Chẳng ai biết lai lịch của bà, chỉ biết tên bà là Diễm. Diễm là đẹp, là diễm lệ. Ngoài vẻ đẹp, còn mang vẻ sang. Có ai gọi một củ khoai là diễm lệ đâu. Hẳn bố mẹ xưa đặt tên cho con cũng thầm ao ước sao cho con vừa đẹp lại vừa khỏi lầm than. Nhưng trông bà cả một sự nhạo báng cái mong ước đó.

Dáng người bà Diễm bé loắt choắt, bộ mặt nhăn nheo, gầy sạm chỉ còn hai con mắt. Bà vừa đi vừa lắc lư cái lưng còng. Chiếc đòn gánh không bao giờ rời khỏi đôi vai còm cõi của bà. Nó bám chặt lấy bà như một thứ nghiệp chướng. Chiếc đòn gánh của bà cũng thật đặc biệt. Nó nhẵn bóng. Ngay cả những vết sẹo cũng đã nhẵn bóng và cũng khó đoán tuổi như chủ nhân của nó vậy. Nó đã tồn tại cùng bà không biết tự bao giờ. Nó được đẽo gọt từ một thân tre cong hằn dấu vết của những cơn gió táp và ra đời chỉ để đón đợi đôi vai còm cõi của bà Diễm mà thôi. Nó và chủ nhân của nó hợp thành một chỉnh thể của sự bất hạnh, hợp thành biểu tượng của một thân cây vừa mới ra đời đã bị gió mưa vùi dập. Cuối hai đầu đòn gánh là đôi thùng đầy nước lắc lư theo những bước chân không đều của bà Diễm và để lại những vệt nước rỏ ròng ròng như suối nước mắt cạnh đường đi. Những lúc đôi vai được rảnh rang, đôi môi bà lại lẩm nhẩm những câu không đầu không cuối. Bà đi và nói như người lẩn thẩn, nhưng những cử chỉ của bà vẫn chính xác một cách kỳ lạ. Đến máy nước bao giờ bà cũng đi sát mép đường bên phải và lặng lẽ đợi đến lượt mình, không xin xỏ, không tranh giành.

Những nhà có máu mặt trong khu này thuê bà gánh nước. Họ chẳng ưa gì bà. Họ săm soi xem thùng nước bà gánh về có trong không. Có đáng đồng tiền của họ bỏ ra không. Có người nghi ngờ, bắt bà tháo cả bể nước đầy ra gánh lại, lấy cớ là bà đã lấy nước bẩn vào bể của họ. Cũng có những người trả tiền sòng phẳng, hậu hĩ là khác nhưng họ đưa tiền cho bà rồi vội quay đi như chỉ sợ dềnh dàng bà nhỡ mồm bắt chuyện thì mất cả thì giờ và mất cả thể diện nữa. Con người ta thường hay chối bỏ quá khứ, nếu quá khứ đó là không vẻ vang. Người đời nay coi nó là bệnh "sĩ". Nếu như những năm sáu mươi của thế kỷ này người ta cố chứng minh rằng gốc gác của mình là bần cố nông thì trong những năm tám mươi người ta lại cố khoe rằng nhà mình giàu có ra sao, bịa cả những chuyện đài các rởm không biết ngượng mồm. Thôi thì cũng chẳng trách họ, âu cũng là do cách nhìn người của thời đại mà ra. Những bộ mặt đần độn trát bự son phấn vênh váo, đầy kiêu hãnh giả tạo. Và trong cơn mơ đài các sang giàu của họ, bà Diễm chỉ là một kẻ làm thuê, một người gánh nước cho nhà họ. Một thời, chúng ta đã ghê tởm những từ "con ở", "đầy tớ", "gái điếm"... Nhưng giờ đây, những từ đó đã và đang lặng lẽ trở về nhắc nhở người ta rằng, chúng có mặt trên đời này.

Vậy là bà Diễm hệt như con gà trụi lông giữa đàn công sặc sỡ. Nhưng bà gắn bó với họ, đúng hơn là với bể nước nhà họ, vì chỉ có họ mới đủ sức thuê bà gánh nước. Còn đa số "người nhà nước" trong khu này chẳng ai đủ tiền để mà thuê, dù muốn giúp bà. Cơm ăn chẳng đủ, lấy đâu ra tiền mà thuê gánh nước. Đành phải xếp hàng dài dằng dặc, hoặc thức đến hai ba giờ sáng để lấy mấy thùng nước.

Với đôi thùng gánh nước, cứ thế, bà Diễm đi trong đời như kẻ mộng du và rồi có lẽ với cung cách mộng du ấy bà sẽ lặng lẽ đi xuống mồ, như một hạt bụi tan biến vào không gian chẳng để lại một mảy may dấu vết.

