Chương 1
Nhật Trình: SOL 6. Thế là chết mẹ tôi rồi. Đó là ý kiến sau khi đã được cân nhắc của tôi. Chết mẹ tôi rồi. Sáu ngày sau sự bắt đầu của thứ đáng lý ra là hai tháng tuyệt vời nhất cuộc đời tôi, đã trở thành cơn ác mộng. Tôi không biết ai sẽ đọc những dòng này.Tôi đoán một ngày nào đó sẽ có người tìm thấy nó. Nhưng đó có thể là một trăm năm sau. Ghi vào sổ sách nhé… tôi đã không chết vào ngày Sol 6. Đương nhiên những người còn lại trong phi hành đoàn thì nghĩ rằng tôi đã đi đời và tôi không thể trách họ. Có lẽ sẽ có một ngày để cả nước thương tiếc tôi, và trang Wikipedia sẽ viết lại “Mark Watney là người duy nhất đã chết trên Sao Hỏa.” Và đó sẽ đúng sự thật, có lẽ vậy.
Vì tôi chết chắc ở đây. Chỉ là không vào ngày Sol 6 như mọi người đã tưởng. Để xem… tôi nên bắt đầu từ đâu? Chương trình Ares. Nhân loại vươn tới Sao Hỏa để lần đầu tiên đưa được con người đến một hành tinh khác và mở rộng tầm hiểu biết cho loài người blah blah blah.
Phi hành đoàn Ares 1 hoàn thành việc họ phải làm và trở về như những vị anh hùng. Họ được những cuộc diễu hành và danh tiếng và tình yêu từ cả thế giới. Ares 2 cũng làm y chang, ở một vị trí khác trên Sao Hỏa. Họ được một cái bắt tay mạnh mẽ và một tách cà phê nóng khi về nhà.
Ares 3. Hà. Đó là phi vụ bay của tôi. À, thực chất thì không phải của tôi. Chỉ huy Lewis là người chịu trách nhiệm. Tôi chỉ là một trong những phi hành gia của cô. Thật ra, tôi là thành viên đứng thứ hạng cuối cùng trong đoàn. Tôi chỉ có thể “chỉ huy” phi vụ bay này nếu như tôi là người duy nhất còn sống sót.
Bạn biết gì không? Tôi là chỉ huy. Tôi tự hỏi quyển nhật trình này có được tìm thấy trước khi những người còn lại trong đoàn chết vì tuổi già? Tôi đoán chừng họ sẽ an toàn trở về Trái Đất. Này, các cậu, nếu các cậu đang đọc những dòng này: Đó không phải là lỗi của các cậu.
Các cậu đã làm điều các cậu phải làm. Nếu ở vị trí các cậu thì mình cũng làm y vậy thôi. Mình không trách các cậu, và mình mừng là các cậu đã sống sót. Tôi nghĩ tôi nên giải thích phi vụ bay Sao Hỏa hoạt động ra sao, cho bất cứ người thường nào có thể đọc nhật trình này.
Chúng tôi đến quỹ đạo trái đấy theo cách thông thường, theo một con tàu bình thường đến Hermes. Tất cả những phi vụ bay Ares đều dùng Hermes để đi đến và rời khỏi Sao Hỏa. Nó rất là to và ngốn mất nhiều tiền nên NASA chỉ chế tạo một chiếc duy nhất thôi. Khi đến Hermes, có thêm bốn phi vụ không người lái đem nhiên liệu và đồ dự trữ lên đó trong khi chúng tôi chuẩn bì cho hành trình của mình.
Một khi mọi thứ đã sẵn sàng, chúng tôi bắt đầu đi đến Sao Hỏa. Nhưng không nhanh lắm đâu. Những ngày tháng dùng nhiên liệu hóa học hạng nặng để đốt và kiểu bay bắn xuyên quỹ đạo vào Sao Hỏa đã xưa rồi Diễm. Hermes sử dụng động cơ ion. Chúng ném các hạt Argon (a-gon) về phía sau của con tàu với tốc độ cực nhanh để đổi về chút xíu xiu gia tốc.
