Sài Gòn, tháng hai năm 1963.

- Ngày âm lịch, hôm nay là mấy rồi?

- Tấm lịch ngay ở trước mặt em kia. Mồng bốn tháng Giêng năm Quý Mão.

Người hỏi trống là một cô gái cỡ từ hai mươi đến hai ba, mình dây, hơi gầy, đôi mắt to tròng đen mầu nâu tối, da trắng mét, tóc dài không uốn bỏ xõa ra sau kiểu nữ sinh. Trên khuôn mặt chữ điền rất ít phấn son, vành môi mỏng với một đốm tàn nhan nhỏ ở khóe bên trái phát tiết một chút ai oán khó nhận thấy nhưng thấy rồi lại khó xua đuổi của điệu buồn bạc mệnh. Đó có lẽ là nét duyên ngầm độc nhất của cô trong toàn bộ tấm dung nhan thuộc hạng trung bình.

Câu trả lời là của một người đàn ông trên dưới bốn mươi, nhỏ thó nhưng mập mạp có bề ngang, khuôn mặt thịt tròn với nước da ngăm ngăm đen, mới thoạt nhìn có vẻ hơi đần nhưng nhìn kỹ thấy thông minh và hiền hậu có lẽ nhờ cái mũi cao, thanh tú và đôi mắt sáng.

Nơi hai người ngồi là một quán ăn của người Huế chuyên bán các món truyền thống của cố đô nhưng cũng có món ăn Tây theo lời giới thiệu của tấm bảng hiệu. Đây là vùng ngoại ô thuộc cửa ngõ phía Tây Nam của thành phố Sài Gòn: Lúc ấy vào khoảng sáu giờ rưỡi chiều, đèn đường mới được thắp sáng chưa lâu.

Người đàn ông ngồi quay lưng vào trong, mặt nhìn ra đường nơi đó chiếc xe hơi mới tinh khôi của ông đậu sát lề phía trước một sạp báo và những mảnh đệm, những tấm vải bạt cũ trên đó bày la liệt nhiều thứ hàng hóa dành cho giới bình dân: đồ chơi trẻ em, giầy vớ, khăn nón, dây thắt lưng, kiếng đeo mắt, sách cũ, v.v...

Cô gái ngồi quay mặt vào bức tường phía hông của quán ăn. Trên tường, ngay tầm mắt cô, có treo một tấm lịch rộng khổ, tặng phẩm của một công ty cơ khí nước ngoài có chi nhánh tại Sài Gòn. Phía trên khối tờ lịch còn dày cộp là bức ảnh in nhiều mầu của một cô đào điện ảnh phương Tây, mặc áo tắm biển, xõa tóc rũ rượi xuống vai, mười ngón tay đan vào nhau để sau ót làm nổi bật bộ ngực ưỡn mạnh về phía trước. Nụ cười nửa miệng của cô gái có vẻ như một lời xác định đầy tự hào rằng hai cái khối bầu tròn, không vì kích thước đồ sộ mà kém phần thanh tú với những đường cong tuyệt mỹ che đậy rất qua loa kia được đảm bảo một trăm phần trăm là... thịt đàn bà thứ thiệt chứ không phải bọt cao-su hay một thứ chất liệu vô tri nào khác.

Trên chiếc bàn tròn nhỏ nơi hai người ngồi chỉ có chai rượu nho và hai cái ly ống bằng pha lê mỏng đầy rượu gần tới vành. Bên cạnh chai rượu là tấm thực đơn chữ đánh máy trên giấp cứng bọc plastic. Dao nĩa và khăn chưa được bầy ra, có lẽ họ mới vào quán.

Mùi tỏi chiên từ bếp phất lên làm cô gái nuốt nước miếng. Cô thôi nhìn tấm lịch, cầm cái muỗng nhỏ chọt nhẹ mấy phiến nước đá nổi lều bều trong ly rượu chát đỏ. Thấy rõ cô nghịch chơi chứ không phải quậy cho đá mau tan.

Người đàn ông nghe cô gái nuốt nước miếng, hỏi nhỏ:

- Em đói lắm à?

Cô gái khẽ nhích môi cười:

- Tiếng đói chưa đủ gợi buồn hay sao mà ông...

- Anh chứ!

