Chương 1
Sáng hôm ấy, mọi người giúp việc hãng trà “Châu Chính Phương” ở Đài Bắc, đang chăm chú làm việc, bỗng có người từ trong nhà ra cho hay: Bà chủ phải ra phi trường Tùng Sơn, vào đúng ba giờ chiều naỵ Ông quản lý cần chú ý ngay từ bây giờ để chuẩn bị mọi chuyện và mướn xe taxi. Người truyền lệnh bà chủ, đó là cô sen Lệ Quyên. Dặn mọi người rồi, Lệ Quyện quay gót, ung dung yểu điệu trở vào nhà trong. Lập tức, mọi người ngoài này bàn tán rộn ràng... Mấy người đứng tuổi, mấy bà mấy cô làm việc ở đây từ lâu, khẽ hỏi nhau: “Bà chủ thường ngày rất hiếm xuất hiện, không mấy khi bà ra khỏi lầu, bước xuống nhà, vậy mà nay lại dùng taxi ra tận phi trường, chắc hẳn có chuyện rất quan trọng?” Chiều nay, chắc có nhân vật tiếng tăm nào đến Đài Bắc, nên một phụ nữ chuyên sống giữa chốn buồng khuê tịnh mịch phải ra khỏi nhà để đi xem mặt? Hoặc giả bà ta phải đi đón rước một vị đại quí khách, một vị ân nhân nào? Hay là bà tiễn chân một người chí thân, lên phi cơ xuất ngoại? Người trong nhà bà, chẳng ai đoán được cả. Họ chỉ còn biết ngó về ông quản lý để dò xét. ông quản lý này họ Ngô, tên Lộc Tuyền, là người cai quản hết thảy công việc trong hãng chế tạo trà này. Ông là người thân tín nhất của bà chủ. Kể từ ngày ông chủ Châu Chính Phương qua đời cách này hai mươi năm, thì Ngô Lộc Tuyền gần như trở thành “ông chủ” của hãng trà này vậy. Danh chỉ là quản lý, nhưng phận sự thì chẳng khác gì chủ nhân. Bởi vì, chẳng những bà chủ giao hết thảy tài sản họ Châu cho ông trông coi, kinh doanh, kế toán, quyết định thâu người vào, phát tiền ra... mà ngay đến những vấn đề riêng trong gia đình bà cũng nhờ cậy ông định đoạt. Sở dĩ ông quản lý Ngô Lộc Tuyền được tin cậy như thế, là vì trước kia, từ cái hồi ông bà Châu Chính Phương còn buôn bán nhỏ, thấy cậu trai Ngô Lộc Tuyền hàn vi và không có gia đình, ông bà cho về ở chung, góp sức làm ăn, và coi Tuyền như em ruột. Ngày nay, ông Chính Phương đã qua đời, bà Phương, coi ông Tuyền như em chồng, và các con bà coi ông như chú ruột vậy. Đối lại, chẳng những ông quản lý thân tín coi bà Phương như chị dâu, mà ông còn tận tụy trong việc làm giàu cho họ Châu, chăm lo từng li từng chút. Mọi người làm công ở hãng trà cũng như kẻ ăn người ở trong gia đình, đều chỉ biết tiếp xúc với ông quản lý “kiêm quản gia” Ngô Lộc Tuyến, chứ không mấy khi gặp mặt bà chủ góa chồng, mặc dù họ rất kính mến bà. Bấy giờ, ông Tuyền được cô sen Lệ Quyên nói cho biết ý bà chủ, ông liền tạm gác công việc thường lệ, chăm chú xem đồng hồ, chuẩn bị mọi thứ. Rồi đến hai giờ ba mươi chiều, ông quay điện thoại đến hãng xe quen, dặn rằng: đến ba giờ kém năm phút, thì cho một chiếc taxi đến cửa hàng trà để đi phi trường. Ông Tuyền còn dặn thêm: Lần này mướn xe để bà chủ đi, nên yêu cầu hãng cử người tài xế lái giỏi