Mọi người đi qua xưởng đá của ông Cả Thăng đã quá quen với cái dáng cục mịch, thấp lùn, méo mó hệt như những tảng đá còn nguyên thô đang bị hắn choảng tới tấp những nhát búa trời giáng. Người hắn phủ đầy bụi đá, loang lổ từng mảng mồ hôi. Những lúc hắn ngồi nghỉ, trông hắn chẳng khác gì một pho tượng mốc meo. Nhiều lúc, hắn nghĩ, cái nghề tạo hóa của ông Trời cũng giống như nghề tạc tượng của hắn. Có người thì được ông đục đẽo cho rõ đẹp, có người thì còn phải sửa lại chỗ này, chỗ kia một chút mới hoàn chỉnh. Còn hắn? Hình như ông Trời đã làm ra hắn một cách quá vội vàng, chểnh mảng nên trông hắn chẳng khác mấy so với một cục đá nguyên sơ.

Xưởng đá của ông Cả Thăng có mười sáu thợ cả thảy, nhưng hễ cứ vắng thằng Tự thì chẳng làm nên trò trống gì. Hầu như tất cả những pho tượng lớn đều do hắn lo liệu, từ chọn đá, phác mẫu đến đo đạc, kẻ vẽ từng chi tiết lên đá. Thợ chỉ việc đục đẽo sơ sơ theo sự chỉ đạo của hắn cho ra hình, ra thù. Đến những chỗ tinh xảo, những đường cong, nét khuyết tạo thần hồn cho tượng thì nhất định phải đến tay hắn. Những nhát búa lúc mạnh, lúc nhẹ cứ thoăn thoắt lướt đi. Thế rồi, tảng đá vừa nãy còn vô tri vô giác, giờ đây cứ dần dần trở nên sống động lạ thường.

Đôi bàn tay cong queo, thô kệch của hắn đã tạo ra biết bao nhiêu là tác phẩm tuyệt đẹp, khiến cho nghề đá làng Thượng trở nên nổi tiếng khắp vùng. Thậm chí, nhiều người còn gọi nhầm làng Thượng thành làng "Tượng". Thỉnh thoảng, người ta lại nghe lũ trẻ con hát bậy:

Thái Sơn đá chất ngang trời

Gặp phải thằng Tự hết đời Thái Sơn

Hòn to nó đẽo ông Thần

Những hòn nho nhỏ là phân của ngài.

Phải đến chục ngày nay, cái bóng dáng kỳ dị quen thuộc của hắn bỗng biến đi đâu mất tăm. Chưa bao giờ thằng Tự vắng mặt lâu đến thế. Vài người thắc mắc hỏi thì được ông Cả Thăng trả lời là hắn đang dẫn một nhóm thợ lên núi Ông tìm đá. Chả là hồi đầu tháng, ông cha xứ ở bên xóm Đạo có sang đặt ông Cả Thăng tạc cho nhà thờ một bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh bằng đá cẩm thạch lớn. Đó cũng chính là ước nguyện của đông đảo giáo dân nơi đây. Họ muốn được đặt bức tượng trên núi Bà, nơi có khu nghĩa địa của dân xóm Đạo. Người Công giáo cho rằng Đức Mẹ đứng ở đây sẽ che chở, phù hộ cho linh hồn những người thân của họ; mọi tội lỗi cũng sẽ được tha thứ để cho những linh hồn này mau chóng siêu thoát lên thiên đàng với Chúa. Với lòng tin sùng bái như vậy, những giáo dân ngoan đạo đã không tiếc tiền, tiếc của quyên góp cho nhà thờ, mong sớm có bức tượng đẹp để thỏa lòng tôn kính.

Sau khi nghe ông Cả Thăng truyền đạt lại, nhất là lúc nhìn vào bức tranh Đức Mẹ Đồng Trinh mà ông cha xứ để lại làm mẫu. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi bao nhiêu cảm xúc mà từ lâu tự chôn chặt trong lòng tưởng chừng không bao giờ còn trở lại bỗng ùa về một cách dữ dội. Hắn cảm thấy tim đau quặn. Từng đợt sóng vô hình dồn dập xô đẩy khiến lồng ngực hắn như muốn vỡ tung. Tai hắn như không tin nổi khi nghe thấy giọng nói điềm tĩnh của chính mình:

- Bác Cả cứ để tôi lo, miễn là bác chỉ cho tôi đường lên đỉnh núi Ông...

