1992, Văn Cao ngồi đấy tự bao giờ, trước chén rượu quốc lủi? Người con gái của Đặng Thai Mai nghĩ : Lạ thật sao ông có một nét gì giống cha mình, những năm đã già, ngồi trước tách cà phê ? Hay ở cái vẻ vừa tách biệt, vừa chiêm nghiệm trước cuộc đời này?
Tôi đã viết những dòng chữ ấy trong kịch bản phim Để nhớ Đặng Thai Mai. Sau này, khi Văn Cao đã mất, đọc một loạt bài hồi ký của những người khác viết về Văn Cao, tôi mới biết có người đã nói đến tư thế ấy (" Văn Cao buồn ngồi nâng nhấp từng ly rượu trắng "... ). Từ năm 1958, ngay từ năm 60 tuổi, Văn Cao đã là " một người tóc trắng, râu trắng... tay cầm một ly rượu trắng... ". Sáu mươi tuổi, ở tuổi mà nhiều nhà chính trị và nhiều ông giám đốc công ty thời nay vẫn đang được tung hô là ở độ tuổi sung sức nhất, vậy mà Văn Cao - người đã khiến những giấc mơ của tôi bay bổng từ tuổi thơ - chính con người ấy, đã là ông già! Vậy thì năm 1992 tôi có thể nhìn thấy ai khác ngoài một ông già ? Dẫu sao, tôi đã được trông thấy Văn Cao, ngồi ngay trước mặt ông. Tôi đến để xin được ghi kỷ niệm của Văn Cao về ba tôi. Tôi không thể hình dung nổi Văn Cao lại già đến thế.
Dòng suối Mơ chảy qua tuổi thơ của tôi, ngăn nó thành hai bờ... Bờ bên kia là thời trước những ngày tháng Tám 1945. Tôi nhìn thấy một đứa bé ngồi trên xe tay, xe nhà. Nó ngồi cùng với ba nó, mắt chăm chú nhìn anh xe (không đến nỗi gọi là thằng xe) mải mốt kéo, cái chân sai sải, hai bàn tay nắm hai cái càng xe, mỗi bàn tay có sáu ngón - cái nét dị dạng đã trở thành quen thuộc. Miệng nó mút cái kẹo sucette, chiếc kẹo giống như quả bàng, thơm, trong suốt, cắm vào một chiếc quẹ Kẹo hết, trời nóng. Ở nhà, nó đã nằng nặc đòi mẹ mặc cho bộ diện nhất : cái áo len xoa (laine soie) và cái quần soóc nhung. Ba mẹ nó chưa có con trai nên hay bắt đứa con gái thứ tư mặc đồ con trai. Nắng lên, rôm sảy bắt đầu cắn. Nó gãi, tuyết nhung quần soóc bám vào những kẽ hăm. Nó tụt từ trên ghế xuống chỗ để chân, khóc lè nhè " Xót đít! Xót đít ". Ba nó dỗ dành, đứa bé mới chịu ngừng kêu những cái tiếng không được lịch sự lắm ấy ở ngoài đường. Tối đến, hễ có khách, dù đã lên giường, nó cũng trở dậy để ra phòng khách, trình bày bài hát tủ của nó :
"Giê đơ dà múa
Mồng pế y ề Pa ri... "
(Tôi có hai mối tình
Xứ sở quê hương và Paris... )
Trong nhà có một cái máy hát và những đĩa thịnh hành thời đó. Nó lúc lắc cái đầu, nhịp theo điệu hát Tino Rossi : " Tant qúil y aura des étoiles " (Chừng nào còn những ngôi sao... ). Đứa bé không chọn những bài hát Việt Nam. Nó rất thích một bức ảnh trên tờ báo Đông Pháp. Đó là bức ảnh cô con gái một lãnh tụ khởi nghĩa thất bại. Tôi nhớ là Hoàng Thị Thế (?) bận áo đầm dạ hội bằng voan trắng rất xinh đẹp (#1). Trên sân khấu Paris, cô đang hát bài " Giề đơ dà múa... ".
