Tựa

G ần đây, để gầy dựng một nền “VĂN HỌC MỚI”, sau cuộc khởi hấn của phong trào giải phóng, nhiều nhóm nhà văn nổi lên cổ xúy nhiều xu hướng văn nghệ. Một nhóm chủ trương “VĂN CHƯƠNG TẢ CHÂN XÃ HỘI”, cho đó là nền văn chương của thời đại, một nền văn chương không tịnh, không chết, theo cuộc biến chuyển lịch sử của không gian và thời gian, theo cái đà phát triển biện chứng của những định luật tiến hóa. Một nhóm khác chủ trương “VĂN CHƯƠNG TRANH ĐẤU”, dựa vào hai xu hướng tranh đấu trong thời kỳ cách mạng (xu hướng quốc gia và xu hướng xã hội), cho đó là lối văn chương cần thiết hơn, đắc lực hơn trong giai đoạn hiện tại.

Tôi là một trong những người đã chủ trương khuynh hướng sau này. Tôi không hề bài trích lối văn “Tả chân xã hội”, nhưng tôi không đồng quan niệm với André Gide bảo rằng:

“Tôi làm việc cho thế hệ ngày sau”. Tôi muốn nhấn mạnh cấp thời quá trình cụ thể đã xảy ra trước mắt, đặt vào đó một tinh thần tranh đấu mãnh liệt, giữ vững lòng tin ở cuộc tranh đấu cứu quốc đã giai dẳn hơn bốn năm trường nay. Hiểu rằng mọi nền văn chương đều phải theo định luật: sinh, trưởng, tử, thì tại sao lại phải thất công đi tìm một nền văn chương vĩnh viễn với thời gian? Quyển “Người mẹ” của M.Gorki đã quá thời, thì trách sao một “Đôi bạn” của Nhất Linh hay một “Nửa chừng xuân” của Khái Hưng không chỉ còn là giá trị của nghệ thuật!

Nền văn chương tranh đấu sẽ không thoát khỏi cái định luật ấy, nhưng ít ra nó cũng đánh dấu một thời đại, đánh dấu sự giác ngộ và sự vùng dậy của một dân tộc. Không nên buộc nhà văn phải dùng lối hành văn nào. Vườn hoa của thời đại phải đủ loại, đủ màu sắc, miễn là không phản tranh đấu, không phản lịch sử.

Quyển “Người yêu nước” viết ra cũng vì cái quan niệm trên đây. Tôi cố ý lột rõ cảnh sanh hoạt của hai giai cấp, những tâm trạng biến đổi của vài nhân vật điển hình trước ánh sáng của chơn lý và tiếng gọi của Tổ quốc. Tôi cố dung hòa lối “Tả chân xã hội” và “luận đề khoa học” để cho khung cảnh trong truyện thêm phần linh hoạt, và để cho bạn đọc dễ nhận thức phần lý thuyết với phần lý thuyết với phần thực hành. Nếu trong truyện có vài đoạn tả tình, đó chỉ là tính cách “Lãng mạn cách mạng” (romantisme révolutionnaire). Các danh tác của Stribling, Ostrovski, Boris Gorbatov (nhà văn được giải thưởng Staline) Péarl Buck (được giải thưởng Nobel), Cholokhov, Lỗ Tấn, Tào Ngu, Quách Mạt Nhược đều được mô tả với phương pháp đó.

Đây là vài thiển ý của tôi. Xin trân trọng ghi làm tựa, để khi bắt đầu vào truyện, các bạn khỏi bỡ ngỡ.

Thẩm Thệ Hà