Thu rón rén bước từng bước khi đi qua hành lang phía trước bàn giấy của Đông. Nàng bước rất nhẹ nhưng Đông cũng biết, khẽ nhoẻn miệng cười. Thu mỉm cười đáp lễ, hai má đỏ bừng, cảm tưởng như những người xung quanh đang dán mắt vào nàng.

Cái hành lang tầng một đi ngang sở Tín dụng của Sài-Gòn Ngân Hàng không biết có gì hấp dẫn mà Thu qua, lại mỗi ngày rất thường. Sau ba mươi tháng tư, Sài-Gòn Ngân Hàng sáp nhập vô ngân hàng thành phố HCM, lưu giữ hầu hết nhân viên cũ. Hồi trước, Thu là một nhân viên bình thường. Sau ngày đổi đời, nàng trở thành bí thư của anh Hai Hồng, phó giám đốc ngân hàng thành phố đặc trách bộ phận Sài Gòn Ngân Hàng. Chẳng những làm bí thư cho phó giám đốc, Thu còn phụ trách công đoàn. Do đó nàng tha hồ đi tới đi lui, chẳng ai thắc mắc. Mà làm sao dám thắc mắc khi nghe đâu Thu là thiếu úy Việt cộng nằm vùng, cha nàng là thượng tá tập kết mới về. Nàng còn mẹ. Hai mẹ con đều làm việc trong Sài-Gòn Ngân Hàng từ khá lâu trước 75.

Trong cái bối cảnh đó của ngân hàng, Đông là một cấp chỉ huy cũ được chế độ mới lưu dung để thanh lý. Thanh lý ở đây có nghĩa là đi đòi các khoản mà dân chúng nợ ngân hàng trước 75. Còn số tiền dân chúng ký thác trước 75 thì không được “cách mạng” đề cập. Ngay cả số tiền hưu trí của nhân viên cũng bị lờ luôn với lý do lý do “tập đoàn Thiệu Kỳ đã mang tiền theo hết rồi!”.

Trước 75, dù làm việc chung nhưng có bao giờ Thu dám gợi sự chú ý của Đông. Phần Đông, có thấy Thu thì chắc cũng không bao giờ để ý đến nàng. Lý do giản dị vì Thu không đẹp, mặc dù là gái một con. Chồng nàng, một thiếu úy Cộng Hòa, đã ly dị với nàng trước ngày Cộng sản chiếm miền Nam.

Nhưng sau ba mươi tháng tư, chuyện đời đổi khác. Đông chỉ là một tên “ngụy”, số phận không biết sẽ ra sao. Còn Thu lại thuộc gia đình “cách mạng”, tương lai rực rỡ. Thế nhưng, dù thuộc giai cấp mới, Thu vẫn mang trong người những sở thích rất “ngụy”, bởi vì nàng cũng sinh ra, trưởng thành và sống trong môi trường miền Nam.

Tuy biết Đông đã có vợ con, nhưng với Thu chuyện ấy có nhằm gì khi nàng đã một lần dang dở. Câu “thà làm bé ông lớn còn hơn làm lớn ông bé” đúng ra là một câu nói chơi, nhưng nhiều khi cũng là một suy tư có thật. Qua thời “cách mạng”, Thu được lột xác, vùng lên, không còn mặc cảm về hoàn cảnh và thân phận của thời đã qua. Cha nàng đã tìm cách giới thiệu cho nàng nhiều người có địa vị và tương lai trong xã hội mới, nhưng nàng vẫn chưa chịu ai. Nàng không sao quên được Đông, nhất là khi so sánh chàng với những anh Hai, anh Năm nón cối, dép râu quê mùa dai dẳng theo đuổi ve vãn nàng.

Ngày nào, dù có việc cần hay không, nàng cũng qua, lại trước nơi làm việc của Đông. Lần nào đi ngang qua, nàng cũng rón rén, nhưng không lần nào, hai người không nhìn thấy nhau. Riết rồi Đông để ý.

Một hôm, tình cờ chạm mặt nhau trong sân giữ xe, Đông lên tiếng trước:

- Chà cô Thu làm việc thong thả quá nhỉ!

Thu bẽn lẽn:

- Đâu có đâu, thưa ông giám đốc!