Sầm Sơn những mùa hè 40... Ông "chủ giây thép" Hường Trâm bạn của ba nó có một cô em vợ tên là cô Long, người cao lớn, hơi đẫy, mắt hơi lồi nhưng rất mơ màng. Cô ngước cặp mắt tròn, nhìn lên trời, ca bằng giọng Huế :
"Ai lướt đi ngoài sương gió
Không đừng chân đến em bẽ bàng..:
Và Hà Nội. âm điệu khúc Thiên Thai dìu dặt tỏa ra từ những quán bar ven Hồ Gươm đã khiến đứa bé thấy cái quán café - kem quen thuộc, quán Zéphir (gió nhẹ)... nơi ba nó thường dắt mấy chị em ra ăn kem và chuyện trò cùng bác Nguyễn Kim Cương, Phạm Văn Đồng... Giống như một chốn thiên thai ! Cái quán chiếm diện tích rất hẹp mé trổ ra mặt đường ấy thường xuyên được chiếu dọi bằng ánh đèn xanh, ở ngoài lại có bức tượng một vị thần (hay thần ái tình ?) tóc xoăn, tay cầm những nhành nhọ Bài hát ấy, khung cảnh ấy kết hợp với những cốc kem ngon tuyệt, đối với đứa bé, đúng là cảnh tượng Thiên thai. Rồi bom Mỹ khiến gia đình nó trở lại Sầm Sơn. Một số thanh niên yêu nước bấy giờ tổ chức nhóm trẻ con sinh hoạt chung theo kiểu Sói con, có lẽ với mục đích định hướng chính trị kín đáo. Một trong những anh hướng đạo của chúng tôi là anh Chương, sau 1945 nghe đâu anh trở thành người bảo vệ cho hoàng thân Xuphanuvông. Rồí anh chết trong những ngày đầu kháng chiến, khi bơi qua sông Mê Kông để làm nhiệm vụ.
Còn hồi đó, khi chưa cách mạng, anh dạy chúng tôi một điệu hát trầm hùng :
" Cùng ngước mắt về phương Thăng Long thành cao đứng trong khói sương chiều ám trên dòng sông "...
Những ngày ấy, tôi đã hát Buồn tàn thu, Thiên thai, Thăng Long hành khúc mà không hề biết đến tên Văn Cao, không cần biết nó của ai. Đó là bờ bên kia của tuổi thơ.
*
Còn Bến Xuân, tôi lại chỉ biết khi nó đă thành Đàn Chim Việt. Bờ bên này của tuổi thợ Mùa thu 1945-1946. Trong đời tôi, chưa bao giờ sắc nắng thu Hà Nội rực rỡ đến như thế. Trên đường đi họp Đội ở ấu Trĩ Viên, đi qua bờ hồ mé nhà Khai Trí Tiến Đức, tôi thấy một thiếu phụ bận áo dài hoa tuyết nhung màu đen đứng giữa vòng người đang dự, đệm ghi ta hát bài Đàn chim Việt ; Đó là nữ ca sĩ Thương Huyền. Bà có một vẻ phóng túng duyên dáng tôi không thể nào quên được.
Ba tôi không hề biết tới âm nhạc, nhưng bấy giờ trong nhà đầy những bản Thiên Thai, Trương Chi... tít in bằng kim nhũ, rất đẹp. Còn Tiến quân ca lúc ấy là khúc hát của đường phố. Tuy nhiên chị Thúy Băng (vợ Văn Cao) lúc ấy là bạn học cùng lớp với chị tôi và cùng ở đội thiếu nữ Tiền phong đã khoe " Hễ hát bài hát của anh Văn tớ thì mọi người đều phải đứng nghiêm ". Còn tôi, tôi nhớ Tiến quân ca như một dòng thác xô đẩy dòng người đi biểu tình trên đường phố Tràng Tiền. Khi đến mục giải tán, tôi ở dòng đi ngược với Nhà Hát Lớn, mấy chị tôi ở dòng xuôi. Hà Nội xưa vắng vẻ thế, mà những ngày tháng Tám người đông đúc, chật chội tới mức đã ở dòng ngược, tôi không thể nào rẽ sang dòng bên kia để đi theo các chị trở về nhà.
