Bà Nhân ngồi trong phòng khách dễ chừng cũng đã hơn một tiếng đồng hồ. Con nhỏ sao hôm nay tới chậm thế. Lại bận rộn tết nhất ở nhà chắc. Ờ, lẽ ra tuần trước nó phải nói với bà là hôm nay không đến chứ. Con nít gặp ngày tết mừng như lân gặp pháo ấy chứ. Thằng Thắng, thằng Thịnh hồi bằng tuổi con nhỏ này mỗi lần tết đến lăng xăng phải biết. Đòi đủ thứ: quần áo mới này, tiền lì xì này, tiền mua pháo này, dẫn đi chơi sở thú này, đi coi xiếc này... Chỉ thiếu điều đòi mang ông trăng xuống chơi thôi. Trẻ con ấy mà. Có bao giờ biết thế nào là đủ đâu.

Mi mắt bà Nhân xụp xuống mệt mỏi. Phải ráng chờ con nhỏ ít phút nữa vậy. Tuần trước nó không nói với bà là tuần này không đến được thì chắc nó sẽ đến. Con nhỏ này được cái rất trọng giờ giấc. Chẳng có tuần nào để cho bà phải chờ lâu cả. Vậy mà hôm nay sao vẫn chưa thấy mặt nó. Tết mà! Bà khẽ mỉm cười nghĩ đến ngày tết hôm nay.

Đêm qua bà thao thức ngủ không được. Lúc hai chiếc kim đồng hồ dạ quang chụm lại báo giờ giao thừa bà đã nấc lên úp mặt xuống gối cho khỏi gây tiếng động thức tỉnh bà Marie ở giường bên cạnh. Lẽ ra giờ giao thừa bà phải thắp nén nhang cúng vái bố mẹ, chồng con, những người đã từng chia xẻ với bà cả một quãng đời an bình xưa cũ. Nhưng bà không muốn cái bà Marie khó chịu dễ ghét chu chéo chì chiết nên bà đành phải nằm khóc thầm. Những giọt nước mắt trào ra thấm xuống gối có mời gọi được những người đã khuất tề tựu bên chiếc giường cô đơn của bà không? Bà nhớ lúc đó bà có liếc mắt nhìn lên những tấm hình bầy một hàng dọc trên chiếc bàn nhỏ cạnh giường ngủ. Ánh sáng từ những ngọn đèn đường rọi vào hắt hiu chập chờn trên những khuôn mặt thân yêu. Nét mặt cương nghị nhưng khoan hòa của ông Nhân, đôi mắt nghịch ngợm thông minh của thằng Thắng, cái miệng nhỏ nhắn môi dưới đưa ra như lúc nào cũng hờn dỗi của thằng Thịnh.

Mới đó mà tất cả đã bỏ bà nằm trơ trụi một mình trong cái Viện Dưỡng Lão buồn thảm này. Ngày thằng Thắng xách ba lô tới đơn vị mới ở tuốt tận ngoài Quảng Trị sau hai tuần nghỉ phép ra trường Thủ Đức bà đã cầm tay nó bảo nhớ về thăm mẹ luôn nghe. Dặn là dặn vậy thôi chứ bà cũng biết đời lính, đường xa cách trở mỗi lần về là một lần khó. Vậy mà chưa đầy một tháng người ta đã chở nó về. Chiếc quan tài phủ quốc kỳ chưa lọt qua cổng nhà bà đã bổ nhào bất tỉnh ngay giữa sân. Cái xác chết trẻ của thằng Thắng chẳng ngăn được bước tiến của giặc. Mảnh đất của biết bao nhiêu người đổ mồ hôi, tưới máu đào lên để giữ gìn cứ co cụm dần như một miếng da bò hơ trên lửa nóng. Chỉ trong ít ngày ngắn ngủi mà thành quách tan hoang, đất nước ngã chết một cách tức tưởi. Thằng Thịnh ôm chiếc túi vải lên đường đi học tập. Nghĩ là chỉ đi mười ngày mà ở tới năm năm cho tới khi thân tàn ma dại nằm xuống tuốt tận ngoài núi rừng miền Bắc. Bà chẳng một lần được nhìn thấy mộ thằng con út.

