Đứa con trai độc nhứt của ông đã bị “A lơ măn” (người Đức) giết lúc phải cầm súng giữ vùng An Sác Lo Ren cho Pháp. Ta có thể nói: ông mù vì khói lửa của trận âu châu đại chiến kỳ nhứt. Còn lại một mình, ông cất căn chòi ở Rộc Lá, ấp Tây Sơn. Rộc là con rạch nhỏ ngoằn ngoèo, bắt nguồn từ môt gò đất cao giữa đồng, chảy thẳng vào một cái lung, phần đất thấp hơn, đầy những rau muống, cóc kèn, ô rô và cá.
Ở Rộc Lá này, cá tôm quá nhiều so với mấy nơi khác trong ấp. Từ tháng mười đến thắng giêng, cá lội từng bầy trở về sông Cái, suốt ngày suốt đêm không ngừng. Ban ngày, cá đi đớp bọt, trắng bờ rạch. Ban đêm thức giấc vào bất cứ lúc nào, ta cũng nghe cá lóc táp mồi, cá trê chép miệng kế bên nhà. Nguồn lợi to tát vô cùng!
Nhưng nào đâu cái cảnh “Một vùng trời đất vui thầm ai hay”.
Cá ăn câu về đêm. Muốn giăng câu phải thức trót canh gà, thức bốn năm tháng ròng rã, hao phi bao nhiêu sức lực! Ngày thì đi gặt lúa mướn, thời giờ đâu để ngủ bồi dưỡng lại. Đêm thì muỗi mòng, gió bấc lạnh, lắm khi gặp muạ Nhiều em bé đuối sức ngủ gục, té xuống sông, leo trở lên xuống ướt loi nhoi như chuột...
ông thường bảo:
- Phải có kinh nghiệm mới đỡ cực nhọc. “Con cá trương vi quạt đuôi ra biển Bắc thì còn mong gì cá ấy trở lại chốn cũ ao nhà”. Câu ca Vọng cổ đó nói sai. Cá có hang ở sông Cái. Mùa mưa, cá tìm đường lên ruộng, vào rừng mà đẻ. Bắt đầu mùa hạn, cá bỏ ruộng, bỏ rừng quay trở về hang cũ ở sông. Sự hôn ngoan của con người là chặn chuyến về của loài cá. Chặn cho đúng nơi, đứng lúc.
Vào đầu mùa, cá thường ăn mồi khi nước lớn. Giữa mùa, cá ăn lúc chạng vạng, lúc trăng sửa soạn mọc. Hừng sáng, chừng đâm mây ngang, cá trở lại ăn một lần chót.
Khó nhứt là chọn nơi để giăng câu. Cá sợ ngọn nước ngoài biển chảy tràn vào sông. Gặp nước mặn, cá hết nhớt ngoài da, con mắt xốn xang, nhưng nơi nước quá ngọt lại ít có cá vì cá chưa đi tới. Cá tập trung nơi lằn ranh nước lờ lợ và nước ngọt.
Tại lằn ranh đó, nên biết chọn từng điểm nhỏ. Rạch nào lắm ghe xuồng qua lại, cá ăn ở sát bờ. Rạch nào im lặng, cá lội ngay giữa dòng. Trước khi giăng cá trê, phải quậy cho nước đục. Mỗi chỗ cá chỉ ăn một lần. Vì nó đi lưu động, mình nên khéo dời chỗ...
Gió bấc thổi ròng rã, cá lần lần về sông Cái. Nếu bỗng nhiên trời trở nực, chuyển mưa, cá lui trở lại rừng và không ăn mồi. Những ngày ấy, đi giăng câu cũng hoài công.
Có người chất vấn: Đã mù sao còn giăng câu được?
