Chương 1

Sau cơn động đất khủng khiếp

Trước khi vào chuyện.

Qui-Tô ở đây không phải là tên người như Văn Bình, Nguyên Hương, mà là tên một thị trấn ở Nam-Mỹ. Thủ phủ của một quốc gia tí hon, Equateur (tiếng Anh là Ecuador). Tuy tí hon, xứ Equatơ và đặc biệt là thủ phủ Qui-Tô lại nổi danh trên thế giới vì phong cảnh hữu tình với khí hậu dịu hiền quanh năm, núi non trùng điệp, những cuộc đẩu bò rừng, nền văn minh Tây-ban-nha trộn hợp với chất liệu ái tình da đỏ bán khai và hip-pý Mỹ quốc. Văn Bình z28. ít khi đến tây bán cầu, và đây là lần thứ nhất chàng điệp viên hào hoa của các bạn mới ghé Qui-Tô. Dĩ nhiên Qui-Tô có nhiều hoả diệm sơn nên điệp viên z28. không thể không tao ngộ các hoả diêm sơn tình ái bằng xương bằng thịt. Giờ đây, bạn đọc đã hiểu tại sao Người Thứ Tám đặt tựa cho bộ tiểu thuyết z28. này là "Người đẹp Qui-Tô".

ốn bề toàn sương là sương.

Văn Bình đã quen với hành trình dưới sương mà cũng phập phồng lo ngại. Sương mù Luân Đôn kiên cố như bức tường nhưng xe hơi lại được gắn đèn pha riêng, hoặc tối tân hơn, có đèn hồng ngoại tuyến. Sương mù trong rừng rậm Đông Dương cũng kiên cố không kém sương mù Luân Đôn, tuy vậy, chàng vẫn không sợ lạc đường vì có thể dùng cây cỏ, tiếng chim muông và thú dữ để định hướng.

Ngược lại, ở đây không có gì hết. Bốn bề toàn sương là sương, một loại sa mù màu trắng bao bọc lấy đồi núi trùng trùng điệp điệp. Sương từ trên cao toả xuống nên lữ khách không nhìn thấy nền trời và không biết được là sáng, trưa, chiều hay xẩm tối. Sương từ dưới đất đùn lên, kết thành tấm thảm dài vô tận trên mặt đất. Không những từ trên cao toả xuống và từ dưới đất đùn lên, sa mù còn từ nội tâm lữ khách bốc ra nữa khiến Văn Bình cảm thấy choáng váng và lạnh ớn xương sống.

Một lý do khác đã làm chàng choáng váng và lạnh ớn thêm. Đó là một cây cầu vừa hiện ra trước mắt.

Chiếc xe díp sơn màu mat-tich' nhô đầu ra khỏi đám sa mù bầy nhầy, tiến vào một khoảng trống chênh vênh. Đường đi mỗi lúc một lên cao. Tài xế vẫn chạy số một, động cơ nóng bỏng rên lên thảm thiết, tưởng như tiếng rên của con heo bị thọc huyết cũng chưa thảm thiết bằng.

Văn Bình đinh ninh con đường dốc còn tiếp tục ngoằn ngoèo theo hình chữ chi một quãng nữa. Buru ngồi bên điều khiển vô-lăng cũng nghĩ như chàng. Hắn không phải là người sinh trưởng trong vùng, song ít ra hắn cũng am tường hang cùng ngõ hẻm Qui-Tô và cộng hoà Equatơ, nơi mà Văn Bình đang vượt biên giới từ Bắc tới.

Té ra con đường phía trước đã biến đâu mất. Trên bản đồ biên giới Buru mang theo, và Văn Bình đã nghiên cứu kỹ lưỡng từng cây số vuông, không có cây cầu nào hết. Cây cầu có lan can màu đen nổi bật trên nền sương mù ảm đạm trắng xoá, gợi chàng nhớ đến tấm vải xô liệm chôn người chết. Từ hai ngày nay, Equatơ đã liệm chôn hàng trăm người chết. Đám núi lửa nằm im một thời gian, các chuyên viên cũng như dân chúng tưởng lầm còn lâu chúng mới tác quái.

Ai ngờ....

Ai ngờ đột ngột hoả diệm sơn chuyển mình, vùi kéo vùng biên giới vào cảnh hoang tàn đổ nát đầy tang tóc kinh khủng...

Văn Bình hét lớn :

-Cẩn thận, cầu gẫy !

Thật vậy, cây cầu cheo leo trong khuôn kiếng bẩn thỉu của xe díp là một cây cầu gẫy, nửa trước còn dính tòn ten vào mặt đường, nửa sau cụt ngủn, có lẽ đã rớt xuống vực thẳm không đáy.

Tiếng kêu của Văn Bình làm Buru khựng người như vừa ngồi nhằm dòng điện 330 vôn. Hoảng hốt, Buru bẻ mạnh vô-lăng sang trái. Bên phải là vực thẳm, bên trái là vách đá nên Buru không còn cách tự cứu nào khác. Tuy xe díp chạy chậm. Buru không thể dùng thắng. Vì, hỡi ôi, không hiểu con ma độc ác nào đã hành tội chiếc xe díp ngay từ khi vượt qua biên giới xứ Colômbi vào Equatơ, khiến cho dầu nhớt rỉ chảy vào bố thắng bên phải, Buru không dám thắng gấp sợ xe lật nhào.

Buru đạp bàn chân trái vào am-ba-dă, mím môi xoay tay lái từ trái sang phải. Văn Bình níu lấy lưng ghế, chiếc díp tàn tật quay đầu nửa vòng rồi húc vào vách núi. Chỉ một suýt nữa là tai nạn xảy ra. Nếu hai người không cảnh giác kịp thời, cứ cho xe lấn lên cầu thì phút này đã nằm yên dưới vực.

Văn Bình rùng mình, lấy tay rờ gáy. Bồ hôi chảy ra ướt đầm. Bánh xe díp nghiến lạo xạo trên đá nhọn. Động cơ rên lên một tiếng nữa rồi câm bặt. Câm bặt hoàn toàn.

Bốn bề toàn sương là sương.

Một sự im lặng kỳ lạ đè xuống cảnh vật. Mãi khi ấy, Văn Bình mới nghe được tiếng gió hãi hùng thổi qua rặng thông bên dưới và tiếng nước suối chảy róc rách. Buru thở hắt ra :

-Hú vía !

Đang ở trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng mà Văn Bình muốn bật cười. Chàng cười vì thương hại cô gái đã nặng lòng với Buru. Buru là tên Nam-Mỹ, đọc tiếng Việt là Bu-rú; thật ra về diện mạo cũng như về thân hình, Buru quả là con bu-dú, cô gái nào yêu hắn phải phá kỷ lục về "chì" hoặc là thối thân của nàng Chung Vô Diệm.

Buru cao như con bu-dú của rừng rậm châu Phi, tay chân hắn dài lều khều và cong queo như tay chân khỉ vượn, mặt hắn mới giống mặt du-dú, vừa dài vừa gãy, môi lại dầy và đỏ hỏn, lông lá mọc rậm rạp khắp nơi trên thân thể, hắn mặc sơ-mi. hở cổ để lộ những đám lông đen sì và cứng nhọn. Con khỉ trong rừng cười the thé ra sao thì Buru cũng cất tiếng cười the thé nhự vậy. Theo lời hắn khoe khoang, nhân tình keo sơn của hắn là giai nhân ở Qui-Tô. Qui-Tô là thành phố có khá nhiều giai nhân, nàng được liệt làm giai nhân trong xã hội giai nhân, nên chắc hẳn phải có nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành...

Buru nhớm ga, mở công-tắc cho máy nổ. Văn Bình đập nhẹ vào vai hắn :

-Định tự tử hả ?

-Tự tử thì để người đẹp lại cho ai ? vả lại, ai bảo ông là tôi muốn tự tử ?

-Tại anh lái ẩu.

-ồ, ăn thua gì, thiên hạ còn lái ẩu hơn tôi nhiều.

Buru nói đúng, trước khi, hoạt động ở Viễn Đông, Văn Bình chỉ nghĩ đến bệnh lái ẩu của tài xế tac-xi Đông Kinh (và dĩ nhiên Văn Bình còn nghĩ đến các bạn tac-xi Saigòn, nhưng Người Thứ Tám đã mạn phép kiểm duyệt sự nhật xét này, xin z28. cũng như anh em tac-xi thứ lỗi) giờ đây chàng mới được mục kích tài lái ẩu ở tây bán cầu. Có lẽ vì Nam-Mỹ chịu ảnh hưởng của nếp sống lừng khừng và tình ái ướt át Tây-ban-nha nên đối với họ thì lái xe bất chấp luật lệ giao thông là chuyện rất thường.