Hai đứa con trai, một đứa chết dưới bom đạn trong thời chiến, một đứa chết giữa thù hằn trong thời bình. Còn lại hai vợ chồng già trốn chạy quá khứ dắt nhau vượt biên. Tưởng thoát được sang tới bên đây là yên ấm, ai ngờ chỉ được vài năm ông Nhân đang uống rượu nói nói cười cười bỗng gục xuống chết trước những cặp mắt thất thần của bạn bè.

Ba bức hình của ba người đã khuất nằm hàng ngang trên chiếc bàn nhỏ chẳng ra một cái bàn thờ. Ngày đầu tiên vào Viện Dưỡng Lão bà Nhân cũng có mang theo bó nhang định hương khói cho người chết khỏi lạnh lẽo. Bà bày mấy tấm hình lên, đốt một que nhang thỉnh linh về là đã gặp ngay rắc rối. Mùi nhang vừa tỏa ra thì bà Marie ở chung phòng với bà tai thì điếc mà sao mũi lại thính đến thế. Bà ta ôm mặt nhảy mũi liên tiếp. Đôi mắt long sòng sọc nhìn qua chiếc bàn thờ giản dị đến tội nghiệp của bà Nhân làm hiệu cho chiếc miệng xuệch xoạc la hét ầm ĩ kéo theo đôi tay run rẩy ấn vào nút chuông điện tưởng chừng như chiếc nút nhỏ bé có thể chìm lĩm vào trong tường như không. Bà y tá Jeanne phốp pháp trực phòng bữa đó vừa lạch bạch chạy vào thì bà Marie một tay bịt mũi một tay nhịp nhịp chỉ vào cây nhang đang hững hờ nhả khói nghiêng ngả. Bà Jeanne ôm vai bà Marie vỗ về nhỏ nhẹ như đang dỗ một đứa trẻ. Đợi tới khi bà ta bình tĩnh lại ngồi xuống giường, bà Jeanne mới qua phía bà Nhân nói huyên thuyên một hồi. Bà Nhân hồi nhỏ có học võ vẽ ít tiếng Pháp nhưng cái tiếng Pháp thiệt nơi đây với cái tiếng Pháp trong sách vở còn rơi rớt lại trong đầu bà như chẳng ăn nhập gì với nhau. Bà Jeanne nói thì nhiều nhưng những gì bà Nhân cảm được chẳng có bao nhiêu. Bà Nhân lờ mờ hiểu được là bà Jeanne nói lời hơn thiệt để bảo bà dẹp bỏ cây nhang đi. Bà Jeanne vỗ vai bà Nhân, cười cười nhìn vào mắt bà rồi chậm rãi rút cây nhang đi vô phòng tắm dập tắt bằng nước trước khi bỏ vào giỏ rác. Vẫn với cử chỉ nhẹ nhàng thận trọng, bà cười với bà Nhân trong khi tay thu dọn đôi chân đèn cầy và chiếc lư hương nhỏ bằng đồng cất vào trong tủ riêng của bà Nhân. Bà Nhân ngồi bất động nhìn chiếc bàn thờ trống trải không cầm được nước mắt. Sợi dây vô hình nối kết bà với chồng con bỗng rời ra như một sợi bún nát nhoẹt trong nước. Bà cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Bà Jeanne thổ thổ lên lưng bà vài cái rồi nhẹ nhàng đi ra.

Ngày hôm qua bà Nhân rất hài lòng khi qua mặt được bà Mariẹ Bà sửa soạn đón chồng con về ăn tết mà bà Marie chẳng hay biết gì cả. Dưới nhà có một cửa tiệm nhỏ bán ít đồ dùng lặt vặt cộng thêm ít trái cây và vài bó hoa. Bà Nhân mua một bó hoa và ít trái cây mang lên phòng. Bà cắm hoa vào một chiếc ly thủy tinh đặt ngay trước những tấm hình chồng con. Bà lấy một chiếc đĩa đẹp nhất bày mấy trái táo đỏ, chùm nhỏ xanh và vài trái đào mơn mởn nhung tợ Cũng là một đĩa quả cúng tàm tạm được.

