Chương 1

Két...ké...ét...két...Rầm !

Chiếc môtô 250 phân khối va mạnh vào gốc cây to bên đường, Tân té xuống và nằm bất động.

Vài phút trôi qua. Tân lòm còm bò dậy, anh nhìn xung quanh và hiểu ra rằng, mình vẫn còn sống. Anh mừng thầm.

− Đi đứng kiểu gì không biết.

− Bọn thanh niên bây giờ, đứa nào mà chẳng chạy xe ẩu trên đường. Kệ, cứ cho mỗi đứa một lần như thế là tở hồn à.

− Chắc là không nặng lắm. Cậu ta ngồi dậy rồi kìa.

Những tiếng nói đâu đó vang lên bên tai Tân. Anh cảm thấy toàn thân hơi ê ẩm.

− Anh có bị sao không ?

Một cậu bé đứng bên cạnh Tân lúc nào không biết. Cậu bé nhìn anh lom khom. Tuy rất đau. Tân cũng cố nhoản miệng cười với nó :

− À ! Chắc là không sao. Cám ơn em quan tâm.

− Xem kìa, bên vai phải anh rớm máu rồi đó.

Tân liếc nhìn qua vai mình, đúng là máu đang rĩ ra thấm ướt vai áo anh.

− Dưới đầu gối nữa kìa...máu nhiều hơn trên vai nữa, anh à.

Tân lại nhìn thấy đầu gối mình, bây giờ anh mới hoảng. Máu mỗi lúc một ra nhiều, mặc dù anh cố gắng đứng lên được.

− Em kêu xe chở anh vô bệnh viện nhé ?

Tân khoát tay :

− Thôi em vết thương nhẹ thôi mà, chỉ trầy sướt ngoài da.

− Không đâu anh. Chắc nặng lắm nên máu mới ra nhiều chứ.

Tân cười :

− Em đừng lo. Anh về nhà được mà.

− Lỡ giữa đường...

Cậu bé định nói gì đó, nhưng nó vội che miệng lại. Có lẽ nó sợ nói những điều xui xẻo không tốt.

Tân nhìn đứa bé rồi cố gắng dựng xe lên. Chợt chú bé kêu lên :

− A ! Hay anh vào nhà em đi. Em sẽ nhờ chị em rữa vết thương cho anh.

Định từ chối, nhưng Tân lại hỏi :

− Nhà em ở đâu nào ?

Thằng bé nhanh nhẩu :

− Dạ, nhà em kia kìa. Anh nhìn xem.

Tân nhìn theo hướng tay chỉ của thằng bé. Anh không nhìn rõ ngôi nhà bên trong lắm, vì nó bị che khuất bởi một giàn hoa giấy phía trước. Anh chỉ gật đầu, mỉm cười :

− Anh biết nhà em rồi. Để khi nào thuận tiện, anh sẽ ghé thăm em. Còn bây giờ, anh phải về nhà gấp để rữa vết thương.

Thằng bé nhăn mặt :

− Máu chảy quá trời thế này, anh về đến nhà chắc anh xỉu quá. Thôi, anh vô nhà em đi. Gần xịu à.

− Nhưng...bất tiện lắm...

− Bất tiện gì anh. Em thấy ba mẹ và các chị của em cũng hay giúp người ta mỗi lần gặp trường hợp giống như anh vậy nè.

− Gia đình em tốt quá.

− Vậy thì anh còn ngần ngại gì nữa. Anh dắt xe được không hay gởi tạm ở đây đi.

− Có ai trông xe đâu ?

− Có bác hớt tóc. Ủa ! Mà bác ấy đâu rồi nhỉ ? Mọi khi, em vẫn thấy bác ở túc trực bên quán hoài.

− Thôi em. Anh dắt xe được mà.

− Nghĩa là anh đồng ý vào nhà em ?

Tân cười :

− Được rồi. Em quả thật là một chú bé dễ thương.

Thằng bé nghe khen. Khoái chí cười toa toét.

− Chị Hai ơi, chị Hai !

