Tình cảm tôi đối với người góa phụ trẻ cạnh nhà chỉ là những tình cảm tôn thờ. Ít nhất, đó là điều tôi kể với bạn bè và tự nhủ thầm với mình. Ngay Nabin, người bạn thân nhất của tôi, cũng không hay biết tí gì về tâm trạng thực của tôi. Và tôi cảm thấy phần nào tự hào là đã giữ được sự đắm say của mình trong sáng bằng cách giấu nó ở chỗ sâu kín nhất trong tim. Nàng như một bông hoa xêphali đẫm sương, vừa chớm nở đã bị gãy rụng xuống đất. Qúa tươi tắn và thiêng liêng đối với chiếc giường cưới trải hoa, chỗ của nàng là ở trên trời.

Nhưng sự đắm say giống như con suối trên núi, không chịu bị giam hãm ở nơi phát sinh mà phải tìm một lối thoát. Vì lẽ đó, tôi đã tìm cách thể hiện những cảm xúc của mình bằng những bài thơ, song ngòi bút miễn cưỡng của tôi không chịu viết ra những điều báng bổ đối với thần tượng của tôi.

Một chuyện kỳ lạ là đúng vào thời gian đó, anh bạn Nabin của tôi lại mắc bệnh sính làm thợ Nó đột ngột đến với anh như một trận động đất. Đây là cơn bệnh đầu tiên của anh chàng tội nghiệp, nên anh không chuẩn bị tí gì về cả vần lẫn điệu. Anh không cưỡng lại nổi vì đã bị nó mê hoặc khác nào một người đàn ông góa mê cô vợ kế. Vì vậy Nabin đến nhờ tôi giúp. Chủ đề các bài thơ của anh thật cũ, cũ lắm, cũ mà vẫn luôn luôn mới: tất cả các bài thơ của anh đều nói về người yêu. Tôi vỗ lưng anh, đùa hỏi: " Thế nào, anh bạn, nàng là ai?".

Nabin cười trả lời: " à điều đó thì mình chưa tìm ra"

Thú thực, tôi rất khoái được giúp bạn. Như con gà ấp trứng con vịt, tôi đem hết niềm say đắm nồng nàn bị kìm hãm của mình trút sang những lời thổ lộ của Nabin. Tôi thêm thắt và nhuận sắc cho các văn phẩm thô kệch của anh nhiều đến nỗi phần của tôi chiếm gần hết các bài thơ đó.

Nabin thường ngạc nhiên thốt lên:

- Đúng là điều mình muốn nói mà không diễn đạt nổi. Không hiểu làm thế nào mà cậu nắm bắt được những tình cảm tinh tế này?

Với giọng nhà thơ, tôi đáp:

- Chúng sinh ra từ trí tưởng tượng của mình. Như cậu biết, sự thật thì lặng lẽ chỉ có trí tưởng tượng mới hùng hồn. Thực tế đè nén dòng tình cảm như một tảng đá, còn trí tưởng tượng tự mở ra cho nó một con đường.

Và anh chàng Nabin tội nghiệp ấp úng: " Đúng thế, đúng thế, mình hiểu" , rồi nghĩ ngợi một lát, lại lẩm bẩm: " Đúng thế, đúng thế, cậu nói đúng!".

Như tôi đã nói, ở mối tình của tôi có một cái gì cung kính, tế nhị khiến tôi không dám diễn đạt nó thành lời. Nhưng, lấy Nabin làm cái màn che, không còn gì cản trở ngòi bút thao thao bất tuyệt của tôi nữa và những tình cảm thực sự nồng nàn, trào ra thành những bài thơ viết hộ người khác.

Những lúc minh mẫn, Nabin bảo: - Nhưng đây là những bài thơ của cậu đấy chứ! Để mình đăng nó dưới tên cậu.

- Bậy nào - tôi trả lời - bạn thân mến, những bài thơ này là của cậu đấy. Mình chỉ chấm sửa đôi chút chỗ này chỗ kia thôi.

Dần dần Nabin tin là như vậy.

Tôi không chối cãi là với tâm trạng của nhà thiên văn khi quan sát bầu trời cao, thỉnh thoảng tôi có hướng con mắt về phía cửa sổ nhà bên cạnh. Và cũng đúng là thỉnh thoảng những cái nhìn vụng trộm của tôi đã chộp được một hình ảnh thoáng quạ Nhưng chỉ cần thoáng qua trong giây lát hình ảnh cao quý của nguồn khích lệ ấy, ngay tức khắc tất cả những gì xáo động và vẩn đục trong tình cảm tôi trở thành êm ả thanh khiết.