Bà Marie thấy chuyện lạ chong mắt ngó qua miệng không ngừng nuốt nước miếng. Bà Nhân tương kế tựu kế lựa một chùm nhỏ nhỏ nhỏ, một trái táo và một trái đào còn lại trong bao đưa cho bà Mariẹ Bà già háu ăn vồ lấy miệng lia lịa nói Merci! Merci!. Bà Nhân nhoẻn miệng cười tươi kéo theo cái miệng móm mém của bà Marie cũng cười tươi không kém. Làm như bà bày trái cây để ăn chứ không phải để cúng. Bà chặc lưỡi. Thiện tâm nằm sâu trong lòng bà Marie nào biết được.

Sáng nay bà Nhân xuống nhà sớm mua một bó hoa đày màu sắc xoắn xít tươi vui. Để cho con nhỏ. Lẽ ra phải cho nó hộp bánh hộp kẹo gì mới đúng nhưng cả cái cửa tiệm trong Viện Dưỡng Lão chỉ toàn bánh kẹo để trong gói nhỏ xíu. Chẳng có một hộp bánh kẹo nào cho ra hồn để tặng con nhỏ vào một ngày trọng đại như ngày hôm naỵ Bà đành phải mua bó hoa. Chắc con nhỏ cũng thích hoa chứ.

Bà ngồi ôm bó hoa trên người chờ con nhỏ. Nước đọng trong những cành hoa thấm ướt tờ giấy gói in hình sặc sỡ để lại một vệt đậm màu trên vạt áo nâu non có điểm những bông hoa màu hồng nhỏ xíu của bà. Sáng nay bà đã định mặc chiếc áo dài để cho con nhỏ sống ở xứ người thấy vẻ trang trọng thiêng liêng của ngày tết. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại bà bỏ ý định đó. Chiếc áo dài lạ mắt chắc chắn sẽ kéo cả Viện tới coi bà như coi một người từ hỏa tinh xuống. Rồi thấy sự lạ người ta sẽ xúm xít lại hỏi han. Chữ nghĩa đâu mà giải thìch. Có miệng cũng như câm. Có tai cũng như điếc. Người ta xếp bà vào ở chung với bà Marie điếc thậm điếc tệ kể cũng đúng. Chẳng ai phải nói với ai. Sáng dậy bonjour một cái, tối đi ngủ bonne nuit một cái là xong. Chào nhau mà hò hét như hô khẩu hiệu.

Trong Viện ai cũng biết bà lạc lõng cô đơn cho nên mọi người đều chào đón tươi cười với bà. Những nụ cười thật đáng quí nhưng không đủ. Bà Jeanne cũng biết vậy nên luôn luôn dỗ dành bà là khi nào có một bà cùng xứ sở với bà nhập Viện thì họ sẽ xếp cho hai bà ở chung một phòng. Lúc ấy tha hồ mà trò chuyện. Bà Nhân mong chờ từng ngày nhưng chẳng thấy tăm hơi niềm vui của bà đâu. Bà ứa nước mắt khi nghĩ có lẽ bà là người di tản duy nhất bị bỏ cô đơn trong Viện Dưỡng Lao.

Một buổi sáng bà Jeanne hớt hơ hớt hải tới báo cho bà một tin vui. Trong đám học sinh thiện nguyện tới Viện thăm viếng trò chuyện với các bà năm nay có một con nhỏ Việt Nam. Mỗi chủ nhật con nhỏ sẽ tới chơi nói chuyện với bà vài tiếng đồng hồ. Từng sớ thịt, từng mạch máu trong người bà Nhân căng phồng lên. Cuối cùng trời đất cũng mang lại cho bà được một người đồng hương.

*

* *

Con nhỏ lách người qua chiếc cổng sắt lớn già nua cũ kỹ như những bà già trong Viện. Đôi mắt bà Nhân vừa bắt được hình dáng con nhỏ mảnh mai dưới trời tuyết thì chiếc miệng của bà đã khó khăn vẽ ra một nụ cười thiếu trước hụt sau. Mẹ mày! Để bà chờ bắt mệt. Bà khẽ mắng yêu. Con nhỏ co mình trong chiếc áo choàng sậm mầu, chiếc túi đeo lưng được vắt hững hờ trên một bên vai, đang thận trọng tiến từng bước trên đường ngập tuyết trơn láng. Trông dễ ghét quá đi. Bà Nhân khẽ lầm bầm trong miệng, đôi mắt như muốn nuốt chửng con nhỏ.