và thận trọng. Gọi xe rồi, ông quản lý mở ngăn kéo lấy ra một tờ giấy màu hồng, trông như lá cờ hình đuôi nheo. Ông mài mực giậm bút, viết lên giấy bảy chữ lớn: “Hoan nghênh Lâm Thanh Thanh tiểu thư! - Cô Lâm Thanh Thanh là ai nhỉ? Mọi người làm công việc trong hãng đều khẽ hỏi nhau như thế. ông quản lý họ Ngô không để ý đến sự thắc mắc của họ. Ông chận tờ giấy trên mặt bàn một lúc cho mực khô, rồi lấy một cành trúc nhỏ, dán tờ giấy lên đầu cành, làm lá cờ, và cuốn lại cẩn thận. Đến hai giờ năm mươi phút, những tiếng dép guốc vang lên từ phía trong hành lang. Mười bảy người làm công biết rằng bà chủ và những người tùy tùng sắp bước ra. Họ liền chăm chú vào công việc, ông quản lý bước vào chỗ cánh cửa bên trong, tay cầm lá cờ cuộn lại đứng đợi. Bà chủ bước ra khỏi phòng, mọi người đều sáng mắt lên, kính cẩn nhìn, trong khi bà chủ mỉm nụ cười như chào hỏi khuyến khích họ. Ông quản lý, người thường ngày tiếp xúc với nữ chủ nhân, lúc này cũng phải ngạc nhiên: Một quả phụ bao năm tự giam mình giữa bốn bức tường của lầu cao gác kín, gương mặt luôn u buồn trầm mặc, như không còn tha thiết gì đến mọi sự trên đời... hôm nay bỗng đổi khác hẳn. Đã chịu khó tìm ra tận phi trường lại vui tươi hớn hở từ nhà trong ra nhà ngoài, tự hồ cõi lòng lạnh lẽo âm u bỗng vừa mọc lên một vầng dương xán lạn ấm áp vậy! Dáng điệu bà chủ tuy vẫn ôn nhu chậm rãi, nhưng ai ai trông thấy cũng phải đoán chắc: bao nhiêu nỗi ưu tư phiền muộn nhớ nhung đều đã biết hết khỏi tâm tư bà. Gương mặt tròn, đôi má còn đầy đặn, mặc dù khi cười có nổi nhẹ vết nhăn, hôm nay trông bà trẻ lại mấy tuổi, khiến người ta như quên đi, không chú ý đến những sợi tóc bạc xen lẫn trong hai lọn tóc mai của bà. Lại thêm cái mũi thẳng dọc dừa, đôi môi còn hồng hồng và đôi mắt sáng rỡ, càng biểu lộ một tâm trạng vui mừng khoan khoái. Đi theo ngay sau lưng bà chủ là “cô hai” Châu Uyển Hoa, lộng lẫy trong cái “rốp” màu vàng ánh, bó sát lấy người. Mái tóc cô hớt ngắn chấm vai, trong non trẻ nhí nhảnh, nhưng gương mặt tròn đầy cái mũi dọc dừa, đôi môi hồng, đôi mắt tròn đen lay láy dưới cặp mày liễu, khiến người ta nhận ngay ra rằng: Toàn thân cô là hình ảnh trung thực của bà chủ hồi niên thiếu. Thấy mẹ hôm nay vui tươi khác thường Uyển Hoa cũng nhoẻn miệng cười theo, khiến cặp môi hồng hé lộ ra hai hàm răng nhỏ nhắn đều đặn và trắng bóng, ăn nhịp với đôi mắt sáng ngời. Người bước ra sau chót là “cậu cả” Châu Quốc Hùng với gương mặt sáng sủa, cặp mắt mở to dưới đôi chân mày hơi đậm nét. Tầm vóc cậu cao lớn, với đôi vai đầy đặn, bộ ngực nở nang, trông có vẻ một thanh niên ham chuộng thể thao. Cậu vận chiếc áo vét bằng flamelle trắng và cái quần màu xám đen, điệu bộ ung dung, dáng vẻ xinh trai thanh lịch. Một người làm công đứng tuổi thấy thế, khẽ bảo người bạn