Song một hôm tôi giật mình sửng sốt. Liệu tôi có thể tin được ở mắt mình không? Hôm đó là một buổi chiều hè nóng nực, khi trời có vẻ sắp bão, mây kéo đen kịt một góc trời phía tây bắc. Giữa khung cảnh ngập trong một thứ ánh sáng kỳ lạ và đáng sợ ấy, cô láng giềng xinh đẹp của tôi đang ngước mắt nhìn lên khoảng không gian trống rỗng. Và tôi phát hiện ra trong ánh mắt xa xăm của đôi mắt đen láy ấy có một niềm khao khát vô vọng! Phải chăng, may ra, vẫn còn một quả núi lửa sôi động nào đó trong mặt trăng êm ả rực rỡ kia của tôi? Hỡi ơi, cái ánh mắt khát khao không bến bờ kia, nó đang tung bay qua các đám mây như một con chim hăm hở, chắc chắn muốn tìm, không phải thiên đường, mà là tổ ấm trong một trái tim người.

Nhìn thấy khát vọng khôn tả của ánh mắt ấy, tôi khó kiềm chế được lòng mình. Tôi không còn bằng lòng với việc sửa những bài thơ thô thiển nữa. Toàn bộ con người tôi ao ước được giải bày bằng một hành động cao quý. Sau cùng, tôi nghĩ sẽ dốc hết tâm trí làm cho việc tái giá của các góa phụ được hoan nghênh và trở thành phổ biến ở nước mình. Tôi sẵn sàng không những diễn thuyết và viết báo về vấn đề này mà còn bỏ tiền của ra cho sự nghiệp ấy.

Nabin bắt đầu tranh cãi với tôi: ở góa suốt đời có một ý nghĩa thanh khiết và êm đềm dịu dàng vô hạn, một vẻ đẹp thanh bình như ở những nơi yên ngủ của những người đã khuất, lung linh dưới ánh trăng bàng bạc của ngày mười một kiêng khem (*). Riêng cái khả năng tái hôn chẳng làm tiêu tan cái vẻ đẹp thần tiên của nó sao?

Bây giờ kiểu nghĩ ủy mị ấy làm cho tôi tức giận liền. Thời buổi đói kém nếu có kẻ nào no thừa nói đến đồ ăn thức uống với một vẻ khinh khỉnh và khuyên nhủ người sắp chết đói hãy làm nguôi cơn đói bằng hương thơm và tiếng chim hót, thì ta nghĩ về hắn thế nào? Tôi bực bội nói:

- Này Nabin, đối với người nghệ sĩ, cảnh hoang tàn có thể là đẹp đấy, nhưng người ta xây nhà không phải chỉ để cho các nghệ sĩ ngắm mà là để ở. Vì vậy phải tu sửa những ngôi nhà ấy cho tốt, cho dù vì thế mà các nghệ sĩ hậm hực. Đối với cậu, đứng xa mà lý tưởng hóa cuộc sống góa bụa thì rất dễ, nhưng cậu phải nhớ rằng, trong cảnh sống góa bụa kia có một trái tim nhạy cảm, đập dồn vì đau khổ và khao khát.

Ban đầu, tôi tưởng làm thay đổi được cách nghĩ của Nabin chắc khó, vì vậy có lẽ tôi đã nói hăng hơn mức cần thiết, nhưng sau bài diễn văn ngắn ngủi tôi có phần ngạc nhiên khi thấy Nabin buông một tiếng thở dài trầm ngâm rồi hoàn toàn nhất trí. Phần kết bài diễn văn có sức thuyết phục hơn mà tôi định nói tiếp hóa ra không cần thiết nữa.

Khoảng một tuần sau, Nabin đến gặp tôi, bảo rằng, nếu được tôi giúp thì anh sẵn sàng mở đầu bằng cách chính anh sẽ lấy một góa phụ làm vợ.

Tôi mừng quá, vồn vập ôm hôn anh, hứa là anh cần cho việc ấy bao nhiêu tiền, tôi sẽ giúp hết. Sau đó, Nabin kể với tôi câu chuyện của anh.

Tôi được biết, người mà Nabin đem lòng thương mến không phải là một con người tưởng tượng. Té ra cả Nabin nữa trước đây cũng đã có thời say mê một góa phụ từ xa nhưng không thổ lộ với ai tình cảm của mình. Sau đấy, tờ báo thường đăng những bài thơ của Nabin, hay nói đúng hơn là những bài thơ của tôi, đã tới tay người đẹp. Và những bài thơ ấy không phải không có tác dụng.