Con nhỏ thực ra cũng có tên. Một cái tên tây. Bà Nhân cố nhồi nhét cái tên này vào trong đầu mà cứ trật vuột hoài. Tên với tuổi chi mà khó khăn quá. Cũng chẳng trách được nó. Nó sanh đẻ ở bên này thì mang tên tây cũng là chuyện thường. Chỉ tại cái đầu của bà chui ra khỏi bụng mẹ Ở tuốt tận một làng quê nghèo khổ nắng chang chang quanh năm suốt tháng lại bị cuộc đời vứt lăn ra ở một Viện Dưỡng Lão tuyết ngập trắng xóa như thế này nên không kham nổi cái tên con nhỏ. Đành cứ vắng mặt nó thì gọi là con nhỏ, có nó trước mặt thì kêu bằng cháu. Vậy mà hóa ra thân mật.

Cánh cửa kính cồng kềnh nặng nề vừa được đẩy ra xua một luồng khí lạnh kéo ập vào chỗ bà Nhân ngồi. Bà khẽ rùng mình ớn lạnh. Con nhỏ lách người vào thấy bà ngồi đó bèn nhoẻn miệng cười chào:

- Hi, bà!

- Hai với ba cái gì. Bà dặn cháu hoài là gặp người lớn phải chào hỏi cho đàng hoàng, cháu không nhớ sao?

Con nhỏ rụt cổ, le lưỡi, nhún người mấy cái rồi làm bộ vòng hai tay trước ngực, cúi đầu xuống một cách trịnh trọng quá đáng, chậm rãi nói như một diễn viên ngoại quốc nói tiếng Việt trên sân khấu:

- Thưa bà, hôm nay bà có mạnh giỏi không?

Nói xong nó lấy tay bịt miệng cười khúc khích làm bà Nhân không nhịn được phải cười theo. Nó mon men lại gần bà, xoa xoa chiếc lưng cong của bà hỏi:

- Hôm nay bà đợi cháu chắc dài lắm nhỉ? Bà có biết cái gì xảy ra cho cháu không?

Thứ tiếng Việt kiểu tây của con nhỏ lúc đầu làm cho bà Nhân khó chịu bắt nó sửa đi sửa lại cho đúng. Mấy lần đầu con nhỏ chịu khó làm theo nhưng nói câu nào cũng bị bà Nhân bắt nói lại, nó nổi lì nhất định ngồi không nói gì nữa. Bà Nhân thấy tình thế bất lợi vì bà là người cần nói hơn nó nên bà nhượng bộ để mặc cho con nhỏ muốn nói gì thì nói miễn là bà hiểu được thì thôi.Nhiều lúc nghĩ đi nghĩ lại bà thấy mình khe khắt một cách vô lý. Con nhỏ sanh đẻ ở bên này nói tiếng Việt được như vậy là quí rồi. Nhiều đứa có nói được một chữ nào đâu.

Bà giả lả trả lời con nhỏ:

- Ờ, hôm nay cháu tới trễ làm bà đợi khá lâu nhưng bà biết tại sao rồi.

- Tại sao vậy?

- Vì hôm nay là ngày tết chắc cháu còn bận ăn tết ở nhà với bố mẹ cháu chứ gì. Bà còn tưởng cháu không tới nữa ấy chứ!

Con nhỏ lắc đầu quầy quậy:

- Không phải như vậy đâu. Nhà cháu có ăn uống gì đâu. Cháu lấy phải một chiếc xe buýt bị hư phải xuống đường đứng chờ chiếc khác đi tới. Bà biết không, buýt ngày chủ nhật nó thưa thớt lắm. Cháu đợi dài thiệt dài mới có chiếc khác nó đi tới nên cháu tới trễ.

Bà Nhân nắm tay con nhỏ suýt soa:

- Tội cháu quá! Trời lạnh như thế này mà phải đứng đợi lâu giữa đường như vậy. Lần sau cháu phải tìm một chỗ nào vào đứng cho ấm kẻo bị cảm thì khốn. Mà bà hỏi cháu hôm nay nhà cháu ăn tết có vui không?

Con nhỏ giương cặp mắt đen láy lên ngơ ngác nói:

- Có gì vui đâu!