Được cái là, chúng không dùng quá nhiều khối lượng phản ứng, nên chỉ với ít Argon (và một lò phản ứng nguyên tử để cung cấp điện cho mọi thứ) chúng ta đã có thể tiếp tục tăng tốc cho đến khi tới nơi. Bạn sẽ thấy kinh ngạc nếu biết chúng ta có thể đi nhanh thế nào chỉ với chút gia tốc nho nhỏ trong suốt khoảng thời gian dài.
Tôi có thể kể lể dài dòng cho bạn hay những chuyện vui chúng tôi đã cùng trải qua trong chuyến đi, nhưng tôi sẽ không làm thế. Chúng tôi đã có thời gian vui thú, nhưng tôi không có hứng sống lại những giây phút ấy vào lúc này. Tôi chỉ muốn nói rằng chúng tôi đã đến Sao Hỏa sau 124 ngày mà không phải bóp cổ lẫn nhau.
Từ chỗ đó, chúng tôi lấy chiếc MDV (Mars Descent Vehicle – phương tiện hạ cánh xuống Sao Hỏa) để đổ bộ xuống bề mặt. Chiếc MDV đơn thuần là một cái lon lớn với những thiết bị đẩy ánh sáng và có gắn vài chiếc dù. Mục đích duy nhất của nó là để đưa sáu người vào quỹ đạo Sao Hỏa mà không giết chết người nào.
Và bây giờ chúng ta nói đến những mánh lới thực sự trong việc thám hiểm Sao Hỏa: Đem hết mấy thứ lặt vặt lên đó trước. Tổng cộng là 14 phi vụ bay không người lái đã đem tất cả những thứ chúng tôi cần cho những hoạt động trên bề mặt. Họ cố hết sức để những con tàu tiếp tế hạ cánh ở cùng một vùng, và họ làm điều đó khá tốt.
Đồ dự trữ không mong manh như con người và chúng có khả năng chịu va chạm rất mạnh xuống mặt đất. Nhưng chúng cũng có khuynh hướng rất hay bật nảy lên khắp nơi. Theo lẽ tự nhiên, họ không đưa chúng tôi vào Sao Hỏa cho đến khi họ xác nhận tất cả nguồn dữ trữ đã đến bề mặt và những thùng chứa không bị vỡ ra.
Từ đầu đến cuối, bao gồm cả những phi vụ bay cung cấp lương thực, một chuyến du hành lên Sao Hỏa kéo dài chừng 3 năm. Trên thực tế, chuyến tiếp tế lương thực cho Ares 3 đã trên đường đến Sao Hỏa ngay khi khi phi hành đoàn Ares 2 vẫn còn trên đường trở về. Thứ quan trọng nhất trong việc đem đồ lên đó trước, đương nhiên, là chiếc MAV.
Chiếc “Mars Ascent Vehicle” (phương tiện cất cánh từ Sao Hỏa). Đó là phương tiện để chúng tôi trở về Hermes sau khi hoàn thành những nhiệm vụ trên bề mặt. Chiếc MAV được hạ-cánh-nhẹ-nhàng (ngược lại với mấy cú hạ cánh nẩy như bong bóng dành cho những vật dụng khác). Dĩ nhiên, chúng giữ liên lạc liên tục với Houston, và nếu có vấn đề gì, chúng tôi sẽ bay vượt qua Sao Hỏa và trở về Trái Đất mà không hạ cánh lấy một lần.
Chiếc MAV rất là hay. Hóa ra, thông qua một chuỗi những phản ứng hóa học tinh diệu với bầu khí quyển Sao Hỏa, từ mỗi kí lô hydrogen (hydrô) được mang đến Sao Hỏa, bạn có thể tạo ra 13 kí lô nhiên liệu. Tuy nhiên, đó là một quá trình chậm rãi. Phải mất đến 24 tháng mới có thể đổ đầy nhiên liệu vào thùng.
Do dó họ đã đưa nó đi rất sớm trước khi chúng tôi đến đây. Bạn có thể tưởng tượng tôi thất vọng thế nào khi phát hiện chiến MAV đã biến mất. Một chuỗi sự kiện điên rồ đã dẫn đến việc tôi suýt chết. Rồi một chuỗi sự kiện còn điên rồ hơn dẫn đến việc tôi sống sót.
