Một nhà văn lớn tuổi và rất nổi tiếng đã khuyên tôi: Cậu hãy cố gắng viết một đề tài gì cho sâu sắc, cứ viết mãi truyện về tuổi mới lớn, cậu sẽ không thể trở thành nhà văn lớn được.

Tôi đã bóp trán suy nghĩ nhiều đêm và cuối cùng viết được truyện này. Tôi không biết nó có sâu sắc không nhưng đọc lại tôi thấy nó lạ lẫm với phong cách thường viết của mình. Tôi hơi buồn nhưng rồi tự an ủi: Đối với thần chết, ai mà chẳng lạ lẫm. Nếu đã thân quen với ông ta, bạn sẽ chẳng còn có cơ hội để viết nữa.

*

* *

Năm tôi 14 tuổi tôi bị bệnh thương hàn rất nặng. Ba tôi nói lần ấy cả nhà đều tưởng tôi sẽ không sống qua khỏi cơn bệnh. Tôi đã nằm liệt giường gần nửa tháng và thường mê man bất tỉnh khi cơn sốt lên đến 40 độ.

Một buổi sáng tự nhiên tôi thức dậy với đầu óc tỉnh táo khác thường và nhận ra ba tôi đã ngồi ở bên giường từ lúc nào. Ông hỏi tôi có đỡ mệt không? Tôi gật đầu và ông đỡ tôi ngồi dậy cho uống một viên thuốc màu trắng. Uống thuốc xong, tôi lại nằm xuống giường và đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ.

Ánh nắng nhấp nháy trên những tàn cây trong vườn khiến tôi chóa mắt một lúc rồi tôi nhìn thấy một người đàn ông đang đứng tựa tay trên thành cửa sổ. Người ông ốm và cao, bộ quần áo màu đen ông mặc bó sát, làm nổi bật khuôn mặt trắng nhợt. Vì tưởng ông ta là một bác sĩ được ba tôi mời đến khám bệnh nên tôi nhắm mắt nằm im chờ đợi. Tôi đã chán nhìn mặt các bác sĩ. Ông nào cũng mạnh khỏe tươi cười, nói những lời dịu ngọt trấn an làm tôi thêm bực mình cho sức khỏe yếu đuối của tôi.

Ba tôi nói gì đó, tôi không nghe được rõ ràng và mãi khi nghe tiếng đóng cửa lại, một lúc lâu vẫn không có ai đụng chạm đến mình, tôi mở mắt nhìn quanh. Căn phòng vắng lặng chẳng có bóng dáng ai, ngay cả người đàn ông cũng không còn đứng ngoài cửa sổ. Tôi nghĩ vậy ông ta là một người bạn của ba tôi đến thăm, chứ không phải là bác sĩ đến khám bệnh và giờ này chắc ông đang ngồi nói chuyện với ba tôi ở phòng khách. Tôi bình thản nhắm mắt lại.

- Cháu khỏe chứ?

Tôi giật mình nhận ra người đàn ông lúc nãy đang đứng cạnh giường. Tôi không hiểu ông ta vào phòng từ lúc nào mà tôi không nghe có tiếng cửa mở cũng như tiếng giày đi trên nền nhà lát gạch bông. Ông hơi cúi người nhìn tôi, đôi mắt ông sâu hoắm nằm giữa hai lưỡng quyền cao và cái trán rộng có nhiều nếp nhăn. Tôi ngửi thấy mùi hương thơm ngát từ người ông tỏa ra. Đây không phải là mùi nước hoa. Nó như là mùi hương của nhiều loại hoa tươi trộn lẫn với mùi trầm và tôi nhận ra rõ nhất là mùi thơn của hoa huệ, một loại hoa thường được má tôi mua về cúng vào những ngày rằm và mùng một.

Ngay đối với những người thân trong gia đình, tôi vẫn thường giấu những cơn đau không cho họ biết để khỏi phải lo lắng quá nhiều cho bệnh trạng của tôi. Nên khi nghe người đàn ông hỏi thăm, mặc dù đang mệt nhoài, tôi cũng gắng gượng trả lời:

- Cám ơn ông, cháu đã thấy đỡ nhiều.