Tân nghe thằng bé gọi chị, anh cản.

− Em đừng gọi ai cả. Em vào mang ra cho anh lọ thuốc rữa vết thương, một ít bông triệt trùng là được rồi.

Câu nói của Tân không làm cậu bé quan tâm. Nó vẫn cất giọng gọi :

− Chị Hai ơi ! Có khách.

− Ừ. Chị ra ngay đây.

Tiếng trả lời trong veo, êm dịu của một cô gái từ bên trong vẳng ra làm Tân hồi hộp. Có lẽ anh chưa bao giờ được nghe một thứ tiếng êm tai đến thế. Anh hướng mắt vế phía phát ra tiếng nói và bỗng dưng cảm giác chờ đợi chợt nỗi lên trong anh :

Rồi một cô gái xuất hiện, cô gái đơn giản trong bộ đồ hoa trắng điểm hồng. Mái tóc dài chấm ngang vai, mượt mà, đen nhánh. Dáng đi nhẹ nhàng thướt tha không gây một thứ tiếng động nào cả.

− "Đẹp như một nàng tiên". - Tân nhận xét trong lòng.

Anh quên cả đau đớn, quên cả đầu gối và vai đang bị thương, và...quên cả mình có mặt ở đây là vì đâu.

− Chị Hai ! Anh này đang bị thương, máu ra nhiều lắm. Chị giúp ảnh đi chị.

Tiếng nói của cậu bé làm Tân mới chợt tỉnh. Anh nhìn cô gái, cúi đầu lịch sự :

− Chào cô.

− Chào anh. Anh bị thương à ?

− Vâng. Tôi va vào một gốc cây bên đường. Cũng không nặng lắm.

− Anh đợi một chút nhé. Tôi vào lấy dụng cụ và thuốc men ra ngay.

Cô gái quay lưng, để lại Tân sự ngẩn ngơ. Anh nhìn theo cho đến khi cô gái khuất dần sau cánh cửa.

Cậu bé che miệng cười khúc khích. Tân đỏ mặt mắc cở, vì biết "hành vi" của mình bị nó phát giác.

Chưa đầy một phút, cô gái đã vội vã mang thuốc sát trùng ra. Cô nhìn vết máu thấm qua đầu gối Tân và bả vai rồi nhỏ nhẹ :

− Anh kéo ống quần lên đi.

Tân làm theo. Anh hơi luống cuống. Thằng bé đứng bên cũng bảo :

− Anh cởi áo ra luôn cho rồi. Vai áo làm sao vén được.

Tân gật đầu, nhưng e ngại không cởi. Cô gái hiểu ý, lên tiếng :

− Anh đừng ngại, vì anh đang bị thương mà.

Chú bé cười tủm tỉm rồi chạy biến vào nhà. Tân nhìn theo lắc đầu. Anh cởi áo.

Cô gái nhìn anh khi thấy anh nhăn mặt :

− Anh chịu khó chút xíu nha. Thuốt xát trùng nên phải rát rồi. Rát mới bớt.

− Không sao cô cứ rữa đi. Tôi chịu được mà.

− Tôi thấy anh nhăn mặt...

Tân cười gượng :

− Đó là tật xấu của tôi...

Cô gái dịu dàng nói :

− Vết thương của anh thật ra khá trầm trọng lắm. Nhưng nếu để nhiễm trùng thì rất nguy hiểm. À mà sao anh lại "hôn" vào gốc cây thế ? Anh đừng có nói là buồn ngủ giữa ban ngày nha.

Tân cười :

− Tôi đâu có buồn ngủ. Lúc tôi đâm vào gốc cây, té xuống, mọi người xung quanh cũng khá đông, nhưng họ chẳng thèm đỡ tôi dậy và cũng chẳng hỏi han gì tới tôi cả.

Cô gái ngạc nhiên :

− Sao kỳ vậy ?

− Họ cho rằng tôi say xỉn, hoặc phóng nhanh vượt ẩu giống bọn thanh niên ăn chơi bạt mạng. Té là vừa.