Trong chuyến xuất ngoại này, Văn Bình đã in dấu chân trên khắp Nam-mỹ, phần vì công tác chuyên môn, phần khác vì thú lang thang du hí. Chàng xê dịch luôn luôn, hầu như mỗi ngày đều có mặt trên phi cơ, tàu thuỷ. Phần lớn là trên xe tac-xi, vì không đêm nào là chàng không thuê tac-xi để lượn dạo phố phường và tìm kiếm sào huyệt tiêu khiển.

So sánh với Saigòn thì giá biểu tac-xi Nam-Mỹ rẻ kinh khủng. Nhưng trừ giá biểu ra, chàng vẫn khoái cây nhà lá vườn hơn. Loại con cóc của ta có những ghế ngồi nhỏ bé, nhưng ít ra cũng là xe chở hành khách bốn cửa hẳn hòi, trong khi tac-xi ở Ba-Tây chỉ gồm kiểu Von-va-ghên hai cửa, phải xô băng trước ra mới trèo được lên xe, và chỉ lên được bằng phía đối diện tài xế, giai nhân Nam-Mỹ nhảy nhót nhiều, ăn cũng nhiều nên cặp mông khá đồ sộ, nhiều nàng cọ sát ghế, váy bay tung toé khiến Văn Bình mất hứng.

Tac-xi Bolivi còn làm chàng mất hứng hơn nửa, có lần chàng vừa bắt được một bò lạc thơm tho, tán tỉnh sắp thành công thì tài xệ đậu lại và một cặp vợ chồng già mặt mũi nhăn nhó như muốn ăn thịt trẻ con lò dò trèo lên. Chàng bị phá đám vì tac-xi xứ này được phép đậu lại rước thêm khách ở dọc đường, gần như xe lam ở đất hòn ngọc Viễn Đông.

Tại thủ đô Lima, xứ Pe-ru, tài xế đã lái kamikazê lại còn vòi vĩnh quá đáng nữa. Tac-xi không có đồng hồ, bước lên xe khách phải mặc cả, và cuộc kỳ kèo bớt một thêm hai thường kéo dài. Văn Bình thượng đi với bạn gái phải tranh thủ thời giờ nên lần nào cũng phải trả tiền gấp ba, gấp bốn. Buru có những nét gần giống gã tài xế ba hoa chàng gặp tại Lima. Lối phát biểu của hắn cũng nhanh như đĩa hát 78 vòng, và hắn lái xe văng mạng không thua Buru.

Buru nhe hàm răng cải mả, lấp lánh cái răng chó bịt vàng :

-Xin lỗi ông nhé !

Buru đã xin lỗi chàng trên dưới trăm lần. Dường như tiếng pe-đo-ne-mê (1) của hắn chỉ là một hình thức văng tục thượng lưu, nghĩa là ngôn thanh mà ý tục.

Chìa khoá công tắc vặn đi vặn lại nhiều vòng mà động cư ì ra không chịu nổ. Buru nhảy xuống đất, mở nắp ca-bô chui vào máy, miệng càu nhàu một thôi pe-đo-ne-mê. Giá hắn chửi đồng hoặc thốt ra những tiếng đ. m., Văn Bình lại có cảm tình với hắn hơn. Chàng bèn chặn họng hắn :

-Anh xin lỗi ai vậy ?

Buru ngẩng đầu ra khỏi nắp ca-bô, giơ hai bàn tay đen sì dầu nhớt lên trời:

-Ấy quên, tôi thường quen miệng như thế. Xin lỗi ông nhé ! Xe liệt máy rồi, đường còn xa lắm, ông ơi, không khéo đêm nay phải nhịn đói mất....

Buru vừa than thở vừa nhăn nhó một cách thảm hại. Văn Bình đã biết rõ tính tham ăn của hắn. Hắn chào đời tại xứ Colômbi, nước đặc biệt trên trái đất có 6 loại chuối khác nhau được dùng làm bánh, và ăn chung với thức ăn, dân chúng bộ lạc thì ăn trứng rắn mối và kiến chiên mỡ ròn tan, hoặc ăn luôn cả thịt trẻ con đi lạc làm thành xuc-xich' nhắm với chiacha, rượu bắp ngô nặng ngang rượu đế, tuy vậy, thú ẩm thực của Buru lại bạo gồm mọi món ăn Nam- Mỹ. Nơi nào có món ngon hắn đều vác miệng tới. Và món nào cầu kỳ đến mấy hắn cũng nếm qua. Buru khoái đớp thịt con nhím như dận nhậu A-can-đình(', và như người Ba-Tây, hắn là đệ tử trung thành cua món rùa, ba-ba, cá mập, khỉ, cá sấu, và rắn rết....

Văn Bình là thực khách lão luyện mà cũng phải ghê răng khi nghe Buru phô trương món lẩu Ve-nê-duê-la được hắn coi là ngon độc nhất vô nhị, gọi là lẩu san cosô. Ngon cách nào không biết nhưng chỉ nghe nói cách nấu nướng là phải rùng mình vì món lẩu này được làm với thịt rùa và ruột cá....

Buru có thể ngủ đêm dưới trời sương lạnh giữa chốn đèo heo hút gió này nhưng không thể nhịn ăn một bữa. Riêng cái món giải khát hắn đã mang theo hai vò đầy ắp chứa một thứ rượu mạnh đâm buốt cuống họng. Hắn uống vô hồi kỳ trận, mặt mày đỏ gay như mặt trời mà vẫn uống.

Văn Bình phì cười khi thấy sợi dây đen-cô bị sút. Chàng chỉ cần nối lại là động cơ nổ ròn lại như cũ. Vậy mà Buru dám tự hào là chuyên viên chữa xe. Chẳng qua hơi men đã làm hắn mụ người.

Nhưng sau khi máy nổ tròn trịa, Văn Bình mới nhận thấy vô ích. Cây cầu đã gẫy hoàn toàn. Đoạn còn dính vào đường đèo chỉ dài độ 5 mệt, có lẽ sức nặng của xe díp sẽ làm nó rớt xuống suối sâu. Gió chiều thổi phần phật. Những đám sa mù ngoan cố đang tan biến từ từ, nhưng sự thay hình đổi dạng này của tạo vật chỉ làm cho thần kinh căng thẳng thêm lên.

Vì trong lúc màn sương toả kín, Văn Bình không thể quan sát quang cảnh tứ bề. Giờ đây, mắt chàng phóng được ra xa, chàng mới khám phá ra sự hoang liêu rợn gáy. Không một bóng người, không một bóng vật. Lệ thường, con đường dốc này là thiên đường đùa rởn của bọn khỉ vượn, nhiều binh sĩ biên phòng còn gặp cả đoàn hồ lông vằn nhẩn nha kéo nhau đi giữa ban ngày để hứng gió. Trận địa chấn khủng khiếp đã bịt miệng dã thú. Có lẽ chúng đã chết nát thây dưới những đống đá khổng lồ. Dường như hàng vạn mét khối đá đã bất thần dứt khỏi rặng núi và ào ào đổ xuống.

Cọn đường đèo này là lối giao thông biên giới duy nhất còn lại giữa Colômbi và Equatơ sau cơn động đất. Thật ra, nếu không có động đất thì cũng chẳng có con đường nào khác. Bờ biển phía Tây Nam-Mỹ được chắn ngang bởi giãy Trường Sơn hiểm trở xây mặt ra Thái Bình dương, và vùng biên giới Equatơ nằm trong khúc hiểm trở nhất. Hầu hết quốc gia Nam-Mỹ đều ở trong tình trạng kém mở mang nên công cuộc tối tân hoá xa lộ ít được lưu tâm tới, hơn nữa, đảo chính nổ bùng như cơm bữa khiến vùng biên giới Equatơ bị chính quyền bỏ quên.

Trên bản đồ tham mưu của uỷ ban quân sự OẠS.. (2), con đường độc đạo này mang tên là xa lộ 14. Thật tủi hổ cho danh từ xa lộ, vì trên thực tế nó chỉ là con đường đất đá lẫn lộn, chỉ vừa xoắn cho một xe cam-nhông chạy qua, nếu xe hơi đi ngược chiều tránh nhau thì tài xế hai bên phải xuống xe nghiên cứu trước địa thế, bằng không sẽ rớt xuống vực thẳm.