- Thời buổi này mà giám đốc chi cô Thu!

Cả hai cùng cười. Hôm ấy Thu vui lắm. Trước đây, là một nhân viên thường, nàng làm sao có dịp gần gũi chuyện trò với Đông. Rồi từ đó những buổi chiều tan sở, Thu cố tình ra lấy xe cùng lúc với Đông. Nhà Đông ở Thị Nghè, còn Thu ở cư xá Thanh Đa nên cùng đường về.Có điều, Thu đi xe Honda còn Đông thì “hồ hởi” với chiếc xe đạp.

Một hôm, chờ Đông đạp xe một quãng, Thu phóng Honda theo sau, trờ tới, đi kè bên cạnh, cười hỏi:

-Muốn kéo không?

Theo phản xạ, Đông đưa tay trái níu vai Thu. Mấy giây sau, Đông hơi ngại nhưng đã trễ, chẳng biết làm sao lấy tay ra. Thu phá tan sự yên lặng, khích:

-Níu chặt nghen! Nếu sợ bà xã thấy thì bỏ tay ra cũng không muộn!

Là đàn ông, ai lại sợ lời khích của đàn bà nên Đông hỏi lại:

- Bộ cô không sợ Ông xã hay bà già thấy hay sao?

Thu cười ngặt nghẽo:

- Ông xã thì không có mà bà già thì sao lại sợ!

Thế rồi từ đó, những buổi chiều tan sở Thu Đông vừa kéo nhau vừa trò chuyện. Lâu ngày, cả hai đều cảm thấy bất tiện vì xe cộ quá nhiều. Thu đề nghị thẳng:

- Muốn tui ngày mai chở đi làm không? Nếu muốn thì chờ ở đầu đường, tui sẽ đi ngang rước cho.

Sau đó, Thu đón Đông đi làm mỗi ngày. Lúc đầu, Đông hơi ngại người quen thấy, nhưng nghĩ cho cùng, thời buổi khó khăn, chẳng ai rảnh lo chuyện người khác! Rồi một cách tự nhiên không hẹn trước, việc xưng hô giữa hai người bỗng trở thành trống trỗng, thường thiếu chủ từ. Hôm đó, trưa thứ bảy, trên đường về, Thu gợi ý:

- Ba má về Long Điền thăm ngoại, muốn ghé nhà chơi không?

- Ghé thì ghé.

Đông trả lời không suy nghĩ, và hỏi tiếp:

- Ba làm gì?

Thu thành thật trả lời:

- Đại tá chánh ủy sư đoàn. Sợ không?

Đông nhún vai không nói. Khi đến nơi, Đông mới biết nhà Thu là căn biệt thự của một đại tá miền Nam đã di tản. Dì Bảy, ở với mẹ con Thu từ khi Thu còn nhỏ, chạy ra mở cửa, nhìn Đông, nở một nụ cười thân thiện:

- Chào cậu Đông!

Đông ngạc nhiên, chờ dì Bảy đi xuống sau, hỏi Thu:

-Sao dì Bảy biết tên?

Thu hỏi lại:

-Sao biết bả là dì Bảy?

Đông vỡ lẽ:

- Thu kể chuyện cho bả nghe?

Thu cười, quay đi không trả lời. Đông đâu biết trong nhà Thu, dì Bảy là người để Thu tâm sự. Mối tình Thu dành cho Đông ngang trái quá làm sao nàng dám tâm sự với ai. Chỉ có dì Bảy, bà vú của nàng. Vì thương Thu, dì bảy tự nhiên có cảm tình với Đông, người xếp trẻ có đôi mắt biết cười: -

-Cậu Đông bảnh trai quá hén, hèn chi...

Bà nhìn Đông, nói rất tự nhiên. Đông đỏ mặt vì mắc cỡ mà Thu cũng e thẹn. Nàng gắt:

Đì Bảy này thiệt...

Dì Bảy và Thu mời Đông ở lại dùng cơm chiều. Đông nửa muốn nửa không, vì chưa cho vợ hay. Như đoán được lý do, Thu châm chọc:

-Thôi dì ơi, người ta chưa xin phép bà xã, đâu dám ở lại ăn cơm!