Bấy giờ, câu hát mà tôi thường hát vang lên một mình những lúc ở nhà, mắt ngước nhìn trăng sao qua khung cửa sổ rộng của tầng hai, số nhà 32 Lý Thường Kiệt, đó là những câu trong bài Không quân Việt Nam :
"Ta là tinh cầu bay trong đêm trăng... "
Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ cảm giác lâng lâng, bay tới tuyệt đỉnh của giấc mơ lúc ấy.
Ngay cả những câu như "Khi nhìn qua khói những kinh thành tan - Đôi cánh tung hoành dạt trên mây xanh... " đối với tôi không hề vương vấn một chút gì hung hăng, hiếu chiến. Cả bài Thiên Thai mỗi lúc hát cũng gợi cảm giác hệt như thế : tôi là một tinh cầu đang bay.
Sau này, vào những năm 60-70, có lần tôi nghe một cán bộ nói chuyện, anh ta liệt Thiên Thai, Trương Chi vào loại " nhạc vàng ". Theo anh, người ta đã thí nghiệm cho lợn nghe loại nhạc này: lợn bỏ ăn, đổ bệnh ! Quả thật điều phi lí nhất, nghe mãi cũng quen tai. Một thời gian dài, người ta không dám hát những bài hát ấy. Riêng tôi, trong cuộc đời căng thẳng vì bom đạn, thiếu thốn, hễ lúc nào rỗi rãi, tôi lại hát thật to những câu hát thời thơ ấu, và lại cảm thấy lâng lâng trong giây phút, được sống lại cảm giác hạnh phúc bay bổng của ngày xưa. Đến nỗi những đứa con của tôi khi còn bé rồi sau này, cả đứa cháu đầu tiên của tôi lúc bốn, năm tuổi đều giữ ấn tượng rất mạnh về bài Thiên Thai. Thỉnh thoảng, đứa cháu ấy lại nằn nì bà hát cái bài có các quả đào tiên và dòng suối đầy hoa, với các cô tiên !
Còn mỗi lúc hát Suối mơ, tôi lại nhớ Việt Bắc những ngày kháng chiến. Có lẽ đối với đa số người Việt Nam, bài hát này chỉ đến với họ vào những năm ấy. Suối mơ chính là Việt Bắc, không có bệnh sốt rét. Mãi đến khi Văn Cao mất, đọc một bài báo, tôi mới biết Suối mơ được viết từ năm 40, 4l !
Năm 1951, cả nhà lếch thếch theo ba tôi đi lên Việt Bắc. Đoạn dọc theo sông Lô, ở một chặng nghỉ, tôi lấy bút ra vẽ cái bốt giặc bên bờ dòng sông, tôi không thể hình dung một Sông Lô khác với hình ảnh trong bài hát của Văn Cao. Những khúc hát đã nuôi dưỡng bao trái tim và mối tình thơ mộng của thanh niên học sinh ! Tôi nhớ dòng Nông Giang ở Thanh Hóa, những đêm sao lấp lánh, chúng tôi cầm đàn đi dọc theo sông và tiếng hát vút lên cao: " ôi đàn xưa còn ưng nhắc chi đến người - Lòng ta tắt bao thắm tươi... " Tôi không thể tìm thấy ai có thể diễn đạt nỗi lòng của mình tuyệt diệu đến như vậy, thuở hoa niên. Để rồi có phút giây nào đó, ta lại hát những bài hát Suối Mơ, Cung đàn xưa, và trong chốc lát, ta thấy sống lại những giây phút không còn có trong thực tế, khi đã già đi.
