Ngược Xuôi (Back and Forth)- Chương 01+ 02
Chương 1 Trời xanh, mây trắng bồng bềnh trôi thanh thản. Tôi lặng lẽ rải bước, bước chân nhanh chóng dập dìu giữa biển người trong một ngày hạ tươi sáng. Trong ngày hạ xanh này, trong đầu tôi, một bản tình ca buồn ngày mưa đang được nghĩ đến. Hôm nay, điểm thi của tôi đã được biết. Bao nhiêu năm ăn học của tôi đã kết thúc. Kết quả cũng như bao năm trước, “xếp loại: Khá”. Cuộc đời luôn chuẩn bị được thay đổi của tôi lại tiếp tục quỹ đạo cũ của nó, thật là đau đớn. Những hạt nắng đầy nhiệt huyết đang chơi đùa trên mái tóc rối bù của tôi. Ngày tôi được nhận vào Bách Khoa lại ập về, cái ngày tôi nhận ra được sự vui mừng trong mắt mẹ tôi, niềm tự hào trên khuôn mặt đượm vết nhăn của ba tôi, cái ngày chỉ một mảnh giấy có thể khiến mọi người vui vẻ. Giờ đây cũng là một mảnh giấy, nhưng lại khiến khung cảnh xung quanh tôi trở nên xám xịt trong một ngày đẹp trời như thế này.Những đứa bạn nhìn tôi đầy vẻ cảm thông: “Vui lên đi mày ơi!”. “Vui lên ư?”, sao mà tôi có thể vui lên được chứ? Bao nhiêu công sức của ba mẹ tôi, những ngày mẹ tôi vất vả đi công tác trong những ruộng cây chang chang trong nắng, những giây phút chờ đợi của ba tôi ngoài cổng trường từ khi tôi còn đi mẫu giáo cho đến khi tôi có chiếc xe đạp đầu tiên. Giờ đây kết quả chỉ là một chữ “Khá”. Sao tôi có thể để ra nông nỗi này? Sao lại không địch lại được bạn được bè? Sao lại thế?Có khi tôi đã không mong ước đủ mạnh, phải có mong ước mới có thể có đủ quyết tâm và nghị lực đi đến kết quả tốt, kết quả tôi luôn mong muốn “Giỏi”. Giỏi như tôi vẫn làm được từ khi học lớp 1 đến lớp 12. Hạng 1 như tôi vẫn làm nhu được thầy cô luôn mong đợi. Giỏi như khi ngày nào cô bé con tôi thủ thỉ với mẹ: “Con học giỏi chỉ vì mẹ thôi!”.Ai chả biết cái gì cũng có kết thúc, nhưng sao kết thúc lại ra nông nỗi này? Sao tôi có thể để nó ra nông nỗi này? Thật không cam tâm mà. Khung cảnh xung quanh đang dần mờ nhạt trong làn nước mắt, không được khóc, chưa được khóc. Tôi muốn khóc quá, khóc cho thật đã, khóc cho vơi đi nỗi xót xa này. Nhưng tôi đang ở ngoài đường, và đó là lí do vì sao tôi đang đi như chạy, tôi muốn đến một nơi nào thật yên tĩnh, một mình khóc. Đèn vàng đang nhấp nháy từ đèn đỏ. Phải vượt đường, tôi chạy thục mạng qua khi bất chợt nghe tiếng kèn ô tô vang vọng thình lình. Đứng lại, tôi không biết làm gì hơn khi đang giương to mắt nhìn một chiếc Toyota lao tới, thật nhanh, thật nhanh…Bất chợt khung cánh đột nhiên thay đổi, giật như màn hình tivi lúc trời giông bão rồi chợt thật rõ. Bầu trời vẫn trong xanh, nhưng khung cảnh thật khác thường, mọi người xung quanh tôi thật to lớn và hung dữ, những người xa xa trông thật thảm hại đang nhìn trừng trừng