Đông biết là một câu nói khích nhưng vẫn nghe tức. Chàng lên tiếng:

- Cho mượn điện thoại được không?

Thu dẫn chàng vô phòng ngủ của ba mẹ nàng, chỉ điện thoại. Vô tình gió đóng sập cánh cửa lại. Cả hai nhìn nhau. Êm vắng và riêng tư quá! Họ như thuộc về nhau từ giây phút ấy... Cho đến khi bé Hiền gõ cửa phòng gọi, Thu mới giật mình tỉnh mộng. Nàng e thẹn liếc nhìn Đông nằm trầm ngâm bên cạnh, cố làm ra vẻ tự nhiên:

- Mình ra ăn cơm đị.anh!

Tiếng “anh” nàng nói nghe thật ngọt ngào, tình tứ. Riêng Đông, một cảm giác ê chề, rã rượi ùa đến. Hối hận vì đã phản bội vợ? Sợ phải sa vào lưới Việt cộng? Không biết, chàng không muốn biết gì cả. Tiếng bé Hiền làm chàng tỉnh lại:

- Bảy kêu má và chú xuống ăn cơm!

Đông bước ra, xoa đầu Hiền. Chàng chợt nhớ đến đứa con gái đầu lòng cũng trạc tuổi con bé. Hiền đứng yên cho Đông xoa đầu. Đông hỏi một cách vô ý thức:

- Ba Hiền đâu?

Hiền ngước lên nhìn mẹ, đưa mắt hỏi. Thu hơi khó chịu:

- Muốn làm ba nó không mà hỏi!

Đông chợt nhận ra sự vô ý của mình, lí nhí xin lỗi.

Hôm ấy dì Bảy thết Đông toàn những món đắt tiền, ít ai được ăn trong thời buổi đó. Nhìn chén súp yến thứ dày sớ, vàng óng ánh, Đông cảm thấy được cái chua chát bùi ngùi của ý nghĩa đổi đời. Đổi đời, trong một xứ chậm tiến, có lẽ không gì khác hơn là thay đổi về giai tầng xã hội. Đúng ra, giai tầng không thay đổi, chỉ có nội dung của nó thay đổi mà thôi. Vẫn còn mãi mãi giai cấp giàu sang với tất cả những đặc quyền đặc lợi, và giai cấp nghèo khổ suốt đời thiếu trước hụt sau. Điều thay đổi chỉ là một sự hoán vị đột ngột và khôi hài. Đông suy nghĩ miên man, nuốt thức ăn một cách khổ sở khó khăn. Thu tưởng Đông mắc cỡ, nói đùa:

- Ăn đi, lớn rồi mà còn mắc cỡ sao?

Hiền cười rộ lên. Dì Bảy cũng cười chúm chím. Đông nói đỡ:

- Lâu rồi không ăn yến nên nghe lạ!

Hiền và dì Bảy không hiểu ý Đông, nhưng Thu hiểu. Nàng thừa biết những thứ gia đình nàng đang hưởng chính là những thứ gia đình Đông đã có trước kia. Đã hơn hai năm sau ngày “giải phóng”. Những dự trữ, tiết kiệm của một gia đình trung lưu bình thường có lẽ cũng đã teo như hy vọng mong manh dành cho một chuyến ra đi. Càng ngày, những cuộc vượt biên càng khó khăn vì mạng lưới công an biên phòng càng được củng cố vững chắc. Hơn ai hết, Thu biết rõ điều đó, cũng như biết rõ khát vọng của Đông. Nàng khẽ thở dài.

Cuộc tình vụng trộm của Thu và Đông đi dần vào ngõ cụt. Thu là con duy nhất của một Đại tá Việt cộng, và chính nàng cũng là cán bộ. Đông là một “ngụy quyền”. Chỉ bấy nhiêu thôi, đã không đường hòa hợp, nói chi đến việc Đông không hề muốn bỏ vợ con mà Đông rất yêu thương. Mối tình đó, với Đông, chỉ là cuộc phiêu lưu nhất thời.

Những cuộc vui bên cạnh Thu không đủ xua đuổi hẳn cái vẻ u hoài, tư lự nơi Đông. Có khi Thu mắc mỏ:

- Anh sao... lúc nào hồn vía cũng làm như để đâu á...