Cô gái nhoẻn miệng cười :

− Nghĩa là họ hiểu lầm anh ?

− Tất nhiên rồi. Cô có biết vì sao tôi bị như vậy không ?

Cô gái dí dỏm trêu Tân :

− Anh không say xỉn, không phóng nhanh vượt ẩu. Vậy chắc anh "yêu" cái gốc cây ấy ?

Tân không cười nổi, anh nhăn mặt :

− Nếu tôi không "hôn" vào cái gốc cây ấy thì chít ít cũng phải hai ba mạng người xuống chầu diêm vương đấy.

Cô gái giương mắt nhìn Tân :

− Anh không đùa chứ ?

− Thật mà. Cô biết không ? Tôi phải lách xe hủ tiếu gõ để cuối cùng phải tông vào gốc cây. Cô thử tính xem, nếu tôi tông vào chiếc xe hũ tiếu gõ thì trước tiên là bà bán hũ tiếu phải thiệt mạng. Còn nữa, nước lèo sôi trên 100 độ c, nếu đổ ra ngoài tung phải những người khách đang ngồi ăn quanh đó...có phải họ rũ nhau xuống chầu diêm vương hết không ?

Cô gái cười trước kiểu hài hướt của Tân. Anh tiếp tục :

− Chỉ trong vòng ba chục giây, tôi đã làm một phép tính cộng và một phép so sánh. Tôi thấy họ đến ba bốn người, còn tôi chỉ có một mình. Cuối cùng, tôi đưa ra quyết định hy sinh đời mình để...cứu họ. Thế là tôi lách chiếc xe hủ tiếu và tông vào gốc cây cổ thụ...

− Anh học trường gì ?

Tân ngỡ ngàng đến câu hỏi không ăn nhập gì của cô gái. Anh nhìn lén vẻ khó hiểu.

− Sao cô tự dưng hỏi tôi câu đó, trong khi tôi kể cho cô nghe chuyện tai nạn của tôi ?

Cô gái cười cười :

− Anh trả lời đi.

− Tôi tốt nghiệp trường tài chánh.

− Vậy mà tôi cứ tưởng anh tốt nghiệp trường sân khấu - kịch nghệ chứ.

Tân kêu lên :

− Trời ạ ! Tôi kể với cô nảy giờ là thật đấy. Thật một trăm phần trăm chứ không phải chuyện khôi hài. Cô không tin tôi sao ?

− Tôi tin. Nhưng cách diễn đạt của mình rất khôi hài. Anh công nhận chứ ?

Tân vui vẻ :

− Lần đầu tiên, tôi được nghe đấy. À ! Cô tên gi vậy ?

− Hoài Anh. Còn anh ?

− Tôi tên Tân. Dục Tân.

− Tên anh nghe lạ quá.

− Hoài Anh là sinh viên ?

− Vâng. Sao anh biết ?

− Thì tôi đoán, tôi còn nghĩ rằng Hoài Anh chắc là họ văn khoa ?

− Anh làm thầy bói được đấy.

− Có nghĩa là tôi đoán đúng ?

− Vâng.

− Hoài Anh học năm mấy ?

− Anh "bói" thử xem.

Tân cười :

− Năm hai ?

− Lần này anh trật lất, em học năm ba rồi.

Cả hai cùng cười, Hoài Anh chuyển đề tài.

− Lúc này, anh gặp bé Cung ở đâu vậy ?

− Thằng bé tên Cung à ?

− Vâng. Nó tên Mạnh Cung. Mùa hè, sáng nào nó cũng đi chơi điện tử. Ở nhà có, mà nó đâu chịu chơi. Nó bảo buồn.

− Cung là người duy nhất hỏi thăm tôi lúc tôi té đó. Thằng bé cứ nằn nặc khuyên tôi về đây để rữa vết thương. Nó nhiệt tình và tốt bụng vô cùng.

− Mẹ em đã từng dạy tụi em như vậy mà.

