng bình thường đó." Phượng Uyên bỗng thấy rộn ràng mừng vui trong lòng! Em nghĩ thầm: " Tốt quá rồi! mình lại có thể về thăm mộ ba mẹ và đi học trở lại . . .Nhưng, chắc là chưa đi học được vì còn phải đi Đà Nẵng để gặp mẹ trước đã . . . Mà Đà Nẵng là ở đâu vậy? Sao hồi đó tới giờ chưa nghe nói tới? Rồi biết có gặp được mẹ hay không ? Không biết mẹ bây giờ ra sao ? Trong hình thì mẹ đẹp quá, nhưng mười mấy năm nay bình bồng trôi giạt không biết mẹ có còn được đẹp như xưa chăng? . . ." Tiếng nói của người ni cô kéo Phượng Uyên trở về thực tại: --" Bây giờ em lo chải chuốt và ăn mặc gọn gàng một chút để chúng ta trở lại nhà thương cho kịp giờ hẹn. " Phượng Uyên mỉm cười nhìn ni cô tỏ dấu hiểu ý.