Hoặc:

- Mượn xài đỡ buồn thôi! Không bắt phải bỏ bả đâu mà lo!

Thu nói gì thì nói, Đông vẫn không đổi, vẫn giữ nét suy tư khó hiểu.

Về phía mẹ Thu, bà ta cũng đã nghe phong thanh liên hệ giữa con gái bà và Đông. Một hôm, trong bữa ăn chiều không có ba Thu, mẹ Thu hỏi:

- Con có dính líu tình cảm với thằng ngụy Đông phải không?

Thu chối biến:

- Làm gì có!

- Chuyện cả ngân hàng ai cũng biết, chỉ mình tao là chưa hay thôi! Thằng ngụy đó có gì hay mà mày ưa nó?

Thu gắt lại:

- Hồi xưa má cũng gọi người ta giám đốc, bây giờ sao cứ hở là ngụy này ngụy nọ!

Mẹ Thu xẵng giọng:

- Chà, chưa chi mày đã binh chằm chặp rồi! Tao gọi ngụy là nhẹ đó! Nó có vợ con rồi mày biết không? Đừng nói là mày không biết nghe!

Thu ngoe ngoảy bỏ đũa đứng dậy, bước ra lấy xe honda phóng đi. Hiền chạy theo, kêu “mẹ! mẹ!”. Dì Bảy cũng hối hả gọi “Thu! Thu!”. Mẹ Thu vẫn ngồi yên, bật khóc. Dì Bảy quay trở lại, lên tiếng:

Đù gì nó cũng lớn rồi! Nó còn trẻ mà cô độc, bộ không tộicho nó hay sao?

Mẹ Thu hằn học:

-Tội! Tội! Tui tội cho nó thì ai tội cho tui! Để nó dan díu với thằng ngụy có vợ mà chị coi được hả?

Dì Bảy thản nhiên:

- Tui thấy đâu có sao! Miễn nó vui là được!

Mẹ Thu than:

- Thiệt tui tức dì cháu chị hết sức! Cũng tại chị cưng nó quá nên nó đâm hư!

Dì Bảy vùng vằng:

- Được rồi, ngày mai tui về quê tui ở cho khỏi làm hư người khác!

Nói xong, dì Bảy bỏ vộ phòng riêng nằm khóc. Hiền đứng bên bà ngoại, ngơ ngẩn nhìn hết người nầy đến người khác. Thấy tội nghiệp, mẹ Thu ôm cháu vào lòng, nhớ lại thời Thu còn nhỏ, chồng bà vô bưng, bỏ hai mẹ con côi cút. Một đêm, khoảng hai giờ sáng, Thu bị cảm, lên cơn sốt. Cảnh nhà đơn chiếc, bà lính qua lính quính, chỉ biết ôm con than khóc. Cũng may, ông trung úy hàng xóm tốt bụng, lấy xe jeep chở mẹ con bà đi nhà thương chữa trị. Sau đó bà về quê năn nỉ người chị bà con bạn dì lên ở chung. Từ đó ba người sống chung, thiếu đủ có nhau, cho đến khi Thu lấy chồng, rồi ba Thu lén lút trở vô Nam hoạt động, móc nối với gia đình, kết nạp Thu vô cụm điệp báo kinh tế thành.

Đêm ấy, khi ba Thu về, mẹ Thu kể lại câu chuyện. Lúc đầu, ông giận lắm, nhưng suy nghĩ kỹ, cảnh đơn chiếc của Thu là do ông, nên ông dịu lại. Số là trước đây, vì công tác, Thu đã phải đi đi về về, giờ giấc bất thường khiến chồng nàng nghi ngờ, sanh ghen. Dĩ nhiên, Thu không thể tiết lộ bí mật với chồng, một phần vì nàng không muốn chồng dính líu vào tổ chức, phần khác, vì chồng nàng là sĩ quan “ngụy”. Cuối cùng, vợ chồng Thu chia tay. Nàng rất buồn nhưng không thể làm khác được. Ba Thu thở dài:

- Để từ từ tôi tính. Mà nó đi đâu vậy?

Mẹ Thu đang sốt ruột vì đã gần hai giờ sáng mà Thu chưa về. Bà gắt:

- Cũng tại ông hết! Con không cha thì như vậy đó!