Người đàn ông đặt tay lên trán tôi, bàn tay ông lạnh băng như được ngâm trong nước đá khiến tôi rùng mình. Ông ta nói bằng giọng khàn khàn như có cái gì đang vướng trong cổ.

- Cháu không khỏe lắm đâu, cơn bệnh chỉ tạm rút lui và chẳng bao lâu sẽ trở lại trầm trọng hơn.

Tôi hỏi:

- Ông là bác sĩ mà ba cháu mời đến?

Người đàn ông lắc đầu:

- Không. Tôi là người bạn thân của gia đình cháu.

- Cháu chưa thấy ông đến thăm ba má cháu lần nào?

- Tôi quen ba má cháu từ khi cháu chưa ra đời, vì quá bận việc nên tôi chưa có dịp đến thăm.

- Ông gặp ba cháu chưa? Ba cháu mới ở phòng này bước ra.

- Tôi chưa cần gặp ông ấy vội, tôi muốn đến thăm cháu trước. Cháu có muốn khỏi bệnh ngay bây giờ không?

- Ông đã nói ông không phải là bác sĩ mà.

- Tôi có cách chữa bệnh riêng của tôi. Đi theo tôi rồi cháu sẽ biết.

- Cháu đang bệnh mà, đi đâu được.

- Tôi sẽ dìu cháu đi. Không xa lắm đâu, ngay chỗ kia kìa. Đến đó cháu sẽ hết bệnh ngay.

Người đàn ông chỉ tay ra phía cửa sổ, tôi ngẩng đầu nhìn theo. Tôi chẳng còn nhận ra khu vườn hằng ngày của gia đình tôi. Khu vườn có những cây nhãn cành lá xum xuê tôi vẫn thường leo trèo bắn chim và hái trái vào mùa nhãn chín. Gần giếng nước uống có cây trúc đào trổ hoa bốn mùa và dọc theo bờ tường có những bụi hoa lài rậm rạp, ba tôi trồng để lấy hoa ướp trà uống thay bữa ăn điểm tâm trước khi đến sở làm. Ngoài cửa sổ bây giờ tôi chỉ thấy một lớp sương trắng mờ đục phủ kín mặt đất. Có những bóng người qua lại chậm rãi, vật vờ như những người di chuyển trong một đoạn phim quay chậm mà tôi đã được xem. Tôi không nghe có tiếng động nào dù đôi lúc có những chiếc xe lớn chạy ngang sát thành cửa sổ và những con chim sẻ đùa giỡn với nhau, bay vụt vào phòng rồi biến mất ngay.

Tôi quay lại hỏi người đàn ông:

- Sao cháu không thấy có nhà thương ở đó?

Người đàn ông mỉm cười:

- Nơi đó không cần nhà thương vì chẳng có ai đau ốm. Đến đó mọi người đều hết bệnh và sẽ khỏe mạnh mãi mãi.

- Nhưng nơi đó có vẻ buồn quá.

- Nơi đó không nhộn nhịp. Đấy là một nơi chốn thanh thản.

- Cháu không thích sống thanh thản, cháu chỉ thích cuộc sống nhộn nhịp.

Người đàn ông chép miệng:

- Tuổi trẻ ai cũng vậy, chỉ thích sự nhộn nhịp vô ích. Thôi chúng ta đã mất nhiều thì giờ rồi. Cháu hãy đi theo tôi.

- Cháu sẽ phải ở lại nơi đó bao lâu để chữa bệnh?

- Cháu không cần phải trở về đây nữa.

- Đâu được, cháu không muốn sống xa ba má và các em cháu.

- Đừng lo, chẳng bao lâu cháu sẽ gặp họ đầy đủ ở nơi đó.

- Còn bạn bè cháu?

- Không trước thì sau chúng cũng phải đến đó như cháu. Nào chúng ta đi.

Tự nhiên tôi nghĩ người đàn ông đây có thể là "mẹ mìn", chuyên đi dụ dỗ con nít bắt đem bán, nên tôi nắm chặt lấy thành giường và lắc đầu.