tôi. Tất cả trừ một người phụ nữ đang một tay ôm em bé vốn đang oe oe khóc, một tay nắm chặt lấy tôi, kéo tôi nhanh chóng đi những bước quá dài so với đôi chân của tôi. Sao nó lại cũn cỡn như thế này? Cánh tay tôi đang bị kéo thật là đau, khiến tôi phải hét lên, nước mắt nước mũi giàn dụa.Chiếc Toyota vẫn đang nhanh chóng đến gần, tôi hét vì sợ hãi trước khi bị nó đụng tung lên bay lơ lửng. Trong khung cảnh kia, bất chợt tôi nghe tiếng gào “khônggg” thảm thiết của người phụ nữ đang nắm tay tôi trước khi cảm nhận được sự đau buốt chạy dọc từ đầu đến sống lưng. Rồi sau đó tôi ngất đi, không biết gì nữa.Chương 2Khăn lạnh được lau trên mặt khiến tôi bất chợt tỉnh lại. Nước lạnh thấu xương thấu óc giúp tôi giảm được cái đau sau đầu chút ít, nhưng rồi cảm giác đau đớn đó lại buốt lên. Mắt tôi xót xa chắc vì khóc quá nhiều. Tôi đang nằm trên cái gì đó khá mềm mại. Một hồi định thần lại tôi mới biết bây giờ đã là đêm, và tôi đang ở ngoài trời. Cái lạnh ban đêm khiến tôi rùng mình khi nó bất chợt gửi lời chào hỏi. Tôi cố gắng đứng dậy, một người đàn ông nhận ra tôi đã tỉnh lại, nhanh chóng đỡ tôi dậy. Tay ông vẫn cầm mảnh vải ướt, nhìn tôi thật lo lắng.“Con nó tỉnh lại rồi, bà ơi!”. Giọng của ông nhỏ nhẹ, tay ông lay chiếc áo sau tôi. Tôi ngạc nhiên tròn mắt nhìn ông, quay lại mới thấy mình vừa nằm trên mình người phụ nữ trong khung cảnh vừa rồi. Bà vẫn đang ôm em bé, giờ đang thiu thiu ngủ, vừa nhìn tôi thật thương tâm: “Lan, con có sao không? Con khóc nhiều quá khiến mọi người chú ý nên mới bị đánh ngất đi. Giờ còn đau không?”Tôi đưa tay lên đầu, cục u thật to đang nằm sau ót lại nhói đau. Người đàn ông bế tôi vào lòng, tay xoa xoa đầu tôi thật nhẹ nhàng. Tôi càng thêm ngạc nhiên khi thấy mình thật bé nhỏ, lọt thỏm vào lòng ông. Người ông thật rắn chắn. Nhờ có ành lửa bập bùng, giờ tôi nhận ra mọi người ở đây đều mặc đồ thật khác biệt, như khiểu đồ trong các tuồng cải lương tôi thường hay xem hồi còn học tiểu học, phụ nữ mặc váy dài, tay áo cũng dài, đàn ông mặc quần và áo dài, tay áo ngắn hơn cùng thắt lưng ngang bụng. quần áo của tôi được may bằng gấm không có hoa văn nào với hai ba lớp áo chống lạnh. Trong cùng hình như là một cái áo yếm trắng. Tay chân tôi nhỏ nhắn chỉ bắng nửa tay người đàn ông là cùng. Mọi thứ về cái kết quả chết tiệt đã nhanh chóng qua đi, tôi đang hoang mang: “Tôi đang ở đâu đây?”Tôi im lặng không nói gì, nhưng trong đầu là một chuỗi những câu hỏi xẹt qua lại như điện giật: “Mình đang ở đâu đây? Mình về quá khứ sao? Mình về thời gian nào? Hay mình bị xe đụng bay vào phim trường của người ta? Không không, sao tay chân mình lại bé thế này? Mình đền thế giới khổng lồ sao? Hay là mình mơ sao?”