Phi vụ bay được thiết kể để có thể chịu được một cơn bão cát với sức gió tận 150km/giờ. Nên cũng dễ hiểu khi Houston thấy lo lắng khi chúng tôi bị một cơn gió với vận tốc 175km/giờ quất một phát. Tất cả chúng tôi mặc bộ đồ phi hành của mình vào và tụm lại với nhau ở giữa căn Hab, để phòng khi bị mất áp suất.
Nhưng căn Hab không phải là vấn đề. Chiếc MAV là một con tàu không gian. Nó có nhiều bộ phận tinh xảo. Nó có thể chịu những cơn bão đến độ nào đó nhưng chỉ là nó không thể bị bão cát đánh vào mãi được. Sau một giờ rưỡi chịu trận những cơn gió không dứt, NASA ra lệnh hủy nhiệm vụ.
Không ai muốn ngừng một phi vụ một tháng chỉ mới sau sáu ngày nhưng nếu chiếc MAV chịu thêm sự trừng phạt nào nữa thì tất cả chúng tôi đều bị mắc kẹt ở đây. Chúng tôi phải đi ra ngoài trong cơn bão từ chỗ căn Hab đến chiếc MAV. Chuyện đó khá là mạo hiểm, nhưng chúng tôi có sự chọn lựa nào khác chứ? Mọi người đều đến nơi trừ tôi.
Đĩa liên lạc chính của chúng tôi, dùng để gửi tín hiệu từ Hab đến Hermes, hoạt động như một cái dù bay, đã bị dỡ khỏi bệ đỡ của nó và bị thổi bay theo dòng xoáy. Trên đường bay, nó đâm sầm vào mạng ăng ten thu tầm. Rồi một trong những khúc ăng ten dài mỏng bay thẳng mũi đâm vào người tôi.
Nó xuyên thủng qua bộ đồ của tôi ngọt sớt như đạn bắn vào bơ sữa và tôi cảm nhận được cơn đau đớn nhất cuộc đời mình như thể nó đã xé toạc một bên người tôi. Tôi nhớ mang máng bỗng dưng cơn gió bị đánh bật ra khỏi người tôi (thật ra là bị hút ra khỏi người tôi) và đôi tai tôi ù lên đau đớn khi áp lực trong bộ đồ của tôi giảm dần xì hết ra ngoài.
Điều cuối cùng tôi nhớ là đã nhìn thấy Johanssen tuyệt vọng với theo hướng của tôi. Tôi thức dậy nhờ tiếng báo động oxygen (ôxy) trong bộ đồ. Tiếp bíp bíp đều đặn đáng ghét cuối cùng cũng kéo tôi tỉnh lại từ khao khát mãnh liệt sâu sắc rằng xin được chết mẹ nó cho rồi.
Cơn bão đã dịu đi; tôi đang nằm sấp, gần như bị chôn vùi trong cát. Khi tôi chếnh choáng đứng lên, tôi tự hỏi vì sao tôi chưa chết, chết nữa, chết mãi cho rồi. Khúc ăng ten có đủ lực để chọc xuyên thủng bộ đồ và bên hông tôi, nhưng nó bị khung chậu của tôi chặn lại. Cho nên chỉ có một cái lỗ trên bộ đồ (và đương nhiên một cái lỗ trên người tôi).
Tôi đã bị đánh bật ra khá xa về phía sau và lăn xuống một ngọn đồi dốc. Bằng cách nào đó mặt tôi tiếp đất, nhờ đó khúc ăng ten phải nằm vào một góc chếch sắc đến độ đưa một lực xoáy rất lớn vào cái lỗ trên áo. Nó tạo thành một miếng xi mong manh. Rồi, một dòng máu tuôn trào từ vết thương của tôi nhiễu xuống cái lỗ.
Khi máu đến chỗ rách, lượng nước trong máu nhanh chóng bốc hơi do dòng khí lưu thông và áp suất thấp, để lại một đống cặn dư. Thêm máu rỉ rả chảy ra và chúng được khử nước còn lại cặn. Cuối cùng, máu đóng lại những khe hở quanh cái lỗ và giảm sự rò rĩ xuống đủ cho bộ đồ trung hòa trở lại.