- Không. Cháu không thích đi với ông.

Người đàn ông có vẻ bực tức, gắt:

- Không đi cũng phải đi. Mất nhiều thì giờ rồi.

Ông đến nắm tay tôi, kéo tôi nhổm dậy khỏi giường. Tôi hốt hoảng la lên:

- Ba ơi! Ba ơi!

- La hét cũng vô ích. Chẳng ai giúp được đâu.

Bị người đàn ông lôi kéo, tôi trở nên bướng bỉnh, cứng đầu như những khi bị thầy giáo phạt oan hay bị bọn học trò lớp lớn ăn hiếp, tôi hung dữ chống cự lại. Hai chân tôi đạp liên hồi vào người ông và tôi cúi xuống cắn vào bàn tay ông đang nắm chặt tay tôi. Người đàn ông nắm tóc giật đầu tôi ra, tôi nổi điên chụp con dao bổ cam để trên bàn đâm mạnh vào bụng ông. Lưỡi dao đi nhẹ nhàng như đâm vào cái gối nhét đầy bông gòn. Tôi rút lưỡi dao ra định đâm tiếp nhưng người đàn ông đã buông tay tôi và loạng choạng lùi ra xa, hai tay ôm chặt bụng - chỗ vết thương, người đàn ông ngã khụy xuống nền nhà rồi lết đi về phía cửa sổ, trong khi đó tôi cũng mệt nhoài ngã xuống giường nằm thở không ra hơi. Người đàn ông cố bám vào thành cửa sổ đứng dậy, ông quay lại nhìn tôi với đôi mắt buồn bã và nói thều thào như người sắp chết:

- Cháu hiểu lầm tôi rồi. Cháu sẽ hối tiếc đã làm mất thì giờ một cách vô ích. Không phải lúc nào tôi cũng rảnh để ghé thăm cháu. Đành phải chờ đợi một dịp khác.

Người đàn ông trèo qua thành cửa sổ để trốn đi nhưng vì đuối sức, ông ngã nhào ra ngoài vườn. Bấy giờ cơn sợ hãi mới ùa đến và tôi kêu rú lên. Nghe có tiếng cửa mở, tôi vội dấu lưỡi dao đẫm máu dưới tấm mền bông. Ba tôi nhanh chân bước vào, ông lấy khăn lau mồ hôi trên trán tôi. Không ngăn được xúc động, tôi úp mặt xuống gối khóc. Giọng ba tôi hỏi nhỏ nhẹ:

- Con đau lắm à?

Tôi lắc đầu:

- Không. Con vừa mới giết người.

- Con đã nằm mơ thấy ác mộng?

- Không. Con giết người thật sự. Một người bạn của ba đến thăm và muốn bắt con đi.

- Ai đâu?

- Con đã đâm ông ấy chết ngoài cửa sổ.

Ba tôi đi đến cửa sổ nhìn ra ngoài rồi ông trở vào thở dài.

- Để ba cho con uống một viên thuốc an thần.

Tôi hét lên:

- Không. Con không nằm mơ. Đây bà xem lưỡi dao đẫm máu con vừa đâm ông ta.

Tôi rút lưỡi dao dưới tấm mền bông đưa cho ba tôi xem. Lưỡi dao sáng loáng không một vết bẩn. Ông cầm lấy nó đặt lên bàn.

- Con đừng chơi dao coi chừng đứt tay.

*

* *

Căn phòng đột nhiên tối om. Câu chuyện kể bị dừng ngang, những ngọn đèn néon sáng choang trên trần nhà vừa được tắt đồng loạt, báo hiệu đã đến giờ ngủ của các bệnh nhân. Thạnh quay sang nhìn người bạn nằm giường bên cạnh, điếu thuốc vẫn còn cháy đỏ lập lòe trên môi anh.