- à quên, em xin lỗi... ba ngày này chỉ một tiếng "đóí, thôi chưa đủ gợi buồn hay sao mà anh còn thêm tiếng "lắm"?

Rồi cô nói vu vơ một mình:

- Mùng bốn tháng giêng... chín chục cái thiều quang của một mùa xuân mới tắt đi có bốn. Người đàn ông bưng ly, hớp một ngụm rượu, đôi mắt sáng lên vì cao hứng:

- Trời ? Em tôi sính văn chương ghê ! Em học được tới đâu?

Cô gái lắc đầu:

- Đừng! Tội nghiệp em lắm. Đừng hỏi gì về đời tư. Tên họ thật, quê quán, gia đình, trình độ học vấn... vì bởi tại làm sao mà... vân vân và vân vân. Em soạn sẵn nhiều cái lai lịch bịa nghe như thật, đến mức đôi khi em thấy đó là đời thật của mình. Tưởng như vậy sẽ đỡ buồn. Em đã lầm: mấy cô gái em bịa có làm động lòng vài kẻ đàn ông nhẹ dạ, nhưng phụ gánh giùm nỗi buồn của em thì họ không gánh mà họ lắc. Trái tim không phải cái thúng, nỗi buồn không phải lúa hay bắp, lắc nó, nó không lưng đi mà nó đầy thêm...

- Nhưng tôi muốn trò chuyện với em, vậy phải hỏi em những câu gì?

- Tùy thích, thiếu gì chuyện hỏi. Còn đời thật của em, thì anh nên bịa đặt dùm em, có khi lại thú vị hơn. Em không lười kể chuyện bịa đặt đâu và xin được phép chê anh lười tưởng tượng. Ngày mai anh nên khoe với một người bạn nào đó: chiều hôm qua, tao bắt được một con "bò lạc" tuyệt vời... rồi sau đó anh tha hồ thêu dệt. Con "bò lạc" bịa đặt của anh sẽ rất xinh đẹp chứ không xấu ẻng như em đâu. à mà có lẽ không nên nói "bò lạc" mà nên nói "mèo hoang". Năm nay là năm con mèo.

Người đàn ông chỉ tấm lịch:

- Hồi nãy em đã nhìn tấm lịch khá lâu nhưng em không thấy con số bốn in rất đậm và to ở phần ghi âm lịch. Như vậy, ắt em đã nghĩ ngợi về một chuyện gì. Tôi muốn biết ý nghĩ đó của em.

- Em nghĩ rằng cô đào xi nê có bộ ngực tuyệt vời.

- Chỉ có vậy thôi?

- Chỉ có vậy thôi!

- Em nói không thật. Một cô gái đã gọi mùa xuân bằng chín chục cái thiều quang rồi đếm từng cái thiều quang đó lần lượt tắt đi như những ngọn nến... tại sao lại có ý nghĩ quá tầm thường như vậy? Những ý nghĩ của cô ta phải có chiều sâu... à mà quên... chiều dài chứ, dài như tóc của cô vậy.

Nói xong người đàn ông vuốt tóc cô gái rồi cầm lấy một sợi trì nhẹ cho nó thẳng ra để nhìn thấy hết chiều dài của nó.

Cô gái cười, ỡm ờ:

- Ai đó có nói tóc đàn bà dài nhưng tư tưởng của họ thì lại ngắn .

Sự hào hứng của người đàn ông tăng thêm. Giọng ông đầy nhiệt tình:

- Tôi cả tin rằng tôi đang nói chuyện với một sinh viên văn khoa. Chín chục cái thiều quang và khối buồn càng lắc càng đầy của Nguyễn Du rồi bây giờ là sợi tóc đàn bà của Lamartin. Tôi nhớ mài mại như vậy chưa chắc đúng, nhưng cho dù cái ý đó là của một văn hào, thi bá nào khác mà chỗ ngồi trong văn học sử nhiều hào quang hơn Lamartin chăng nữa tôi cũng không yêu mến nó vì tôi không hề nghĩ như vậy về đàn bà. Nói đi em, nói cho tôi nghe những suy nghĩ của em khi em nhìn tấm lịch, nhìn không phải để biết hôm nay là ngày mấy, càng không phải để ngưỡng mộ bộ ngực đẹp của cô đào.

Cô gái lại ỡm ờ:

- Sự suy nghĩ có hại cho cảm giác, có khi giết chết cảm giác nữa. Anh đang bỏ tiền mua cảm giác sao lại thích nghe những chuyện gợi suy nghĩ?

