Một thuở áo xiêm tàn dấu vết

Đôi bờ cây cỏ ngút sầu bi ...

(Nguyễn Du)

Bắt đầu một cuộc hành trình, tuổi thơ tan tác trong nỗi cô đơn. Từ quê mẹ, chú bé mười hai tuổi được đưa tới dinh thự của Nguyễn Khản ở phường Bích Câu. Chui ra khỏi cỗ xe ngựa bít bùng là đã ở giữa những tầng lầu lộng lẫy không kém nơi ở của cha ở quê hương Tiên Điền trước kia. Không còn con đường nào khác, Nguyễn Du phải bước vào nơi ấy vì đây là nhà của anh cả, chốn dung thân sau cùng nếu không muốn bơ vơ nơi quê mẹ.

Trên bậc tam cấp dẫn lên đại sảnh có năm sáu người đang đứng, ở giữa là một người cao lớn, hàm vuông, mắt sáng đang vuốt râu, nheo mắt nhìn Nguyễn Du, cười. Chiếc áo màu đỏ tía đến chói mắt. Nguyễn Du được dẫn đến chào người ấy trước tiên. "Đại huynh!" Chú sụp xuống lạy. Nguyễn Khản không cười nữa, bước đến ôm siết em trai vào ngực. Nguyễn Du kém Nguyễn Khản ba mươi mốt tuổi, ngạt thở và choáng ngợp trong vòng tay mạnh mẽ của anh, nghe nóng và rát buốt từ lồng ngực vững chãi ấy. Nguyễn Du run rẩy, mắt mờ nhoà. Suốt cả cuộc đời dài sau đó, không có ai ôm siết Nguyễn Du chặt đến thế.

Bàn tay to, thô và ấm của Nguyễn Khản chạm vào đôi má măng sữa của Nguyễn Du. Đôi mắt sáng chiếu thẳng vào mắt Nguyễn Du cái nhìn mệt mỏi. Có phải như thế không, hay từ tuổi mười hai, tâm hồn Nguyễn Du mơ về cõi xa thẳm ? Nguyễn Khản gật gật đầu, đôi môi mấp máy nhưng không thành lời, rồi buông rời em ra.

- Đây là thầy của chú. Chú hãy lạy chào thầy đi.

Chú bé mười hai tuổi bị đẩy lùi lại, ngơ ngác nhìn một con người kỳ lạ, phong thái đài các như một bông hoa ngọc lan chẳng lấm bụi trần. Chẳng có nhạc vàng rung động, chẳng có "tuyết in sắc ngựa câu giòn", nhưng hài văn nhân thanh tú toát lên vẻ cao sang rạng rỡ, đầy kiêu hãnh, cứ như từ pho sách vàng bước ra.

- Lạy thày

Suốt cả đời, Nguyễn Du không biết người thầy ấy là ai, từ đâu đến, và sẽ đi về đâu ... Bởi sau buổi học khai tâm, Nguyễn Du không bao giờ gặp lại thầy học nữa. Ông để lại một chữ Nhẫn to tướng trên bàn và để mặc Nguyễn Du ngồi chết lặng bên cạnh. Chú đã ngồi như thế với chiếc đồng hồ nhỏ giọt, trái tim đầy ắp những mảnh vỡ của ký ức. Mãi đến sau giờ ngọ, Nguyễn Khản bước vào thư phòng. Hình như Khản vừa rời Tâm phúc đường là nơi làm việc của mình để nghỉ ngơi.

Bàn tay của anh cả chạm vào vai làm Nguyễn Du giật mình bừng tỉnh.

- Chú đang suy nghĩ gì thế?

Giọng nói trầm trầm, đầy quyền uy chạm vào bến bờ đơn côi trong tâm hồn Nguyễn Du. Toàn thân chú nóng bừng như có ngọn lửa trong tâm thiêu đốt. Chú khát. Khản ho khẽ một tiếng, dấu hiệu của sự thấm mệt. Nhìn chữ Nhẫn chỏng chơ trên bàn, Khản hỏi:

- Chú nghĩ về chữ Nhẫn này ư?

Nguyễn Du lắc đầu thở dốc.

- Chú không muốn nói với ta sao? Hay là không có gì để nói?

Mái đầu bé nhỏ hình quả lê của Nguyễn Du cúi xuống. Cuối cùng, chú nói:

- Em không quen với cách học này. Trước đây, anh em trong nhà dạy học cho nhau. Anh Trụ dạy cho anh, anh Nễ dạy cho em. Mẹ dậy cho em

- Chú đã học được những gì?