Bà Nhân sững người trước câu trả lời của con nhỏ. Thật khác xa với những gì bà trông đợi. Coi bộ con nhỏ chẳng mặn mà gì với ngày tết cổ truyền của dân tộc. Mỗi năm mới có một lần tết mà nó chẳng coi ra gì cả. Hay là nó không hiểu câu hỏi của bà. Dù gì đi nữa thì nhà nó cũng phải ăn tết chứ. Bà nhắc nhở nó mà như nhai lại những cái tết trong đời bà:

- Thì tết mỗi năm mới có một lần phải vui chứ. Cả nhà quây quần rước ông bà ông vải về ăn tết này, cha mẹ con cái mừng tuổi nhau này, bố mẹ lì xì cho con cái này, mọi người rượu chè ăn uống vui vẻ này, xúm nhau vào đánh bài đầu năm lấy hên này... Vui quá đi chứ phải không cháu?

Tiếng bà Nhân vỡ vụn rạn nứt. Bà nói một mạch không ngưng nghỉ như sợ những ý nghĩ vọng tưởng từ những cái tết xa xưa phút chốc có thể quày quả bỏ đi. Những hình ảnh nhộn nhịp của nhiều cái tết trong đời ồn ào dắt díu nhau về làm những giọt nước mắt tủi phận của bà Nhân hối hả tươm ra. Giờ này chỉ còn mỗi mình bà đeo lấy cuộc sống nghiệt ngã chán chường. Nào chồng, nào con, mới đó mà biệt tăm chẳng còn một ai. Mỗi người đi mỗi ngả, mỗi người chết mỗi cách. Những giọt nước mắt tiếp nối nhau chảy xuống thấm ướt đôi má nhăn nheo cằn cỗi. Giọt nào cho chồng, giọt nào cho con, giọt nào cho thân phận lẻ loi nhọc nhằn.

Con nhỏ sững sờ trước khuôn mặt bất động lạnh tanh của bà Nhân. Nó chẳng hiểu chuyện gì xảy ra làm bà Nhân bỗng thay đổi như vậy. Nó chẳng biết bà Nhân vừa lảm nhảm nói những gì. Nhà nó có gì vui vẻ như bà Nhân nghĩ đâu. Nó lắp bắp nói:

- Cháu đâu có biết bà nói gì đâu. Nhà cháu cũng vậy vậy thôi. Mà sao bà giống bà cháu quá. Nói lung tung một hồi rồi khóc. Thôi đi bà!

Nó mở túi đeo vai lấy khăn giấy đưa cho bà Nhân lau mắt. Bà Nhân vừa chậm những giọt nước mắt nóng hổi vừa hỏi:

- Cháu cũng có bà sao?

- Hồi xưa cháu có bà nhưng ngưng rồi.

Bà Nhân nhướng mắt nhìn con nhỏ lắc đầu nói:

- Cháu nói sao bà không hiểu.

- Thì cháu có bà nhưng hết có bà rồi.

Bà Nhân gượng gạo cười :

- Cháu muốn nói bà cháu mất rồi phải không?

- Mất là sao?

- Là chết đó.

Con nhỏ gật gật đầu thú vị như vừa tìm ra một món đồ chơi thất lạc từ lâu:

- Đúng rồi! Chết. Bà cháu chết từ ngày xưa lận. Bà cháu dậy cháu nói tiếng Việt Nam. Rồi bà cháu chết làm cháu quên mất nhiều chữ lắm.

- Thế bố mẹ cháu không nói tiếng Việt với cháu sao?

- Bố mẹ cháu thưa thớt ở nhà lắm. Lúc nào cũng ở chỗ đặt xưởng maỵ Cháu với chị cháu nói tiếng tây với nhau không à. Tối họ về thì cháu đi ngủ rồi. Cuối tuần cũng vậy. Họ không có ở nhà.

- Hôm nay bố mẹ cháu cũng không có ở nhà à?

- Không.

- Vậy thì nhà cháu đâu có tết nhất gì!