. Chắc là mơ rồi, vì làm sao có chuyện đi về quá khứ, một người chuyên Lí như tôi, lại chuẩn bị lấy một tấm bằng cử nhân Kỹ Thuật Hóa Học từ đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh làm sao có thể tin vào chuyện này? “Tuy là mình đọc nhiều mấy cuốn truyện tàu đi về quá khứ, nhưng mà đó chỉ là mấy chuyện vớ vẩn không có nguyên lí khoa học. Muốn về quá khứ phải, phải..Hay là …mơ thật rồi?”Tôi tự nhiên bật cười, lấy tay phải nhéo tay trái một cái. Á, Đau! Chết thật, không phải mơ sao? Hai người kia nhìn tôi lo lắng! Người phụ nữ nói: “Lan, con có sao không? Sao lại cười rồi lại tự nhéo mình như thế?”. Tôi hoang mang hỏi lại: “ Tôi là ai? Sao tôi lại ở đây? Đây là đâu? Đây là lúc nào? Hai người là ai?”. Người đàn ông nhìn tôi: “Lan, con đừng đùa, ngay cà thầy dì con mà con cũng không nhận ra sao? Con ngạc nhiên và tức giận vì nhà ta bị bắt đi về kinh, nhưng bầm và mợ con cùng các anh con đã được đưa đi trốn trước nên con làm trò dọa thầy và dì con phải không?”“Cái gì mà “Thầy, bầm, mợ, dì[1]” tùm lum vậy? Thầy là ba thì mình biết, nhưng bầm là mẹ, vậy người phụ nữ dì này sao lại như mẹ mình thế này?”. Tôi thật càng thêm rối rắm, thôi đành phải giả vở giả vịt một chút vậy: “Con thật không nhớ gì cả, hai người có thể nói cho con nghe không?”. Hai người kia nhìn nhau đau đớn, vẫn tiếp tục hỏi đi hỏi lại có thật là tôi không nhớ gì không? Vẩn ngây thơ, tôi nói thật là mình không nhớ gì, và nhận được câu trả lời từ người đàn ông: “Có khi đây là ý trời rồi, bà ạ! Tốt nhất là đừng để nó biết gì nhiều.”“Cái gì? Trời ơi? Ý ông là sao đây? Ông cho tôi đến đây để rồi hai người tự xưng là thầy dì tôi không muốn cho tôi biết gì nhiều là sao? Sao cái số tôi nó khổ thế này hả trời?” Tôi nỉ non thêm một chút nhưng người đàn ông nghiêm mặt ra hiệu cho người phụ nữ câm bặt không nói thêm nhiều lời. Tôi cũng đành bó tay, nằm xuống đất ngủ.Nhưng rồi tự nhiên trong cái lạnh ban đêm bất thường này, tôi chắc chắn đây không phải là thành phố nhiệt đới yêu dấu tôi biết hai mươi hai năm trời rôi. Cái lạnh dần dần thấu xương, tôi co ro cuộn người lại trong mấy lớp áo. Người đàn ông sắc mặt đau khổ, đưa tay ra nhấc tôi lại vào lòng vì trong lúc tra khảo tôi ông đã nhấc tôi ra trước mặt để tiện đối chấp. Bỗng nhiên tôi nhớ ba mình vô kể, từ hồi còn bé đến năm lớp hai, tôi vẫn ngủ chung với ba. Giờ bỗng nhớ cái cảm giác ôm cánh tay rắn chắc của ông mà ngủ tột cùng. Hình như tôi lại bé lại, thật là yếu ớt.Tôi lặng im nhắm mắt lại, nhớ ba mẹ quá đi, chẳng lẽ ở hiện tại tôi đã chết rôi? Không biết ông bà ra sao? Có đau lòng lắm không? Tôi muốn về nhà, bất kể có được khá hay không, tôi muốn được gặp lại anh trai em gái, bất kể họ có chế giễu tôi như thế nào. Mới có mấy tiếng đồng hồ tại đây mà tôi đã nhớ họ rồi, làm sao tôi lại có thể làm họ đau lòng như vậy? Một giọt nước mắt ấm lăn dài trên má tôi, trong cái khí hậu này, nó như nóng hổi, vẫn tiếp tục lăn bất kể sự chống chọi của đôi mắt non nớt sưng húp này.