Vực thẳm xa lộ 14 đã được khách thương mệnh danh là "nghĩa địa không đáy". Thật vậy, những buổi trưa nắng ráo, sa mù tan biến, người đeo viễn kính cực mạnh nhìn xuống vực cũng chẳng chạm đáy. Vách đá của vực thẳm phẳng lì và thẳng tắp, nạn nhân trượt chân lăn xuống sẽ không có rễ cây hoặc bờ đá nào để bám. Văn Bình khuân tảng đá lớn quăng mạnh xuống mà không nghe âm thanh dội lên. Chàng đã đi rừng và trèo núi nhiều, miệt đèo Hạ-Lào từ giãy Trường Sơn đến cao nguyên Bolôvên, chàng đều có mặt, những dốc cao vòi vọi như dốc Mang-Hà sát đưởng mòn Hồ Chí Minh, đối diện hai tỉnh Nam-Ngãi, cũng có sa mù dầy đặc, có hàng chục, hàng trăm nguy hiểm bất ngờ như xa lộ 14, song ít ra là còn có lòng tin và màu sắc quê hương. Còn ở đây, xa quê hương và bề rộng mênh mang của Thái Bình dương, chàng cảm thấy cảnh vật quạnh hiu khác thường, trước con đường đèo mỗi lúc một dựng đứng...

Nghe tiếng thở dài não nuột của gã tài xế bú dù, chàng quay lại:

Trên bản đồ, không có cầu, anh cũng cả quyết là đường không có cầu, tại sao lại có ?

Khổ quá ông ơi, tôi bị lạc đường.

Hừ.... anh tự nhận là người hướng đạo quen thuộc vùng này như chiếc mu-soà trong túi kia mà !

Thưa ông, vâng. Tôi đã xử dụng xa lộ 14 hàng chục lần. Nhưng khi ấy, thú thật với ông là....

Chưa có động đất....

Không phải thế. Động đất thường xảy ra ở đây. Năm nào cũng có, không nhiều thì ít. Nhưng trong quá khứ, động đất không lớn bằng bây giờ. cả dãy núi đổ, rừng cháy đã chặn nghẹt xa lộ, song đó chưa phải là nguyên nhân gây ra lạc đường, thưa ông... tôi lạc đường vì....

Vì cái gì, anh nói nhanh lên, trời đã xế chiều, mà tôi phải đến nơi thật gấp.

Văn Bình hối hả nhưng Buru vẫn ủng đỉnh :

-Tôi thú thật, ông đừng mách lại với thượng cấp của tôi nhé !

Thượng cấp của Buru là giám đốc tình báo xứ Colômbi. Trong chiến tranh Cao-Ly, Colômbi. là quốc gia Nam-Mỹ duy nhất gởi quân tham dự. Văn Bình chưa gặp ông giám đốc này bao giờ, chàng chỉ biết ông ta là đại tá hồi hưu, qua trung gian có thẩm quyền của CIA.., chàng tiếp xúc với Buru, và hắn dẫn đường cho chàng vượt biên giới phía Bắc xứ Equatơ.

Thái độ khệnh khạng của Buru - sự khệnh khạng đã ăn sâu vào xương tuỷ người dân châu Mỹ la-tinh - làm Văn Bình nổi sùng :

-Nếu anh còn rềnh rang nữa, tôi sẽ cầm hai chân anh ném xuống vực thẳm.

-Úi chao, thà ông xô tôi xuống vực thẳm còn hơn ông báo cáo với đại tá. Chẳng giấu gì ông, đại tá giám đốc ghét rượu goa-ra-pô hơn cả ghét cộng sản Cuba.

Goa-ra-pô là một loại rượu đế cháy họng, bể đầu của dân nhậu Nam-Mỵ. Bụng đói, uống vào một hớp thì hai má lập tức đỏ bừng như mặt trời, chân nam đá chân xiêu và tay bắt chuồn chuồn. Tuy là anh hào lưu linh, Văn Bình cũng phải ngã nón chào... thua goa-ra-pô.

-Hừ.... say rượu thì đến bị phạt trọng cấm ba, bốn ngày là cùng chứ gì ? Theo tôi, ở nhà binh không biết uống rượu thì cũng như đàn bà đẹp không có ngực.

-Tôi cũng nghĩ như ông. Bị tù ba, bốn ngày, chớ ba, bốn chục ngày nữa, tôi cũng không ngán. Chẳng qua tôi sợ cô gái rượu của ông đại tá cho "de" thôi.

-Trời đất! Ông đại tá giám đốc là bố vợ tương lai của anh ?

-Thưa ông, vâng. Hiện nàng ở Qui-tô. Tôi xí trai như thế này mà nàng lại yêu tôi tha thiết.

-Trai tài, gái sắc, chắc hẳn anh có nhiều biệt tài.

-Vâng. Nàng yêu tội vì trên toàn xứ Colômbi không ai bắn giỏi bằng tôi và không ai triệt hạ được tôi bằng võ thuật. Nàng lại ham mê bắn súng và võ thuật từ nhỏ mới tâm đầu ý hợp chớ !

Burụ rút khẩu súng lục đeo ở thắt lưng và lảy cò, đoàng, đoàng, đoàng, ba phát, liên tiếp. Đứng cách xe díp 5 thước, hắn bắn cả ba viên đạn vào tấm kiếng tròn gắn trên vè xe. Cái kiếng bầu lớn bằng nửa bàn tay, từ xa 30 thước, Vặn Bình nhắm mắt cũng bắn trúng, tuy vậy, nếu so sánh với những kẻ bắn giỏi chàng đã gặp thì Buru cũng chẳng đến nỗi nào. Văn Bình ngần ngừ một giây. Chàng định biểu diễn kỹ thuật bắn quay lưng trong vòng 20 thước cho hắn lác mắt song lại đứng yên.

Vì chàng bỗng có cảm giác là trong cảnh hoang liêu của đồi núi sát biên giới Equatơ này, ngoài chàng và Buru ra, đang còn một người thứ ba. Người ấy là ai, chàng chưa nhìn thấy. Chàng bèn hỏi Buru :

-Bây giờ anh có thấy lối trở về xa lộ 14 được không ?

Buru nheo mắt, bộ điệu thảm hại:

-Được. Lẽ ra nếu không say rượu, tôi đã quẹo trái hồi nãy thì không phải qua cầu. Nhưng cũng chẳng sao, nếu phải lội bộ thì băng qua sông gần đường hơn.

-Độ bao lâu nữa đến nơi ?

Buru đếm lầm bầm trên đầu ngón tay

-Chập tối, nếu không gặp trở ngại bất ngờ....

Buru đúng là dân Nam-Mỹ. 5 phút trước, hắn than thở là đường còn xa, sợ phải ngủ đêm bụng đói trên núi. Giờ đây, hắn lại đoan quyết là chập tối đến đích. Chập tối nghĩa là trong vòng 3, 4 giờ nữa.

Văn Bình nhìn đồng hồ tay đúng 3 giờ chiều. Giờ này là giờ nắng chiếu chang chang, đàn bà đàn ông Nam-Mỹ có nước da đồng hun vì tia nắng nhiệt đới ác đức vậy mà trên đường biên giới lại chẳng thấy mặt trời, chẳng thấy tia nắng ở đâu. Nền trời vẫn một màu trắng đục bẩn thỉu và bầy nhầy khiến Văn Bình liên tưởng đến những tấm mỡ lá của một con vật khổng lồ bị chết. Giòng sông trước mặt mỗi lúc một rít lên rùng rợn theo tiếng gió.

Chàng không tin là chập tối đến nơi. Tuy mới quen Buru, chàng đã có đủ thời giờ tìm hiểu tài năng dẫn đường của hắn. Bản tính khệnh khạng cố hữu của người Nam-Mỹ đã tạo cho hắn một lối sống bất cần, gần giống như người Lào : thêm vào đó, vò rượu goa-ra-pô đã làm mắt hắn trông gà hoá cuốc. Ngay từ khi bắt đầu vượt biên giới, lao xe díp vào xa lộ 14, Buru đã giết mất một vỏ lốp mới tinh hảo. Một thằng oật con, đội nón lá rộng vành của dân da đỏ, chặn đầu xe đang chạy nhanh, báo hại Buru phải thắng gấp. Tưởng thằng oắt xin đi quá giang nên Buru chửi rủa tưng bừng, không dè nó lại nhăn hàm răng sún ra cười và nói:

-Bu ê nốt đi át.