Người đàn ông khẽ cau mày rồi lặng im hớp mấy ngụm rượu liên tiếp. Hồi lâu sau, ông mới nói:

- Em có lý của em để xếp tôi vào loại đàn ông bỏ tiền mua cảm giác để sau đó ngủ ngon. Tôi xin nói không ngượng miệng rằng mua cảm giác đối với tôi không phải là mục đích. Sau khi con heo được thỏa mãn nằm im thôi quậy phá, phần còn lại không phải heo trong người đàn ông của tôi không ngủ. Tôi phải dỗ ngủ một nỗi đau ít khi chịu ngủ quên, và trong sự trăn trở, tôi nhờ đến những cô gái như em với lòng biết ơn giống như một con bịnh nhát chịu đau biết ơn những liều thuốc giảm đau thích hợp. Tôi xứng đáng được nghe những ý nghĩ thật của em không phải vì tò mò hay để giết thì giờ...

Cô gái ngắt lời bằng một nụ cười nửa miệng, trong vẻ hoài nghi có xen chút cảm thông.

- Được, em xin nói đây. Lúc nãy khi nhìn cô đào hát trên tấm lịch em nghĩ đến...

Người hầu bàn bưng đến hai đĩa khoai chiên bày trên cốc-tai xa-lát cùng với dao nĩa và khăn rồi bảo nhỏ rằng món thịt bò nướng trên vỉ sắt sẽ được đem ra liền.

Cô gái cầm dĩa xăm một miếng khoai cho vào miệng nhai ngon lành. Người đàn ông bưng ly hớp một hớp rượu, mỉm cười:

- Em tôi đói thật, nhìn em ăn, tôi cũng thấy ngon rồi.

Cô gái nuốt xong miếng khoai cũng uống một ngụm rượu nhỏ.

- Anh phân bua rằng anh nhìn em bằng cái nhìn ít trần tục hơn con "mèo hoang" của anh nhìn miếng thịt bò tươi thơm tỏi chiên kia chứ gì?- Cô gái vừa nói vừa chỉ hai miếng thịt bò lớn bằng bàn tay dày cỡ hai phân đang bốc hơi thơm trên mặt bằng hai cái vỉ sắt hình bầu dục ướt mỡ heo có pha bơ còn đang sôi khi ấy một người hầu bàn khác vừa bưng tới đặt lên mặt bàn trên hai mảnh gỗ lót mầu vàng.

Cô nói tiếp:

- Cứ kể là anh nói thật lòng đi. Đây: ý nghĩ của em khi nãy. Em nghĩ đến một thành phố, một quốc gia hay rộng hơn nữa, cả cái thế gian này... không còn những cửa tiệm bán đàn bà con gái, dù lộ liễu hay trá hình, có môn bài hay không có môn bài. Ngoài đường phố, ở các bến cảng, sân ga, bãi biển, các trung tâm du lịch... những con bò lạc hay mèo hoang kiểu như em cũng vắng bóng luôn. Bọn đàn ông nghiền thói bỏ tiền mua gái để dỗ ngủ con heo hay làm dịu nỗi đau cho tâm hồn gì gì đó theo kiểu anh nói sẽ không thể tìm ở đâu có mà mua.

- Một cái thế giới như vậy sẽ ra sao, theo ý em?

Giọng nói nghe lơ đãng, nhưng người đàn ông có vẻ thích thú. Cô gái nuốt miếng thịt bò, chép miệng:

- Ngon quá ? Y tế thế giới đã công bố rằng bịnh đậu mùa đã bị xóa tên. Vậy ta được phép hy vọng rằng một ngày nào đó, những nhà xã hội học cũng tuyên bố xóa tên nạn mãi dâm... Một cái thế gian như vậy sẽ ra sao à? Nó sẽ tạo ra nhiều lớp người đau khổ, trước hết là những người phụ nữ đoan chính. Họ sẽ lấy ai làm đối tượng so sánh để tự hào rằng mình là người tốt.

- Kế đó là hạng người nào nữa?

