Tôi theo đuổi công trình nghiên cứu khoa học của mình nhiều khi bất chấp những nguy hiểm đe doạ tính mạng mình. Và tôi đã không hề hổ thẹn khi học tập dù ở những người lang thang, những người thợ cạo, hay những tên đao phủ, những điều tôi đánh giá là hữu ích. Chúng ta đều biết rõ chặng đường dài mà một người đang yêu có thể vượt qua để gặp được người phụ nữ mình yêu. Vậy thì phải tới đâu mà người yêu sự uyên bác chẳng đi để tìm cho được người tình tuyệt vời của mình.ParaxenNgoài những danh nhân lịch sử có tên trong truyện, các nhân vật đều do tác giả tưởng tượng ra, cũng như các sự việc diễn biến ở đây chẳng liên quan gì đến người thực, việc thực cả.
Về Phrăng Xlôtơ
Phrăng Xlôtơ (Frank Slaughter) (1908 - 2001) là một tác giả người Mỹ được nhiều người đọc ưa thích. Ông là bác sĩ đồng thời là nhà văn. Ông chuyên viết tiểu thuyết, có nhiều tác phẩm, và phần lớn các tác phẩm của ông là loại tiểu thuyết tâm lý xã hội nói về những người làm công tác trong ngành y. Các nhân vật chính ở đây đều là những người luôn phải đấu tranh với các trở ngại xã hội, với bản thân mình để đạt được mục đích tốt đẹp đang hoài bão hoặc để bảo vệ trách nhiệm người thầy thuốc và nhân phẩm. Bác sĩ Brâyđơ – trong tác phẩm cùng tên – đã vất vả chống lại với những tật xấu của mình như chạy theo danh vọng, tiền tài... để cuối cùng giữ vững được bàn tay cầm dao mổ. Bác sĩ Đôn Cactê – trong tiểu thuyết “Người cứu chữa” - đứng trước một tình trạng hiểm nghèo: người nữ bệnh nhân nằm trên bàn mổ đợi anh cứu sống cũng là người sẽ có thể hại anh. Nên làm như thế nào bây giờ? Sau giây lát lưỡng lự, anh kiên quyết cúi xuống bàn mổ, gạt bỏ mọi suy tính cá nhân và dao mổ của anh rạch một đường nhanh và chính xác.
Một nhà nghiên cứu văn học Mỹ Giôn Brao, trong cuốn “Khái quát về văn học Mỹ đương thời” đã nhận định về Phrăng Xlôtơ như sau: “Nếu chỉ dừng lại ở những nhà văn cỡ lớn mà không nói đến Lui Brômphin (Louis Bromfield), Piêclơ Bấc (Pearl Buck), Grâyxơ Mêtaliơt (Grace Metalious),...Phrăng Xlôtơ (Frank Slaughter) và những tác giả được ưa thích khác, được đọc nhiều ở khắp nước Mỹ và ở các nước người...thì không thể có một khái niệm đầy đủ về nền văn học Mỹ đương thời...”
Trong cuốn “lịch sử tiểu thuyết Mỹ” được viết ở Pháp có nêu một chi tiết: Tác phẩm của Phrăng Xlôtơ bán ở nước ngoài còn mạnh hơn cả ở nước Mỹ.
Trong các tác phẩm của Ph.Xlôtơ, có nhiều tác phẩm được dựng thành phim và dịch ra tiếng nước ngoài. “Người tình tuyệt vời” (Divine Mistress) là một trong loại tác phẩm ấy.
Chuyện này xảy ra vào khoảng thế kỷ XVI, thời điểm mà trí tuệ con người phát triển chưa từng thấy trên mọi lĩnh vực và xảy ra tại nước Ý với biết bao danh nhân, với thành phố Vơnidơ hoa lệ, nhưng nước Ý, bấy giờ cũng là nơi tôn giáo có một sức mạnh rất lớn đã gây bão táp cho cuộc sống của nhiều danh nhân.
Ăngtôniô Xecvêtut, một bác sĩ trẻ, là nhân vật chính của câu chuyện này. Anh giảng dạy hai môn giải phẫu học và ngoại khoa ở trường Đại học y khoa tỉnh Pađu, một tỉnh miền đồng bằng Bắc Ý, gần thành phố Vơnidơ. Ăngtôniô ham mê tìm tòi, nghiên cứu trong lĩnh vực mình giảng dạy đồng thời cũng rất say mê hội hoạ. Anh đã phát hiện ra một vấn đề trong cơ thể học: máu tuần hoàn trong cơ thể con người phải vòng qua phổi, không chỉ qua tim như những nhà y học khi ấy đã khẳng định. Đây là một vấn đề quan trọng trong thời gian ấy, nhưng rủi cho anh là phát hiện này ngược lại với điều mà nhà thờ thừa nhận là “máu chỉ tuần hoàn qua các huyết quản và tim”. Bây giờ ở nước Ý và những nước mà tôn giáo có uy quyền lớn, ai nói ngược lại điều gì nhà thờ đã công nhận, trong bất cứ lĩnh vực nào, đều bị toà án tôn giáo buộc tội là tà giáo và kết tội hoả thiêu. Nêu lên điều mình phát hiện, Ăngtôniô phải đối phó với một kẻ thù có uy quyền lớn là toà án tôn giáo.