Đó là một ngày u ám của năm 82. Tôi bị mổ hỏng mất một mắt, nằm trong quân y viện 108, giường bên cạnh là một nữ bệnh nhân đã già và đang mang một vết chấn thương về tinh thần không thể chữa chạy. Chị vừa vào thăm đứa con trai ở trong tù. Nó tham gia vào một vụ cướp, giết chết một người. Bắp tay của nó chàm dòng chữ: " Thương em nhớ mẹ ". Chị không thể nào hiểu nổi đứa con chị, đứa con mà chị vẫn nghĩ là hiền lành. Một chiều, tôi thấy chị ngồi bên cửa sổ đan áo và hát khe khẽ: " Suối mơ, bên rừng thu vắng... ". Chị kể lại ngày xưa, chị là công nhân quốc phòng giữ kho cho bộ đội. Chị ngồi bên rừng Việt Bắc hát bài Suối mơ và chờ anh đi chiến dịch trở về... " Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối... ". Trong giây lát, gương mặt chị sáng lên, trở về với những ngày tuổi trẻ. Trong giây lát, chị thoát khỏi hiện tại.
*
Vì sao tôi không có dịp được nhìn thấy Văn Cao trước năm 92 ? Tôi cũng không hề tìm cách gặp, vốn nhút nhát, vả lại, cho đến khi ba mẹ tôi mất, tôi mới hiểu một điều : không phải những gì quí giá cứ còn lại mãi với mình trên cõi đời này. Thế mà rồi tôi cũng vẫn cứ quên điều đó.
Tôi đến phố Yết Kiêu với chị cả tôi lần thứ nhất, Văn Cao đã ngồi đó trước chén quốc lủi tự bao giờ... Khoảng một tuần sau tôi lại đến, lần này để ghi lại những kỷ niệm của ông về ba tôi. Tôi thú vị vì sự trùng hợp của những con số. Nhật ký của tôi còn ghi rõ đó là 9 giờ sáng ngày 9-9-1992. Lại nữa, dù hay quên con số, tôi cũng không thể nào quên được số nhà của Văn cao : 108. Đó là con số của Thuỷ Hử.
Lần đó, Văn Cao vẫn ngồi trước chén quốc lủi. Có lẽ vì chỉ có một mình tôi, ông tâm sự lâu hơn. Ông nói về việc vẽ tranh, thời ông vẽ ba tôi. Tôi hiểu vì sao trong một thời gian dài ông không thể vẽ. Đối với nhà văn nghèo vẫn dễ hơn, bởi phương tiện sáng tác không mấy tốn kém. Còn họa sĩ... " Hồi đó, muốn mua được sơn và toile để vẽ, phải là hội viên Hội Văn nghê... Tôi không có tiền mua sơn và toile để vẽ. Một bức tranh như bức tranh kia (ông chỉ bức treo trên tường và giải thích bức ấy vẽ từ cảm hứng thơ Neruda - một thứ cổng trời - bức tranh mà bấy giờ Văn Cao chưa chịu bán cho ai), riêng màu trắng phảì mất 5 lít sơn... Tới gần đây tôi mới được vào lại Hội Văn nghệ ".
Tôi hỏi vậy bây giờ anh có còn vẽ ? " Tay cầm cây cọ không nổi nữa rồi. Nhưng có cháu nó giúp thực hiện một số bức ". Muốn làm tranh phải có sức khỏe. " Họa sĩ các nước mua được khung sẵn, vải căng sẵn. về chỉ việc vẽ. Hỏng thì bỏ, không phải sửa, bết đi bết lại, làm mỏi tranh, mệt vải. Còn mình thì... Giờ thằng con tôi đi Ba Lan, không có ai giúp. Nhưng rồi tôi sẽ nhờ học trò "... Không hiểu sao, tôi không hỏi ông về âm nhạc. Có lẽ chỉ ngần ấy bài hát, đối với tôi, đã đủ đầy ắp cuộc đời. Sau này, có dịp đọc một bài trả lời phỏng vấn của ông, tôi thấy ông nói : ông không còn có thể sáng tác nhạc được nữa, âm nhạc đối với ông như mối tình đầu bị phản bội.