Như Nabin cẩn thận giải thích, không phải anh đã chủ tâm tiến hành chuyện yêu đương theo cách ấy. Thực ra, - anh nói, - anh hoàn toàn không biết là người góa phụ kia đọc được chữ. Nabin thường gửi qua bưu điện tờ báo đăng thơ của anh đến anh trai người góa phụ mà không đề tên người gửi. Đó chỉ là một trò ngông cuồng, một sự nhân nhượng đối với mối tình say mê tuyệt vọng của anh. Đó chỉ là những bông hoa cúng đặt trên bàn thờ, Trời Phật có biết hay không, có nhận đồ tế hay không, chuyện ấy không phải là việc của người đi lễ.

Và Nabin đặc biệt muốn tôi hiểu rằng, khi anh dựa vào cớ này cớ khác tìm cách làm quen với anh trai người góa phụ, anh không có ý định dứt khoát. Ta thường đặc biệt chú ý đến cả những ai gần gũi với người ta yêu.

Tiếp theo là một câu chuyện dài kể lại hai người đã làm quen với nhau như thế nào khi người anh trai kia ốm. Sự có mặt của chính nhà thơ cố nhiên mở ra nhiều dịp bàn luận về các bài thơ, và những buổi bàn luận ấy không nhất thiết bó hẹp ở chủ đề đã làm nẩy sinh ra việc bàn luận.

Sau lần thua tôi trong cuộc tranh luận mới đây, Nabin đánh bạo cầu hôn người góa phụ. Ban đầu, anh không được nàng ưng thuận, nhưng khi anh triệt để sử dụng những lý lẽ hùng hồn của tôi, cộng thêm một hai giọt nước mắt của anh, thì người đẹp đã đầu hàng không điều kiện. Bây giờ, người giám hộ nàng cần một ít tiền để thu xếp công việc.

- Đây, cậu cầm lấy - tôi nói.

- Nhưng, cậu biết đấy, - Nabin nói tiếp - phải mất mấy tháng nữa cha mình mới đủ nguôi giận để tiếp tục trợ cấp cho mình. Trong thời gian ấy, chúng mình biết lấy gì mà sống?

Tôi lẳng lặng viết cho anh bạn tờ ngân phiếu đủ số tiền cần thiết, rồi bảo:

- Nào bây giờ cậu nói cho mình biết nàng là ai đi. Cậu chớ coi mình có thể là tình địch của cậu, vì mình xin thề là sẽ không làm thơ tặng nàng, và dù cho có làm thì cũng không gửi cho anh trai nàng, mà cho cậu!

- Sao cậu lại nói thế, - Nabin nói - Mình giấu tên nàng không phải vì sợ cậu trở thành tình địch! Thực tế là nàng bị xáo động rất mạnh khi quyết định bước đi bất thường này, và yêu cầu mình chớ kể việc này với bạn bè. Nhưng nay không cần thiết nữa, vì mọi chuyện đã được thu xếp xong xuôi. Nàng ở số mười chín, ngay cạnh nhà cậu đó thôi.

Nếu tim tôi là một cái nồi hơi bằng sắt thì có lẽ nó đã nổ tung rồi. Tôi chỉ hỏi:

- Vậy nàng không phản đối gì chuyện tái hôn à?

- Hiện nay thì không, - Nabin trả lời với một nụ cười.

- Có phải chỉ riêng những bài thơ đã gây ra sự thay đổi thần kỳ này không?

- Đúng thế, cậu biết đấy, các bài thơ của mình cũng không đến nỗi tồi, có phải không? - Nabin nói.

Tôi nguyền rủa thầm trong bụng.

Nhưng tôi nguyền rủa ai mới được cơ chứ? Rủa Nabin à? Hay rủa chính tôi? Rủa Trời à? Tôi rủa tất cả.

(Rút trong tập " Mây và mặt trời" , NXB Văn học 1986)

(*) ở Ấn Độ, ngày thứ 11 của tuần trăng được coi là ngày nhịn ăn và ăn năn hối lỗi.

---Ôi thôi đời ta phung phí trong cơn buồn phiền

Ta xin tháng ngày rồi bình yên... ---

sađriver

Nhà tài trơ.