- Những ông chồng và những vị thẩm phán các tòa án. Các ông chồng đọc rất nhiều kinh nghiệm giữ gìn bà xã trên sách báo tạp chí, nhưng các tòa án vẫn cứ đầy ắp hồ sơ của những cặp vợ chồng xin ly dị vì chuyện ngoại tình... Anh cười à? Em nói thật. Làm đàn ông mà suốt đời chỉ biết có một người đàn bà thì hơi buồn. Bắt anh nghe hoài một đĩa nhạc dù là nhạc cực kỳ hấp dẫn, anh có chịu nổi hay không, khai thiệt đi...

- Còn hạng người đau khổ nào nữa trong cái thế giới mà em tưởng tượng?

- Còn chớ. . . còn nhiều! Những nghệ sĩ, những nhà văn, nhà thơ... Khi phải đưa gái điếm vào văn chương, nghệ thuật, họ làm sao có nguyên mẫu để nghiên cứu?

- Nhưng mắc mớ gì phải đưa gái điếm vào nghệ thuật khi họ không có mặt ngoài cuộc đời?

- Vì nhu cầu.

- Nhu cầu à? Của ai?

- Của người làm nghệ thuật và người thưởng thức nghệ thuật, nói chung là của mọi người. Không có gái điếm thật để mua dâm ngoài cuộc đời, người ta phải mua dâm của gái điếm bịa bằng tưởng tượng. Anh thử giả dụ rằng Vương Thúy Kiều, thay vì bị bán cho Mã Giám Sinh, lại bị bán cho một gã đàn ông ham vàng ngọc nhưng bất lực về tính dục. Hắn đưa Kiều ra một hoang đảo, bắt lặn xuống biển mò ngọc trai, trèo lên núi tìm đá quí. Mười lăm năm sau, gặp lại chàng Kim, nàng hãy còn trinh nhưng cái ý đẹp muốn bẻ cái nhụy đào trao cho người tình chung thì không còn nữa trong tâm hồn tàn phế vì lãnh cảm. Môi trường sống khắc nghiệt và lao động quá sức kéo dài quá lâu đã biến nàng thành thạch nữ. Cũng thương tâm đấy nhưng làm xao xuyến lòng người sao bằng nàng Kiều của Nguyễn Du vì không có sự bầm giập truân chuyên ở chốn lầu xanh. Khi nói về nhu cầu mua dâm em tính luôn cả những gã đàn ông bất lực. Em có biết một họa sĩ không ăn cay được nhưng tô phở của anh ta phải có mấy khoanh ớt đỏ để anh ta nhìn thấy rồi gắp quăng đi. Một tô phở không có ớt bên cạnh mấy tép hành trần không phải là một tô phở.

- Vậy cuộc đời là tô phở còn em là ớt?

- Hoặc cuộc đời là tô canh chua còn em là rau thơm: lá quế, mò om, rau tần, ngò gai gì đó.

Người đàn ông gục gặc đầu:

- Hay! Hay!

Đoạn ông quăng mẩu thuốc lá, cầm gói thuốc để trên bàn. Không còn điếu nào. Ông vò nát bao thuốc, đứng lên. Cô gái buông dao, dĩa nói:

- Mua thuốc à? Để em đi mua cho.

Người đàn ông khoát tay:

- Em cứ ăn đi, tôi bước ra ngoài xe lấy mà.

Cô gái tiếp tục ăn. Nãy giờ cô ăn rất ít vì nói nhiều. Hình như có tiếng cãi nhau giữa người đàn ông và anh chàng bán sách cũ trên lề đường gần sạp báo, chỗ chiếc xe hơi đậu. Cô cứ ăn không buồn nhìn ra.

Mấy phút sau, người đàn ông trở vô, vừa ngồi xuống ghế thì anh chàng bán sách cũ cũng bước theo kịp, tay cầm một cuốn sách ngoài bìa in dấu một đế giầy nhớp nhúa còn ướt của ai mới giẫm lên. Đang là mùa nắng, đường sá khô ráo nhưng mảng lề đường trước quán ăn rất bẩn vì bị đào xới để chữa ống nước bể làm nước tràn . Anh bán sách đặt quyển sách lên bàn, trước mặt người đàn ông, chưa kịp nói gì, ông ta đã lên tiếng trước:

- Không phải lôi thôi gì cả, cuốn sách giá bao nhiêu, tôi trả tiền liền cho anh.

Anh bán sách lắc đầu:

- Tôi không bán sách cho người mua theo kiểu của ông.