Buenos dias là tiếng chào hỏi ban ngày Tây-ban-nha. Thằng oắt chào rồi xoè bàn tay ra xin tiền. Nó chẳng dám vòi vĩnh nhiều, chỉ đề nghị một pe-so. Một pe-so Co-lôm-bi. chỉ bằng một phần 18 đồng đo-la Mỹ, Văn Bình sẵn sàng bố thí cho thằng oắt con gấp trăm lần để được tiếp tục hành trình, nhưng khốn nỗi trong túi chàng không có một xu teng nào cả, chàng đành ngậm thinh, trao trọn quyền hiệp sĩ cho Buru. Buru lại là quân nhân của chủ nghĩa kẹo nên thay vì rút bot-phới lại phì nước bọt vào mặt thằng oắt và mắng như tát nước. Thằng oắt đối đáp lại kịch liệt không kém, Buru lại tống ga, thằng oắt phải nhảy vào lề đường để khỏi bị xe cán.

15 phút sau, xe díp leo lên đèo thì xẹp bánh. Thì ra bạn của thằng oắt, một con bé mọi da đỏ, đã thừa cơ hai bên đấu khẩu, cắm vào lốp sau mấy cây đinh to tướng. Người lái xe giỏi chỉ xoay vo-lâng là biết được tình hình vỏ lốp, đằng này vo-lâng đã cứng ngắc báo hiệu một bánh xì hơi mà Buru vẫn mím môi, gia tăng tốc độ. Rốt cuộc, xe díp đâm vào phiến đá lớn bên đường, xuýt bị lật sấp.

Đó mới là "trở ngại bất ngờ" thứ nhất. Nửa giờ sau, để trở ngại bất ngờ" thứ hai, xe tuột tay lái chạy phom phom xuống suối, nước ngập lút hệ thống điện. Chung quy chỉ vì Buru sợ con quạ đen đậu nghênh ngang giữa đường. Hắn theo đạo công giáo, mà tín đồ công giáo cổ xưa lại sợ quạ đen. Theo lời hắn, tiếng kêu của con quạ gồm 64 nốt từ bồng xuống trầm, mỗi nốt là một điềm gở. Con quạ chưa kêu tiếng nào mà cuộc hành trình đã bị chậm trên một giờ đồng hồ dài giằng gjặc. Văn Bình phải thòng giây ì ạch kéo xe từ dưới suối lên và cởi áo lau khô budi, đen-cô, và bình điện xe mới chịu nổ máy.

Nếu kể cả "trở ngại bất ngờ" lớn, nhỏ thì đếm đến chục lần. Xe díp mới cắt chỉ, động cơ vừa rà xong, thế mà chỉ chạy một quãng là ho hen sù sụ. Cộng thêm tài lái xe say rượu của gã tài xế bú rù nữa thì chuyến vượt biên của Văn Bình trở thành cực hình.

Thần kinh chàng căng thẳng ngay từ những cây số đầu tiên trên xa lộ 14. Như thường lệ, mọi điệp vụ do ông Hoàng sửa soạn và do chàng thực hành đều trải qua nhiều ngày, nhiều tuần nghiên cứu, cân nhắc và hoàn bị, ít khi để lại khuyết điểm. Nhưng, như thường lệ, nghề điệp báo trong đệ nhị bán thế kỷ thứ 20 là nghề kỳ quái bậc nhất, mình khôn thì địch cũng khôn không kém : cho nên chàng không tin rằng địch khoanh tay, nhắm mắt cho chàng làm mưa làm gió tại Nam-Mỹ.

Thần kinh chàng căng thẳng vì địch có thể phục kích xe díp tại bất cứ đoạn đường nào trên lộ trình hiểm trở. Không cần tay thiện xạ, chỉ cần một đứa trẻ núp trong kẹt đá bên đường, thủ khẩu AK-47 khạc ra một băng đạn là cả tài xế Buru lẫn chàng ngã lăn xuống vực. Nam-Mỹ trong thời gian gần đây đã nếm mùi AK-47 và B-40 từ Trung Hoa lục địa lén lút chở tới. Du kích cộng sản dưới quyền điều khiển của Quốc Tế Tình Báo sở Trung Hoa hoặc GRU Sô Viết có thể bất thần xuất hiện, võ trang tận răng, sẵn sàng ban phát Thần Chết. Văn Bình được liệt từ lâu vào danh sách đen của Tình Báo sở và GRU. Chắc chắn họ sẽ không để cho chàng sống sót, trở về Sài Gòn, hút thuốc Salem, uống huyt-ký vô hồi kỳ trận, và du hí thâu đêm với núi lửa giai nhân....

Văn Bình nhìn sang bên trái. Đối diện vực thẳm đen ngòm là đỉnh núi lửa nhọn hoắt. Phún thạch từ ruột trái đất ào lên đã đông đặc thành đá màu tro. Trong đường kính nửa cây số, Văn Bình chỉ thấy đá màu tro, nước màu tro và mây màu trắng ảm đạm.

Hai người đã đi bộ đến đầu cầu. Trước trận địa chấn, đó là cây cầu lớn bắc ngang sông, một con sông không tên, trong số hàng chục con sông không tên, nước chảy xiết, từ rặng Trường Sơn hùng vĩ cao ngất trời đồ ào ào xuống biển Thái Bình dương.

Buru bật ra tiếng chửi thề. Tuy là người lịch sự, Văn Bình cũng muốn chửi thề như hắn. Vì giòng sông không trầm lặng, không hiền lành như hắn tưởng. Hắn cho chàng biết giòng sông này không sâu, lòng nó toàn đất sét trắng, hòn cuội nằm bên dưới cũng thấy, ngày thường dân mọi bản xứ, bọn buôn lậu và du kích thân cộng xắn quần lội qua dễ dàng.

Nhưng hôm nay mặt nước đã lên mấp mé dạ cầu. Căn cứ vào vách đá hai bên, Văn Bình ước lượng con sông sâu một con sào là ít. Nghĩa là chàng không có hy vọng xắn quần lội qua. Đừng nói là lội qua, chứ bơi qua nữa, vị tất có thể sang bờ bên kia ngon lành. Gió núi tiếp tục thổi vù vù, mạnh đến nỗi những hòn đá sắc cạnh lớn bằng nắm tay trên bìa cầu cũng bị cuốn phăng xuống nước. Ngay dưới chân cầu, nước lại xoáy tròn, dẫu là quán quân bơi lội thế vận cũng mất xác như chơi.

Buru thở dài ảo não :

-Ông ơi, làm cách nào qua được bây giờ ?

Văn Bình phì cười trước bộ mặt nhăn nhó thảm hại của Buru. Hắn là hướng đạo, quen thuộc đường đi nước bước trong vùng mà lại cầu cứu một người khách lạ lẫm vừa chân ướt chân ráo đến Colômbi và lần đầu tiên dẫm gót trên vùng giáp biên Equatơ...

Chàng bèn nhún vai:

-Thì mình bơi qua.

Buru phóng tầm mắt sang bờ đối diện :

-Rộng gần ba trăm thước, nước lại chảy mạnh như thế này, sợ chết đuối lắm ông ơi !

-Anh muốn sao ?

-Nếu ông cho phép, tôi xin quay về.

-Hừ, anh muốn quay về tuỳ ý, tôi không ngăn cản.

-Còn ông ?

-Tôi ấy à, tôi sẽ bơi qua.

-Ông không sợ chết đuối ư ? Thôi, tôi can ông. ông nên nghe tôi, mình tạm dừng ở đây, đốt lửa làm hiệu, trực thăng cứu cấp bay qua sẽ đáp xuống chở đi.

Văn Bình không thèm đáp. Từ lúc vượt biên đến giờ, chàng chưa hề nghe tiếng trực thăng, vả lại, thời tiết hỗn xược thế này thì không hoa tiêu nào dám cất cánh, kể cả hoa tiêu dầy công trận mạc, chứ không phải các chú hoa tiêu chỉ quen ăn hút ở Nam-Mỹ. Và nếu dùng trực thăng, người ta đã không bắt chàng phải đi trong khối sa mù đầy chết chóc.