đứng cạnh: - Chà! Chủ mẫu xuất du, lại điều động cả “kim đồng ngọc nữ” đi theo nữa. Xem tình hình này, thì cô Lâm Thanh Thanh nào đó, hắn không phải người khách tầm thường. - Sao hôm nay bà chủ có vẻ vui mừng đặc biệt! Tôi làm việc ở đây đã mười một năm. Nay là lần thứ nhất, tôi mới thấy bà chủ nhoẻn miệng cười. Bà Phương dẫn hai con qua nhà ngoài. Một chiếc taxi đợi sẵn ở lề đường, ngay trước hãng. Ông quản lý Tuyền bước ra trước, giúi lá cờ vào tay Quốc Hùng rồi ghé tai hắn nói nhỏ mấy câu. Ba mẹ con họ Châu cùng ngồi vào băng sau của chiếc xe rộng lớn. Xe nổ máy chuyển bánh... Bà Phương liền quay về bên trái hỏi con trai: - Vừa rồi chú Tuyền nói gì với con đó? Rồi bà tươi cười trỏ tay vào lá cớ giấy cuộn tròn. Quốc Hùng à một tiếng, mở lá cờ ra cho mẹ xem: - Chú nói rằng: hôm nay đi đón cô Thanh Thanh, mà chưa một ai biết mặt cô ấy cả, nên chú làm sẵn lá cờ này, để khi trông thấy các hành khách từ phi cơ bước xuống, thì giơ cao lá cờ lên. Và cô Thanh Thanh sẽ nhận ra được những người đến đón tiếp cô. Bà Phương gật đầu khen: - Ừ, phải lắm. Chú Tuyền làm việc gì cũng tính trước liệu sau thật chu đáo. Uyển Hoa đã cố nén thắc mắc, mà không được, nên bấy giờ cô gái nhíu mày hỏi: - Má! Con thật khó hiểu: Cô Lâm Thanh Thanh, là ai vậy hả má? - Là... cô Lâm Thanh Thanh! Bà Phương vui vẻ nói trêu chọc con gái: - Con không thấy trên lá cờ này đã viết sẵn tên họ cô ấy ra sao? Rồi bà phá lên cười. Anh em Quốc Hùng, Uyển Hoa ngơ ngẩn nhìn nhau, chẳng hiểu ý mẹ ra sao. Bấy giờ bà Phương mới giảng giải: - Các con chưa phải lo làm ăn, nên không nhớ: Hồi tháng mười một năm ngoái, một ông thương gia Hoa Kiều ở Tân Gia Ba về nước, tìm đến hãng trà nhà ta để tìm hiểu, và ngỏ ý muốn làm đại lý thứ “ngũ khanh thanh trà” do nhà mình đặc chế, để bán ở bên ấy đó! Tên ông ta là Lâm Ngọc Thành. Có lẽ các con quên rồi. Thật thế, Uyển Hoa đã quên hẳn vụ này. Quốc Hùng cũng chẳng nhớ được nữa. Nhưng bà Phương đâu có cần nghe hai con trả lời? Bà hoan hỉ nói tiếp, giọng trịnh trọng hơn, như tuyên bố một việc thật to tát quan hệ: - Thanh Thanh là con gái duy nhất của ông Lâm Ngọc Thành. Ông ấy chỉ sinh được một mình nó mà thôi. - A! Thế đấy. Hai anh em cùng chỉ biết đáp lại vắn tắt như vậy, bà Phương kể thêm: - Ba má với ông Thành vốn là người đồng hương, từ nhỏ sống ở làng Tháp thôn, quận Tuyền châu, tỉnh Phúc Kiến. Họ Châu nhà ba, họ Ngô nhà má, và họ Lâm nhà ông Thành cùng ở thôn ấy, cách nhau chỉ vào khoảng chín mười nhà. Quốc Hùng tò mò hỏi: - Nếu vậy, ba má với ông Thành đã quen thân với nhau từ nhỏ? - Thật ra thì không... Nói đến đây, không hiểu sao mặt bà Phương bỗng ửng hồng. Bà ngập ngừng một chút: - Hồi còn sống ở làng quê, thì không quen thân. Mãi về sau ra đời làm ăn, gặp nhau ở nơi xa, rồi mới nhận biết. Cách