Nhưng có một sự kiện khuấy động mảnh đời âm thầm ấy. Đó là sự xuất hiện của ông Tiếu. Thực ra những người gánh nước thuê không nhiều ở thời nay. Nhưng sự xuất hiện của ông Tiếu gắn liền với việc mở rộng con đường quốc lộ thành đường hai chiều. Ga mới mở. Những khu nhà cao tầng mọc lên như nấm và người đi lại nườm nượp trên con đường ấy. Hàng xa xỉ phẩm, hàng bán đồ ăn đồ nhậu mọc lên nhanh và nhiều vô kể. Và cần thêm người gánh nước thuê.

Từ đó cạnh máy nước, đôi khi bên bà Diễm có một người đàn ông chống đòn gánh đứng chờ thùng nước đầy dần. Hiếm có một khuôn mặt khắc khổ đến thế. Có đến ngàn vạn nếp nhăn trên khuôn mặt đó. Đôi mắt biểu lộ một nỗi đau khổ bất thường như đã đông cứng. Còn cái miệng thì trớ trêu làm sao, luôn mỉm một nụ cười bất biến, như nó được tạo ra trên khuôn mặt ấy từ lúc mới sinh ra và cứ phải giữ vậy cho đến lúc chết. Nụ cười ấy giữa khuôn mặt ấy, thật là một nghịch lý, như là đang khóc với một nỗi đau xé ruột, mà có một kẻ tàn ác nào đó cứ nhất định cù vào nách cho ta phải cười rũ ra mới thôi.

Việc hai con người khốn khổ đó bên nhau, cạnh máy nước làm bọn trẻ trai ngỗ ngược ở đây vô cùng khoái chí. Chúng gọi ông Tiếu là "bồ bà Diễm". Người lớn lúc đầu còn mắng, sau nghe quen cười xòa vì thấy cũng ngồ ngộ, và người ta không gọi ông Tiếu bằng tên nữa, chỉ gọi ông Tiếu là "bồ bà Diễm".

Thực tình hai con người cô đơn đó cũng thật may mắn khi họ bỗng nhiên có mặt bên nhau, với những thùng nước trĩu nặng trên vai. Cũng có những lúc ông Tiếu nhấc hộ bà Diễm hai thùng nước đầy ra rồi đặt một khoảng cách vừa tầm để bà Diễm chỉ cần móc xích vào gánh. Trong chiếc túi áo rách của ông Tiếu luôn có những hạt lạc rang cháy khét. Thỉnh thoảng ông dúi cho bọn trẻ con và cho bà Diễm. Bọn trẻ con không ăn, còn bà Diễm thì nhận lấy và nhẫn nại nhấm nháp những hạt lạc đen nhờ nhờ, đăng đắng, tỏ vẻ cảm kích lắm.

Một lần bà Diễm bị trượt chân ngã trẹo đầu gối, ông Tiếu vội dìu bà về túp lều của bà rồi lo cơm cháo thuốc thang. Thuốc chỉ có nắm lá láng hơ nóng, chườm bóp. Cơm sang lắm cũng chỉ miếng đậu luộc chấm mắm tôm.

Bà Diễm rưng rưng: "Vậy chứ nhà ông ở đâu?" Vẫn với nụ cười muôn thuở, ông Tiếu đáp: "ở góc chợ Cầu Giấy". "Vậy chứ lúc mưa gió ông làm sao?" "Thì nép dưới hiên của nhà nào đó cho qua".

Bà Diễm khóc ròng: "Thôi, ông về đây mà ở cùng tôi. Tôi và ông cũng sắp xuống lỗ rồi, chắc chẳng ai dị nghị gì đâu. Ông ơi, hai cái cây đã bị đánh bật hết rễ, biết tựa vào nhau để đỡ đần thì sẽ lâu đổ hơn".

Ông Tiếu nhìn xuống đầu ngón chân của mình, không nói gì, nhưng lần đầu tiên nụ cười hóa đá của ông biến mất. Rồi từ đó trong túp lều bên bờ ao, có hai bóng già lọ mọ sớm hôm. Bà Diễm cũng bớt lẩm nhẩm một mình.

Nhưng một hôm ông Tiếu phải trở về góc chợ cũ để tìm mấy cái quần áo rách và cái chăn cũ nát. Gió thu đã se sắt lạnh bên bờ ao. "Làng" của ông Tiếu, đó là góc chợ với đám người rách rưới lam lũ, lang thang không nhà do nhiều hoàn cảnh xui khiến nên. Họ bắc những viên gạch vỡ làm bếp, và lấy những mảnh báo cũ và ni lông rách treo lên làm buồng. Lâu không thấy ông, họ xúm lại hỏi ông đi đâu, ở đâu? Ông ấp úng. Họ càng trêu già, vì biết ông đang ở trong túp lều của bà Diễm. Một thằng lỏi con kiếm đâu ra cây gậy, lấy dây chuối buộc hai viên gạch vào hai đầu vờ làm thùng gánh nước rồi nhăn nhó, còng lưng làm bộ bà Diễm đang gánh nước cạnh ông Tiếu. Cả đám ré lên cười như hóa dại. Những người đi chợ thấy ồn ã cũng đứng lại xem. Được thể, chúng càng làm nhiều trò, diễn cảnh ông Tiếu chân thấp chân cao khoác tay bà Diễm đi chơi công viên. Mọi người tha hồ đắc chí. Chả mấy phen được bữa cười vỡ bụng như hôm nay. Rồi họ sẽ trở thành người kể chuyện có duyên nhất trần đời khi kể lại cho người khác nghe chuyện này. Chỉ có ông Tiếu là đứng lặng phắc không nói được câu nào. Lát sau, vứt lăn lóc bọc quần áo rách, ông lùi lũi trở về túp lều cạnh bờ ao của bà Diễm. Qua dãy nhà gánh nước thuê, vài đứa trẻ lêu lỏng thấy ông đã reo lên:

- A bồ bà Diễm. Đẹp đôi như Chí Phèo và Thị Nở ấy chúng mày ơi.

Về đến lều, ông nằm vật ra giường, không ăn uống. Hôm sau ông lên cơn sốt. Bà Diễm hết lòng săn sóc thuốc thang nhưng vô ích. Lúc sắp trút hơi thở cuối cùng, ông gọi bà đến bên, lần tay vào mụn vá lớn sát ngực lấy ra một tấm ảnh đã ố vàng và một trăm đồng bạc gói kỹ tự bao giờ trong túi ni lông. Trong ảnh là một bé gái tóc tơ xấp xõa, đôi mắt tròn đen mở to ngây thơ. Ông Tiếu thều thào:

- Con tôi đấy bà ạ... Nó bị mất tích trong một trận bom. Người ta bảo nó đã chết cùng với mẹ nó. Nếu thế tại sao chỉ tìm thấy xác mẹ nó thôi. Tôi tin nó vẫn còn sống, có thể nó lưu lạc ở phương nào. Lê con ơi...

Từ đôi mắt mờ đục của ông, hai giọt nước như được gạn từ đáy mắt, như những giọt thủy ngân khó nhọc lăn ra. Ông nức lên, nói đứt quãng:

- Bà ơi, nếu... có... một ngày... nào... đó bà thấy có một người con gái... trạc hai mươi... mà giống con... bé trong ảnh này... bà nhớ gọi lại hỏi gốc gác... xem có phải bố nó là ông Tuyền ở xóm Đoài, xã Hoài Ân... không nhé. Và nếu phải... bà nói rằng bố nó vẫn chờ nó... cho đến chết... bà đưa cho nó một trăm đồng... bạc này...

Rồi ông thở hắt ra. Nụ cười oan nghiệt vĩnh viễn tắt trên đôi môi ông.

Bà Diễm ngồi lặng câm nhìn tấm ảnh và một trăm đồng bạc côi cút. Trăm bạc này, chắc ông đã ki cóp từ lâu lắm, khi nó còn mua được nửa chỉ vàng. ốm đau đói rét bao phen, cũng không bao giờ dám đụng đến, để cho đến bây giờ, một trăm đồng bạc của ông dành cho con cũng chỉ đủ để mua một mớ rau muống...

Rồi mộ ông Tiếu cỏ xanh phủ dần, đám cỏ đuôi gà bò lan cả ra mặt đất bằng. Thỉnh thoảng bà Diễm thắp vài nén hương cho ông, lần nào bà cũng thầm thì khấn:

- "Ông Tiếu ơi, tôi vẫn để ý tìm con cho ông mà đâu thấy. Tôi tìm cả khi chờ thùng nước đầy, cả khi đang gánh nước, ngày này qua ngày khác. ờ, nếu nó còn sống thì tôi cũng chẳng còn mấy thời giờ nữa để làm việc đó cho ông. Tôi cũng sắp theo ông về với đất rồi đây. Nhưng mãi đến tận lúc này, tôi vẫn tin có thể chốc nữa, có thể tối nay, ngày mai, con bé đến và hỏi, giọng nó trong veo: "Có phải ông Tuyền cha cháu ở đây không?...".

Người ta bảo nhau rằng, dạo này bà Diễm càng dở hơi tệ, bởi vì ngoài cái tật cứ nói lẩm bẩm một mình, trong tay bà không bao giờ rời cái gói nhỏ bọc vải nhựa đã cũ mèm, chẳng khác mụ phù thủy đang giữ chặt bùa phép duy nhất giúp cho bà còn sống trên đời này. Có ai biết rằng cái bùa phép đó là tấm ảnh một bé gái đã ố vàng và một trăm đồng bạc cũ. Đằng sau tấm ảnh, một dòng chữ mới viết xiên xe.o đầy lỗi chính tả: "Đây nà cháu Nê, con ông Tuyền ở xóm Đoài, xã Hoài Ân... một trăm đồng bạc lày nà của cháu!".

1987