Có lẽ ít người cha trên đời thương yêu con như cha tôi. Mẹ tôi mất từ lúc tôi lên hai, cha nuôi tôi từ thuở ấy. Người dùng chiếc xích lô kiếm sống, cũng là chiếc nôi chở tôi đi khắp nẻo đường thành phố. Thành phố nhỏ miền trung này, chắc hẳn đã có người bắt gặp. Một người đầu chớm hói, có nước da rám nắng và đứa trẻ gái ngồi trên ghế mây, đó là tôi và người cha tội nghiệp. Tất cả tình thương cha dành cho tôi. Tôi lớn lên trong sự nhọc nhằn thức khuya dậy sớm nai lưng đạp xích lô của cha, giờ đây, tôi đã là cô gái mười bảy tuổi đang học những năm cuối của bậc trung học. Cha hay kể về mẹ bằng những lời ngọt ngào. Cha kể đến mức tôi thuộc lòng hình ảnh mẹ. Hễ nhắm mắt lại là thấy mẹ hiện lên, khuôn mặt đôn hậu, hai mắt mở to nhìn tôi. Chiến tranh tàn khốc và thiếu thốn ở chiến trường Tây Nguyên vẫn không tàn phai được sức sống và vẻ đẹp của mẹ - cha bảo mẹ có nụ cười đầm ấm dễ thương - mẹ Thu của con đã cứu cha thoát chết bởi những trận sốt rét ác liệt. Hàng tháng trời cha nằm ở trạm giao liên. Mẹ lội khắp rừng tìm lá thuốc nam sắc cho cha uống. Mẹ xuống bìa rừng bắt giun dùng lá chè xanh rừng chuốt sạch nhớt bắt cha nuốt. Sau khi thoát chết là đói. Ðói đến nỗi tóc và lông mày rụng hết, cha phải dùng cả hai tay mới bò nổi từng bước, mẹ lại lần đến những bản xa xôi của người cùi, không ai dám tới xin bắp về nấu cháo bón cho cha từng thìa...

Bao giờ cũng vậy, kể đến đó cha đến bên bàn thờ của mẹ thắp ba nén hương. Miệng cha lầm rầm tâm niệm. Chiếc ảnh của mẹ tuy đã phai mầu nhưng vẫn ánh lên mỉm cười cùng cha con tôi.

*

* *

Tôi thương cha hàng ngày phải làm thay phần việc của mẹ. Lo từng mớ rau, quả cà và cả việc may vá. Nghề đạp xích lô không ai lạ gì. Phải dậy thật sớm đón khách đi chợ, đón người từ ga tàu về. Nhiều hôm phố, xóm đã cơm nước ngồi xem ti-vi cha mới lạch xạch đạp chiếc xe cà khổ về nhà, cha hì hục lau chùi rồi dùng xích sắt khóa vào chân giường cha nằm, cha bảo đó là con ngựa chiến nuôi sống nhà mình. Mà quả thật, đó là món tiền nghỉ chế độ một lần của cha ngày mẹ mất về nuôi tôi.

Tài sản ngoài ba gian nhà lá trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá ngoài chiếc xích lô cũ kỹ. Vẫn hai chiếc giường từ ngày tôi ra đời, chiếc cha nằm đã mọt, có đêm tôi giật mình thức giấc bởi tiếng nghiến răng của mọt. Tôi thương cha nên sớm thành cô gái ngoan. Tôi muốn đỡ phần bếp núc, quét dọn nhà cửa. Căn nhà của cha tôi là một tổ ấm nho nhỏ làm dịu lòng cha thân phận người đạp xích lô hèn mọn. Một lần tôi nghe một cô gái trạc tuổi tôi nói như hét vào nhà.

- Xích lô! Ði ga nhé!

Tôi buồn rầu hỏi cha:

- Có nghề gì tốt hơn đạp xích lô không cha?

- Bốc vác, bơm xe... - Nghĩ ngợi một lúc cha tôi cười - con hiểu cho cha, cha đi lính từ năm mười bảy, lúc chưa kịp rời ghế nhà trường nên chẳng biết nghề ngỗng gì. Mới lại, Thu Trang con ạ! Chiếc xích lô này sẽ đưa con vào trường đại học. Rồi cha kể cho tôi nghe sự phong phú của "binh chủng" xích lô. Người mù chữ có, người có bằng cấp có, lính có, quan có... có chàng ban ngày lên bục giảng, đêm đến cùng "con ngựa chiến" ra đi... cha bảo nhiều vị khách nước ngoài họ khoái đi xích lô, họ thiếu gì tiền để đi xe du lịch, nhưng thích rong ruổi trên xích lô để ngắm thành phố. Vớ được một người khách ấy đạp bở hơi tai, nhưng cũng hời vì họ hào phóng. Tôi nghe bao lời điều tiếng về nghề của cha. Họ kể về sự phức tạp của dân xế lô. Nào có bà khách đi chơi đêm không có tiền trả, muốn gạt nợ bằng chuyện làm tình, có ông thích cầm nhầm của khách hàng. Tôi tin cha, người có trái tim của người lính.