đây hơn hai mươi năm, ông Thành đã di cư xuống miền Nam Hải. Ông chỉ sinh được một mình con Thanh Thanh... Rồi bà nói tự nhiên lưu loát: - Thanh Thanh học ban Tú tài ở Tân Gia Bạ Ông Thành đã dự tính từ trước: thế nào cũng gửi nó về Đài Loan học Đại học. - A! Con hiểu rồi (Quốc Hùng mau mắn xen vào) Thế là nay cô Thanh Thanh từ hải ngoại về cố quốc trọ học. Bà Phương quay nhìn con trai, rồi nói: - Phải, bởi vì ông Thành chỉ có một mình nó, coi như hòn ngọc vô giá trên tay, nên không dám khinh xuất để cho nó về nước một mình. Cho đến ngay gặp nhà ta, tin tưởng ở tình đồng hương, cựu giao, lại nghĩ hai nhà cùng có sản nghiệp, có cơ sở kinh doanh, và có liên lạc làm ăn với nhau, ông ấy mới một hai nhờ má trông nom nó giùm. Phó thác nó cho má, ông ấy coi như phó thác, cả tính mạng vậy! Cảm động vì lòng tin cậy của ông Thành, má phải nhận lời cho Thanh Thanh trọ học ở nhà tạ Và nay ông ấy cho nó về nước... Quốc Hùng nghe mẹ kể rõ sự thể, mặt mày hớn hở: - Cô Thanh Thanh thích được sống ở nhà ta, hả má? - Lẽ đương nhiên. Bà Dương quay về bên mặt, nhìn con gái: - Thanh Thanh đến đây, thì con Hoa có bạn, Hoa à! Nó lớn hơn con mấy tuổi, con nên gọi bằng “chị Thanh” nghe! Uyển Hoa cố ý quay mặt nhìn qua cửa kính xe. Cô gái dẩu mỏ, thầm nhủ: “Con thèm khát kết bạn với cô ấy à? Con hiếm bạn lắm sao?” Nghe Lâm Thanh Thanh tìm đến, mẹ cô hớn hở vui mừng đến thế này sao? Tính con gái, đa số đều như thế. Bởi ngày thường rất được mẹ cưng nuông, nên lúc này thấy mẹ tỏ ra yêu mến một cô gái xa lạ, thì Uyển Hoa phải thầm... ghen trong lòng. Và cô cất tiếng lạnh lùng hỏi: - Bà thân sinh của cô ta thì sao? Bà ấy chịu để cho con gái về Đài Loan học suốt bốn năm đại học ư? Nghe con hỏi, bà Phương bỗng thẫn thờ, rồi sắc mặt kém vui: - Mẹ nó đã mất từ lâu rồi. Chiếc xe chạy uốn vòng, rồi từ từ đậu lại trước cửa phi trường quốc tế Tùng Sơn. Châu Quốc Hùng đẩy cửa xe bước ra cửa, rồi cúi xuống đưa tay vào dắt mẹ ra. Châu Uyển Hoa cũng dìu dẫn ở sau lưng mẹ. Cửa xe đóng cái “phắc” phía sau, bà Dương đã muốn hoa mắt vì cảnh nhộn nhịp phía trước. Thôi thì đủ màu quần sắc áo, đàn ông, đàn bà, thanh niên, thiếu nữ... Cả một rừng người đang chen chúc. Người sửa soạn ra đi, người hồi hộp đón chờ kẻ tới. Quốc Hùng và Uyển Hoa đi kèm hai bên, dẫn mẹ len qua đám đông, tiến vào phòng ăn của phi cảng. Quốc Hùng đang toan gọi ba ly nước ngọt, thì bỗng nghe tiếng máy phóng thanh vang lên: - A lô! Qúy vị chú ý: chuyến bay của Quốc Thái hàng không công ty từ Tân Gia Ba, ghé Hương Cảng, chỉ còn năm phút nữa là tới Đài Bắc! Bà Phương lắng nghe rất chăm chú, rồi bỗng đứng bật dậy khỏi ghế, như có lò xo nẩy lên. Bà rối rít kêu con: - Chỉ còn năm phút nữa thôi! Mẹ con ta phải ra sân bay ngay đi! Quốc Hùng kêu một tiếng “Má”, rồi tủm tỉm cười, giải