Buru tiếp tục đợi chàng trả lời, cặp mắt hắn có vẻ van xin thống thiết. Nhưng chàng tiếp tục tỉnh bơ, men theo con đường nhỏ để xuống dạ cầu. Buru đáng thương thật đấy, hắn chỉ là nhân viên giao liên hạng bét ăn lương còm của CIA.., người ta chỉ sai hắn dẫn đường cho chàng mà không cho biết chàng phải lặn lội trèo non vượt suối ngay sau cơn động đất, núi lửa hoành hành, để làm gì. Buru không thể biết một công tác có tầm quan trọng ghê gớm đang chờ chàng bên kia sông. Dầu gặp khó khăn nào chàng cũng phải đến đích nội hôm nay. Trong trường hợp địch mai phục một trung đội thiện xạ bên kia bờ để giết chàng, chàng cũng phải bơi qua... huống hồ chỉ là những cái xoáy nước và những đợt sóng gầm gừ phía dưới...

Thấy Văn Bình lặng thinh, Buru đành bấm bụng bước theo. Bụi nước từ dưới sông bắn lên tung toé, hoà với sa mù đông đặc thành giọt làm cho đất đá trơn trợt như thoa mỡ. Buru hỗng chân suýt ngã. Hắn hoảng hốt ôm chầm lấy Văn Bình, miệng kêu pe-đo-ne-me không ngớt.

Hắn bỗng nhẫy câng câng, reo hò rối rít:

-Này ông, này ông !

Buru chỉ ngón tay về phía tay trái. Cách chỗ hai người đứng gần trăm thước, một con thuyền đang nội lềnh bềnh trên mặt nước, được buộc vào cây cọc đóng trên bờ. Loại thuyền độc mộc này của dân bộ lạc thiểu số trong vùng được làm bằng thân cây lớn, đục rỗng ruột, không khác thuyền độc mộc của các sắc dân thượng du miền Nam.

Như được chích thuốc bồ, Buru khoẻ dội lên. Hắn hăm hở đi trước, bất chấp những hòn đá sắc nhọn cứa qua làn da dày của đôi bốt trận. Hắn vẫn không ngừng lẩm bẩm một mình :

-Có thuyền, có thuyền, sướng ghê, sướng ghê !

Tuy nhiên, hắn chỉ vui vẻ được một phút rồi đứng lại, mặt đầy vẻ lo sợ. Văn Bình thúc mạnh lưng hắn :

-Mỏi chân hả ?

Hắn rên lên như bị ong chích :

-Chết tôi rồi, ông ơi !

Hại chân Buru như bị vặn bu-loòng xuống đất. Hắn quỳ mọp, chắp tay vái lia lịa . Thoạt đầu, Văn Bình tưởng hắn mắc bệnh dở hơi. Nhưng chỉ một giây đồng hồ sau, chàng đã khám phá ra lý do hắn thay đổi thái độ.

Lý do nầy là một cây gậy bằng nhánh cây khô, ở giữa buộc chùm lông con nhím lủng la lảng lẳng trước gió. Cây gậy được cắm sâu xuống đất, ngay giữa lối đi, cách chiếc thuyền độc mộc ba, bốn thước.

Các sắc dân thiểu số bán khai từ Đông sang Tây khác nhau về màu da, về nguồn gốc, và nếp sống, nhưng đều giống nhau ở tục lệ cắm gậy. Văn Bình xuôi ngược rặng Trường Sơn, phiêu bạt trên cao nguyên Bolôvên nhiều lần nên đã quen với tục lệ cắm gậy của người Khạ, Rhađê, hoặc Seđăng, mùa khô họ săn thú, làm rẫy, mùa mưa họ ở nhà uống rượu ta-vát, múa nhảy và... làm tình, và mỗi khi họ ở lì trong nhà như vậy, họ đều cắm một cây gậy trước cổng, cấm người lạ đột nhập. Tục lệ này được coi là "điên". Trong những ngày họ "điên", người lạ vào làng sẽ bị coi là đến quấy phá và lăng nhục thần linh, và họ sẽ đánh đuổi, có thể giết chết..

Cây gậy buộc lông nhím đang phất phơ trước mặt có lẽ cũng là một hình thức "điên" của dân da đỏ địa phương. Nhưng đây không những là dấu hiệu họ bế môn toả cảng, mà còn là dấu hiệu cấm đoán. Con thuyền độc mộc là tài sản của dân da đỏ, họ neo tại đấy song người lạ không thể xử dụng.

Xử dụng là chết.

Hết van lậy cái gậy, Buru quay lại vạn lậy Văn Bình. Đầu hắn và hai tay hắn lên lên xuống xuống tròn trịa và nhịp nhàng khiến chàng có cảm tưởng hắn tốt nghiệp khoá dậy lễ. Các cô thôn nữ Việt Nam thường mê những cậu trai biết lễ giỏi. Buru qua Việt Nam chắc được hoa hậu gái quê yêu thương lắm.

Văn Bình ngăn hắn tiếp tục lên gối:

-Anh làm gì vậy ?

Giọng hắn run run :

-Ông ơi, xin ông quay lên ngay. Bọn da đỏ đã cắm gậy báo hiệu. Đụng vào thuyền là toi mạng với họ.

-Thì đừng đụng vào.

Văn Bình toan nhổ bật cây gậy. Nhưng Buru đã nhảy tới, nắm tay chàng :

-Ấy chớ, bọn mọi ở đây rất dữ tợn. ông nhổ cây gậy là chúng bắn liền, ông ơi, chúng ăn thịt người như thể ta ăn bit-tết bò non vậy. Tôi sợ đại tá, tôi sợ ông, nhưng tôi sợ chết hơn....

Buru sợ là đúng. Hầu hết người da trắng đều sợ như hắn. Văn Bình cũng đã nghe nói đến những bộ lạc da đỏ ăn thịt người, đàn ông đàn bà đều trần truồng, đầu cạo trắng hếu khoảng giữa, chung quanh để tóc, môi dưới sưng phù bị suốt ngày ngậm trong miệng một cục thuốc lá to tướng. Có những bộ lạc ăn thịt người quanh năm, hiện nay họ trốn chui trốn nhủi trong rừng sâu, lánh xa văn minh loài người, có những bộ lạc khác thỉnh thoảng mới ăn thịt người, còn bình thường họ săn thú, ăn đọt kè như người ta ăn cơm, hoặc bắt tổ ong nhai ngấu nghiến cả mật lẫn ong....

Họ khoái ăn thịt người lạ, song nếu không có thì họ ăn tạm thịt người thân. Không những ăn thịt người sống, họ còn không tha cả người chết nữa. Trong gia đình có người chết, họ không đem chôn mà là hoả táng. Xương cốt và tro còn lại được gói ghém cẩn thận, mang về treo trên gác bếp, chừng nào khô thì đem tán ra thành bột, đem trộn với chuối để làm bánh.

Buru níu áo Văn Bình, bắt chàng trèo lên mặt đường. Chàng cáu tiết xô hắn ra. Chính vì sự nổi nóng của chàng mà cả chàng lẫn Buru đều thoát chết.

Buru ngã xuống. Nền đất trơn nên Văn Bình ngã theo. Và trong khi ngã chàng thoáng nhìn thấy một tấm thân da đồng hun, vẽ đầy hình tràm quái đản, đứng lừng lững trên mỏm đá, cách chỗ hai người gần 30 thước. Té ra một tên mọi da đỏ đã bình thản chứng kiến quang cảnh xe chết máy. Hắn sửa soạn ra tay thì bị lộ hình tích.

Ánh nắng buổi chiều đột nhiên chui qua khối sa mù và mây trắng đặc sệt. Hình bóng lực lưỡng của tên mọi in cắt rõ ràng trên nền đá xám. Văn Bình thấy rõ cây ná lớn vừa được giương lên trên cánh tay vạm vỡ. Và tuy gió thổi mạnh, phụ hoạ với tiếng nước réo điếc tai rùng rợn, Văn Bình vẫn nghe được tiếng mũi tên đầu nhọn hoắt kêu phật khi dứt khỏi dây cung.

Loại tên của mọi dạ đỏ được vót bằng tre vầu riêng, ngâm nước tiểu cho cứng rồi tẩm nhựa thuốc độc. Bị bắn trúng, nếu không có thuốc giải độc thì phải cấp thời rút mũi tên, lấy dao bén cắt xẻo thịt quanh vết thương, rồi nung sắt chín đỏ áp vào, bằng không sẽ mất mạng, hoặc tứ chi sẽ bị tê liệt trong khoảnh khắc....