Những hôm vắng khách cha bảo tôi lên xe ngồi và cha con tôi rong ruổi khắp phố phường. Lúc đó cha tươi cười nói một cách trẻ trung, nhìn thành phố, người qua lại nói cùng tôi.

- Thu Trang ạ! Có lẽ khi loài người bay vào vũ trụ rong chơi, chắc vẫn nhớ đến chiếc xích lô của cha con mình.

Nghe cha nói tôi nhủ thầm, dẫu sao nghề nghiệp của cha cũng chân chính như trăm nghìn nghề khác, vất vả mới kiếm được đồng tiền.

Bạn bè của tôi thích cuộc sống đạm bạc của cha con tôi. Các cậu ấy nói cùng cha:

- Bác ạ, Thu Trang sẽ vào đại học bằng "chú ngựa sắt" của bác, rồi ra bác sẽ đỡ khổ.

Tôi muốn kiếm một nghề đỡ đần cho cha, chắc mẹ tôi ở dưới suối vàng cũng ngậm vui...

Có lẽ tôi là người biết chậm nhất. Mấy bà hàng xóm nói đuổi theo tôi.

- Thật khổ cho con nhỏ, mẹ chết đuối chẳng tìm được xác, cha phải bỏ cơ quan về nuôi nó...

- Chậc! Ông ấy có người tình là phải rồi!

- Thì bà bảo nhịn làm sao được. Cha nó nhịn được mười lăm năm là giỏi đó.

- Ðàn ông đàn ang họ vậy cả đấy, đầu gối cắt còn máu còn thích nhấp nhổm.

Tôi buồn bởi một lẽ cha không nói thật ra cùng tôi, tôi thề sẽ không như những cô gái khác ích kỷ muốn cha ở vậy hầu hạ mình mãn đời. Tôi thèm những đêm trăng cha chở tôi đi men theo đường phố. Tay người chỉ lên những quả đồi bát úp mọc chi chít thông. Cha bảo ở Tây Nguyên có nhiều thông lắm. Lán giao liên của mẹ và cha cũng ở dưới gốc thông, những đêm trăng sáng, bao giờ mẹ cũng đánh thức cha dậy bằng được. Mẹ bảo những cây thông nó đang trò chuyện và ngắm trăng đấy!

*

* *

Thôi rồi, còn đâu những ngày đầm ấm nơi căn nhà lá đạm bạc. Thì đằng nào cha cũng cần có cuộc đời riêng. Sao ta lại phi lý bắt cha phải chịu đựng vắng bóng người vợ dẫu đó không phải là mẹ. Nhưng thà cha đừng kể nhiều về mẹ, cha như bao người đàn ông bạc tình khác ở cõi đời quên người vợ nằm xuống khi cỏ chưa xanh. Nhưng cha cứ kể và cứ kể với giọng ngọt ngào... Cha thắp hương trên bàn thờ của mẹ... tôi lại phải nhắm mắt lại đã nhìn thấy mẹ hiện lên... Có đêm, học mệt nhoài, nằm thiếp đi, tôi thấy mẹ và cha trở về, mẹ dắt tay cha rón rén nhìn tôi. Cha hết nhìn mẹ lại nhìn tôi như so sánh sự giống nhau. Mẹ xoa đầu tôi, nước mắt mẹ rơi trên trán tôi nóng bỏng. Tôi khóc thét lên như đứa trẻ nhỏ gọi:

- Mẹ ơi! Mẹ của con ơi!

Mở mắt ra chỉ nhìn thấy cha nước mắt rơi lã chã.

Tôi không tin cha tôi có người tình. Nhưng tụi bạn lại thề độc, chúng nó nhìn thấy cha cùng người ta ôm nhau trên xe xích lô. Người đó khóc, còn cha vỗ về...

Tận phút này cũng ít ai thương con như cha. Cha ra đi từ mờ sáng nhưng cơm nước đậy sẵn lồng bàn cho tôi ăn đi học. Tối nào trở về dù khuya cũng mua cho tôi lúc thì quả xoài, hôm thì hộp kẹo, cha gọi tôi khoe chú cá lóc.