- Vậy anh muốn gì?

- Muốn nói ông đối xử với tôi quá bất nhã. Ông giẫm bừa trên sách của tôi mà đi, tôi hô lên để ông bước tránh, ông nạt lại tôi. Đây, ông xem: dấu cái đế giày của ông còn ràng ràng.

Người đàn ông lớn tiếng:

- Tôi mua cuốn sách đó cho anh, anh cũng không chịu biết sao giờ?

Anh bán sách ôn tồn:

- Thay vì mua theo kiểu bõ ghét đó, phải chi ông nói: em à, vì tôi có chuyện gấp nên vô ý giẫm lên sách của em, em thông cảm cho thì có phải mát bụng tôi không. Đàng này ông lại thách tôi kêu lính đến xử...

Người đàn ông càng to tiếng hơn, gần như thét:

- Chúng ta sống trong một xã hội có luật pháp. Chuyện xích mích không dàn xếp với nhau được, phải nhờ đến luật pháp chứ sao.

- Ông để dành câu đó mà nói với những người có bề thế ngang hàng ông, đi xe hơi Huê Kỳ như ông. Giữa các ông với nhau, có khi luật pháp có được chút đỉnh công lý. Người nghèo không dại gì tin cậy vào luật pháp do người giàu làm ra.

- Anh nhạo báng, xỏ xiên ai vậy?

- Đâu dám. Tôi bán sách bất hợp lệ trên lề đường, vừa bán vừa phải coi chừng lính rượt. Tôi biết phận tôi lắm chớ.

- Biết sao còn ở đó lải nhải?

- Tôi không lải nhải chuyện tầm bậy. Tôi muốn nói để ông suy nghĩ về thái độ của ông từ nãy giờ.

Người đàn ông có vẻ bớt nóng giận. Ông cười gằn:

- à anh muốn dạy khôn tôi hả? Được. Đâu anh nói tôi nghe thử coi.

- Xin trả hai tiếng ''dạy khôn" lại cho ông. Tôi không dám đâu. Vết bùn dơ do đáy giày ông ịnh lên cái bìa sách có làm cho tôi tủi thân. Nhưng đối với hạng khố rách áo ôm lúc nào cũng có thể bị ức hiếp và lăng nhục như tôi một sự tủi thân cỡ đó coi như quá nhỏ. Tôi muốn ông suy để mà thương cho những người phải tủi thân nhiều hơn tôi vì thái độ của ông.

- Ai? Những người phải tủi thân nhiều đó là ai vậy?

- Những người viết sách để cho chúng tôi bán. Dù ông có viết sách hay không, ông cũng thuộc hạng người có ăn học như họ, nhờ sách dạy khôn mà làm giàu, rồi khi đã giàu rồi giẫm lên sách mà đi. Thí dụ như cái cảnh hồi nãy diễn ra trước mắt người ngoại quốc, thì tôi và ông ai mắc cỡ nhiều hơn ai, ai bị chê cười nhiều hơn ai? Rồi nếu như tình cờ tác giả của cuốn sách này có mặt ở đây...

Ngoài đường có tiếng gọi lớn của chị bán đồ chơi trẻ em :

- Anh Tám ơi ! Lính tới, mau mau ra dẹp đồ, ở đó mà lo gây lộn.

Lính tới thật. Tất cả những người bày hàng bán bất hợp lệ trên lề đường ùn ùn gom đồ lại, người dồn vô bao tải, người thì để y nguyên trên những tấm vải bạt mỗi chéo có quai, túm lại quảy lên vai. Động tác thu gom này họ làm rất "nhà nghề" và rất nhanh. Khi lính tới họ đã trở thành những người du ngoạn trên lề đường, những người du ngoạn hơi kỳ cục vì chỉ đứng xớ rớ đó, không đi đâu xa, trên vai mang những gói hành lý đồ sộ kình càng, hình thù quái dị.