Văn Bình tung chân đạp Buru lăn xuống sông, đồng thời uốn mình nhào lại phía sau một phiến đá lớn. Mũi tên vầu cắm vào giữa nơi Buru vừa nằm. Nếu hắn trì chậm thêm một giây đồng hồ nữa thì mũi tên hiểm ác đã xuyên qua cuống họng. Buru rớt xuống nước nghe bõm một tiếng. Hắn la lên "trời ơi", nhưng sau khi ấy hắn đã hiểu rõ tại sao lại bị Văn Bình đạp ngã.

Trên mỏm núi, tên mọi xâm mình thụp đầu xuống, có lẽ để rút mũi tên khác. Văn Bình quan sát chung quanh. Chàng không mang khí giới theo mình. Xưa nay chàng vẫn có thói quen này. Bạn đồng nghiệp cho đó là sự khinh địch đáng trách, nhưng chàng lại nghĩ rằng hoạt động với hai tay không dễ thắng địch hơn là mang súng. Mới tháng trước, chàng còn ở Sài Gòn, Nguyên Hương đã chỉnh chàng về bệnh khinh địch, và một lần nữa - không biết là lần thứ mấy chục rồi - nàng khẩn khoản yêu cầu chàng giắt khẩu Luger dưới nách. Nể lời nàng, Văn Bình ừ ào chàng đeo súng vào, nhưng vừa ra khỏi trụ sở công ty Điện Tử, tổng hành doanh của sở Mật Vụ, chàng đã vứt khẩu súng vào hộc tap-lố xe hơi, rồi khi lên trường bay, chàng quên phứt.

Giờ đây chàng mới nghiệm sự thận trọng của Nguyên Hương, sự thận trọng bị chàng coi là cù lần, là rất hữu lý. Giá có khẩu Luger bá phát bá trúng trong tay, chàng chỉ cần nâng lên là tên mọi hết đời.

Phật một tiếng nữa, tên mọi đã bắn mũi tên thứ hai, lần này hắn nhắm bắn chàng vì Buru đã chìm dưới sông. Chàng đảo người nhanh như máy điện tử, mũi tên sượt qua hông chàng, cắm xuống đất gần đến đuôi. Văn Bình không thể tiếp tục né tránh như trước nữa. Sau hai lần bắn trượt, tên mọi đã rút được kinh nghiệm, và mũi tên thứ ba của hắn khó có thể trệch ra ngoài mục tiêu. Chàng bèn trườn người lượm một viên đá nhọn lớn bằng trái banh ten-nít. Cách xa hơn ba chục mét, ném được hòn đá này không phải dễ, phương chi gió lại thổi ngược. Nhưng chàng đã nín thở, vận chân khí vào cánh tay và mạnh mẽ vươn lên.

Tên mọi nhô cái đầu nhẵn thín ra khỏi mõm đá, chưa kịp bắn mũi tên thứ ba thì Văn Bình đã chồm dậy ném viên đá vào giữa miệng. Hắn vẹo người để tránh nhưng viên đá đã phá nát hai hàm răng, khiến hắn buông cây ná, té lăn cù từ mõm đá cao xuống giòng sông nước chảy cuồn cuộn.

Buru vừa từ dưới nước lóp ngóp bò lên, mình mẩy ướt như chuột lột. Tuy vừa thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, trái tim đang đập thình thịch, Buru vẫn không bỏ được tính ba hoa cố hữu. Hắn reo hò như đứa trẻ :

-Hay quá, hay quá !

Văn Bình nhổ cây cọc chắn ngang đường, chạy vội đến nơi buộc thuyền. Chàng chìa tay cho Buru nắm, đoạn dìu hắn xuống con thuyền gỗ tròng thành. Nhưng chàng chưa kịp đặt chân lên nền gỗ thì phía sau mõm đá, nơi tên mọi da đỏ núp bắn hồi nãy có tiếng kêu thất thanh :

-Cứu tôi với, ai cứu tôi với !

Tiếng kêu cứu là của đàn bà và bằng tiếng Tây-ban-nha. Buru giật mình bước hụt ngã luôn xuống nước. Đến lượt hắn há họng kêu cứu. Song Văn Bình không có thời giờ quan tâm đến hắn, phần vì chàng muốn hắn uống đầy bụng nước cho bớt tánh ba hoa chích choè, phần vì chàng đang định thần tìm phương hướng. Tiếng kêu cứu phụt lên lần nữa rồi câm bặt sau những tiếng ú ớ, chắc hẳn người kêu cứu bị bịt miệng.

Văn Bình co chân nhảy lên tảng đá cao gần hai mét. Nhảy không cần điểm tựa mà lên đến hai mét, nghệ thuật của chàng quả không thua thành tích vẻ vang của các nhà vô địch thế vận hội. Chàng thót người một cái nữa, và trong chớp mắt, chàng đã lên được tới mỏm núi.

Tiếng ú ớ đang trở thành tiếng ằng ặc : nạn nhân bắt đầu bị bóp cổ ngạt thở.

Văn Bình xuất hiện lẫm liệt như thiên thần, giữa một đám đông mọi da đỏ. Chúng gồm trên dưới 6 tên, tên nào cũng trần truồng, xâm mình hai mầu đen đỏ trông gớm ghiếc, cả bọn đang xúm xít chung quanh một người đàn bà, đúng hơn một cô gái, phục sức quần áo săn tây phương.

Thấy Văn Bình, cả bọn bỏ cô gái, ùa lại phía chàng. Toàn thể đều trẻ, tên lớn tuổi nhất chỉ độ 25 là cùng. Tuổi 20, 25 là tuồi sung sức nhất của người da đỏ. Họ sống trong những điều kiện vệ sinh thiếu thốn nên tuổi họ bị thu ngắn, ít đàn ông thọ quá 40. Họ chết bệnh, chết đói một phần, phần khác, họ là nạn nhân của các cuộc thanh toán thường trực theo đúng luật của rừng xanh "mạnh được, yếu thua".

cả bọn đều có khí giới, một số đang cầm cung tên, hầu hết mang dao nhọn. Một loại dao nhọn sáng loáng nhằm Văn Bình đâm chém loạn xạ.

Văn Bình nhảy lùi lại. Chàng chưa vội trổ tài, vì việc đầu tiên là tìm cách giải cứu cho cô gái. Bọn mọi khá đông, khá khoẻ mạnh, được võ trang đầy đủ, song chàng không lo ngại, điều chàng lo ngại là trong khi chàng bận giao đấu, một tên trong bọn có thể kéo cô gái đi nơi khác, hoặc nhẫn tâm hạ thủ nàng. Đối với mọi da đỏ thì mạng sống con người chỉ bằng mạng sống con ong rừng khi lấy mật, họ rón luôn tổ ong, đem nghiền nát lẫn lộn với côn trùng và đất đen ăn ngon lành.

Thoạt tiên, Văn Bình tưởng bọn mọi da đỏ là đạo quân ô hợp, chỉ phất tay áo sơ-mi là ngã rụp, nhưng sau khi những ngọn dao mỏng bén ào tới, chàng không dám khinh địch nữa. về đao pháp, bọn mọi tỏ ra được huấn luyện thuần thục, không những riêng cho cá nhân, mà còn chung cả cho tập thể nữa. Tuy nhát dao có vẻ rời rạc, sự thật nó rất lợi hại. Từ lâu Văn Bình đã nghe nói đến một bộ lạc am tường đao pháp ở vùng rừng rậm Nam-Mỹ. Họ sinh sống trong những điều kiện bán khai nhưng về đao pháp, họ không thua kém các lò kiếm đạo hữu danh ở Nhật Bản.

Sợ dĩ họ giỏi đao pháp là vì ngoài cung tên ra, họ chỉ có đao thương làm khí giới độc nhất để chống lại sự tấn công giết chóc từ bốn thế kỷ qua của người da trắng. Vào thế kỷ thứ 15, khi người da trắng đặt chân lên đất Nam-Mỹ, tổng số dân da đỏ bản xứ được ước lượng khoảng 6 triệu người. Vậy mà ngày nay, người ta chỉ còn đếm được chưa đầy 400000 người da đỏ trên các vùng đất cũ. Gần đây, người da trắng vẫn không đình chỉ công cuộc tàn sát vô nhân đạo, trái lại, họ còn tiếp tục một cách vô nhân đạo và trắng trợn hơn nữa. Bộ đội thường thử tầm súng đại bác bằng cách bắn hàng loạt vào làng xóm da đỏ. Không quân xứ Pe-ru dội bom xăng đặc xuống khu da đỏ. Có những tổ chức bán công khai thuê bọn thiện xạ chuyên nghiệp đi sâu vào rừng rậm để giết dân da đỏ, giết xong thì chỉ cần mang cặp tai còn nóng và chưa khô máu của mọi da đỏ về là được trả tiền hậu hĩ.