ông đáp:
- Mù lòa là mắt không thấy, chớ nào phải vô tri vô giác? Con người có thể thấy bằng lỗ tai, bằng hai bàn tay, bằng mũi... Nghe hát máy, thiên hạ đâu dùng cặp mắt mà vẫn hiểu thấy được cảnh ly biệt, cảnh giặc giã... Trong vở tuồng! Ban đêm, nằm nhà đóng cửa lại, tắt đèn nhưng thiên hạ vẫn thấy hiển hiện cảnh ngoài trời: ếch nhái kêu, tàu chuối phất phơ, chó sủa ma hay sủa kẻ trộm. Người ta thường nói: xanh mát, đỏ hực. Mát, là màu xanh, màu đen. Nóng, là màu vàng, màu đỏ. Bần hàn, là nghèo lạnh. Vô nhà nào mà mình có cảm giác lạnh lẽo, đó là nhà nghèo. Gặp người bạn, rờ lên vai áo thấy rách, hcắc là người ấy đang suy sụp... nghèo rã bánh tộ Đi lâu, là đường dài. Đi mau là đường ngắn. Tôi thường bơi xuồng đến tiệm mua đồ một mình. Trong kinh nhỏ có bông súng của mái đầ, khó bơi. Tới ngã ba, khúc quẹo, là chỗ nghe tiếng con sáo, con cưỡng ăn trái trên cây gừa bên miễu ông Tà. Gần mương vàm, hơi xông nồng nực, hôi tanh vì nước ít lưu thông. Chưa tới tiệm, có cầu ván bắc ngang. Chân cầu lớn lắm, tôi thầy nhột nhột màng tang, vì sợ đụng. Người mù có thể vá quần áo. Lại còn nấu cơm, nghe tiếng củi nổ, nghe hơi nước nóng để biết cơm sôi, cơm khét... Tóm lại, thiếu cặp mắt vẫn còn sống được! Người ta có đủ cột kèo thì cất nhà lớn, đúng ni tấc. Mình đây đui mù, như thiếu cây cột cái, nhưng nếu khéo léo một chút cũng cất được mái nhà nhỏ che gió che mưa... hà huống là việc giăng câu! Giăng câu lúc ban đêm, cặp mắt không cần thiết. Người không mà, họ đốt lửa trước xuồng un muỗi cho vui mắt, ấm lòng, chớ nào phải soi đường đi. Đó là chưa nói tới loài cá! Nó ở dưới nước, núp trong cỏ, người có mắt cũng như tôi, làm sao thấy cá được. Phải dùng óc xét đoán để hiểu tánh ý của nó, nhờ đó mình mới giăng được nhiều cá, ngày càng vui thú với nghề nghiệp của mình.
o0o
Dân trong xóm thường gọi ông là ông Vân Tiên lại có biệt danh là “Sư tổ giăng câu”. Dường như tạo hóa đã dành cho ông một số phận: sinh trong thời pháp thuộc, chết trong thời Pháp thuộc. Nhưng chúng ta hãy tưởng tượng rằng ông còn đó, đêm đêm hiện ra ngồi trước mũi thuyền, trên sông nước, không phải để làm ma nhát những người yếu bóng vía nhưng để giải nỗi lòng đối với con cháu đời sau.
Đêm tạnh vắng. Trăng sao đều khuất trong sương mù.
Nước dưới kinh lạnh ngắt. Bếp un đỏ lên, xua đuổi đàn muỗi rừng. Khói bay lan tỏa, lẫn lộn vào mái tóc bạc, chòm râu bạc. Thỉnh thoảng, gà gáy lên eo óc.
Lền khên rong đuôi chồn,
Đặc nước, bông súng bông,
ô ro và ráng, sập,
Mọc đầy theo mé lung.
Mắm đen, chen dà diệp,
Che khuất mấy cánh đồng.
Nơi đây, nơi giáp giới,
Ba ngã, một đường lung.
Đôi mắt ông vẫn còn trập trừng. Miệng ông vẫn còn nói lên mắp máy, buồn buồn, chậm rãi.