Vì rút lui quá hấp tấp, anh chàng bán sách dạo bỏ quên quyển sách. Cũng có thể anh ta không thèm trở lại lấy. Cô gái cầm quyển sách lên gọi người hầu bàn đem thêm khăn rồi lấy chiếc khăn đang dùng lau sạch vết bẩn ngoài bìa. Đoạn cô mở sách ra xem. Đây là một tập thơ mỏng không đầy một trăm trang, khổ tạp chí, đóng bìa cứng, in trên giấy trắng mịn, chữ ô-rốp mập, co mười hai xuất bản tại Sài Gòn năm 1956. ở đầu trang kế bìa, bên dưới cái nhan đề người bào chế thuốc giảm đau, là dấu hiệu tròn, mực tampon nâu của một gia đình có tủ sách ở Định Tường. Dưới nữa là mấy dòng đề tặng của tác giả: Nhà thơ Thảo Khôi. Cuối trang, phía bên phải là mấy dòng chữ viết nghiêng, nét chữ đàn bà, ghi mua sách này ở Biên Hòa ngày nào rồi tặng cho đứa cháu tên Hai ngày nào với lời nhận xét: Tập thơ này dì mua nó ở lề đường nhưng đọc được lắm. Vậy là tập thơ đã được chuyền tay qua nhiều người, đi ngao du nhiều nơi, trước khi bị quăng ra lề đường từng nằm trên kệ sách khang trang của một gia đình khá giả, và ít nhứt cũng có được một người khen là đọc được lắm.

Sách còn lận đận huống chi người. Cô gái bùi ngùi nghĩ vậy và lật chầm chậm có lúc rất chậm để đọc. Trong lúc đó người đàn ông không ăn nữa, chỉ uống rượu thôi, uống nhiều từng ngụm lớn và đăm đăm nhìn ra đường. ánh mắt ông cho biết ông nhìn để không thấy gì cả qua làn khói thuốc lá mà ông phun ra liên tục .

- Em ăn gì nữa cứ kêu thêm. Tôi no rồi.

Không nghe cô gái đáp, ông không buồn nhắc lại lời mời, cũng không quay mặt nhìn. Khi ông quay lại, ông thấy cô gái khóc. Một tay cô cầm cái dĩa có ghim miếng khoai chiên đằng đầu. Đưa lơ lửng không biết từ lúc nào. Tay kia đè lên quyển sách cho nó đừng xếp lại. Mắt cô chăm chỉ nhìn trang sách trong lúc hai giọt nước mắt lăn dài trên má. Ông nhìn cô gái hồi lâu.

Một giọt nước mắt nhểu xuống trang sách. Ông hỏi:

- Cái gì vậy?

Cô gái xoay ngược chiều quyển sách lại, đẩy về phía ông, nói bằng một giọng nghèn nghẹn:

- Anh thử đọc bài thơ này coi.

Người đàn ông đeo kiếng trắng lên, nhìn trang sách. Cô gái thấy ông có một thoáng sửng sốt trước khi đọc.

Bài thơ ông đọc không dài, không phải bài trụ cột được chọn làm nhan đề chung. Tứ thơ không có gì tân kỳ, nói về một vết thương của xã hội có từ lâu đời. Tác giả thêm vào một chút hoang đường để gửi gắm nỗi đau thế sự và nỗi đau nghề nghiệp. Một cô gái điếm hỏi ông Trời chừng nào nạn mại dâm mới chấm dứt dưới thế gian. Ông Trời biểu cô gái trở về cõi tục hỏi những nhà thơ. Đó là những thầy thuốc có phép lạ được Trời sai xuống để xóa bỏ không phải chỉ riêng nạn mãi dâm mà xóa bỏ mọi thứ tai ương khác làm con người đau khổ. Cô gái kể lại giấc chiêm bao được gặp ông Trời cho người tình của cô là một nhà thơ nghe. Nhà thơ buồn bã lắc đầu: "Ông Trời tốt bụng của em đã chọn lầm người để giao sứ mạng. Nhà thơ không phải là thầy thuốc. Nhà thơ là nỗi đau. Một nỗi đau sống rất dai, thọ khí âm dương biến thành người: Người bào chế thuốc giảm đau".

Trong lúc người đàn ông chăm chỉ đọc, cô gái tiếp tục ăn chầm chậm vừa ăn vừa theo dõi phản ứng. Cô hơi ngạc nhiên thấy ông có vẻ bị xao xuyến mạnh trên mức cô dự đoán. Thấy rõ ông tự kiềm chế để không khóc. Ông gập sách lại, vuốt ve nó rồi hỏi, giọng nói khác lạ hẳn đi:

- Sao? Cảm tưởng của em?