Vietnam

78 Bài viết

Được đăng vào ngày: 02/03/2003 : 01:56:57

--------------------------------------------------------------------------------

Ngày Xưa Có Một Ông Vua

Rabindranath Tagore

Nhị Tường dịch

" Ngày xửa ngày xưa có một ông vua"

Khi chúng ta còn thơ ấu, không cần phải biết ông vua trong câu chuyện thần tiên đó là ai. Cũng không cần phải biết vị vua tên gọi là Shiladitya hay Shaliban, ông ta sống ở Kashi hay Kanauj. Cái điều làm cho trái tim của một cậu bé lên bảy đập rộn rã, rộn rã với niềm hân hoan, là một chân lý tối thượng, một sự thật trong tất cả những sự thật: " Ngày xưa có một ông vua".

Nhưng độc giả thời hiện đại này thì ngày càng đòi hỏi sự chính xác. Khi họ nghe một lời dẫn nhập câu chuyện như vậy, ngay lập tức họ có ý dè bĩu và nghi ngờ. Họ dùng ngọn đèn pha của khoa học soi vào truyền thuyết mờ ảo ấy và hỏi ngay: " Vị vua nào?"

Những người dẫn chuyện đành phải trở nên chi li hơn. Họ không còn hài lòng với kiểu mập mờ cũ " Có một ông vua" nữa, mà làm ra vẻ sâu sắc nghiêm trọng và bắt đầu: Có một ông vua tên là Ajatasatru"

Tuy nhiên tính tò mò của độc giả không dễ gì được thỏa mãn. Anh ta nháy mắt với tác giả sau cặp mắt kiếng khoa học và hỏi lại lần nữa: " Ajatasatru nào?"

" Mọi cậu bé đều biết" , tác giả tiếp tục, " rằng có nhiều Ajatasatrụ Người đầu tiên sinh ra vào thế kỷ 20 trước công nguyên, và chết yểu ở khi mới được hai năm tám tháng tuổi. Tôi rất tiếc rằng không thể tìm thấy từ bất kỳ một nguồn gốc xác đáng nào một hồ sơ chi tiết về vương triều của vị này. Ajatasatrus thứ hai được các sử gia biết khá rõ. Nếu bạn tham khảo Bách khoa Thư về Lịch sử bản mới…"

Vào lúc này những mối nghi ngờ của độc giả thời hiện đại đã tan biến. Anh ta cảm thấy có thể an tâm tin tưởng vào tác giả. Anh tự nói với mình: " Giờ đây chúng ta sẽ có một câu chuyện mang cả hai tính cách tân và tư liệu"

A! Tất cả chúng ta đều thích bị lừa dối làm sao. Chúng ta có một nỗi sợ hãi bí mật đó là bị cho là ngu dốt. Và rốt cuộc chúng ta kết thúc nỗi sợ hãi đó cũng bằng sự vô minh, chỉ có điều là chúng ta đã thực hiện điều này theo một con đường dài và lòng vòng.

Có một ngạn ngữ Anh: " Đừng hỏi tôi điều gì, tôi sẽ không nói dối bạn" . Đứa trẻ lên bảy đang lắng nghe câu chuyện thần tiên tuyệt đối chăm chú; cậu bé nén những câu hỏi của mình lại trong khi câu chuyện đang được kể. Vì vậy những sự lừa dối nguyên sơ và vén khéo vẫn còn trần trụi và ngây thơ như một đứa bé; minh bạch như chân lý, trong sáng như những bóng bọt. Nhưng những lời dối trá nặng nề và thông thái của những con người hiện đại chúng ta đã khoác lên sự thật những rèm che trướng phủ. Và nếu có khám phá ở bất kỳ nơi nào một lổ thủng nhỏ bé nhất của sự lừa dối, độc giả sẽ quay ngoắt đi với một thái độ phẫn nộ kiểu cách, còn tác giả sẽ bị mất uy tín.

Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta cảm nhận được tất cả những điều thuần khiết; và chúng ta có thể khám phá những tinh túy này trong một câu chuyện thần tiên bằng một thứ khoa học chính xác của riêng chúng tạ Chúng ta chẳng bao giờ quan tâm đến những điều vô dụng của kiến thức như vậy. Chúng ta chỉ quan tâm đến lẽ phải. Và những trái tim non nớt của chúng ta biết rõ Cung Điện Chân Lý bằng Pha Lê nằm ở đâu và đi đến đó bằng cách nào. Nhưng ngày nay chúng ta chờ đợi những trang giấy với những thông tin thực tế, trong khi chân lý chỉ đơn giản là thế này:

" Có một ông vua"

Tôi nhớ rất rõ cái buổi chiều ở Calcutta khi câu chuyện thần tiên ấy bắt đầu. Mưa bão không ngớt. Toàn bộ thành phố bị ngập lụt. Trong đường hẽm nước ngập đến đầu gối. Tôi tràn trề hy vọng, gần như tin chắc rằng gia sư của tôi sẽ không đến được chiều hôm đó. Tôi ngồi trên chiếc ghế trong một góc của hàng hiên và nhìn xuống con đường, với trái tim càng lúc càng rộn ràng. Từng phút chăm chú nhìn ra mưa, và khi mưa bắt đầu dịu hơn tôi cầu nguyện bằng tất cả sức lực: Lạy trời, hãy mưa nữa cho qua bảy giờ rưỡi" . Bởi vì tôi sẵn lòng tin rằng mưa chẳng cần thiết cho điều gì khác ngoài việc bảo vệ một đứa bé yếu đuối trong một góc ở Calcutta thoát khỏi những khắc nghiệt cực kỳ của vị gia sư , một buổi tối. Nếu không vì để đáp lại lời nguyện cầu của tôi, dù sao đi nữa thì cũng thuận theo những luật lệ của thiên nhiên, mưa vẫn không ngừng.

Nhưng, lạy thánh A La! Không phải gia sư của tôi đó chứ.

Chính xác đến từng phút, tại góc cua của con hẽm, tôi thấy cái dù của ông đang đến gần. Cái bong bóng vĩ đại của niềm hy vọng vỡ tan trong lòng tôi, trái tim tôi tan nát. Đích thực, nếu có sự trừng phạt tội lỗi sau khi chết, thì gia sư của tôi sẽ tái sinh thành tôi và tôi sẽ tái sinh thành gia sư của tôi.

Ngay khi tôi thấy chiếc dù của ông, tôi chạy ào vào phòng mẹ tôi. Mẹ và bà ngoại đang ngồi đối diện nhau đánh bài dưới ánh sáng một ngọn đèn. Tôi chạy vào phòng ném mình lên giường bên cạnh mẹ tôi và nói:

" Mẹ Ơi, gia sư đến, mà con nhức đầu quá; Con không thể nghỉ học ngày hôm nay sao mẹ?"

Tôi hy vọng không một đứa trẻ nào ở tuổi non nớt được phép đọc câu chuyện này, và tôi thành tâm mong muốn câu chuyện này không được sử dụng trong sách giáo khoa hoặc sách vỡ lòng trong các trường học. Bởi vì điều tôi đã làm thật là quá tồi tệ, và dù vậy tôi cũng không nhận một sự trừng phạt nào. Ngược lại, cái tính tai quái của tôi lại được tưởng thưởng một cách xứng đáng.

Mẹ nói với tôi: " Được rồi" , và quay sang người hầu và nói: " Hãy bảo với gia sư là có thể về nhà".

Thật vô cùng dễ hiểu rằng mẹ không hề nghĩ tôi ốm nghiêm trọng khi mẹ tiếp tục chơi bài như trước và không chú ý gì thêm. Và tôi cũng vùi đầu vào trong gối, cưỡi với trái tim mãn nguyện. Mẹ tôi và tôi hiểu nhau rất rõ.

Nhưng ai cũng biết thật khó làm sao khi một đứa trẻ bảy tuổi phải giả vờ ốm trong một thời gian dài. Khoảng sau một phút, tôi túm lấy bà và nói: " Bà ơi, kể cháu nghe một câu chuyện đi".

Tôi phải yêu cầu nhiều lần. Bà và mẹ cứ tiếp tục chơi bài và không để ý gì. Cuối cùng Mẹ nói với tôi: " Nhóc con, đừng quấy rầy. Đợi đến khi chơi xong đã" . Nhưng tôi cứ nài nỉ: " Bà ơi, kể cho cháu nghe một câu chuyện đi" . Tôi bảo mẹ có thể chơi tiếp vào ngày mai, nhưng mẹ phải để bà kể tôi nghe một câu chuyện ngay lúc ấy.

Cuối cùng mẹ ném những quân bài xuống và nói: " Tốt hơn là mẹ nên chiều theo ý nó. Con không thể nào quản được nó" . Có lẽ trong đầu mẹ lúc đó là mẹ sẽ không phải kèm cặp mệt nhọc vào ngày mai, còn tôi buộc sẽ phải trở về với những bài học ngốc nghếch kia.