Trước khi vượt biên giới Colômbi vào cộng hoà Equatơ, Văn Bình đã gặp một toán thợ săn tây phương. Toán thiện xạ này có nhiệm vụ hộ tống các chủ nhân ông dầu hoả da trắng đi tìm thú lạ, và thú độc nhất vô nhị này là săn bắn dân mọi.

Rút vào thâm sơn cùng cốc, các bộ lạc bản xứ đã khổ công rèn dao thật bén, chọn thuốc độc thật nhậy để tẩm vào đầu tên. Đao pháp của họ gần giống môn lục hợp đao của Thiếu Lâm tự Trung Hoa những số thế tấn và thủ căn bản chỉ có 12. Họ dùng dao nhẹ nên múa nhanh, hễ sáp lá cà là họ nắm chắc phần thắng cho dầu đối phương được trang bị bằng súng lục tự động.

Văn Bình hơi ngạc nhiên vì cả bọn đều chém luôn ba nhát, tương tợ thế "Liên hoàn tam đao" Trung Hoạ, nhưng dường như họ chém để thăm dò phản ứng của chàng chứ chưa thực sự ra tay mạnh mẽ và quyết liệt. Thấy chàng nhảy thoái theo võ Tàu, bọn mọi có vẻ chột dạ. Một tên trong bọn, có lẽ là cấp chỉ huy, ra lệnh một hồi bằng những tiếng ngắn líu la líu lô. Văn Bình nói giỏi hàng chục thứ tiếng, và nghe lõm bỏm trên dưới ba chục ngôn ngữ trên thế giới, kể cả tiếng các bộ lạc ăn lông ở lỗ nhưng chẳng hiểu tí gì. Sau khi nghe lệnh, bọn mọi cùng thu dao, thay đổi thức đánh : họ chia thành hai toán, vây hai mặt theo hình nan quạt, chàng đang dụ dự thì họ lại nhanh nhẹn biến làm bốn toán từ tứ phía xông lại kẹp chàng vào giữa với những đường dao tới tấp kinh hồn.

Văn Bình không còn cách nào khác, ngoài cách phi thân thoát khỏi vòng vây và dùng độc thủ tuyệt luân triệt hạ từng tên một. Chàng giật được lưỡi dao của tên mọi nhỏ nhất trong bọn, và đá mạnh vào chân hắn. Hắn lăng lông lốc từ trên cao xuống dốc, rồi tuột ùm xuống giòng sông chảy xiết.

Tên thứ nhì xán lại, chàng lia dao ngang ngực. Hắn nâng dao đỡ. Hai lưỡi dao từ một xưởng rèn của bộ lạc mà ra, song sức mạnh của Văn Bình đã tiện đôi lưỡi dao trên tay địch, nửa nhọn bay tuốt lên trời, nửa chuôi lôi phăng nạn nhân xuống giòng sông cuồn cuộn sau bạn hắn chưa đầy 30 giây đồng hồ. Tên thứ ba chém ngược từ dưới lên trên cùng một lúc với nhát thứ tư từ trên xuống dưới của tên mọi thứ tư đánh lén sau lưng.

Văn Bình lạng người sang bên tránh cả hai ngọn dao. Hụt chàng, họ chém dao vào nhau, cả hai đều bị thương, một tên trượt chân, kéo bạn chới với. Văn Bình quét nhẹ một ngọn độc cước và giải quyết êm lẹ.

Sạu một phút đồng hồ giao đấu, Văn Bình đã loại được khỏi vòng chiến bốn tên mọi. Còn lại hai tên thì một tên đang giằng co với cô gái mặc đồ săn, tên cuội cùng, có lẽ là cấp chỉ huy, vẫn bình thản chống tay phải vào hông, tay trái cầm dao, chỉ mũi nhọn xuống đất. Chắc hắn đợi đàn em thất trận mới chịu bước vào vòng chiến. Văn Bình biết hắn là cấp chỉ huy, vì so sánh với bọn mọi, hắn có tấm thân cân đối hơn, răng đều hơn, làn da cũng ít đen hơn, và đặc biệt là cặp môi không dầy cộm và nứt nẻ vì quanh năm ngày tháng quen nhai lá thuốc.

Cô gái tiếp tục la hét:

-Cứu tôi với, cứu tôi với !

Tiếng kêu của nàng như mũi dùi nhọn xoáy sâu vào trái tim Văn Bình. Chàng cảm thấy toàn thân đau đớn như thể cô gái mặc đồ săn là người thân thích. Vì vậy, chàng can thiệp ngay, không cần suy nghĩ. Lệ thường, chàng phi thân khá xa, vô địch thế vận cũng khó hạ nhục được chàng. Nhưng trong trường hợp ấy, chàng phải có đủ thời giờ đề khí nghĩa là vận động mãnh lực của châu thân dồn xuống hai chân để nhảy vọt lên.

Lần này chàng co giò là nhảy. Và nhảy nhanh như chớp xẹt, đối phương chưa kịp phản ứng thì khoảng cách 5 mét đã được thu ngắn thành gang tấc và chàng hục đầu vào bụng hắn. Một tiếng "ục" nồi lên, tạng phủ tên mọi đã bị đâm nát bấy. Tiếp theo tiếng "ục" thê thảm là tiếng "tỏm" của khối xương thịt nhầy nhụa chìm lỉm dưới sông.

Chỉ còn lại Văn Bình và tên mọi chỉ huy. Hắn vẫn chống nạnh, dáng điệu kiêu căng, Văn Bình hơi ghê răng như khi ăn đồ chua, trước luồng nhỡn tuyến lạnh lùng và nhất là cái cười man rợ của hắn.

Hắn hất hàm bằng tiếng Anh :

-Mời ông.

Văn Bình chưa kịp đáp thì tên mọi chỉ huy đã xuất chiêu như vũ bão. Hắn chống chân trái xuống phiến đá, chân phải co lên, đồng thời cầm cầm lưỡi dao ngửa sống lên trên, đâm thẳng ngực Văn Bình. Chàng hoảng hồn né tránh.

Chàng hoảng hồn, không phải vì đối phương áp dụng thế đánh kỳ diệu mà chàng chưa biết cách phá. Miếng đánh của hắn là một trong những thế sơ đẳng của lục hợp đao Trung Hoa. Dân mọi Nam-Mỹ mà đánh dao theo trường phái Trung Hoa ! Đó là điều mà chàng không thể không lưu ý.

Văn Bình vừa thoát một thế "bạch viên hiến đào" thì tên mọi chỉ huy đã xoay ngang chân phải, nâng dao lên đầu, hai bàn tay nắm chặt chuôi dao như trong kiếm đạo Nhật Bản. Vèo một tiếng thật mạnh, đối phương tung ra chiêu "Tô Tần bội kiếm"....

Chàng đi từ đầu bán đảo châu Á qua Mỹ châu và tuột một mạch xuống Nam-Mỹ xa xăm, đinh ninh sẽ không bao giờ gặp lại quyền thuật Trung Hoa nữa. Chàng không dè tên mọi da đỏ lại là tay đao Trung Hoa lão luyện. Và thầy dạy hắn chỉ có thể là Quốc Tế Tình Báo sở...

Quốc Tế Tình Báo sở, cơ quan điệp báo thần sầu của chế độ cộng sản Hoa lục.... Tình Báo sở giành khá nhiều thời giờ huấn luyện để truyền thụ cho nhân viên các phép đánh đỡ đao thương cổ truyền Trung Quốc. Riêng về phép đao và thương, họ đã sửa chữa và hiện đại hoá. Những đường đao của tên mọi chỉ huy giống hệt với bài dậy trong trường đao thương toạ lạc tại ngoại ô thành phố Thượng Hải.

Tên mọi chỉ huy lại hươi dao chém và Văn Bình lại tránh. Hắn tưởng chàng sợ đòn, hắn không thể biết được rằng chàng đang dụ hắn thi thố hết tài năng. Hắn dè bỉu :

-Đồ hèn !