Bà Nhân chép miệng thở dài. Thời buổi lạ lùng thật. Tết nhất chẳng màng tới mâm cơm cúng tổ tiên cùng những người khuất mặt khuất mày thì còn ra sao nữa. Phần bà đã đi một lẽ. Ăn nhờ ở đậu lại chung chạ với những người chẳng cùng nòi giống thì đành chịu thôi. Còn đằng này nhà cửa biệt lập chẳng ai dòm ngó mà cũng chẳng nhớ cúng quẩy ông bà ông vải. Lâu ngày chày tháng trẻ nhỏ còn biết gì tới lễ nghi phong tục nữa. Bà nhìn con nhỏ bằng ánh mắt thương hại. Cháu chỉ có cái hình hài Việt Nam thôi sao? Bà run run đặt tay lên vai con nhỏ lo lắng hỏi:

- Hồi bà cháu còn sống chắc nhà cháu cũng có ăn tết chứ?

Con nhỏ thả cặp mắt xa vắng như cố trở về với quãng thời gian mù mịt sương khói của thời có bà có cháu. Cặp môi non hồng chúm chím uốn qua uốn lại đào sâu trí nhớ tưởng đã biền biệt xa cách. Giọng con nhỏ ngập ngừng:

- Có thể như vậy. Cháu nhớ bà cháu có làm cái bánh gì vuông vuông đó.

Mắt bà Nhân như ngọn đèn vừa được thắp sáng. Bà lụp chụp vội vàng nói như sợ có ai tranh nói mất:

- Bánh chưng đó cháu. Ngày tết là phải có bánh chưng mới ra tết.

Vùng ký ức của con nhỏ bỗng thênh thang mở ra như một chiếc bánh chưng được bóc lá. Những ngày tháng mượt mà như mặt bánh bóng nhãy xanh lường làm con nhỏ nói tía lia:

- Bà cháu còn mua trái cây về đổ vào đường làm tan thành nước.

Bà Nhân lụp chụp nói nước miếng như muốn trào ra khỏi miệng:

- Mứt đấy cháu. Thơm ngon phải biết!

- Bà cháu làm nhiều thứ thịt lắm. Có lúc gói tròn như cái ống. Có lúc bỏ vào nồi nấu lâu lắm.

Bà Nhân chồm người tới trước, mắt ngời sáng:

- Giò chả, cỗ bàn đó. Tết là phải vậy!

Con nhỏ lim dim đôi mắt cố gắng lôi ra cả mảng quá khứ xa xăm:

- Bà cháu bày bàn thờ có nhiều hình lắm, có các thứ thịt bà cháu nấu, có đèn nến sáng lắm, có cây đũa đốt ra khói có mùi kỳ lắm, có nhiều trái cây đẹp lắm...

Bà Nhân nhắm nghiền đôi mắt thèm khát lắng nghe tiếng con nhỏ văng vẳng bên tai. Bà như thấy hiển hiện trước mặt khung cảnh nhộn nhịp huy hoàng của một ngày tết. Khuôn mặt bà đờ đẫn xa vắng. Những cái tết rực rỡ xum xuê kéo nhau trở về ẩn núp dưới mái tóc mỏng manh bạc trắng như cước. Chiếc miệng khô cằn nếm đủ mùi cay đắng khẽ nhếch lên khó khăn làm thành một nụ cười vụng dại. Tết. Những ngày hoa đăng có chồng, có con, có tiếng pháo, có mùi nhang, có lung linh ánh nến, có dồn dập trống lân, có những câu chúc làm ấm lòng nhau, có những mời chào bên mâm cỗ đầy. Những ngày vàng son đó đã biền biệt mất hút bỏ lại bà ngồi trơ khấc với đứa con gái Việt lạc lõng trên đất nước người trong một ngày tết tuyết phủ ngập trời ngập đất. Từ đôi mắt nhắm nghiền những giọt nước mắt nóng hổi lăn mình xuống đôi má hóp hép cằn cỗi.

Con nhỏ ngơ ngẩn nhìn nét buồn trên mặt bà Nhân khẽ trách yêu:

- Đấy, bà lại khóc nữa rồi. Sao bà giống bà cháu quá. Lúc nào cũng khóc được.

Bà Nhân mở mắt ra. Bốn hàng lông mi thưa thớt nhạt nhòa nước mắt. Bà đưa tay lên quệt ngang mặt cố lấy giọng bình tĩnh hỏi:

- Bà cháu cũng hay khóc lắm sao?