Thực ra, sự nhiệt tình sốt sắng quá mức đó không phải là vô cớ, lại càng không phải do hắn quý mến gì ông cha xứ xóm Đạo. Sự thật là bức tranh Đức Mẹ đã lôi tuột hắn trở về với quá khứ, về cái thưở hắn thầm yêu trộm nhớ đến cuồng si một người con gái tên là Diệu.

Hồi đó, hắn chưa bị mất một tai. Ngày ấy, tay nghề tạc tượng của hắn cũng đã lừng danh khắp cả vùng. Chả thế mà ông quan tri phủ phải đích thân lặn lội xuống tận làng Thượng gặp hắn, đặt hắn tạc cho ông một bức tượng hoàng đế Nã - Phá - Luân thật đẹp, dựa theo nguyên mẫu bằng thạch cao mang ở Tây về để ông gửi biếu ngài Toàn quyền, nhân dịp ngài sắp xuống phủ ông thị sát. Tiền công bao nhiêu ông cũng không tiếc, miễn là phải thật đẹp, thật giống. Nếu ưng ý, ông còn thưởng thêm. Lúc đó, hắn coi như mình đã cầm chắc món tiền thưởng của ông tri phủ. Tài sao chép tượng của hắn thì đố ai có thể vượt quạ Khuôn mặt gồ ghề, lạ lẫm của người phương Tây thì chỉ có tay đẽo như hắn mới tả được hết cái thần hồn của tượng.

Bấy giờ, làng Thượng còn có một người nữa mà tiếng tăm cũng vang xa khắp vùng, nhưng không phải về tài đẽo đá mà là về sắc đẹp. Đó là Diệu.

Diệu là người Công giáo. Mẹ cô ở xóm Đạo, nhưng cha cô lại là dân làng Thượng nên cô thường ở bên họ nội. Hàng tuần, vào ngày chủ nhật, cô luôn đi lễ nhà thờ bên xóm Đạo cùng với cha mẹ. Mỗi lần đi ngang qua nhà anh thợ đá ở đầu làng, cô lại kiễng chân nhòm vào sân xem mấy khối đá nham nhở hôm trước đã thành ra những hình gì. Tính tò mò đó đã dần dần trở thành một thói quen đầy hứng thú mỗi khi cô có việc phải đi qua nhà anh thợ đá. Có lúc thong thả, cô còn đứng nhìn anh đục đẽo hàng giờ mà không thấy chán. Những nhát búa vừa mạnh mẽ, vừa khéo léo, uyển chuyển có một sức hấp dẫn kỳ lạ đối với cô.

Ở cái tuổi mười lăm trong ngần như pha lê đó, cô chưa thể hiểu nổi chính cái thói quen tưởng chừng rất bình thường kia lại "hành hạ" anh chàng đẽo đá đa tình đến mức nào.

Thú thật, từ thưở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, mặc dù công việc hàng ngày của hắn là tạo ra cái đẹp, nhưng chưa bao giờ hắn nghĩ rằng ông Trời lại có thể tạo được một tác phẩm hoàn mỹ đến thế. Toàn bộ tác phẩm đó, đặc biệt là đôi mắt, toát lên một vẻ đẹp thanh cao, thánh thiện đến tuyệt vời. Vẻ đẹp của Diệu khiến hắn nghĩ đến những thiên thần quá đỗi cao xa mà những kẻ trần tục như hắn không bao giờ có thể bén mảng lại gần. Vẻ đẹp đó như được tạo nên từ một chất liệu thanh cao, thuần khiết và hết sức mỏng manh, dễ vỡ. Mỗi lần thấy ánh mắt thiên thần đó nhìn mình, hắn lại cảm thấy toàn thân rộn ràng, không còn giữ được nhịp đục như trước nữa. Có lần, hắn còn nện cả búa vào ngón tay không dám kêu. Khi biết ánh mắt đó đã bỏ đi, hắn mới vội chạy vào nhà băng bó vết thương. Rồi cả ngày hôm đó chẳng làm được gì nữa.

Ánh mắt thăm thẳm của cô gái làng đạo từ lúc nào không biết cứ day dứt triền miên trong tâm não hắn, như thiêu đốt ruột gan hắn suốt cả ngày đêm. Dù ở bất cứ đâu, làm bất cứ điều gì, ánh mắt đó vẫn cứ mồn một hiện lên trước mặt hắn.

Hắn biết hắn đã yêu Diệu - một tình yêu đơn phương, ngưỡng vọng.