Đêm đó Thu ghé nhà bạn gái, ngủ lại. Sáng hôm sau nàng nhờ bạn xin phép nghỉ vì mắt nàng sưng húp. Hôm sau nữa, Thu mặc tạm áo quần bạn, vô thẳng sở làm, nhưng lánh mặt mẹ. Tìm gặp Thu vào giờ nghỉ trưa, mẹ Thu năn nỉ:

- Muốn gì thì về nhà tính. Con Hiền khóc suốt ngày hôm qua đó!

Chiều đó, Thu về nhà. Cả nhà ai nấy đều mừng, không dám đá động đến chuyện đã qua.

Mấy tháng sau, chuyện tình Thu Đông cũng chẳng có gì mới mẻ. Thu thấy Đông sống gượng gạo, qua ngày, chán nản bèn tội nghiệp, đề nghị:

- Muốn vượt biên không?

Đông mở to mắt nhìn Thu, thăm dò. Nàng tiếp:

- Không gạt đâu. Muốn đi thì tui dàn xếp cho đi!

Đông hỏi:

- Bằng cách nào?

- Quê tôi ở Long điền nên tôi biết nhiều chủ tàu đánh cá lắm. Tôi cung cấp bãi cho họ để đổi một số chỗ trên tàu.

Đông nghi ngờ:

- Bãi đâu Thu có mà cấp?

- Đồ khờ, tui không có thì ai có? Bộ không biết tôi làm gì sao?

Đông hỏi dò:

- Mình đi với ai?

Thu phì cười, hỏi lại:

- Bộ anh muốn đi với bả và mấy đứa nhỏ phải không?

Đông im lặng. Thu lặng người, hơi mất bình tĩnh nhưng sau khi cân nhắc, nàng quyết định ngay:

- Cho cả nhà anh đi luôn với điều kiện qua bên đó không được bỏ mẹ con tôi. Chịu không?

Đông đùa:

- Thì sướng chớ sao! Hai vợ là sướng rồi!

Thu quạu:

- Tui không giỡn đâu đó nghe!

Hôm sau, Thu móc nối với tên thượng úy Tất, trước đây là trưởng cụm điệp báo của nàng. Tất vẫn chưa vợ, hiện làm việc cho Công an thành. Lâu rồi không gặp lại Tất, Thu không biết gã còn say mê nàng như dạo trước không. Dù sao, nàng cũng tự tin nơi tài thuyết phục của mình. Hai người hẹn nhau trong một quán ăn. Tất mừng rỡ:

- Thu vẫn khỏe đấy chứ? Gia đình lúc này thế nào?

- Em vẫn cô đơn anh à! Vẫn một mình ở vậy nuôi con!

- Xạo hoài! Các cô gái Sài gòn là ghê lắm!

Thu mỉm cười, ỡm ờ:

- Em có phải gái Sài Gòn đâu! Em quê Long Điền mà!

Tất đắm đuối nhìn sâu vào mắt Thu, rồi như chợt nhớ ra, gặng hỏi:

- Thu đến tìm anh có việc gì thế?

Thu làm ra vẻ thật thà pha chút hờn trách:

- Lâu, nhớ anh, tìm thăm anh không được sao?

Tất sung sướng thấy tự ái được vuốt ve, càng tỏ ra lịch thiệp.

Thu ôn tồn dẫn dụ Tất, chịu đi chơi với hắn cả tuần, rồi sau đó rủ rê vượt biên, hứa sẽ lấy Tất khi đến bờ tự do. Là đảng viên trung kiên, mới đầu, Tất ngần ngừ không chịu, nhưng sau lại đồng ý. Hai người bèn bàn kế hoạch.

Vấn đề là phải tìm được bãi đáp an toàn để đổi một số chỗ trên tàu đem bán, lấy vàng làm vốn. Tất nhận nhiệm vụ đi Long điền liên lạc với Hai Hồng, trưởng công an tại đó, vốn là bạn thân của Tất, để đề nghị chia chác. Thu lo móc nối với chủ tàu. Cuối cùng, tất cả đều đồng ý là chủ tàu lo liệu mọi thứ cho chuyến đi, được mang theo 20 người và phải trả cho tên Hai Hồng 30 cây vàng. Phía Thu được mang theo 15 người. Ngoài Tất, Thu, bé Hiền và gia đình Đông là tám người, bảy chỗ còn lại bán rẻ cho bảy người bạn thân, lấy chút vàng mang theo làm vốn.