Nguyễn Du cúi xuống. Lần này, cánh tay nhỏ vươn ra để chạm đến nghiên mực. Nguyễn Khản đọc chữ Tâm non nớt đầy vết xước.

Nguyễn Khản bất giác cắn môi, tránh nhìn vào đôi mắt cháy rực như hòn than đang chăm chăm nhìn vào mình. Khản đã hiểu, trái tim ngây thơ của Nguyễn Du đã bị chiếc đao của số mệnh chém phải. Khản nhìn hai bàn tay người em cơ hồ run lên, đang cố níu giữ cái gì đó đã tuột khỏi ... Khản giơ bàn tay to lớn bóp chặt hai bàn tay ấy.

Mặt chú bé tái nhợt. Chú gục mặt xuống ông tay áo của Khản.

- Ôi! Anh! Em sẽ chẳng bao giờ học hành đỗ đạt, sẽ chẳng bao giờ tranh đoạt được công danh ...

Đôi vai phủ nhiễu trắng run lên.

- Thế chú muốn gì?

Nguyễn Khản làm trấn thủ các vùng Sơn Tây, Tuyên Quang, Hưng Hoá, Cao bằng, Lạng Sơn. Mỗi đợt kinh lý kéo dài hàng tháng trời. Nguyễn Du được phép vào thư phòng của anh đọc sách. Và chú có thể giam mình ở nơi ấy từ sáng sớm đến nửa khuya, nếu không có bà Dương, mẹ của Nguyễn Khản, mẹ cả của chú, sai người đến buộc chú phải ăn và nghỉ. Thậm chí, đó cũng là nơi Nguyễn Du trốn tránh những cuộc rượu thân mật trong gia đình, mà lẽ ra chú phải tham dự với tư cách là con trai thứ bảy của cố Tể tướng Nguyễn Nghiễm. Những cuộc vui yến tiệc đàn hát không lôi kéo được Nguyễn Du căn phòng chứa đầy sách. Cả khi chúa Trịnh ghé thuyền đến thăm dinh thự của Nguyễn Khản, chú cũng chỉ ra mắt lạy chào rồi tìm cách rời khỏi sảnh đường đông đúc vàng son, lặng lẽ đi tìm một cõi riêng cho mình. Nguyễn Khản biết điều đó, nhưng đành im lặng, không tìm cách uốn nắn nhân cách sớm định hình ấy.

Chính trong thư viện đồ sộ và quý giá ấy, Nguyễn Du đã khám phá ra tâm trạng riêng của người anh hùng lừng lẫy, mà chú vẫn tưởng không bao giờ biết buồn và bất lực. Có một phần riêng, nhỏ thôi, chứa thủ bút của Nguyễn Khản, viết về đất Giang Đình quê hương của dòng họ Nguyễn, viết về người cha Nguyễn Nghiễm như luôn có mặt bên Nguyễn Khản, trong gia đình to lớn này. Có cả sách Khản đã diễn ca Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn (những bút tích ấy, sau loạn kiêu binh, Nguyễn Du có về phường Bích Câu tìm kiếm nhưng chỉ còn lại tro tàn đổ nát. bản thân Khản không bao giờ nhắc đến những ghi chép ấy). Hình như Nguyễn Khản viết rất ít, nhưng viết vào lúc sâu lắng nhất của tâm hồn. Viết vào lúc chỉ có một mình ở thư phòng này, không có cầm kỳ thi tửu, không có thuộc hạ nhộn nhịp ... Hình như Khản viết rồi quên đi tất cả. Trí óc non nớt của Nguyễn Du không thể hiểu hết những tâm sự đó. Mỗi lúc gặp mặt anh, Nguyễn Du lại muốn hỏi anh về những câu chuyện viết trong thư phòng. Nhưng gương mặt trầm tĩnh, kiêu hãnh đầy uy lực ấy làm chú phải dừng lại, loay hoay tự tìm kiếm câu trả lời, để rồi lặng lẽ rũ mình trong bóng đêm rất rộng, rất dài vì không thể đến gần hơn nữa.

Nguyễn Du bước sang tuổi mười bốn. Thân hình cao hẳn lên, gương mặt đầy đặn hơn lên song nỗi cô đơn to lớn hơn vây quanh tâm chí. Nguyễn Khản quyết định cho em học những đường kiếm đầu tiên bằng chính thanh gươm chạm vào chân mình, làm da thịt rách toang.

- Vì sao cơ chứ? Chú nhất định làm một kẻ vô dụng vô ngôn chăng?