Mặc dù suốt cả ngày phải đánh vật với mấy khối đá tảng đến mệt nhoài, lòng hắn vẫn đau đáu ngóng chờ ánh mắt của Diệu, nhất là vào ngày chủ nhật cuối tuần, khi hắn biết chắc Diệu sẽ đi lễ nhà thờ và qua cửa nhà hắn. Điều đó như tiếp thêm sức lực cho hắn, khiến hắn cảm thấy cuộc sống đầy ý nghĩa.

Mỗi lần được đắm mình trong ánh mắt giai nhân, hắn thấy như đang sống trong tột đỉnh hạnh phúc, tinh thần hắn như được thăng hoa đến cùng cực. Bao nhiêu cảm hứng sáng tạo trào dâng trong lòng hắn, lan tỏa xuống từng quả búa, mũi dùi trong bàn tay hắn. Những bức tượng hắn làm ra ngày càng đạt đến độ toàn bích. Hắn không còn mặc cảm với hình hài xấu xí của mình nữa.

Ngày chủ nhật hôm đó cũng vậy. Vừa đẽo nốt những nét cuối cùng của bức tượng Nã - Phá - Luân cho quan tri phủ, hắn vừa thấp thỏm ngóng chờ giây phút thần tiên mà hắn sắp được ban tặng. Hắn nghĩ hôm nay quả là một ngày hạnh phúc. Bức tượng bán thân vị hoàng đế Pháp trông thật oai nghi và sinh động, chắc chắn sẽ mang lại cho hắn một khoản tiền thưởng hậu hĩnh. Hắn đã tính rồi, với số tiền thưởng đó, cộng với số vốn hắn dành dụm được sau bao năm đục đẽo, hắn có thể ăn dần trong một thời gian dài mà không cần đẽo thuê, đục mướn cho ai. Khi đó, hắn sẽ tha hồ rảnh tay để dồn hết tâm sức vào bức tượng người con gái hắn tôn thờ.

Trời đã xế chiều, hắn bắt đầu cảm thấy như đang ngồi trên ổ kiến lửa. Chưa có chủ nhật nào Diệu đi lễ nhà thờ về muộn như vậy. Cả ngày hôm nay, hắn ngóng chờ ánh mắt quen thuộc đến mòn mỏi. Thế nhưng, thật rủi ro cho hắn, ánh mắt quen thuộc hắn ước ao mong chờ chẳng thấy đâu, chỉ thấy rặt những cái nhìn lạ lẫm. Sáng sớm nay có một đoàn lính Tây đi qua làng hắn. Mấy thằng lính hiếu kỳ còn dừng cả lại để xem cảnh một anh thợ đá An Nam đang đục đẽo đầu của vị vua Pháp, rồi xì xồ bàn tán. Những ánh mắt xanh lè, lạnh toát như ánh thép của chiếc lưỡi lê chúng khoác trên vai khiến hắn rùng mình.

Bỗng có tiếng xôn xao, náo loạn ở phía đình làng, cách nhà hắn không xạ Linh tính về một điều gì chẳng lành khiến hắn quẳng hết đồ nghề, tất tả chạy ra xem sao. Mới chạy đến cây đa đầu đình, chân hắn bỗng khựng lại không bước nổi nữa. Hắn tưởng như ông thiên lôi vừa giáng thẳng một cú tầm sét vào giữa màng nhĩ hắn.

- Cái Diệu bị Tây hiếp chết rồi. - Từ phía đám đông vẳng ra một giọng lanh lảnh.

Hắn thấy cả bầu trời đổ sập xuống đầu hắn. Mặt đất nứt toác dưới chân như kéo tuột hắn xuống địa ngục. Mắt hắn tối sầm, đầu hắn quay cuồng, tai hắn ù lên, thỉnh thoảng còn vẳng đến những tiếng lao xao:

- Xác nó nằm bên bờ suối sau núi Ông...

- Quần áo nó tả tơi...

- Tay nó còn nắm chặt dúm tóc vàng hoe, xoăn tít...

Hắn gầm lên một tiếng như mãnh thú bị trọng thương rồi lảo đảo chạy về nhà. Hắn vồ lấy cây búa tạ dựng ở góc sân. Không chần chừ, hắn dồn hết sức bình sinh phang thẳng cây búa vào giữa mặt bức tượng vị đại đế Pháp mà hắn vừa kỳ công hoàn tất. Cú đập bất cẩn trong cơn cuồng nộ đã làm một mảnh đá khá lớn, nhọn hoắt văng ra, tiện đứt cái tai bên trái của hắn, đẩy hắn ngã ngửa ra đằng sau, bất tỉnh.