- Mỗi khi gặp cái thân phận buồn của mình trong văn chương, em có những xúc động khác nhau. Em phẫn nộ trước sự rẻ khinh che giấu bằng lòng hào hiệp giả; em nhờm tởm sự cảm thông đầu lưỡi của những con heo khoác áo thầy tu khổ hạnh; em cảm ơn nhưng không muốn nhận lòng xót thương chân thực; em tội nghiệp cho những ảo vọng cứu rỗi hoang đường. Còn bài thơ nầy thì... như anh thấy đó, nó đã làm cho em khóc. Nên biết rằng em bị lên cơn buồn gần như thường xuyên nhưng rất ít khóc. Lần khóc này không biết khóc cho ai nhiều hơn, khóc cho em hay khóc cho nỗi đau nghề nghiệp của người nghệ sĩ thương em đứt ruột mà không biết phải làm gì... giả đò ngó lơ thì không nỡ, thôi thì đành chỉ biết làm người bào chế thuốc giảm đau... chắc anh có biết nhà thơ Thảo Khôi?

- Biết.

- Ông ấy bây giờ ở đâu, sống ra sao?

- Chết lâu rồi.

- Trời? Tội nghiệp quá.

- Đưa cái túi xách tay của em cho tôi mượn.

Người đàn ông nhét vào túi xách tay của cô gái nhiều xấp giấy bạc dày cộp, không đếm rồi đứng lên:

- Ăn xong em ra về sau, đừng đợi tôi. Sau này gặp nhau ở đâu, mình nên làm mặt lạ. Thôi chào em, à, tôi giữ quyển sách này.

Sau một lúc sững sờ vì ngạc nhiên, cô gái tự hỏi thầm:

- Có khi người thợ săn "mèo hoang" này là nhà thơ Thảo Khôi chăng?

2

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 2 năm 1991

Không còn người khách nào trong cái quán cà phê nhỏ rất ế khách này ngoài một ông già tuổi xấp xỉ bảy mươi và một phụ nữ sồn sồn cỡ năm mươi nhưng chưa phải là một bà già. Hai người ngồi bên cạnh nhau ở mép phía trong của chiếc bàn vuông nhỏ nhìn ra con đường một chiều từ sân bay về trung tâm thành phố. Ông già hỏi:

- Cô làm công việc gì trong gia đình nhà thơ Vương Phiên?

- Cô giáo kiêm đầy tớ. Mỗi ngày hai tiếng. Một tiếng giặt giũ, lau nhà, quét dọn, ủi quần áo, có khi làm phụ bếp. Một tiếng dạy kèm Anh ngữ cho hai đứa con... Hồi mình gặp nhau năm 1963 , "con mèo hoang" của anh là sinh viên bỏ trường nhưng đang học Anh ở Trung tâm thính thị Anh Ngữ Hội Việt-Mỹ, học rất gạo với hy vọng nhờ nó ngoi ra được khỏi vũng lầy. Cũng may mà trời thương... à, số tiền lớn của anh có vai trò đáng kể.

- Vậy là hồi đó tôi đã đoán không lầm về trình độ học vấn của cô. Mau ghê, mới đó mà đã hai tám năm rồi? Lúc nãy, ở nhà ông Vương Phiên, cô có nhận ra tôi ngay từ đầu không?

- Không. Mãi đến lúc gần nghỉ họp, nghe ông Vương Phiên gọi cái tên Thảo Khôi của anh, mời anh phát biểu, em mới giật mình nhìn kỹ và nhận ra anh. Sao anh không chịu nói gì cả vậy?

- Có họp hành gì đâu. Tháng 2-1991 là đúng 110 năm ngày mất của văn hào Nga Dostoievsky (9-2- 1881). Ông Vương Phiên, một nhà thơ có tiền, có chức phận, được tin cậy nhờ tư tưởng lạc quan gom một số đồng nghiệp lại, mạn đàm về một ý tưởng nổi tiếng được truyền tụng của nhà văn hào, một ý tưởng có tính tiên tri và truyền giảng hy vọng cho hậu thế: "Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới". Thật ra là kiếm chuyện để tụ tập lại uống bia tào lao chơi thôi.

- Nói chỗ đông người anh dè dặt, bây giờ nói riêng cho một mình em nghe đi. Anh có tin rằng cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới không?