Bộ đồ du hành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nó. Khi thấy áp suất bị giảm, nó liên tục đổ đầy khí nitrogen (nitơ) từ thùng dự trữ của tôi để dung hòa. Một khi lỗ rỉ có thể tự cầm cự được, nó chỉ phải chầm chậm nhỏ giọt không khí mới để bù vào lượng khí đã mất.
Sau một hồi, hệ thống hấp thụ khí CO2 (carbon dioxide, cácbon điôxít) trong bộ áo đã bị dùng hết. Đó thật sự chính là nhân tố giới hạn của sự cấp dưỡng nguồn sống. Không phải lượng ôxy bạn mang theo mà là lượng CO2 bạn có thể bỏ đi. Trong căn Hab, chúng tôi có máy tạo ôxy, một thiết bị lớn có khả năng lọc ôxy từ khí cácbon điôxít.
Nhưng bộ đồ du hành phải có di động được, nên họ dùng quá trình hấp thụ hóa học đơn giản với đầu lọc có thể thay thế khi dùng hết. Tôi đã ngủ lâu đến nỗi những bộ lọc của tôi trở nên vô dụng. Bộ đồ nhận ra ngay vấn đề này và chuyển vào trạng thái khẩn cấp mà đám kỹ sư gọi đó là “thay máu”.
Không có cách nào để tách CO2, bộ đồ tự tiện mở lỗ thông cho khí thoát ra khí quyển Sao Hỏa, rồi lấp đầy lại bằng khí nitơ. Với lỗ thủng và quá trình thay máu, khí nitơ cạn đi nhanh chóng. Chỉ còn lại bình ôxy của tôi. Nên nó làm hành động duy nhất nó biết để giúp cho tôi được sống.
Nó bắt đầu lấp đầy áo bằng khí ôxy nguyên chất. Lúc này đây tôi phải chịu rủi ro có thể chết vì ngộ độc ôxy, vì lượng ôxy thừa mứa này đe dọa sẽ đốt cháy hệ thần kinh, phổi và mắt tôi. Một cái chết trớ trêu cho một người có bộ áo du hành rò rỉ: quá nhiều ôxy. Cứ mỗi bước trong các quá trình trên đều đã có báo động kêu bim bíp, hết báo nguy rồi đến cảnh báo.
Nhưng chính báo động nhiều ôxy là thứ đã đánh thức tôi. Lượng kiến thức bao gồm trong những huấn luyện cho một chuyến du hành không gian thật đáng kinh ngạc. Khi còn ở Trái Đất tôi đã dành cả tuần lễ chỉ để luyện tập những tình huống khẩn cấp khi áo du hành gặp trục trặc.
Tôi biết phải làm gì. Cẩn thận với đến bên hông mũ áo, tôi lấy bộ đồ nghề sửa lỗ thủng. Nó chẳng khác gì mấy với một ống phểu có van ở đầu nhỏ, và có một loại nhựa dính không thể tin được ở đầu to. Nó hoạt động khi bạn mở van và để đầu to lên trên lỗ thủng.
Khí có thể thoát ra khỏi van, và không can thiệp vào chuyện nhựa dán lỗ kín lại. Rồi bạn đóng van lại thế là bạn đã dán được chỗ thủng. Cái khó là phải lấy chiếc ăng ten ra cho khỏi choáng chỗ. Tôi kéo nó ra thật nhanh trong khả năng của mình, người tôi co rúm vì áp suất bị giảm bất ngờ làm tôi chóng mặt và bên hông tôi thét gào trong đau đớn.
Tôi lấy bộ đồ nghề và dán lỗ thủng kín lại. Nó giữ kín được. Nhưng bộ đồ lại lấp đầy lượng khí bị mất bằng cách thêm ôxy vào nữa. Kiểm tra thiết bị trên tay áo, tôi thấy bộ áo hiện đã có 85% là khí ôxy. Để tham khảo, khí quyển Trái đất chừng 21%. Tôi sẽ không sao, miễn là tôi đừng ở trong tình trạng này quá lâu.
Tôi loạng choạng đi lên đồi trở về căn Hab. Khi nhấp nhô bước lên đến đình, tôi thấy một thứ khiến tôi vui mừng khôn tả và một thứ khiến tôi buồn da diết: Căn Hab vẫn nguyên vẹn (Yay!) và chiếc MAV đã đi rồi (boo!). Ngay lúc đó tôi biết mình đã tàn đời. Nhưng tôi không muốn chết ngay trên bề mặt này.