*

Thằng Tự không còn một ai thân thích, nhưng số hắn có quý nhân phù trợ. Qúy nhân đó chẳng phải ai xa lạ mà chính là ông Cả Thăng.

Suốt ba năm trời hắn nằm li bì bất tỉnh, ông Cả Thăng đã tận tình chăm sóc hắn như một người cha tảo tần. Nhiều lúc, dân làng ái ngại cho rằng hắn đã vô phương cứu chữa. Ông Cả chỉ bình thản trả lời:

- Còn nước còn tát. Sức tôi còn lo được thì tôi quyết không để nó đi.

Đến năm thứ ba, vào đúng hôm rằm tháng bảy, bỗng con mắt hắn hơi hấp háy. Đến sáng hôm sau thì nó mở hẳn ra. Dân làng Thượng kéo đến đầy nhà ông Cả Thăng thăm hỏi, chúc mừng.

Từ ngày bình phục, Tự trở thành một con người hoàn toàn khác. Hắn lầm lì, ít nói như một tảng đá.

Nhờ giời, cái xưởng đẽo tượng của ông Cả Thăng từ khi có hắn làm ăn ngày càng phát đạt. Tượng đá của xưởng ông có mặt ở hầu khắp các công đường, đình chùa, miếu mạo của mấy tỉnh lân cận. Mười năm đã trôi quạ Và bây giờ bằng lời đề nghị đường đột, Tự đột ngột đặt ông Cả Thăng vào tình thế một người cha.

*

Tự thưở xa xưa, trái núi lừng lững cao nhất vùng này có tên là núi Quảng Biên. Trái núi có hai ngọn. Một ngọn cao chót vót, quanh năm mây phủ trắng mờ, địa thế vô cùng hiểm trở, nằm ở phía đông. Ngọn kia thấp hơn, triền núi thoai thoải, quay sang hướng tây. Một dòng suối lớn vắt vẻo chạy dài từ đỉnh non cao xuống dưới lượn lờ bao quanh chân núi.

Thôn Quảng Thượng nằm dưới chân đỉnh lớn, còn dưới đỉnh nhỏ là thôn Quảng Hạ. Từ ngày tòa nhà được cất lên ở thôn Quảng Hạ, người dân nơi này đua nhau theo đạo Cơ đốc, thờ Chúa Giê-sụ Dần dần, thôn Hạ trở thành xóm Đạo. Còn thôn Thượng vẫn giữ được cái nghề truyền thống xa xưa - nghề tượng đá. Từ lâu, người ta cũng quen gọi hai đỉnh Quảng Biên là núi Ông và núi Bà.

Cứ theo như lời các cụ già trong thôn truyền tụng lại thì ở tít cheo leo gần đỉnh núi Ông, bên phía mặt trời mọc có một thứ đá vô cùng quý báu. Nó khác hẳn những thứ đá bình thường khác. Từ thưở hồng hoang đến nay, nó luôn được hấp thụ bởi những tia nắng sớm tinh mơ, những giọt sương khuya tinh khiết. Khí âm dương cực tuyệt của đất trời, của ngày đêm, của càn khôn vũ trụ đã tích tụ lại với nhau, quằn quyện vào nhau giữa nơi địa thiên đắc vượng mà tạo nên một thứ kỳ thạch không nơi nào có được. Mỗi lần nhắc đến loại đá này, nét mặt các bô lão lại trở nên đăm chiêu khôn tả.

Vì địa thế quá trắc trở, đường lên lại cực kỳ truân chuyên, lắt léo nên rất ít người tới được nơi đó. Thường thì họ chỉ leo được đến rừng trúc ở lưng chừng núi là phải quay về. Khu rừng rậm rạp như một mê cung kỳ bí, vách núi từ quãng này lại rất hóc hiểm, cheo leo. Biết bao người đã bị lạc trong rừng, không tìm được lối ra, phải bỏ xác lại đây hoặc tan xương nơi khe núi.

Người duy nhất ở làng Thượng đã lên được đỉnh núi là cụ Nghệ Vang, thân sinh ông Cả Thăng. Thời đó, ngoài việc quản xưởng đẽo đá ra, cụ Nghệ còn có nghề bốc thuốc chữa bệnh. Cụ thường đích thân lên núi Ông tìm những cây thuốc quý, nên rất thông thuộc đường ngang lối tắt của chốn thâm sơn.