Tân im lặng một lúc rồi nhỏ giọng hỏi :

− Hoài Anh này ! Cô có nghĩ rằng thường trong cái họa nó có cái phúc không ?

− Tôi không hiểu, anh có thể nói rõ hơn không ?

Tân cười cười :

− Cái họa là tôi bị tan nạn. Còn cái phúc là tôi được biết gia đình Hoài Anh nói chung, và...biết Hoài Anh nói riêng.

Hoài Anh cười bẽn lẽn. Cô im lặng băng bó vết thương cho anh.Tân nhìn cô không dứt.

Xong đâu đấy, Hoài Anh nhỏ giọng :

− Anh bớt đau chưa ?

− Bớt nhiều rồi. Cảm ơn Hoài Anh rất nhiều.

− Nếu anh không thể tự mình lái xe về được, tôi sẽ nhờ tài xế riêng của ba tôi đưa anh về. Xe của anh để tạm ở đây, khi nào bớt, anh hãy qua lấy.

Tân nghe nói thế, định khoát tay từ chối, vì kỳ thực anh không muốn làm phiền nữa. Vả lại, anh biết sức mình có thể về nhà được, mà không cần đến ai cả. Song anh chợt nghĩ lại và thấy đây chính là cơ hội tốt nhất để anh có thể gặp lại Hoài Anh - Cô gái xinh đẹp như một nàng tiên giáng trần - một lần nữa.

− Anh đồng ý chứ, anh Tân ?

Tân lúng túng gật đầu. Anh nói dối .

− Hoài Anh này ! Cái đầu gối của tôi rất đau, có lẽ tôi phải gởi tạm xe ở nhà Hoài Anh. Nhưng Hoài Anh đừng nhờ tài xế riêng của bác. Tôi có thể đón taxi về nhà.

− Có gì đâu. Chú ấy đang rảnh, đến trưa mới lên công ty đón ba tôi lận.

− Nhưng như vậy phiền lắm, tôi rất ngại. Cứ để tôi tự nhiên đón taxi về. Lần khác tôi sẽ đến lấy xe về. Cám ơn Hoài Anh nhiều lắm.

− Anh không sao là tôi mừng rồi. Thôi được, nếu anh ngại thì để tôi đón taxi cho anh vậy.

Hoài Anh nói xong ra trước cổng vẫy chiếc Vina - taxi rồi ra hiệu cho Tân ra, ngồi trong xe. Tân cảm thấy tiếc nuối vô cùng. Anh còn nói với lại :

− Tôi sẽ đến thăm Hoài Anh vào một ngày gần nhất. À ! Cho tôi gởi lời cảm ơn đến bé Cung nhé.

Hoài Anh giám đốc mỉm cười. Cô chào anh rồi quay vào nhà.

− Chị Hai ! Ảnh đi rồi hả chị ?

Cung từ trong phòng chạy ra hỏi ríu rít, Hoài Anh gật đầu :

− Ư.

− Anh ấy bị nặng không chị ?

− So với em có thể so là nặng. Nhưng anh ta là thanh niên khỏe mạnh, mấy vết thương ngoài da đó chỉ là thường thôi. Chị nghĩ chừng vài hôm nữa sẽ bớt hẳn, sẽ đi lại sễ dàng.

Bé Cung gật đầu. Đoạn nó hỏi :

− Chị có hỏi tên anh ta không ?

− Có.

− Anh ấy tên gì vậy chị ?

− Dục Tân.

− Tên gì ngộ quá !

− Ờ, chị cũng thấy là lạ...

− Lạ nhưng hay, chị hén ?

− Ừ.

− Ảnh đẹp trai ghê.

Hoài Anh chỉ cười không đáp, cô lẳng lặng xuống bếp.

− Chị đi đầu vậy ?

− Chị vào bếp phụ dì Năm nấu ăn.

Bé Cung lắc đầu :

− Chị khác chị Ba một trời một vực. Em chẳng khi nào thấy chị Ba bước chân vào bếp.

− Tại chị Ba em không thích. Còn chị, chị rất thích nấu nướng. Chỉ tiếc rằng chị còn yếu "tay nghề" quá.