- Thu Trang con không nhớ ư? Mẹ con là chúa thích ăn canh cá lóc lắm đó.

Cha làm như tôi đã được sống với mẹ không bằng.

Nghe cha nói tôi vừa bực mình lại vừa thương cha, dưới con mắt cha, tôi vẫn là đứa trẻ dại khờ. Ðược, đằng nào tôi cũng phải làm cho ra nhẽ. Ðể cha tôi và người đó phải ngượng ngùng cho mà xem. Tôi tưởng tượng ra người tình của cha mắt nhìn đi nơi khác để tránh cái nhìn của tôi, còn cha thì nói đứt quãng:

- Thu Trang... con... tha thứ... cho cha!

Tôi mượn bộ quần áo con trai để mặc. Ðầu đội mũ lưỡi trai dài che kín mặt, đeo kính râm. Ðạp xe từ thành phố ra ga mắt quan sát người đạp xích lô. Quan sát những gốc cây cổ thụ, những đoạn đường vắng vẻ. Ðạp vòng vèo mãi tận khuya mà không thấy cha đâu. Mấy cô gái đi hoang gọi theo léo nhéo:

- Anh ơi! Em chờ anh hoài... hay vì tình mới mà quên bạn xưa cũ hở anh? Họ cười phá lên nghe mà nổi cả gai ốc. Không biết trong những người đó, có ai là người tình của cha tôi?

Thất vọng, quay xe đạp qua cầu sắt về nhà. Nhưng kìa chiếc xích lô áp vào gốc cây đầu cầu. Một người đàn bà mặc đồ đen đang gục vào cha tôi khóc. Cha vỗ về - nín đi em... trời bắt tội, anh biết làm sao được!

Tôi muốn lao xe đến hét toáng lên. Ôi! Xấu hổ chưa cha ơi! Sao không nói cùng con và lạy trước linh hồn của mẹ mà về ở với nhau cho đàng hoàng.

Nước dưới chân cầu rỉ rả phụ họa cho tiếng khóc của người đàn bà. Tiếng cú rúc cùng đêm lạnh.

Tôi về gian nhà lá mồ côi, lấy chăn trùm kín mặt. Nước mắt tự dưng trào ra.

Cha mãi khuya mới về, gọi tôi nhỏ nhẹ.

- Trang ơi! Quà của con đây này!

Tôi nín lặng hồi lâu, không hiểu sao lại nói cùng cha.

- Cha cưới người ấy đi, con không độc ác với người ta đâu.

- Không bao giờ... không bao giờ con ạ! - Tiếng nói như bị tắc trong cổ cha.

Bẵng một thời gian tôi nói với cha:

- Tối nay con đi học nhóm, con sẽ ngủ lại ở nhà bạn con, cha về đừng chờ con.

Cha nhìn tôi một lát rồi hỏi:

- Con đã hẹn với bạn chưa?

Tôi gật đầu thay cho trả lời.

- Hôm nay thì được nhưng lần sau con nên rủ bạn đến học ở nhà ta. Nhà mình vắng, cha khuya mới về.

Nghe cha nói tôi thấy lòng chua chát quá. Cha biết đâu, tôi muốn bắt được cha và người tình ngay ở căn nhà này.

*

* *

Ðêm trăng sáng. Thành phố nhuốm đầy ánh sao. Tôi lẫn vào đoàn người và xe cộ. Như một thiếu nữ đi dạo chờ người tình, tôi lang thang tới khuya. Rón rén như một tên ăn trộm tôi mò tới cửa sổ. Nơi giường của mẹ tôi, cha tôi và người đàn bà ấy đang ôm chặt nhau. Vai người ấy rung lên tiếng nấc.

Tôi chạy vào nhà cố kìm lấy tiếng la hét:

- Trời ơi! Sao các người lạ lùng vậy? Không biết xấu hổ cùng người mẹ của tôi hay sao?

Bà ta vùng dậy nghẹn ngào:

- Trời ơi! Kìa... anh!

- Không được... Liên, nghe anh!

Bà ta lại gục đầu vào cha tôi khóc rưng rức. Tôi vùng chạy khỏi nhà. Chạy để khỏi thấy nỗi khổ trớ trêu dày vò tâm can. Tôi muốn thức trọn đêm nay với nỗi lòng tan nát vì người cha. Tôi đi đến bãi sông bên cầu sắt, nơi cha tôi tìm được bộ quần áo của người mẹ xấu số, cái lần mẹ đi tắm và vĩnh viễn không trở về.