- Khóc hoài bà ơi. Ăn cơm cũng khóc. Ngồi xem ti vi cũng khóc. Đọc thư cũng khóc. Thư của các cậu các dì ở Việt Nam đó. Bà cháu buồn quá rồi chết luôn.

Bà Nhân ái ngại nhìn con nhỏ:

- Buồn quá mà chết được hả cháu?

- Bố mẹ cháu bảo như thế.

Bà Nhân nắm tay con nhỏ nói như người mơ ngủ:

- Có ai buồn bằng bà đâu mà sao bà vẫn chưa chết được.

Con nhỏ quàng tay lên vai bà Nhân. Đôi vai xương xẩu nhô lên như đôi cánh chim đang bần bật rung lên cùng với tiếng thút thít cố nuốt sâu vào trong lòng. Sao tôi không chết đi cho rồi? Tiếng bà Nhân nghẹn ngào chìm đắm trong vũng nước mắt đang ứa ra như nước vỡ bờ. Mấy bà già quanh quẩn gần hai bà cháu nhìn sững sờ không chớp mắt. Như thể họ đang say sưa coi một trò lạ hiếm khi xảy ra trong cuộc sống lê thê nhàm chán của những tháng ngày già nua dài dằng dặc. Con nhỏ vừa ngượng ngùng mắc cở vừa bối rối trước một tình huống bất trắc làm nó không biết phải xoay trở ra sao. Nó bất thần lớn tiếng trấn áp:

- Bà khóc hoài như vậy lần sau cháu sẽ không đến với bà nữa đâu. Kỳ cục quá đi!

Bà Nhân sợ hãi lắp bắp năn nỉ bằng cái miệng xô lệch méo mó:

- Bà xin cháu... Bà không khóc nữa đâu... Tuần sau cháu tới với bà nghe... Tội nghiệp bà mà...

Con nhỏ vỗ về bà như vỗ về một đứa trẻ biết lỗi lầm của mình:

- Bà bằng lòng không khóc thì cháu sẽ đến chơi với bà nhiều nữa.

Bà Nhân khó khăn kìm hãm những tiếng nức nở còn rơi rớt lại. Bà nói với con nhỏ mà như nói với riêng mình:

- Bà không khóc nữa đâu. Ngày tết ai mà khóc.

Những giọt nước mắt vẫn còn ứa ra từ đôi mắt nhăn nheo như hai trái táo tầu bị bỏ mốc lâu ngày. Con nhỏ ngồi yên lặng nhìn khuôn mặt héo hon của bà Nhân như nhìn một bức tượng buồn phiền. Nó khẽ nắm bàn tay gầy guộc khô đét của bà Nhân:

- Đã đúng giờ cháu phải đi về rồi bà. Cháu đưa bà lên phòng xong rồi cháu về nghe.

Bà Nhân nắm chặt lấy tay con nhỏ giọng hoảng hốt:

- Tới giờ cháu về rồi sao? Bà lại bơ vơ suốt tuần nữa rồi!

Bà Nhân giật mình đảo mắt nhìn quanh. Bó hoa đã bị bỏ sang bên cạnh bà từ hồi nào bà chẳng nhớ. Có lẽ từ lúc bà vất vưởng khóc lóc. Bà nhoài người qua ôm bó hoa trao cho con nhỏ:

- Bà tặng cháu bó hoa để cháu nhớ hôm nay là ngày tết của bà cháu mình.

Con nhỏ nói không khách sáo:

- Cháu cám ơn bà. Cháu về nghe! Tuần sau cháu lại tới. Bà không được khóc nữa nghe! Bà thử cười lên coi nào.

Mặt bà Nhân hiện lên một nụ cười ngu ngợ Con nhỏ vỗ tay cười lại. Một tay cầm bó hoa, một tay xách chiếc túi lên vai, con nhỏ quay người bước ra khỏi cửa. Bà Nhân nhìn theo dáng đi nhanh nhẹn của con nhỏ tay vung vẩy bó hoa cầm ngược một cách cẩu thả như muốn quét trên mặt tuyết. Bà không biết là nụ cười vô tri mà bà cố giữ cho con nhỏ vui lòng làm mặt bà méo mó tội nghiệp.

Hết