− Chị nấu ăn "số dzách". Tại chị khiêm tốn nên nói vậy.

− Những bữa dì Năm về quê, một tay chị nấu chứ ai vô đây ?

Hoài Anh cười dịu dàng , xoa đầu Cung :

− Thôi, em lên lầu chơi đi. Đừng có ra nắng nữa nghen, bệnh đó.

− Dạ.

Bé Cung chạy ra ngoài. Đến cầu thang nó vừa bước lên một bậy thì nghe tiếng chuông cổng. Vì người trong nhà ai cũng có chìa khóa riêng, kể cả dì Năm giúp việc và người vú nuôi.

Thấy dì Năm và vú đều bận. Bé Cung liền chạy ra mở cổng. Cánh cổng bật mở, nó kêu lên :

− Trời ! Em cứ ngở là ai chứ.

Lan Anh cười cười :

− Chào chú bé của chị. Lâu lâu mở cửa cho chị Ba một lần mà kêu trời dữ vậy ? Ghê quá !

Bé Cung méo mặt :

− Chị đánh mất chìa khóa rồi à ?

− Đâu có. Khi sáng chị có công chuyện vội nên bỏ quên ở trên phòng. Đóng cổng giùm chị đi.

− Dạ. Nhưng chiều nay, chị phải trả công mở cổng cho em đó nghen.

− Gớm không ! Có chút xíu cũng đòi trả công trả cán. Thôi được n hóc thích gì ?

− Chị còn hỏi.

− Điện tử hay kem ?

− Cả hai.

− Nhóc tham lam quá đi. Chị chỉ cho chọn một. Chứ thời gian đâu, chị phục vụ cả hai.

− Chị chỉ phục vụ kem thôi. Đưa em đi ăn xong về, chị cho em tiền đẻ chơi game ở bên nhà hàng xóm là được rồi.

− Sao em không chơi điện tử ở nhà ?

− Buồn thấy mồ. Chơi ở ngoài có mấy đứa bạn nữa, vui hơn.

− Sao không rũ tụi nó về nhà mình chơi cho đỡ tốn tiền. Tiết kiệm là quốc sách mà.

− Mẹ không cho.

− Sao vậy ? Mẹ đâu có khó tính.

− Mẹ không khó. Nhưng mẹ bảo ồn ào, ba nghĩ ngơi không được. Còn chị Hai học bài không yên...

Lan Anh gật đầu. Cô vào nhà với em trai :

− Chị Hai đâu cưng ?

− Dạ, ở dưới nhà bếp.

Lan Anh đi thẳng một lèo xuống bếp. Cô đứng bên cạnh Hoài Anh , đặt tay lên vai chị mình :

− Chị Hai ! Chị lại trổ tài tề gia nội trợ đó à ?

Hoài Anh quay lại cười, nhỏ nhẹ :

− Em vừa về. Bên ngoài nắng không Lan Anh ?

− Dạ, nắng thấy mồ luôn. Em khát nước ghê gớm.

− Để chị pha cho em, em ngồi nghĩ đi.

− Chị pha cho em uống chắc em tổ thọ quá. Chị cứ phụ với dì Năm đi. Em tự pha được rồi. À ! Chị và dì Năm có uống nước cam không, em pha luôn.

− Dì ơi ! Anh chàng nào sau này phước đức ông bà bảy đời để lại mới ưng được chị Hai con đó. Đúng không dì ?

Dì Năm gật đầu :

− Đúng lắm. Nhưng cả con cũng vậy.

Lan Anh trố mắt :

− Con ấy à ?

Dì Năm cười :

− Hoài Anh được mặt này thì con được mặt khác, nhưng ở chị em con đều có một điểm chung mà dì ít thấy ở các cô gái khác.

Lan Anh nhanh nhẩu :

− Điểm chung gì vậy dì ?

− Tụi con đều có lòng nhân hậu, tốt bụng và biết giúp đở người khác. Còn nữa, tụi con không kiêu căng, hống hách và thị tiền như những đứa con nhà giàu khác. Dì cũng như những người khác đều quý tính của tụi con.