Ông già lưỡng lự khá lâu trước khi nói:

- Xét lịch sử bản thân, ý kiến của tôi để giải đáp câu hỏi đó không đáng tin cậy lắm. Tuổi thơ của tôi rất buồn thảm. Cha mẹ chết sớm. Tôi chỉ có hai chị em. Chị tôi phải làm gái điếm nuôi tôi ăn học và chết trong tủi nhục. Từ nỗi đau đó, bật ra bài thơ làm cô rơi lệ cách đây hai tám năm. Hồi 1963, lúc mình gặp nhau tôi là một cán bộ nội thành bỏ đội ngũ đi làm giàu. Khi đã giàu rồi, tôi báo thù cho chị tôi và trả ơn chị bằng cách xách xe hơi đi săn những cô gái làm nghề trước đây đã vùi giập tan nát cuộc đời chị... Mãi cho đến bây giờ vẫn còn những đêm tôi thức giấc giữa khuya rồi không ngủ lại được vì kinh hãi trước sức cám dỗ ma quái rất khó cưỡng lại của cái xấu. Cho nên tôi nhường cho người khác chiêm ngưỡng về lời tiên tri đầy tính nhân bản của ông Đốt. Đương nhiên đó là một ước vọng tuyệt đẹp. Cho đến nay, cái thời của thần tượng sụp đổ, hy vọng biến thành ảo vọng, nó vẫn cứ còn là điểm tựa của số đông người đau khổ. Nhưng nếu thử đặt ra câu hỏi: cái thế giới thời ông Đốt quăng ra lời tiên tri ấy đẹp hơn hay xấu hơn so với cái thế giới hôm nay của chúng ta? Thì tôi tin là rất nhiều nhà xã hội lỗi lạc phải cà lăm. Vậy mà hơn một trăm năm đã trôi qua rồi. Đừng nhìn khoa học kỹ thuật với những bước nhảy vọt gây chóng mặt của nó. Hãy nhìn cái cách con người ăn ở với nhau như thế nào... Phần tôi, tôi nhìn ông Đốt như một người bào chế thuốc giảm đau ở cấp bộ lão tổ.

- ờ, trong bài thơ năm xưa của anh, nhà thơ không dám nhận sứ mệnh Trời giao, nói rằng mình là nỗi đau, mình không phải là thầy thuốc. Vậy thầy thuốc là ai?

Ông già lại lưỡng lự:

- Cô hỏi toàn những câu rất ngặt... Thầy thuốc là Napoléon và Hitler từng thay phiên nhau quậy phá cái Châu Âu gần tan nát. Thầy thuốc là Nhật hoàng Hirohito và tập đoàn quân phiệt Tojo - Suzuki đã thảo ra cái toa thuốc có tên là nền thịnh vượng chung Đại Đông á. Toa thuốc trứ danh đó đã làm cho một triệu người Việt Nam ở phía bắc chết đói và hàng vạn người Việt Nam phía nam mặc quần xà lỏn bằng bao bố tời trước 1945... Thầy thuốc là Harry Trumam đã tặng cho Hiroshima và Nagasaki mỗi thành phố một hườn thuốc hột nhưn chưa biết tới đời kiếp nào loài người mới quên nỗi kinh hoàng do nó gây ra... Cô thông cảm vì sao tôi đơn cử toàn người và việc của những thời quá xưa và những nơi quá xa chỗ mình ngồi nói chuyện trong lúc chuyện nhỡn tiền và chuyện của hôm nay không thiếu...

- Sự cẩn thận của người già, em biết chớ... vậy là những người bào chế thuốc giảm đau được yên lòng rằng còn lâu mình mới thất nghiệp.

- Làm sao yên lòng được? Trong y học, khi thuốc giảm đau gây tác hại thì đó là lỗi của người sử dụng thuốc chứ không phải lỗi của người bào chế thuốc. Trong nghệ thuật, người nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm về bào chế phẩm của mình. Bào chế theo một công thức nào đó, thuốc giảm đau trong nghệ thuật sẽ tiếp tay cho nhà cai trị nào mị dân.

Ông già ngừng nói. Người phụ nữ sồn sồn không hỏi gì thêm. Hai người không nhìn nhau mà im lặng nhìn ra đường. Không biết họ buồn hay vui. Gương mặt họ bình thản quá. Người kể chuyện, nhân cơ hội họ im lặng lâu, xin dừng bút.

Sài Gòn 1963