Trời khuya, gió lạnh. ánh trăng nhạt nhòa chiếu xuống dòng sông. Khúc nhạc cô đơn của dòng sông thấm vào lòng tôi. Tôi nhìn thấy nơi dòng sông như có tiếng ai đó vẫy gọi:

- Con ơi... con tội nghiệp...

- Thu Trang... về đi con! Tôi giật mình quay lại thấy cha tôi cùng với chiếc xích lô đến từ lúc nào.

Tủi thân, tôi ôm lấy thành cầu khóc.

Nhìn thấy dáng ảo não của cha, tôi càng khóc to hơn.

- Lên xe đi con! - Cha tôi giục.

Không chở tôi về nhà mà ông chở tôi đi dọc phố. Ðêm vắng lặng. Lòng cha tôi cũng nặng buồn. Ðêm trăng, vẫn là đêm trăng sao buồn bã cô đơn. Vẫn là những quả đồi quen thuộc, những hàng thông xếp hàng tít lên cao. Nhưng tôi lại tưởng những cây thông như người đàn bà mặc áo đen đang trèo lên đỉnh mà chẳng bao giờ tới đích.

Tiếng hú của con tàu nào vào ga, có phải mọi hôm giờ này cha tôi đã đi đón khách.

Nhưng nỗi buồn ấy chưa vơi thì một tai họa khác lại giáng lên đầu tôi. Một hôm tôi đang học thì mấy bà hàng xóm hớt hải đến lớp, báo tin cha tôi bị nạn cấp cứu đưa vào bệnh viện, không biết sống chết ra sao.

Chị hộ lý đón tôi, dẫn vào phòng cấp cứu. Người cha tôi quấn đầy băng trắng xóa, nằm bất động. Tai nạn bất ngờ xảy ra cùng cha khi cha đang chở xe hàng nặng leo lên dốc cầu, bị một xe ô-tô đi ngược chiều quệt làm cho cả xe hàng đè lên người cha. Tôi ôm chầm lấy cha khóc như mưa.

- Cha ơi! Sao mà khổ thế cha ơi!

Cha tôi nuốt đi những giọt nước mắt. Bàn tay khô héo xoa lên đầu tôi. Cha nhìn tôi như muốn dồn tất cả tình yêu thương trước khi lìa khỏi cõi đời, thật ân hận biết bao, có phải đã có lúc tôi giày vò cha về chuyện người tình.

Cố gắng lắm cha mới mấp máy được đôi môi.

- Thu Trang... con...

- Dạ...

- Con... có... hứa... với cha không?

- Dạ... có cha ạ!

- Từ giờ phút này... con phải sống... tự lập... vì không... có ai nuôi con... Dừng một lúc cha nấc lên - cha thật có lỗi vì để con côi...

Tôi òa lên khóc, thương cho số phận của cha và niềm tủi cực của mình. Cha đưa cho tôi một mảnh giấy nhỏ, ghi loằng ngoằng mấy chữ: "Maria Liên - Vĩnh biệt em". Người thều thào nói: "Con hãy giúp cha đưa thư này" rồi tắt thở.

Hàng xóm và bạn bè đạp xích lô đưa cha tôi đến nơi yên nghỉ cuối cùng. Tôi khóc thương cha nhưng thầm hứa trước linh hồn người sẽ đưa thư đến tận tay người tình của cha.

*

* *

Tôi lên tàu lên theo địa chỉ Maria Liên. Mong mỏi gặp bà, tôi sẽ nói cùng bà rằng cha tôi đã mất. Rằng trên đời này, chỉ có bà và tôi là người gần gũi nhau.

Tôi thất vọng hoàn toàn khi người chỉ đường cho tôi nói, đây là một làng toàn người hủi sống. Người tôi gặp mặc toàn đồ trắng, có dấu chữ thập đỏ ở mũ, có lẽ bà ta là thầy thuốc. Bà nhìn tôi ái ngại.

- Cô đến thăm ai?

- Dạ, cháu đến thăm bà Maria Liên.

- Cô là gì với bà Liên?

- Cháu... à không ạ!

- Không sao... con đi vào ngôi nhà ở quả đồi thứ ba có những cây nhãn xanh tốt, nhớ rẽ bên phải...

Tôi đi theo lối chỉ dẫn của bà. Tâm trạng như bị rơi vào khoảng hư vô, sợ hãi. Những hàng cây xanh tốt um tùm đầy quả ngọt, vi vút tiếng chim kêu. Ðó đây, tiếng thổi sáo của trẻ mục đồng làm xao động trời xanh. Ðàn trâu phô bầy những chiếc lưng béo mộng. Tiếng suối chảy róc rách như tiếng đàn của thiên nhiên vỗ vào lòng đất. Xa kia, những ngôi nhà đầy ngoạn mục như chiếc lá đính vào núi đồi mầu xanh lam. Chim muông, trái thơm quả ngọt đầy thân thiện. Nhưng chỉ con người xa lạ, như không có họ ở trần gian.