Khản quát lớn như vậy, rồi im lặng ngay trước cái nhìn nhẫn nhục mà giận dữ của Nguyễn Du. Chính vì thế mà Khản từ bỏ ý định đem Nguyễn Du theo mình trong cuộc chinh phạt Hoàng Văn Đồng ở Tuyên Quang

Ngày Nguyễn Khản thắng trận, trống giong cờ mở về Thăng Long, Nguyễn Du lại giam mình vào thư phòng lạnh ngắt, than sưởi đã tàn từ lâu mà không có gia nhân nào để ý.

Chú mơ màng đọc và nghe gió lùa đau buốt đôi chân. Vết thương vẫn chưa lành. Đêm đó, phường Bích Câu rộn ràng yến tiệc chúc mừng. Phủ chính của Tả thi lang đại thần Nguyễn Khản dốc vào cuộc rượu tưng bừng. Từ trong thư phòng Nguyễn Du nghe thấy tiếng sênh ca rộn ràng vang qua những bức tường. Chú chợt nhớ rằng bổn phận của mình là phải đến chúc mừng anh.

Nguyễn Du đâu biết chẳng cuộc vui nào khác cuộc vui nào, Nguyễn Khản cũng chẳng khác một con người nào trong cuộc sống quen thuộc với mình. Trong lúc Khản vung tay ngẫu hứng phiên một bài nhạc phủ ra điệu mới và truyền xuống cho giáo phường chuẩn bị đàn ca, thì Nguyễn Du lê cái chân đau bước vào. Đêm nay phường ca kỹ tài hoa nhất được mời vào dinh phủ để hầu chén tẩy trần. Trong lúc Khản say mềm vì âm nhạc, tấm thân nhẹ bỗng, bồng bềnh bên bức trướng đại hồng, thì Nguyễn Du thấy mình trần tục, lặng ngắt nhìn một tang phụ ôm đàn bước đến, đầu cúi xuống, ngón tay không chạm đến phím đàn, song thỉnh thoảng không gian lại vang những tiếng tình tang lạc lõng.

- Hát đi, hát đi! Ta thưởng!

Khản nói, giọng của người say. Quân hầu mang tiền ra đặt bên cạnh chéo váy của cô, nói một điều gì đó. Thiếu phụ ngập ngừng chít lại mảnh khăn tang rồi buông bàn tay xuống cây đàn bốn dây. Đầu cô cúi thấp hơn nữa, để tiếng đàn vút lên, dồn dập nổi tiếp, đứt ruột lìa gan. Riêng một khúc đàn hoảng loạn trỗi dậy. Các danh cầm lặng bặt u uất nhìn nhau và nhìn cọc tiền thưởng bạc trắng lấp loá. Âm đàn bị đốt ngang từng đốt đàn rụng rơi như cánh hoa tan tác trong cơn lốc xoáy.

Cô gái hát: "Bốn dây ... như khóc ... như than ..."

Khi cô ngẩng lên bằng đôi mắt ướt đẫm lệ thì Nguyễn Du cũng bật khóc, giọt nước mắt trong veo tung toé khắp bốn bức tường cao ngạo. Nguyễn Khản chợt đưa mắt nhìn Nguyễn Du. Chú lùi xuống, từng bước, từng bước một.

Bữa tiệc sớm tan khi Tả thị lang bỏ đi và tiếng đàn ngừng lại. Các danh đàn cầm nhấc đàn đứng lên, tản về phía nhà phụ. Chỉ còn lại người thiếu phụ đeo tang trắng ngồi lặng bên thềm.

- Đức ông cho đòi ...

Nguyễn Khản đang ngồi sau một ngọn đèn rất sáng, nhưng lạ thay gương mặt Khản sạm đen và già hẳn đi, trong vòng chưa đầy một khắc.

- Ta có điều này muốn nói với chú: Vì sao chú không cười với ta mà lại khóc cho phường ca kỹ ấy?

Nguyễn Du câm lặng, nhìn ánh đèn chói lên mái đầu trần điểm bạc của anh. Nguyễn Khản quay lại nhìn, thấy vậy, liền tắt phụt đèn đi.

- Vì sao chú không khóc cho ta mà lại khóc cho phường ca kỹ ấy?

Nghe câu nói ấy, Nguyễn Du sụp xuống trước tấm thân kiệt quệ của Nguyễn Khản. Hồi lâu. Khản nói bằng một giọng cay độc khôn cưỡng:

- Ta ăn cơm ai thì gọi người ấy là Chúa. Ta chỉ có mỗi một người tri kỷ, đó là nỗi cô đơn của ta.