Con đường độc đạo lên đỉnh núi được cụ Nghệ Vang khám phá ra qua những chuyến leo núi tầm thuốc. Cụ biết rằng, trên đỉnh núi có rất nhiều loài thảo dược như đinh lăng, dâm dương hoắc, vốn là những món ăn ưa thích của giống sơn dương. Hàng ngày, lũ dê rừng lên núi theo một lối riêng xuyên qua rừng trúc để kiếm ăn. Chiều tối, chúng lại trở về hang cũng theo con đường đó. Cụ Nghệ phải mất bảy ngày ròng vừa leo dốc núi, vừa vạch lá lần theo dấu chân dê mới lên được tới đỉnh. Đi đến đâu, cụ đánh dấu đến đó theo một cách riêng. Vì đi một mình nên cụ chỉ mang về được một hòn đá nhỏ cùng với một ít cây thuốc hiếm, định để chuyến khác sẽ dẫn thêm người lên giúp sức.

Thế nhưng chưa kịp thực hiện ý định đó thì cụ Nghệ Vang đột nhiên ngã bệnh. Cụ bị một chứng bệnh hiểm ác do uống phải nước độc trong khe núi, phải nằm liệt giường. Bốn tháng sau, cụ mất.

Đúng theo lời cha dặn ông Cả Thăng đã nối nghiệp cụ Nghệ Vang, ra sức làm cho xưởng đá ngày càng phát triển. Hòn đá mà cụ Nghệ cất công mang về được ông cho chạm nổi vào một chữ "tâm" tuyệt đẹp rồi đem tiến lên điện thờ Đức Thành hoàng làng, cũng là ông tổ của nghề đá làng Thượng.

Ngày nay, hòn đá vẫn là một bảo vật luôn được cất giữ chu đáo. Chỉ vào những dịp hội làng đầu năm, nó mới được rước lên chính điện cho mọi người thưởng ngoạn. Riêng chuyến lên đỉnh Non Quảng thì ông chưa thực hiện. Ông Cả Thăng không có con trai. Ông coi thằng Tự cũng như con đẻ. Trước lời đề nghị của nó ông đã trả lời: "Được!".

*

Trong suốt chuyến đi đầy nhọc nhằn, mạo hiểm lên đỉnh non cao, thằng Tự cứ bị ám ảnh bởi một cảm xúc hết sức khó tả. Từ khi nhìn vào bức tranh Đức Mẹ Đồng Trinh của ông cha cố, hắn cứ bị ánh mắt thánh thiện đó bám chặt vào trí não.

Ánh mắt đó cũng chính là ánh mắt của Diệu năm xưa.

*

Chao ôi! Bao nhiêu tình cảm tưởng chừng như đã vĩnh viễn chết hẳn trong lòng từ hàng chục năm nay, sao bây giờ bỗng dồn dập kéo về như thác đổ. Những cảm xúc đó cứ cào cấu khắp tâm can khiến hắn không còn thiết ăn, thiết ngủ. Người hắn trở nên hốc hác, xanh xao. Thế nhưng hắn lại cảm thấy như được tiếp sức bởi một nguồn năng lượng dồi dào. Điều đó khiến mọi vất vả khó khăn, hiểm nguy chết người đều trở nên vô nghĩa đối với hắn. Nó thôi thúc hắn làm việc miệt mài không biết mỏi.

*

Sau ba tháng say sưa đục đẽo bằng cả con tim và sức lực, thằng Tự cảm thấy khá vừa lòng với thành quả của mình. Bây giờ, hắn hào hứng bắt tay vào phần cuối của công việc, cũng là phần quan trọng nhất của bức tượng, đó là tạc khuôn mặt Đức Mẹ Đồng Trinh. Thằng Tự run run đưa tay lên vuốt ve phiến đá, nơi sẽ là khuôn mặt của bức tượng. Bỗng nhiên, đầu óc hắn bị choáng ngợp bởi hình ảnh gương mặt thiên thần đã từng ám ảnh hắn mười năm trước đây. Gương mặt hiện lên trong veo, sáng ngời và rõ ràng hơn lúc nào hết. Hắn tưởng như có thể sờ được vào đó, nhưng hắn không dám. Hắn sợ nó sẽ tan vỡ ra và vĩnh viễn biến mất.

"Đúng rồi, đây chính là gương mặt của Đức Mẹ Đồng Trinh" - Hắn thốt lên thành tiếng. Không cần phải đo đạc, kẻ vẽ trước trên đá, hắn tự tin nâng búa và dùi đục lên.