Phần Đông, chàng cho vợ hay quyết định vượt biên và nói dối là chi phí tốn 15 cây vàng cho cả gia đình 5 người. Vợ chàng dốc hết số vàng dành dụm thì vừa đủ. Đông mang số vàng ấy giao cho mẹ nhờ cất giùm mà không nói lý do. Chàng tính, nếu đi lọt, số vàng ấy coi như để lại cho ba mẹ chàng, nếu không lọt, sẽ lấy lại chi dùng.

Đến ngày đã định, Thu ngụy tạo một số giấy di chuyển do ngân hàng cấp cho gia đình Đông đi Long điền thăm bà con. Gia đình Đông được nàng giới thiệu với Tất như những người mua chỗ trên tàu vượt biên. Tất hướng dẫn gia đình Đông. Phần Thu, dẫn những người còn lại đi thành một toán thác. Khi cả đoàn xuống đến Long điền đầy đủ, người của chủ tàu đón vô tạm trú trong ngôi nhà do Hai Hồng thu xếp.

Đêm đó không trăng nhưng ánh sao trên cao cũng đủ cho thế gian một chút ánh sáng lờ mờ. Hai giờ rưỡi sáng có lệnh bắt đầu ra đi. Đông cõng đứa con nhỏ nhất, một tay dắt đứa con giữa. Vợ Đông nắm tay đứa con đầu lòng theo sau, đi lẫn vào trong đoàn người từ Sài Gòn xuống, hướng dẫn bởi cậu con trai của chủ tàu. Thu đi sau cùng. Bé Hiền được một người lớn cõng. Tất đã đi trước từ lâu. Đoàn người lầm lũi đi. Lũ con nít như cũng cảm thấy sự nghiêm trọng nên cũng nín khe. Đông chốc chốc quay đầu nhìn lại vợ con khuyến khích.

Khi đoàn người còn cách bãi biển chừng 500 thước, Thu cho lệnh ngừng lại và ngồi xuống. Từng cơn gió biển thổi lạnh buốt. Không một tiếng động nào ngoài tiếng sóng rì rào và tiếng côn trùng rả rích. Từ xa, có ánh đèn pin chớp nháy ba lần, ra hiệu. Thu cho đoàn người đứng dậy, tiến thẳng ra bãi. Cách bờ chừng năm, sáu thước, một chiếc tàu nhỏ đợi sẵn. Mực nước biển giấc khuya đã bắt đầu thấp. Đông cõng đứa con nhỏ, lội xuống nước đi về phía tàu. Đặt đứa bé lên tàu xong, Đông quay lại cõng tiếp đứa thứ hai, rồi thứ ba. Vợ Đông vẫn đứng chờ trên bãi. Bên cạnh, Thu nắm chặt tay bé Hiền. Giữa lúc ấy, có tiếng quát:

- Tất cả đứng im! Không được cử động!

Đoàn người chạy tán loạn về phía tàu. Đông chụp tay vợ, kéo vội xuống nước. Tiếng quát lần này lớn hơn:

- Tất cả đứng im!

Giữa lúc ấy, Thu la to:

- Cái gì vậy, anh Tất?

- Bắt tất cả bọn phản động lại!

Khi đó, Thu mới vỡ lẽ là đã bị Tất và Hai Hồng gài. Tất trấn an:

- Đồng chí Thu đừng sợ! Chúng ta chỉ bắt tụi ngụy thôi! Bố của đồng chí đã được báo cáo, đang đứng đàng sau đây!

Thu xoay đầu, thấy ba nàng đứng cách nàng không xa lắm, giữa sáu, bảy tên cận vệ, tên nào cũng ghìm AK. Thu tức muốn phát khóc, nhưng nàng trấn tĩnh ngay, tính toán khẩn cấp. Nàng biết mẹ con nàng chắc chắn không thể ra đi được nữa. Nhưng còn những người khác thì sao? Còn gia đình Đông? Nàng không sợ Đông hiểu lầm là nàng đã bán đứng chàng, nhưng thật tình nàng không đành lòng thấy Đông lâm vào cảnh tù tội. Nàng hít một hơi dài đầy buồng phổi, la lên:

- Tất cả đứng im, không được nổ súng!