Ngay khi mẹ đồng ý, tôi chạy ngay đến bà. Tôi nắm lấy tay bà, hân hoan nhảy múa, kéo bà vào trong mùng. Tôi vồ lấy chiếc gối trong sự cuồng nhiệt, nhảy lên nhảy xuống trong thích thú, rồi tôi trầm tĩnh hơn một chút và nói: " Kể đi bà, kể một câu chuyện đi bà!"

Bà tiếp tục: " Và nhà vua có một hoàng hậu" . Thật là hay khi bắt đầu như thế. Vị vua chỉ có duy nhất một hoàng hậu.

Thường thường thì những vị vua trong các chuyện thần tiên có rất nhiều hoàng hậu. Và bất cứ khi nào chúng ta nghe nói đến có hai người vợ là trái tim ta đã bắt đầu trĩu xuống. Chắc chắn sẽ có một người gặp bất hạnh. Nhưng trong câu chuyện của bà thì mối nguy hiểm đó đã quạ Nhà vua chỉ có một hoàng hậu. Tiếp theo đó chúng ta nghe rằng nhà vua không có con trai. Lúc bảy tuổi, tôi đã không nghĩ rằng có điều gì phiền hà đối với một người đàn ông không có con trai. Vị vua chỉ có một trở ngại duy nhất đó.

Chúng ta không hăm hở lắm khi nghe rằng nhà vua đã ra đi vào rừng để hành xác mong cầu một đứa con trai. Duy chỉ có một điều có thể làm cho tôi phải đi vào rừng sâu đó là trốn chạy khỏi vị gia sư!

Nhưng nhà vua đã để lại hoàng hậu và đứa con gái nhỏ, một người sau đó sẽ lớn lên thành một công chúa xinh đẹp.

Mười hai năm trôi qua, nhà vua vẫn tiếp tục sống đời khổ hạnh, và không bao giờ nghĩ gì về đứa con gái xinh đẹp của mình. Công chúa đã đến lứa tuổi thanh xuân rực rỡ của nàng. Còn hoàng hậu thì héo hon trong nỗi buồn và than khóc: " Con gái ngọc ngà của ta sẽ phải chết già mà không ai đến rước ư? Ôi chao, số phận của ta mới hẩm hiu làm sao"

Thế rồi hoàng hậu gởi một thơ đồng đến gặp nhà vua, khẩn khoản hãy ngài trở về một đêm và dùng một bữa tiệc trong cung điện. Và nhà vua đồng ý. Hoàng hậu đích thân nấu các món ăn vô cùng kỹ lưỡng, sáu mươi tư món ăn; đặt nơi ngự tọa bằng gỗ đàn hương; đồ ăn thức uống được bày trong những đĩa vàng, ly bạc. Công chúa đứng ở phía sau với chiếc quạt lông công trên taỵ Nhà vua, sau mười hai năm vắng mặt, giờ đây đã về nhà, và công chúa phe phẩy chiếc quạt, sáng ngời cả căn phòng với vẻ đẹp rực rỡ của nàng. Nhà vua cứ nhìn mãi khuôn mặt công chúa và quên cả dùng bữa.

Cuối cùng ngài hỏi hoàng hậu: " Này, cô gái mỹ miều như pho tượng nữ thần bằng vàng là ai vậy? Cô gái ấy là con của ai thế?"

Hoàng hậu dập đầu khóc: " Than ôi, số kiếp tôi mới bất hạnh làm sao! Bệ hạ không biết con gái của chính mình hay sao?"

Nhà vua giật mình sửng sốt. Cuối cùng ngài nói: " Con gái nhỏ xíu của ta giờ đã trở thành một thiếu nữ rồi đó ư"

" Chứ còn gì nữa" Hoàng hậu đáp với một tiếng thở dài. " Bệ hạ không nhớ rằng mười hai năm đã trôi qua rồi sao?"

" Nhưng sao nàng không tính chuyện trăm năm cho nó?" Nhà vua hỏi.

" Bệ hạ đi xa, " Hoàng hậu đáo. " Làm sao thiếp có thể tìm thấy một người chồng phù hợp cho nó".

Nhà vua bỗng trở nên vô cùng phấn khích. Ngài nói: " Người đàn ông đầu tiên ta gặp ngày mai khi ta rời khỏi cung điện sẽ được cưới công chúa".