- Này cô kia... đi đâu đấy? - Tôi nghe một giọng nói như dội lên từ âm phủ.

Một người, hai người và rất đông từ lùm cây hiện ra cùng tiếng nói. Mặt họ đỏ rực như thể được nung từ mặt trời. Tia mắt nhìn ánh lên nẩy lửa, chắc ở trong mỗi con người kia đang bị cắn rứt bởi tật nguyền. Mũi sứt sẹo, chân bước tưởng có thể rơi ra từng đốt. Tôi rụng rời không nói được nên lời.

- Dạ... con đến thăm... bà Maria Liên!

- Nhà thứ ba, đi... đi... ííí... họ biến mất vào lùm xanh. Họ không muốn cho ai nhìn thấy mình, nhìn thấy sự bêu riếu của tạo hóa.

Trời ơi! Thế hóa ra cha tôi lại yêu một người bị hủi ở chốn này ư? Tôi muốn bỏ chạy, chạy cho thoát khỏi nỗi ghê rợn. Nhưng một tiếng nói sâu lắng, thiêng liêng như là lời nguyền trong tôi. Hãy vì cha, vì người cha tội nghiệp mà cố lên, Thu Trang.

Tôi leo lên sườn đồi, quên phéng đi mọi lời chỉ dẫn. Tôi vào một ngôi nhà lợp lá gồi xinh xinh. Một người ăn mặc bộ đồ dài, đầu trọc lốc, đang gõ mõ đánh nhịp cho tiếng tụng kinh.

- Nam... mô... A... di... đà... phật... cứu... khổ... cứu nạn... những lời sau đó dính vào nhau thành một chuỗi dài.

Tôi lễ phép hỏi:

- Thưa cụ... cho con hỏi ạ!

- Mô phật! - Một cô gái còn rất trẻ quay lại nhìn tôi.

- Bà Maria Liên ạ! - tôi nói.

- Bên quả đồi thứ ba, đi... đi! - Những lời nói rời rạc, ánh mắt lạnh lẽo muốn xua đuổi. Tôi hấp tấp chạy để tránh ánh mắt lạnh lẽo của cô gái. Mong sao đưa được mảnh giấy đến bà Liên - người tình của cha tôi.

Leo lên quả đồi có ngôi nhà gỗ. Một người mặc đồ đen đang gục vào cây thánh giá có hình đức chúa chịu nạn, giọng nức nở.

- Lạy đức chúa trời... cứu vớt lấy chúng con là kẻ có tội...

Chờ cho lời cầu kinh dứt, tôi lên tiếng:

- Thưa bà, bà có phải là Maria Liên không ạ?

Bà ta giật mình quay lại nhìn tôi. Mặt mũi méo xệch đi như vừa bị một bàn tay vô hình bóp méo. Bàn tay phẩy phẩy không che nổi những đốt đã rụng.

- Không... tôi không biết người là ai... đi... đi... Nén nỗi uất hận vì thương cha, tôi lễ phép hỏi:

- Thưa bà... cha tôi đã chết... Nếu bà không phải là người nhẫn tâm thì nhận lấy thứ này.

Bà Maria Liên vụt chạy đến bên tôi, cầm lấy tờ giấy tay run rẩy. Tôi kịp nhận ra rất rõ, người tình của cha. Bà mặc dù bị bệnh tật tàn phá nhưng vẫn đẹp... không nén được, tôi khóc lên thành lời: "- Khổ lắm cha ơi, là cha ơi!".

Bà nhìn tôi trừng trừng, tôi không chịu nổi cái nhìn dữ dằn ấy, quay đi chực bỏ chạy.

- Khoan!!!

- Bà đến cạnh tôi, đôi mắt mở to.

- Thu Trang... bà phải nén sự nghẹn ngào mới thốt được ra lời.

- Bà... ơi... cha tôi mất rồi!

- Trời ơi! Con... con hãy tha thứ cho mẹ... mẹ Thu của con đây... Vì tương lai của đời con... mẹ không muốn cho mọi người biết con có người mẹ bị hủi nên ra đi từ lúc con lên hai... Trời ơi... Thu Trang... cha của con đâu rồi?

Tôi gục vào ngực mẹ, gọi: "Mẹ ơi!".

Phải, trên đời này tôi rất cần có mẹ.