− Nhưng con không biết tề gia nội trợ, chắc không được chồng cưng dì nhỉ.

Dì Năm nheo mắt :

− Biết thế, sao con không học cách nấu nướng như chị Hai con ?

Lan Anh trợn mắt :

− Dì ơi ! Con ghét nhất là những công việc này đấy, con chỉ thích làm công tác ngoài xã hội. - Lan Anh cười hì hì - Nói tóm lại, con chỉ thích làm "Quốc gia đại sự".

− Nhưng con là phụ nữ kia mà ?

− Dì pại phong kiến nữa rồi. Bây giờ nam nữ bình đẳng. Con muốn chứng minh cho thiên hạ hiểu rằng, phụ nữ cũng có thể làm "Quốc gia đại sự".

Hoài Anh chen vào :

− Làm "Quốc gia đại sự" nhức đầu lắm em ơi !

− Em thích động nảo mà chị.

Hoài Anh chỉ cười hiền lành, cô biết rõ tính cách của em mình. Lan Anh là cô gái sôi nổi, cả quyết và rất thông minh. Lan Anh đã từng tuyên bố với Hoài Anh :

− Giá như em hoạt động chính trị được chị nhỉ. Chỉ tiếc rằng em sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh chứ không có tuyền thống hoạt động chính trị.

Cô còn khẳng định rằng :

− Sau này em sẽ trở thành một nhà lãnh đạo kinh doanh. Em sẽ thành công ở lĩnh vực này.

Hoài Anh rất tin vào khả năng của em mình. Bằng chứng là khi Lan Anh còn nhỏ, cô yêu thích ngành kiến trúc và nhất định thi vào trường đại học kiến trúc. Cuối cùng, cô đã đậu á khoa và năm nay là sinh viên năm thứ ba trường kiến trúc.

Tái với tính cách của Lan Anh, Hoài Anh thì trầm lặng kín đáo. Cô luôn khép mình và ít giao thiệp với bên ngoài. Đến trường rồi về nhà, lộ trình chỉ có thế. Thỉng thoảng lắm, mới chịu đến vũ trường với Lan Anh. Cô chỉ đi những bản solo hoặc Rumba buồn. Trong khi Lan Anh lại thích những điệu nhạc vui nhộn Discothèque v.v...

Hai chị em, hai tính cách. Nhưng cả hai rất thương nhau, quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Có chuyện vui, chuyện buồn đều kể cho nhau nghe.

Uống xong ly nước cam. Lan Anh chép miệng :

− Thôi. Chị Hai cứ tiếp tục theo niềm "đam mê" của chị đi. Em lên lầu đây.

− Ừ.

− Con "bye" dì Năm và chị Hai nghen.

Lan Anh đứng lên rời khỏi phòng. Dì Năm nhìn theo, nói với Hoài Anh :

− Vắng nó cũng buồn. Con bé vui như sáo. ông bà chủ thật có phước, sanh ra ba đứa con, đứa nào dì thấy cũng dễ thương cả.

Hoài Anh nhỏ giọng :

− Dì làm tụi con nở mũi hết quá. Lúc nào dì cũng khen.

− À ! Hình như khi nãy con có khách, phải Không Hoài Anh ?

− Dạ. Không phải khách đâu dì.

− Chứ ai mà thằng Tý nó gọi con ?

− Một người bị ngã xe ngoài thương. Anh ta bị thương ngoài da. Bé Cung thấy tội nghiệp nên đưa về nhà mình băng bó. Xe anh ta còn để ở nhà mình.

− Ủa, anh ta về bằng gì ?

− Dạ, taxi. Hôm nào bớt đau, anh ta sẽ đến lấy xe về.

Dì Năm gật đầu. Đôi tay dì thoăn thoắt băm thịt, Hoài Anh mỉm cười một mình. Cô lột xong mấy củ hành tây rồi chuyển sang nhặt rau sống...