Văn Bình cười nhạt, liệng cây dao sáng loáng như nước xuống sông. Không cần đợi chàng thách thức, tên mọi đã a lại, đinh ninh chàng phải trả sự khinh địch bằng giá rất đắt. Hắn tiến chân trái một bộ, quét lưỡi dao từ sau ra trước, nhằm chặt phứt bả vai chàng theo một biến thể của chiêu "đảo bạt thuỳ liễu". Văn Bình đứng yên, vung bàn tay thật nhẹ nhàng. Ngón tay chàng chọc trúng khoảng giữa của lưỡi dao, gần đầu nhọn. Lưỡi dao vọt khỏi tay tên mọi bay ra xa như vừa bị trận cuồng phong cuốn thổi. Đỡ dao cách này là một bí quyết kỳ ảo của Thần Điệp đao pháp, trrong số huấn luyện viên đao thương của Quốc Tế Tình Báo sở chỉ có vài võ sư học nổi. Vì ngón tay phải canh thật đúng, nếu không bị chạm vào lưỡi bén hoặc đầu nhọn sẽ bị trọng thương.

Văn Bình giải quyết cuộc quần thảo bằng một ngọn đơn phi êm ái. Tên mọi chỉ huy nằm mọp luôn trên đống đá nhọn hoắt, không sao nhỏm dậy được nữa.

Chàng quay sang bên phải để tìm cô gái mặc đồ săn tây phương.

Nhưng nàng đã từ sau lưng chạy tới, ôm chầm lấy chàng. Chàng đã nghĩ lầm khi rời Me-tây-cỗ xuống Nam-Mỹ đồng khô co cháy, núi non trùng điệp này sẽ khó có thế tao ngộ giai nhân núi lửa. Trong trí chàng, vùng biên giới Me-tây- cơ là thiên đường tình yêu, chứ không là sa mạc cằn cỗi toàn mọi ăn thịt người như vùng biên giới Colômbi...

Chàng cảm thấy tâm thần lâng lâng, tin rằng người đẹp ôm cứng chàng để hôn. Đối với phụ nữ tây phương thì hôn đàn ông lạ nhiều khi là một cách biết ơn chân thành, vì dầu sao chàng cũng đã cứu mạng sống cho nàng. Nhưng cũng có thể nàng bị tiếng sét ái tình đánh ngang tai, nàng gặp chàng và yêu chàng ngay, như thể có hẹn từ kiếp trước.

Văn Bình nhắm mắt chờ làn da mát rợi cọ sát. Song, hỡi ôi, chàng đã vỡ mộng. Cô gái chỉ định ôm chứ chưa vòng tay quanh lưng chàng. Dường như một mãnh lực bí mật nào đó bắt nàng ngưng lại chờ đợi....

Chàng đành mở mắt ra. Cô gái mặc đồ săn hỏi chàng :

-Ông định đến căn cứ 4Q ?

Văn Bình gật đầu. Có lẽ 4Q là cái tên tiền định. Vì khi người ta bói bài để tìm hiểu tương lai tình ái trong II con bài rút ra từ bộ bài 32 lá, nếu có đủ 4 con đầm, nghĩa là 4 Queens viết tắt là 4Q thì đương sự luôn luôn có số đào hoa (3).

Mới hôm qua ở Me-tâycơ, chàng đã vớ được một hơi 4 con đầm ưỡn ẹo. Chàng không tin : giờ đây chàng mới hiểu được là "nhất ẩm nhất trác giai nhân do tiền định". Bằng chứng là ở nơi khỉ ho cò gáy này chàng đã gặp giai nhân.

Thấy chàng gật đầu, nàng cười sung sướng :

-Thế hả ? May cho em quá. Em cũng đang tìm đường đến căn cứ 4Q. Mấy cơn động đất liên tiếp đã làm đường xá kẹt cứng, ông đến 4Q co công việc gì ạ ?

À ra nàng định làm điều tra viên ! Chàng nhún vai, giọng tỉnh khô :

-ồ, đến thăm một người bạn.

Văn Bình cố tình trả lời lững lờ để cô gái tò mò không thể tò mò thêm nữa. Nhưng ngược lại, nàng đã hỏi thẳng không chút úp mở :

-Ông có thể cho em biết người bạn của ông trong căn cứ 4Q là ai không ?

Văn Bình nhìn thẳng giữa mắt nàng. Nàng khó thể là con gái nhà lành, lạc đường trên xa lộ biên giới rồi sa vào cạm bẫy của bọn mọi da đỏ tàn bạo. Nàng có tấm thân mảnh mai, yếu đuối thật đấy, nhưng theo kinh nghiệm, chàng đã gặp cả chục, cả trăm cô gái cũng mảnh mai, yếu đuối như nàng mà giỏi nhu đạo cận chiến, biết tác xạ chính xác, và là nhân viên nguy hiểm của địch... Nàng chính là nhân viên của địch cũng nên.

Đã thế "dĩ độc trị độc", Văn Bình sẽ nói toạc cho nàng biết nhiệm vụ của chàng. Chàng được phái đến căn cứ 4Q để gặp một người quan trọng, tên là Doarê. Anbe Doarê. Chàng bèn nắm tay cô gái, cười mỉm :

-Bạn tôi là ông Anbe Doarê.

Cô gái bỗng reo như đứa trẻ :

-Ông nói sao ? Bạn ông là Anbe Doarê hả ?

Văn Bình lại gật đầu. Tuy nhiên, chàng lùi lại một bước, gân cốt chùn dãn, chuẩn bị đối phó trong trường hợp cô gái rút súng hoặc phóng atemi. Chàng không định giết cô gái mà chỉ tìm cách chặn đòn và đoạt khí giới.

Nhưng trên thực tế, Văn Bình đã thận trọng một cách hoàn toàn vô ích. Cô gái bước tới trong khi chàng lùi, song hai cánh tay nàng không luồn vào túi lấy khí giới mà là giang ra, giang rộng ra, và ôm ngang bụng chàng.

Giọng nói của nàng trở nên vui tươi và nhí nhảnh thêm lên :

-Trời ơi, em cũng đến căn cứ 4Q tìm Anbe Doarê.

Doarê, cái tên bề ngoài có vẻ hiền lành lại là đầu mối một công tác quan hệ mà Văn Bình có bổn phận làm tròn... Chàng đang bần thần, chưa định xử trí ra sao thì cô gái mặc đồ săn đã thật sự dính vào người chàng, và chao ôi, nàng ghé đôi môi thơm tho vào miệng chàng, hôn một cách ác liệt.

Sực nhớ đến nhiệm vụ, Văn Bình vội nhả nàng ra :

-Cô, cô là ai ?

Thiếu nữ đeo cứng lấy bả vai chàng :

-Em ấy à ? Em là Doarê....

Văn Bình bàng hoàng như bị ai đánh nhằm mê huyệt. Con người lạ lùng chàng sẽ gặp được gọi là Doarê. Cô gái đang ôm hôn chàng, và nói là đến căn cứ để gặp Doarê cũng mang tên Doarê. Doarê là ai ? Doarê là giống đực hay giống cái ? Chàng đang mê hay tỉnh ?

Chàng lắc đầu nhiều cái thật mạnh để xua đuổi những ý nghĩ rối mù.

Và trong một loáng đồng hồ, Văn Bình bỗng nhớ đến một thị trấn biên giới, được mệnh danh là thị trấn Doarê. Mọi chuyện lạ lùng bắt đầu từ khi chàng đặt chân xuống thị trấn này.

Một thị trấn ái tình dọc biên giới Me-tây-cơ !...

Và tại thị trấn ái tình này, người ta đã yêu cầu chàng vượt biên giới Colômbi để tìm kiếm Doarê

-----------------------

1.Tiếng Tây-ban-nha là perdoneme.

2.OAS.., organisatión of American States, Tổ chức các qước gia Mỹ châu là tổ chức gồm Hoa-kỳ và các quốc gia Nam-Mỹ, mục đích giúp nhau phòng vệ nhưng hiện nay là nhằm loại trừ ảnh hưởng cộng sản phiến động.

3.Coi chừng, nếu trong số II con bài xếp theo hình cánh quạt này chẳng may có 4 con mang số 9 thì chắc chắn 80 phần trăm là một cuộc chia ly tình ái não lòng sắp sửa xảy ra, có thể dẫn đến chia ly vĩnh viễn.