Chén Tình

Đào được sáu mét đất đá mới tới đất sét. Từ đáy giếng, Tì bỗng hét lên: "Cho tao lên, Sáng... ", "Có ngay, có ngaỵ Gớm làm như bắt được vàng không bằng. Nào... Bám chặt vào... ". Sáng nói và gồng người quay tay tời.

Tì đã bám vào sợi thừng, bò ra khỏi miệng giếng. Mặt anh đỏ bừng bừng, tỏ vẻ xúc động. "Cái gì lẩn vào cạp quần kiả". Sáng cười hềnh hệch chỉ vào quần Tì. "Cái chén... ". "Xem nào. Không khéo là vàng thì bỏ mẹ", Sáng nói và sấn tới định lấy cái chén. Tì đã gỡ cái chén từ cạp quần ra: "Vàng đây". Sáng chộp lấy giơ lên xem. Anh ta lấy một mảnh sành lượm gần đó, cạo cạo lớp đất đỏ và đất gỉ. "Xì, đồng ông anh ạ". Nói xong, ném cái chén lại cho Tì , bảo: "Cũng còn may chán. Nó là một cái chén". Rồi khuyên: "Nó nằm dưới đất là của người xưa. Dùng đựng nước đặt trên bàn thờ là hợp nhất."

Buổi chiều, hai anh em họ lại nhặt được một cái chén nữa. Có điều là nó rất sạch sẽ và hình như được ai ném xuống vào giữa trưa, lúc hai anh chàng thổ mộc nằm lăn quay ngủ ngoài vườn...

Đến tối hôm đào xong giếng, hai anh em rủ nhau ra quán thịt chó mừng Tì có giếng nước trong. Sáng nói với anh họ nên rửa hai cái chén sạch sẽ, rồi múc nước giếng trong dâng lên bàn thờ hai bác . Còn hôm nào có rượu ngon, mỗi người một chén, chạm nhau long cong, chắc thích lắm...

Chuyện chỉ có vậy mà mà tai vách vạch rừng, hôm sau Tì đi đâu người ta cũng xúm lại hỏi anh đào được nhiều vàng lắm không? Đến cả mấy anh ủy ban xã cũng đến hỏi hư thực. Tì đưa hai cái chén, họ cười khẩy, bỏ về. Anh chủ tịch ra tới ngõ, dừng lại nói khẽ: "Nếu chú đào được vàng thật, nên góp quĩ cho xã. Tôi không báo lên trên về thu đâu... ". Thấy Tì cười cười, anh dặn: "Nhớ nhé! Nghĩ cho kĩ rồi gặp riêng tôi cũng được... "

Anh chủ tịch về rồi, Tì định đến nhà Sáng rủ em họ mai sang chợ Mền đào giếng cho một người hẹn từ tháng trước. Bước được vài trăm bước đã tới ngõ nhà Sắn. Tì chưa kịp hắng giọng báo cho người yêu biết thì đã nghe tiếng " e hèm" vọng ra từ sau cánh cổng . Anh dừng lại, định lên tiếng chào. Ông Khoai e hèm lần nữa, nói: "Cậu đứng lại hẵng, tôi hỏi". Nghe ông Khoai nói, Tì Toát mồ hôi hột. Chắc ông lại cấm cửa anh đây. Rồi ông sẽ lại khuyên: "Đàn ôõng cánh ta như cái nơm ấy. úp con cá này không được thì đi úp chỗ khác. Cớ gì cậu cứ nhè ao nhà lão... Ao này đã có anh Thơm nhà Tho trông coi... ". Đã nhiều lần như vậy, Tì bỏ lửng Sắn. Gặp anh, Sắn thanh minh: "Bố em có lấy anh Thơm thì lấy. Em thì chẳng có thơm tho nào cả. Em không hám sáu gian nhà ngói và cái cửa hàng... "

Ông Khoai nhìn Tì từ đầu đến chân rồi cười nhạt: "Cậu cũng khéo giả dạng nhà giàu húp tương nhỉ. Tôi hỏi thật... Thôi vào đây đã... ". Ông nhìn trước nhìn sau xem có ai trông thấy hai người không, rồi cầm tay Tì kéo qua cổng. Lúc ngang qua bếp, Tì nhanh mắt thấy Sắn che miệng cười.

Tì mừng quá, tưởng mình mợ " ấy là tôi thử lòng kiên trì của cậu. Biết cậu thật lòng với con Sắn , tôi rất mừng vì nhà này có phúc. Thôi thì... ". Ông dặn: "Sắm một cái lễ nho nhỏ... Chủ yếu là lòng tôn kính tổ tiên là được. Chớ bày vẽ linh đình mà mang tiếng... "

Mấy người bạn gái của Sắn phải đến đội giúp mâm lễ ăn hỏi. Trên chiếc mâm đồng phủ vải đỏ có đủ thuốc lá, trà, mứt sen, một mâm rượu và hai cái chén đồng đã được đánh lại khá kĩ lưỡng.

Ông Từ buôn bán đồ cổ ở Sài Gòn về quê chơi đúng vào dịp anh trai gả con gái cho một cậu trai làng. Lúc tấm khăn điều phủ mâm lễ vật được mở ra, ông Từ tái cả mặt vì ngạc nhiên. Ông kéo ông Khoai vào buồng thì thầm...

Ngay tối hôm ấy, hai anh em ông đến nhà Tì. Mới đến gốc đa ngoài đầu làng có con đường rẽ vào nhà cậu rể quí, họ bất chợt nghe thấy tiếng cười khúch khích. Thằng Tì và con Sắn. Hôm ấy không có trăng ,trời khá tối nên hai ông già khó mà trông thấy đôi trai gái ngồi ở chỗ nào. Ông Từ bấm nhẹ vào tay ông Khoai. Hai anh em lắng nghe. Rõ mồn một tiếng Sắn: "Anh biết hai cái chén ấy ở đâu không?". "Anh đào được ở đất vườn nhà anh chứ ở đâu?". "Xí, ngốc ơi là ngốc... ". "Thế thì ở đâu?". "Em ném xuống đấy ! Em nhặt được chúng ở nương sắn gần đền vua Đinh... Em cầu mong thần phật phù hộ chúng mình !. Ai ngờ linh thế... "