Tôi khập khiễng về căn Hab và lần mò tìm cái khóa khí. Ngay khi nó được trung hòa, tôi ném cái mũ của mình ra. Bước vào căn Hab, tôi cởi bộ đồ phi hành và lần đầu được xem xét rõ ràng vết thương của mình. Nó cần được khâu lại. May thay, tất cả bọn tôi đều được huấn luyện những thủ thuật y tế cơ bản, và vật dụng y tế được trang bị trong căn Hab thật quá xuất sắc.
Một mũi tiêm nhanh để gây tê, lau chùi sạch sẽ, chín mũi khâu, thế là xong. Tôi sẽ uống thuốc kháng sinh vài tuần, nhưng ngoài chuyện đó ra thì tôi sẽ ổn thôi. Tôi biết đó là vô vọng, nhưng tôi vẫn cố khởi động thiết bị liên lạc. Không có tín hiệu, đương nhiên rồi. Đĩa vệ tinh chính đã tách rời, nhớ không nào? Và nó còn đem theo cả khúc ăng ten thu tín hiệu nữa.
Căn Hab có hệ thống liên lạc phụ thứ hai và thứ ba, nhưng chúng chỉ để liên lạc với chiếc MAV, và nó lại phải dùng một hệ thống mạnh hơn thì mới chuyển tải thông tin đến Hermes được. Cái nữa là, cách đó chỉ thực hiện được khi chiếc MAV vẫn còn đây. Tôi không có cách nào để liên lạc được với Hermes.
Không sớm thì muộn, tôi sẽ có thể tìm ra chiếc đĩa vệ tinh đâu đó trên bề mặt, nhưng cũng sẽ mất đến mấy tuần tôi mới có thể xoay sở tìm cách để sửa chữa nó, và khi ấy đã quá muộn. Trong tình trạng hủy phi vụ, Hermes sẽ rời khỏi quỹ đạo trong vòng 24 giờ. Do những động lực quanh quỹ đạo, cuộc hành trình sẽ an toàn và ngắn hơn nếu bạn đi sớm hơn, thế nên tại sao phải chờ chỉ để kéo dài hành trình mà chẳng có lý do chính đáng nào ? Khi kiểm tra bộ đồ của mình, tôi thấy khúc ăng ten đã quét thủng máy tính giám sát hoạt động sinh học của tôi.
Khi ở trên EVA (Extravehicular activity – hoạt động thám hiểm bên ngoài bằng xe), tất cả những bộ đồ của cả đoàn đều được nối mạng để chúng tôi có thể thấy trạng thái của nhau. Những người còn lại trong phi hành đoàn đã thấy áp suất trong áo tôi tụt xuống gần con số không, kế đó là những tín hiệu sinh học hoàn toàn không còn.
Thêm vào cảnh tôi lăn cù mèo xuống đồi với một ngọn giáo xuyên thủng vào người giữa cơn bão cát… Vâng. Họ nghĩ rằng tôi đã chết. Làm sao mà lại không nghĩ thế cơ chứ? Họ có lẽ còn có một thảo luận ngắn ngủi tìm cách lấy xác tôi về, nhưng quy định đã rõ ràng. Trong trường hợp một phi hành gia chết trên sao Hỏa, anh ta sẽ ở lại trên sao Hỏa.
Để xác lại đó sẽ giảm trọng lượng của chiếc MAV trong chuyến khứ hồi. Có nghĩa là có thêm nhiên liệu cũng như tăng thêm giới hạn sai sót được phép trong cú xuất phát trở về. Chẳng có lý do gì mà bỏ chuyện đó vì những tình cảm ủy mị. Tình hình là vậy đó. Tôi mắc kẹt trên sao Hỏa.
Tôi không có cách nào liên lạc được với Hermes hoặc Trái đất. Ai cũng nghĩ tôi đã chết. Tôi ở trong căn Hab được thiết kế để dùng đến 31 ngày. Nếu máy tạo ôxy bị hỏng, tôi sẽ chết ngộp. Nếu máy lọc nước bị hỏng, tôi sẽ chết khát. Nếu căn Hab thủng lỗ, chỉ là tôi sẽ nổ tung mà thôi.