Thấm đậm nỗi buồn, bóng Nguyễn Khản ngồi thâu đêm, đôi mắt trừng trừng nhìn ra song cửa mở toang.

Nhiều năm sau quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ lãnh đạo tiến ra Bắc diệt Trịnh. Nguyễn Khản lúc bấy giờ đã năm mươi bốn tuổi, còn đang trốn tránh ở đất Tiên Điền từ loạn Kiêu Binh, liền mở cuộc chạy đua với quân Tây Sơn, gấp rút vượt biển ra Bắc. Khi quân Tây Sơn đến sông Vị Hoàng thì Nguyễn Khản bỏ cửa Thần Phù đi đường chuẩn bị cầm quân nghênh chiến với Tây Sơn. Nhưng Khản chưa hoạch định một kế hoạch nào, căn bệnh đột ngột quật ngã khi Trịnh Tông tự sát, Nguyễn Huệ trở về Nam ...

Nguyễn Du nghe tin Khản về Thăng Long, liền từ Thái Nguyên về thăm. Khi đó, Nguyễn Du đã có vợ và đang làm một quan chức quan võ cấp thấp, thường yên phận trong một ngôi nhà kín đáo. Nguyễn Du kịp về khi Nguyễn Khản chết, nhưng không còn nhận ra anh nữa. Đó là một ông lão kiệt quệ đang nằm nghiêng , râu tóc bạc trắng xoã trên chiếc giường thấp. Chẳng có ai hầu hạ bên cạnh, những thằng tôi con đòi đang bận tìm cách trốn khỏi Thăng Long dầu sôi lửa bỏng, Nguyễn Du phải tự tìm chiếc cọc để buộc con ngựa của mình.

Nhìn thấy Khản, Nguyễn Du chợt sững mình vì đôi mắt Khản nhắm nghiền, vầng chán như bị chém ngang dọc hàng trăm đường xô ép lên nhau. Tiếng gọi đầu tiên của Nguyễn Du sau gần ba năm không gặp nghe lạc lõng:

- Cha ...

Con người âm thầm mở mắt ra. Trong mắt khô, đôi đồng tử bạc phếch đi, hằn máu.

- Ta đây, Khản đây ... Chú Bảy đó à? Nguyễn Du ngỡ ngàng đến gần, chạm tay vào tấm thân gầy xọp của Khản.

- Anh đó ư?

- Vì sao chú lại đến được đây?

Nguyễn Du phân trần là chỉ nghe tin Khản từ Tiên Điền ra, chẳng hề biết anh đau ốm. Còn việc Nguyễn Du về được Thăng Long là bởi Trịnh Bồng được lên làm ấn Đô Vương, đường xá có dễ dàng đôi chút.

- Trịnh Bồng ư? - Khản hỏi rồi nhắm mắt lại.

Nguyễn Du ngồi lặng, nhìn Khản nằm như ngủ. Nhưng môi Khản mấp máy, hồi lâu mới thành lời:

- Chú còn nhớ cha không?

- Vâng nhớ chứ!

- Chú gặp cha trước lúc lâm trung chứ?

- Có, cha đi đánh Nguyễn Nhạc, nhưng nửa đường thì lâm bệnh. Trước khi nhắm mắt, cha khóc...

- Lúc ấy chú bao nhiêu tuổi?

- Gần mười tuổi, chưa đầy mười tuổi....

- Cha có nhớ chú không?

- Không, em đứng với mẹ và các anh ở hàng trắc thất chờ cha gọi tên và dặn dò. Nhưng em chỉ được đến bên cha khi cha đã lạnh rồi...

Khản giơ bàn tay ra, những đốt xương run rẩy lùa vào không khí. Gương mặt Nguyễn Du khắc khoải xa vời. Lặng đi một lúc, Khản lại lên tiếng.

- Ta giống cha lúc đó lắm sao?

Nguyễn Du nắm lấy bàn tay anh, không dám siết mạnh vì sợ nó sẽ gẫy như một cành khô mục.

- Chú đi đi - Khản mệt mỏi nói - Cuối đời cha, cha dặn ta phải dốc lòng vì quốc gia... Cuối đời ta, ta chỉ mong chú sống cho ra người.

Bóng chiều sụp xuống. Đôi mắt Khản sáng quắc lên, thiêu đốt không gian trống rỗng.

Khản chết trong đêm ấy. Vào lúc lửa cháy tràn ngập kinh đô. Lê Chiêu Thống cho phóng hoả phủ chúa Trịnh, rồi không lâu sau đó chạy sang Trung Quốc.