- Có lẽ anh không tin câu chuyện tôi vừa kể là thật phải không? - Thạnh nói tiếp - Chính tôi, tôi vẫn không tin là người khách lạ đó có thật và tôi đã quên ông ta ngay khi khỏi bệnh thương hàn. Mãi đến khi vào nằm ở đây tôi mới sực nhớ đến ông ta và tôi tin chắc rằng ông ta có thật. Tôi tin ông ta có thật còn hơn là Thượng Đế nữa. Anh có tin một người như thế có thật không?

- Chưa bao giờ tôi gặp người khách lạ như anh kể. - Bệnh nhân nằm giường bên cạnh nói - Những lần đau mê man, tôi thường gặp bà dì của tôi. Ba ta ôm một bó huệ trắng, vẫy tay ra dấu cho tôi đến gần và đưa tay cho tôi nắm. Nhưng cứ mỗi lần tay tôi sắp chạm tay bà, bà lại biến mất và tôi tỉnh dậy.

- Có thể lắm - Thạnh nói - Có thể bà dì của anh cũng giống người khách lạ của tôi. Họ chỉ đến với chúng ta khi sinh mạng của chúng ta bị nguy ngập.

- Không phải đâu - Người bạn nói tiếp - Bà dì của tôi có thật đàng hoàng, nhưng bà ấy đã chết vào năm 16 tuổi. Tôi chỉ biết mặt bà qua một tấm ảnh chụp để lại vì lúc bà mất tôi chưa ra đời. Nhưng không hiểu sao mỗi lần mê man ở bệnh viện này, tôi không còn mơ gặp bà ấy nữa. Bây giờ tôi chỉ mơ thấy con nhỏ sexy bán ở quán Thiên Thai. Còn anh có gặp lại người khách lạ đó không?

Thạnh nằm im không trả lời câu hỏi của người bạn. Chàng không muốn tiếp tục câu chuyện để khỏi làm mất giấc ngủ của những người nằm giường kế bên.

Năm nay, Thạnh đã 28 tuổi. Mười bốn năm trôi qua chưa lúc nào chàng được gặp lại người khách lạ. Chàng mới bị tai nạn xe tôi và phải đưa vào bệnh viện cấu cứu. Biết bao lần mê man khi tỉnh dậy, Thạnh đều thầm mong sẽ gặp lại người khách lạ ngày xưa đã đến thăm chàng. Thạnh tin ông ta đã không chết vì nhát dao chàng đâm và một ngày nào đó ông ta sẽ đến, dẫn chàng tới nơi mà một lần ông ta đã chỉ cho chàng thấy. "Một nơi chốn thanh thản" như lời ông ta nói. Nơi chốn mà ngày xưa chàng đã kháng cự để từ chối bước vào, nhưng nay chàng lại ước ao mãnh liệt được sống ở nơi đó. Nhưng trong suốt sáu tháng nằm ở bệnh viện này chờ đợi, Thạnh đã thất vọng chẳng thấy bóng dáng người khách lạ viếng thăm.

Rời bệnh viện, chân phải của Thạnh bị cưa đến đầu gối. Người ta lắp cho chàng một cái chân giả bằng plastic rất khéo. Nếu Thạnh đứng thẳng không chống nạng trong lúc chụp ảnh kiểu, chẳng ai nghĩ chàng chỉ còn một chân khi nhìn chàng trong tấm ảnh toàn thân đó.

Trái với dự đoán của người thân trong gia đình, ra khỏi bệnh viện Thạnh đã hăng say hoạt động và có vẻ yêu đời hơn trước. Trên khuôn mặt của ba chàng đã để lộ nét vui của một người hết lo âu cho con.

Chàng làm việc rất cần mẫn và ông giám đốc rất bằng lòng. Những người bạn cùng Công ty cũng mến chàng vì tánh vui vẻ và sẵn lòng giúp đỡ người khác của chàng. Thạnh còn ngỏ ý với ba là chàng muốn cưới vợ. Điều mà trước đó ông đã nài ép chàng nhiều lần, nhưng chàng đều từ chối.