thích: - Mẹ và các con hiện đang ở sân bay đây rồi, còn gì? Năm phút nữa phi cơ đến, thì phải mười phút nữa mới hạ cánh xuống được. Rồi còn khám xét hành lý, kiểm tra giấy tờ thủ tục... Cho đến khi cô Thanh Thanh bước vào, thì phải nửa giờ. Má đừng vội. Hãy giải khát ở đây chút đã, rồi ra đón cô ấy cũng vừa. Bà Phương phản đối: - Không được! Đã tới đón, thì phải ra ngaỵ Kẻo rồi Thanh nó từ phi cơ bước xuống, nhìn ngang ngó dọc chẳng thấy ai vẫy gọi, nó biết làm sao? Hùng còn toan khuyên mẹ nữa, nhưng bà Phương không để hắn nói thêm; sắc mặt bà hồng hào, đôi mắt bà sáng lên, tíu tít hối hả, tay trái nắm lấy Hùng, tay mặt núi kéo Uyển Hoa, lật đật tiến đến chỗ đài tiếp đón. Ba mẹ con len lách qua đám đông, và lát sau thì đứng ở hàng đầu. Ngửng mặt lên, thấy chiếc phi cơ phản lực của công ty hàn không Quốc Thái đang lượn vòng dưới nền trời xanh điểm mây trắng. Lát sau nó chúi mũi, từ từ hạ xuống, đặt bộ bánh trên phi đạo Tùng Sơn. Châu Uyển Hoa đưa ánh mắt lạnh lùng, thờ ơ nhìn, nhưng ánh mắt bà Phương thì sáng rực, sắc mặt khi hồng hào, khi nhợt nhạt. Bà chăm chăm nhìn chiếc phi cơ sáng loáng vừa dừng lại trước những tiếng reo mừng của nhiều người. Luồng khói đen ở sau phi cơ đã tan hết, cơn bão gió đã tắt, lập tức hai cái thang được nhân viên phi trường đẩy tới hông tàu, một cái áp vào phía đầu, một cái áp vào phía cuối. Bà Phương không hề quay cổ lại, cứ dán mắt nhìn phi cơ, miệng bảo hai con: - Thanh Thanh nó sẽ xuống thang ở phía đầu kia! Trong lá thư hôm nọ, ông Thành đã nói rõ: Thanh nó lấy vé hạng nhất, nó đi cùng với mười mấy cô bạn học. Cả bọn đều xuống thang từ phía đầu tàu. Uyển Hoa cười thầm trong bụng: - Sao mà “cụ” nhớ kỹ thế? Không quên một tí! - Có người từ phi cơ bước ra rồi kìa! Châu Quốc Hùng vui vẻ kêu lên như thế, rồi sực nhớ đến lá cờ giấy cuộn tròn, hắn cầm ở taỵ Chung quanh mình đông nghẹt người, hắn phải loay hoay mãi mới mở được lá cờ ra, giơ lên thật cao. Lá cờ bay phất phất trước gió. Bà Phương xúc động, đôi mắt nhìn tròn xoe, nhón chân, vươn dài cổ lên và nhìn chăm chăm ra phía trước, miệng hỏi liền liền: - Đâu? Nó đâu? Thanh nó đâu? Quốc Hùng trấn tỉnh mẹ: - Hễ trông thấy lá cờ này, ắt cô ấy lập tức tìm đến chúng ta mà! Nhưng bà Phương không nghe lời con, vẫn nhón chân vươn cổ, trố mắt nhìn cho thật kỹ. Trước hết, ba bốn người âu Mỹ bước xuống thang. Máy ảnh bấm loang loáng. Rồi lại đến cái ông bộ tịch nào đó, bụng to phè phè, mặt phì phì, đầu mập hum húp, đứng choáng ngay cầu thang, phưỡn ngực ra lấy điệu, để được chụp hình. Bà Phương nóng ruột quá! Máy hình lóe lên rồi, ông ta mới ì ạch bước đi. Và lập tức mười mấy cô thiếu nữ vận áo hồng tươi, áo tím nhạt, nối nhau bước xuống. Cô nào cô nấy nhí nhảnh như hoa xuân cười gió, lôi cuốn hết thảy các cặp mắt đổ dồn vào.