“Dậy đi con, dậy đi nào!” Tiếng người lay tôi bần bật. Tôi thật mong ước tôi lại được ba gọi dậy đi học như thủa nào. Nhưng không, đây vẫn là chỗ khỉ ho cò gáy ấy. Lúc tôi tỉnh dậy trời mới lờ mờ sáng, chắc khoảng 3-4 giờ sáng. Có ánh sáng tôi mới thấy được thật sự bốn người chúng tôi đang ở trong một vòng vây quân lính thời xưa thật to, chắc khoảng mấy chục người. Hình như người đàn ông này cũng rất được nể trọng, họ tuy vây ông và gia đình như thê nhưng cũng khá tôn trọng sự riêng tư của gia đình ông. Thế nên hôm qua tôi mới không nhận ra luôn có người khác ở xa nghe ngóng chúng tôi nói chuyện.Ông đỡ tôi lên, phủi bụi trên quần áo tôi, cùng lúc khẽ nói với tôi: “Lúc qua bến Sơn Đông, thầy sẽ nhảy xuống. Con và dì nhân dịp bế em chạy đi. Chạy đi rồi kiếm một người tên là Nguyễn Trãi, đưa cho ông ta bức thư này, nhờ ông ấy an bài cho ba mẹ con trốn đi. Ông ấy là bác họ của con, nhớ lấy nhé!”. Nói rồi nhét cho tôi một lá thư vào áo trong, dùng thắt lưng thít chặt lại cho khít. Đầu tôi quay mòng mòng: “Danh nhân Nguyễn Trãi là bác họ mình? Vậy là mình về quá khứ thật rồi. Vậy ông ta là ai?”.Nắm chặt lấy tay ông, người phụ nữ nước mắt lã chã: “Tướng quân, ngài đừng làm điều gì dại dột, ngài vì con và tôi mà sống, tôi nghĩ hoàng thượng hiểu lầm nên mới có chuyện này thôi.”. Người đàn ông khẽ gắt: “Bà đừng bù lu bù loa lên, hoàng thượng nghe lời gièm pha tôi xây thành tích lũy, có mưu đồ tạo phản, lại là con cháu đời vua Trần trước đây, làm sao mà có thể thoát. Tôi thà rằng chết vinh còn hơn sống nhục. Ít ra còn có ít thời gian cho bà và con chạy đi. Tôi thật xin lỗi không đưa bà đi trốn kịp.” Người phụ nữ thút thít, đưa đứa bé cho tôi: “Lan ơi, đây là em gái con, nhỡ dì có chuyện gì, nhớ bảo vệ cho em nhé!” rồi quay lại người đàn ông: “Tướng quân mà có chuyện gì, tôi nguyện tuẫn tiết cùng ngài.” Nói rồi lại khóc. Người đàn ông khuyên nhủ: “Bà làm sao vậy? Cái Lan nó mới có tám tuổi, bà mà đi cùng tôi, làm sao nó lo toan cho mình với đứa em chưa đầy năm?” Rồi ông lại lấy em bé từ tay tôi: “Nó còn bé quá, vì sinh nó mà bà chạy trốn sớm không được nên mới bị bắt thế này, thôi thì đặt tên cho nó là Vi[2] vậy. Mong bà và con có thể chạy trốn an toàn.”Trong lúc hai người nói chuyện, tôi đang lắp ráp mấy cái kiến thức lịch sử mai một thời trung học: “Thầy tôi là em họ của Nguyễn Trãi, lại là con cháu vua Trần, vì vua hiện tại hiểu lầm hay toan tính mà bắt ông và vợ con về kinh chịu tội. Vợ ông một tướng quân, hai