Trong kho đồ cũ của tu viện Pađu, nơi anh ở, anh đã tìm thấy bức tranh “Thần vệ nữ giáng sinh” và đem về treo ở phòng mình. Trưởng tu viện Pađu, linh mục Phêlíp Xăngtốt đã phát hiện và chiếm hữu bức tranh ấy. Ông ta nhân danh pháp quan của toà án tôn giáo Pađu điều đình với Ăngtôniô rằng nếu anh im lặng về vấn đề bức tranh thì ông ta sẽ không truy tố anh tội dám nói ngược lại với nhà thờ về vấn đề tuần hoàn qua phổi. Vì bức tranh này, anh lại một lần nữa mâu thuẫn nặng nề hơn với người đại diện cho toà án tôn giáo.
Ăngtôniô phải trốn đi Tây Ban Nha, để khỏi bị bắt. Nhưng tại Tây Ban Nha, trong lúc làm nhiệm vụ của người thầy thuốc anh lại nhiều lần mâu thuẫn với các pháp quan của toà án tôn giáo ở Mađơrít và hai lần bị đưa ra xét xử. Cuối cùng, anh đã vượt ngục trốn sang một nước khác, nơi anh được tự do giảng dạy và nghiên cứu khoa không bị sự kiềm chế của toà án tôn giáo.
Trong quãng đời gian truân ấy, anh có một người bạn rất chân thành và đã gặp một tình yêu thật tốt đẹp và trong sáng. Bạn anh, hoạ sĩ Giăng Xavarinô đã theo sát giúp đỡ anh trong mọi lúc khó khăn, nguy hiểm. Luxia Belacmi, cháu gái một nhà triệu phú, một cô gái đẹp giống hệt Thần vệ nữ trong tranh, rất thông minh nhưng cũng rất kiêu căng, đã yêu anh ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ.
Dưới ngòi bút của tác giả, các nhân vật sống động và hấp dẫn người đọc khá mạnh. Mỗi con người đều rất thực với các ưu khuyết điểm rõ ràng của họ. Ăngtôniô Xecvêtut là một bác sĩ, say mê khoa học nghệ thuật, sống rất trung thực, và có trách nhiệm, nhưng nhiều lúc chất phác đến ngu ngốc trước những sự việc uẩn khúc trong cuộc sống. Người thanh niên này lại vô cùng cương quyết và dũng cảm khi phải bảo vệ chân lý và nhân phẩm. Giăng Xavarinô là một hoạ sĩ sống khá phóng túng, hay lả lơi với gái đẹp, nhưng lại rất nghiêm túc trong công việc, tận tình giúp đỡ bạn ngay cả những lúc bản thân có thể bị đe doạ. Luxia Belacmi tuy là cô gái đẹp và thông minh nhưng lại ngang tàng và ngỗ nghịch như con trai. Cơlarit Xtơrôdi, người mẫu khoả thân của hoạ sĩ Giăng Xavarinô, tình nhân của viên pháp sư Anhôlô, lại là một phụ nữ dịu dàng, tế nhị, hiểu biết, đẹp, duyên dáng và thà chịu chết dưới nanh vuốt của toà giáo chứ không chịu phản bội bạn bè.
Nếu các nhân vật chính thu hút người đọc vì tấm lòng trong sáng và sức sống sôi nổi thì các nhân vật phản diện lại thu hút bằng sắc thái nham hiểm và tàn ác đến ghê tởm của chúng. Linh mục Phêlíp Xăngtốt, pháp quan toà án tôn giáo ở Pađu, đã lạm dụng trách nhiệm để chiếm bảo vật của người khác, đã dùng dao đâm Ăngtôniô khi anh đến lấy lại bức tranh để trả cho chủ nó, đã dùng sức ép để bắt anh ký vào một tờ vu khống, đã câu kết với linh mục Inhaxiô Môlina tìm mọi cách buộc tội anh, Inhaxiô Môlina, pháp quan toà án tôn giáo ở Mađơrit cũng đã nhiều lần uy hiếp không cho anh làm nhiệm vụ của người thầy thuốc đối với những người thuộc phái chống lại họ. Tòa án Tôn giáo Mađơrit, tuy không đủ chứng cớ cũng cứ bắt giam Luxia Belacmi, dùng cô để tạo sức ép với Ăngtôniô và vì cô có một gia sản lớn, nếu buộc tội được cô, toà giáo sẽ tịch thu được tài sản đó. Cuộc đấu trí giữa các pháp quan toà án tôn giáo Mađơrit với Ăngtôniô và sự thảm hại của linh mục Inhaxiô là một đoạn làm cho người đọc rất thú vị.
Tác phẩm được bố cục làm năm phần lớn, mỗi phần là một chủ đề nối tiếp nhau. Trong mỗi phần chia thành nhiều chương và mỗi chương thể hiện một tình tiết. Cách bố cục ấy làm cho tác phẩm rất sáng và mang nhiều kịch tính.
Trong tác phẩm có đôi chỗ nói đến vấn đề trực giáo, đến sự huyền hoặc của phép thôi miên mà viên pháp sư Anhôlô đã trình diễn...Tuy nhiên, có thể bỏ qua những chi tiết này vì đây là câu chuyện xảy ra từ thế kỷ thứ XVI.
“Người tình tuyệt vời” là chuyện về những người thanh niên yêu khoa học, quyết tâm bảo vệ khoa học, bảo vệ lương tâm, trách nhiệm và phẩm chất làm người dám chống lại sự đàn áp tàn nhẫn và thâm độc của những người đại diện cho quyền lực của tôn giáo thời bấy giờ là các pháp quan của toà án Tôn giáo. Đây chính là câu chuyện về những người thanh niên đẹp, kiên quyết bảo vệ cái đẹp của con người và các đẹp của cuộc sống.Người dịch