Suốt những ngày sau đó, dân làng Thượng không lúc nào thấy ngớt tiếng búa của Tự. Ngày cũng như đêm, âm thanh đó vang xa khắp làng. Tiếng búa của Tự lần này nghe rất lạ, không giống những tiếng chát chúa, đều đều trước đây. Tiếng búa của hắn lần này nghe âm vang trầm lắng. Dường như hắn đã tự vắt đến kiệt cùng tài năng và tâm lực của mình ra mà dồn cả vào những tiếng búa đó.

Cả khi đêm đến, hắn vẫn không tài nào dứt được khỏi công việc. Có lần, chiều lòng ông Cả, hắn miễn cưỡng lên giường gắng chợp mắt một lúc để giữ sức. Trằn trọc mãi vẫn không ngủ được, Tự lại vùng dậy, đốt một đống lửa lớn ở giữa sân rồi tiếp tục tạc đẽo. Mồ hôi lẫn với sương đêm nhóng nhánh trên tấm lưng trần của hắn. Khối đá dìu dịu tỏa sáng bên ánh lửa hồng.

Cái ngày hạn định giao tượng cho nhà thờ rồi cũng đã đến. Từ sáng sớm, ông cha xứ đã dần đầu một đoàn giáo dân với đủ xe đẩy, đòn khiêng, dây thừng kéo đến nhà ông Cả Thăng. Vừa vào đến sân, cả đám người không ai bảo ai cùng đồng thanh ồ lên một tiếng. Những người đi đầu kính cẩn quỳ xuống, tay không ngớt làm dấu thánh. Những người đi sau cũng vội vàng làm theo. Tất cả những ai có mặt ở đó đều có chung cảm nghĩ là họ đang được đứng trước một Đức Mẹ Đồng Trinh bằng xương, bằng thịt.

Lúc đó, Tự đang lánh mặt ở buồng trong. Hắn trông ngơ ngẩn như người mất hồn. Suốt mấy hôm nay, hắn nhất định không chịu rời bức tượng đến nửa bước, mặc dù công việc đã hoàn tất. Ban ngày, hắn say sưa ngắm bức tượng không rời mắt. Ban đêm, hắn ôm lấy chân tượng mà ngủ. Ông Cả Thăng phải nhẹ nhàng đắp lên mình hắn tấm chăn che sương. Trong giấc mơ, hắn thấy bức tượng biến thành Diệu. Nàng được một đám mây trắng nâng lên trời. Từ trên cao, nàng mỉm cười với hắn, hai tay nàng dang rộng. Một nguồn sáng dịu êm tỏa ra từ gương mặt Diệu làm hắn ngây ngất.

Hắn đã yêu bức tượng.

Hắn không coi bức tượng như một tạo phẩm do hắn làm ra mà hắn coi đó là hiện thân của cái đẹp thuần khiết, tinh túy nhất mà cả cuộc đời hắn theo đuổi. Khi đã đạt đến được thì không bao giờ hắn chịu rời xạ Hắn sẵn sàng đánh đổi tất cả để được ở bên tượng.

Suốt ngày hôm đó, hắn cảm thấy người bức bối, bồn chồn, đứng ngồi không yên. Khi trời nhá nhem tối, hắn lặng lẽ lẻn ra khỏi nhà ông Cả Thăng rồi bước về phía núi Bà, nơi "người yêu" đang đứng chờ hắn. Ở núi Bà còn có một điều nữa thôi thúc hắn, đó là nơi yên nghỉ của Diệu trong khu nghĩa trang xóm Đạo.

Tự lên đến núi Bà khi trăng đã lên cao. Dưới ánh trăng nhờn nhợt, những hàng mộ u ám càng trở nên tôn nghiêm, tĩnh mạc. Trong khung cảnh tôn nghiêm ghê gớm đó, pho tượng Đức Mẹ ngời sáng hẳn lên giữa bầu trời đêm nghĩa địa. Bức tượng tỏa ra những ánh dạ quang huyền ảo, dịu dàng, làm sống động cả một vùng tang tóc.

Tự tìm thấy nấm mộ Diệu nằm ngay gần bức tượng, ngôi mộ duy nhất có một đám hoa huệ trắng mọc bên trên.

Tự quỳ xuống bên ngôi mộ, mặt ngẩng lên nhìn bức tượng. Ánh trăng tưới đẫm trên khuôn mặt hắn. Tự nhắm con mắt bên phải lại. Bằng hốc mắt trống rỗng bên trái, hắn bỗng nhìn thấy rõ linh hồn của Diệu đang hiện ra từ ngôi mộ. Nàng từ từ nhập mình vào pho tượng đá. ánh mắt nàng nhìn hắn vẫn vời vợi, thanh cao như ngày nào.