Một cô gái làm việc cùng công ty không đẹp lắm vì có cái mũi hơi tẹt, nhưng nàng thật sự yêu chàng và muốn lập gia đình với chàng. Thạnh chấp nhận ngay tình yêu đó. Chàng không còn mộng tưởng cưới một cô nữ sinh có đôi mắt đen láy, học giỏi, con nhà giàu như xưa. Chàng cũng chẳng còn thắc mắc đến cái chân của chàng đã mất. Thạnh cũng quên luôn ước mong được gặp lại người khách lạ.

*

* *

Một buổi chiều trời quá nóng. Tan việc ra, Thạnh rủ người yêu cùng đi hóng mát ở một đồng cỏ ngay ngoại ô thành phố. Đồng cỏ này chàng thường cùng các bạn đến ngồi nhậu lai rai mỗi khi rảnh rỗi.

Thạnh và người yêu bước vào một quán lợp tranh đơn sơ có tên là Lều Mộng. Cả hai cùng ngã lưng trên một chiếc ghế dựa đôi đan bằng những sợi dây nilon trắng, xanh. Thạnh uống bia và gọi cho nàng chai cam vàng. Đồng cỏ xanh tươi với những ngọn gió mát làm Thạnh quên đi nhanh chóng những giờ làm việc mỏi mệt. Chàng châm thuốc hút và bàn với nàng về đám cưới mà họ định cử hành vào tháng tới.

- Đừng bày đặt nhiều quá anh ạ. - Nàng nói - Chúng ta hãy để dành tiền còn lo những chuyện khác.

- Anh muốn đám cưới của chúng ta giống như mọi người. - Chàng nói - Không thể thiếu xe hoa và tiệc mừng ở nhà hàng. Em cũng cần đặt may một áo cưới sang trọng.

- Không cần phải may. - Nàng nói - Thuê được rồi anh ạ. Em chỉ mặc nó một lần trong đời.

- Không phải một lần. - Chàng nói - Em phải may một áo riêng để mặc bất cứ lúc nào anh muốn em mặc. Ngay khi chúng ta đã già, anh vẫn muốn thấy em mặc chiếc áo đó.

- Tụi chúng cười chết. - Nàng nói với vẻ e thẹn.

- Ai cười? - Chàng gắt.

- Lũ con chúng ta. - Nàng khẽ đáp.

- Đứa nào cười - chàng giơ cái nạng bằng nhôm lên - anh phang cái này vào đầu nó ngay. Chúng phải biết cái áo đó không phải là trò đùa, chính nhờ cái áo đó mà chúng mới có dịp chào đời.

- Được rồi, em sẽ may một áo cưới! - Nàng khẽ đáp - Còn anh cũng nên may một bộ complet màu nâu mà anh thích.

- Đồng ý - Chàng nói - Anh còn muốn chụp thật nhiều ảnh màu ở tiệc cưới để sau này lũ con chúng ta mở album ra xem chúng sẽ lác mắt luôn. Chúng sẽ thấy đám cưới của cha mẹ chúng đã không thua kém ai, dù cha chúng thua người ta một chân.

Khi chàng nói đến cái chân đã mất, nàng nghĩ tốt hơn là im lặng để chàng quên nó đi. Chàng rất dễ nổi sùng khi có dịp nhắc nhở đến cái chân đã mất đó.

Có tiếng còi tàu vang lên từ xa. Thạnh ngó qua ngó lại muốn biết con tàu sẽ đến từ phía nào. Một khối đen từ từ hiện ra ở phía cái chân giả của chàng.

- Em ngồi đây. - Chàng nói - Anh muốn ra xem đoàn tàu. Lâu quá anh chưa nhìn thấy nó.

- Ngồi đây anh cũng nhìn thấy nó mà. - nàng nói.

- Anh muốn nhìn nó thật gần. - Chàng nói - Anh muốn nhìn thấy bánh xe nghiến trên đường sắt.

Thạnh đứng dậy, chiếc nạng nhôm vương chân ghế rơi xuống, người thiếu nữ hơi chồm tới định cúi lượm, nhưng nàng đã kìm giữ được, ngồi im. Nàng sợ chàng sẽ chửi thề ngay khi có ai giúp đỡ chàng trong việc đi lại. Thạnh cúi lượm chiếc nạng một cách khó khăn rồi chống đi thật nhanh.