Công chúa vẫn tiếp tục phe phẩy chiếc quạt lông công, và nhà vua cũng dùng xong bữa ngự thiện.

Sáng hôm sau, khi nhà vua ra khỏi cung điện, ngài thấy con trai của một người Bà la môn đang nhặt cành khô trong khu rừng phía ngoài cổng của hoàng cung. Cậu bé vào khoảng 7, 8 tuổi.

Nhà vua nói: " Ta sẽ gã con gái của ta cho cậu bé"

Nào ai dám trái lệnh đức vuả Ngay tức khắc cậu bé được gọi đến và cậu cùng công chúa quàng cho nhau những vòng hoa cưới.

Đến đoạn này, tôi tiến gần bà hơn và hỏi một cách nôn nóng: " Rồi sao nữa bà?"

Từ đáy trái tim tôi có một nỗi khao khát vô cùng chính tôi được thay thế cho cậu bé nhặt củi bảy tuổi tốt phước kia. Trời đêm vang tiếng mưa rơi lộp độp. Chiếc đèn ngủ bằng đất bên cạnh giường tôi đã lụi dần. Giọng kể của bà vẫn đều đều tiếp nối câu chuyện. Tất cả những điều đó đã hình thành trong một góc trái tim cả tin của tôi một niềm tin rằng tôi đã từng nhặt củi trong một sớm bình minh tại một vương quốc xa xôi của một vì vua vô danh nào đó, và trong thoáng chốc đã từng cùng với một nàng công chúa xinh như Nữ Thần Sắc đẹp trao nhau vòng hoa cưới. Nàng có dải băng vàng trên tóc và đôi hoa tai bằng vàng trên tai. Nàng có sợi dây chuyền vàng cùng những vòng xuyến bằng vàng, một sợi dây lưng bằng vàng thắt ngang eo và đôi kiềng vàng kêu leng keng trên đôi chân nàng.

Nếu bà là tác giả của câu chuyện thì chắc bà phải đưa ra không biết bao nhiêu là lời giải thích cho câu chuyện nhỏ bé này! Trước tiên, người ta sẽ hỏi tại sao nhà vua phải ở lại trong rừng mười hai năm? Thứ hai, tại sao con gái của nhà vua vẫn còn chưa nên gia thất trong suốt thời gian đó? Điều này sẽ được xem như là ngớ ngẩn. Thậm chí công chúa cũng không một lời phàn nàn bất tuân, mà lẽ ra phải khóc lóc than van về chính cuộc hôn nhân này. Thứ nhất, điều đó không bao giờ xảy ra. Thứ hai, làm sao có một cuộc hôn nhân giữa công chúa con của một chiến binh và con trai của tu sĩ Bà la môn? Độc giả của bà sẽ ngay lập tức tưởng tượng rằng tác giả đang bí mật tuyên giáo chống lại những tập tục xã hội. Và ắt là họ sẽ ghi chép.

Vì vậy tôi cầu nguyện bằng cả trái tim rằng bà của tôi sẽ được tái sinh là người bà lần nữa, và không phải chịu số phận khổ sở như cháu trai bất hạnh của bà. Vì vậy rộn rã niềm vui và khoan khoái, tôi hỏi bà: " Rồi sao nữa bà?"

Bà tiếp tục: Thế rồi trong một nỗi khổ sở khôn cùng công chúa đem người chồng bé nhỏ của mình ra đi, xây một lâu đài thất cung nguy nga, rồi bắt đầu nuôi dưỡng người chồng hết sức chu đáo.

Tôi nhảy choi choi trên giường ghì lấy chiếc gối chặt hơn bao giờ hết và hỏi: " Rồi sao nữa bà?"

Bà tiếp tục: Cậu bé đến trường, học nhiều bài học từ những người thầy của mình. Khi chàng lớn lên những người bạn cùng lớp bắt đầu hỏi: " Qúy nương xinh đẹp sống cùng với bạn trong lâu đài thất cung là ai vậy?" Con trai người Bà la môn cũng nôn nóng muốn biết nàng là ai. Chàng chỉ có thể nhớ một ngày kia chàng từng nhặt củi và một biến cố lớn lao xảy ra. Nhưng tất cả đã quá lâu, ký ức đã bị xoá mờ.