Từ trong mắt hắn, một dòng nước đỏ sậm từ từ chảy ra. Tự cứ quỳ như thế không biết bao lâu. Bây giờ thì không một sức mạnh nào có thể ngăn cách được hắn với người hắn yêu. Hắn cảm thấy mình là kẻ hạnh phúc nhất trên trần gian. Hắn sẽ không bao giờ rời nàng nửa bước. Nàng chính là điều mà hắn đã theo đuổi suốt cả cuộc đời.

Nàng là lẽ sống của hắn.

Khi cảm thấy trời đã sắp sáng, thằng Tự quyết định xây cho mình một ngôi nhà. Hắn đi tìm một chiếc xẻng đào huyệt. Bằng đôi tay điêu luyện của người thợ đá tài hoa, chỉ trong chốc lát, hắn đã biến ngôi mộ của Diệu thành một căn hầm nhỏ, đủ rộng cho hắn trú thân. Hắn đi tìm một ngôi mộ mới để lấy cái ăn, mặc dù không cảm thấy đói.

Không biết đã từ đời nào, dân nơi đây có tục lệ là sau khi chôn người chết, họ luôn để lại trên mộ một bát gạo rang và một cốc nước lã như một thứ của bố thí cho những oan hồn vô chủ còn đang lẩn quất quanh đây. Chính những đồ bố thí của người chết đó cộng với một tình yêu mãnh liệt trong tim sẽ nuôi sống thằng Tự suốt quãng đời còn lại.

Thời gian đó, mùa màng thất bát, dịch bệnh nhiều nên hầu như ngày nào xóm Đạo cũng có người chết. Có ngày, nghĩa địa phải tiếp nhận đến vài ba đám. Những ngày đó, thằng Tự lại có lương thực để dành cho những hôm không có đám nào.

Cứ như vậy, hắn sống trong ngôi nhà mới, lòng ngập trànn hạnh phúc. Đầu óc hắn nhẹ bỗng, không gợn chút mảy may dung tục.

*

Những lời đồn đại về bóng ma trên núi Bà cũng nhạt dần đối với người dân xóm Đạo. Cuộc sống bình yên nơi đây tưởng như không điều gì có thể làm xáo trộn. Rồi một buổi tờ mờ sáng, mọi người bỗng giật mình choàng tỉnh giấc bởi những hồi chuông hối hả, thôi thúc dội đến từ tháp chuông nhà thờ. Mọi người vội vã đổ xô tới giáo đường xem có điều gì khẩn cấp.

Thì ra, đêm qua đức cha đã đột ngột từ bỏ cõi trần trở về với Chúa. Hai ngày sau, giáo phận tổ chức một buổi lễ long trọng rước cha đến nơi an nghỉ vĩnh hằng. Đích thân ông giám mục người Pháp đã đến nghĩa trang xóm Đạo để làm lễ cầu nguyện cho linh hồn người quá cố.

Buổi lễ cầu kinh diễn ra trong không khí tôn nghiêm, thành kính. Tiếng đọc kinh chậm rãi, trầm buồn của ông giám mục người Pháp như gieo vào lòng những người có mặt ở nghĩa trang hôm đó một nỗi buồn thương, lo âu cho tương lai của xóm Đạo. Sau khi những nghi thức cuối cùng đã hoàn thành, tất cả mọi người lại trở về với cuộc sống thường ngày đầy lo toan, vất vả. Riêng ông giám mục vẫn lưu lại bên nấm mộ của đức cha.

Trong suốt buổi cầu kinh, có một thứ làm cho đầu óc ông cứ bị phân tâm. Đó là bức tượng đá đặt ở giữa khu nghĩa địa. Nó có kích thước giống như người thật. Từng nét đẽo, mỗi thớ đá đều toát lên một sức sống kỳ lạ. Gương mặt bức tượng vô cùng sinh động. Nó tỏa ra một vẻ dịu dàng, thanh cao đến tinh khiết. Nó như có ma lực hút hồn người xem một cách kỳ lạ. Điều đặc biệt là gương mặt đó mang đậm tính cách Á Đông thuần hậu.