Rồi Thu quay về phía ba nàng, giọng pha chút tình cảm:

- Ba đến đây làm gì vậy ba?

- Đem con và bé Hiền về. Ba nàng trả lời cộc lốc.

Thu quay sang Tất:

- Anh đã hứa với người ta, đã lấy vàng của người ta, sao lại làm vậy?

Tất cười lớn như chế giễu:

- Nếu tôi không hứa, làm sao bắt được bọn phản động này?

Bọn này chẳng những tráo trở mà còn tham lam độc ác nữa. Thu nghĩ có lẽ Tất và Hai Hồng muốn lấy luôn số vàng của chủ tàu mang theo.

Bất thình lình, Hai Hồng lớn tiếng, ra lệnh:

- Tất cả mọi người trên tàu xuống trở vô bờ hết, không sẽ bắn bỏ!

Không chần chờ, Thu la lớn:

- Đừng xuống! Đừng xuống! Mọi người cứ tiếp tục ra đi, nhanh lên!

Hai Hồng xoay qua phía Thu:

- Đồng chí muốn chống lại cách mạng?

Thu rút cây súng lục giấu trong người ra, bắn một phát lên trời, quay về phía ba nàng, nói lớn:

- Con và Hiền sẽ ở lại, nhưng nếu ba cản không cho tàu ra khơi, con sẽ chết nơi đây!

Tất và Hai Hồng đồng thanh la lớn:

- Các đồng chí hãy bắt luôn đồng chí Thu!

Ba Thu từ nãy giờ yên lặng, bỗng lên tiếng:

- Các đồng chí đứng yên tại chỗ!

Rồi quay sang Thu, ông nói như năn nỉ:

- Sao con lại làm như vậy?

Thu làm như không nghe lời ba nàng hỏi, chĩa thẳng súng vô thái dương Hiền, lên cò, hướng về phía ba nàng, gằn từng tiếng một:

- Ba đừng ép con! Nếu phải chết, con sẽ cho Hiền chết trước để ba được toại nguyện!

Tiếng Hiền khóc ré lên:

- Má! Con không chịu chết đâu! Ngoại! Ngoại!

Ba Thu quýnh lên:

- Đừng làm bậy! Để từ từ tính!...

Thu vừa khóc vừa nói:

- Ba thừa biết là con đã hy sinh hạnh phúc riêng tư như thế nào cho ba, cho cách mạng. Được rồi, kể như ba không có đứa con bất hiếu nầy!

Ba Thu bối rối, tìm cách trì hoãn:

- Đừng hấp tấp, con! Từ từ rồi ba tính cho!

Thu vẫn làm như không nghe, quay sang phía chiếc tàu đang nổ máy, la lớn:

- Cho tàu ra khơi đi, mau lên!

Tất và Hai Hồng cùng bốn tên công an bất chợt chạy về phía Thu, định cướp súng. Một tràng đạn AK nổ giòn, xoáy sâu vào cát trước mặt bọn Tất làm cả bọn vội dừng lại. Ba Thu quát lên, ra lệnh:

- Đứng lại! Các đồng chí không được động đến con và cháu tôi!

Tiếng máy tàu rú lên, lắc lư lấy trớn chạy thẳng ra khơi. Từ hông tàu, Đông gọi lớn:

- Thu xuống nhanh lên!

Thu nhìn theo mà nước mắt đẫm má. Thôi đã hết. Cuộc tình. Hò hẹn. Đón đưa. Qui. xuống cát, nàng nức nở nói vói theo:

- Anh đi đi! Em ở lại!

Tiếng sóng vẫn thản nhiên nhịp nhàng vỗ vào bờ. Mặt trời từ từ ló dạng, chiếu những tia sáng đầu ngày lấp lóa khiến mắt Thu bị mờ nhòe, không còn thấy rõ hình bóng con tàu nhỏ đang đi vào biển cả mênh mông.

Hết