tướng quân, ông chắc cũng phải làm tướng to trong cung đình hiện nay. Sau nhà Trần là nhà Hồ, sau đó bị quân Minh đánh phá. Nguyễn Trãi vẫn còn, mà hiện giờ hình như là thái bình, vậy là đang nhà Hậu Lê sao? Thế kỉ 15 sao? Vậy đây là, là…” Đầu óc tôi choáng váng như mình đang làm nhân vật chính trong “Ai là triệu phú” vậy. Tất cả các chứng cứ đang ráp lại trong cái đầu óc chỉ dựa vào trí nhớ tạm thời là chính của tôi. Tên tên ông này là ai ta? Sao đột nhiên mình lại không nhớ gì vậy ta?“Trần tướng quân, ông và phu nhân cùng hai tiểu thư phải đi rồi!” Một người lính trông bộ hiện lành đến báo. Anh nheo mắt nhìn tôi: “Tiểu thư, lần này phải đi hơi xa một chút, chúng tôi sẽ thuê xe ngựa sau bến Sơn Đông cho người đi, đừng khóc như hôm qua nữa nhé!”. Tôi hơi mỉm cười, cám ơn anh đã chắc chắn cho tôi một chữ để biết được tên họ mình: Trần Lan, nghe không quá tệ đấy chứ! Nhưng với cái số làm con của kẻ tạo phản, không biết tôi còn sống được bao lâu đây.Đưa con lại cho người phụ nữ, Trần tướng quân cầm tay tôi dắt đi theo anh lính. Đi theo là phu nhân và đứa bé. Đường đi dài qua nhiều cánh đồng xám xịt, thời tiết lạnh càng chứng minh cho tôi thấy đây là mùa đông của bắc bộ, một mùa đông mà tôi chưa từng trải qua, chỉ nghe chữ rét qua miệng ba mẹ tôi lúc nào đó đã nhắc đến. Đường đất bập bềnh nhưng cũng khá phẳng, chúng tôi vẫn đang băng băng đi. Các lũy tre xào xạc trong gió đông như đưa tiễn chúng tôi vậy. Từ sáng chưa được an gì mà đã bắt đi bộ tiên tục, cơ thể bé nhỏ của tôi đang dần dần mệt mỏi. Đi mãi, đi mãi mới đến được một bến sông. Người trưởng đoàn lính mới cho nghỉ chở thuyền. Người lính hiền nọ thấy tôi thở hổn hển, mặt không tốt đưa cho tôi chút nước trong ống tre và tấm bánh đúc gói trong lá chuối, nói với Trần tướng quân: “Tướng quân, tôi thấy tiểu thư từ tối qua chưa ăn gì, chắc đói lắm rồi, ông cho tiểu thư nhận ít lòng thành của tôi.” Trần tướng quân nhìn anh cảm động rồi gật đầu cho phép tôi nhận bánh.Tôi chưa bao giờ thấy miếng bánh đúc nào ngon đến thế. Thật là ẩm thực Việt Nam muôn năm. Nhưng mới ăn được hai miếng, miệng tôi đắng ngắt khi nghĩ đến cũng tấm bánh đúc mẹ tôi thường mua sáng sớm khi đi chợ về, mà tôi thì cứ ngúng nguẩy không chịu ăn uống đàng hoàng, kêu nó là thứ vô vị. Nước mắt chưa gì đã rơi lã chã lần nữa. Trần tướng quân bên cạnh kéo tôi đứng trước mặt mắng: “Ngươi thân là con gái Trần Nguyên Hãn, chịu biết bao nhiêu khổ cực thời chiến tranh, giết được bao nhiêu giặc Minh, phần nào giúp được đất nước yên bình. Một thân thầy ngươi làm tướng đánh Tân Bình, Thuận Hoa, thắng tại Đông Bộ Đầu, hạ thanh Xương Giang, lại được Bệ Hạ phong đến chức Tả Tướng Quốc cùng Khu Mật Đại Sứ. Tuy ta đã xin về vườn, nhưng danh tiếng vẫn còn đó, ngươi không được chịu khổ một chút là đã khóc, làm nhơ danh tiếng của nhà ta.”Tôi khẽ gật đầu, mở to mắt để tránh những giọt nước mắt tuôn thêm, nhìn ông trân trối. Người đàn ông nhìn thoáng qua như đã tứ tuần, sau nhiều gian truân như vậy mà sắp phải vào cõi chết. Phải đây chính là Trần Nguyên Hãn chăng? Cái người được tạc tượng tướng quân trên ngựa, một tay cầm yên, một tay nhận chim bồ câu ở cái ngã ba đối diện ngay chợ Bến Thành đây sao? Tượng này lần nào cũng khiến tôi ngước mắt lên nhìn mỗi khi ngồi sau xe ba chở đi đến các trung tâm học thêm thời cấp hai, giờ đây đối diện người thật, tôi không khỏi không thêm phần khâm phục.Thuyền đến nơi, chúng tôi bước vào chiếc thuyền gỗ, đi tiếp qua sông. Tôi đưa chiếc bánh an dở cho người phụ nữ kia: “Dì ơi, dì còn phải nuôi em, nên ăn chút gì đi!”. Người phụ nữ ngạc nhiên, nhưng nhìn ánh mắt chân thành của tôi, bà khẽ nở nụ cười âu yếm: “Lan nhi của ta, con cũng lớn rồi!” rồi nhận lấy chiếc bánh, bẻ nửa đưa cho tướng quân: “Đây là chiếc bánh nhà ta cùng chia sẻ, ngài chắc cũng đói rồi!”. Tướng quân cười rồi cùng bà thong thả ăn bánh. Chiếc bánh nhỏ nhoi vậy mà lại được dùng để đưa tiễn ngài, tôi chua xót nghĩ. Ít ra vậy ngài cũng không làm ma đói, không xóa nhơ thanh danh của ngài tích lũy bấy lâu nay.Em bé rất ngoan, thường ngủ nhiều. Tôi nhận ra bé rất xinh khi ôm bé trong lòng lúc phu nhân ăn bánh cùng chồng. Tã lót cũng được phu nhân trong lúc tôi không để ý, thay đổi từ lúc nào. Phu nhân mang theo một bọc vải, tôi đoán là đồ dùng cho em bé. Cả nhà bị bắt đi như thế này, không có một gia nhân nào theo, thật là khổ. Thật không ngờ, tôi còn làm được con gái Trần Nguyên Hãn.Suy nghĩ mộ hồi, thuyền đã cập bến. Anh lính hiền dắt tôi lên bờ, sau đó là phu nhân và em bé. Nhân lúc mọi người không để ý, Trần Nguyên Hán tướng quân đẩy hai anh lính ra, hét lên với trời: “Tôi với Hoàng Thượng cùng mưu cứu nước, cứu dân, nay sự nghiệp lớn đã thành, Hoàng Thượng nghe lơi gièm mà hại tôi. Hoàng Thượng có biết không?” Nói rồi chạy ra khỏi vòng lính, dầm mình xuống sông mà tự tử. Nhân dịp loạn sau vụ việc, phu nhân lén dắt tôi chạy ra dấu ở một bụi tre, đưa cho tôi cái bọc, nói tôi nằm im, rồi bà bế em chạy đi hướng khác. Binh lính phát hiện phu nhân mất tích tỏa đi tìm, một lúc đã bắt lại phu nhân cùng em bé. Tôi muốn chạy ra nhưng nhìn thấy mắt bà giàn dụa khẽ lắc đầu, lại phải nén nước mắt mà thôi.
[1] Thầy chỉ cha, bầm chỉ mẹ ở địa phương, mợ và dì cũng chỉ mẹ ở các địa phương, ở đây dùng là có ý nghĩa là cấp bậc của các bà trong nhà ông như mẹ cả, mẹ hai, mẹ ba,… (không biết thời đó có dùng những từ địa phương này không nữa)
[2] Trốn, dấu, ẩn tàng như trong tinh vi