Chàng bước qua cầu ván bắc ngang một con lạch nhỏ, bờ bên kia mọc đầy cỏ ống cao. Đi một đoạn nữa Thạnh mới nhìn thấy hai đường sắt đen bóng nằm lẫn trong cỏ. Chàng cúi lượm một cục đá bằng nắm tay, đặt lên đường tàu. Chàng muốn thấy cục đá bị nghiền nát kêu rạo rạo, như những ngày còn nhỏ chàng và bạn bè vẫn thường đặt đá lên đường tàu chạy, để thi xem cục đá của ai cứng hơn. Còi tàu hú lên, tài chạy sầm sập đến gần. Đầu máy xe lửa này chạy bằng dầu diesel nên chàng không còn thấy hơi khói bốc lên trắng xóa như những đám mây nhỏ. Cục đá bị nghiền nát ngay khi bánh xe đầu tiên lăn qua. Chàng lẩm bẩm:

- Đồ gì yếu xìu, chịu không nổi một bánh xe.

Đầu máy xe lửa chạy qua. Thạnh ngước nhìn hành khách ngồi ở toa hạng nhất, tất cả các khuôn mặt đều xa lạ với chàng. Qua cửa kính của toa thứ ba, Thạnh đột nhiên nhìn thấy khuôn mặt trắng nhợt của người đàn ông đã đến thăm chàng ngày xưa. Tóc ông đã bạc nhưng khuôn mặt không thay đổi bao nhiêu nên chàng nhận ra dễ dàng. Chàng thấy đôi mắt sâu hoắm của ông có nhìn chàng, nhưng không nhận ra chàng. Thạnh hét lên:

- Này ông! Này ông! Đợi tôi với.

Chàng lao mình vào con tàu định nhảy lên khung cửa bỏ ngỏ, nhưng chiếc nạng nhôm vướng víu khiến chàng chậm chạp, người chàng đụng vào thành tàu và bị hất văng ra ngoài. Có nhiều tiếng la hốt hoảng của hành khách:

- Ông ấy muốn tự tử! Ông ấy muốn tự tử!

Và đoàn tàu vẫn thản nhiên đi qua.

Khi tỉnh dậy chẳng cần mở mắt nhìn, chỉ hít thở không khí đầy mùi thuốc, Thạnh cũng biết chàng đang nằm trong bệnh viện. Chàng nghe thấy tiếng khóc dấm dứt (có lẽ của nàng), tiếng ba chàng nói chàng nhận ra ngay và tiếng đáp (có lẽ của người y tá) "Ông ấy không sao đâu. Chỉ nằm một tuần là khỏi." Chàng chờ đợi được nghe tiếng nói của người khách lạ, nhưng bên tai chàng vẫn tiếp tục vẳng tiếng trò chuyện của ba chàng hỏi thăm y tá về các vết thương trên thân thể chàng.

Thạnh chẳng còn muốn mở mắt nhìn mọi người. Chàng nằm im cố nhớ lại khuôn mặt của người khách lạ. Chàng mừng thấy nhát dao ngày xưa chàng đâm đã không làm ông ấy thiệt mạng. Ông ấy vẫn khỏe mạnh và chỉ già hơn xưa chút ít. Chàng chỉ buồn ông ấy đã không nhận ra chàng. Không nhận ra chàng, không biết ông ấy có còn ý định đến thăm chàng nữa không.

"Cháu hiểu lầm tôi rồi" Người khách lạ ngày xưa đã nói với chàng "Cháu sẽ tiếc đã làm mất thời giờ một cách vô ích. Không phải lúc nào tôi cũng rảnh để ghé thăm cháu. Đành phải chờ đợi một dịp khác vậy."

Thạnh lẩm bẩm:

- Quả thật mình đã làm mất thì giờ một cách vô ích. Đành phải chờ đợi một dịp khác vậy.

Để quên đi thời gian chờ đợi, Thạnh mở mắt nhìn những người đang đứng chung quanh chiếc giường chàng nằm.

Hết