Ông nghĩ, người tạc tượng phải có một tâm hồn cao cả và sự thấu cảm sâu sắc đối với Đức Mẹ mới có thể tạo ra được một kỳ quan tuyệt mỹ đến như vậy. Ông giám mục đã từng đặt chân đến rất nhiều nơi trên thế giới nhưng chưa bao giờ ông được thưởng thức một tuyệt tác nghệ thuật độc đáo và gây ấn tượng mạnh mẽ, khó tả đến thế.

Ông giám mục luôn được coi là một nhà tu hành chân chính. Ngoài việc đi giảng đạo, ông còn có một sứ mạng hết sức cao cả nữa. Với kiến thức uyên bác về sử học, triết học và nghệ thuật, ông được giao trọng trách phải đi khắp các vùng đất thuộc địa để phát hiện ra những cổ vật quý báu, những tác phẩm nghệ thuật có giá trị rồi mang chúng về nước Pháp. Bức tượng Đức Mẹ bằng đá sẽ là một trong những phát hiện lớn nhất của ông ở Đông Dương. Nó khác hẳn những thứ mà ông đã tìm được trước đây, phần lớn là những cổ vật mang giá trị lịch sử.

Lúc đó, trong nghĩa địa chỉ còn lại ông và người linh mục trẻ sẽ kế nhiệm đức cha quá cố. Bằng những lời nói đầy sức thuyết phục của người chuyên đi thuyết giáo, ông giám mục đã bày tỏ với người linh mục về ý định chuyển rời pho tượng. Toàn bộ câu chuyện đó được nói ra bên cạnh ngôi mộ nhỏ, lấp loáng những bông huệ trắng.

Trong suốt mấy ngày sau đó, cả xóm Đạo xôn xao về chuyện kỳ lạ. Ai đó nói đã trông thấy từ trong đôi mắt đá của Đức Mẹ Đồng Trinh bỗng xuất hiện hai dòng nước đỏ tươi như máu. Dòng nước chảy dài xuống đôi gò má khiến khuôn mặt Người trở nên u sầu khôn tả.

Trước ngày bức tượng bị chuyển đi, giáo dân xóm Đạo đã tập hợp nhau lại trong khu nghĩa địa. Tất cả mọi người cùng nhau đọc kinh sám hối như những lời tạ từ cuối cùng với Đức Mẹ.

Đêm hôm đó, trời bỗng nổi cơn giông tố dữ dội. Những đợt sấm rền vang bất tận như vọng lên từ cõi sâu thẳm. Nó như khuấy động, cào xé tâm can mọi người. Những ánh chớp loàng ngoằng xé toạc màn đêm. Bóng núi Bà nhấp nhoáng in lên nền trời đen thăm thẳm.

Sáng hôm sau đoàn người chuyển tượng hăm hở kéo đến khu nghĩa địa dưới sự chỉ đạo của một sĩ quan Pháp. Khi vừa đến nơi, mọi người không khỏi ngỡ ngàng, sờ sững như không tin vào mắt mình. Bức tượng đá đã hoàn toàn biến mất không để lại một chút dấu vết nào. Nó dường như đã tan biến theo trận mưa đêm quạ Khu nghĩa địa lại trở nên im lìm, tang tóc như xưa.

Trong xóm Đạo nổi lên những lời đồn đại trái ngược nhau. Có người nói là Đức Mẹ đã rời cõi trần tục, bay lên thiên đàng trong cái đêm giông bão đó. Những người khác lại cho rằng một kẻ bất lương đã đánh cắp bức tượng vô giá, giấu đi một nơi bí mật để mưu lợi.

Nhưng rồi, câu chuyện về pho tượng Đức Mẹ Đồng Trinh cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng như biết bao chuyện khác. Trong cuộc sống còn có hàng tỷ việc quan trọng hơn khiến những người dân lam lũ nơi đây phải lo đối phó từng ngày. Chỉ ít lâu sau, nơi đặt tượng đã mọc kín những ngôi mộ mới. Người quản trang già cũng không còn phải bận tâm bởi bóng ma trong nghĩa địa nữa. Những bát gạo rang và cốc nước lã dành cho những vong hồn oan nghiệt vẫn còn nguyên vẹn nơi những nấm mồ mới chôn. Nghề đẽo đá ở làng Thượng cũng mai một dần từ đó.

Duy chỉ có ông giám mục là người băn khoăn nhất đối với sự mất tích của bức tượng. Ông vẫn thường đi tìm kiếm, dò hỏi ở khắp nơi nhưng không có kết quả. Mặc dù không biết bức tượng đang ở nơi nào, nhưng ông vẫn luôn tin tưởng vào sự hiện hữu trường tồn của nó.

Hết