Hôm đó, Văn Cao còn nhắc tới một nhân vật đặc biệt ghét Nguyễn Tuân trong câu chuyện : " Năm 1986 tôi và nhà tôi vào Sài Gòn. Tình cờ, từ Hà Nội, hai vợ chồng cụ cốp đặc biệt ghét Nguyễn Tuân ấy cũng vào chơi, tới đúng khách sạn tôi đang ở, ngồi ngay trước mặt. Ông ấy bảo tôi: - Nguyễn Tuân làm gì có bề dày sự nghiệp như anh ! Tôi bảo: - Tôi chỉ có những chuyện đây một ít kia một ít. Về văn học, sao có được bề dày của Nguyễn Tuân !... Lúc ấy, ông ta nhìn lên, mắt long lên. Tôi hiểu ông ta là người rất ác. Rất đáng sợ khi nhìn vào mắt ông tạ Một lúc, ông ta nhìn xuống, trở lại cái vẻ thường ngày - có nghĩa là hơi gia trưởng, ngoài ra người ta không nhận thấy gì khác. "
Còn tôi, tôi nhìn người đối diện và thấy mặt Văn Cao rất hiền. Sau đó, Văn Cao kể kỷ niệm về ba tôi, thỉnh thoảng chị Băng lại xen vào chuyện gì đó, Văn Cao bảo : đừng làm đứt mạch suy nghĩ.
"Tôi không phải là người gần gụi bác Mai nhiều và tiếp xúc chủ yếu là qua các hội nghị Văn hóa Cứu quốc từ 1946. Lần tiếp xúc riêng đầu tiên là do việc dạy vẽ ở Trường Phan Chu Trinh, trường bác mở ở phố Nguyễn Thái Học. Hồi ấy có phong trào Nam Tiến, anh Nguyễn Đỗ Cung cùng anh Văn Giáo đi vào Nam Bộ. Nguyễn Đỗ Cung phải bỏ việc dạy vẽ ở trường của bác Mai, cử tôi đến dạy thaỵ Bác giao cho tôi nhận lớp. Sau này Tử Phác có nói với tôi rằng khi bàn chuyện trả lương, Tử Phác bảo Nguyễn Đỗ Cung là một họa sĩ già. Văn Cao chỉ là một họa sĩ trẻ. Nhưng bác Mai nói rằng không được, Nguyễn Đỗ Cung đã cử Văn Cao thay thế, hai người phải hưởng lương như nhau. Đó cũng là một cách nhận xét không phân biệt trẻ già khi đánh giá công việc. Hồi đó, cái mới là ở một trường tư thục đã có môn dạy vẽ như vậy. Tên tuổi bác hồi đó tôi cũng đã biết qua vở kịch Lôi Vũ. Tôi cũng đã được xem vở kịch ấy vào năm 1946, bác đã khiến đối thoại kịch dễ hiểu đối với người Việt Nam. Tôi cũng đã xem bản dịch Nhật Xuất của bác. Những ngày gặp sau này ở Việt Bắc, đó là khi có cuộc hội nghị lớn thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam. Bác từ khu IV ra, phát biểu một số vấn đề về văn nghệ. Sau này còn có dịp nữa là tôi và bác đều là chấp hành của Hội. Tôi cũng được biết cách đối đãi của bác với bạn bè, trí thức, học trò, họ thường kể lại khi tới chơi với tôi. Đó là lòng ái mộ đối với một nhà văn có uy tín, sống trong sạch.Năm bác bảy mươi lăm tuổi, tôi muốn vẽ một bức tranh bác để tặng đúng ngày sinh nhật. Lúc ấy bác đang làm việc nhiều, nên tôi cũng không muốn bác phải ngồi nhiều cho mình vẽ. Tôi chỉ đến một lần, phác thảo nhanh. Có một phóng viên nhiếp ảnh chụp positions của bác, đằng trước, sau lưng v.v... Vẽ bằng trí nhớ là chính. Có lẽ lúc vẽ ông Giáp tôi phải nghĩ lâu hơn vì cần sự trang trọng của một ông tướng. Ông Mai thì là một người bình dị. Đó là một bức chân dung mà tôi cho là thành công nhất của tôi. Tôi vẽ chủ yếu bằng kỷ niệm. Kỷ niệm về thời Thăng Long Bác thường đưa cô Hà - có lẽ thế - lúc ấy còn bé đi theo. Trí nhớ của tôi không hiểu sao gần hình ảnh bác với một cái can dù lúc ấy bác còn trẻ. Hồi đó bác Mai hay mặc đồ trắng. Vì thế khi đến vẽ tranh bác sau này, dù hôm ấy bác mặc bộ đồ màu be nhưng tôi vẫn vẽ màu trắng. Cầm cái can - người đi tìm đường. Tôi nói với bác : tôi vẽ l'homme à la cannẹ Bác hỏi màu tím sau lưng là màu gì. Màu vàng thì bác hiểu rồi. Tôi nói màu sắc quả có diễn đạt. Màu trắng là màu trong sạch. Một con người dù lúc cần tranh luận có đáo để nhưng người ta vẫn mến. Còn về màu tím, đó là màu của gia đình. Một ông quan nhỏ áo tím. Bác hiểu ngay và ôm lấy tôi hôn. Rất cần ghi lại cái hôn đó.
Bức tranh ấy tôi tặng đúng ngày sinh nhật thứ bảy mươi lăm. Bác Mai cho ô tô đến đón tôi cùng bức tranh... chú lái xe tên là gì tôi quên mất rồi. "
Tôi còn đến nhà Văn Cao hai lần nữa để cảm ơn và mời anh chị đi dự lễ kỷ niệm mười năm ba tôi mất. Mười năm, còn nhanh hơn ngựa phi qua cửa sổ. Thậm chí tôi cũng chẳng nhìn thấy cái vó câu, mà chỉ thấp thoáng thấy cái bóng lướt quạ Lần sau cùng, đi cùng chị cả tôi tôi thấy Văn Cao đương có khách. Một nữ văn sĩ Airơlen hoặc người Anh tôi không rõ và anh Dương Tường. Chị cả tôi ca ngợi bài Cung đàn xưa. Và Dương Tường hát bài Thiên Thai. Nữ sĩ chỉ bức tranh mà Văn Cao đã gọi là " Cổng trời ", bảo rằng nó giống như cái tháp Babel. Lại một huyền thoại nữa.
Sau đó, thỉnh thoảng, đi tới khoảng gần ngôi nhà quen thuộc mà ngay ngoài cổng là một cái chợ tạm, tôi nghĩ rằng phải vào thăm Văn Cao. Rồi lại nghĩ : Thôi để dịp khác.
Không bao giờ có dịp đó nữa. Ngôi nhà vẫn còn đó, với cái loa ở cột điện bên trái cổng. Còn cây sấu ngoài vỉa hè, tôi được chị Thúy Băng cho biết là nó đã chết trước khi Văn Cao mất một tuần lễ.
Chú thích:
(1-) Chú thich của Diễn Đàn : đúng là Hoàng Thị Thế, con gái của Hoàng Hoa Thám [Đề Thám]. Sinh năm 1901 tại Yên Thế. Bà bị nhà cầm quyền thực dân bắt năm 1916, đưa sang Pháp năm 1916. Năm 1922 về nước, rồi lại bị đưa sang Pháp năm 1927. Bà sống ở Pháp cho đến năm 1961 mới hồi hương [về miền Bắc]. Trong những năm 1930, bà đóng nhiều phim : Bức thư, Chàng trai thanh lịch bí ẩn, Viên ngọc bích bí ẩn... Năm 1963, Hoàng Thị Thế viết một tập hồi kí bằng tiếng Pháp. Bản dịch tiếng Việt đã được xuẩt bản năm 1975 [Ty văn hoá Hà Bắc] dưới tựa đề : Kỷ niệm thời thơ ấu