Bốn hoặc năm năm cứ thế trôi đi. Những người bạn vẫn luôn hỏi chàng: " quý nương xinh đẹp sống cùng với bạn trong lâu đài thất cung là ai" . Và con trai người Bà la môn từ trường trở về nhà buồn bã nói với công chúa: " Những bạn học của ta cứ hỏi quý nương xinh đẹp sống trong lâu đài này là ai mà ta không thể trả lời họ. Hãy nói cho ta biết, hãy nói đi, người là ai!" Công chúa đáp: " Hôm nay hãy cho qua chuyện đó. Ta sẽ kể cho người vào lúc khác" . Cứ như thế bốn , năm năm nữa lại trôi qua.

Cuối cùng con trai người Ba la môn mất hết kiên nhẫn, đã nói: " Nếu hôm nay người không nói cho ta biết người là ai, thưa công nương xinh đẹp, ta sẽ rời khỏi lâu đài này" . Thế là công chúa nói: " Ta hứa chắc sẽ nói cho người vào ngày mai" . Ngày hôm sau, ngay khi đi học về con trai người Bà la môn liền nói: " Nào, hãy kể cho ta biết nàng là ai." Công chúa nói: " Đêm nay ta sẽ nói cho chàng biết sau bữa ăn tối, khi chàng đi ngủ".

Con trai người Bà la môn đáp: " Tuyệt lắm" ; và chàng bắt đầu đếm từng giờ trong sự đợi chờ đêm đến. Về phía công chúa, nàng trải những bông hoa trắng trên chiếc giường bằng vàng, thắp sáng chiếc đèn ngủ bằng vàng với dầu thơm, trang điểm mái tóc, mặc cho mình một chiếc váy màu xanh da trời, và bắt đầu tính từng giờ trông đợi đến đêm.

Buổi tối hôm đó khi chồng nàng_ con trai người Bà la môn đã dùng bữa xong, quá nôn nóng đến nỗi không thể ăn được, và chàng đã đến bên chiếc giường bằng vàng trong căn phòng ngủ rắc đầy hoa, chàng nói với chính mình: " Đêm nay, ta sẽ biết chắc chắn công nương xinh đẹp trong lâu đài thất cung này là ai ".

Công chúa đã dùng hết bữa ăn mà chồng nàng để lại, rồi chậm rãi bước vào phòng ngủ. Trong đêm nay nàng phải trả lời câu hỏi, quý nương xinh đẹp sống trong lâu đài thất cung này là ai. Và khi nàng lên giường để kể với chàng thì nàng thấy một con rắn đã bò ra khỏi những đóa hoa và cắn con trai người Bà la môn. Cậu bé- chồng nàng đang nằm trên chiếc giường đầy hoa với khuôn mặt xám ngoét đã chết.

Tim tôi đập liên hồi, tôi hỏi với giọng tắt nghẹn: " Rồi sao nữa?" Bà nói: " Thế rồi…"

Thế nhưng, phỏng có lợi ích gì khi tiếp tục câu chuyện này? Nó chỉ dẫn đến những điều càng lúc càng viển vông. Cậu bé bảy tuổi không biết điều đó, nếu có một điều gì " rồi sao nữa" sau cái chết, thì không một người bà nào có thể kể cho chúng ta biết được.

Nhưng niềm tin của một đứa trẻ không bao giờ biết đến sự thất bại, và niềm tin đó sẽ túm lấy áo của người chết và đem chàng trở về. Thật tổn thương cho cậu bé khi phải nghĩ rằng một câu chuyện trong buổi chiều vắng bóng gia sư bỗng dưng lại kết thúc như vậy. Vì vậy bà ngoại lại phải tái hồi câu chuyện từ đoạn căn phòng ngủ đã đóng cửa vĩnh viễn bởi cái Kết thúc tuyệt đẹp; nhưng bà đã làm việc đó thật đơn giản: chỉ đơn thuần là cho thi thể trôi bồng bềnh nơi một bè chuối trên dòng sông, và thêm vài câu thần chú được đọc lên bởi một thầy phù thủy. Nhưng trong cái đêm mưa tầm tã và trong ánh đèn leo lét, cái chết đã mất đi sự kinh hoàng trong trí óc của cậu bé, và dường như không có gì hơn ngoài một giấc ngủ sâu của một đêm thành tín. Khi câu chuyện kết thúc thì mi mắt cũng nặng trĩu cơn buồn ngủ. Vì thế, đó là duyên do chúng ta để cho thân hình bé nhỏ trôi bềnh bồng trên lưng của giấc ngủ băng qua dòng nước tĩnh lặng của thời gian, để rồi vào lúc ban mai niệm một vài câu thần chú trao trả chàng lại thế giới của sự sống và ánh sáng.

Hết